Nội dung chính
- Magento là gì?
- Những tính năng cơ bản của Magento là gì?
- Lợi ích của Magento là gì?
- Tài liệu Magento tham khảo
- Công việc của Magento Developer là gì?
- Những kỹ năng và tố chất cần thiết của Magento Developer là gì?
- Những tiêu chí để tuyển Magento Developer
- Cơ hội nghề nghiệp và mức lương Magento Developer
- Magento Developer trong ngành IT nói gì?
Magento là gì? Magento là mã nguồn mở lớn nhất và khó nhất của ngôn ngữ PHP, sử dụng hướng đối tượng và mô hình MVC (Model-View-Controller) rõ ràng. Magento được dùng để phát triển các trang web thương mại điện tử dựa trên nền tảng Zend Framework.
Để hiểu rõ hơn về Magento là gì cũng như công việc của một Magento Developer là gì, làm thế nào để nhanh chóng thăng tiến và có cơ hội dẫn đầu về lương ngành công nghệ thông tin khi làm Magento Developer, hãy đọc bài phỏng vấn của ITviec với anh Dương Công Luận – General Manager và anh Hồ Trung Nghĩa – Team Leader của FORIX.
Xem việc làm Magento Developer trên ITviec
Magento là gì?
Magento là gì? Theo anh Trung Nghĩa, Magento là mã nguồn mở lớn nhất và khó nhất của ngôn ngữ PHP, sử dụng hướng đối tượng và mô hình MVC (Model-View-Controller) rõ ràng.
Magento được dùng để phát triển các trang web thương mại điện tử dựa trên nền tảng Zend Framework.
Tham khảo thêm: 10 Framework PHP chất cho Developer
Hiện tại, Magento đã ra mắt 2 phiên bản:
- Magento 2 Community Edition, được đặt tên là Magento 2 Open Source: Magento Community Edition (CE) là một phần mềm e-commerce mã nguồn mở và có thể được tải xuống miễn phí.
- Magento 2 Enterprise Edition, được đặt tên là Magento 2 Commerce: Magento Enterprise Edition (EE) có các chức năng cốt lõi như Magento CE. Tuy nhiên, Magento EE cung cấp nhiều tính năng hơn, hiệu suất tốt hơn, bảo mật cao và khả năng mở rộng tốt hơn. Phiên bản này phải trả phí dựa trên doanh thu của người dùng phiên bản này. Cụ thể như sau (được cập nhật năm 2022):
Doanh thu (USD) | Phí thường niên |
< 1M | $22,000 |
1 – < 5M | $32,000 |
5 – < 10M | $49,000 |
10 – < 25M | $75,000 |
25 – < 50M | $125,000 |
Những tính năng cơ bản của Magento là gì?
11 tính năng cơ bản của Magento bao gồm:
- Quản lý sản phẩm: Với nhiều hình ảnh, tùy chọn đánh giá sản phẩm, danh mục yêu thích, tồn kho.
- Danh mục: Dễ dàng tìm kiếm và chọn sản phẩm dựa trên danh mục có sẵn.
- Quản lý tồn kho: Biết được số lượng sản phẩm nhập, xuất và tồn kho.
- Thông tin khách hàng: Tình trạng của tài khoản, địa chỉ khách hàng, lịch sử giao dịch, giỏ hàng…
- Dịch vụ khách hàng: Mở rộng nhiều tính năng, có form để liên hệ với khách hàng, hệ thống follow-up (theo dõi) khách hàng một cách toàn diện, cung cấp dịch vụ gửi mail cho khách hàng.
- Quản lý đặt hàng.
- Thanh toán: Nhiều hình thức thanh toán như credit card, PayPal. Hỗ trợ thêm các module thanh toán khác như CyberSource, ePay, eWAY…
- Công nghệ tìm kiếm: Nhanh chóng, dễ sử dụng, hỗ trợ tìm kiếm trên Google SiteMap.
- Hỗ trợ đa ngôn ngữ và nhiều loại tiền tệ.
- Nhiều công cụ hỗ trợ Marketing: Phiếu giảm giá, khuyến mãi,…
- Đánh giá, báo cáo: Tích hợp với Google Analytics giúp người dùng xem được nhiều loại báo cáo. Từ đó điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Lợi ích của Magento là gì?
Theo anh Công Luận, Magento có rất nhiều ưu điểm, nhưng một số lợi ích chính nhất và lớn nhất là:
- Tính năng linh hoạt: Cho phép apply nhiều concept của một trang thương mại điện tử, giúp những người làm admin dễ dàng quản lý. Tùy từng loại sản phẩm, Magento sẽ xây dựng những tính năng phù hợp.
