Nếu bạn đam mê ngành công nghệ thông tin và muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này, bạn có thể xem xét trở thành một kiểm thử viên (Tester). Việc hiểu rõ về Tester roadmap có thể giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho hành trình sự nghiệp của bạn.
Đọc bài viết này để tìm hiểu ngay:
- Tester roadmap là gì? Lộ trình trở thành Tester
- Mức lương của Tester
- Lộ trình phát triển sự nghiệp Tester roadmap theo hướng truyền thống
- Lộ trình phát triển sự nghiệp Tester roadmap thay thế
Tester là gì?
Tester hay còn được gọi là chuyên viên kiểm thử, có trách nhiệm kiểm thử để đảm bảo phầm mền hoạt động chính xác trước khi được triển khai và không có lỗi trước khi nó được ra mắt đến người dùng cuối.
Vai trò của Tester giúp giảm thiểu sai sót và tiết kiệm thời gian cũng như chi phí cho doanh nghiệp khi triển khai sản phẩm mới, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của người dùng một cách hiệu quả. Tùy thuộc vào lĩnh vực và yêu cầu cụ thể, Tester có thể thực hiện công việc này bằng cách thủ công hoặc sử dụng các công cụ phần mềm.
Trước khi tìm hiểu về Tester roadmap, bạn nên tham khảo các bài viết sau đây để hiểu hơn về cơ bản nghề Tester:
- Tester là gì? Những kỹ năng quan trọng mà một Tester giỏi cần có?
- 3 định kiến sai về nghề Tester
- Những hiểu lầm, thách thức với nghề Kiểm thử phần mềm, nghề Tester
Tester roadmap là gì?
Tester roadmap mô tả lộ trình phát triển sự nghiệp của Tester, quá trình này thường mất từ 6 đến 8 năm để trở thành một chuyên viên kiểm thử phần mềm.
Tester roadmap bao gồm việc hoàn thành bằng Cử nhân kéo dài 4 năm, sau đó tích lũy từ 2 đến 4 năm kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực này.
- Năm 1-4: Hoàn thành bằng Cử nhân trong Khoa học Máy tính, Công nghệ Thông tin hoặc các lĩnh vực liên quan. Trong quá trình này, bạn nên bổ sung cho profile của mình các chứng chỉ quốc tế như ISTQB, ASTQB, CSTE,…
- Năm 5-8: Tích lũy kinh nghiệm thực tế thông qua công việc, từ vị trí Tester Fresher đến vị trí cao hơn như Senior Tester, từ 2 đến 4 năm kinh nghiệm, sau đó là Test Lead hoặc QA Head. Trong vài tháng đầu tiên khi nhận việc, các doanh nghiệp thường có đào tạo trong khoảng 3 đến 6 tháng.
Cụ thể hơn, lộ trình trở thành Tester thường bắt đầu từ các bước sau:
- Khám phá yêu cầu cơ bản: Đối với ai muốn trở thành Tester, việc xem xét trình độ học vấn là cần thiết. Theo dữ liệu thực tế, khoảng 67,5% người kiểm thử phần mềm có bằng cử nhân và 13,7% có trình độ thạc sĩ. Tuy nhiên, bạn cũng có thể bắt đầu từ trình độ trung học hoặc có bằng tốt nghiệp cấp độ tương đương.
- Phát triển các kỹ năng chuyên môn: Các kỹ năng chính của Tester bao gồm phân tích và giải quyết vấn đề trong hệ thống, ứng dụng hoặc phần mềm. Bạn cần thiết kế và thực hiện các trường hợp kiểm thử, thực hiện kiểm thử tự động và thủ công, cũng như ghi lại các lỗi.
- Hoàn thành khóa đào tạo và thực tập có liên quan đến Tester: Trung bình, người mới vào nghề dành khoảng 3-6 tháng cho các khóa đào tạo sau khi bắt đầu làm việc. Quá trình này giúp bạn học các kỹ năng và kỹ thuật cần thiết cho công việc và để thích ứng với môi trường lao động.
