Nội dung chính
PM là gì? PM là viết tắt của vị trí Project Manager. Trong lĩnh vực phát triển phần mềm và công nghệ, Project Manager đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thành công của các dự án. Tuy nhiên, với những người mới bắt đầu, khám phá và hiểu biết về quản lý dự án có thể là một nhiệm vụ khó khăn.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về:
- PM là gì? PM là viết tắt của chữ gì?
- Định nghĩa, vai trò và công việc của Project Manager
- Những kỹ năng, phương pháp quản lý và công cụ hỗ trợ cần có cho vai trò quản lý dự án
- Lộ trình phát triển của một Project Manager
- Các chứng chỉ cần có đối với PM là gì?
PM là gì? PM là viết tắt của chữ gì?
PM là viết tắt của vị trí Project Manager. Project Manager là người sẽ theo dõi, quản lý và triển khai các dự án từ giai đoạn ý tưởng cho đến khi hoàn thành. Project Manager thường sẽ chịu trách nhiệm quản lý dự án và cả đội ngũ thực hiện dự án.
Vậy “quản lý dự án” là gì? Quản lý dự án là việc áp dụng kiến thức, kỹ năng, công cụ và kỹ thuật vào các dự án, nhằm tạo ra một sản phẩm, dịch vụ hoặc kết quả đáp ứng yêu cầu đặt ra ban đầu.
Project Manager tham gia vào việc lập kế hoạch, triển khai và hỗ trợ liên tục cho các dự án của toàn công ty. Họ đóng vai trò làm trung gian, kết nối giữa các nhóm khi làm việc hoặc khi có sự cố xảy ra. Do đó, một Project Manager sẽ còn cần giao tiếp với lãnh đạo và báo cáo dự án.
Mặc dù có những phần mềm quản lý dự án tiện lợi, nhưng việc có một vị trí Project Manager để thực sự giám sát mọi thứ vẫn giúp doanh nghiệp tối ưu được các nguồn lực hơn.
Công việc của PM là gì trong một dự án?
Hầu như trong mọi lĩnh vực, vị trí quản lý dự án luôn là một vị trí quan trọng. Tùy vào đặc điểm của từng nhóm ngành, sẽ có những điểm khác biệt trong vai trò của các Project Manager, nhưng nhìn chung, trách nhiệm và công việc của họ vẫn khá nhất quán.
Ví dụ, cho dù bạn là một Project Manager mảng xây dựng hoặc là một Project Manager trong phát triển phần mềm, bạn vẫn có những trách nhiệm tương tự nhau: lập kế hoạch, giám sát, giao công việc cho các thành viên, đánh giá mức độ thành công và đo lường kết quả của dự án. Bất kể sản phẩm cuối cùng của dự án là gì – cho dù đó là một tòa nhà mới hay một tính năng mới được phát hành – bạn vẫn muốn dự án đó được hoàn thành thành công và hiệu quả, từ đầu đến cuối.
Sau đây là một số công việc của PM trong một dự án:
Lập kế hoạch dự án (phù hợp với mục tiêu của công ty)
Project Manager sẽ chịu trách nhiệm định rõ phạm vi của dự án và điều chỉnh với các bên liên quan để thiết lập kỳ vọng. Khi lập kế hoạch dự án, Project Manager cần xác định rõ mục tiêu dự án, được gắn với mục tiêu của công ty/doanh nghiệp, những vấn đề mà dự án sẽ giải quyết và bối cảnh thực hiện dự án.
Sau khi đã xây dựng được mục tiêu của dự án, các PM cũng cần lập kế hoạch dự án chi tiết nhất có thể. Trong lập kế hoạch dự án, có 3 ràng buộc cực kỳ quan trọng cần phải được lưu tâm hàng đầu:
- Chi phí: Những ràng buộc về tài chính cho dự án, còn được gọi là ngân sách dự án
- Phạm vi: Các nhiệm vụ cần thiết để hoàn thành mục tiêu của dự án
- Thời gian: Tiến độ hoàn thành dự án
Dựa trên 3 ràng buộc kể trên, Project Manager sẽ phác thảo bản kế hoạch cho dự án để trả lời các câu hỏi về xác định phạm vi (scope), thời gian (timeline), giải pháp, phân bổ nguồn lực (nhân lực, ngân sách, công nghệ…), rủi ro của dự án,… Tất cả những kế hoạch này sẽ rất quan trọng để đảm bảo dự án diễn ra một cách trơn tru và đạt được mục tiêu đề ra.
