Kiến thức nền tảng, kỹ năng và kinh nghiệm đúng là quan trọng thật, nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả. Vẫn còn những kỹ năng quan trọng khác bạn cần thể hiện trong một buổi phỏng vấn chuyên môn với Technical Manager nếu bạn muốn đậu phỏng vấn. Hãy để CIO chia sẻ với bạn những kinh nghiệm đi phỏng vấn IT quan trọng.
Nếu bạn đã phỏng vấn đủ nhiều, chắc hẳn bạn sẽ biết một buổi phỏng vấn chuyên môn với Technical Manager sẽ diễn ra thế nào, nhưng bạn đã có cái nhìn toàn cảnh về những việc bạn cần làm trong buổi phỏng vấn hay Technical Manager cần bạn thể hiện như thế nào chưa?
Hoặc nếu đây là lần đầu bạn trải qua một buổi phỏng vấn với Technical Manager – người có tiềm năng trở thành sếp tương lai của bạn, bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải quyết được những câu hỏi về:
- Chuẩn bị như thế nào trước buổi phỏng vấn chuyên môn?
- Các tiêu chí/kỹ năng quan trọng mà Technical Manager dùng để đánh giá ứng viên?
- Ứng viên nên thương lượng thu nhập như thế nào với Technical Manager?
Bài viết được thực hiện dưới góc nhìn và những chia sẻ từ anh Nguyễn Trọng Tùng – Former CIO Hữu Toàn Group và nhiều vị trí Quản Lý IT Cấp Cao khác, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành IT và đã tham gia hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn, buổi phỏng vấn chuyên môn ở cả vị trí ứng viên và nhà tuyển dụng.
Phần 1: Ứng viên cần chuẩn bị như thế nào trước buổi phỏng vấn với Technical Manager?
ITviec: Trước khi đến với buổi phỏng vấn chuyên môn, anh có thể chia sẻ những yếu tố mà ứng viên nên xác định trước khi đi phỏng vấn? Mục tiêu có được công việc hay học hỏi kinh nghiệm từ buổi phỏng vấn quan trọng hơn?
Nói đến vấn đề xác định, hầu hết, tôi thấy các bạn IT hiện nay còn mông lung, chưa xác định được mục tiêu công việc và con đường sự nghiệp.
Nguyên nhân chủ yếu có thể là do bắt nguồn từ công ty đầu tiên mà các bạn làm. Công ty đầu tiên thường ảnh hưởng đến các bạn rất nhiều.
Khi tham gia một công ty đủ lâu, văn hoá và cách làm của công ty đó sẽ trở thành nền tảng, thói quen của các bạn. Do vậy nếu tham gia vào các công ty không có định hướng, các bạn sau này rất dễ lạc lối, hoặc phải mất nhiều năm sau mới nhìn ra được chỗ lạc lối đó. Hậu quả là khi làm ở những môi trường như vậy, bạn sẽ bị phụ thuộc vào họ vì khi buông họ ra, bạn không biết nên đi đâu, làm gì tiếp theo.
Chính vì thế, tôi khuyên rằng các bạn không nên phụ thuộc vào công ty mà hãy phụ thuộc vào mục tiêu con đường sự nghiệp của bạn. Hãy xác định mỗi bước trên con đường sự nghiệp của các bạn cần những bộ kỹ năng gì, học hỏi như thế nào và học ở đâu. Từ đó, phát triển lên dần, và lựa chọn công ty phù hợp với mục tiêu đó.
Có 3 giá trị mà một ứng viên đang tìm việc nên quan tâm:
1. Môi trường – Là nơi bạn có thể sống được để mà làm việc và phát triển, học hỏi. Hãy tưởng tượng như ta là cá vậy, nếu bỏ cá vào nước nhiễm độc thì con cá đó sẽ chết trước khi phát triển được. Nước độc thì con cá sẽ chết. Hoặc mấy con cá trong đó không thể dung nạp bạn thì cũng không đành.
2. Cơ hội – Nhưng khi dù nước trong, đồ ăn đầy đủ, được chăm sóc mỗi ngày con cá sẽ béo tốt, nhưng lâu dần cũng thành cá kiểng không lớn mạnh được. Cá cần sóng. Cơ hội chính là sóng, có sóng mới có cá mập, có sóng mới có thách thức để trưởng thành. Và vượt sóng mới thành công.
