Review công ty là cụm từ không mới và dần trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất với công thức phổ biến “Review công ty + [Tên công ty cụ thể]” trong quá trình tìm việc. Ví dụ: Review công ty ITviec.
Việc đọc review công ty gần như trở thành thói quen và hành động bắt buộc phải làm giúp ứng viên (đặc biệt trong lĩnh vực IT) khẳng định lại một lần nữa câu trả lời cho câu hỏi: Có nên ứng tuyển/nhận lời mời làm việc cho công ty này hay không?
Để tận dụng tối đa hiệu quả từ các review công ty nhằm lựa chọn được công việc phù hợp nhất và tránh những sai lầm không đáng có, hãy cũng ITviec tìm hiểu chi tiết các khía cạnh liên quan đến Review công ty cũng như 5 điểm cực kỳ quan trọng mà bạn cần lưu ý khi đọc review công ty ngay sau đây.
Review công ty, đánh giá công ty là gì?
Khái niệm
Review công ty (đánh giá công ty) là một tính năng trên website (hoặc thậm chí là cả một website chuyên biệt) cho phép tất cả mọi người gửi review (đánh giá), nhận xét và trải nghiệm chân thực của cá nhân họ về công việc, lương, thưởng, chế độ đãi ngộ và trợ cấp, môi trường văn hoá… tại những công ty mà họ đã từng làm việc. Tất nhiên, những email gửi review công ty (nếu có) đều được hiển thị dưới dạng ẩn danh để đảm bảo quyền lợi cho người dùng.
.
Tại đây, nhà tuyển dụng có thể phản hồi các review này một cách công khai, minh bạch. Một số website còn cho phép những người dùng khác bình luận và tương tác dựa trên các review sẵn có.
Như thế nào là một review công ty tốt, chất lượng?
Một review công ty tốt/chất lượng sẽ bao gồm những chia sẻ cực kỳ chi tiết về cảm nhận của một cá nhân đối với tất cả các yếu tố liên quan trong môi trường làm việc. Review này sẽ giải thích rõ ràng lý do góp phần tạo nên trải nghiệm tích cực/tiêu cực hoặc chỉ ở mức độ bình thường của bạn; có ghi nhận những điểm công ty đang làm tốt và có định hướng về những điều mà công ty nên cải thiện trong tương lai.
Ngôn ngữ sử dụng trong một review công ty tốt cũng thường mang tính khách quan, gần gũi và mang tính xây dựng hơn là chỉ trích, phê phán gay gắt.
Cấu trúc của một review công ty tốt | Ví dụ minh họa | |
Phần 1 | Tiêu đề đánh giá chung | |
Phần 2 | Đánh giá sao tổng quát | |
Phần 3 | Đánh giá chi tiết về điều bạn thích (Điều công ty làm tốt) | |
Phần 4 | Đánh giá chi tiết về điều bạn chưa thích (Điều công ty cần cải thiện) |
Dưới đây là một số minh họa cụ thể cho các review công ty được đánh giá là chất lượng:
Ai là người nên đọc review công ty?
Người tìm việc
Người tìm việc hoặc đang cân nhắc ứng tuyển/nhận lời mời làm việc tại một công ty là đối tượng ưu tiên khi tìm kiếm review công ty. Có rất nhiều nguồn để bạn tìm kiếm review công ty như: người thân, bạn bè, các trang đăng tải review công ty, mạng xã hội, báo chí. Với cách tìm và đọc review công ty 360 độ từ nhiều nguồn này, bạn sẽ có góc nhìn từ bao quát đến cận cảnh để có thể đánh giá rõ ràng hơn mức độ phù hợp của bạn với công việc, công ty và ngược lại, công ty đó có phù hợp với bạn hay không, tránh lãng phí thời gian để cân nhắc hoặc theo đuổi một môi trường không phù hợp.