- Tốt cho đánh giá SEO: Tối ưu trang bán hàng để thân thiện với các công cụ tìm kiếm. Người dùng tiết kiệm được thời gian và công sức nhưng vẫn đạt hiệu quả SEO.
- Mobile First: Cả 2 phiên bản của Magento đều kết hợp với HTML5 nhằm đáp ứng được giao diện và tốc độ load trang trên các thiết bị di động, giúp người dùng dễ dàng thao tác trên trang.
Anh nghĩ là tất cả những lợi ích này đều nhằm mục đích điều hướng người dùng đến hành vi cuối cùng là mua hàng trên trang thương mại điện tử.
Ngoài những lợi ích về mặt sản phẩm, anh Trung Nghĩa còn chia sẻ thêm rằng: “Ở góc độ Developer, anh thấy sử dụng Magento đem lại nhiều thách thức cũng như kiến thức, cả về kỹ thuật lẫn thương mại điện tử.”
Tài liệu Magento tham khảo
Học Magento không hề đơn giản chút nào. Code của Magento tương đối nhiều, phải mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu. Tuy nhiên, cái gì khó thì cũng lý thú và đem lại cảm giác mãn nguyện khi chinh phục được nó.
- Magento U Courses: Rất nhiều khóa học từ cơ bản “Magento là gì” cho đến nâng cao dành cho những bạn Developer muốn theo đuổi hoặc muốn nâng cao hiểu biết về Magento.
- Tài liệu trên trang chủ của Magento – Magento 2.3 Developer Documentation: Cung cấp tất cả những tài liệu cần thiết để xây dựng và quản lý một trang web thương mại điện tử có nền tảng Magento. Kết nối với cộng đồng Magento trên thế giới.
Anh Trung Nghĩa cũng chia sẻ thêm rằng không như verion 1, Magento 2 có thư viện tại liệu khá phong phú. Chẳng hạn muốn hiểu rõ hơn về Knockout JS (một thư viện JavaScript được dùng bởi Magento 2) thì anh vào Trang tài liệu của Knockout JS và Google thêm những bài viết chất lượng từ cộng đồng về cách thức Magento tích hợp với Knockout JS, để biết Magento có tùy chỉnh gì từ thư viện gốc. Anh chủ yếu đọc từ đó và tìm hiểu thêm các bài viết chuyên sâu qua Google.
Có những vấn đề cần tìm hiểu sâu hơn thì bạn có thể tìm đến Google hoặc Stack Overflow.
Ngoài ra, anh Công Luận khuyến khích những bạn muốn học Magento nên bắt đầu với Zend Framework.
Với những bạn nào có kỹ năng lập trình vững và hiểu đúng các khái niệm lập trình thì chỉ cần 2-4 tuần là đã có thể bắt đầu làm việc trên Magento.
Công việc của Magento Developer là gì?
Tùy thuộc vào quy trình của mỗi công ty mà công việc của Magento Developer cũng có sự khác biệt.
Tại FORIX, công việc chính của anh Trung Nghĩa thường sẽ bao gồm:
- Import dữ liệu (danh mục, sản phẩm, lịch sử mua hàng…)
- Di chuyển dữ liệu từ các hệ thống cũ sang Magento
- Tối ưu tốc độ của website
- Phát triển extension mới hoặc tích hợp với các extension của một bên thứ ba
- Cập nhật các phiên bản mới nhất Magento
- Tư vấn và trả lời các câu hỏi về kỹ thuật cho khách hàng
Những kỹ năng và tố chất cần thiết của Magento Developer là gì?
- Phải có khái niệm (concept) về thương mại điện tử đúng:
Đây là tiêu chí về kỹ năng nên có từ anh Công Luận. Một Magento Developer nên có các khái niệm đúng về thương mại điện tử. Có như vậy thì họ mới hiểu đúng được yêu cầu của khách hàng.
- Hiểu cách Magento tổ chức và apply các khái niệm này vào code:
Anh Công Luận chia sẻ rằng:
“Magento Developer còn phải hiểu cách Magento tổ chức và apply các khái niệm này vào code. Để khi cần phải custom thêm những tính năng ngoài phần mặc định thì họ vẫn có thể làm tốt mà không phá vỡ cấu trúc tự nhiên của core Magento.
Tất nhiên để làm chủ những kỹ năng này, người đó phải có tinh thần và khả năng tự tìm tòi, học hỏi.”
- Khả năng tìm kiếm và debug:
Anh Trung Nghĩa cho rằng để cải thiện kỹ năng code thì không có con đường nào cả, chỉ có debug và debug mà thôi.
“Chịu khó debug vào sâu trong core Magento để tìm root cause, đọc code, kết hợp với những tài liệu chuyên sâu trên mạng (như phần Knockout JS anh nói ở trên) sẽ giúp mình hiểu sâu hơn về cấu trúc và cách Magento được xây dựng.”
