Mục tiêu nghề nghiệp là điều mà bất cứ ai (không riêng gì Developer) nên xác định ngay từ đầu, để điều hướng sự nghiệp và dẫn lối thành công. Tuy nhiên, bạn đã thực sự hiểu và biết được mục tiêu nghề nghiệp của mình là gì, cách bạn xây dựng mục tiêu đã chính xác hay chưa và làm thế nào để liên kết mục tiêu nghề nghiệp với CV một cách có chiến lược, gây ấn tượng với nhà tuyển dụng?…
Bài viết dưới đây sẽ là lời giải chi tiết nhất, giúp bạn có được mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng và phù hợp nhất. Còn chờ gì nữa mà không khám phá ngay!
Xem việc làm IT “chất” trên ITviec
Mục tiêu nghề nghiệp là gì?
Khái niệm
Mục tiêu nghề nghiệp là một vị trí công việc cụ thể mà bạn mong muốn đạt được hoặc dự định theo đuổi trong tương lai.
Ví dụ: mục tiêu nghề nghiệp của bạn là trở thành CTO trong vòng 5 năm tới.
Tham khảo: Làm CTO có cần giỏi code không?
Mục tiêu nghề nghiệp phản ánh tầm nhìn, tham vọng và có sức ảnh hưởng to lớn đến sự thành công cũng như các chiến lược ngắn & dài hạn của chính bạn trên con đường sự nghiệp.
Phân biệt “mục tiêu nghề nghiệp” và “định hướng nghề nghiệp”
Trong khi mục tiêu nghề nghiệp là một đích đến cụ thể thì định hướng nghề nghiệp mang hàm ý bao quát hơn và có thể bao gồm các lựa chọn về mục tiêu nghề nghiệp.
Chẳng hạn:
- Định hướng nghề nghiệp: “Tôi muốn phát triển theo hướng kỹ thuật chuyên gia (technical)”
- Mục tiêu nghề nghiệp: “Tôi muốn trở thành Technical Architect”
Định hướng nghề nghiệp và mục tiêu nghề nghiệp không mâu thuẫn nhau mà mang tính chất xây dựng, bổ trợ lẫn nhau, giúp bạn dễ dàng đạt được thành công trong sự nghiệp dựa trên tính cách sẵn có, sở trường, sở thích…và một số yếu tố khác.
Khi xác định được định hướng nghề nghiệp thì mục tiêu nghề nghiệp cũng trở nên rõ ràng hơn. Ví dụ: Bạn muốn định hướng theo con đường quản lý thì mục tiêu của bạn có thể là vị trí Project Manager hay Bạn muốn định hướng theo con đường dữ liệu (data) thì mục tiêu của bạn sẽ là vị trí Data Scientist…
Có thể ví von định hướng nghề nghiệp như ngọn hải đăng chỉ đường trên biển cả, còn mục tiêu nghề nghiệp là một bến cảng cụ thể mà con tàu (là chính bạn) sẽ nỗ lực vượt sóng khơi để neo bờ.
Tầm quan trọng của mục tiêu nghề nghiệp
Một mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, khả thi sẽ giúp bạn thiết lập các kế hoạch hành động, kế hoạch phát triển bản thân cụ thể và làm việc hiệu quả hơn để hiện thực hóa mong muốn.
Ngoài ra, việc xác định mục tiêu nghề nghiệp ngay từ đầu sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, hạn chế tình trạng “đi đường vòng” – loay hoay mãi trong công việc nhưng không biết mình muốn gì hay nên làm gì tiếp theo.
Cách xác định mục tiêu nghề nghiệp chính xác nhất cho Developer
Mục tiêu phải rõ ràng, có định hướng và đo lường được
Những mục tiêu mơ hồ, không cụ thể chẳng những khó tạo động lực để bạn cố gắng phát triển bản thân mà đôi khi còn khiến bạn hoài nghi năng lực của chính mình.
Ví dụ: Bạn chỉ nói rằng “Tôi muốn thành công trong sự nghiệp” nhưng định nghĩa “thành công” của bạn là gì? Trong bao lâu? Có một công việc ổn định, nhận lương hàng tháng có được bạn xem là thành công?
Mục tiêu càng cụ thể, chi tiết, có thể đo lường được và phù hợp với khả năng của chính bạn thì tỷ lệ đạt được càng cao. Áp dụng nguyên tắc SMART khi xây dựng mục tiêu nghề nghiệp là một cách giúp bạn luôn theo sát chúng và giữ bạn không “trật đường ray”.
