Java là một ngôn ngữ lập trình nổi tiếng với cộng đồng lập trình viên trên toàn thế giới, được tạo ra bởi James Gosling tại Sun Microsystems (giờ đã trở thành một phần của Oracle Corporation). Tuy nổi tiếng nhưng vẫn còn nhiều người chưa thật sự hiểu học Java để làm gì, cũng như cơ hội nghề nghiệp sau khi đã học Java.

Đọc bài viết này để nắm rõ:

  • Java là gì? Một số ứng dụng phổ biến của Java
  • Học Java để làm gì? Những lý do bạn nên học Java năm 2024
  • Học Java để làm gì? Các vị trí mà bạn có thể làm sau khi học Java
  • Scala và Kotlin – hai ngôn ngữ bổ trợ sau khi học Java

Java là gì?

Java là một ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng đa nền tảng miễn phí, được sử dụng để viết từ các ứng dụng web và di động, phần mềm doanh nghiệp cho đến các ứng dụng dữ liệu lớn và công nghệ phía máy chủ. 

Tính năng đa nền tảng của Java đến từ máy ảo Java (JVM – Java Virtual Machine), bằng việc thực thi code trên một máy ảo Java có thể chạy ở nhiều hệ điều hành, do đó ứng dụng Java có thể cài và tương thích trên nhiều thiết bị, khiến số lượng người có thể dùng sản phẩm là rất lớn. 

Một số ứng dụng phổ biến của Java 

  • Phát triển trò chơi: Các game rất nổi tiếng dùng hệ điều hành Android như Minecraft, Mission Impossible III, và Asphalt 6 được viết bằng Java.
  • Ứng dụng tài chính: Java tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng là các công ty tài chính lớn, cung cấp các tính năng liên quan đến cơ sở dữ liệu và bảo mật. 
  • Các ứng dụng doanh nghiệp: Java cung cấp nhiều phương tiện để phát triển các ứng dụng vận hành và quản lý phức tạp cho các phòng ban trong doanh nghiệp.
  • Các ứng dụng nghiên cứu khoa học: Với thư viện toán học đồ sộ như Jet và Colt, Java có thể dùng để phát triển các phần mềm dùng cho khoa học ứng dụng.
  • Điện toán đám mây: Java có thể chạy trên cloud thông qua JVM.
  • Dữ liệu lớn (Big data): Java hỗ trợ thông qua Apache Hadoop và Apache Spark, là các ứng dụng hỗ trợ xử lý dữ liệu lớn rất được ưa chuộng. 
  • Trí tuệ nhân tạo: Thông qua các thư viện như DL4J, Weka, và Java-ML, Java cũng hỗ trợ phát triển trí tuệ nhân tạo.
  • Internet vạn vật (IoT): Java cũng là một ngôn ngữ có thể lựa chọn cho các dự án lập trình nhúng.

Học Java để làm gì? Những lý do bạn nên học Java năm 2024

Mức độ phổ biến của Java

Theo Stratoflow, tính đến năm 2023, hơn 30% lập trình viên toàn thế giới đều có thể code và sử dụng Java. Có thể thấy, với thời gian tồn tại và phát triển hơn 25 năm, Java đã trở thành một ngôn ngữ ổn định, với cộng đồng lớn không ngừng tăng lên, sẵn sàng hỗ trợ trả lời câu hỏi cho người học mới và luôn tạo ra các tính năng mới.

Một sự thật là, một số lượng rất rất lớn các phần mềm của các doanh nghiệp hoặc một phần của hệ thống của họ sẽ được viết bằng Java, kể cả các tập đoàn công nghệ lớn.

Ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng – OOP

Java được thiết kế là ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng – OOP, là lựa chọn tốt để dạy cho người học mới tư duy theo các nguyên tắc OOP như một lập trình viên.

Giúp người học luyện tập tư duy theo các nguyên tắc hướng đối tượng như một lập trình viên, suy nghĩ về cách thiết kế các đối tượng và class sẽ gồm các thuộc tính (properties) và các phương thức (methods), để code dễ đọc và dễ quản lý, tái sử dụng được trong tương lai. 