- Kỹ năng tiếng Anh:
Nhìn chung, vẫn còn nhiều developer khá yếu ở mảng tiếng Anh, nhưng đây lại là một kỹ năng vô cùng quan trọng. Anh Trung Nghĩa chia sẻ rằng để nâng cao kỹ năng tiếng Anh của bạn thân, anh chủ yếu học tiếng Anh qua Youtube và qua các bộ phim. Cụ thể:
“Chọn những bộ phim mình thích từ mức độ đơn giản đến nâng cao.
Lần đầu, anh thường bật phụ đề để nắm được sơ lược nội dung. Khi xem lại lần 2 (và nhiều lần sau nữa) thì anh tắt phụ đề và đoán nghĩa.”
Ngoài ra, anh Nghĩa và bạn bè cũng giao ước là các ngày trong tuần (thứ 2 đến thứ 6) sẽ chỉ dùng tiếng Anh để giao tiếp với nhau. Vừa giúp nhau nâng cao vốn từ vựng, vừa rèn luyện sự tự tin trong giao tiếp.
Những tiêu chí để tuyển Magento Developer
Tại vị trí General Manager, anh Công Luận đã trực tiếp tuyển dụng nhiều developer. Theo anh đánh giá thì gần đây, việc tìm kiếm Magento Developer khá khó khăn.
“Có những người anh đánh giá là nhiều kinh nghiệm nhưng khi làm việc thì chưa chắc đạt được hiệu quả. Trong khi có những người chưa có kinh nghiệm gì nhưng chỉ sau 3-6 tháng, anh lại thấy họ làm việc hiệu quả hơn người đã có kinh nghiệm.”
Nhờ vào kinh nghiệm của bản thân, anh đúc kết lại một vài tiêu chí do anh và team “đặt ra” để chọn một Magento Developer:
- Background về lập trình tốt: Kỹ năng lập trình PHP vững và có kinh nghiệm làm việc trên Zend Framework.
- Tiếng Anh đọc hiểu: Không yêu cầu về bằng cấp hay quy đổi về một điểm cụ thể mà sẽ đánh giá trong quá trình phỏng vấn.
- Có kinh nghiệm về Magento là một điểm cộng: Đó phải là kinh nghiệm thật và phải đa dạng. Vì thực tế là có rất nhiều Developer dù làm việc 2-3 năm nhưng công việc của họ chỉ lặp đi lặp lại mảng nào đó của Magento mà thôi.
“Ví dụ: Khi phỏng vấn, ứng viên nói đã có kinh nghiệm Magento rồi thì anh sẽ đưa ra một đoạn code để hỏi bạn xem đoạn code này dùng để làm gì. Hoặc anh đưa ra tình huống thực tế, xem bạn xử lý như thế nào.
Dựa trên câu trả lời, anh sẽ biết bạn đó thực sự có kinh nghiệm hay không.”
Cơ hội nghề nghiệp và mức lương Magento Developer
Theo anh Công Luận, để nói về cơ hội nghề nghiệp về Magento ở Việt Nam và trên thế giới thì anh nghĩ nghề này sẽ còn phát triển trong tương lai.
Hiện tại thì thương mại điện tử tại Việt Nam không còn bị giới hạn bởi cổng thanh toán như trước, nhà nước cũng có nhiều chính sách thu hút đầu tư nên cơ hội làm việc cho các công ty nước ngoài là vô số kể.
Ngoài ra, các bạn hoàn toàn có thể tự lập start-up thương mại điện tử cho riêng mình.
Mức lương cho vị trí Senior Magento Developer thường sẽ dao động trong khoảng 1500-1700 NET.
Anh Công Luận cũng chia sẻ rằng các bạn cũng nên chọn những công ty mang lại cho các bạn cơ hội trải nghiệm nhiều mảng của Magento.
Khi làm nhiều dự án với nhiều yêu cầu khác nhau, các bạn sẽ có cái nhìn toàn diện và tiếp cận những vấn đề mà công ty gặp phải. Từ đó, bạn mới có thể hiểu hết và apply hết những gì mà Magento mang lại. Đó là con đường giúp Magento Developer trở nên giỏi hơn và nhanh chóng thăng tiến.
Ví dụ: Dự án 1 làm về tính năng Elastic Search rồi thì dự án 2, bạn phải làm những tính năng mới hơn như: Magento Cloud, Fastly CDN…
Anh đánh giá là một bạn làm Magento khoảng 4 năm sẽ lên được vị trí Senior.
Tham khảo thêm: Junior và Senior Developer khác nhau ra sao?
