Nội dung chính
Product Manager là gì? Là người chịu trách nhiệm quyết định tính năng nào cần có cho sản phẩm, làm việc với Developer, UX UI Designer để xây dựng tính năng đó và đảm bảo sản phẩm đạt được tới chỉ số thành công nhất.
Khi được hỏi Product Manager là gì, anh Nguyễn Hoàng Việt – người từng giữ vị trí Product Manager của Tiki.vn, đã vui tính gọi Product Manager là “CEO của Product”. Và anh không hề nói đùa. Không phải ngẫu nhiên mà vị trí Product Manager ở nhiều công ty thường được trả rất cao so với mặt bằng chung lương IT.
Để hiểu thêm về vị trí Product Manager, để hiểu thêm product management là gì, hãy đọc ngay bài phỏng vấn giữa ITviec và anh Nguyễn Hoàng Việt và anh Rutger Coolen – Principal Product Manager tại Atlassian.
Xem thêm việc làm Product Manager trên ITviec
Product Manager là gì? Công việc của Product manager là gì?
Quyết định tính năng cần có cho sản phẩm
Anh Việt chia sẻ, Product Manager là người chịu trách nhiệm quyết định tính năng nào cần có cho sản phẩm, làm việc với Developer, UX/UI Designer để xây dựng tính năng đó và đảm bảo sản phẩm đạt được tới chỉ số thành công nhất. Em có thể xem Product Manager là “CEO của Product”.
Tại Tiki.vn, team Product được chia ra thành các team nhỏ hơn và mỗi team có một nhiệm vụ riêng, phụ trách về một tính năng.
- Chẳng hạn, khi khách hàng vào website, đi vòng quanh và tìm kiếm thông tin sản phẩm thì có team phụ trách công cụ search.
- Khi khách hàng gặp vấn đề về check-out trong lúc tiến hành mua hàng thì có team phụ trách check-out.
- Để mang khách hàng tới website thì có team làm công cụ Marketing.
Mỗi team nhỏ này sẽ có một Product Manager, dưới đó là các Android/iOS/Back-end Developer, UX/UI Designer.
Anh Nguyễn Hoàng Việt sẽ đóng vai trò tư vấn, giải thích, tìm ra vấn đề cho từng team: điều gì mà người dùng đang không hài lòng, tại sao có vấn đề này, giải pháp là gì… Mọi người cùng hỗ trợ cho nhau để website thân thiện nhất với người dùng có thể.
Phân tích số liệu
Anh Rutger Coolen cũng đồng tình với ý kiến trên về công việc của Product Manager và bổ sung thêm rằng mọi người thường nghĩ Product Manager không phải là người nghĩ ra những cải tiến của sản phẩm.
Nhưng ngược lại, Product Manager nói chuyện với khách hàng, phân tích dữ liệu. Sau đó làm việc với team, được truyền cảm hứng từ những sản phẩm khác. Cuối cùng là xây dựng một bản đồ các tính năng của sản phẩm.
Vì vậy product management là gì? Product management không phải là một bộ môn nghệ thuật mà đây chính là kết quả của quá trình làm việc nghiêm túc và khoa học.
Cựu Product Manager Tiki.vn cũng có cùng suy nghĩ rằng Product Manager cần phải tập trung dựa vào những số liệu làm nên thành công cho sản phẩm. Anh kể thêm về kinh nghiệm làm việc của mình tại Tiki:
Chẳng hạn, team phụ trách công cụ search trên website có nhiệm vụ là giúp khách hàng tìm được thông tin và sản phẩm theo đúng nhu cầu và mong muốn của họ nhất. Một chỉ số thể hiện sự thành công lớn trong tìm kiếm là tỷ lệ CTR (Click-through-rate). Có một lần, các bạn trong team nhìn vào số liệu và thấy rằng tỷ lệ CTR trên các sản phẩm đang thấp. Team có một số suy đoán là sản phẩm không hấp dẫn với người dùng, giá không tốt, nhiều sản phẩm hết hàng…
Dĩ nhiên, team không thể chắc chắn vấn đề nằm ở đâu. Vì vậy, team đã thiết kế một A/B Test, chia ra hai nhóm khách hàng bằng nhau. Một nhóm sẽ cho thấy cả sản phẩm đang có hàng lẫn những sản phẩm hết hàng, một nhóm chỉ cho thấy các sản phẩm có hàng.
