Nội dung chính
Tester là gì? Đây là người giữ vai trò quan trọng trong quy trình phát triển phần mềm. Họ sẽ là người kiểm thử và đảm bảo chất lượng của sản phẩm cuối cùng trước khi nó được phát hành. Công việc này đòi hỏi người thực hiện phải có nhiều kỹ năng và kiến thức về quy trình phát triển phần mềm. Đọc tiếp bài viết của ITviec để tìm hiểu cụ thể về công việc này.
Đọc bài viết này để tìm hiểu ngay:
- Khái niệm Tester và những công việc cụ thể của nghề này
- Quá trình thăng tiến và những công việc mà Tester có thể đảm nhận
- Những kiến thức và kỹ năng cần có thể trở thành Tester giỏi
- Một số tựa sách về Tester mà bạn có thể tham khảo
Tester là gì? Công việc của một Tester là gì?
Kiểm thử phần mềm là gì?
Quá trình kiểm thử phần mềm bao gồm việc phân tích các thành phần và chức năng của phần mềm thông qua nhiều công cụ và phương pháp khác nhau.
Mục đích của quá trình kiểm thử phần mềm là để xác định các vấn đề của sản phẩm, phát hiện những lỗi sai có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng, sau đó báo cáo kết quả kiểm thử cho các bên liên quan.
Tester là gì?
Tester là người có trách nhiệm kiểm thử phần mềm để đảm bảo sản phẩm đó đạt được chất lượng như mong muốn trước khi cung cấp cho khách hàng.
Tester giúp cung cấp một cái nhìn khách quan về phần mềm, cho phép các doanh nghiệp hiểu và đánh giá các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc triển khai phần mềm.
Hiện nay, công việc Tester xuất hiện trong rất nhiều lĩnh vực và ngành nghề, ví dụ như Product Tester (nhân viên kiểm thử sản phẩm), Game Tester (nhân viên kiểm thử trò chơi), Software Tester (nhân viên kiểm thử phần mềm),… Trong nội dung bài viết này, ITviec sẽ tập trung mô tả công việc của một Software Tester.
Công việc của một Tester là gì?
Công việc của một nhân viên Tester bao gồm nhiều phần, nhưng chủ yếu sẽ nằm gọn trong việc tập trung đánh giá và đảm bảo chất lượng của phần mềm trước khi cung cấp cho khách hàng hoặc người dùng. Có thể nói, Tester đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các vấn đề của sản phẩm, đề xuất cải tiến, thay đổi để đảm bảo mang đến trải nghiệm sử dụng liền mạch cho người dùng cuối.
Nhìn chung, công việc hàng ngày của người kiểm thử phần mềm rất đa dạng và có thể liệt kê khái quát như sau:
- Tạo kế hoạch kiểm thử: Thiết kế các chiến lược kiểm thử phần mềm chi tiết để đánh giá toàn diện về chức năng, hiệu suất và tính bảo mật của phần mềm.
- Thực hiện kiểm thử: Chạy kiểm thử thủ công (manual test) hoặc kiểm thử tự động (automated tests) để đánh giá cách mà phần mềm hoạt động trong các tình huống khác nhau, ví dụ như kiểm thử sức chịu đựng (stress tests), kiểm thử khả năng sử dụng (usability tests), kiểm thử hồi quy (regression tests),…
- Tổng hợp kết quả: Ghi lại kết quả kiểm thử và gửi về cho nhóm phát triển phần mềm.
Tìm hiểu thêm: Nghề Tester ở Việt Nam khổ vì định kiến
Vì sao Tester cần phải làm việc với đội ngũ phát triển chặt chẽ?
Trong quá trình làm việc, Tester cần giữ liên lạc chặt chẽ với nhóm phát triển phần mềm để hiểu mục đích của ứng dụng và đảm bảo rằng quá trình thử nghiệm phù hợp với mục tiêu phát triển sản phẩm.
Ngoài ra, Tester phải làm việc với các nhà phát triển để xác định sớm các vấn đề trong quá trình phát triển phần mềm, đề xuất các phương án để có thể giảm chi phí và thời gian cần thiết cho việc sửa chữa, góp phần tạo ra sản phẩm cuối cùng có hiệu suất cao.
