SQL là một trong những ngôn ngữ truy vấn phổ biến nhất để tương tác và quản lý cơ sở dữ liệu một cách hiệu quả. Trong nhiều lĩnh vực, kỹ năng về SQL Database không chỉ là một lợi thế mà còn là một yêu cầu thiết yếu đối với các chuyên gia IT, từ quản trị cơ sở dữ liệu đến nhà phân tích dữ liệu và nhà phát triển phần mềm.

Đọc bài viết này để hiểu rõ:

  • SQL là gì? SQL Database là gì? Vì sao SQL Database được ưa chuộng?
  • Cách SQL Database hoạt động
  • Các tính năng, ưu, nhược điểm của SQL Database
  • Các lệnh và truy vấn cơ bản trong SQL Database
  • Các hệ quản trị cơ sở dữ liệu SQL phổ biến
  • SQL Database có gì khác NoSQL?

SQL là gì? SQL Database là gì?

SQL (Structured Query Language) là ngôn ngữ truy vấn có cấu trúc, được sử dụng để quản lý và thao tác với dữ liệu, từ truy vấn, tạo, cập nhật và xóa dữ liệu, thậm chí là thay đổi cấu trúc dữ liệu. SQL phổ biến trong lĩnh vực hệ thống thông tin và hệ thống cơ sở dữ liệu quan hệ (RDBMS) do tính linh hoạt, đơn giản, khả năng tổ chức và quản lý lượng lớn dữ liệu với định dạng bảng.

SQL Database đề cập đến các hệ quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ sử dụng ngôn ngữ SQL, bao gồm những cái tên phổ biến như Oracle, MySQL, PostgreSQL và Microsoft SQL Server,…

Đọc thêm: SQL là gì? Truy vấn cơ sở dữ liệu là gì?

Lịch sử phát triển của SQL 

Khởi đầu của SQL:

  • Năm 1970:  E.F. Codd công bố “A Relational Model of Data for Large Shared Data Banks”, đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên của ý tưởng về mô hình dữ liệu quan hệ.
  • Năm 1974: các nhà nghiên cứu của IBM giới thiệu ngôn ngữ truy vấn cấu trúc, ban đầu được gọi là SEQUEL hoặc Structured English Query Language.

Quá trình chuẩn hoá SQL:

  • Năm 1986: Viện tiêu chuẩn quốc gia  Hoa Kỳ (ANSI) chấp nhận SQL là một tiêu chuẩn.
  • Năm 1992: phiên bản SQL-92 được phê duyệt và phát hành, đánh dấu sự hoàn thiện lớn của SQL.

Giai đoạn mở rộng tính năng và đa dạng hóa các phiên bản:

  • Năm 1999: phát hành phiên bản SQL:1999 bổ sung tính năng lập trình và hỗ trợ cho Java.
  • Năm 2003: phiên bản SQL:2003 bổ sung hỗ trợ cho kiểu dữ liệu XML.
  • Năm 2009: phiên bản SQL:2009 tiếp tục mở rộng tính năng của SQL.
  • Năm 2011: phiên bản SQL:2011 cải thiện hỗ trợ cho cơ sở dữ liệu quan hệ chứa dữ liệu thời gian.

Kết hợp với các công nghệ hiện tại: 

  • Ngày nay, SQL có khả năng kết hợp với nhiều hệ quản trị lớn như MySQL, PostgreSQL, Microsoft SQL Server…. và cải được cải thiện khả năng tương thích. 
  • Năm 2016: Phiên bản SQL:2016 bổ sung các tính năng mới tùy chọn, bao gồm các thay đổi liên quan đến JavaScript Object Notation, hỗ trợ cho các hàm bảng đa hình và phù hợp với mẫu hàng, mở ra các tiềm năng mới và đa dạng hóa cho SQL.

