Nội dung chính
Sức ảnh hưởng lớn mạnh của công nghệ Blockchain trong những năm gần đây có thể thay đổi cả một nền kinh tế số. Vì vậy, không thể thiếu sự can thiệp của nền tảng này vào các lĩnh vực như y tế, chính phủ, logistics, vv. Tìm hiểu về định nghĩa của blockchain và khám phá 7 ứng dụng blockchain thực tiễn trong nhiều lĩnh vực khác nhau ngay tại bài viết này.
Đọc bài viết này để hiểu rõ:
- Blockchain là gì?
- Ưu điểm và nhược điểm của Blockchain
- 7 ứng dụng Blockchain trong các lĩnh vực
Blockchain là gì?
Blockchain là gì?
Blockchain là gì? Công nghệ Blockchain (chuỗi khối) được biết đến như một cuốn sổ cái được xây dựng như một mạng lưới mã hoá phi tập trung phức tạp. Điều này đảm bảo an toàn tuyệt đối cho việc lưu trữ và truyền tải dữ liệu các giao dịch trên mạng ngang hàng.
Một số ứng dụng blockchain quen thuộc với con người có thể kể đến như tiền điện tử (Bitcoin), DeFi (ứng dụng tài chính phi tập trung), NFT (token không thể thay thế), hoặc smart contract (hợp đồng thông minh).
Vậy tại sao blockchain lại thật sự quan trọng cho việc phát triển doanh nghiệp?
Hoạt động kinh doanh được vận hành dựa trên các cơ sở dữ liệu, và chúng cần được truyền tải một cách minh bạch và an toàn. Và để đảm bảo tính tuyệt đối của quá trình này, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của blockchain.
Blockchain giúp cung cấp thông tin ngay lập tức, công khai, và minh bạch trên cuốn sổ cái với độ bảo mật cao. Vì vậy, không những người dùng có thể tự tin giao dịch, mà các doanh nghiệp ứng dụng blockchain còn nhận được nhiều niềm tin hơn từ khách hàng.
Mrinal Manohar, CEO và Founder của Casper Labs – chuyên cung cấp các giải pháp blockchain cho các doanh nghiệp, đã nhận định rằng, “Blockchain là hình thức bảo vệ bản sao và chứng nhận kỹ thuật số hiệu quả nhất mà thế giới từng được chứng nhận, và công nghệ này đang âm thầm giúp các công ty tăng hiệu quả, tính minh bạch và tối ưu hóa chi phí.”
Nguyên lý hoạt động của blockchain
Có thể nói, bản chất của công nghệ này về cơ bản cũng là nơi lưu trữ nhập và lưu trữ cơ sở dữ liệu trong công việc. Tuy nhiên, blockchain được xây dựng với cấu trúc phức tạp hơn với nhiều nguyên lý hoạt động mang tính công nghệ cao, chẳng hạn như:
- Mỗi giao dịch khi thực thi đều được mã hóa dưới dạng băm và chứa trong một “khối” dữ liệu: Những giao dịch đó thể hiện sự quá trình sử dụng của một tài sản hữu hình (sản phẩm) hoặc vô hình (trí tuệ). Mỗi khối (block) đều cho phép bạn chọn thông tin để lưu trữ, ví dụ như ai, cái gì, khi nào, ở đâu, bao nhiêu và thậm chí cả trạng thái.
- Mỗi khối được kết nối với khối trước nó: Khi người dùng tác động đến tài sản này hoặc thay đổi quyền sở hữu, các khối lưu trữ tạo thành một chuỗi dữ liệu và xác nhận chính xác thời gian và trình tự giao dịch. Đồng thời các khối liên kết chặt chẽ với nhau để ngăn chặn bất kỳ sự thay đổi hoặc lẫn lộn thông tin giữa các khối hiện có.
