Website testing được thực hiện với mục tiêu là xác định và khắc phục các vấn đề, đảm bảo trang web hoạt động hiệu quả trên các trình duyệt, thiết bị và mạng khác nhau. Điều này giúp mang lại trải nghiệm liền mạch cho người dùng. Trong quá trình này, Website Tester đóng một vai trò quan trọng, đảm bảo chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm trước khi ra mắt.

Đọc bài viết này để biết:

  • Website Tester là gì? Làm thế nào để trở thành chuyên viên kiểm thử website?
  • Những kỹ năng cần có của một chuyên viên kiểm thử website
  • Tổng hợp các công cụ hỗ trợ

Website testing là gì?

Website testing là quá trình đánh giá một website để tìm các vấn đề, lỗi và khiếm khuyết trước khi nó đi vào hoạt động. Các bước thực hiện website testing cơ bản:

  • Kiểm thử chức năng: Bước kiểm thử này đảm bảo rằng tất cả các chức năng của hệ thống đúng như tài liệu mô tả và hoạt động của hệ thống đáp ứng đúng mong đợi/ kỳ vọng của người dùng. Điều này bao gồm việc xác định chức năng, nhập dữ liệu, thực hiện các trường hợp kiểm thử và phân tích kết quả thực tế.
  • Kiểm thử khả năng sử dụng: Đây là bước đánh giá trải nghiệm người dùng và tính dễ sử dụng của website, bao gồm việc phát triển chiến lược kiểm thử, tuyển dụng người tham gia, chạy kiểm thử và phân tích kết quả.
  • Kiểm thử giao diện: Bước này đảm bảo tất cả các tương tác giữa máy website và máy chủ diễn ra suôn sẻ. Quá trình bao gồm kiểm thử quá trình giao tiếp, đảm bảo mọi phản hồi, truy vấn gửi về cơ sở dữ liệu như kết quả mong đợi trên lý thuyết của đội ngũ phát triển. Nếu kết quả được trả về là các sai số so với lý thuyết sẽ hiển thị thông báo lỗi chính xác, xử lý sự gián đoạn người dùng và máy chủ.
  • Kiểm thử khả năng tương thích: Bước kiểm thử này đảm bảo website hoạt động tốt trên các trình duyệt và thiết bị khác nhau, bao gồm kiểm thử tính tương thích của trình duyệt như: Opera, Firefox, Chrome, Safari…, hệ điều hành khác nhau như Windows, Mac…và thiết bị di động.
  • Kiểm thử hiệu suất: Kiểm thử hiệu suất giúp Tester đánh giá hiệu suất của website thông qua việc kiểm thử tốc độ internet, tải bình thường, cao điểm, độ trễ, thông lượng và khả năng phục hồi.
  • Kiểm thử bảo mật: Quá trình kiểm thử này đảm bảo website được bảo vệ khỏi truy cập trái phép và các hành động có hại, bao gồm kiểm thử quyền truy cập với việc cố truy cập thông tin bằng cách thay đổi tham số trong chuỗi truy vấn bằng cách thay đổi trên URL, xác minh SSL, kiểm thử CAPTCHA và ghi lại các nỗ lực vi phạm bảo mật.

Website Tester là gì? Tại sao cần có Website Tester?

Website Tester là người chịu trách nhiệm kiểm thử và đánh giá chất lượng của website. Họ đảm bảo rằng website hoạt động chính xác, hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của người dùng trên nhiều thiết bị khác nhau.

Website đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Do vậy, việc đảm bảo chất lượng website là vô cùng quan trọng. Chuyên viên kiểm thử website sẽ giúp doanh nghiệp:

  • Cung cấp trải nghiệm người dùng tốt: Website chất lượng cao sẽ mang đến trải nghiệm tốt cho người dùng, từ đó thu hút khách hàng tiềm năng và tăng tỷ lệ chuyển đổi.
  • Tăng hiệu quả kinh doanh: Website hoạt động ổn định và mượt mà sẽ giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi nhuận.
  • Bảo mật website: Website là mục tiêu tấn công của nhiều hacker. Website Tester giúp bảo vệ website giảm thiểu các mối đe dọa về bảo mật.

Làm thế nào để trở thành Website Tester?

Để trở thành một Website Tester thành công, bạn cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết sau:

Kiến thức nền tảng

Trước khi bắt đầu kiểm thử website, bạn cần nắm vững các nguyên tắc cơ bản về phát triển web và kiểm thử phần mềm. Hiểu biết về HTML, CSS và JavaScript là cần thiết vì đây là nền tảng của các website. Kiến thức này giúp bạn xác định vấn đề hiệu quả hơn.