Nếu bạn không thuộc tuýp người có sẵn định hướng cho mình một công ty mục tiêu ngay từ ban đầu, bạn có thể sẽ bị hấp dẫn bởi những tin tuyển dụng được trả lương cao, văn phòng đẹp và hiện đại… Tuy nhiên, tất cả đều chỉ là bề nổi, bạn cần đọc và lắng nghe thêm các ý kiến từ chính những người trong cuộc – những người đã có kinh nghiệm làm việc cho những công ty này để biết thêm về những vấn đề sâu bên trong tổ chức. Điều này sẽ giúp bạn không cảm thấy hoang mang và mơ hồ về định hướng nghề nghiệp cũng như cải thiện được thời gian gắn bó với công ty mới, tránh tình trạng “vỡ mộng” vì đặt kỳ vọng quá cao trong khi thực tế có quá nhiều sự khác biệt.
Thậm chí cho đến khi bạn phỏng vấn trót lọt và nhận được lời mời nhận việc thì đọc các review công ty cũng giúp bạn rất nhiều trong việc lựa chọn được môi trường phù hợp nhất (dựa trên các tiêu chí ưu tiên của chính bạn) trong vô vàn các lựa chọn.
Nhà tuyển dụng/Nhà quản lý
Nhà tuyển dụng thường là người rất quan tâm đến suy nghĩ của các nhân viên, ứng viên đối với công ty họ đang làm việc. Mục đích là để tìm ra chiến lược cải thiện và phát triển môi trường làm việc hạnh phúc cho tất cả nhân viên cũng như tối ưu hoá hiệu quả tuyển dụng, nhận được nhiều CV ứng tuyển nhất có thể. Đọc review công ty là một trong những cách làm thiết thực nhất, giúp họ có nhiều thông tin hữu ích, bỏ qua những sai sót do yếu tố chủ quan so với gặp mặt và hỏi trực tiếp nhân viên.
Nhà quản lý – với cương vị lãnh đạo, giám sát và thậm chí là người định hướng, ra quyết định chính cho mọi thay đổi của công ty cũng là người không thể bỏ qua các suy nghĩ, đánh giá từ chính những nhân viên đang làm việc cho mình. Việc đọc review công ty là một cách khá hiệu quả để họ phát hiện những lỗ hổng về cơ sở vật chất, chính sách văn hóa, đãi ngộ… hiện tại và được truyền cảm hứng về những ý tưởng xây dựng, cải tiến môi trường làm việc tốt, như cách mà hầu hết nhân viên của họ đang mong đợi.
Tầm quan trọng của review công ty đối với quá trình tìm việc/ứng tuyển ngành IT?
Theo số liệu từ khảo sát mới nhất của Stack Overflow – trang hỏi đáp dành cho các lập trình viên lớn nhất thế giới (tháng 12/2021) thì có đến 38% lập trình viên được hỏi xác nhận rằng họ luôn tìm đọc review công ty để đưa ra quyết định, trước khi tham khảo thêm từ các trang cá nhân của công ty hoặc thông qua các quảng cáo việc làm. Điều này cho thấy, danh tiếng của các công ty trên các trang Review công ty có tác động khá lớn đến hành vi và các quyết định tìm việc/chuyển việc của ứng viên là lập trình viên nói riêng, các ứng viên ngành IT nói chung.
Những mục/thông tin thường xuất hiện trong review công ty
Khi bạn truy cập vào một trang Review công ty bất kỳ, bạn sẽ thấy ngay một số thông tin như:
- Các vị trí mà công ty đang tuyển dụng
- Giới thiệu công ty
- Vì sao nên chọn làm việc tại công ty này
- Địa chỉ công ty
- Đánh giá tổng quát về công ty
Phần “Đánh giá tổng quát về công ty” chính là phần bạn cần lưu tâm nhất. Phần này sẽ được hiển thị dưới dạng các mục tổng quan, kèm số phần trăm bình chọn dựa trên thang đánh giá từ 1-5 sao. Ảnh minh họa:
Thông thường, tất cả các ý kiến đánh giá từ người dùng đều được tổng hợp trong 5 mục chính:
1. Lương thưởng & phúc lợi
2. Đào tạo & học hỏi
3. Sự quan tâm đến nhân viên
4. Văn hóa công ty
5. phòng làm việc
Và có mục riêng để đánh giá về chế độ OT
Bạn có thể lướt nhanh qua thang đánh giá đối với hạng mục mà bạn quan tâm nhất để quyết định có đọc tiếp các review chi tiết bên dưới hay không (nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian).
Review công ty ảnh hưởng như thế nào đến quá trình tìm việc/ứng tuyển trong ngành IT?