- Các giao dịch được chứa trong một chuỗi không thể đảo ngược, tạo thành một blockchain (chuỗi khối): Mỗi khi có giao dịch được nhập vào, các khối sẽ yêu cầu xác minh khối trước đó. Quá trình này được lặp đi lặp lại để đảm bảo thông tin được lưu trữ chính xác, ngăn chặn tình trạng kẻ xấu giả mạo, tạo nên một mạng lưới lưu trữ an toàn và đáng tin cậy.
Các cấp của blockchain
Cấp | Đối tượng | Chi tiết |
Blockchain 1.0 | Tiền điện tử | Đây là phiên bản ra đời của tiền điện tử, bao gồm chuyển đổi tiền tệ, hệ thống thanh toán kỹ thuật số, các giao dịch phi tập trung. |
Blockchain 2.0 | Thị trường tài chính | Phiên bản này được cho là mở rộng tính ứng dụng blockchain vào thị trường tài chính, ngân hàng: trái phiếu, cổ phiếu, nợ, chứng khoán…
Đây cũng là lúc ra đời của smart contract (hợp đồng thông minh), tăng tính bảo mật của blockchain lên mức tuyệt đối và giảm thiểu sự ảnh hưởng của các bên thứ 3. |
Blockchain 3.0 | dApps | Đây là phiên bản kết hợp giữa smart contract và dApps (ứng dụng phi tập trung). Sự phát triển này cho phép blockchain lần đầu tham gia vào các lĩnh vực đa dạng như y tế, chính phủ,…. |
Blockchain 4.0 | Doanh nghiệp | Phiên bản hiện tại của blockchain, cũng được cho là phiên bản mạnh nhất, cho phép mọi doanh nghiệp đều có thể tạo nên một ứng dụng phân quyền.
Không những nâng cấp về tính bảo mật và rút ngắn thời gian giao dịch, khả năng lưu trữ tự động, nhưng vẫn công khai và minh bạch cho người dùng. |
4 ứng dụng công nghệ dựa trên Blockchain
Internet of Things (IoT)
Các thiết bị thông minh tạo nên Internet of Things (IoT). Bằng cách lưu trữ dữ liệu được thu thập từ các thiết bị này vào blockchain, người dùng có thể yên tâm về tính bảo mật của các thông tin, đặc biệt ngăn chặn xâm nhập của các dịch vụ giả mạo.
Ví dụ: Patently Walmart là một giải pháp blockchain cho IoT. Với Patently Walmart, mỗi thiết bị nhận được một mã định danh duy nhất và người dùng có mật khẩu có thể truy cập được qua thiết bị cá nhân của họ.
Mật khẩu này cho phép người dùng quản lý từng thiết bị khi biết rằng tất cả các giao dịch và tin nhắn đều được mã hóa và hoạt động trong mạng lưới bảo mật. Mọi thay đổi đều được cập nhập để người dùng có thể kiểm tra trong hệ thống blockchain chống giả mạo.
Smart Contracts
Smart Contracts (hợp đồng thông minh) được tạo ra như một thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên mà không có sự tham gia của bất kỳ bên trung gian nào. Hợp đồng tồn tại trên một mạng lưới Blockchain phân tán và phi tập trung. Hợp đồng thông minh hiện là một phần ứng dụng blockchain quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bất động sản, và thậm chí đối với các cơ quan chính phủ.
Ví dụ: BurstIQ đã sử dụng hợp đồng thông minh dựa trên các tập dữ liệu lớn để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình trao đổi các dữ liệu y tế nhạy cảm giữa bệnh nhân và bác sĩ. Các hợp đồng chứa đựng các nội dung liên quan đến thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe được, và các chi tiết liên quan khác của từng bệnh nhân.
Bảo mật danh tính cá nhân
Trộm cắp danh tính cá nhân và hack là những “mối lo” lớn nhất trong lĩnh vực an mạng những năm gần đây. Chỉ riêng nửa đầu năm 2023, báo cáo từ Ủy ban Thương mại liên bang (Federal Trade Commission – FTC) tiết lộ đã có gần 560,000 trường hợp báo cáo bị trộm cắp danh tính tại Mỹ.