Các tính năng của SQL Database

Các cơ sở dữ liệu sử dụng SQL có các tính năng chung nổi bật sau:

  • Thao tác dễ dàng: SQL Database cho phép thực hiện các thao tác như truy cập, kiểm tra và điều chỉnh dữ liệu dễ dàng, giúp tiết kiệm thời gian cho các nhiệm vụ như lọc, sắp xếp và tổng hợp dữ liệu. Ngoài ra, nó cho phép truy xuất một lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng và hiệu quả.
  • Quản lý dễ dàng: SQL Database cho phép quản lý cơ sở dữ liệu mà không cần biết nhiều về lập trình, giúp tiết kiệm thời gian và công sức.
  • Xử lý truy vấn nhanh chóng và hiệu quả.
  • Bảo mật tốt: SQL Database cung cấp các tính năng bảo mật tốt như xác thực, kiểm soát truy cập, lưu lượng kiểm toán và mã hóa, giúp dễ dàng quản lý quyền hạn và đảm bảo an ninh cho dữ liệu.
  • Khả năng tương thích rộng rãi: SQL Database có thể tương thích rộng rãi trong các hệ thống IT khác nhau và tương thích với nhiều ngôn ngữ khác nhau.
  • Khả năng mở rộng linh hoạt: SQL Database có thể mở rộng dễ dàng để đáp ứng sự phát triển trong tương lai, phù hợp cho cả doanh nghiệp nhỏ và lớn.
  • Tính linh hoạt: SQL linh hoạt khi làm việc với nhiều hệ thống cơ sở dữ liệu khác nhau như Oracle, IBM, Microsoft,….

Vai trò quan trọng của SQL Database

Dưới đây là những lý do vì sao SQL Database được sử dụng rộng rãi và đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực dữ liệu:

  • SQL là nền móng của ngành công nghiệp dữ liệu: SQL được sử dụng rộng rãi bởi các lập trình viên phân tích dữ liệu, khoa học dữ liệu và phát triển cơ sở dữ liệu.
  • Phổ biến và linh hoạt: SQL là một ngôn ngữ phổ biến và có khả năng chuyển đổi, có thể được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau, từ phân tích dữ liệu đến phát triển phần mềm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác và giao tiếp với cộng đồng lập trình rộng lớn.
  • Là kỹ năng được săn đón: Kỹ năng làm việc với SQL Database là một trong những kỹ năng quan trọng thường được yêu cầu nhiều trong lĩnh vực khoa học dữ liệu và phát triển phần mềm.
  • Cộng đồng hỗ trợ lớn mạnh: SQL là một ngôn ngữ được nhiều hệ quản trị CSDL sử dụng, mặc dù không phải tất cả chúng đều là mã nguồn mở nhưng SQL vẫn thu hút một cộng đồng lập trình viên lớn mạnh, thường xuyên cung cấp cập nhật và hỗ trợ cho người dùng.
  • Tiết kiệm chi phí: SQL là ngôn ngữ mã nguồn mở nên có giá thành hiệu quả hơn so với các giải pháp độc quyền. Do đó, SQL Database là lựa chọn lý tưởng cho các tổ chức có ngân sách hạn chế.

SQL Database hoạt động như thế nào?

Cách SQL Database hoạt động bao gồm việc thực thi các lệnh truy vấn đến máy chủ, sau đó máy chủ xử lý các truy vấn này và trả về kết quả. Quá trình này liên quan đến các thành phần sau:

1. Trình phân tích cú pháp (Parser): Bắt đầu bằng việc chia lệnh SQL thành các thành phần nhỏ như từ khóa và ký tự đặc biệt. 

  • Máy chủ sẽ kiểm tra cú pháp và ngữ nghĩa của câu lệnh SQL để đảm bảo hợp lệ theo quy tắc của SQL. Ví dụ, nếu câu lệnh SQL có một từ khóa không hợp lệ hoặc có thứ tự sai trong câu lệnh SELECT, máy chủ sẽ báo lỗi.
  • Máy chủ cũng kiểm tra quyền truy cập của người dùng để đảm bảo rằng họ có quyền thực hiện thao tác dữ liệu tương ứng. Ví dụ, chỉ người dùng quản trị mới có quyền xóa dữ liệu.