Con cá dù có mập đến đâu nhưng bể cá nhỏ thì con cá cũng không phát triển được. Nên với một chút, chọn “kèo” trên, không nên chỉ chọn “kèo” dưới an toàn, không thử thách bản thân và nhổ giò được.
3. Thu nhập – Có những bạn tập trung vào lương từ công ty, “tiền tươi”, nhưng cũng có bạn nhìn được thu nhập. Thu nhập ở đây không phải chỉ là tiền lương, mà là giá trị nền tảng sinh ra từ Môi trường và Cơ hội ở trên, chuyển hóa thành giá trị Thu nhập cho hiện tại và tương lai ít nhất 3-5 năm sau.
Với tôi môi trường tốt và có nhiều cơ hội sẽ dẫn đến thu nhập trong tương lai. Hãy chọn làm những công ty có thể cho bạn cả 3 giá trị trên, chỉ ra được đường hướng sự nghiệp rõ ràng cho các bạn thì các bạn mới có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhờ vậy, nhân tài mới được dùng đúng chỗ, đúng việc, không bị lãng phí.
ITviec: Quy trình phỏng vấn chuyên môn sẽ diễn ra như thế nào?
Quy trình phỏng vấn chuyên môn sẽ tùy vào từng level của ứng viên:
- Đối với Fresher/Junior: Làm kiểm tra loại tập trung trước, khoảng 30 đến 45 phút tối đa. Nếu đạt thì sẽ đến một vòng phỏng vấn chuyên môn trực tiếp với Technical Manager.
- Đối với Experienced/Semi-Senior/Senior/Lead: Thông thường chỉ cần một vòng phỏng vấn trực tiếp với Technical Manager, cũng khoảng 45 phút tối đa, lâu quá nói dông dài. Ứng viên sẽ được kiểm tra bằng chính những yêu cầu hiện tại công ty đang cần thực thi, và các vấn đề kỹ thuật (giả định hoặc thực tế) trong những mảng họ chọn và phù hợp với công ty.
- Đối với vị trí Product Owner hoặc Business Analysis: Thông thường sẽ tối đa 2 vòng phỏng vấn chuyên môn. Ứng viên thường sẽ được yêu cầu trình bày về giải pháp, cách làm sau bài phỏng vấn đầu tiên.
Ngoài ra, tôi không có lời khuyên về quy trình sau phỏng vấn. Tôi tin rằng một người chuyên nghiệp là phải chuyên nghiệp trong quá trình làm việc rồi nên hãy cứ thể hiện tốt nhất trong quá trình phỏng vấn.
Còn việc viết thư cảm ơn lại mang tính thủ tục, mang tính “con người” hơn thì sẽ phù hợp khi các bạn phỏng vấn với HR. Technical Manager thường chỉ quan tâm đến chuyên môn của ứng viên.
Kết quả phỏng vấn sẽ có sau buổi phỏng vấn không quá 1 tuần. Thậm chí là ngay trong buổi phỏng vấn thì nhà tuyển dụng đã có kết quả rồi.
ITviec: Ứng viên nên chuẩn bị tâm lý như thế nào khi chuẩn bị tham gia phỏng vấn chuyên môn với Technical Manager?
Trước hết, các bạn nên hiểu rằng các bạn không phải đi xin việc mà là đang đi trao đổi về công việc.
Tôi muốn làm rõ rằng câu chuyện ở đây không phải là mình cố gắng xin cho được việc mà là giữa hai bên phải có sự trao đổi. Với những ứng viên biết rõ bản thân họ cũng như biết rõ về công việc, nếu trong trường hợp phỏng vấn thất bại thì họ cũng sẽ biết là không phải là họ dở mà là không phù hợp với công ty thôi.
Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp ứng viên đi “phỏng vấn thử”. Có nghĩa rằng ứng viên biết rằng họ không trúng tuyển được vào vị trí ấy nhưng họ vẫn đi phỏng vấn để biết được là công việc đó, vị trí đó cần những yêu cầu gì hay công ty đó như thế nào.