Cuối cùng, team thấy rằng CTR của nhóm không thấy được sản phẩm hết hàng cao hơn nhóm còn lại. Sau đó, team quyết định không cho hiện tất cả sản phẩm hết hàng từ kết quả tìm kiếm.
Muốn làm Product Manager, nên bắt đầu từ đâu?
Chia sẻ về vấn đề này, anh Việt nhận định rằng, các bạn có background về kỹ thuật hay UX/UI Designer, thậm chí QA cũng hoàn toàn có thể làm Product Manger nên điểm chính không phải là từ background của các bạn mà cái cần là kinh nghiệm.
Anh khuyên bạn nên vào một công ty Product để học hỏi kinh nghiệm làm một sản phẩm. Bạn sẽ thấy được quy trình làm một sản phẩm và công việc của Product Manager là gì.
Tuy nhiên, với những bạn developer đang làm tại công ty outsourcing mà muốn làm Product Manager, anh Nguyễn Hoàng Việt cũng có những lời khuyên vô cùng thiết thực:
Nếu muốn làm Product Manger, thì từ trong công ty Outsourcing, bạn cần phải tò mò hơn.
Hãy hỏi khách hàng thật nhiều câu hỏi để hiểu thị trường họ muốn nhảy vào và những vấn đề họ đang phải đối mặt, hiểu rõ chỉ số làm nên thành công của sản phẩm.
Bạn nên hỏi họ: “Tính năng nào bạn muốn tạo nên”, “Chỉ số nào thể hiện sự thành công của sản phẩm?”. Bạn luôn phải hỏi “Tại sao? Tại sao? Tại sao?” hay nói cách khác là “Bạn phải quay lại 5 năm trước và hỏi tại sao”.
Những lời khuyên gửi tới các bạn muốn làm Product Manager là gì?
Yêu việc xây dựng và sử dụng sản phẩm
Anh Rutger Coolen cho rằng đây là một trong những điều kiện tiên quyết của việc trở thành một Product Manager giỏi. Những người làm sản phẩm tốt nhất luôn yêu sự sáng tạo trong quy trình xác định nhu cầu người dùng và thiết kế sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đó.
Hãy luôn nhớ rằng bạn phải sử dụng sản phẩm của chính bạn. Nếu chính bạn, người tham gia vào quá trình làm ra sản phẩm từ đầu, còn bối rối trong việc sử dụng sản phẩm của chính mình, hoặc không thể tìm được một chức năng nào đó thì người dùng thật sự sẽ còn ra sao?
Phải biết đặt câu hỏi
Đặt câu hỏi ở đây không phải là đặt câu hỏi với “người trong nhà”, người trong team mà hỏi người dùng, trò chuyện với họ. Anh Rutger Coolen nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc nói chuyện với người dùng.
Gặp gỡ mọi người quanh bạn – đồng nghiệp, bạn bè, gia đình, khách hàng – những người sử dụng sản phẩm của bạn và hỏi họ rằng họ thích/ không thích những điểm nào ở sản phẩm.
Anh Nguyễn Hoàng Việt cũng đưa ra lời khuyên tương tư. Anh chia sẻ thêm, khi anh phỏng vấn một bạn ứng viên cho vị trí Product Manager, anh sẽ hỏi bạn đó là bạn thích tính năng nào, bạn có tò mò muốn hiểu về sản phẩm không, bạn có hỏi lại anh về tính năng không.
Nhờ đó, anh sẽ biết người này có hứng thú với sản phẩm hay không (lời khuyên số 1) và họ có biết cách đặt câu hỏi hay không (lời khuyên số 2).
Việc đặt câu hỏi ở đây còn mang một nghĩa khác, đó chính là biết “đặt câu hỏi” với những con số. Anh Việt cho rằng mỗi sản phẩm sẽ có một chỉ số cho thấy sự thành công khác nhau.
Chẳng hạn, với những social media platform thì là lượng active user, với ngành thương mại điện tử thì là CR (Conversion rate).
Do đó, một người làm Product Manager giỏi hãy biết đặt câu hỏi với những con số đó rằng “Chỉ số nào thể hiện sự thành công cho Product?” hay “Làm sao để biết được Product này có thành công hay không?”