Định hướng sự nghiệp cho Tester
Quá trình thăng tiến cho Tester theo kinh nghiệm làm việc
- QA Test/Test Engineer (kinh nghiệm 0 – 2 năm): Công việc chủ yếu là thực hiện các trường hợp kiểm thử, tổng hợp và báo cáo lỗi.
- Senior Test Engineer (kinh nghiệm 3 – 5 năm): Thực hiện thiết kế kế hoạch kiểm thử, có thể làm mentor cho những tester cấp thấp hơn hoặc training cho fresher.
- Test Lead/Manager (kinh nghiệm 6 – 10 năm): Giám sát và quản lý các nhóm thử nghiệm, tạo chiến lược thử nghiệm và cộng tác với các nhóm phát triển phần mềm.
- Test Architect (kinh nghiệm > 10 năm): Thiết lập các tiêu chuẩn kiểm thử cho phù hợp với yêu cầu dự án, triển khai các công cụ kiểm thử và tư vấn về chiến lược kiểm thử tổng thể.
Một số vị trí công việc cho Tester
- Manual Tester (yêu cầu kinh nghiệm từ 0 – 2 năm)
- Performance Tester or Quality Assurance (yêu cầu kinh nghiệm từ 2 – 5 năm)
- Security Tester (yêu cầu kinh nghiệm từ 3 – 5 năm)
- Automation Tester (yêu cầu kinh nghiệm từ 3 – 5 năm)
- Software Development Engineer in Test – SDET (yêu cầu kinh nghiệm > 3 năm)
Những kỹ năng mà một Tester giỏi cần có
Kỹ năng chuyên môn cơ bản dành cho Tester
- Có kiến thức về tự động hóa (automation): Giúp Tester có thể sử dụng các công cụ tự động hóa một cách tốt nhất để nâng cao hiệu quả công việc. Tham khảo ngay Top 5 khóa học automation test cho người mới.
- Có khả năng thiết kế các trường hợp kiểm thử (test case design): Viết document về các trường hợp kiểm thử giúp Tester xác định phạm vi và chiến lược kiểm thử, đồng thời bao gồm các bước kiểm thử, điều kiện khi tiến hành kiểm thử, kết quả kiểm thử mong đợi.
- Theo dõi và quản lý kế hoạch kiểm thử: Kế hoạch kiểm thử giúp Tester xác định bạn đang kiểm thử cái gì, ai chịu trách nhiệm cho từng bước và mục tiêu chính của kiểm thử. Việc theo dõi và quản lý này giúp đảm bảo chất lượng kiểm thử phần mềm, đảm bảo rằng quy trình kiểm thử đang chạy như bình thường để có thể tạo ra các ứng dụng phần mềm chất lượng cao.
- Theo dõi lỗi phát sinh: Theo dõi và ghi lại các lỗi phát sinh trong quá trình kiểm thử phần mềm để đưa ra đánh giá, phương án debug tối ưu. Bên cạnh việc phát hiện, Tester cần thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn để ngăn lỗi phát sinh, điều này đòi hỏi các Tester cần có khả năng quan sát cũng như đánh giá, kiểm tra mọi quy trình phát triển phần mềm.
- Hiểu biết về các thiết bị hỗ trợ: Là một người kiểm thử phần mềm, bạn cần hiểu biết sâu về các thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại,… Lý do là vì người kiểm thử phần mềm thường làm việc với các ứng dụng và sản phẩm mà người dùng áp dụng trên máy tính, máy tính bảng, điện thoại hoặc các thiết bị công nghệ khác. Việc hiểu về các sản phẩm công nghệ này sẽ giúp ích rất nhiều khi bạn kiểm thử phần mềm trên chúng.
- Hiểu về DevOps và Agile: Phương pháp DevOps và Agile sẽ giúp Tester giải quyết các vấn đề với các thành viên trong nhóm và tập trung nhiều hơn vào phần mềm đang hoạt động và ít tập trung hơn vào các tiêu chuẩn document cứng nhắc, từ đó cho ra kết quả hiệu quả hơn và nhanh hơn.