Tôi cũng đã từng đi phỏng vấn 20 công ty khác nhau cho cùng 1 vị trí để tôi hiểu được một cách toàn diện hơn về vị trí đó. Từ đó, với lần “phỏng vấn thật” tiếp theo, mình hoàn toàn có thể dẫn dắt được buổi phỏng vấn, chứ không còn ở tâm thế “đi xin” như ở trên nữa.
ITviec: Vì sao ứng viên nhất định phải tìm hiểu về công ty trước khi tham gia phỏng vấn?
Tôi đã từng nghe một vài ứng viên chia sẻ là “Em nghe bạn em nói công ty tốt, bạn em thích công ty nên em muốn ứng tuyển vào đây”. Tìm hiểu thông tin qua các mối quan hệ xung quanh là việc dễ hiểu, và cũng nên làm. Tuy nhiên, đó không nên chỉ là lý do duy nhất để ứng tuyển vào một công ty. Bạn em thích nhưng nếu em không thích thì sao, em không phù hợp thì như thế nào?
Chính vì thế, bạn cần phải hiểu rõ công việc muốn ứng tuyển là công việc như thế nào, đọc kỹ JD vị trí đó xem họ yêu cầu những gì; công ty đó là công ty như thế nào, làm trong lĩnh vực gì, hoạt động ra sao,…
Nếu bạn chưa thể tìm hiểu hoàn toàn đầy đủ về những gì muốn biết, cũng đừng lo lắng, bạn có thể hỏi lại công ty trong buổi phỏng vấn. Phải chuẩn bị trước những điều các bạn nên hỏi công ty. Những vấn đề các bạn ứng viên nên hỏi:
- Môi trường làm việc như thế nào, đặc biệt sau khi “chuyển đổi” hậu COVID-19 như thế này.
- Lộ trình công việc, cơ hội thăng tiến: Làm xong dự án thì sao, Làm sao để thăng tiến.
- Tổng thu nhập là gì, không chỉ là về lương. Tôi sẽ chia sẻ về vấn đề này kỹ hơn ở phần tiếp theo trong bài viết.
Với những ứng viên đã có sự chuẩn bị kiến thức, kết hợp với sự chuẩn bị tâm lý đã nêu trên, thì họ sẽ rất thoải mái và buổi phỏng vấn diễn ra rất nhanh. Họ nêu rõ được kiến thức của họ về công ty. Họ biết được công ty cần người như thế nào và đồng thời, họ có những câu hỏi dành cho công ty để làm rõ những thắc mắc cụ thể từ phía họ. Những ứng viên như vậy hoàn toàn có thể chuyển từ một buổi công ty phỏng vấn bạn thành bạn phỏng vấn công ty.
ITviec: Nhà tuyển dụng quan tâm đến những thông tin gì trên CV ứng viên?
Technical Manager chỉ quan tâm đến những thông tin thiết yếu này trên CV:
- Bạn muốn làm gì?
- Bạn sở hữu những kỹ năng nào?
- Kinh nghiệm làm việc như thế nào?
Nếu bạn chưa thể hiện được 3 yếu tố trên một cách rõ nét trên CV, VD tôi kinh nghiệm làm Java mà ghi là tôi cũng làm cả .NET và nhiều thứ khác nữa thì với kinh nghiệm đi phỏng vấn IT thông thường, khả năng Technical Manager sẽ phải “điều tra” bạn là rất cao. Và trong lần đầu tiên phỏng vấn, họ sẽ áp dụng các câu hỏi để lọc bớt những điều “râu ria” trong CV của bạn, thay vì bắt đầu ngay tìm hiểu bạn có thể làm gì, và những điều đó có phù hợp với vị trí đang tuyển hay không.
Chính vì thế, tôi khuyên rằng bạn hãy thành thật và đồng nhất trong CV của mình. Nếu có những điều các bạn chỉ ghi “đại” cho có thôi thì khi bị hỏi kỹ và các bạn không trả lời được thì sẽ chỉ làm xấu hình ảnh của các bạn mà thôi.