- Nghiên cứu nhiệm vụ và trách nhiệm của Tester: Trách nhiệm của Tester bao gồm phân tích bản ghi XML để xác định lỗi ứng dụng và thực hiện các tập lệnh kiểm thử Selenium để kiểm tra chức năng và hồi quy.
- Xây dựng một sơ yếu lý lịch (CV) Tester mạnh mẽ: Khi viết CV cho vị trí Tester, bạn cần nêu rõ các kỹ năng và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kiểm thử phần mềm. CV của bạn nên thể hiện được khả năng phát triển, thực hiện các kế hoạch kiểm thử và test case. Trong CV cũng cần liệt các kỹ năng như test automation, technical, viết script, SQL, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng cộng tác,… Bên cạnh đó, bạn cũng nên nêu bậc các bằng cấp và chứng chỉ liên quan như ISTQB, CSTE, cùng với kinh nghiệm làm việc trong các dự án kiểm thử và các công ty hoặc công nghệ bạn đã làm việc.
Xem thêm: Hướng dẫn cách viết CV chuyên nghiệp gây ấn tượng trong 60 giây
Mức lương của Tester là bao nhiêu?
Theo khảo sát “Salary & Job Expectation Of IT Professionals 2023 – 2024” của ITviec, mức lương của Tester tại Việt Nam dao động trong khoảng từ 9 triệu đồng đến 40 triệu đồng mỗi tháng, phụ thuộc vào vị trí, cấp bậc và kinh nghiệm của họ.
Trong suốt lộ trình Tester roadmap, mức lương của Tester sẽ được phân chia dựa trên cấp bậc và kinh nghiệm của họ:
<1 năm | 1-2 năm | 3-4 năm | 5-8 năm | >8 năm | |
Tester | 9,000,000 | 15,000,000 | 19,500,000 | 30,000,000 | 39,000,000 |
QA – QC | 12,000,000 | 13,000,000 | 30,000,000 | 33,000,000 | 40,000,000 |
Lộ trình phát triển sự nghiệp Tester roadmap truyền thống
Cùng tìm hiểu về các vai trò, trách nhiệm và lộ trình phát triển nghề nghiệp cho cả những ai đang muốn chuyển sang lĩnh vực kiểm thử hay các sinh viên mới tốt nghiệp với lộ trình phát triển sự nghiệp Tester sau.
Junior Software Tester/ QA Engineer
Nhiệm vụ chính của Junior Software Tester: Khi ở vị trí Fresher/ Junior Software Tester, bạn thường sẽ thực hiện các test, làm theo các test script được giao.
Khi mới bắt đầu trong lĩnh vực này, việc hiểu rõ nhiệm vụ kiểm thử là cần thiết. Phân tích yêu cầu từ Business Analyst thường là nguồn thông tin quan trọng vì nó mô tả chính xác những gì khách hàng mong đợi. Sau khi đọc và ghi chú các yêu cầu này, bạn cần thảo luận chúng với nhóm hoặc Test Lead để tiến hành các bước tiếp theo.
Với vai trò Junior Tester, bạn cần tạo tài liệu/ báo cáo chi tiết để giải thích vấn đề, giúp nhóm (đặc biệt là nhóm phát triển) sửa lỗi. Sau đó, bạn cần kiểm tra lại bản sửa lỗi này và đảm bảo rằng nó đã được sửa đúng. Việc này cũng mang lại cho bạn cơ hội để tìm hiểu về quản lý test case.
Quá trình làm việc với test case sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa của việc có một danh mục test, cách thức ghi lại kết quả, tổng hợp, báo cáo kết quả, cũng như phương pháp tổ chức và quản lý test case hiệu quả. Việc nắm vững kỹ năng quản lý test case sẽ giúp bạn có lợi thế hơn trong việc ứng tuyển vào các vị trí Tester cấp cao hơn.