Xác định, phân phối và quản lý tài nguyên dự án
Khi Project Manager đã có kế hoạch, họ cần phải tìm các nguồn lực để thực hiện dự án đó. Đây là bước quyết định thành công của dự án, liên quan đến phân phối và quản lý nguồn lực.
Nguồn lực ở đây có thể bao gồm:
- Human Resources – Nhân lực, bao gồm các thành viên của nhóm dự án như Project Manager, và bất kỳ chuyên gia nào có liên quan trong quá trình vận hành dự án.
- Financial Resources – Nguồn lực tài chính/ ngân sách, bao gồm tiền và/ hoặc các nguồn lực tài chính cần thiết khác để mua các nguồn lực khác và thực hiện dự án.
- Material Resources – Nguồn lực vật chất, bao gồm tất cả các vật chất cần thiết cho quá trình diễn ra dự án như máy móc, thiết bị, văn phòng,…
- Information – Thông tin, bao gồm mọi dữ liệu, thông tin và kiến thức cần thiết để vận hành dự án.
- Technology – Công nghệ, và Tool – Công cụ, thể hiện các công nghệ và công cụ đóng vai trò quan trọng trong quá trình diễn ra dự án. Nguồn lực này có thể bao gồm phần mềm, phần cứng, và các công nghệ khác.
Bước này sẽ thường đặc biệt khó khăn vì nguồn lực luôn luôn sẽ bị hạn chế – ở cương vị là một PM, bạn sẽ không bao giờ có đủ nhiều tài nguyên như bạn muốn.
Quản lý rủi ro dự án
Dù dự án của bạn được lập kế hoạch một cách tài tình và quản lý đẹp đẽ như thế nào đi chăng nữa, rủi ro vẫn luôn tồn tại và sự cố vẫn luôn xảy ra. Những Project Manager giỏi cần biết cách đối mặt với những điều không ngờ đến qua việc đánh giá các rủi ro.
Project Manager cần lập kế hoạch về những rủi ro có thể xảy ra theo gợi ý như sau:
- Liệt kê các rủi ro có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu dự án như đã đề ra;
- Mô tả cụ thể ảnh hưởng của rủi ro đó đối với mục tiêu dự án;
- Phân loại mức độ nghiêm trọng từ thấp đến cao;
- Vạch ra những phương án đối phó với rủi ro để hạn chế thiệt hại có thể gây ra.
Một số rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện dự án có thể kể đến như: nhân sự nghỉ và không có người thay thế, phạm vi dự án thay đổi, ngân sách bị giảm bớt hoặc hết ngân sách giữa dự án, giải pháp sai…
Quản trị nhân sự
Trách nhiệm của một Project Manager không chỉ xoay quanh tiến độ, ngân sách và tài nguyên. Họ còn cần phải đảm bảo những người đồng hành – những người trực tiếp thực hiện hoặc có ảnh hưởng với dự án luôn làm tốt công việc của họ.
Vì vậy, trí tuệ cảm xúc (EQ – Emotional intelligence) vô cùng quan trọng với PM. Trí tuệ cảm xúc giúp PM hiểu được điều gì là động lực của từng thành viên trong nhóm, giúp họ điều hướng xung đột, và giúp họ giữ cho mọi người trong nhóm dự án cảm thấy hạnh phúc
Giao dự án đúng thời hạn và đúng ngân sách
Tất nhiên đây là một trong những trách nhiệm tối quan trọng: bàn giao dự án. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng như chúng ta đã thấy ở trên, việc giao một dự án thành công phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.
Vì vậy, trách nhiệm của Project Manager là đảm bảo rằng tất cả những điều trên – kế hoạch, tài nguyên, quản lý, động viên 0 đều dẫn đến kết quả mong đợi vào thời gian và ngân sách phù hợp.