Các hình thức tội phạm được diễn ra nhiều cách khác nhau, từ hack và xâm phạm hồ sơ cá nhân đến giả mạo tài liệu. Điều đáng mừng là, blockchain có thể giúp chống lại mối đe dọa này bằng cách lưu trữ thông tin cá nhân quan trọng (ví dụ: số an sinh xã hội, giấy khai sinh, địa chỉ, PAN, v.v.) trên một sổ cái phi tập trung và bất biến.
Web 2.0 tập trung hiện tại vẫn cho phép các bên thứ ba can thiệp vào hành vi sử dụng mạng của người dùng mạng, vì vậy, vẫn xảy ra những tình trạng bán thông tin cá nhân bị lộ. Cụ thể hơn, nó không thể triển khai danh tính tự chủ (Self-sovereign identity – SSI) cho người dùng.
Tuy nhiên, blockchain có thể cung cấp cho người dùng quyền kiểm soát toàn diện thông tin về danh tính kỹ thuật số của họ. Vì vậy, bảo mật danh tính cá nhân là một trong những trường hợp sử dụng blockchain để mở đường cho SSI.
NFT (Non-fungible token)
Các token không thể thay thế, hay NFT, đã trở nên phổ biến đáng kể trong thế giới tài chính. NFT có thể được sử dụng để tạo tài liệu làm bằng chứng xác thực cho các tài sản vật chất như tranh vẽ và đồ trang sức, nhạc kỹ thuật số và tác phẩm nghệ thuật, v.v.
Hiện tại, cơn sốt NFT đã và đang bùng nổ trong giới nghệ sĩ, nhạc sĩ và những người có ảnh hưởng trên toàn cầu. Họ tận dụng công nghệ để nâng cao giá trị cho những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của mình.
Ví dụ: OpenSea hiện được cho thị trường giao dịch NFT lớn nhất thế giới. Nền tảng này hỗ trợ nhiều bộ sưu tập NFT, bao gồm các danh mục đầu tư như bất động sản ảo, các mặt hàng trò chơi và đồ sưu tầm tiền điện tử.
Đọc thêm: Game blockchain cũng là một nguồn cung cấp NFT
7 ứng dụng Blockchain thực tiễn trong các lĩnh vực
Theo Statista, thị trường blockchain hiện đang được định giá 23,3 tỷ đô la trong năm 2023 và dự kiến sẽ tăng trưởng đến 39,7 tỷ đô la Mỹ trong năm 2025. Có thể nói, đây là thời đại công nghệ blockchain đang dần “xâm chiếm” những các thị trường khác. Hay nói đúng hơn, tính ứng dụng blockchain đang được các doanh nghiệp và nhiều lĩnh vực ưu tiên thực thi, cụ thể như:
Ứng dụng blockchain trong Y tế
Ngành chăm sóc sức khỏe đang phải đối mặt với vô số thách thức gây khó khăn cho việc cung cấp dịch vụ chăm sóc hiệu quả, bao gồm:
- Các vấn đề pháp lý, chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao, dữ liệu bệnh nhân không được bảo mật.
- Bệnh nhân thường phải điền các giấy tờ có cùng thông tin ở nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe, dẫn đến tình trạng dư thừa và kém hiệu quả.
- Ngoài ra, hồ sơ và thông tin y tế thường được lưu trữ trong silo và chỉ các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cụ thể mới có thể truy cập được, gây khó khăn cho việc quan sát toàn diện về lịch sử sức khỏe của bệnh nhân.
Những lợi ích nổi bật của việc ứng dụng blockchain trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là:
- Với blockchain, dữ liệu bệnh nhân được lưu trữ trên một mạng phi tập trung không thể thay đổi, chống giả mạo, cho phép chia sẻ và lưu trữ dữ liệu bệnh nhân một cách an toàn.
- Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể hợp lý hóa quy trình quản lý dữ liệu của họ và loại bỏ các nguyên nhân chính gây phát sinh chi phí chăm sóc sức khỏe.
- Cho phép chia sẻ dữ liệu dễ dàng và an toàn giữa các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhà nghiên cứu và bệnh nhân, từ đó, tăng tốc độ nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị mới.
- Thuận lợi cho quá trình thanh toán và thanh toán chính xác và hiệu quả hơn, giảm gánh nặng hành chính và giải phóng nguồn lực cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Ví dụ: Hệ thống blockchain của Medicalchain duy trì tính toàn vẹn trong việc lưu trữ các hồ sơ sức khỏe trong cùng một hệ thống duy nhất. Các bác sĩ, bệnh viện và phòng thí nghiệm đều có thể xem được hồ sơ gốc của bệnh nhân và bảo vệ danh tính của họ khỏi các xâm nhập bên ngoài.
Ứng dụng blockchain trong Tài chính
Hệ thống ngân hàng truyền thống đều có sự can thiệp bởi các bên trung gian như doanh nghiệp giám sát và cơ quan thanh toán bù trừ, điều này làm kéo dài thời gian và chi phí giao dịch. Hơn nữa, hình thức ngân hàng tập trung truyền thống có thể gây ra nguy cơ toàn bộ hệ thống bị xâm nhập từ một điểm yếu duy nhất, từ đó dẫn mối đe dọa về gian lận hoặc tấn công mạng.
Tuy nhiên, ứng dụng blockchain sẽ đảm bảo:
- Tính minh bạch cho các giao dịch tiền tệ, giúp nâng cao hiệu quả và thậm chí, giảm chi phí một cách đáng kể.
- Các tổ chức ngân hàng có thể sử dụng các công nghệ mới nổi để hỗ trợ thanh toán nhanh hơn và giảm phí xử lý chúng.
- Có thể cắt giảm nhu cầu xác minh từ bên thứ ba và đẩy nhanh thời gian xử lý.
Ví dụ như, Westpac, một ngân hàng hàng đầu ở Úc, đã hợp tác với Ripple để phát triển hệ thống thanh toán xuyên biên giới chi phí thấp dựa trên blockchain. Các ngân hàng khác như Deutsche Bank, Barclays Bank, BNP Paribas, v.v. đang dựa vào blockchain vì nó đảm bảo chi phí chuyển tiền thấp từ 2% -3% trên tổng số tiền.
Nhắc đến ứng dụng blockchain vào ngân hàng truyền thống thì không thể bỏ qua các sản phẩm FinTech. Nổi bật như Bitcoin, một trong những sản phẩm kỹ thuật số lớn nhất được tạo ra bởi blockchain, là tiền đề cho các giao dịch không có sự can thiệp của bên thứ ba hoặc cơ quan trung ương.
Và sau đó là liên tiếp những dự án như Ethereum, hợp đồng thông minh, tăng giá trị của blockchain cho các nhu cầu kinh doanh như thị trường tài chính.
Ứng dụng blockchain trong Giáo dục
Tiềm năng to lớn của blockchain có thể tạo ra một mô hình kinh doanh mới và đóng vai trò là toàn bộ cơ sở hạ tầng cho các trường đại học thay vì chỉ là một công cụ.
Cụ thể như, sử dụng hợp đồng thông minh đã giúp:
- Hỗ trợ và tự động hóa các thỏa thuận cũng như thanh toán giữa học sinh và giáo viên
- Cho phép các nhà giáo dục bảo mật dữ liệu liên quan đến bằng cấp, bảng điểm, v.v.
- Cắt giảm chi phí hành chính bằng cách loại các bên trung gian.
- Việc dữ liệu đã được ghi lại trong chuỗi giúp học sinh có thể truy cập tài liệu giảng dạy một cách an toàn.
- Các nhà biên soạn tài liệu có thể quản lý quyền truy cập một cách đơn giản vì việc sử dụng nội dung cũng được theo dõi trong chuỗi.