Ngoài ra, hiện nay, tôi thấy CV của các bạn giống như một văn bản báo cáo chuyên môn nhiều hơn là thể hiện về “con người” của bạn. Riêng tôi, với những vị trí cấp cao hơn, từ Senior trở lên, tôi sẽ quan tâm đến những mối quan tâm, kỹ năng cộng đồng, sở thích của họ để mình xem xét họ có khả năng mở rộng và phối hợp trong các dự án, các bài toán khó cần hợp lực của nhiều người. Từ đó, tôi có thể ghi chú cho HR và Ban Giám Đốc để có lộ trình phát triển vòng tròn kết nối cho họ với những người khác một cách tự nhiên.
Tốt nhất, luôn nhớ rằng, bạn nên thống nhất con người và kinh nghiệm của bạn trên CV cho đến phỏng vấn. Nhờ vậy, các Technical Manager mới hiểu được bạn và đảm bảo được rằng bạn phù hợp với công ty và công ty cũng có khả năng phát triển bạn theo hướng bạn muốn.
Ứng tuyển ngay việc làm Developer chất trên ITviec
Phần 2: Kinh nghiệm đi phỏng vấn IT – Làm thế nào để trở thành một ứng viên đáng nhớ?
ITviec: Theo kinh nghiệm đi phỏng vấn IT của anh, nhà tuyển dụng quan tâm kỹ năng nào nhất ở ứng viên trong một buổi phỏng vấn chuyên môn?
Trước hết, các bạn cần hiểu rằng nhà tuyển dụng đưa ra bài kiểm tra chuyên môn để làm gì. Bài kiểm tra chuyên môn được dùng để xác định được kiến thức và kỹ năng của ứng viên, bao gồm:
- Kiến thức nền tảng
- Kinh nghiệm, chia ra làm 3 cấp độ: Cần phải có hướng dẫn mới làm được – Tự làm được nhưng cần review – Tự đưa hướng tiếp cận và hướng giải quyết. Tùy vào level bạn ứng tuyển mà nhà tuyển dụng sẽ có kỳ vọng cấp độ khác nhau.
- Kỹ năng: Kỹ năng đọc hiểu yêu cầu; Kỹ năng phân tích; Kỹ năng đưa ra giải pháp; Kỹ năng tổ chức; Kỹ năng giao tiếp .
Riêng hai kỹ năng cuối là Kỹ năng tổ chức và Kỹ năng giao tiếp thì các bạn ứng tuyển vị trí Junior chưa cần quan trọng, mà các ứng viên cho vị trí Lead trở lên nên chú ý. Đây là hai kỹ năng vô cùng quan trọng mà dân IT mình thường bỏ qua.
ITviec: Nếu ứng viên hỏi lại Technical Manager để làm rõ câu hỏi thì có bị đánh giá yếu về chuyên môn không?
Tôi rất thích những ứng viên hỏi lại: “Em đang muốn đi theo hướng tiếp cận này, anh thấy như thế nào?”. Các bạn nên hỏi lại về cách bạn dùng để giải quyết vấn đề. Những bạn nào hỏi được câu đó thì chắc là tôi cho vào giỏ “đậu” luôn, còn mua hay chưa chưa biết (cười).
Khi nhận một câu hỏi chuyên môn, theo kinh nghiệm đi phỏng vấn IT của tôi, bạn cần biết rõ yêu cầu của đề bài là gì và tiêu chí chấm đúng/sai của Technical Manager như thế nào bằng cách hỏi lại người ra đề.
Có những nhà tuyển dụng chỉ quan tâm đến kết quả. Có những nhà tuyển dụng quan tâm đến “hành trình” bạn đạt được kết quả đó như thế nào vì có nhiều đề bài chỉ mang tính giả định nên chưa thể kiểm chứng kết quả liền được. Chính vì thế, làm rõ tiêu chí chấm điểm của nhà tuyển dụng rất quan trọng.
ITviec: Với kinh nghiệm đi phỏng vấn IT từ bản thân, theo anh, ứng viên có được sử dụng điện thoại hay máy tính để tra cứu thông tin khi làm bài kiểm tra chuyên môn không?