Đọc thêm: DevOps là gì?
- Nắm vững vòng đời phát triển hệ thống (System Development Life Cycle): Là một Tester, bạn cần hiểu toàn bộ vòng đời của hệ thống hoặc ứng dụng, ngay cả khi giai đoạn kiểm thử chỉ là một phần của vòng đời. Có tầm nhìn toàn diện có thể giúp bạn dự đoán những thách thức cũng như hiểu cách lập kế hoạch và chuẩn bị tốt nhất cho bước tiếp theo trong chu trình.
- Thành thạo các công cụ kiểm thử: Tester nên làm quen với các công cụ kiểm thử để tăng tốc độ kiểm thử và nâng cao độ chính xác. Những công cụ này bao gồm: Công cụ theo dõi lỗi, Công cụ tự động hóa, Công cụ kiểm thử GUI, Công cụ kiểm thử API, Công cụ kiểm thử bảo mật, Công cụ kiểm thử di động, Công cụ xác thực CSS,…
- Làm quen với các ngôn ngữ lập trình: Java, Python, JavaScript và SQL là những ngôn ngữ phổ biến trong lĩnh vực kiểm thử. Tuy không bắt buộc phải code nhưng việc hiểu biết các ngôn ngữ sẽ giúp cho công việc của Tester dễ dàng và tự động hóa hơn.
Kỹ năng mềm dành cho Tester
- Có tư duy phân tích: Tester cần có khả năng phân tích đỉnh cao, sâu rộng để chia nhỏ hệ thống phần mềm thành những phần nhỏ, từ đó dễ dàng phân tích hệ thống để tìm ra lỗi.
- Kỹ năng giao tiếp: Giúp Tester truyền đạt thông tin một cách hiệu quả và chính xác đến các bên liên quan. Mỗi dự án sẽ có nhiều thành viên khác nhau tham gia, do đó kỹ năng giao tiếp tốt sẽ giúp truyền đạt thông tin và cung cấp báo cáo về các kiểm thử đã thực hiện.
- Giải quyết vấn đề: Người kiểm thử phải thường xuyên giải quyết nhiều vấn đề với lập trình viên và khách hàng nên sự nhanh nhạy trong việc đề ra giải pháp sẽ giúp công việc của Tester đạt hiệu suất cao hơn.
- Làm việc nhóm: Với tư cách là người kiểm thử phần mềm, bạn phải thường xuyên kết nối với đồng nghiệp và các thành viên trong nhóm phát triển. Do đó, khả năng làm việc nhóm hiệu quả là một kỹ năng quan trọng đối với công việc này.
- Khả năng thích ứng tốt: Bao gồm việc làm quen với những yêu cầu khác nhau của khách hàng, tính chất của từng dự án mà bạn phát triển. Có được khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi sẽ giúp bạn trở thành một Tester xuất sắc hơn.
- Tinh thần ham học hỏi: Các công cụ, chiến lược triển khai, phương pháp và sản phẩm kiểm thử, ngôn ngữ lập trình,… luôn phát triển và thay đổi đòi hỏi một người Tester giỏi cần phải có tinh thần không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực bản thân.
- Khả năng làm việc dưới áp lực: Rèn luyện khả năng “sống chung” với áp lực giúp bạn hoàn thành công việc hiệu quả và không khiến bản thân cảm thấy quá căng thẳng.
- Tính tỉ mỉ, chú ý đến chi tiết: Để có thể quan sát và phát hiện nhanh chóng các vấn đề của hệ thống, phân tích để nắm bắt những lỗi nhỏ nhất nhằm đảm bảo phần mềm phù hợp với tiêu chuẩn được đề ra.
- Kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian: Tester có thể đảm nhận khối lượng công việc lớn trong thời gian ngắn, vì thế cần biết cách tổ chức, sắp xếp thời gian sao cho đạt hiệu quả tốt nhất.
Tìm hiểu thêm: Những hiểu lầm, thách thức với nghề Kiểm thử phần mềm, nghề Tester
Tester cần những bằng cấp nào?