Chủ động phát triển sản phẩm
Anh Rutger Coolen chia sẻ rằng bạn muốn biết bí quyết để thành công trong nghề Product Manager là gì, bạn phải có ý kiến. Bạn sẽ chẳng khách hàng nào để đưa ra yêu cầu kỹ thuật hay bảo bạn phải làm gì. Bạn cần dựa hoàn toàn vào bản thân mình, thông qua những câu hỏi với người dùng, với số liệu, để đưa ra ý kiến làm thế nào để phát triển sản phẩm tốt hơn.
Để làm được việc này, bạn nên có đam mê về việc đấu tranh cho những điều bạn tin là tốt nhất cho người dùng và yêu sản phẩm mình làm ra.
Tưởng tượng bạn là người sở hữu công ty, bạn sẽ làm gì khác với những việc bạn đang làm hàng ngày để công ty mình tốt lên? Nếu bạn nghĩ ra điều gì, bạn nên hành động ngay.
Những resource dành cho các bạn muốn trở thành Product Manager
- Hard thing about hard things – Ben Horowitz: Tác giả chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm xương máu về việc làm sản phẩm, sự khác nhau giữa sản phẩm tốt và chưa tốt, làm sao để trở thành một Product Manager giỏi.
- Trang thông tin Launch: Đây là trang thông tin yêu thích của anh Việt. Trang giúp anh hiểu biết về thị trường, công ty nào vừa bị mua lại, xu hướng của nhà đầu tư. Những thông tin mà bạn cần biết về các sản phẩm trên thế giới đều có thể được tìm thấy ở đây.
- Launch: Group thảo luận về các sản phẩm, thị trường, người dùng trên Facebook.
- Offscreen Magazine: Trang thông tin về kinh doanh, thị trường thế giới rất hữu ích.
- The Lean Startup (Eric Ries): ‘Khởi nghiệp tinh gọn’ chỉ mới ra đời khoảng bốn năm nhưng đã là một trong những quyển sách cơ bản nhất về quản lý sản phẩm. Quyển sách dạy bạn cách phát hành sản phẩm và tương tác nhanh với người dùng.
- Manifesto for Agile Software Development: Đọc Agile Manifesto và mười hai quy luật đằng sau để hiểu rõ hơn về cách tạo ra một phần mềm tuyệt vời thông qua sự cộng tác.
- Blue Ocean Strategy (W. Chan Kim and Renée Mauborgne): ‘Chiến lược đại dương xanh’ là quyển sách dạy bạn cách định vị sản phẩm trên thị trường và cách làm cho sản phẩm của đối phương không tương đồng với nhu cầu người dùng. Nó còn giúp bạn thay đổi cách nghĩ về giá trị người dùng và làm sao để đảm bảo giá trị sản phẩm của bạn tốt hơn đối thủ.
Product Manager trong ngành nói gì?
“Đừng làm việc dựa trên suy đoán”
ITviec đã hỏi anh Việt rằng sai lầm lớn anh đã từng mắc trong công việc của Product Manager là gì? Anh nhớ về một sai lầm mà anh đã từng mắc phải về trong quá khứ và anh thiết nghĩ Product Manager nào cũng mắc phải. Đó chính là là hay làm việc dựa trên suy đoán của mình, thích cái tính năng nào thì làm luôn.
Cũng có một lần khi làm Mobile App cho Tiki, anh đã bỏ hết các banner khuyến mãi, hot deal ra khỏi trang chủ vì nghĩ rằng mọi người không thích các khuyến mãi. Anh tập trung nhiều hơn vào việc cho hiện ra sản phẩm và hình ảnh đẹp lên homepage. Kết quả là Retention Rate (Tỷ lệ duy trì khách hàng) giảm.
Các chỉ số cho thấy rằng khách hàng vẫn giữ App trên điện thoại để họ có thể thấy được các khuyến mãi mọi lúc mọi nơi. Khi anh bỏ ra hết các banner khuyến mãi, họ đã không dùng App nữa vì họ không thể thấy được các promotion. Lúc đó anh nhận ra rằng mọi người dùng App là để xem khuyến mãi.