Đối với ứng viên IT:
– Điểm cộng: Khi đọc review tích cực sẽ là một động lực giúp bạn tự tin hơn khi ứng tuyển/tìm việc tại công ty mới, tin tưởng nơi bạn sắp gắn bó hoặc có ý định gắn bó lâu dài hơn với nơi bạn đang làm việc.
– Điểm trừ: Khi đọc review tiêu cực bạn sẽ dấy lên lo ngại, mất thêm thời gian tìm hiểu để xác minh tính trung thực của các review.
– Điểm trung lập: Khi đọc đủ nhiều, bạn sẽ cảm thấy trung lập và có tinh thần vững vàng, lạc quan nhưng vẫn chuẩn bị cho tình huống không như ý.
Đối với Nhà tuyển dụng/Nhà quản lý:
– Điểm cộng: Review tích cực sẽ giúp tăng độ nhận diện thương hiệu, khẳng định những giá trị nổi bật của công ty và giúp gây ấn tượng với ứng viên.
– Điểm trừ: Review tiêu cực khiến cho quá trình tuyển dụng trở nên khó khăn hơn, số lượng hồ sơ ứng tuyển cũng phần nào bị ảnh hưởng.
– Điểm trung lập: Từ tất cả các review, nhà tuyển dụng/nhà quản lý có cơ hội nhìn nhận lại ưu và nhược điểm môi trường làm việc của công ty và xác định các hướng điều chỉnh, phát triển bền vững nhất.
Có thể nói, đọc Review công ty là một bước “nhất định phải làm” nếu ứng viên muốn tăng tỉ lệ tìm việc phù hợp hoặc nhà tuyển dụng/quản lý có tham vọng biến công ty của mình trở thành “nơi làm việc đáng mơ ước nhất” cho tất cả mọi người.
5 điểm cực kỳ quan trọng cần lưu ý khi đọc review công ty
Để không bị những review công ty trên các website “dắt mũi”, hãy tỉnh táo và tuyệt đối lưu ý những điểm mấu chốt sau đây.
Kiểm tra ngày gửi review
Thời gian review sẽ được hiển thị bên trên, trước phần thông tin review chi tiết. Thời gian review càng gần đồng nghĩa những thông tin bên trong có mức độ chính xác cao hơn và cập nhật mới nhất những thay đổi của công ty bạn quan tâm. Càng nhiều review mới cũng chứng tỏ công ty đó vẫn đang trên đà hoạt động và phát triển ổn định.
Bạn có thể đọc thêm những review cũ để đối chiếu xem với những góp ý từ nhân viên, công ty có đưa ra chính sách thay đổi nào suốt thời gian qua hay không. Đây có thể là tiền đề để nhận biết những công ty thực sự quan tâm đến suy nghĩ, cảm nhận của nhân viên và cố gắng để trở thành phiên bản tốt hơn.
Đừng vội tin tưởng vào những review tiêu cực
Mỗi người đều có những tiêu chí riêng về môi trường làm việc mơ ước và bạn nên hiểu rằng, môi trường làm việc tệ hại với người này chưa hẳn cũng tệ hại với người kia, vì kỳ vọng của mỗi người không như nhau.
Khi đọc những review tiêu cực về công ty bạn đang quan tâm, hãy cố gắng xác định đâu là nguyên nhân khiến họ cảm thấy bất bình và có trải nghiệm không tốt với công ty. Sau đó, đối chiếu chúng với các mục tiêu mà bạn muốn theo đuổi ở môi trường làm việc mới.
Trong trường hợp tất cả những điều bất cập được nêu ra trong review kia không ảnh hưởng nhiều hoặc không quá quan trọng, bạn vẫn có thể tự tin ứng tuyển vào công ty này nếu các review còn lại cho thấy các mục tiêu bạn đang tìm kiếm đều được đáp ứng tốt tại đây.
Thêm nữa, không hiếm tình trạng các đối thủ cạnh tranh “chơi xấu” nhau bằng cách gửi những review mang tính chất công kích, hạ bệ nên bạn hãy giữ một cái đầu lạnh giữa vô vàn các review tiêu cực nhé.