Để được công nhận là người có đủ năng lực để đảm nhiệm công việc của một Tester, bạn có thể lên kế hoạch để đạt được các chứng chỉ uy tín sau:
ISTQB (International Software Testing Qualifications Board)
ISTQB là chứng chỉ được phổ biến và công nhận rộng rãi trong lĩnh vực kiểm thử, được cấp bởi tổ chức phi lợi nhuận International Software Testing Qualifications Board uy tín toàn cầu và được các chuyên gia QA xây dựng, trong đó tập trung vào đánh giá kiến thức, ứng dụng thực tế kỹ năng vào công việc kiểm thử phần mềm.
Chứng chỉ có 3 cấp độ cho người thi và phù hợp với nhiều đối tượng, kể cả Freshers hay người đã có kinh nghiệm.
CSTE (Certified Software Tester)
CSTE là chứng chỉ được công nhận trên toàn cầu, do tổ chức chuyên nghiệp International Software Testing Qualifications Board (ISTQB) cấp, chứngnhận Tester đã đạt được kiến thức cũng khả năng áp dụng các phương pháp và quy trình kiểm thử chất lượng ở mức độ chuẩn quốc tế.
CSTE đặt nặng vào kiến thức về quy trình kiểm thử và quản lý chất lượng. Điều này giúp người sở hữu chứng chỉ có khả năng thực hiện kiểm thử phần mềm chất lượng cao và đóng góp vào việc nâng cao chất lượng phần mềm.
Chứng chỉ này có 3 cấp độ dành cho người thi, tuy nhiên sẽ yêu cầu ứng viên có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực và KHÔNG nhận đơn đăng ký của Freshers (Sinh viên, người không có kinh nghiệm).
CSQA (Certified Software Quality Analyst)
CSQA được cấp bởi tổ chức chuyên nghiệp International Software Certification Board (ISCB).
Chứng chỉ tập trung đào tạo về các khía cạnh quản lý và đảm bảo chất lượng phần mềm nên chứng chỉ này hướng đến những người làm việc trong lĩnh vực kiểm thử và đảm bảo chất lượng phần mềm, bao gồm các chuyên viên chất lượng, chuyên viên kiểm thử, quản lý chất lượng (QA) và người quản lý dự án phần mềm (Project Manager) và yêu cầu học viên có bằng cử nhân và ít nhất 2 năm kinh nghiệm. Chứng nhận này có 2 cấp độ cho người thi lựa chọn.
CAT (Certified Agile Tester)
CAT được cấp bởi tổ chức International Software Testing Qualifications Board (ISTQB), nhằm đánh giá và xác nhận kiến thức và kỹ năng của cá nhân về kiểm thử phần mềm trong môi trường Agile. Nó tập trung vào các khái niệm và nguyên tắc cơ bản của Agile Testing, bao gồm cả việc sử dụng kỹ thuật kiểm thử phần mềm và các phương pháp Agile để xác định, lập kế hoạch và thực hiện kiểm thử trong các dự án phần mềm Agile.
Agile Testing có 3 chứng chỉ phổ biến bạn có thể tham khảo là: ISTQB Agile Testing Certification, ICAgile Agile Tester Certification và PMI-ACP.
5 cuốn sách hay dành cho Tester
Sau đây là 5 đầu sách mà bạn có thể tham khảo nếu có ý định hoặc đang làm Tester:
Lessons Learned in Software Testing – Cem Kaner
Quyển sách cung cấp hơn 200 bài học được đúc kết từ hơn 30 năm kinh nghiệm kiểm thử tổng hợp từ các chuyên gia kiểm thử hàng đầu thế giới. Mỗi bài học là một khẳng định liên quan đến kiểm thử phần mềm, có phần giải thích và ví dụ cụ thể để bạn dễ dàng hình dung.
Software Testing (Second Edition) – Ron Patton
Software Testing (Second Edition) cung cấp những kiến thức về cách tìm ra lỗi trong phần mềm, cách lên kế hoạch để kiểm thử đạt hiệu quả cao và cách nhận biết khi nào phần mềm đã đạt chuẩn và sẵn sàng để phát hành.