Tích lũy kinh nghiệm

Kinh nghiệm thực tế là vô giá trong việc kiểm thử website. Bạn có thể bắt đầu bằng việc tham gia vào các dự án nguồn mở để rèn luyện kỹ năng. Bạn cũng có thể tình nguyện kiểm thử các website cho các tổ chức phi lợi nhuận hoặc doanh nghiệp nhỏ. Trải nghiệm này không chỉ mài giũa kỹ năng mà còn làm phong phú thêm CV của bạn.

Sở hữu chứng chỉ

Bạn hãy cân nhắc việc sở hữu chứng chỉ về kiểm thử phần mềm, đây là bằng chứng xác thực cho kiến thức và kỹ năng của bạn trong lĩnh vực này. Mặc dù không bắt buộc nhưng chứng chỉ có thể mang lại lợi thế khi bạn ứng tuyển vào các vị trí kiểm thử website.

Nhà tuyển dụng có thể tin tưởng vào khả năng của bạn trong việc thực hiện các công việc kiểm thử website một cách hiệu quả và chuyên nghiệp.

Xem thêm: Top 10+ khóa học Tester cho người mới bắt đầu

Thành thạo công cụ hỗ trợ

Để làm việc hiệu quả, bạn cần thành thạo các công cụ kiểm thử khác nhau giúp tự động hóa và tối ưu hóa quy trình kiểm thử. Sử dụng thành thạo các công cụ này sẽ tiết kiệm thời gian và cho phép bạn tiến hành các bài kiểm thử kỹ lưỡng hơn. Hãy cập nhật các công cụ và xu hướng mới trong kiểm thử web khi công nghệ phát triển.

Xây dựng network

Việc xây dựng network rất quan trọng trong bất kỳ nghề nghiệp nào và kiểm thử website cũng không ngoại lệ. Bạn hãy kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực này qua diễn đàn, nhóm truyền thông xã hội hoặc các buổi talkshow. Việc chia sẻ kinh nghiệm với người trong ngành có thể mang lại cơ hội học tập và việc làm tiềm năng.

Ngoài ra, một mạng lưới chuyên nghiệp cung cấp sự hỗ trợ và lời khuyên hữu ích khi bạn định hướng sự nghiệp của mình với tư cách là Website Tester.

Mức lương của Website Tester

Theo khảo sát Báo cáo Lương IT 2023 – 2024 của ITviec, mức lương của Tester tại Việt Nam dao động từ 9 triệu đồng đến 40 triệu đồng mỗi tháng, tùy thuộc vào vị trí, cấp bậc và kinh nghiệm, cụ thể như sau:

Kinh nghiệm / Chức vụ <1 năm 1-2 năm 3-4 năm 5-8 năm >8 năm
Tester 9.000.000 15.000.000 19.500.000 30.000.000 39.000.000
QA – QC 12.000.000 13.000.000 30.000.000 33.000.000 40.000.000

5 công cụ hỗ trợ Website Tester tốt nhất

Lĩnh vực kiểm thử website sở hữu nhiều phương pháp và công cụ đa dạng, đáp ứng các yêu cầu cụ thể của từng dự án. Sự kết hợp linh hoạt các phương pháp này đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá toàn diện chất lượng, chức năng và hiệu suất của website. Sau đây là một số công cụ được dùng phổ biến:

Công cụ tự động hóa kiểm thử (Automated testing tool)

Công cụ tự động hóa kiểm thử là một phần không thể thiếu trong quá trình thực hiện các bài kiểm thử lặp đi lặp lại và có hệ thống.

Công cụ này đảm bảo rằng website duy trì hoạt động và không có lỗi quay lại trong quá trình phát triển. Một số công cụ tự động hóa kiểm thử phổ biến bao gồm:

  • Selenium: Selenium là một công cụ đa năng để tự động hóa các tương tác trên trình duyệt, hỗ trợ nhiều ngôn ngữ lập trình và trình duyệt khác nhau. Công cụ này được sử dụng phổ biến để kiểm thử chức năng và hồi quy.
  • Cypress: Cypress là một khung kiểm thử đầu cuối hiện đại được thiết kế cho các website. Công cụ này cung cấp khả năng tải lại thời gian thực và trải nghiệm sửa lỗi tối ưu.
  • Jest: Jest thường được sử dụng cho các ứng dụng dựa trên JavaScript, là một khung kiểm thử nhấn mạnh vào tính đơn giản và tốc độ. Công cụ này thường được sử dụng để kiểm thử đơn vị và thành phần.