Báo cáo và phân tích sau dự án
Các Project Manager giỏi biết rằng dự án không kết thúc khi nó hoàn thành. Để tối đa cơ hội thành công của bạn, bạn cần tính đến thời gian cho một cuộc họp tổng kết dự án, nhằm tổng kết những kinh nghiệm, rút ra những bài học và giúp tối ưu hóa quy trình làm việc trong những dự án tiếp theo, đồng thời cũng là cơ hội để bạn nhìn lại và xem xét các phương pháp quản lý dự án của mình.
Ngoài ra, sau dự án, các Project Manager cũng cần theo dõi các thông tin liên quan đến hiệu quả của dự án, feedback của khách hàng, khả năng mở rộng và phát triển của dự án đó trong tương lai…
Những kỹ năng cần thiết để trở thành PM là gì?
Để đạt được mục tiêu dự án cũng như để dự án được diễn ra suôn sẻ, Project Manager cần có một số kỹ năng nhất định để có thể thực hiện công việc, bao gồm bộ kỹ năng về lãnh đạo, giao tiếp, quản trị rủi ro và tổ chức.
Kỹ năng lãnh đạo
Project Manager là người lãnh đạo, chịu trách nhiệm hướng dẫn và động viên nhóm dự án. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi kỹ năng lãnh đạo mạnh mẽ là nền tảng cho thành công của một Project Manager.
Khả năng giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, phân công nhiệm vụ một cách hiệu quả, và khơi dậy sức mạnh tốt nhất của các thành viên trong nhóm là những kỹ năng mạnh mẽ mà Project Manager có thể sử dụng. Project Manager chính là người đặt nền tảng cho nhóm. Nếu Project Manager tham gia và làm việc chăm chỉ, thì phần còn lại của nhóm cũng có khả năng theo sau.
Kỹ năng giao tiếp
Là Project Manager, việc của bạn là dẫn dắt giao tiếp trong mọi khía cạnh của nhóm. Điều này có nghĩa là đảm bảo bạn truyền đạt thông tin một cách hiệu quả cho các thành viên trong nhóm dự án và ngược lại. Một văn hóa giao tiếp mở có thể làm cho các dự án diễn ra một cách trơn tru hơn, và việc tạo ra văn hóa nhóm này chủ yếu là trách nhiệm của Project Manager.
Project Manager cũng chịu trách nhiệm về việc tiếp xúc với các bên liên quan của dự án. Việc thông báo tiến độ dự án cho các bên liên quan và tìm kiếm ý kiến của họ trong suốt vòng đời của dự án là quan trọng nếu bạn muốn đảm bảo họ hài lòng với kết quả cuối cùng.
Đọc thêm: Giao tiếp “tồi” sẽ phá hủy sự nghiệp của một Project Manager (PM)?
Quản trị rủi ro
Trong quản lý dự án, không có gì tồi tệ hơn là việc gặp những sự cố bất ngờ. Các vấn đề tiềm ẩn đôi khi không thể tránh khỏi, nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu bạn nhận ra chúng từ trước. Điều này có nghĩa là Project Manager cần có khả năng nhìn nhận tổng thể và dự đoán các vấn đề mà dự án có thể gặp phải trong tương lai.
Họ thực hiện các đánh giá định lượng và định tính để xác định khả năng xảy ra và ảnh hưởng có thể của mỗi rủi ro, quản lý các rủi ro này và tạo ra các giải pháp tiềm năng trong trường hợp các vấn đề giả định đó trở thành hiện thực.
Kỹ năng tổ chức
Kỹ năng tổ chức sẽ giúp bạn tổng hợp, sắp xếp và thực hiện các công việc của một Project Manager một cách hiệu quả. Đây là nền tảng để dự án có thể hoạt động trơn tru, hiệu quả và tối ưu những nguồn lực sẵn có.
Không chỉ vậy, một Project Manager có khả năng tổ chức tốt sẽ đảm bảo dự án được hoàn thành đúng thời hạn và đáp ứng đúng những yêu cầu đặt ra từ ban đầu.
Kỹ năng sử dụng thành thạo các công cụ quản lý dự án
Phần mềm quản lý dự án sẽ giúp bạn hợp lý hóa các quy trình và giúp đạt được mục tiêu dự án. Tuy nhiên, không phải tất cả các phần mềm quản lý dự án đều như nhau. Một số có đầy đủ các tính năng từ lập kế hoạch, thiết lập lịch trình cho đến theo dõi, trong khi một số khác chỉ tập trung vào một lĩnh vực cụ thể.