Viết một lần chạy mọi nơi

“Write Once, Run Anywhere” – “viết một lần chạy mọi nơi” là một câu cực kỳ nổi tiếng nói về tính năng Java Virtual Machine (JVM), một máy ảo được thiết kế để thực thi mã Java trên nhiều hệ điều hành. Người học Java có thể chạy code trên nhiều loại thiết bị mà không cần chỉnh sửa nhiều, khiến cho Java là một lựa chọn hoàn hảo cho các phần mềm thương mại đa người dùng.

Câu nói này còn trở thành meme nổi tiếng trong cộng đồng Java “Write once, debug everywhere” – “viết một lần sửa lỗi mọi nơi”.

Dễ sử dụng, miễn phí và mã nguồn mở

Java có cú pháp (syntax) dễ đọc, dễ viết và hoàn toàn miễn phí, phù hợp cho người học mới muốn tiếp cận với thế giới lập trình. Mã nguồn mở giúp cho sự phát triển của Java không bị giới hạn bởi các hạn chế thương mại, nên có rất nhiều công cụ hỗ trợ được cộng đồng tạo ra như Java Development Kit (JDK), các ngôn ngữ dựa trên JVM như Scala, Kotlin rất được ưa chuộng trong các dự án.

Rất nhiều API hỗ trợ

Java ngoài là một ngôn ngữ cho người mới, nó còn hỗ trợ đa dạng các Framework như Spring, Hibernate và Struts cho các lập trình viên chuyên nghiệp để xây dựng các tính năng lớn hỗ trợ doanh nghiệp như ứng dụng cung cấp sản phẩm dịch vụ qua web, ứng dụng hỗ trợ gọi API, hệ thống chat, quản lý cơ sở dữ liệu (database).

Được “chống lưng” từ Oracle

Oracle mua lại Java vào năm 2010 và hỗ trợ tương thích Java vào mọi sản phẩm của hệ sinh thái này, nên người học Java cực kỳ có lợi vì sản phẩm của Oracle rất phổ biến trong các tập đoàn tài chính lớn và các doanh nghiệp thương mại tại Việt Nam hiện nay, một số ví dụ có thể kể đến: Mcredit – Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei, Ngân Hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng VPBank, ACS Trading Vietnam (AEON), VP bank, FE Credit,… 

Luôn luôn có nhu cầu tuyển dụng Java

Java là “xương sống” của rất nhiều dự án từ lớn đến nhỏ, từ các ứng dụng di động đến các hệ thống lớn của các doanh nghiệp, do đó người học Java luôn luôn được săn đón bởi các tập đoàn tài chính, công nghệ và thương mại điện tử.

Tóm lại, Java là một ngôn ngữ rất rộng lớn, các lập trình viên mới có thể dễ dàng sử dụng, nhưng đồng thời cũng không thiếu không gian phát triển cho các lập trình viên Senior nhiều kinh nghiệm, muốn đạt được các mốc thu nhập cao bằng cách giải quyết các vấn đề lớn hơn, đòi hỏi phải dùng nhiều tính năng khác của ngôn ngữ.

Theo “Báo cáo Lương IT: 2023 – 2024“, mức lương của những vị trí thuộc ngôn ngữ Java theo số năm kinh nghiệm:

Khoảng năm kinh nghiệm Mức lương trung vị ngôn ngữ Java
< 1 10.000.000 VND
1 – 2 18.000.000 VND
3 – 4 30.000.000 VND
5 – 8 45.000.000 VND
> 8 55.500.000 VND

Học Java để làm gì? Các vị trí mà bạn có thể làm sau khi học Java

Lập trình viên web (Web developer)

Dùng Java để lập trình web là hướng đi an toàn, thường được chọn sau khi học Java, vì các framework như JavaServer Faces (JSF), Spring MVC, và Apache Struts được thiết kế rất chỉn chu cho tác vụ này.

Ngoài ra, các công ty thường chọn dùng Java vì dễ dàng tương thích với hầu hết các cơ sở dữ liệu. 