Trong những buổi kiểm tra chuyên môn, thông thường, các bạn đều được sử dụng máy tính, điện thoại nhưng nhiều bạn lại không tận dụng. Các bạn sợ rằng như vậy thì nhà tuyển dụng sẽ cho rằng các bạn yếu chuyên môn. Tuy nhiên, một kỹ năng quan trọng khác của một lập trình viên chính là Research – kỹ năng nghiên cứu, tìm kiếm thông tin.
Theo tôi, khả năng giao tiếp và khả năng tìm kiếm thông tin có mối liên kết với nhau. Thường nếu bạn giao tiếp kém, bạn sẽ nghiên cứu kém. Chính vì thế, tôi khuyên các bạn hãy cứ mạnh dạn sử dụng nếu như được quyền sử dụng và trình bày lại những bước bạn dùng để nghiên cứu vấn đề.
ITviec: Technical Manager có quan tâm đến kỹ năng mềm của ứng viên không?
Technical Manager cũng quan trọng kỹ năng mềm của ứng viên để xác định xem ứng viên có phù hợp với vị trí đó hay không. Tuy nhiên, ở mỗi level, kỹ năng mềm sẽ có mức độ quan trọng khác nhau.
Đơn giản là vì đối với những level từ Senior trở xuống, họ thường muốn tập trung phát triển kỹ năng bản thân, khi đó, kiến thức và kỹ năng liên quan chuyên môn sẽ đóng vai trò trọng yếu. Technical Manager cũng sẽ đánh giá họ chủ yếu dựa trên chuyên môn mà thôi. Còn về phần “con người” bạn như thế nào thì HR sẽ có cách tiếp cận tốt hơn.
Tuy nhiên, đối với những vị trí Team Lead trở lên thì câu chuyện sẽ khác. Team Lead họ không làm việc một mình, họ quản lý cả nhóm. Chính vì thế, họ cần tập trung phát triển kỹ năng cả nhóm do họ quản lý. Lúc này, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, quản lý vô cùng quan trọng. Ví dụ, khi “chấm điểm” một bạn ứng tuyển vị trí Lead, Manager thì tôi sẽ chia ra:
- Điểm chuyên môn chiếm 60% tổng số điểm cuối cùng
- Điểm về các kỹ năng khác chiếm 40%
ITviec: Technical Manager kiểm tra kỹ năng mềm của ứng viên như thế nào?
Để kiểm tra kỹ năng mềm của những vị trí từ Team Lead trở lên, tôi sẽ đưa tình huống cụ thể và họ sẽ đưa ra cách tiếp cận. Ở đây, theo kinh nghiệm đi phỏng vấn IT của tôi thì một điều các bạn cần chú ý là hướng tiếp cận sẽ khác với cách giải quyết. Hướng tiếp cận chú trọng vào nguyên tắc (principles), phương pháp luận (methodology) của một người. Cách giải quyết lại liên quan đến kỹ năng nhiều hơn.
Theo tôi, nếu một người có nguyên tắc và phương pháp luận cụ thể cho mọi vấn đề, thì họ sẽ giải quyết vấn đề một cách thấu tình đạt lý và không phải trăn trở trước sau. Còn về việc họ có sở hữu/kinh nghiệm, những bộ kỹ năng để giải quyết vấn đề đó hay không sẽ tính đến sau.
Đối với những ai chỉ có kinh nghiệm mà thiếu phương pháp thì cách họ xử lý vấn đề chủ yếu mang tính cảm tính và kinh nghiệm từ “ông bà” (VD trước đây tôi gặp tình huống này rồi tôi làm như này thấy ổn, giờ ở hoàn cảnh khác tôi làm như thế chắc cũng ổn). Rất lan man, không theo một hệ thống giá trị nào cụ thể. Nếu vậy thì trong trường hợp mình đổi đề bài hoặc hỏi xoáy, họ sẽ khá lúng túng mất cân bằng, luôn chao đảo hay là làm thế này, hay thế kia.
Nghe thì hoành tráng thế chứ phương pháp (nguyên tắc và lý luận) thì sẽ học được, quan trọng là các bạn có quan tâm đến việc phát triển theo hướng đó hay không, hay các bạn chỉ quan tâm đến kỹ năng chuyên môn cá nhân thôi.
