Nội dung chính
Khi kỷ nguyên công nghệ số bùng nổ, Product Owner vs Business Analyst trở thành 2 vị trí được nhiều công ty “săn đón” vì đóng vai trò quan trọng trong các khâu phát triển sản phẩm công nghệ. Nhiều bạn trẻ cũng đang phân vân và mong muốn theo đuổi lĩnh vực này trong tương lai. Hiểu được điều đó, ITviec sẽ giúp các bạn so sánh và phân biệt Product Owner vs Business Analyst trong bài viết dưới đây.
Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ:
- Các thông tin cơ bản về Product Owner và Business Analyst
- Phân biệt giữa Product Owner vs Business Analyst
Trước khi khám phá sự khác biệt giữa Product Owner vs Business Analyst, hãy cùng ITviec tìm hiểu về định nghĩa và bản chất công việc của hai vị trí này nhé.
Product Owner là gì? Công việc của Product Owner là gì?
Product Owner (PO) là người chịu trách nhiệm định hướng, đảm bảo sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và các bên liên quan. Đồng thời, họ cũng hỗ trợ Product Manager lên chiến lược sản xuất, kế hoạch đưa sản phẩm ra thị trường,…
Dưới đây là các công việc cụ thể mà một Product Owner sẽ đảm nhận:
- Phân tích thị trường và khách hàng: Product Owner sẽ xác định các cơ hội thị trường, chẳng hạn như phân tích SWOT (Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức) và các sản phẩm cùng phân khúc.Đồng thời, Product Owner cũng tiếp cận và đào sâu insight khách hàng để hiểu rõ nhu cầu, vấn đề mà họ đang gặp phải. Từ đó, Product Owner sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết việc làm sao sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và khách hàng.
- Xây dựng tầm nhìn và lộ trình sản phẩm: Thông thường, Product Owner sẽ hỗ trợ Product Manager để xác định mục tiêu và tầm nhìn toàn diện cho sản phẩm của công ty/ dự án. Bởi lẽ, Product Owner đã có thời gian nghiên cứu, tổng hợp các nghiên cứu, dữ liệu và hiểu rõ sản phẩm như thế nào sẽ phù hợp với định hướng thị trường, khách hàng và doanh nghiệp.
- Quản lý sản phẩm: Product Owner giám sát các bước trong quá trình sản xuất và đảm bảo lộ trình phát triển sản phẩm diễn ra trơn tru. Chẳng hạn, các tính năng cần thiết sẽ được PO ưu tiên sắp xếp sao cho hợp lý, và đảm bảo đội Scrum sẽ tập trung thực hiện đúng theo lộ trình sản phẩm. PO cũng là cầu nối chịu trách nhiệm truyền đạt các yêu cầu của giữa Product Manager đến Scrum team.
- Lập chiến lược đưa sản phẩm ra thị trường: Product Owner đã có thời gian tiếp cận và đánh giá thị trường nên họ sẽ hiểu chiến lược giới thiệu như thế nào là hiệu quả. Chiến lược này bao gồm các việc xác định phương thức quảng bá sản phẩm, kênh tiếp thị để đạt được hiệu quả tối ưu nhất.
Đọc thêm: Product Owner: Cần kỹ năng gì để trở thành PO chuyên nghiệp?
Business Analyst là gì? Công việc của Business Analyst là gì?
Trong một nhóm Agile, Business Analyst (BA) sẽ kết hợp chặt chẽ với các bên liên quan, trong đó có Product Owner (PO) để hiểu nhu cầu kinh doanh của công ty. BA chính là cầu nối giữa bộ phận kỹ thuật và kinh doanh của công ty, kiểm tra xem nhóm phát triển có xây dựng sản phẩm theo đúng yêu cầu khách hàng và đáp ứng đầy đủ các yếu tố khác hay không.
Dưới đây là các công việc chính của một BA chuyên nghiệp:
- Xác định nhu cầu kinh doanh: BA sẽ phân tích và xác định những điều mà một công ty cần để hoạt động hiệu quả. Họ nghiên cứu về các vấn đề, thách thức và mục tiêu của doanh nghiệp. Từ đó, BA sẽ chuyển những nhu cầu kinh doanh thành yêu cầu chi tiết, cụ thể cho từng dự án. Các yêu cầu này cần rõ ràng, khả thi và có thể đo lường được để các nhóm phát triển của công ty thực hiện.