Một số công cụ quản lý dự án phổ biến trên thị trường:
- Asana
- Monday.com
- Jira
- Adobe Workfront
- Smartsheet
- ClickUp
- Airtable
- …
Đọc thêm: Jira là gì? Hướng dẫn sử dụng Jira Software chi tiết A – Z bằng hình ảnh
Kỹ năng lập ngân sách dự án
Ngân sách là “nhiên liệu” thúc đẩy dự án. Quản lý dự án cũng sẽ chỉ là lý thuyết nếu không có ngân sách dự án. Nhưng có ngân sách dự án chỉ là một mặt của vấn đề lập ngân sách dự án. Ngoài ra còn có quản lý ngân sách, nghĩa là theo dõi chi phí trong suốt vòng đời của dự án và đảm bảo chi phí thực tế của bạn không vượt quá ngân sách dự kiến.
Kỹ năng quản lý thời gian
Như đã kể trên, thời gian là một trong ba ràng buộc và là một trong những kỹ năng quan trọng nhất trong việc quản lý dự án. Không có kỹ năng quản lý thời gian có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc bàn giao, ngân sách bị đội lên, hoặc tệ hơn là ảnh hưởng đến uy tín của đội nhóm, doanh nghiệp.
Quản lý thời gian yêu cầu khả năng đúng deadline và hoàn thành sản phẩm đúng thời hạn. Project Manager phải là chuyên gia trong việc quản lý thời gian của họ, thời gian của nhóm và thời gian tổng thể của dự án.
Kỹ năng lên lịch cho dự án
Quá trình lập lịch trình dự án là một phần quan trọng khi viết bản kế hoạch dự án. Lịch trình dự án bao gồm tổ chức các nhiệm vụ, nhân lực và thời gian để hoàn thành dự án.
Khi nói về kỹ năng quản lý dự án, mọi người thường nghĩ việc lên lịch dự án bao gồm thiết lập các deadline và ngày bàn giao dự án. Nhưng việc lên lịch cho dự án còn cần phải cân nhắc đến cả việc quản lý nguồn lực và quản lý rủi ro.
Kỹ năng theo dõi tiến độ dự án
Theo dõi dự án là kỹ năng đo lường tiến độ của các hoạt động liên quan đến dự án. Kỹ năng giám sát dự án được dùng để xác định xem dự án đang có đáp ứng tiến độ hay không, nếu không, Project Manager cần xác định các vấn đề gây ra sự chậm trễ và giải quyết chúng.
Cả tiến độ và hiệu suất đều được theo dõi để đảm bảo đúng tiến độ và phát hiện ra những điểm nghẽn cũng như các vấn đề khác đang cản trở việc bàn giao dự án kịp thời trong phạm vi ngân sách của nó.
Kỹ năng báo cáo dự án
Báo cáo dự án là quá trình thu thập dữ liệu theo định dạng dễ hiểu để đảm bảo dự án đạt được mục tiêu đề ra. Báo cáo dự án bao gồm việc trình bày thông tin cho các bên liên quan để thông báo cho họ về tiến độ của dự án.
Một số phương pháp quản lý dự án mà PM sử dụng
Phương pháp quản lý dự án là một tập hợp các nguyên tắc, công cụ và kỹ thuật được sử dụng để lập kế hoạch, thực hiện và quản lý dự án. Các phương pháp quản lý dự án giúp Project Manager dẫn dắt các thành viên nhóm và quản lý công việc trong khi tạo điều kiện cho sự hợp tác của nhóm.
Có nhiều phương pháp quản lý dự án khác nhau, và tất cả đều có ưu và nhược điểm riêng. Một vài phương pháp quản lý dự án hiện nay bao gồm:
- Waterfall
- Agile
- Scrum
- Critical Path Method (CPM)
- Lean
- Kanban
- Extreme Programming (XP)
- Six Sigma
- PRINCE2
Phần sau đây tập trung vào giới thiệu cơ bản 5 phương pháp, framework quản lý dự án đầu tiên, được xem là những phương pháp quản lý dự án phổ biến nhất hiện nay:
Phương pháp Waterfall
Phương pháp Waterfall là một trong những phương pháp quản lý dự án phổ biến nhất, lâu đời nhất và truyền thống nhất trong quản lý dự án. Phương pháp Waterfall là một quy trình thiết kế tuần tự tuyến tính, được áp dụng trong những dự án mà ở đó, các yêu cầu đã được biết rõ và cố định, được tổ chức chặt chẽ, rất khó hoặc không thể thay đổi hoặc thích nghi một khi công việc đã bắt đầu.