- Specific: Cụ thể, rõ ràng
- Measurable: Có thể đo lường được
- Achievable: Có thể đạt được (hoặc tính khả thi)
- Realistic: Có tính thực tế
- Time Bound: Giới hạn thời gian
Chúng ta có thể đánh giá một số mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn sau đây để hiểu rõ hơn về nguyên tắc này.
Mục tiêu 1: Trở thành chuyên gia trong lĩnh vực Blockchain
- Specific X : Mục tiêu này không cụ thể. Định nghĩa “chuyên gia Blockchain” là như thế nào? Sẽ cụ thể hơn nếu bạn thay đổi mục tiêu “trở thành Senior Blockchain Developer”
- Measurable X : Đâu là tiêu chí để đánh giá một người được xem là chuyên gia Blockchain? Tiêu chí này sẽ được áp dụng trong ứng dụng nào của Blockchain? Du lịch? Y tế? Gaming hay tài chính?
- Achievable X : Khả năng hiện tại của bạn như thế nào? Bạn đã có kiến thức, kinh nghiệm về Blockchain trước đó hay chưa? Mục tiêu này có khả thi hay bạn đang đặt kỳ vọng quá cao?
- Realistic X : Khó xác định được tính thực tế của mục tiêu này
- Time Bound X : Không có hạn định để hoàn thành mục tiêu
Mục tiêu 2: Đăng tải bài chia sẻ về 20+ cuốn sách đáng đọc nhất dành cho Developers trên HackerNoon trong tháng 2 năm 2025
- Specific V : Mục tiêu rất cụ thể và rõ ràng
- Measurable V: Đo lường bằng bài viết được đăng trên HackerNoon
- Achievable V : Hoàn toàn có thể đạt được
- Realistic V: Không xa vời với thực tế, đặc biệt là với những người có thói quen viết lách hoặc đã có blog cá nhân
- Time Bound V: Có mốc thời gian rõ ràng: tháng 2 năm 2025
Lựa chọn đội nhóm, dự án phù hợp
Tất nhiên là bạn không thể phỏng vấn đội, nhóm mà bạn sẽ làm việc cùng trong tương lai để biết mình có phù hợp với họ hay không nhưng bạn hoàn toàn có thể chủ động đọc review công ty hoặc tìm hiểu thông tin về các thành viên của dự án thông qua website chính thức, các trang mạng xã hội của công ty. Qua đó, bức tranh toàn cảnh về tính cách của các thành viên và định hướng cho các dự án sắp tới của công ty cũng trở nên rõ ràng hơn trước mắt bạn.
Hiểu biết về đội, nhóm tương lai và cảm nhận được mức độ phù hợp nhất định sẽ đảm bảo cho bạn đạt được mục tiêu nghề nghiệp vì họ là những người sẽ cùng bạn làm việc, giao tiếp, truyền cảm hứng, giúp đỡ bạn phát triển bản thân…
Tóm lại, đội, nhóm càng gắn kết và mức độ phù hợp càng cao thì sẽ càng ảnh hưởng tích cực đến chỉ số hoàn thành mục tiêu nghề nghiệp. Vì vậy, đừng xem nhẹ mà hãy tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định gia nhập môi trường làm việc mới nhé.
Xác định những kỹ năng tối quan trọng để trau dồi
Khi đặt ra một mục tiêu nghề nghiệp, bạn cần ngồi lại để xác định xem những kỹ năng nào có sự liên quan mật thiết và giúp bạn đạt được mục tiêu dễ dàng, nhanh chóng hơn. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh kế hoạch (đặc biệt là kế hoạch phát triển bản thân) để tự tin theo đuổi mục tiêu.
Chẳng hạn: Mục tiêu của bạn là trở thành Project Manager trong 3 năm tới (trước tháng 02 năm 2025)
Vậy thì bạn phải xác định được rằng để có cơ hội trở thành Project Manager và đảm đương vị trí này một cách hiệu quả thì đâu là những kỹ năng tối quan trọng? Là kỹ năng giao tiếp, phân chia công việc và nhân lực hợp lý, kỹ năng đàm phán, kỹ năng quản lý…
Điều này thúc đẩy và bắt buộc bạn phải tìm kiếm cơ hội nhiều hơn để thể hiện các kỹ năng nói trên từ chính công việc hàng ngày; hoặc bạn phải tham gia các khóa học giao tiếp, khóa quản lý dự án để trau dồi từ ngày hôm nay.