- Hợp tác với các bên liên quan: BA làm việc chặt chẽ với tất cả các bên tham gia dự án, bao gồm bộ phận kinh doanh, khách hàng, Product Owner, đội ngũ phát triển và các đơn vị liên quan khác. BA sẽ thu thập ý kiến đóng góp từ các bên này để đảm bảo mọi người đều được nêu ý kiến và hiểu rõ về mục tiêu dự án, rộng hơn là mục tiêu kinh doanh của công ty.
- Phân tích và đề xuất giải pháp: BA dựa vào tình hình thực tế của công ty để đề xuất các hướng giải quyết cho thách thức kinh doanh. Họ phân tích tính khả thi, hiệu quả chi phí và rủi ro tiềm ẩn của những đề xuất đó.
- Giám sát và báo cáo: Khi các đề xuất được phê duyệt triển khai, BA sẽ chịu trách nhiệm giám sát hiệu suất và liên tục cập nhật cho các bên liên quan về tiến độ dự án. Họ đánh giá xem các giải pháp đó có thật sự đáp ứng được nhu cầu kinh doanh ban đầu và báo cáo lại bất kỳ vấn đề nào phát sinh.
Đọc thêm: Business Analyst roadmap 2024: 8 bước trở thành BA
So sánh Product Owner vs Business Analyst
Trong lĩnh vực phát triển phần mềm, Product Owner vs Business Analyst là hai vị trí quan trọng, có nhiều đóng góp đến sự thành công của sản phẩm. Tuy vậy, nhiều người vẫn nhầm tưởng hai công việc này vì có những điểm tương đồng nhất định. Dưới đây là một số phân tích các điểm giống và khác nhau giữa Product Owner vs Business Analyst.
Điểm tương đồng giữa Product Owner vs Business Analyst
Cả Product Owner và Business Analyst đều hướng đến mục tiêu chung là phát triển thành công sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dùng và doanh nghiệp. Họ phối hợp nhịp nhàng với nhau để quá trình phát triển sản phẩm được thực hiện theo đúng lộ trình.
Ngoài ra, hai vị trí này đều cần có chuyên môn và các kỹ năng chuyên ngành như phân tích, đánh giá vấn đề và đưa ra giải pháp. Trong những trường hợp cần thiết, họ cần có khả năng thích nghi và nhanh chóng học hỏi, linh hoạt điều chỉnh các chi tiết cần thiết trong công việc. Đồng thời, họ cũng có kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng về mục tiêu công ty để đảm bảo sản phẩm cuối cùng phù hợp với nhu cầu kinh doanh.
Điểm khác biệt giữa Product Owner vs Business Analyst
Bên cạnh những điểm giống nhau, Product Owner và Business Analyst cũng có những điều khác biệt nhất định. Bạn có thể tham khảo và tìm hiểu xem giữa Product Owner vs Business Analyst thì mình hợp với mảng công việc nào hơn nhé!
Product Owner | Business Analyst | |
Mục tiêu |
Tập trung vào chiến lược và phát triển sản phẩm |
Phân tích nhu cầu và quy trình kinh doanh |
Chuyên môn |
– Phân tích nhu cầu thị trường, khách hàng. – Tạo backlog và sắp xếp các tính năng ưu tiên cho sản phẩm. – Hỗ trợ Product Manager để lên chiến lược, tầm nhìn sản phẩm và công ty. – Phối hợp với các bên liên quan để đảm bảo mọi người đều hiểu mục tiêu, lộ trình phát triển sản phẩm. |
– Thu thập và phân tích nhu cầu kinh doanh. – Phối hợp với các bên liên quan để đảm bảo mọi người hiểu rõ nhu cầu kinh doanh và mục tiêu của từng dự án. – Đề xuất và giám sát quá trình dự án triển khai, báo cáo tiến độ. |
Kỹ năng |
Có kiến thức vững về mô hình làm việc Agile, nghiên cứu thị trường, hiểu về thiết kế, UIUX. Kỹ năng tổ chức công việc, tư duy logic và chiến lược, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp và ra quyết định, có sự thấu cảm tốt vì tính chất công việc của PO sẽ tập trung vào người dùng sản phẩm. |
Kiến thức kinh doanh, kỹ thuật lập trình cơ bản là điểm mạnh, các công cụ xử lý dữ liệu. Kỹ năng phân tích số liệu, thống kê ghi chú tài liệu và báo cáo, thu thập và làm rõ yêu cầu, tư duy logic, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp. |
Đối tượng hợp tác |
Khách hàng, đội ngũ phát triển, quản lý cấp cao (Product Manager,…), Business Analyst,… |
Người quản lý dự án, Product Owner, khách hàng, developers của công ty,… |
Chế độ lương (theo Báo cáo Lương IT mới nhất) |
– Dưới 1 năm: 19.000.000 VNĐ – 1-2 năm: 35.500.000 VNĐ – 3-4 năm: 50.000.000 VNĐ – 5-8 năm: 57.500.000 VNĐ – Trên 8 năm: 59.000.000 VNĐ |
– Dưới 1 năm: 10.000.000 VNĐ – 1-2 năm: 15.500.000 VNĐ – 3-4 năm: 27.000.000 VNĐ – 5-8 năm: 36.000.000 VNĐ – Trên 8 năm: 50.000.000 VNĐ |
Các câu hỏi thường gặp về Product Owner vs Business Analyst
Tôi nên chọn trở thành Product Owner hay Business Analyst?