2. Bộ máy truy vấn liên kết (Relational Engine): Tạo ra một kế hoạch để truy xuất, ghi hoặc cập nhật dữ liệu tương ứng một cách hiệu quả nhất.

Ví dụ, nó kiểm tra các truy vấn tương tự, tái sử dụng các phương pháp xử lý dữ liệu trước đó hoặc tạo ra một kế hoạch mới. Kế hoạch này được viết dưới dạng mã trung gian của lệnh SQL gọi là bytecode. Cơ sở dữ liệu quan hệ sử dụng bytecode để thực hiện tìm kiếm và sửa đổi cơ sở dữ liệu một cách hiệu quả.

3. Bộ máy lưu trữ (Storage Engine): Xử lý bytecode và chạy lệnh SQL tương ứng. Nó đọc và lưu trữ dữ liệu trong các tệp cơ sở dữ liệu trên ổ đĩa vật lý. Khi hoàn thành, bộ máy lưu trữ trả kết quả cho ứng dụng yêu cầu.

Các ngôn ngữ trong SQL Database

Các ngôn ngữ được sử dụng trong SQL Database bao gồm:

Data Definition Language (DDL) – Ngôn ngữ định nghĩa dữ liệu

Các lệnh DDL cũng được gọi là các lệnh định nghĩa dữ liệu vì chúng được sử dụng để định nghĩa các bảng dữ liệu.

Các lệnh này bao gồm một số loại phổ biến như CREATE để tạo bảng mới, ALTER để thay đổi cấu trúc của bảng, DROP để xóa bỏ bảng, …

Data Manipulation Language (DML) – Ngôn ngữ thao tác dữ liệu

Các lệnh DML được sử dụng để thao tác với dữ liệu trong các bảng hiện có bằng cách thêm, sửa đổi hoặc xóa dữ liệu.

Các lệnh DML bao gồm INSERT để thêm dữ liệu mới, UPDATE để cập nhật dữ liệu và DELETE để xóa bỏ dữ liệu.

Data Query Language (DQL) – Ngôn ngữ truy vấn dữ liệu

Chỉ gồm lệnh SELECT, được sử dụng để truy vấn và lấy dữ liệu cụ thể từ các bảng.

Data Control Language (DCL) – Ngôn ngữ kiểm soát dữ liệu

Các lệnh DCL được sử dụng để cấp phép hoặc thu hồi quyền truy cập của người dùng đối với các đối tượng trong cơ sở dữ liệu.

Ví dụ, lệnh GRANT được sử dụng để cấp quyền truy cập cho người dùng hoặc nhóm người dùng trên các đối tượng trong cơ sở dữ liệu.

Transaction Control Language (TCL) – Ngôn ngữ kiểm soát giao dịch

Các lệnh TCL được sử dụng để kiểm soát các giao dịch trong cơ sở dữ liệu.

Ví dụ, COMMIT được sử dụng để lưu trạng thái của một giao dịch, tất cả các thay đổi dữ liệu được áp dụng vào cơ sở dữ liệu vĩnh viễn và không thể được hủy bỏ sau đó; trong khi ROLLBACK được sử dụng để hủy bỏ tất cả các thay đổi đã được thực hiện trong một giao dịch chưa được COMMIT. Khi sử dụng lệnh ROLLBACK, cơ sở dữ liệu sẽ được đưa về trạng thái trước khi giao dịch bắt đầu, không có thay đổi nào được lưu trữ.

Các truy vấn cơ bản trong SQL

Các truy vấn bằng Data Definition Language

Tạo bảng (CREATE TABLE)

Để tạo một bảng mới trong cơ sở dữ liệu, chúng ta sử dụng lệnh CREATE TABLE và chỉ định tên của bảng, các cột cùng với kiểu dữ liệu và ràng buộc.