Lập trình viên ứng dụng Android (Android developer)

Vào năm 2008, hệ điều hành điện thoại phổ biến nhất – Android dùng Java để phát triển tất cả các ứng dụng điện thoại, từ đó các lập trình viên ngoài viết web có thể dùng Java để viết ứng dụng đa tính năng, hiệu suất cao trên Google Play và bán cho hàng triệu người dùng.   

Lập trình viên hệ thống (System developer)

Nhờ vào sự linh hoạt và nhiều sự hỗ trợ từ hệ sinh thái, Java làm một công cụ thường được chọn để lập trình các ứng dụng vận hành phức tạp của doanh nghiệp đạt nhiều tiêu chí về tính bảo mật, dễ dàng nâng cấp, và quản lý.

Và cũng không thể quên kể đến các lập trình viên hệ thống dùng các phiên bản nền tảng Java có trả phí cho doanh nghiệp: 

  • Java Enterprise Edition (Java EE) 
  • JavaServer Faces (JSF)
  • Java Persistence API (JPA)
  • Enterprise JavaBeans (EJB)

Kỹ sư dữ liệu (Data engineer)

Các công cụ Apache Hadoop và Apache Spark được xây dựng bằng Java cung cấp các giải pháp về quản lý, lưu trữ, phân tích dữ liệu lớn, mở ra các cơ hội nghề nghiệp từ mảng dữ liệu như kỹ sư dữ liệu lớn và chuyên viên phân tích.

Các vị trí này có thể đạt được các mức thu nhập rất cao khi mà các xu hướng trí tuệ nhân tạo, khai thác và sử dụng dữ liệu đang là xu hướng của thời đại.

Lập trình viên Cloud (Cloud developer)

Những nền tảng cloud lớn nhất như Amazon Web Services (AWS), Google Cloud Platform (GCP) cũng thiết kế Java vào hệ thống, tạo điều kiện cho các lập trình viên có thể tương tác với một hệ thống phức tạp như cloud thông qua một công cụ quen thuộc như Java.

Lập trình nhúng (Embedded developer)

Các hỗ trợ ngôn ngữ nhúng của Java như Eclipse IoT và Java ME Embedded giúp cho người học Java có thêm các sự lựa chọn nghề nghiệp bên cạnh các ngôn ngữ nhúng phổ biến như C, C++, Python, and Rust.

Đọc thêm: Lập trình nhúng là gì: Công cụ, kỹ thuật và ứng dụng cần biết

Chuyên viên kiểm thử (Software Tester/ QA)

Các chuyên viên kiểm thử, quản lý chất lượng rất quan trọng trong các đội phát triển sản phẩm. Java hỗ trợ các ngôn ngữ để kiểm thử như JUnit and TestNG, giúp cho người học Java cũng có thể phát triển nghề nghiệp theo hướng này.

DevOps và Automation

DevOps là một xu hướng lập trình nổi bật hiện nay. Jenkins, Docker, và Ansible là những sản phẩm của Java cung cấp cho DevOps, giúp cho việc tương thích giữa phát triển và vận hành sản phẩm Java trơn tru.

Những lập trình viên làm DevOps có thể thêm Java vào hồ sơ xin việc và chắc chắn sẽ được nhà tuyển dụng ưu ái.

Scala và Kotlin – Hai ngôn ngữ bổ trợ sau khi học Java 

Với tuổi đời lớn như Java, thiết kế Java tất nhiên có chứa những ý tưởng đã lỗi thời và có nhiều hạn chế so với các ngôn ngữ hiện đại hơn như Go và Python.

Scala, Kotlin là những dự án thiết kế ngôn ngữ lập trình được tạo ra bởi cộng đồng những người vẫn còn tình cảm với Java, các ngôn ngữ này được thiết kế để chạy trên JVM và có thể gọi là những hậu duệ của Java, vừa thừa kế những đặc tính nổi trội của Java vừa cải tiến Java.

Sau khi học Java, bạn có thể chọn học thêm một số ngôn ngữ này để có lợi thế về kiến thức và cơ hội công việc. Trong một số trường hợp sử dụng các ngôn ngữ này có thể là lựa chọn tối ưu hơn cho dự án.