Từ những bài học trên, anh Việt rút ra bài học rằng suy đoán “tính năng này sẽ tốt hay không tốt” đều sai hết, làm việc dự trên suy nghĩ của bản thân chưa chắc sẽ đúng ý với khách hàng, người dùng. Người dùng có hành vi không thể đoán trước được. Không bao giờ được suy đoán, nên luôn test trước.
Đừng bao giờ quên khách hàng mới là người dùng sản phẩm của mình. Họ xứng đáng với giải pháp tốt nhất, và điều này không phải lúc nào cũng là giải pháp mà developer thích.
– Martin Papy – CTO Pyramid Consulting Vietnam
“Tập trung để phát triển”
Nhớ về những sai lầm trong sự nghiệp làm Product Manager của mình, anh Rutger Coolen kể về khoảng thời gian làm việc tại Nimbuzz vào năm 2008.
Sứ mệnh của Nimbuzz là tạo ra ứng dụng di động để giao tiếp về mọi mặt: tin nhắn, biểu tượng cảm xúc, gọi điện thoại, gọi video thoại, chơi game trên mọi nền tảng – Blackberry, Mac, PC, iPhone, Android, Nokia, Windows và Mobile Web.
Quá nhiều chức năng trên quá nhiều nền tảng là một lỗi khổng lồ khi làm sản phẩm. Chúng tôi phân tán mỏng nguồn lực, và đã không thể phát triển tối đa một chức năng nào.
Cuối cùng, những công ty cạnh tranh với Nimbuzz, tập trung phát triển một chức năng trên một hoặc hai nền tảng đã hoàn toàn đánh gục Nimbuzz:
- Whatsapp là ứng dụng tốt nhất về nhắn tin
- Viber là về gọi điện thoại
- Tango là về gọi video thoại
Bởi vì họ tập trung nên họ có thể phát huy tối đa khả năng cải thiện sản phẩm. Họ mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, và cũng dễ dàng hơn trong việc quảng bá sản phẩm. Họ trở nên lớn mạnh và được Facebook thu mua.
Bài học lớn nhất anh rút ra chính là phải tập trung nguồn lực và phát huy tối đa khả năng ở một hoặc hai thứ. Tránh sự cám dỗ của việc làm mọi thứ để rồi không tốt ở thứ nào.
Do anh sung, anh máu, nên anh triển khai các kế hoạch đó cùng một lượt. Tham làm nhiều thứ, cuối cùng không đủ thời gian tập trung đến tận cùng để đạt hiệu quả tối đa.
– Anh Nguyễn Minh Thắng – General Manager của Open Digital
Cảm ơn anh Nguyễn Hoàng Việt và anh Rutger Coolen vì những chia sẻ rất có giá trị. Chúc anh luôn thành công trong công việc.
Tiểu sử: Anh Nguyễn Hoàng Việt bắt đầu sự nghiệp tại một công ty Outsourcing về tài chính, chứng khoán, sau đó chuyển sang làm cho dự án Truongxua.vn, mạng xã hội kết nối những người bạn cũ và cũng gây được nhiều tiếng vang. Một thời gian sau, anh chuyển sang làm một số Product nhỏ trước khi sang làm tại Sillicon Straits Saigon.
Sau đó, anh cũng làm một số dự án của Singapore trước khi anh chuyển sang làm Product Manager và Head of Consumer Products Engineering tại Tiki.vn. Hiện tại, anh Việt là CTO tại TicketBox.vn.
Tiểu sử: Anh Rutger Coolen học toán ở đại học. Sau khi tốt nghiệp năm 2000, anh dành sáu năm làm Project Manager của bộ phận R&D tại một công ty truyền thông di động.
Năm 2008, anh tham gia team product tại Nimbuzz – công ty ứng dụng phần mềm giao tiếp trên di động. Sự nghiệp của anh gắn với các sản phẩm từ đó. Từ Hà Lan, anh chuyển đến sống và làm việc tại Việt Nam ở Atlassian vào khoảng đầu năm 2015.
Nếu bạn nghĩ những chia sẻ này có thể giúp ích cho bạn bè hoặc đồng nghiệp thì đừng ngại nhấn nút Share bên dưới nhé!
Xem thêm việc làm Product Manager tại ITviec!