Còn nếu bạn đặt ra mục tiêu trở thành Project Manager nhưng bạn lại không giỏi giao tiếp, bạn chỉ chăm chăm ngồi code mỗi ngày như một Developer và bạn cũng chẳng buồn tham gia các khóa học để cải thiện các kỹ năng mềm kể trên thì bạn nghĩ mình sẽ có bao nhiêu phần trăm cơ hội? Mục tiêu đó có khả thi để đạt được hay không?
Cân nhắc sự cân bằng và hạnh phúc trong công việc – cuộc sống khi thiết lập mục tiêu mới
Thông thường, mục tiêu nghề nghiệp được thiết lập ra cũng nhằm đáp ứng những nhu cầu, mong muốn liên quan đến cuộc sống.
Chẳng hạn: Bạn đặt mục tiêu trở thành CTO trong vòng 10 năm tới cũng là để có được cuộc sống sung túc hơn, thỏa mãn nhu cầu được thể hiện bản thân và cống hiến, chia sẻ với xã hội (tầng cao nhất của tháp Maslow). Hoặc bạn đặt mục tiêu trở thành Freelancer Developer vào tháng 03/2025 chỉ để đạt được mục đích tự do về tài chính, thời gian…
Sự liên hệ mật thiết này vừa có thể là động lực giúp bạn phấn đấu đạt được mục tiêu nghề nghiệp nhưng đôi khi, đó cũng là áp lực khiến bạn dễ rơi vào trạng thái mất cân bằng, lo sợ thất bại và muốn từ bỏ sớm.
Để luôn cảm thấy hạnh phúc trên hành trình chinh phục mục tiêu, câu nói từ John Sonmez – chủ blog https://simpleprogrammer.com/ có thể giúp bạn có thêm nguồn cảm hứng:
“Hãy chăm sóc bản thân, lựa chọn các mối quan hệ xã hội một cách cẩn trọng, sống hết mình cho từng khoảnh khắc hiện tại và bạn sẽ nhận ra cuộc sống của bạn chẳng bao giờ cần đến sự cân bằng bởi vì bạn luôn tìm thấy niềm vui, sự trọn vẹn trong mỗi việc bạn làm”.
Chủ động vượt qua khó khăn, nản lòng và tìm kiếm sự giúp đỡ
Có thể xuất hiện nhiều trở ngại và sự cố ngoài mong đợi khiến cho các mục tiêu nghề nghiệp mà bạn đặt ra trở nên xa vời hoặc có cảm tưởng như không thể đạt được.
Chẳng hạn: Sở trường của bạn là kỹ thuật và mục tiêu của bạn là trở thành Technical Architect trong vòng 3 năm tới. Tuy nhiên, việc viết code 8-10 tiếng mỗi ngày cứ liên tục lặp lại khiến bạn mất dần năng lượng, bạn cũng không có tâm trạng để học thêm khóa học hoặc tìm kiếm cơ hội trau dồi khả năng quản lý. Điều này khiến cho chỉ số khả thi của mục tiêu ngày càng sụt giảm. Chính bạn cũng cảm thấy bế tắc, nản lòng và mất niềm tin vào mục tiêu ban đầu.
Những lúc như thế, việc đầu tiên bạn cần làm là hãy giữ cho bản thân bình tĩnh và đừng nghĩ ngợi thêm để tạo áp lực cho bản thân. Cho đến khi bạn thực sự thả lỏng, hãy ngồi lại và nhìn lại về các mục tiêu.
Hãy tự đặt câu hỏi cho chính mình rằng “Mục tiêu đó có thể mang lại danh tiếng tốt và mức lương cao nhưng có khiến bạn cảm thấy ý nghĩa và hạnh phúc? Bạn có sẵn sàng giảm thời gian cho gia đình, bạn bè với quyết tâm chinh phục mục tiêu…”. Nếu bạn không cảm nhận được giá trị mà mục tiêu nghề nghiệp mang lại trong dài hạn thì tình trạng kiệt sức này sẽ còn tái diễn trong tương lai. Vì vậy, hãy chỉ theo đuổi những mục tiêu khiến bạn được truyền cảm hứng mỗi ngày.
Chơi một trò chơi bạn yêu thích, làm một hành động khiến hóc môn endorphin (hóc môn mang lại cảm giác tích cực, hạnh phúc) tăng cao như đọc sách, dọn dẹp nhà cửa… cũng là những cách hữu hiệu giúp bạn vượt qua khó khăn.
Và đừng quên tìm kiếm sự thấu cảm, giúp đỡ từ những người mà bạn tin tưởng vì đôi khi họ có thể giúp bạn “đả thông tư tưởng” và vui vẻ trở lại “đường đua” chỉ bằng một góc nhìn hoặc một câu nói giản đơn mà ở trong tình trạng tiêu cực, bạn vô tình không nhận ra.