Senior Software Tester / Senior QA Engineer
Nhiệm vụ chính của Senior Software Tester: Khi ở vị trí Senior Software Tester, nhiệm vụ chính của bạn là thiết kế test, lên chiến lược kiểm thử.
Trong khoảng từ 3-5 năm kinh nghiệm, bạn sẽ tiến lên vai trò của một Senior Software Tester. Ngoài những kiến thức đã có từ vai trò trước đó, bạn sẽ bắt đầu mở rộng phạm vi bằng cách tham gia tích cực vào việc lập kế hoạch, xây dựng lộ trình và ước lượng các hoạt động kiểm thử. Lúc này, bạn sẽ có hiểu biết chi tiết hơn về các nhiệm vụ của mình và thời gian cần thiết để hoàn thành công việc.
Ở vị trí Senior Tester, bạn cũng sẽ bắt đầu đánh giá lại tài liệu kiểm thử được tạo ra bởi các nhà phân tích và xem xét hiệu quả của toàn bộ quá trình. Bạn sẽ đóng vai trò của một người cố vấn, hỗ trợ trong việc xem xét và cải thiện sản phẩm kiểm thử.
Kiểm thử tự động hóa (automation testing) cũng sẽ là một chủ đề được thảo luận nhiều hơn khi bạn phát triển cao hơn trong vai trò của mình. Tuy bạn không cần phải thành thạo trong việc automation testing, nhưng việc hiểu biết cơ bản về chủ đề này sẽ hữu ích trong việc tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình.
Gợi ý cho bạn các khóa học automation test để bạn tìm hiểu kiến thức cơ bản về kiểm thử tự động hóa.
Ở vị trí này, bạn có thể nhận ra những lĩnh vực mà bạn cần phải được đào tạo thêm, bao gồm cả chứng chỉ, hội nghị và các khóa học với kết quả thực tế. Bằng cách làm điều này, bạn có thể tăng cường năng lực cá nhân và kỹ thuật của mình.
Test Architect
Nhiệm vụ chính của Test Architect: Khi ở vị trí Test Architect, nhiệm vụ chính của bạn là lên chiến lược tự động hóa kiểm thử và cải thiện hiệu suất kiểm thử của cả nhóm. Câu hỏi bạn cần trả lời không còn là “Nên kiểm thử cái gì?” mà sẽ là “Làm thế nào để kiểm thử nhanh hơn và ít tốn kém hơn?”
Vị trí Test Architect là một vai trò cấp cao trong ngành công nghiệp phần mềm, chịu trách nhiệm xây dựng các giải pháp cho các thách thức xuất hiện trong quá trình testing. Đây là một vị trí đòi hỏi kiến thức sâu sắc về mặt kỹ thuật và luôn cập nhật về các công nghệ và công cụ mới nhất, không yêu cầu kỹ năng quản lý con người hoặc nhóm. Bạn nên bắt đầu tìm hiểu các công cụ cải thiện quản lý test suite và các công cụ tự động hóa kiểm thử.
Test Architect không phổ biến nhưng thường xuất hiện trong các tổ chức tập trung nhiều vào việc sử dụng tự động hóa và công nghệ trong kiểm thử.
Test Lead
Nhiệm vụ chính của Test Lead: Test Lead chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm thử toàn diện cho dự án, bao gồm xác định phạm vi kiểm thử, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm và theo dõi tiến độ thực hiện.
Test Lead đóng vai trò quản lý quan trọng trong quá trình kiểm thử phần mềm. Người đảm nhiệm vị trí này cần có khả năng lãnh đạo và hợp tác để chỉ đạo nhóm kiểm thử trong việc hoàn thành các nhiệm vụ và đạt được mục tiêu chất lượng.
Kỹ năng đàm phán cũng là yếu tố không thể thiếu. Test Lead phải là cầu nối giao tiếp giữa ban quản lý và các thành viên trong nhóm, thuyết phục và đàm phán về mục tiêu và nỗ lực kiểm thử.