Trong những ngày đầu phát triển phần mềm, khi phương pháp Agile hay khái niệm vòng đời lặp lại chưa xuất hiện, phương pháp Waterfall được Winston Royce phát triển và trình làng vào năm 1970. Trên thực tế, cho đến cuối những năm 1990, phần lớn các dự án phần mềm đều tuân theo vòng đời kiểu “thác nước” đơn giản: thu thập trước tất cả các yêu cầu; thiết kế giải pháp; xây dựng nó; kiểm thử; phát hành sản phẩm cho người dùng để kiểm thử chấp nhận (UAT); sửa lỗi; và sau đó đưa vào sản xuất.
Có thể nói, tên gọi của phương pháp này phản ánh chính xác cách phương pháp hoạt động – bạn chuyển từ một giai đoạn dự án sang giai đoạn khác chỉ sau khi giai đoạn đó đã được hoàn thành thành công, cũng như một thác nước chỉ có chảy xuống dưới mà không chảy ngược lên lại.
Phương pháp waterfall phù hợp cho các dự án mà các yêu cầu đã được cố định và không có bất kỳ thay đổi nào trong khi dự án diễn ra.
Phương pháp Agile
Nói một cách ngắn gọn, Agile là một mindset và triết lý, bao gồm các giá trị và nguyên tắc được xác định. Agile chỉ định cách tổ chức tự tiến triển và thể hiện sự hợp tác qua các nhóm.
Khi triển khai phương pháp Agile, việc lập kế hoạch dự án và quản lý công việc sẽ mang tính linh hoạt, tìm kiếm sự tối ưu và luôn mở cửa cho sự thay đổi nếu điều đó giúp cải tiến quy trình. Agile nhanh chóng và linh hoạt, khác biệt so với phương pháp quản lý dự án waterfall.
Khi sử dụng: Phương pháp Agile ban đầu xuất phát từ việc phát triển phần mềm và hoạt động tốt trong lĩnh vực này. Ngoài ra nó cũng được sử dụng trong các loại dự án khác cần một lịch trình sản xuất nhanh và phản ứng nhanh, chẳng hạn như marketing.
Framework Scrum
Scrum là một framework dựa trên phương pháp quản lý Agile, áp dụng cách tiếp cận qua các “sprint” để quản lý dự án. Có nhiều phương pháp áp dụng Agile và Scrum là một trong số đó, và đây cũng là phương pháp/ framework Agile phổ biến nhất. Ngoài Scrum, Agile còn có các framework khác là Kanban, Lean, SaFe,…
Framework Scrum phù hợp cho các nhóm không quá 10 người và thường được kết hợp với các chu kỳ hai tuần và các cuộc họp ngắn hàng ngày, được biết đến với tên gọi là daily scrum.
Scrum bao gồm các nhóm tự tổ chức, đa chức năng (các nhóm có thể gồm một nhóm người, mỗi người có các lĩnh vực chuyên môn khác nhau nhưng làm việc cùng nhau để đạt được cùng một kết quả). Project Manager không kiểm soát các thành viên trong nhóm mà cho phép mọi người cùng đưa ra quyết định chung. Các nhóm làm việc theo phương pháp lặp đi lặp lại, cho phép doanh nghiệp linh hoạt thay đổi các yêu cầu nhưng vẫn có sự chắc chắn cần thiết để cung cấp một sản phẩm hoạt động được.
Phương pháp CPM (Critical Path Method)
Trong phương pháp CPM, bạn xây dựng một mô hình của dự án, bao gồm tất cả các hoạt động được liệt kê trong một cấu trúc phân tách công việc, thời gian của những nhiệm vụ đó, chỉ ra các giai đoạn lớn của dự án hoặc điểm mà các sản phẩm dự án của bạn cần phải hoàn thành.
