Nội dung chính
Làm việc trái ngành là một trong những hiện tượng tương đối phổ biến hiện nay. Nếu những ai đang có ý định nhảy ngành ngay bây giờ mà vẫn còn nhiều băn khoăn, hãy lắng nghe câu chuyện sau đây của bạn Đan Phạm – Product Owner tại ITviec để biết liệu có nên chọn con đường đầy rủi ro này không?
Xuất thân là dân Marketing, bạn Phạm Nguyễn Kim Đan đã chọn làm việc trái ngành, chuyển sang công việc Product Owner sau nhiều năm làm việc trong ngành Marketing. Và đến nay, bạn đã làm Product Owner tại ITviec được 5 năm. Hãy đọc bài viết này để biết:
- Hai câu hỏi cần hỏi trước khi quyết định có nên nhảy ngành hay không
- Cách chuẩn bị tốt nhất trước khi nhảy ngành
Bài viết được thực hiện với thông tin, góc nhìn từ bạn Phạm Nguyễn Kim Đan.
Những câu hỏi cần được trả lời trước khi quyết định làm việc trái ngành
Theo Đan, bạn cho rằng có hai điều cần làm rõ trước khi quyết định làm việc trái ngành:
- Mình có thích làm công việc đó không?
- Mình có khả năng làm công việc đó không?
Từ chính câu chuyện của mình, nhằm để biết rằng mình có phù hợp với công việc trái ngành đó hay không, Đan chọn cách hãy cứ làm thử, vừa làm vừa tìm hiểu thêm.
“Ban đầu, mình không xác định rằng sẽ làm việc trái ngành, chuyển từ Marketing sang CNTT.
Khoảng năm 2015, ITviec gặp một vấn đề về cách người dùng nhận email. Tình cờ, mình được bác Chris Harvey – CEO đương thời của ITviec – chia sẻ vấn đề này, và mình muốn giúp bác tìm hướng giải quyết.
Sau khi giải quyết được vấn đề đó, bác Chris cho mình cơ hội làm thêm những việc nhỏ (task) bên mảng Product và mình thấy mảng công việc này cũng thú vị nên đã đồng ý. Trong khoảng một năm tiếp theo, mình làm song song 2 công việc, vừa Marketing vừa Product. Rồi sau một năm đó, mình chuyển hẳn sang làm Product, và gắn bó với công việc này đến hiện tại.”
– Đan kể về “mối lương duyên” của mình và nghề PO.
Có lẽ câu nói “nghề chọn người” quả đúng trong trường hợp của bạn Đan.
Xác định rõ Thuận lợi – Khó khăn khi làm việc trái ngành
Đồng thời, để hiểu rõ hơn rằng bản thân mình có khả năng làm công việc mình yêu thích hay không, hãy thử xem xét những khó khăn và thuận lợi mà bạn có nếu làm việc trái ngành. Đan bật mí rằng bạn lập một bảng Thuận lợi – Khó khăn dựa trên những kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm mà bạn có thể tận dụng từ ngành Marketing sang ngành CNTT, cụ thể hơn:
Thuận lợi:
- Sở hữu góc nhìn từ một người dùng không chuyên về CNTT nên sản phẩm làm ra thân thiện với người dùng, dễ sử dụng
- Có khả năng thiết kế nên có thể tự vẽ UI
- Có kỹ năng phân tích tốt nên có thể thiết kế và phân tích A/B test plan
- Tiếng Anh tốt nên dễ Google, hay làm việc với những bên thứ 3 cung cấp dịch vụ
Bất lợi:
- Không có nền tảng chuyên môn kỹ thuật nên cảm thấy bị hạn chế trong việc giúp phát triển hệ thống của site
- Thi thoảng sẽ mất thời gian của Developers để giải thích cho mình hiểu những vấn đề đang gặp phải
Nếu xác định không rõ những Thuận lợi và Khó khăn sẽ gặp phải khi làm việc trái ngành, “cơ hội bất ngờ” có thể sẽ biến thành một “viên đạn bọc đường”.