Xem thêm: Top 5 automation test tool được yêu thích nhất 2024

Công cụ kiểm thử tải (Load testing tool)

Công cụ kiểm thử tải là những phần mềm hỗ trợ trong việc đánh giá cách website của bạn hoạt động dưới áp lực và lưu lượng người dùng khác nhau.

Những công cụ này là cần thiết để phát hiện các vấn đề về hiệu suất và đảm bảo rằng ứng dụng của bạn có thể xử lý được tải cao trong các điều kiện tải khác nhau. Các công cụ kiểm thử tải đáng chú ý bao gồm:

  • Apache JMeter: JMeter là một công cụ mã nguồn mở được sử dụng để kiểm thử tải và hiệu suất, có khả năng mô phỏng các tình huống và mức độ tải khác nhau.
  • LoadRunner: LoadRunner được phát triển bởi Micro Focus, là một công cụ kiểm thử hiệu suất toàn diện cung cấp nhiều giao thức và khả năng tích hợp.
  • Gatling: Gatling là một công cụ kiểm thử tải mã nguồn mở được thiết kế để thử nghiệm các ứng dụng web, giao thức HTTP và các ứng dụng dựa trên giao thức WebSocket, sử dụng ngôn ngữ lập trình Scala để viết kịch bản cho các tình huống thực tế.

Công tự kiểm thử bảo mật (Security testing tool)

Công tự kiểm thử bảo mật đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính an toàn cho website trong quá trình phát triển. Công cụ này giúp phát hiện các lỗ hổng và điểm yếu mà kẻ tấn công có thể tận dụng.

Dưới đây là một số công tự kiểm thử bảo mật đáng chú ý:

  • OWASP ZAP: OWASP Zed Attack Proxy (ZAP) là một công cụ kiểm thử bảo mật được sử dụng phổ biến, giúp phát hiện các lỗ hổng bảo mật trong quá trình phát triển và kiểm thử.
  • Burp Suite: Burp Suite là một bộ công cụ dành cho việc kiểm thử bảo mật website. Công cụ này bao gồm các tính năng quét, thu thập thông tin và khai thác các lỗ hổng bằng cách tích hợp nhiều các công cụ khác nhau để có thể thực hiện được mục đích xâm nhập và kiểm thử web.
  • Nessus: Nessus là một trình quét lỗ hổng mạng có thể được sử dụng để xác định các vấn đề bảo mật trong website.

Công cụ kiểm thử nhiều trình duyệt (Cross-browser testing tool)

Công cụ kiểm thử nhiều trình duyệt đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính nhất quán của giao diện và chức năng của website trên nhiều trình duyệt và phiên bản khác nhau. Dưới đây là một số tùy chọn phổ biến:

  • BrowserStack: BrowserStack cung cấp một nền kiểm thử di động và web trên nền tảng đám mây cho phép các nhà phát triển kiểm thử các website và ứng dụng di động của họ trên các trình duyệt theo yêu cầu, hệ điều hành và thiết bị di động thực mà không yêu cầu người dùng cài đặt máy ảo, thiết bị hoặc trình giả lập.
  • CrossBrowserTesting: CrossBrowserTesting cung cấp các dịch vụ kiểm thử thời gian thực cho các website trên nhiều trình duyệt, bao gồm cả các thiết bị di động.
  • Sauce Labs: Sauce Labs cung cấp một nền tảng kiểm thử dựa trên đám mây để thực hiện kiểm thử tự động trên nhiều trình duyệt.

Công cụ kiểm thử khả năng truy cập (Accessibility testing tool)

Công cụ kiểm thử khả năng truy cập là các công cụ không thể thiếu trong việc đảm bảo tính khả dụng của website cho người khuyết tật. Các công cụ này phát hiện và đánh giá các vấn đề liên quan đến tuân thủ nguyên tắc về khả năng truy cập.

Những công cụ này có thể xác định các rào cản tiềm ẩn đối với quyền truy cập, chẳng hạn như thiếu văn bản thay thế trên hình ảnh hoặc các trường biểu mẫu được gắn nhãn không đúng và đưa ra các đề xuất để giải quyết những vấn đề này.

Dưới đây là một số công cụ đáng chú ý:

  • ax: ax là một công cụ kiểm thử tích hợp với nhiều khung kiểm thử khác nhau và cung cấp phản hồi về khả năng truy cập có thể thực hiện được.
  • WAVE: Công cụ đánh giá khả năng truy cập web cung cấp cả tiện ích mở rộng trực tuyến và trình duyệt. Nó giúp xác định các lỗi truy cập trên các trang web và cung cấp các chỉ báo trực quan cũng như báo cáo chi tiết.
  • Pa11y: Pa11y là một công cụ kiểm thử khả năng truy cập tự động có thể được sử dụng thông qua giao diện dòng lệnh hoặc được tích hợp vào quy trình tích hợp liên tục. Công cụ này giúp cho việc kiểm thử khả năng truy cập trở nên dễ dàng và dễ tiếp cận đối với các nhà phát triển.