Dựa trên thông tin này, bạn có thể xác định chuỗi nhiệm vụ dài nhất để hoàn thành dự án, được gọi là Critical Path. Bạn sẽ cần để mắt đến những nhiệm vụ đó vì nếu một trong số chúng bị trì hoãn, toàn bộ dự án sẽ bị trì hoãn.
CPM hoạt động tốt hơn với các dự án nhỏ hoặc trung bình. Dự án càng lớn, việc lấy tất cả dữ liệu bạn cần để vẽ sơ đồ và hiểu được nó mà không cần phần mềm quản lý dự án sẽ càng khó khăn.
Framework Lean
Framework Lean thường có thể đẩy nhanh quá trình bằng cách chỉ tập trung vào những gì được yêu cầu, giảm chi phí và thời gian của dự án. Người sáng lập Toyota – Kiichiro Toyoda, đã phát triển framework Lean sau Thế chiến thứ hai để bảo tồn tài nguyên và loại bỏ lãng phí.
Framework Lean dựa trên hai trụ cột chính, cung cấp framework cho tất cả các dự án Lean: Cải tiến liên tục và tôn trọng mọi người.
- Cải tiến liên tục: Vòng phản hồi liên tục giúp các nhóm thực hiện các thay đổi đối với quy trình, sản phẩm và nhân sự để liên tục cải tiến hệ thống. Bằng cách xác định, đánh giá và sửa đổi các quy trình hoặc hệ thống hiện có, các nhóm có thể loại bỏ lãng phí và nâng cao hiệu quả tổng thể.
- Tôn trọng: Project Manager ghi nhận giá trị của sự đóng góp của nhóm và phản hồi của khách hàng, đồng thời xem xét chúng một cách nghiêm túc. Từ đó, tinh gọn khối lượng công việc trong suốt quy trình làm việc theo cách hiệu quả nhất để khuyến khích sự hợp tác chặt chẽ và tối đa hóa giá trị cho khách hàng.
Không giống như Waterfall và Agile, framework Lean tập trung vào việc tạo ra một tập hợp nhỏ các đặc điểm và cung cấp MVP cho khách hàng và thị trường nhanh hơn.
Việc giao hàng nhanh hơn sẽ hỗ trợ Lean loại bỏ những lãng phí có thể xảy ra bằng cách cho phép bạn xác định ngay liệu sản phẩm bạn đang phát triển có phù hợp hay không. Nếu không, bạn có thể từ bỏ công việc sớm hơn, tiết kiệm hai nguồn lực quý giá của dự án: tiền bạc và thời gian.
Một số công cụ thường dùng dành cho PM là gì?
Các Project Manager cần nhiều kỹ năng, và các công cụ hữu ích sẽ giúp họ dễ dàng thực hiện các kỹ năng của họ. Một số công cụ được các Project Manager sử dụng thường bao gồm:
Công cụ hợp tác
Các công cụ hợp tác giúp tạo điều kiện cho việc giao tiếp hiệu quả giữa các thành viên nhóm và giữ cho tất cả mọi người làm việc cùng nhau với mục tiêu chung. Các công cụ này cho phép giao tiếp thời gian thực và cung cấp không gian làm việc cho các thành viên.
Một số công cụ hợp tác hàng đầu được sử dụng bởi Project Manager bao gồm:
- Slack
- Google Teams
- Google Drive
- Miro
Công cụ quản lý nhiệm vụ
Các công cụ quản lý nhiệm vụ cho phép Project Manager giao nhiệm vụ cho các thành viên nhóm và theo dõi tiến độ của họ. Dưới đây là một số công cụ quản lý nhiệm vụ tốt nhất cho Project Manager:
- Teamwork.com
- Trello
- Jira
- Microsoft Planner
Lộ trình phát triển của PM là gì?
Rất nhiều Project Manager bắt đầu từ các vai trò không phải là quản lý và tiến dần lên vị trí Project Manager khi họ đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn. Ví dụ, một Project Manager phát triển phần mềm có thể bắt đầu với vai trò lập trình viên phần mềm (Software Developer), và một Project Manager xây dựng có thể có kinh nghiệm về kỹ sư xây dựng.
Làm công việc thực tế trong lĩnh vực của bạn có thể mang lại lợi thế cho công việc của Project Manager sau này. Bạn sẽ hiểu biết rõ ràng về công việc cần thiết, thông cảm với các thành viên nhóm, và hiểu rõ hơn về cách tiếp cận một dự án.