Ví dụ để tạo 1 bảng Employees có các thuộc tính EmployeeID, Last Name, FirstName, HireDate ta viết cú pháp như sau:

CREATE TABLE Employees (

 EmployeeID INT PRIMARY KEY,

 LastName VARCHAR(50), 

 FirstName VARCHAR(50),

 HireDate DATE 

);

Thay đổi cấu trúc bảng (ALTER TABLE)

Sử dụng câu lệnh ALTER TABLE để thay đổi cấu trúc của bảng đã tồn tại. Ví dụ như thêm một cột mới là Email vào bảng Employees, ta viết cú pháp như sau:

ALTER TABLE Employees 

ADD Email VARCHAR(100);

Xóa bảng (DROP TABLE)

Sử dụng DROP TABLE để xóa một bảng khỏi cơ sở dữ liệu.

Ví dụ để xóa bảng Employees khỏi cơ sở dữ liệu, ta viết cú pháp như sau:

DROP TABLE Employees;

Các truy vấn bằng Data Manipulation Language

Thêm dữ liệu vào bảng (INSERT INTO)

Ví dụ để thêm các bản ghi vào bảng Employees, ta viết cú pháp như sau:

INSERT INTO Employees (EmployeeID, LastName, FirstName, HireDate, Email) 

VALUES

 (1, 'Nguyen', 'A', '2023-01-15', NULL),

 (2, 'Tran', 'B', '2022-11-30', 'b@example.com'),

 (3, 'Le', 'C', '2023-03-20', 'c@example.com');

Cập nhật dữ liệu trong bảng (UPDATE)

Lệnh UPDATE cho phép thay đổi giá trị của một hoặc nhiều cột trong một hoặc nhiều hàng dữ liệu trong bảng. Ví dụ, để đổi FirstName của nhân viên có EmployeeID là 1 từ ‘A’ thành ‘An’ có thể viết cú pháp như sau:

UPDATE Employees 

SET FirstName = 'An' 

WHERE EmployeeID = 1;

Xóa bỏ dữ liệu khỏi bảng (DELETE FROM)

Lệnh DELETE FROM cho phép xóa một hoặc nhiều hàng dữ liệu từ một bảng trong cơ sở dữ liệu. Ví dụ để xóa thông tin của nhân viên có EmployeeID là 1 ra khỏi bảng Employee, ta có thể viết như sau:

DELETE FROM Employees 

WHERE EmployeeID = 1;

Các truy vấn bằng Data Query Language

Truy vấn dữ liệu từ bảng (SELECT)

Lệnh SELECT cho phép chọn các cột và hàng dữ liệu từ một hoặc nhiều bảng trong cơ sở dữ liệu. Ví dụ để lấy tất cả thông tin về nhân viên từ bảng Employees, ta viết như sau:

SELECT * FROM Employees;

Kết quả:

Các truy vấn bằng Data Control Language 

Cấp quyền truy cập cho người dùng (GRANT)

Ví dụ để cấp quyền SELECT và INSERT cho người dùng User1 trên bảng Employees, ta có thể viết như sau:

GRANT SELECT, INSERT ON Employees TO User1;

Thu hồi quyền truy cập của người dùng (REVOKE)

Ví dụ để thu hồi quyền SELECT và INSERT của người dùng User1 trên bảng Employees ta viết như sau:

REVOKE SELECT, INSERT ON Employees FROM User1;

Các truy vấn bằng Transaction Control Language (TCL)

Giả sử chúng ta đang thực hiện một giao dịch để cập nhật thông tin của nhân viên trong bảng “Employees”. Trong giao dịch này, chúng ta sẽ cập nhật FirstName của nhân viên có “EmployeeID” là 2 từ “B” thành “C”. Sau đó, chúng ta sẽ kiểm tra lại kết quả và quyết định có lưu thay đổi hay không.