Bên cạnh đó, Test Lead cần có kiến thức kỹ thuật sâu rộng để có thể hướng dẫn và hỗ trợ các thành viên trong nhóm. Việc hiểu biết về các công nghệ và phương pháp kiểm thử là quan trọng để đảm bảo chất lượng của quá trình kiểm thử.
Test Lead cũng cần có khả năng truyền đạt thông tin một cách rõ ràng và hiệu quả về tiến trình kiểm thử và chất lượng sản phẩm đến các bên liên quan.
Quality Head
Nhiệm vụ chính của Quality Head: Quality Head xác định tầm nhìn, sứ mệnh và chiến lược chất lượng chung cho toàn tổ chức. Đồng thời, đây là vị trí chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển và triển khai các quy trình, chính sách và tiêu chuẩn chất lượng.
Trong lộ trình phát triển sự nghiệp Tester roadmap, vị trí của Quality Head là vị trí cao nhất trong tổ chức về chất lượng và đòi hỏi một loạt các kỹ năng và trách nhiệm quan trọng. Quality Head cần có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này và đã chứng minh được khả năng quản lý thành công khía cạnh chất lượng của nhiều sản phẩm. Họ cũng cần phải thành thạo trong việc áp dụng các phương pháp kiểm thử và cải tiến chất lượng.
Khả năng giao tiếp vững chắc là yếu tố không thể thiếu. Quality Head cần có khả năng giao tiếp và làm việc với các bên liên quan khác nhau trong tổ chức, từ nhà phát triển đến đối tác kinh doanh và khách hàng. Đồng thời, người đảm nhiệm vị trí này cũng phải có khả năng lãnh đạo mạnh mẽ để dẫn dắt nhóm và đảm bảo rằng mọi người trong tổ chức đều hướng đến mục tiêu chung về chất lượng.
Lộ trình phát triển sự nghiệp Tester roadmap thay thế
Sau khi bạn thành thạo kiểm thử thủ công, bạn có thể theo đuổi các chuyên ngành sau đây và mở ra các cơ hội nghề nghiệp khác nhau:
- Kiểm thử tự động hóa (Automation testing): Với vai trò automation test engineer, bạn sẽ chịu trách nhiệm tự động hóa việc thực hiện test case, tránh tốn nhiều thời gian. Các công cụ thường sử dụng bao gồm IBM Rational Robot, Silk Performer và QTP. Tham khảo Top 5 automation test tool được yêu thích nhất 2024.
- Kiểm thử hiệu suất (Performance testing): Là một performance test engineer, bạn sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra phản hồi của ứng dụng (thời gian tải, tải trọng tối đa ứng dụng có thể xử lý),… Các công cụ thường sử dụng là WEBLoad, Loadrunner.
Bên cạnh đó, với vai trò Tester hoặc chuyên viên QA, bạn có cơ hội trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển phần mềm. Điều này mang lại cho bạn nhiều cơ hội để phát triển kỹ năng và học các lĩnh vực liên quan. Do đó, bạn có cơ hội tự nhiên để chuyển sang các vai trò như:
- Business Analyst: Một lợi thế lớn của Tester so với Developer là nắm được quy trình kinh doanh tổng thể. Với vai trò Business Analyst, bạn sẽ chịu trách nhiệm phân tích và đánh giá mô hình kinh doanh và quy trình làm việc của công ty. Bạn sẽ tích hợp các mô hình và quy trình này với công nghệ.
- Nhà phát triển phần mềm
- Quản lý dự án
- Scrum master
Các câu hỏi về Tester roadmap thường gặp
Làm thế nào để deal được mức lương Tester cao?
- Chấp nhận và thích nghi với sự thay đổi: Sự thay đổi trong phát triển phần mềm là không ngừng. Để tiến bộ trong sự nghiệp, bạn hãy luôn mở lòng đón nhận, thích ứng với các phương pháp, công cụ và quy trình mới.
- Duy trì thái độ tốt: Hãy là một hình mẫu tích cực, bạn nên thảo luận xây dựng và đề xuất sáng tạo trong nhóm kiểm thử của bạn.