Ứng tuyển ngay việc làm Developer tại TP.HCM với ITviec
Phần 3: Kinh nghiệm đi phỏng vấn IT – Cách thương lượng thu nhập với Technical Manager
ITviec: Anh có thể chia sẻ với ứng viên cách thương lượng thu nhập với Technical Manager?
Đối với tôi, thu nhập sẽ luôn bao gồm: C+B (Compensation + Benefits). Khi tôi thiết kế hay làm chiến lược tuyển dụng Technical cho các công ty, tập đoàn tôi luôn đảm bảo 2 yếu tố này.
Trong đó, C là Compensation – Lương.
Mọi vị trí đều có quỹ lương và thang lương cụ thể. Chính vì thế, cũng rất khó để cho nhà tuyển dụng có thể phá “mức trần” mà doanh nghiệp đưa ra cho vị trí đó. Nhưng ngược lại, họ sẽ dựa vào “mức sàn” của ứng viên để thương lượng về lương để đảm bảo rằng ứng viên vẫn có thể sống được với công việc này.
Tôi thường hỏi ứng viên rằng “Bạn mong muốn mức lương như thế nào?”. Khi nhận được mức kỳ vọng của bạn, nếu trong trường hợp hiện mức đó cao hơn quỹ lương hiện tại, tôi sẽ tính xem là khoảng bao lâu theo lộ trình thì bạn sẽ nhận được mức lương kỳ vọng.
Tuy nhiên, nếu trong thời gian nêu trên mà bạn vẫn không nhận được mức lương đó, bạn nên xem xét mình nhận được gì về những lợi ích khác, nhận được gì từ môi trường để bù lại.
Đó chính là yếu tố thứ hai mà bạn có thể thương lượng: B là Benefits – Gói lợi ích.
Các bạn thường không trao đổi về những lợi ích khác (khóa học, tiền OT, bảo hiểm,…) mà chỉ quan tâm đến lương. Như vậy sẽ rất phí vì đó cũng là những “Lợi ích đầu tư” mà công ty dành cho bạn, nghiêng về phần ổn định tâm lý để bạn có thể yên tâm làm việc và tạo ra giá trị chứ không phải ngay trước mắt như là “tiền tươi thóc thật”.
Lợi ích ở đây còn có thể là “Lợi ích vô hình” như là danh tiếng của công ty, học hỏi trực tiếp từ những người giỏi và mang tầm quốc tế trong công ty, hay kết nối với những đồng nghiệp đa dạng trong công ty, cách công ty giúp bạn xác định con đường sự nghiệp rõ ràng hơn tại công ty và sau công ty.
Kinh nghiệm đi phỏng vấn IT cần nhớ: Khi thương lượng lợi ích, hãy chú ý tới một trong những “Lợi ích đầu tư” và “Lợi ích vô hình” rất tốt mà ít ai để ý – Học tập (Learning) và Tuyển dụng nội bộ (Internal Recruitment). Rất hiếm công ty nào cho học nhiều từ kỹ năng chuyên môn đến tiếng Anh mà một năm nhiều khóa. Còn khi tuyển dụng và luân chuyển nội bộ (chuyển qua nhiều vị trí, phòng ban mà bạn hứng thú) thì bạn có thể tích lũy thêm kỹ năng làm việc.
ITviec: Ứng viên nên dựa vào tiêu chí nào để đưa ra mức lương với nhà tuyển dụng?
Một câu tôi muốn nhấn mạnh rằng “Giá trị mình nhận được phải là do Giá trị mình tạo ra”. Nếu các bạn có thể tạo ra giá trị cao, chắc chắn bạn sẽ nhận được giá trị cao.
Một ví dụ đơn giản rằng mọi người thường so sánh mức lương ở thị trường Việt Nam và mức ở thị trường Singapore chênh lệch nhau rất nhiều, gây ra tâm lý so sánh. Nhưng nếu các bạn nhìn vào quy mô, mức độ cống hiến thì bạn sẽ thấy sự chênh lệch cũng lớn cỡ đó, có khi còn hơn. Những vị trí toàn cầu đòi hỏi những nhóm kỹ năng rất khác với vị trí mà chỉ làm ở thị trường Việt Nam.