— Bắt đầu giao dịch 

BEGIN TRANSACTION; 

— Cập nhật tên của nhân viên có EmployeeID là 2 từ “B” thành “C” UPDATE Employees SET FirstName = ‘C’ 

WHERE EmployeeID = 2

— Kiểm tra lại kết quả cập nhật 

SELECT * FROM Employees 

WHERE EmployeeID = 2 

— Nếu kết quả là đúng, lưu thay đổi vào cơ sở dữ liệu 

COMMIT; 

— Nếu kết quả không đúng hoặc có lỗi, hủy bỏ tất cả các thay đổi đã thực hiện trong giao dịch 

ROLLBACK;

Lưu ý khi truy vấn bằng SQL

  • SQL không tự động thực hiện commit hay rollback sau khi kiểm tra kết quả.
  • Việc commit hay rollback thường được quản lý bằng logic trong ứng dụng hoặc trong một khối code có điều kiện.
  • SQL một mình không tự động quyết định việc này dựa trên kết quả truy vấn.

Ưu điểm của SQL Database

  • Dễ sử dụng: SQL là ngôn ngữ đơn giản và dễ học, với cú pháp trực quan và dễ hiểu. Ngôn ngữ này có cú pháp đơn giản, gần gũi với ngôn ngữ tự nhiên, giúp người mới bắt đầu dễ dàng tiếp cận , khiến nó dễ tiếp cận cho cả người mới bắt đầu và lập trình viên có kinh nghiệm.
  • Tiêu chuẩn hóa: SQL là ngôn ngữ tiêu chuẩn, đảm bảo tính nhất quán và tương thích trên các hệ quản trị cơ sở dữ liệu khác nhau.
  • Truy vấn mạnh mẽ: SQL được coi là một ngôn ngữ truy vấn mạnh mẽ vì nó cho phép người dùng diễn đạt những gì họ muốn đạt được mà không cần chỉ định cách thức để đạt được điều đó. Trong SQL Database, người dùng chỉ cần mô tả một cách rõ ràng các yêu cầu về dữ liệu mà họ muốn, mà không cần phải chỉ ra cách thức cụ thể để truy vấn dữ liệu đó. Hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ tự động xác định cách thức tối ưu nhất để thực hiện truy vấn dựa trên cấu trúc dữ liệu và các chỉ mục có sẵn.
  • Linh hoạt: SQL cung cấp khả năng linh hoạt cao trong việc truy vấn và thao tác dữ liệu, cho phép thực hiện nhiều thao tác khác nhau từ trích xuất dữ liệu đến cập nhật, xóa,… và thậm chí thay đổi cấu trúc dữ liệu trên lược đồ (schema) và hệ thống cơ sở dữ liệu. 
  • Đảm bảo tính toàn vẹn: Trong SQL Database, tính toàn vẹn dữ liệu được đảm bảo thông qua việc sử dụng các ràng buộc như khóa chính và khóa ngoại. Điều này đảm bảo rằng thông tin trong cơ sở dữ liệu luôn được duy trì chính xác và tin cậy.
  • Hỗ trợ transaction: SQL Database hỗ trợ các tính chất ACID (Atomicity, Consistency, Isolation, Durability), đảm bảo tính đáng tin cậy của các giao dịch cơ sở dữ liệu.
  • Bảo mật: QL Database cung cấp các tính năng bảo mật mạnh mẽ, bao gồm xác thực người dùng, phân quyền và mã hóa.
  • Cộng đồng lớn và tích cực: Cộng đồng sử dụng SQL Database luôn sẵn sàng cung cấp nhiều tài nguyên, tổ chức các diễn đàn cho các lập trình viên.