Một ví dụ cụ thể cho việc ứng dụng blockchain vào giáo dục chính là trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo (Việt Nam) đã hợp tác với SotaTek JSC và TomoChain phát triển Hệ thống Public Blockchain từ năm 2021. Hệ thống này sẽ bảo mật và lưu trữ tất cả các chứng chỉ và bằng tốt nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp trên công nghệ blockchain.
Ứng dụng blockchain trong Dây chuyền sản xuất
Blockchain giúp tăng cường minh bạch, tốc độ và đáng tin cậy trong sản xuất bằng cách theo dõi sự tương tác giữa các nhà sản xuất, nhà cung cấp và đối tác kinh doanh của họ. Ví dụ, thông qua một nền tảng blockchain, nhà sản xuất có thể dễ dàng theo dõi và xem lại lịch sử giao dịch với từng đối tác kinh doanh trong thời gian thực.
Có thể nói, dù việc phối hợp và theo dõi hàng nghìn bộ phận từ nhiều nhà cung cấp khác nhau có thể dẫn đến sự hỗn loạn trong khâu sản xuất, nhưng blockchain có thể giúp giải quyết vấn đề.
Cụ thể hơn, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp có thể tạo ra một chuỗi khối để theo dõi chuyển động của các thành phần trong chuỗi cung ứng. Blockchain cung cấp một nguồn được xác minh duy nhất mà tất cả các bên có thể sử dụng để cập nhật và kiểm tra trạng thái nguồn cung cấp, đồng thời có thể quản lý việc bổ sung và thanh toán cho nhà cung cấp.
Lấy một ứng dụng thực tiễn để dễ hình dung: Doanh nghiệp sản xuất Hindalco Industries có trụ sở tại Ấn Độ đã triển khai một hệ thống blockchain nhằm đẩy nhanh tiến độ đơn hàng sản xuất trên mạng lưới các nhà cung cấp hợp đồng của mình.
Hệ thống này cho phép Hindalco có được khả năng hiển thị theo thời gian thực về hàng tồn kho của nhà cung cấp, thực thi các thỏa thuận cấp độ dịch vụ (Service-level agreement – SLA) với hợp đồng thông minh, chứng nhận và truy tìm nguồn gốc và tính xác thực của sản phẩm, thực hiện kiểm tra liên tục và hỗ trợ thanh toán hóa đơn.
Ứng dụng blockchain trong Nông nghiệp
IBM Food Trust là điển hình về ứng dụng blockchain trong nông nghiệp. Họ đã tạo ra một mạng lưới tích hợp mọi cá nhân và tổ chức tham gia vào quá trình trong chuỗi cung ứng thực phẩm, từ người trồng trọt đến nhà bán lẻ. Điều này giúp quá trình quản lý được tối ưu hơn bao giờ hết về mọi mặt.
Lợi ích của ứng dụng blockchain trong nông nghiệp là:
- Khả năng cho phép truy xuất nguồn gốc nguồn cung cấp thực phẩm.
- Lưu trữ cụ thể từng bước trong quá trình mua-bán, từ việc sản xuất tại trang trại đến khi sản phẩm ấy được bán ra cho người dùng.
- Khả năng giám sát và xác minh các hoạt động canh tác bền vững và được tuân thủ. Các hoạt động có tác động đến môi trường sẽ được giám sát trong sổ, bao gồm việc sử dụng các hóa chất nguy hiểm, tiêu thụ năng lượng và nước, luân canh cây trồng, v.v.
- Người tiêu dùng cũng như các nhóm giám sát đều có thể truy cập được.
Ứng dụng blockchain trong Bảo hiểm
Với công nghệ blockchain, hợp đồng thông minh và các ứng dụng phi tập trung, ngành bảo hiểm có thể mang đến cho khách hàng một trải nghiệm tự động hóa tiện lợi và bảo mật hơn. Đáng chú ý, nhờ vào chi phí triển khai thấp của các hợp đồng thông minh, các công ty bảo hiểm có thể mang đến nhiều sản phẩm có giá cạnh tranh hơn trên thị trường.