Complete Guide to Test Automation – Arnon Axelrod
Cuốn sách này trình bày chi tiết tất cả các khía cạnh của kiểm thử để Tester có thể tạo ra giải pháp tự động hóa kiểm thử tốt nhất, từ đó thúc đẩy thời gian hoàn thành quy trình phát triển phần mềm.
Experience of Test Automation – Dorothy Graham, Mark Fewster Graham, Fewster
Cuốn sách này chủ yếu đề cập đến các vấn đề về quản lý và kỹ thuật trong kiểm thử phần mềm. Nội dung sẽ mô tả những yếu tố gây thất bại và thành công trong quy trình thực hiện, từ đó đưa ra những bài học cụ thể mà bạn có thể áp dụng cho công việc thực tế.
Foundation of Software Testing – Cem Kaner, Rebecca L Fiedler
Đây là quyển sách dành cho những ai muốn tìm hiểu về công việc kiểm thử phần mềm hộp đen (blackbox testing). Độc giả sẽ được cung cấp kiến thức về các thuật ngữ kiểm thử cơ bản và các kiến thức cũng như khó khăn trong kiểm thử phần mềm.
Các câu hỏi về Tester thường gặp
Điều kiện cần để trở thành một Tester là gì?
Nếu muốn trở thành một Tester, bạn có thể tham khảo các điều kiện bên dưới:
- Có bằng đại học: Bạn có thể theo học ngành Công nghệ thông tin để trở thành Software Tester vì đây là ngành học có kiến thức liên quan nhất đến công việc này.
- Học cách viết code: Một khía cạnh quan trọng trong vai trò của người kiểm thử phần mềm là sử dụng ngôn ngữ lập trình trong khi làm việc trên phần mềm, chương trình và ứng dụng. Có nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau, phổ biến mà Tester có thể quan tâm như Python, C#, Ruby,… Việc thành thạo càng nhiều ngôn ngữ càng giúp bạn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng khi tìm việc.
- Học thêm các khóa học bổ sung: Nghề nghiệp trong lĩnh vực IT và khoa học máy tính thường có tính cạnh tranh cao. Một trong những cách để nâng cao hồ sơ của bạn so với những người khác là có thêm những bằng cấp, giấy chứng nhận từ các khóa học nâng cao.
Tester có cần biết code không?
Biết code không phải là điều kiện cần để trở thành Tester, bạn chỉ cần có kiến thức về lập trình và cách mà phần mềm hoạt động.
Tuy nhiên, việc biết code sẽ giúp bạn sử dụng được nhiều công cụ tự động hơn trong quá trình kiểm thử, đồng thời mở rộng mục tiêu nghề nghiệp tốt hơn, đặc biệt là những ai đang có ý định trở thành nhà lập trình viên trong tương lai.
Mức lương của Tester ở Việt Nam là bao nhiêu?
Theo báo cáo “Mức Lương & Mong Đợi Nghề Nghiệp Của Các Chuyên Gia IT 2023 – 2024” từ ITviec, một nhân viên Tester có thể nhận được mức lương theo kinh nghiệm làm việc như sau:
- Dưới 1 năm: 9.000.000 VND/tháng.
- Từ 1 – 2 năm: 15.000.000 VND/tháng.
- Từ 3 – 4 năm: 19.500.000 VND/tháng.
- Từ 5 – 8 năm: 30.000.000 VND/tháng.
- Trên 8 năm: 39.000.000 VND/tháng.
Tổng kết Tester là gì
Từ việc xác định những lỗi nhỏ của hệ thống đến đảm bảo tính toàn vẹn của sản phẩm, có thể nói Tester đóng một vai trò không thể thay thế. Qua bài viết trên, ITviec đã giúp bạn hiểu Tester là gì, những kỹ năng mà Tester cần có và tài liệu dành cho Tester.
Bạn thấy bài viết hay và hữu ích? Đừng ngại Share với bạn bè và đồng nghiệp nhé.
Và nhanh tay tham khảo việc làm IT “chất” trên ITviec!