Hạn chế của SQL Database

  • Khó mở rộng theo chiều ngang: SQL Database chỉ hỗ trợ mở rộng theo chiều dọc bằng cách nâng cấp phần cứng, gặp khó khăn khi cần mở rộng theo chiều ngang, đặc biệt là với tập dữ liệu lớn và lưu lượng cao.
  • Phức tạp để tối ưu và bảo trì: Thiết kế cơ sở dữ liệu của SQL Database có thể khó tối ưu hóa và bảo trì.
  • Khả năng xử lý thời gian thực còn hạn chế: SQL Database có thể không được ưa chuộng cho doanh nghiệp và các ứng dụng thời gian thực do độ trễ có thể xảy ra trong xử lý dữ liệu.
  • Chi phí cao cho các tính năng tiên tiến: Một số SQL Database thương mại có thể tốn kém, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp lớn cần các tính năng và hỗ trợ tiên tiến.
  • Hỗ trợ hạn chế cho cơ sở dữ liệu phi cấu trúc: SQL chủ yếu được thiết kế cho dữ liệu có cấu trúc, làm cho nó ít phù hợp cho việc xử lý các loại cơ sở dữ liệu phi có cấu trúc như hình ảnh hoặc video.
  • Khó học: Mặc dù kiến thức cơ bản về SQL Database khá dễ hiểu, nhưng việc học SQL Database nâng cao và các kỹ thuật tối ưu hóa có thể là thách thức không nhỏ đối với chuyên gia IT.
  • Rủi ro mất dữ liệu: SQL Database thường sử dụng kiến trúc tập trung với một cơ sở dữ liệu trung tâm lưu trữ tất cả dữ liệu. Điều này có nghĩa là nếu cơ sở dữ liệu trung tâm gặp sự cố, nó có thể dẫn đến mất dữ liệu hoàn toàn, ảnh hưởng đến tất cả các ứng dụng phụ thuộc vào nó.
  • Ràng buộc về nhà cung cấp: Chuyển từ một nhà cung cấp SQL Database sang một nhà cung cấp khác có thể khó khăn do sự khác biệt về triển khai và tính năng.

Các lĩnh vực phổ biến ứng dụng SQL Database

SQL Database đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong thế giới dữ liệu hiện nay. Từ công ty phần mềm, ngân hàng, cơ quan chính phủ, trường đại học đến các tổ chức từ các ngành công nghiệp khác nhau đều dùng SQL Database để lưu trữ hồ sơ, quản lý dữ liệu và thực hiện các hoạt động kinh doanh quan trọng. Dưới đây là lĩnh vực phổ biến sử dụng SQL Database:

  • Hệ thống Tài chính: SQL Database hỗ trợ các ứng dụng quan trọng như hệ thống tài chính và xử lý thanh toán bằng cách cung cấp một lớp bảo mật bổ sung và hỗ trợ giao dịch an toàn.
  • Phân tích chiến lược doanh nghiệp: Các nhà phân tích sử dụng SQL Database để trích xuất báo cáo và phân tích dữ liệu, từ đó giúp các bộ phận như vận hành, nhân sự, bán hàng và tiếp thị đưa ra các chiến lược, quyết định phù hợp.
  • Các ứng dụng khác: SQL Database cũng được sử dụng trong các ứng dụng xử lý lượng lớn bộ dữ liệu có cấu trúc, hỗ trợ việc mở rộng và phát triển định kỳ.

Các hệ quản trị cơ sở dữ liệu SQL phổ biến

MySQL

MySQL là hệ quản trị cơ sở dữ liệu SQL mã nguồn mở phổ biến nhất và dễ sử dụng, được sử dụng rộng rãi cho việc phát triển ứng dụng web. Ngoài phiên bản mã nguồn mở được thiết kế để hỗ trợ các lệnh SQL cơ bản và transaction, MySQL còn có phiên bản thương mại (có tính phí), cung cấp một loạt các tiện ích mở rộng và plugin để cung cấp các chức năng bổ sung.

Đọc thêm: MySQL là gì? Tổng hợp kiến thức MySQL đầy đủ và dễ hiểu

PostgreSQL

PostgreSQL là một hệ quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ đối tượng (Object-Relational DBMS) được thiết kế để hỗ trợ các mô hình dữ liệu phức tạp và đa dạng hơn so với MySQL. Nó cung cấp một loạt các tính năng bao gồm khả năng mở rộng, bảo mật và hỗ trợ tự động tốt hơn thông qua giao diện dòng lệnh (Command-line interface) hoặc truy cập trực tiếp qua web. PostgreSQL hỗ trợ trên nhiều hệ điều hành như Windows, macOS và một số bản phân phối Linux khác nhau.