Cách xác định chiến lược xây dựng mục tiêu nghề nghiệp phù hợp nhất
Bạn đã biết cách thiết lập mục tiêu, lựa chọn đội nhóm phù hợp và vượt qua những trở ngại về mặt cảm xúc trên con đường chinh phục mục tiêu ở phía bên trên. Vậy thì những chiến lược nào bạn có thể áp dụng để xây dựng mục tiêu nghề nghiệp thông minh nhất và gần nhất với mong muốn của chính mình?
5 chiến lược thuộc 5 phạm trù sau đây sẽ là gợi ý tuyệt vời cho bạn để khởi đầu:
Mục tiêu kỹ thuật
Là định hướng phát triển về chiều sâu các kỹ năng kỹ thuật. Ví dụ: “Tăng tỷ lệ unit test trong dự án X lên 95%”
Mục tiêu vị trí công việc
Nhằm đạt được một vị trí cụ thể hoặc làm việc tại một công ty cụ thể. Ví dụ: “Trở thành Senior Developer ở công ty hiện tại trong X năm”, “Trở thành Data Engineer chính thức tại Amazon”…
Mục tiêu lãnh đạo
Phát triển và khẳng định năng lực lãnh đạo trong tổ chức. Ví dụ: “Giúp đỡ X Developer thăng tiến từ Junior lên Senior trong 3 năm”.
Mục tiêu khởi nghiệp
Phát triển dự án cá nhân hoặc trở thành freelancer. Ví dụ: “Trở thành freelancer developer toàn thời gian trên UpWork”, “Bán được phần mềm đầu tiên do bản thân tự viết”…
Mục tiêu cộng đồng
Mang tính chia sẻ và đóng góp, tăng tần suất xuất hiện trên các cộng đồng liên quan. Ví dụ “Trở thành GitHub Star trước năm 2025”, “Tổ chức buổi meetup cho các Java Developer tại TP.HCM trong tháng 5 năm 2025”…
Cách viết mục tiêu nghề nghiệp trong CV giúp Developer gây ấn tượng
Vậy là bạn đã có mục tiêu nghề nghiệp cho riêng mình, bước tiếp theo chỉ là sao chép vào CV và tìm kiếm một công việc mới?
Không đơn giản như thế đâu.
Để phần Mục tiêu nghề nghiệp trong CV tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng và khiến họ nhận thấy bạn là ứng viên phù hợp bạn cần lưu ý một số điểm như sau:
- Vị trí công việc bạn ứng tuyển cần một người có tư duy ra sao?
- Vị trí này có cần người gắn bó lâu dài hay chỉ theo hình thức hợp đồng ngắn hạn?
- Chân dung và tính cách phù hợp với vị trí công việc này là như thế nào?
- ……………..
Trả lời được những câu hỏi này, bạn sẽ biết phần nào cần điều chỉnh trong Mục tiêu nghề nghiệp để ghi điểm và tăng cơ hội được lựa chọn.
Ví dụ bạn ứng tuyển vào vị trí Senior Developer tại công ty A với quy mô công ty >5000 nhân viên. Nếu phần Mục tiêu nghề nghiệp bạn trình bày là muốn trở thành Project Manager trong 2 năm nữa thì có vẻ CV của bạn sẽ bị loại sớm đấy. Bởi vì một số nguyên nhân sau đây:
- Công ty quy mô lớn thường đi theo hướng chuyên môn hóa, ít cơ hội để bạn phát triển sự nghiệp về chiều ngang, từ kỹ thuật (Senior Developer) sang hướng quản lý (Project Manager)
- Vị trí Senior Developer cần một người có tính cách ổn định, an toàn; trong khi vị trí Project Manager lại cần người quảng giao, sôi nổi và khả năng dự đoán rủi ro nhiều hơn
- Bạn chưa thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn có sẵn sàng gắn bó lâu dài với công ty hay không (kể cả khi không đạt được Mục tiêu nghề nghiệp mà bạn đã trình bày)?
Tham khảo thêm bài viết: Cách viết CV xin việc đơn giản mà chuẩn nhất cho lập trình viên
Mong rằng với bài viết này, bạn có thể tìm thấy hướng đi và xây dựng được các mục tiêu nghề nghiệp phù hợp nhất, giúp mang lại thành công và hạnh phúc trong thời gian gần nhất nhé!
Bạn thấy bài viết hay và cần thiết với nhiều người? Đừng ngại nhấn nút Share bên dưới nhé.
Và đừng quên tham khảo việc làm IT trên ITviec!