Ví dụ một số cách ứng dụng blockchain trong ngành bảo hiểm:
- Trong quy trình KYC: Giảm rủi ro lỗi, giải quyết các vấn đề sao chép dữ liệu, tăng khả năng hiển thị của khách hàng và tiết kiệm thời gian và tài nguyên.
- Phát hiện gian lận và phòng ngừa rủi ro: Các trường hợp gian lận bảo hiểm diễn ra thường xuyên do quy trình lỗi thời và có lỗ hổng. Để chống lại điều này, các công ty bảo hiểm có thể lưu trữ các yêu cầu bồi thường và cuốn sổ cái sẽ giúp họ phát hiện hành vi đáng ngờ.
- Thúc đẩy các hoạt động buôn bán bảo hiểm ngang hàng: Blockchain có thể tự động hóa các tác vụ và giữ tiền ký quỹ trên các hợp đồng thông minh.
- Cập nhật mới nhất các bảo hiểm thời hạn dài: Bảo hiểm tài sản (ô tô, nhà) và nhân thọ thường kéo dài trong nhiều năm và sẽ có nhiều lần cập nhật. Mỗi lần cập nhật thường được làm thủ công, dẫn đến nhiều lỗi. Các công ty bảo hiểm có thể giải quyết vấn đề này bằng cách sử dụng sổ cái chung và hợp đồng thông minh để ban hành các chính sách mới hoặc yêu cầu các chính sách hiện có và cũng sẽ làm cho vấn đề chính sách mới hoặc yêu cầu quy trình nhanh hơn, hiệu quả hơn và hiệu quả hơn về chi phí.
Ứng dụng blockchain trong Logistics (Vận tải)
Những công ty cung ứng lớn như Nestle và Unilever ứng dụng blockchain trong hoạt động của họ để theo dõi thực phẩm từ trang trại đến khi được bày bán lên các gian hàng. Các nhà sản xuất có thể thấy nhu cầu ở cấp độ người tiêu dùng theo thời gian thực và lập những chiến lược kinh doanh phù hợp.
Họ cũng có thể quản lý nguồn gốc sản phẩm trong và ngoài nước, truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm nếu cần thiết.
Việc sử dụng blockchain sẽ giúp quá trình vận tải được:
- Tiết kiệm bằng cách cải thiện thời gian giao hàng, giảm sai sót và phát hiện các trường hợp gian lận.
- Tạo ra một hệ thống rất hữu ích và hiệu quả để theo dõi quá trình cung ứng của các sản phẩm ở mọi cấp độ: bao gồm địa điểm sản xuất, sản xuất, nhà kho, vận tải, trung tâm phân phối, nhà cung cấp và đối tác bán lẻ.
- Đơn giản hóa các khoản thanh toán xuyên biên giới quốc tế bằng cách đảm bảo tính bảo mật và minh bạch (VD: Visa có dịch vụ thanh toán B2B Connect dựa trên công nghệ blockchain và chuỗi khối và hợp đồng thông minh).
Những năm gần đây, ngành logistics phải đối mặt với nhiều tranh chấp do thiếu hàng. Vì vậy, để giải quyết những rủi ro, FedEx đang sử dụng sổ cái xây dựng trên blockchain để giải quyết vấn đề thiếu hàng hóa và các khiếu nại liên quan đến vận chuyển hàng hóa.
Hệ thống này sẽ tự động thu thập thông tin từ các bên vận chuyển và nhận hàng, giúp giảm thiểu gian lận và loại bỏ các bên thứ ba một cách hiệu quả. Giải pháp này đã giúp FedEx đảm bảo quá trình logistics (vận tải) cho tất cả các gói hàng và hợp lý hóa việc trao đổi dữ liệu, tiết kiệm hàng triệu đô la hàng năm cho các khiếu nại trong quá trình vận chuyển hàng hóa.