Ngoài ra, PostgreSQL còn hỗ trợ các thủ tục lưu trữ (stored procedure), cùng với một ngôn ngữ lập trình có tên PL/pgSQL được xây dựng trên cơ sở của SQL để hỗ trợ các giao dịch phức tạp và đảm bảo tuân thủ ACID (Atomicity, Consistency, Isolation, Durability).

Microsoft SQL Server

Microsoft SQL Server là một hệ quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ phổ biến khác, mã nguồn của nó được bảo mật và thuộc sở hữu của Microsoft. SQL Server hỗ trợ các hệ điều hành thông thường như Windows và Linux, cho phép truy cập thông qua giao diện dòng lệnh (CLI) và giao diện đồ họa (GUI). Nhờ khả năng bảo mật và bảo vệ dữ liệu vượt trội, Microsoft SQL Server thường được ưu tiên sử dụng trong các ứng dụng doanh nghiệp lớn so với các cơ sở dữ liệu SQL mã nguồn mở khác. Các doanh nghiệp có thể tận dụng một loạt các tính năng của phiên bản SQL Server hiện tại, bao gồm tính toàn vẹn tham chiếu, kiểm soát đa phiên bản, cũng như tính ổn định cao hơn.

Oracle Database

Oracle Database là một hệ thống cơ sở dữ liệu quan hệ thương mại, có mã nguồn đóng được phát triển bởi Oracle. Oracle Database hỗ trợ các hệ điều hành macOS, Windows và Linux, được sử dụng hiệu quả cho các ứng dụng lớn trên nhiều ngành công nghiệp và nổi tiếng với khả năng hỗ trợ tự động hóa quản lý dữ liệu và máy chủ.

Đọc thêm: Oracle Database là gì? Tìm hiểu Oracle Database A-Z 2024

So sánh các hệ quản trị cơ sở dữ liệu SQL

MySQL PostgreSQL Microsoft SQL Server Oracle Database
Giấy phép Mã nguồn mở (có bản thương mại của Oracle dưới dạng mã nguồn đóng) Mã nguồn mở Mã nguồn đóng

Mã nguồn đóng (có bản Express Edition miễn phí với chức năng giới hạn)

Mô hình dữ liệu

Quan hệ Quan hệ – đối tượng (Object-relational) Quan hệ Quan hệ
Độ phức tạp về cơ chế hoạt động Thấp – Trung bình Trung bình – cao Trung bình – cao

Trung bình – Cao

Tiện ích/ mô đun mở rộng

Có sẵn nhiều tiện ích  Có sẵn nhiều tiện ích Có nhiều tiện ích nhưng ít linh hoạt hơn PostgreSQL và MySQL

Có sẵn nhiều tiện ích nhưng bị giới hạn trong hệ sinh thái Oracle

SQL Database vs NoSQL

SQL Database và NoSQL là hai loại hình cơ sở dữ liệu phổ biến được sử dụng trong nhiều ứng dụng. SQL là một ngôn ngữ truy vấn tiêu chuẩn được sử dụng cho các hệ quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ, trong khi NoSQL, viết tắt của “Not Only SQL”, là một loại hệ quản trị cơ sở dữ liệu phi quan hệ, linh hoạt và có thể mở rộng. Dưới đây là một bảng so sánh các đặc điểm chính giữa SQL Database và NoSQL:

SQL Database NoSQL
Loại dữ liệu Có cấu trúc

Có cấu trúc, bán cấu trúc, phi cấu trúc

Loại cơ sở dữ liệu

Quan hệ Phi quan hệ
Cấu trúc/ schema Bảng

Đa dạng (tài liệu, khóa – giá trị, đồ thị)

Định dạng dữ liệu

Đã xử lý Dữ liệu thô hoặc ít xử lý
Tính linh hoạt Thường có tính linh hoạt thấp hơn vì dữ liệu được tổ chức trong các bảng có cấu trúc cố định

Thường có tính linh hoạt cao hơn. Các cơ sở dữ liệu NoSQL cho phép thay đổi cấu trúc dữ liệu một cách linh hoạt mà không cần thực hiện  việc thay đổi schema.