Scala

Scala được thiết kế tại trường đại học EPFL bởi Martin Odersky, từ năm 2001, tên Scala là sự kết nối giữ 2 từ “scalable” và “language”, ý nghĩa là một ngôn ngữ có thể dễ dàng mở rộng để thích ứng với nhiều nhu cầu vận hành từ lớn tới nhỏ của sản phẩm. Scala được sử dụng nhiều trong các dự án liên quan đến khoa học dữ liệu, phân tích và xử lý dữ liệu. 

Ưu điểm của việc code bằng Scala có thể giảm số dòng code nhiều lần so với Java. Đặc biệt là các phần mềm của Scala dễ dàng scale để phục vụ cho số lượng user tăng lên trong thời gian ngắn. Một bất tiện duy nhất khi dùng Scala là code chỉ chạy ở version mới nhất, nên các code Scala ở các phiên bản trước đó sẽ không tương thích. 

Kotlin

Kotlin là một ngôn ngữ cấp tiến được tạo ra bởi công ty JetBrains năm 2011, công ty này cũng chính là công ty tạo ra phần mềm code nổi tiếng IntelliJ IDEA. Kotlin được thiết kế để cạnh tranh với Scala và cái tên Kotlin được lấy theo tên một hòn đảo ở St. Petersburg nước Nga.

Kotlin thường được sử dụng trong các dự án lập trình ứng dụng di động. Vào sự kiện Google I/O 2019, gã khổng lồ Google công khai hỗ trợ và tuyên bố Kotlin là ngôn ngữ chính cho hệ điều hành Android. Ưu điểm của Kotlin là giảm đi những cú pháp phức tạp của Java, giúp code dễ đọc.

Ngoài ra, Kotlin còn có cơ chế khai báo dữ liệu không thể null, giúp tránh được lỗi runtime nullability. Vì là một ngôn ngữ mới nên Kotlin cũng đối mặt với một số vấn đề như thiếu sự hỗ trợ của cộng đồng khi gặp lỗi, và code Kotlin cũng chậm hơn so với Java.

Đọc thêm: Kotlin là gì? Định nghĩa, ưu điểm và những cú pháp cơ bản của Kotlin

Các câu hỏi thường gặp về học Java để làm gì

Java thường được ứng dụng để phát triển những sản phẩm gì?

Java thường được dùng để phát triển ứng dụng web như các trang thương mại điện tử, mạng xã hội và các sản phẩm vận hành trong doanh nghiệp.

Ngoài cung cấp các framework hỗ trợ xây dựng những tính năng, Java còn có các ngôn ngữ con như Kotlin và Scala được thiết kế để giải quyết những vấn khác nhau trong quá trình thiết kế, vận hành và phát triển sản phẩm.

Những câu hỏi phỏng vấn Java nào thường xuyên được hỏi trong các công ty lớn? 

Sau đây là một số chủ đề thường được phỏng vấn:  

Kotlin có giống Scala không?

Cả hai ngôn ngữ đều chạy trên máy ảo Java (JVM), cải tiến Java nhưng với cách tiếp cận khác nhau: 

  • Scala hỗ trợ đối sánh mẫu (pattern matching) tốt hơn nên còn được dùng để xử lý dữ liệu như R, Python.
  • Kotlin có thể xử lý nạp chồng toán tử (operator overloading) đơn giản hơn, Kotlin thường được dùng để phát triển ứng dụng Android

Kết luận học Java để làm gì

Java tuy đã là một ngôn ngữ của quá khứ nếu so sánh với những công nghệ mới hơn như Golang, Python,… nhưng vẫn là một sự lựa chọn an toàn và ổn định cho nhiều dự án lớn trong năm 2024.

Do đó, không cần phải lo lắng học Java để làm gì vì người học Java có thể thích nghi với nhiều vị trí công việc khác nhau và nhiều dự án khác nhau, mang đến sự linh động trong tìm kiếm công việc và dự án, trong buổi AI đang liên tục cải tiến để thay từng phần một các công việc của lập trình viên.

robby-2

Bạn thấy bài viết hay và hữu ích? Đừng ngại Share với bạn bè và đồng nghiệp nhé.

Và nhanh tay tham khảo việc làm IT “chất” trên ITviec!