Các câu hỏi về Website Tester thường gặp

Website Tester khác với App Tester như thế nào?

Dưới đây là tổng quan so sánh giữa Website Tester khác với App Tester:

Đặc điểm App Tester Website Tester
Phạm vi kiểm thử Rộng lớn, bao gồm nhiều thiết bị, hệ điều hành và tính năng Hạn chế, thường tập trung vào một số trình duyệt phổ biến
Khả năng hoạt động Có thể hoạt động ngoại tuyến, nhưng ảnh hưởng bởi kết nối Internet Chủ yếu test các trường hợp được kết nối mạng (một số trang web vẫn hỗ trợ người dùng thao tác offline và lưu dữ liệu trên client)
Kỹ năng chuyên môn Kiến thức về hệ điều hành di động (iOS, Android, v.v.), ngôn ngữ lập trình di động (Swift, Java, Kotlin, v.v.), công cụ kiểm thử di động (Appium, XCTest, Robotium,…) HTML, CSS, Javascript, kiến thức về giao diện người dùng web, công cụ kiểm thử web (Selenium, BrowserStack,…)
Kiểm thử hiệu suất Tập trung vào hiệu suất thiết bị, sử dụng pin,.. Tập trung vào tốc độ tải trang, khả năng đáp ứng,…
Kiểm thử tương thích Cần kiểm thử trên nhiều loại thiết bị và phiên bản hệ điều hành Thường chỉ cần kiểm thử trên một số trình duyệt phổ biến

Đọc thêm: App Tester: Mô tả công việc, Kỹ năng và Công cụ làm việc

Các phương pháp hay để thực hiện testing website là gì?

Các phương pháp hay nhất cho kiểm thử web bao gồm:

  • Kiểm thử trình duyệt chéo: Bạn cần luôn kiểm thử trên nhiều trình duyệt để đảm bảo tính tương thích rộng rãi, không chỉ trên phiên bản mới nhất.
  • Kiểm thử thăm dò: Bạn có thể tiến hành khám phá website mà không có kế hoạch cụ thể. Điều này giúp phát hiện các lỗi mà tự động hóa không thể.
  • Chú ý đến hiệu suất: Bạn nên đo lường và phân tích số liệu hiệu suất một cách nghiêm túc để hiểu rõ tình hình và đưa ra biện pháp cải thiện.
  • Hiểu rõ hệ thống: Bạn cần xác định và hiểu các hạn chế của hệ thống để chuẩn bị cho mọi tình huống.

Những khó khăn thường gặp của Website Tester là gì?

Mặc dù kiểm thử web có vẻ suôn sẻ, nhưng lại gặp một số thách thức. Những thách thức này đòi hỏi sự chú ý đặc biệt và tỉ mỉ từ phía Website Tester. Các khó khăn thường gặp bao gồm:

  • Bảo mật website: Doanh nghiệp không thể đảm bảo tính an toàn của một website cho đến khi nó bị tấn công. Thách thức lớn cho người kiểm thử là đảm bảo tính bảo mật của website một cách xuyên suốt.
  • Phân mảnh trong trình duyệt: Sự đa dạng của trình duyệt web làm cho việc duy trì tính tương thích của website trở nên khó khăn khi mỗi phiên bản trình duyệt có những thay đổi riêng.
  • Đáp ứng mong đợi của người dùng: Với tốc độ internet nhanh chóng, người dùng ngày càng mong đợi trải nghiệm trực tuyến nhanh chóng và mượt mà. Website Tester phải đối mặt với áp lực để đáp ứng những kỳ vọng này.
  • Tính nhất quán đa nền tảng: Người dùng sử dụng nhiều thiết bị khác nhau và mong đợi tính nhất quán. Điều này tạo ra thách thức cho việc kiểm thử web, đặc biệt là về tính nhất quán dữ liệu và hành vi người dùng trên các nền tảng khác nhau.

Tổng kết về Website Tester

Việc thực hiện các phương pháp kiểm thử web hiệu quả là một phần quan trọng của vai trò của một Website Tester. Sự chuyên nghiệp và sự cẩn thận trong công việc của Tester đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng trải nghiệm người dùng cuối cùng là tốt nhất có thể.