QA là gì? QA là người đảm bảo chất lượng từ đầu đến cuối dự án bao gồm cả process và việc thực thi test. Công việc QA cần người ham thích học hỏi nhiều lĩnh vực khác nhau về phần mềm, thích tìm tòi để phát hiện ra lỗi cũng như các cải tiến cần có để có một sản phẩm tốt hơn cho người dùng.
Đọc bài phỏng vấn của ITviec với anh Ngô Quách Hy, Founder & CEO của CodeBox Solutions, để nghe anh chia sẻ về:
- QA là gì và công việc của QA? Những kỹ năng nào là quan trọng nhất?
- Lời khuyên và tips dành cho QA để cải thiện kỹ năng ngay hôm nay.
- Con đường sự nghiệp phù hợp dành cho một QA là gì?
Xem thêm việc làm QA – QC tại Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng ngay trên ITviec
QA là gì? Công việc của nhân viên QA là gì?
Người QA phải đảm bảo chất lượng từ đầu đến cuối dự án bao gồm cả process và việc thực thi test.
- Phân tích requirement
- Đặt ra process để đảm bảo chất lượng. Process phải phù hợp với development model đang áp dụng cho dự án
- Lên kế hoạch test, thiết kế test case
- Thực thi theo test plan, test case
- Thu thập thông tin, gửi báo cáo chất lượng cho khách hàng hoặc Project Manager
Đọc thêm: QA là gì? QC là gì?
Những kỹ năng quan trọng đối với nhân viên QA là gì?
Ba kỹ năng chuyên môn
1. Được đào tạo, có kiến thức nền tảng về IT và lập trình
- Nắm bắt một ngôn ngữ lập trình nào đó, và hiểu về kiến trúc hệ thống của phần mềm được test
- Biết sử dụng thành thạo nhiều hơn một hệ điều hành
- Tìm hiểu về các công cụ hỗ trợ cho QA, bao gồm các automation test tools
Nghề QA đòi hỏi kiến thức rộng hơn là kiến thức sâu. Anh Hy lấy ví dụ một bạn QA chỉ tập trung vào ngôn ngữ nào đó. Khi gặp dự án viết bằng ngôn ngữ lập trình khác, hoặc domain knowledge khác, bạn đó chắc chắn gặp rắc rối.
2. Những kiến thức về domain đặc thù đều cần thiết
Kiến thức đặc thù dự án, như tài chính, chăm sóc sức khỏe, ngân hàng…, giúp ích rất nhiều trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đôi khi có những dự án đặc thù về ngân hàng thì khách hàng sẽ bỏ qua tiêu chí chọn QA có nền tảng IT. Vì khi đó nền tảng về domain knowledge ngân hàng sẽ có lợi thế hơn.
Ví dụ như công ty của bạn hay làm các sản phẩm về tài chính thì bắt buộc phải cập nhật kiến thức tài chính. Dù nó không chuyên về IT nhưng sẽ đảm bảo chất lượng tốt hơn cho dự án, cũng như đưa ra lời khuyên trong lúc xây dựng sản phẩm.
3. Kiến thức về các hệ thống phần mềm và chuyên ngành QA
Nếu như một QA khi test ứng dụng web, nhưng không hiểu cấu trúc của ứng dụng web là thế nào, được hình thành thế nào, người đó sẽ không thể nào cống hiến tốt cho việc đảm bảo chất lượng.
Ba kỹ năng mềm
Bạn nghĩ những kỹ năng mềm cần thiết cho một QA là gì? Thật ra cũng đơn giản thôi. Nếu bạn ham thích học hỏi, thích tìm tòi, thế thì chúc mừng bạn, CEO và Founder của CodeBox nghĩ rằng bạn thích hợp để làm một QA rồi đấy!
1. Kỹ năng giao tiếp tốt
Một ví dụ điển hình trong nghề là khi Tester tìm thấy một bug và report cho Developer. Developer không đồng ý đó là lỗi và xảy ra tranh luận, ảnh hưởng đến teamwork.
Một QA có kỹ năng giao tiếp tốt có thể giúp Developer hiểu được đây là lỗi cần phải sửa. Dù đó là theo yêu cầu hệ thống hay là theo bất cứ tiêu chuẩn phần mềm nào.