Nên thiết lập bộ lọc review của riêng bạn
Sau khi đọc các review (bao gồm tích cực lẫn tiêu cực) về công ty bất kỳ, bạn nên lập ra bảng so sánh các điểm nổi bật và hạn chế của công ty này dựa trên những điểm/chủ đề chung đã được thảo luận.
Việc làm này cho bạn cái nhìn tổng quan và chân thực hơn về môi trường làm việc của công ty và giúp bạn xác định được những yếu tố quan trọng, những ảnh hưởng có thể xảy ra nếu bạn thực sự làm việc tại môi trường đó.
Việc thiết lập bộ lọc review như thế này cũng giúp bạn dễ dàng đối chiếu và ra quyết định lựa chọn một số nhà tuyển dụng nổi bật nhất (nếu bạn thuộc tuýp ứng viên kỹ lưỡng, chỉ ứng tuyển những công ty thật sự chất lượng).
Hãy so sánh review của công ty bạn yêu thích với công ty đối thủ
Đôi khi bạn muốn ứng tuyển vào một công ty A, đơn giản vì bạn chỉ biết về công ty này thông qua các phương tiện truyền thông thương hiệu, báo đài, quảng cáo… Nói tóm lại là vì công ty này làm nhận diện thương hiệu khá tốt.
Tuy nhiên, rất nhiều công ty đối thủ cạnh tranh với công ty A, tuy không quảng cáo rầm rộ nhưng thực chất lại “nhỉnh” hơn rất nhiều về môi trường làm việc. Vậy nên, bạn đừng quên đọc thêm review về các đối thủ của công ty bạn yêu thích nhé.
Làm như vậy, bạn sẽ thấy được sự khác biệt ở các môi trường cùng lĩnh vực hoạt động và nếu may mắn, bạn có thể tìm thấy một danh sách mới các công ty ấn tượng chẳng kém công ty bạn lựa chọn ban đầu.
Đọc càng nhiều review sẽ càng có lợi cho bạn
Số lượng review bạn đọc càng nhiều, sự hiểu biết về công ty của bạn càng tốt hơn và đa dạng hơn. Vì mỗi người sẽ chia sẻ một góc nhìn khác nhau nên khi bạn xâu chuỗi chúng lại, bạn sẽ vẽ ra được bức tranh tổng thể. Bạn sẽ biết công ty này sẽ thích hợp cho những kiểu người như thế nào, bạn có là một trong số đó hay không…
Việc đọc nhiều review, nhất là review đối với những công ty có nhiều văn phòng/chi nhánh cũng giúp bạn xác định bạn muốn làm việc ở văn phòng/chi nhánh nào hơn và mặc dù cùng công ty nhưng có sự khác biệt nào quá lớn về các chính sách, các cấp quản lý, cơ hội thăng tiến… giữa những nơi này với nhau hay không.
Cuối cùng, bạn có nên tin tưởng vào các review công ty?
Như đã phân tích ở trên, review công ty là con dao hai lưỡi, tuy nhiên, bạn vẫn luôn có thể dùng cả hai lưỡi của con dao cho mục đích đúng nhất của mình. Mọi nghi ngờ hay cảm xúc tiêu cực, hãy ghi nhận lại và kiểm chứng trực tiếp tại buổi phỏng vấn. Hãy là một ứng viên sáng suốt, lưu ý cả từ khâu gọi điện, mời phỏng vấn, hướng dẫn cho đến quá trình tiếp đón.
Vì sao nên chờ đến buổi phỏng vấn?
- Bạn có thời gian tìm hiểu kỹ hơn về các review tiêu cực và dự đoán các lý do ẩn chứa đằng sau.
Ví dụ: Review phàn nàn về việc công ty cắt giảm nhân sự, kỹ năng quản lý của cấp trên quá tệ, lộ trình thăng tiến không rõ ràng.
=> Nguyên nhân có thể vì công ty này vừa mới được mua lại hoặc đang trong đợt thay đổi cơ cấu (bước chuyển cần thiết để công ty trụ vững và phát triển trên thị trường). Như vậy, những phàn nàn kể trên là hoàn toàn dễ hiểu và “có thể chấp nhận được”, tình hình này cũng sẽ sớm được cải thiện trong tương lai và dần đi vào ổn định.