Nhảy ngành không đáng sợ, nhưng sẽ có khó khăn
Việc làm việc trái ngành sẽ không quá đáng sợ sau khi bạn đã làm rõ được 2 đầu việc trên. Tuy nhiên, Đan cũng chia sẻ rằng “Khi làm việc trái ngành, mọi thứ đều sẽ rất mới, và mình phải tốn thời gian học hỏi thêm nhiều thứ, đồng thời cũng phải tập xây dựng tư duy tổng thể” nên hãy chuẩn bị tâm lý để giải quyết nhiều bất lợi sẽ gặp trong giai đoạn đầu khi làm việc trái ngành.
Khoảng thời gian ban đầu, mình gặp khó khăn nhiều vì không biết nhiều thuật ngữ chuyên môn; thành ra, khi gặp vấn đề, việc Google cũng khó ra kết quả chính xác. Ngoài ra, có khi chỉ vì cùng một lý do, một vấn đề đó mà mất nhiều thời gian để trao đổi với Developers hơn.
Để vượt qua khó khăn ban đầu đó, Đan đã chọn cách đi từng bước, từng bước, giải quyết từng cái vấn đề nhỏ nhất (task) được giao, từ chỉnh màu của button, hay fix con bug về canh lề text, v.v…
Đan cũng chia sẻ rằng nếu được, hãy học code để tiết kiệm thời gian. Do công việc Product Owner ở ITviec là vị trí phải làm việc trực tiếp với Developers và Designers để cho ra đời function/ feature mới, hoặc là cải thiện, duy trì những function/ feature hiện tại nên để dễ giao tiếp với Developer hơn cũng như để trình bày ý kiến rõ ràng hơn, việc biết code sẽ là một lợi thế.
Bạn có thể học code với Những khóa học lập trình từ cơ bản đến nâng cao
Tuy nhiên, nhờ vào những khó khăn đó, Đan đã có thể phát triển những kỹ năng từ kỹ năng chuyên môn đến kỹ năng mềm để hoàn thiện hơn với nghề, ví dụ như bạn đã có cơ hội:
- Cải thiện kỹ năng giao tiếp để giao tiếp tốt hơn với Developer bằng ngôn ngữ của Developer.
- Xây dựng mindset, góc nhìn về cái nhìn tổng thể để xem từng module mình làm có ảnh hưởng (impact) thế nào đến những module nào khác, hay khả năng mở rộng của module đó trong tương lai thế nào.
Nếu bạn “lỡ” nản chí khi làm việc trái ngành
Khi gặp nhiều khó khăn khi bước vào một ngành hoàn toàn mới, nếu bạn có đôi lần nản chí, hãy nhớ về hai câu hỏi quan trọng ban đầu để lấy đó làm động lực thúc đẩy bản thân tiếp tục với nghề:
- Mình có thích làm công việc đó không?
- Mình có khả năng làm công việc đó không?
Hãy nhớ về lý do tại sao bạn bắt đầu và tự công nhận những gì bạn đã làm được cho nghề, cho bản thân khi làm việc trái ngành.
Niềm vui lớn nhất của mình là khi thấy sản phẩm của mình giúp ích được cho người dùng: Giúp cả trăm nghìn nhân viên IT tìm được công việc phù hợp.
Nhảy việc đã có nhiều rủi ro, “nhảy ngành” còn có nhiều rủi ro hơn nữa. Tất cả kỹ năng từ kỹ năng cứng đến kỹ năng mềm đều phải được học lại từ đầu, nhất là khi bạn chọn nhảy sang một ngành nghề vô cùng đặc thù như ngành CNTT. Tuy nhiên, với một góc nhìn đúng đắn cũng như phân tích rõ ràng về những được và mất trước khi chọn làm việc trái ngành, nhất định bạn sẽ chọn được hướng đi đúng đắn.