Anh Công Luận cũng chia sẻ về tình hình tuyển dụng Magento Developer thực tế tại công ty anh:
“Riêng công ty anh thì công việc Magento lúc nào cũng có. Chỉ cần bạn là Developer cứng tay, có định hướng nghề nghiệp theo hướng kỹ thuật hoặc quản lý thì lúc nào cũng được chào đón.
Tuy nhiên, nếu có vị trí nào trống thì anh luôn ưu tiên promote những người trong công ty trước.
Ở công ty anh vì tính chất công việc nên thường không tuyển các vị trí Junior, chỉ tuyển Senior thôi.”
Magento Developer trong ngành IT nói gì?
Khi được hỏi về sai lầm đã mắc phải trong quá trình làm việc với Magento là gì, anh Công Luận chia sẻ rằng có rất nhiều vấn đề xảy ra trong công việc nhưng có một trường hợp mà anh rất nhớ.
Khi đó team anh suggest cho khách hàng một giải pháp là sử dụng thêm extension có khả năng sync với sản phẩm. Có nghĩa là ngoài trang Magento hiện tại, họ còn có thể bán hàng trên cả eBay và Amazon.
Khách hàng đồng ý bỏ tiền ra mua nhưng không ngờ là giải pháp này không chạy.
Sau khi tìm hiểu nguyên nhân thì anh biết được là team mình suggest giải pháp cho khách hàng nhưng lại không chắc là nó sẽ hoạt động như thế nào. Mọi người chỉ nghĩ “À, mình làm đúng tính năng rồi, nó chạy là được” mà không test đầy đủ các case có thể xảy ra, dẫn đến thất bại.
Về phía khách hàng, khi biết giải pháp này không hiệu quả, họ cũng chẳng nói gì. Họ cũng không báo ngay với team anh để kịp thời sửa lỗi. Bẵng đi suốt mấy tháng trời như vậy.
Rồi một hôm, họ đột ngột gửi đơn đề nghị công ty giải quyết, nếu không sẽ kiện ra tòa. Lúc đó, anh và các thành viên khác mới “tá hỏa”.
Team anh dồn toàn bộ thời gian để tìm kiếm extension mới, custom nó để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, anh nghĩ, nếu cẩn thận hơn ngay từ lúc đầu thì sự cố này có lẽ đã không xảy ra.
Từ sau sai lầm này, cá nhân anh và các thành viên trong team luôn nhắc mình phải làm việc cẩn trọng hơn.
“Cụ thể, với những yêu cầu của khách hàng, team anh luôn liệt kê ra thành những yêu cầu thật cụ thể rồi gửi qua mail để họ xác nhận. Tóm lại là thường xuyên tương tác để nhận lại phản hồi từ họ. Khi mọi thứ OK hết thì bọn anh mới bắt tay vào làm.
Với những giải pháp mà team anh suggest thì anh yêu cầu tất cả mọi người phải chắc chắn về nó, đảm bảo nó chạy tốt để mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng.
Các Developer không được cheat code, phải làm đúng quy trình, không hack vào code và đặc biệt là phải test rất nhiều case.
Ví dụ: Sau khi một bạn Developer hoàn thành xong phần code của họ. Một bạn khác (đóng vai trò như khách hàng) phải chạy thử để xem nó có chạy đúng như yêu cầu không, có xảy ra mâu thuẫn nào giữa các đoạn code đã tạo hay không.”
Với những chia sẻ từ anh Công Luận và anh Trung Nghĩa, ITviec đã giúp các bạn giải đáp được “Magento là gì” cũng như về cơ hội việc làm Magento Developer trên thị trường, làm thế nào để nhanh chóng thăng tiến với công việc này.
Tiểu sử:
Anh Dương Công Luận bắt đầu sự nghiệp với vai trò Developer cho một số công ty: Alive Interactive, Vidaltek và Agile Mobile.
Sau đó anh lần lượt giữ chức Project Manager và hiện tại là General Manager của Forix – Top 10 công ty làm về Magento nổi tiếng nhất tại TP. HCM.
Anh Hồ Trung Nghĩa tốt nghiệp ngành Toán-Tin, ĐH Khoa học tự nhiên. Sau khoảng 2 năm làm việc ở công ty 3FORCOM với vị trí Senior Developer thì anh chuyển hướng sang làm Magento.
Hiện tại, anh giữ vị trí Team Leader tại Forix với hơn 8 năm kinh nghiệm trong nghề.
Nếu bạn nghĩ những chia sẻ này có thể giúp ích cho bạn bè hoặc đồng nghiệp, đừng quên nhấn nút Share bên dưới nhé!
Và đừng quên tham khảo việc làm Magento Developer tại ITviec!