Ở Việt Nam, tiếng Anh và tiếng Nhật là phổ biến nhất. Kỹ năng giao tiếp ảnh hưởng rất nhiều đến con đường sự nghiệp của một QA.
Khi còn là Tester thì phải giao tiếp tốt với Developer, Project Manager. Khi lên làm Test Lead hoặc Test Manager thì phải giao tiếp tốt với khách hàng cũng như nhóm làm dự án ở bên phía mình. Trong kỹ năng giao tiếp có luôn kỹ năng trình bày ý tưởng, thuyết phục người khác.
Đọc thêm: Nghề Tester ở Việt Nam khổ vì định kiến
2. Cẩn thận, suy nghĩ thấu đáo
Đặt trường hợp một Tester đang thực hiện manual testing về ứng dụng web và gặp lỗi nhỏ về UI, rồi bỏ qua nó. Tuy nhiên, khi đến với khách hàng thì lỗi này làm họ khó chịu.
Người QA cần kỹ năng làm việc cẩn thận và suy nghĩ thấu đáo để chú ý đến từng vấn đề nhỏ nhất.
3. Tư duy sáng tạo
Anh Hy cũng cảm thấy nghề đảm bảo chất lượng là một công việc năng động và đòi hỏi tính sáng tạo nhiều.
Nếu chỉ test những case thông thường thì đôi khi không đảm bảo tất cả các trường hợp xảy ra lúc hệ thống vận hành tại các môi trường bên ngoài. Do đó, tư duy sáng tạo giúp QA thiết kế test lạ, sáng tạo. Giúp tìm được những lỗi có giá trị cho việc đảm bảo chất lượng.
Con đường sự nghiệp của một nhân viên QA là gì?
Con đường sự nghiệp cho QA sẽ khác nhau giữa các công ty. Nhìn chung sẽ có những hướng cơ bản như:
- Bắt đầu với vị trí Tester khi chưa có kinh nghiệm gì
- Khi có kiến thức hơn, bạn sẽ lên làm Test Design
- Sau đó là Test Lead/ QA Lead, Test Manager/QA Manager
- Khi đến Manager thì sẽ chuyển sang lĩnh vực quản lý
Tuy nhiên, anh Hy chia sẻ rằng đã thấy nhiều người giỏi kỹ thuật và không muốn chuyển sang hướng quản lý. Lúc đó, họ chọn trở thành chuyên gia automation test, performance, security và đóng góp rất nhiều cho chất lượng sản phẩm.
Tham khảo thêm: Automation Test là gì? Công việc của Automation Tester?
QA trong ngành IT nói gì?
Ngành nghề nào đương nhiên cũng sẽ có sai sót. Khi được hỏi sai lầm trong quá trình làm QA là gì, anh Hy cũng thẳng thắn chia sẻ về sai sót của mình trong quá trình làm việc.
Anh từng thiết kế một process nhưng không phù hợp với development model đang sử dụng. Dẫn đến việc QA process không theo sát development process. Hệ quả là để sót bug trong quá trình phát triển và sử dụng.
Để vượt qua, anh Hy đã nhìn nhận phần việc của mình chưa được tốt và đưa ra hướng khắc phục ngay.
Anh cũng chia sẻ thêm, qua sai lầm đó, anh học được cách thiết kế process cho từng dự án là khác nhau. Không phải mình đã thành công ở process này rồi áp dụng nó cho dự án khác là cũng có thể thành công.
Mỗi dự án, mỗi sản phẩm cần một QA process thích hợp, dựa trên các kiến thức nền tảng của QA. Do đó trước khi bắt đầu mỗi dự án, anh luôn xem kỹ lại rằng process này đã thật sự tốt chưa. Anh so sánh process cẩn thận với development cycle rồi mới bắt đầu.
Anh Hy mong rằng sai lầm của mình cũng như kinh nghiệm anh rút ra được sẽ là bài học cho những ai muốn theo đuổi nghề QA.
Nếu bạn nghĩ những chia sẻ này có thể giúp ích cho bạn bè hoặc đồng nghiệp khi tìm hiểu QA là gì và những kỹ năng cần thiết cho nghề QA là gì thì đừng ngại nhấn nút Share bên dưới nhé!
Xem thêm việc làm QA QC tại ITviec.