- Chia sẻ kiến thức một cách vô điều kiện: Chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của bạn với đồng đội để tạo ra một nhóm QA mạnh mẽ và phát triển kỹ năng của bạn cũng như của họ.
- Khám phá sâu và rộng về sản phẩm: Đừng giới hạn mình trong việc kiểm thử theo kịch bản. Khám phá và kiểm tra toàn diện từ trong ra ngoài để hiểu rõ hơn về sản phẩm và cải thiện chất lượng.
- Đạt các chứng chỉ: Theo đuổi chứng chỉ phù hợp với lĩnh vực kiểm thử để xây dựng uy tín và kiến thức chuyên môn.
- Nâng cao kỹ năng giao tiếp: Kỹ năng giao tiếp là yếu tố quan trọng trong việc truyền đạt thông tin và làm việc hiệu quả trong nhóm.
- Đảm nhận dự án phức tạp: Bạn hãy thử sức với các dự án phức tạp và khám phá khả năng của bạn trong việc giải quyết thách thức. Luôn theo dõi các cơ hội việc làm và nộp đơn khi bạn thấy một cơ hội phù hợp với mục tiêu sự nghiệp của bạn
Đọc thêm: Review lương với sếp đảm bảo thành công với bí quyết 3 bước
Tester cần nắm rõ ngôn ngữ lập trình nào để có được mức lương như mong đợi?
Các ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất trong lĩnh vực kiểm thử là Python, Java và C++.
- Python là một ngôn ngữ đa năng, có thể được sử dụng để phát triển trò chơi, trang web và ứng dụng. Ngôn ngữ này được ưa chuộng bởi các nhà khoa học dữ liệu do có thư viện toán học và thống kê đa dạng.
- Java là một ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng phổ biến. Nó là một trong những ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay và đặc biệt phổ biến trong phát triển ứng dụng Android.
- C++ là một ngôn ngữ lập trình được thiết kế để chạy nhanh và sử dụng bộ nhớ hiệu quả. Thường được sử dụng để phát triển phần mềm trên nền tảng Windows, nhưng cũng có thể được biên dịch trên các hệ điều hành Linux hoặc MacOS.
Làm thế nào để trở thành Full-stack Tester?
Việc trở thành một Full-stack Tester đòi hỏi sự am hiểu rộng lớn. Những người kiểm thử cần phải thành thạo các kỹ năng lập trình, cơ sở dữ liệu và mạng. Họ cũng cần có hiểu biết về vòng đời phát triển phần mềm và các phương pháp thử nghiệm.
Từ góc độ kỹ thuật, một Full-stack Tester cần kiểm tra toàn bộ ứng dụng phần mềm, từ front-end đến back-end. Dưới đây là danh sách một số kỹ năng kiểm thử toàn diện cần thiết:
- Kiến thức phát triển phần mềm: Bạn cần phải am hiểu chuyên sâu các kiến thức về JavaScript, Java, CSS,…
- Kiến thức về ngôn ngữ lập trình: Python là ngôn ngữ yêu cầu chính nhưng bạn cũng nên có kiến thức về tất cả các ngôn ngữ quan trọng.
- Kiến thức về cơ sở dữ liệu: Tập trung nhiều vào MySQL.
- Kiến thức thiết kế web: Tập trung nhiều vào HTML.
- Kinh nghiệm sử dụng trình duyệt web như Chrome và Firefox.
Tổng kết Tester roadmap
Việc trở thành một chuyên gia kiểm thử không chỉ đòi hỏi kiến thức vững vàng về kỹ thuật mà còn yêu cầu sự linh hoạt và thích ứng với sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp phần mềm. Tester roadmap sẽ giúp bạn định hình và tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình trong lĩnh vực kiểm thử phần mềm.
Bạn thấy bài viết hay và hữu ích? Đừng ngại Share với bạn bè và đồng nghiệp nhé.
Và nhanh tay tham khảo việc làm IT “chất” trên ITviec!