Hoặc
Review phàn nàn về chuyện công ty bắt nhân viên OT quá nhiều
=> Nguyên nhân có thể vì công ty làm việc hiệu quả, nhận được nhiều dự án mới trong thời gian gần đây. Thay vì chỉ nhìn vấn đề một cách chủ quan, bạn nên quan tâm xem việc OT này có diễn ra thường xuyên hay không, có được phân công rõ ràng, lương thưởng dành riêng cho OT có hợp lý hay không…
- Bạn có cơ hội được hỏi trực tiếp và nhận câu trả lời thẳng thắn từ phía công ty
OK, vậy là sau khi đọc 7749 review về công ty, bạn cũng đã tổng hợp được những vấn đề khiến mình quan ngại. Vậy thì còn chờ gì nữa, hãy dùng buổi phỏng vấn để quan sát và để đặt câu hỏi.
Những yếu tố như văn phòng làm việc, không khí làm việc, trang phục làm việc, trang thiết bị… thì bạn có thể quan sát nhanh bằng mắt trước khi bước vào phòng phỏng vấn mà không cần phải tốn thời gian đặt câu hỏi. Những vấn đề liên quan đến kỹ năng quản lý cũng là phần rất khó để mở lời và nhận được câu trả lời thành thật nên cách tốt nhất vẫn là tận dụng các giác quan và không ngừng quan sát các động thái từ những người trực tiếp phỏng vấn bạn.
Riêng đối với một số review tiêu cực đại loại như “Công ty bắt làm việc suốt cả ngày, không có thời gian nghỉ ngơi” thì trong buổi phỏng vấn, bạn hoàn toàn có thể xác định lại bằng cách hỏi chi tiết “Thời gian làm việc cụ thể của công ty trong tuần là như thế nào ạ? Thời gian nghỉ trưa là bao lâu?”.
Hoặc nếu như điều bạn quan tâm là các cơ hội thăng tiến, bạn có thể hỏi rằng “Anh/chị có thể chia sẻ về lộ trình thăng tiến lên vị trí Manager được không ạ? Thường thì sẽ mất bao lâu làm việc tại công ty để đạt được vị trí này?”… và rất nhiều câu hỏi khác nhằm làm rõ tính trung thực của các review tiêu cực đang khiến bạn bận lòng.
Chung quy lại thì mỗi người có một kỳ vọng và hệ quy chiếu khác nhau khi định nghĩa về một môi trường làm việc phù hợp nhất với bản thân, vậy nên tất cả các review cũng chỉ mang tính chất tham khảo. Hãy sáng suốt đưa ra nhận định và cho phép bản thân cơ hội được trải nghiệm, được đặt câu hỏi một cách có chiến lược và đưa ra quyết định chính xác sau cùng. Nên tránh nhìn phiến diện vì biết đâu, bạn có thể bỏ qua một công ty tốt chỉ vì một review không cùng hệ quy chiếu với chính bạn.
Hướng dẫn sử dụng tính năng Review công ty của ITviec để đạt kết quả tối ưu
Hướng dẫn tìm kiếm và đọc review công ty
- Bước 1: Truy cập trang Review công ty
- Bước 2: Nhập tên công ty trong ô tìm kiếm và chọn công ty
- Bước 3: Chọn Tab “Reviews” để xem tổng số reviews hiện tại.
Bạn có thể click vào phần “Đánh giá tổng quát” để xem điểm cho từng hạng mục như: Lương thưởng & phúc lợi, Đào tạo & học hỏi…
- Bước 4: Kéo xuống và đọc review chi tiết
Lưu ý: Bạn sẽ được yêu cầu đăng nhập để xem tất cả các review (ảnh minh họa bên dưới)
Hướng dẫn gửi review công ty trên ITviec
- Bước 1: Truy cập trang Review công ty
- Bước 2: Nhập tên công ty trong ô tìm kiếm và chọn công ty
- Bước 3: Click chọn “Viết review”
- Bước 4: Nhập phần thông tin bạn muốn review về công ty theo hướng dẫn
Hi vọng qua bài viết này, bạn đã có góc nhìn trọn vẹn hơn về tính năng Review công ty trên ITviec và biết cách sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho quá trình tìm việc (và cả quá trình cải tiến môi trường làm việc cho nhân viên).
Và đừng quên gửi Review chân thực nhất về công ty bạn đang làm việc tại đây nhé.