Cả hai công việc Product Owner hay Business Analyst đều có tiềm năng phát triển rất tốt trong tương lai. Việc lựa chọn 2 vị trí này phụ thuộc phần lớn vào kĩ năng, kiến thức, sở thích, mục tiêu nghề nghiệp,.. của bạn.
Nếu bạn yêu thích việc xây dựng tầm nhìn chiến lược, lộ trình sản phẩm,… thì bạn nên cân nhắc trở thành Product Owner. Vị trí PO sẽ tập trung nhiều vào giá trị cốt lõi, tính năng cụ thể của sản phẩm.
Bên cạnh đó, BA sẽ là công việc lý tưởng cho những bạn có đam mê với việc phân tích dữ liệu, nhạy bén với hoạt động kinh doanh, giải quyết vấn đề và làm việc với các bên liên quan khác nhau. Công việc của BA thường hướng đến nhu cầu chung của doanh nghiệp của khách hàng hơn.
Một nhân viên có thể đảm nhận việc của cả PO và BA không?
Câu trả lời là CÓ. Một nhân viên có thể đảm nhận công việc của 2 vị trí này trong một phạm vi nhất định. Tuy nhiên, điều này không thể diễn ra trong một thời gian dài, vì một số lí do như:
- PO và BA đều có khối lượng công việc khá lớn và đòi hỏi rất nhiều thời gian, tâm sức. Mỗi vị trí cũng cần sự tập trung và chuyên môn hóa cao. Nếu bạn làm cả hai công việc, khả năng cao bạn sẽ bị quá tải và khiến chất lượng công việc không tốt.
- PO và BA phụ trách các mảng riêng về sản phẩm. PO tập trung vào tầm nhìn, chiến lược, backlog sản phẩm còn BA chú tâm vào các yêu cầu chi tiết và nhu cầu kinh doanh.
Việc đa nhiệm này chỉ khả thi với các doanh nghiệp nhỏ, khi nguồn lực còn hạn chế. Một nhân viên làm công việc của cả PO và BA sẽ giúp tiết chi phí và nguồn lực đáng kể. Hoặc sản phẩm của công ty không quá phức tạp, một nhân viên có đủ khả năng để xử lý trơn tru công việc của hai bên.
BA có thể trở thành PO không?
Câu trả lời là CÓ. Khi làm việc ở vị trí BA, bạn đã có sẵn nền tảng và các kỹ năng cần thiết về sản phẩm, đồng thời hiểu rõ về nhu cầu kinh doanh và quy trình làm việc của các bên liên quan, trong đó có PO. Từ đó, các đề xuất liên quan đến sản phẩm của bạn sẽ được đánh giá cao hơn.
Tuy nhiên, để trở thành một PO chuyên nghiệp, bạn nên trau dồi thêm kiến thức về cách xây dựng backlog sản phẩm và xác định đâu là tính năng cần ưu tiên. Lúc đó, bạn sẽ cần làm việc trực tiếp và chặt chẽ hơn với Scrum team để điều phối họ làm việc theo đúng lộ trình.
Tổng kết Product Owner vs Business Analyst
Nhìn chung, cả Product Owner và Business Analyst đều hướng đến việc phát triển thành công sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, khách hàng và công ty. Tuy vậy, hai vị trí này vẫn có sự khác biệt nhất định về phạm vi tập trung và trách nhiệm, PO sẽ ưu tiên tầm nhìn, chiến lược, backlog sản phẩm còn BA sẽ tìm kiếm giải pháp kinh doanh. ITviec hi vọng những phân tích trên sẽ góp phần giúp bạn tìm được định hướng nghề nghiệp phù hợp.