Các câu hỏi ứng dụng Blockchain thường gặp
Những rào cản của ứng dụng blockchain?
Hiện có 3 thách thức lớn nhất khiến các doanh nghiệp chưa thể tích hợp blockchain vào hệ thống vận hành của họ, cụ thể như:
- Hiệu suất và quy mô: Nhược điểm của blockchain và hiệu suất chậm khi phải xử lý một lượng lớn giao dịch, điều này có thể đòi hỏi tài nguyên lớn và chi phí cao để cải thiện.
- Quản lý và chính sách: Sự phức tạp trong việc triển khai và quản lý một hệ thống blockchain đòi hỏi thiết lập chính sách và quy trình phù hợp, không những với người dùng mà còn là tổ chức.
- Sự thay đổi văn hóa: Các bên liên quan có thể từ chối thay đổi sang mô hình làm việc mới nếu không phù hợp, đặc biệt là nếu nó có ảnh hưởng đến tài chính hoặc pháp lý của một cá nhân. Kết quả là gây nhiều khó khăn cho việc đồng nhất hệ thống và quy trình.
Lợi ích của việc ứng dụng blockchain là gì?
- An toàn và bảo mật: Blockchain sử dụng mã hóa và cơ chế phân tán phức để bảo vệ dữ liệu khỏi sự xâm nhập và sửa đổi trái phép.
- Đáng tin cậy: Các giao dịch trên blockchain thường là công khai và có thể được kiểm tra bởi các cá nhân và tổ chức liên quan nhằm tạo ra sự minh bạch và đáng tin cậy trong hệ thống.
- Tiết kiệm chi phí: Việc sử dụng blockchain có thể giảm bớt chi phí liên quan đến giao dịch, xác thực và phân phối dữ liệu.
- Khả năng mở rộng: Blockchain có thể mở rộng một cách linh hoạt, cho phép nó mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của hệ thống mà không làm giảm hiệu suất.
- Quản lý danh tính và quyền riêng tư: Blockchain có thể cung cấp cơ sở dữ liệu phân tán và an toàn để quản lý danh tính và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Ưu và nhược điểm của blockchain là gì?
Một số ưu điểm nổi bật của blockchain bao gồm:
- Tăng cường độ chính xác bằng cách loại bỏ sự can thiệp của con người vào trong quá trình xác minh.
- Tối ưu các chi phí khi không có sự tham gia của các bên thứ ba.
- Mạng lưới phi tập trung đảm bảo không có sự xâm nhập giả mạo.
- Giao dịch an toàn, minh bạch, độ bảo mật cao, nhanh chóng, hiệu quả.
- Giải pháp thay thế ngân hàng truyền thống và là công nghệ đại diện đứng ra xác nhận và bảo mật thông tin cá nhân của công dân các nước kém phát triển.
Nhược điểm Blockchain:
- Chi phí khai thác tiền điện tử cao.
- Vẫn chưa hạn chế tuyệt đối lịch sử sử dụng các hoạt động bất hợp pháp.
- Chính sách vẫn còn sự phụ thuộc vào thẩm quyền.
- Dữ liệu lưu trữ có giới hạn.
Tổng kết Ứng dụng Blockchain
Ứng dụng blockchain sẽ ngày càng mở rộng và lớn mạnh, đây là điều không thể chối cãi. Đặc biệt là trong tình trạng các tội phạm mạng liên quan đến đánh cắp thông tin cá nhân ngày càng nhiều ở mọi lĩnh vực.
Vì vậy, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp nên bắt tay vào tích hợp blockchain trong hệ thống quản lý công ty để tăng tính bảo mật cũng như tối ưu chi phí cho quá trình vận hành và bảo vệ người dùng.
Bạn thấy bài viết hay và hữu ích? Đừng ngại Share với bạn bè và đồng nghiệp nhé.
Và nhanh tay tham khảo việc làm IT “chất” trên ITviec!