Theo nhiều năm kinh nghiệm trong việc tuyển dụng, tôi nhận thấy Junior thường sẽ có mức lương dưới 10 triệu, ngoại trừ nếu bạn làm ở startup. Những năm đầu đời, các bạn rất cần trải nghiệm để thăng tiến nhanh sau này nên các bạn thường phải hy sinh C để nhận được B.
Ứng tuyển ngay việc làm Developer tại Hà Nội với ITviec
Tuy nhiên, hiện nay, tôi nhận thấy có hai vấn đề lớn ảnh hưởng đến mức lương trên thị trường:
Thứ nhất là các startup đang phá giá thị trường. Mức lương đề xuất ở các startup đưa ra rất hấp dẫn, nhưng đi kèm đó là những mối nguy cơ cao như doanh nghiệp có thể thất bại bất kỳ lúc nào, nhân viên cũng không học được nhiều vì vào startup thì xác định là chỉ có làm và làm thôi. Như vậy, tốc độ phát triển của họ sẽ chậm hơn những ai được đào tạo bài bản bởi công ty.
Điều thứ hai là xuất hiện nhiều những vị trí “nghe oai” nhưng năng lực chưa tương xứng. Tôi ví dụ rằng khi bạn làm ở doanh nghiệp quy mô nhỏ thì khả năng thăng tiến nhanh, trong 2-3 năm đã có thể lên CTO nhưng khả năng của bạn lại chưa thể đáp ứng vị trí đó ở một công ty có quy mô lớn hơn. Ấy vậy mà các bạn lại mong muốn có một mức lương cao với chức danh “CTO” của mình trong khi năng lực lại không có.
ITviec: Cảm ơn anh Trọng Tùng đã giải đáp mọi thắc mắc mà một ứng viên đang “chật vật” trước khi tham gia một buổi phỏng vấn chuyên môn với Technical Manager.
Phỏng vấn chuyên môn có thể sẽ khiến bạn lo lắng, bồn chồn nhưng không bài toán khó nào là không có lời giải. Và những kinh nghiệm đi phỏng vấn IT mà ITviec mang đến cho bạn hoàn toàn không phải là những lý thuyết suông được “lôi” ra từ trong sách giáo khoa và bạn cũng khó có tìm thấy những lời khuyên này ở bất kỳ đâu khác ngoài từ chính người thật, việc thật trong ngành IT.
Xem thêm: Trọn bộ “bí quyết” chinh phục HR Manager – Kinh nghiệm đi phỏng vấn dành cho dân IT
Tham khảo: Cẩm nang giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh dành cho Developer “chất”
Ngoài ra, để giúp ứng viên có thể “bẻ khóa” những chi tiết ẩn trong một buổi phỏng vấn chuyên môn hoặc các cách làm sao để thiết lập phương pháp lý luận (methodology) và nguyên tắc (principles), ITviec đã và đang thực hiện phỏng vấn với những Technical Manager có nhiều năm kinh nghiệm. Nhờ vào những chia sẻ thật lòng của họ, ITviec tin rằng bạn hoàn toàn có thể bước vào buổi phỏng vấn tiếp theo với tâm thế tự tin, sẵn sàng.
Chúc bạn sẽ thành công trong buổi phỏng vấn chuyên môn với Technical Manager tiếp theo!
Thông tin chuyên gia
Anh Nguyễn Trọng Tùng có 10 năm kinh nghiệm làm cho công ty công nghệ trong nước và nước ngoài: Fast, Dicentral với các vai trò: Lập trình, R&D, PM, ERP Consultant. Từ năm 2012 đến nay, anh chuyển sang làm quản lý mảng công nghệ cho các công ty trong và ngoài nước với các vai trò: IT Manager tại Anh Ngữ Á Châu (ACE), CIO của Hữu Toàn Group và Corporate IT Manager của Wilmar CLV.
Anh cũng là một trong những thành viên chương trình CIO Coaching giúp huấn luyện các bạn IT có tiềm năng phát triển lên thành các lãnh đạo công nghệ thông tin trong tương lai.
Ngoài ra anh hỗ trợ các công ty tìm kiếm ứng viên phù hợp cũng như hỗ trợ tư vấn cho các bạn IT xây dựng định hướng nghề nghiệp cũng như tìm kiếm môi trường phù hợp để phát triển.