Bắt đầu từ công việc quản lý dự án cấp thấp
Hãy xem xét dành một thời gian trong một vị trí quản lý dự án cấp thấp như Project Coordinator, Assistant Project Manager, Associate Project Manager, Scrum Master, Product Owner, Developer hoặc Junior Project Manager. Những vị trí này giúp Project Manager lập kế hoạch và giám sát thành công của một dự án.
Làm việc trong những vai trò này có thể giúp bạn tìm hiểu thêm về lĩnh vực này và tăng cường kinh nghiệm của bạn trước khi bạn nộp đơn cho các vị trí Project Manager.
Tiến lên vị trí Project Manager
Project Manager lập kế hoạch và thực hiện các dự án để giúp các tổ chức cải thiện quy trình, phát triển sản phẩm mới, xây dựng cấu trúc,… Project Manager có thể làm việc trong nhiều ngành khác nhau, bao gồm xây dựng, chăm sóc sức khỏe, công nghệ, tài chính, chính phủ và công nghệ thông tin.
Trở thành Senior Project Manager
Senior Project Manager giúp thực hiện các dự án với phạm vi lớn hơn, như mở rộng quy trình qua các nhóm, phát triển sản phẩm phức tạp, hoặc dẫn dắt các dự án với thời gian lâu dài hơn.
Tiến lên thành Giám đốc quản lý dự án (Director of project management)
Giám đốc quản lý dự án giám sát chiến lược và thành công của một phân hệ quản lý dự án trong một doanh nghiệp. Họ làm việc để đảm bảo các dự án cá nhân phù hợp với các mục tiêu lớn hơn của một tổ chức và tạo ra một kế hoạch cho cách mà các mục tiêu đó có thể được đạt được như một nhóm quản lý dự án.
Trở thành Giám đốc điều hành (Chief Operating Officer – COO)
Một số năm kinh nghiệm làm lãnh đạo trong quản lý dự án có thể giúp bạn đạt được các vị trí cấp cao, các vị trí điều hành như Tổng giám đốc điều hành. Những lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao này chuyên về triển khai các chiến lược mới trên toàn bộ doanh nghiệp.
Đọc thêm: Lương Project Manager 2024 và những cách để tăng lương PM
Một số câu hỏi về PM là gì thường gặp
PM là gì? Project Management là gì?
Quản lý dự án là quá trình sử dụng các quy trình, kỹ năng, công cụ và kiến thức để hoàn thành một dự án được lập kế hoạch và đạt được mục tiêu của nó. Nó khác biệt với quản lý tổng quát vì phạm vi hạn chế của một dự án, thời hạn cụ thể và các sản phẩm cụ thể.
Công việc mỗi ngày của PM là gì?
Một ngày của một Project Manager có thể không theo một khuôn mẫu cố định. Tùy thuộc vào giai đoạn của chu kỳ dự án, họ có thể cần kiểm tra với các thành viên trong nhóm về các sản phẩm bàn giao hoặc cung cấp các cập nhật cho các bên liên quan của dự án.
Cần những bằng cấp nào để trở thành một Project Manager?
Trước khi có được chứng chỉ Project Management Professional (PMP), một Project Manager ít nhất cần phải có một thái độ bình tĩnh và khả năng quản lý kỳ vọng từ các bên liên quan khác nhau. Họ cũng nên chắc chắn ghi nhận số giờ được dành cho việc quản lý dự án, vì số liệu này cũng là một yêu cầu của chứng chỉ.
Đọc thêm: Lộ trình trở thành Project Manager trong ngành IT chi tiết và đầy đủ
Tổng kết PM là gì
Nhìn chung, người quản lý dự án không chỉ là người hiểu các quy trình và công cụ. Họ còn là những người thúc đẩy sự hợp tác và làm việc hiệu quả trong nhóm, hiểu rõ mục tiêu của dự án và làm việc một cách sáng tạo, hiệu quả để đạt được chúng. Với sự phát triển của thế giới công nghệ và phần mềm, Project Manager dự kiến sẽ còn giữ vai trò quan trọng với nhiều ngành nghề trong thời gian sắp tới.