Tính sẵn có

Thường có tính sẵn có cao hơn. SQL databases thường có tính sẵn có cao với các tính năng như ACID (Atomicity, Consistency, Isolation, Durability), giao diện phong phú và các công cụ quản lý đa dạng. Thường có tính sẵn có thấp hơn. NoSQL databases có thể không đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu (như BASE – Basically Available, Soft state, Eventually consistent) và có thể không có các tính năng phong phú như SQL databases.
Tính toàn vẹn Luôn đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu

Có thể không đảm bảo (tùy thuộc vào loại cơ sở dữ liệu và cấu hình

Bạn có thể đọc thêm bài viết về NoSQL là gì

Câu hỏi thường gặp

SQL là cơ sở dữ liệu hay là sever?

SQL không phải là một cơ sở dữ liệu hoặc một máy chủ. SQL là một ngôn ngữ truy vấn được sử dụng để quản lý và tương tác với cơ sở dữ liệu quan hệ. Trong ngữ cảnh của cơ sở dữ liệu, “máy chủ” thường đề cập đến máy chủ cơ sở dữ liệu, nơi lưu trữ dữ liệu và quản lý cơ sở dữ liệu. Sự kết hợp của SQL và một máy chủ cơ sở dữ liệu cho phép bạn thao tác với dữ liệu được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu SQL.

Các vị trí IT nào cần kỹ năng SQL Database?

Một số vị trí IT cần kỹ năng SQL Database như:

  • Quản trị viên cơ sở dữ liệu (Database administrator): Người quản trị cơ sở dữ liệu cần hiểu sâu về SQL để quản lý, tối ưu hóa và bảo trì các hệ thống cơ sở dữ liệu. Họ sử dụng SQL để tạo, sửa đổi và xóa cơ sở dữ liệu, bảng dữ liệu, các ràng buộc, chỉ mục và quyền truy cập.
  • Phân tích dữ liệu (Data Analyst): Những người làm phân tích dữ liệu thường sử dụng SQL để truy vấn và trích xuất dữ liệu từ cơ sở dữ liệu, thực hiện các phép tính, lọc dữ liệu và tạo báo cáo.
  • Nhà khoa học dữ liệu (Data Scientist): Trong vai trò nhà khoa học dữ liệu, kỹ năng SQL có thể được sử dụng để trích xuất, tiền xử lý và khám phá dữ liệu, cũng như xây dựng và đánh giá các mô hình dự đoán và phân tích.
  • Kỹ sư phát triển phần mềm (Software Engineer): Lập trình viên cần biết SQL để tạo và thao tác với cơ sở dữ liệu trong các ứng dụng phần mềm. Họ sử dụng SQL để tạo và thực thi các truy vấn, lưu trữ thủ tục và chức năng, cũng như tương tác với cơ sở dữ liệu từ mã lập trình.

Tổng kết

Trong bài viết này, chúng ta đã khám phá các khía cạnh quan trọng của SQL và vai trò của nó trong thế giới dữ liệu ngày nay. SQL không chỉ là một ngôn ngữ truy vấn mạnh mẽ, mà còn là công cụ cơ bản đối với nhiều ngành công nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin khác nhau. Từ việc quản lý giao dịch tài chính đến phân tích dữ liệu kinh doanh và đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu, SQL đóng vai trò không thể phủ nhận trong việc xây dựng và vận hành các hệ thống thông tin hiệu quả. 

ITViec hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về SQL và những thông tin hữu ích để bắt đầu hoặc tiếp tục khám phá thế giới của ngôn ngữ truy vấn cơ sở dữ liệu phổ biến này.