Nội dung chính
Trong bối cảnh thế giới dữ liệu ngày càng phát triển mạnh mẽ, kỹ năng về NoSQL không chỉ mở ra cánh cửa cho các cơ hội nghề nghiệp mới mà còn giúp cá nhân và tổ chức tận dụng tối đa dữ liệu của mình. Chính vì thế, học NoSQL trở thành một trong những nguồn “đầu tư” vào bản thân tốt nhất hiện nay.
Bài viết này cung cấp:
- Các bước học SQL hiệu quả
- Các khóa học và tài liệu học NoSQL tốt nhất
- Top 9 cơ sở dữ liệu NoSQL để bắt đầu tìm hiểu
NoSQL là gì?
NoSQL là một thuật ngữ chung được sử dụng để mô tả các hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu không sử dụng ngôn ngữ truy vấn theo cấu trúc như SQL (Structured Query Language), mà thay vào đó sử dụng các mô hình lưu trữ dữ liệu phi cấu trúc. Tên gọi “NoSQL” có thể hiểu là “Not Only SQL”.
NoSQL thường được thiết kế để xử lý các dạng dữ liệu lớn, phức tạp và thường xuyên thay đổi nhanh chóng. Các loại cơ sở dữ liệu NoSQL thường bao gồm:
- Cơ sở dữ liệu Document
- Cơ sở dữ liệu Key-value
- Cơ sở dữ liệu Graph
- Cơ sở dữ liệu Column Family
Để tìm hiểu chi tiết về từng loại cơ sở dữ liệu NoSQL, xem thêm bài viết: Các loại cơ sở dữ liệu NoSQL
Một ví dụ về ứng dụng của NoSQL là được sử dụng bởi các trang web thương mại điện tử. Thay vì sử dụng cơ sở dữ liệu quan hệ thì có thể lưu trữ thông tin về sản phẩm trong các document.
Ví dụ, một document có thể chứa thông tin về một chiếc điện thoại di động, bao gồm kích thước màn hình, thương hiệu, màu sắc và nhiều thông số khác, và mỗi documents về những chiếc điện thoại khác nhau có thể khác nhau. Điều này giúp tăng tính linh hoạt và quản lý thông tin hiệu quả hơn, mà không cần phải truy cập vào nhiều bảng riêng lẻ như trong cơ sở dữ liệu quan hệ.
Tại sao nên học NoSQL?
Học NoSQL mang lại nhiều lợi ích như:
- Nhu cầu việc làm cao: Sự phát triển của lĩnh vực NoSQL đang tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới. Các vị trí như DevOps engineer, lead software developer, và data analyst thường yêu cầu kiến thức về NoSQL.
- Giúp mở rộng ứng dụng: NoSQL cho phép xử lý lượng lớn dữ liệu phi cấu trúc, giúp ứng dụng của bạn dễ dàng mở rộng và đáp ứng tốt với sự tăng trưởng người dùng.
- Tương lai của dữ liệu lớn: NoSQL thường được sử dụng cho dữ liệu lớn, vì vậy. Với việc dữ liệu lớn ngày càng trở nên quan trọng, việc hiểu và sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu NoSQL là kỹ năng cần thiết cho nhiều lĩnh vực, từ phân tích dữ liệu đến phát triển ứng dụng.
- Hỗ trợ phát triển nghề nghiệp: Hiểu biết về NoSQL giúp bạn lựa chọn công nghệ phù hợp cho dự án, đảm bảo ứng dụng có thể mở rộng và duy trì hiệu suất cao ngay cả khi lượng người dùng tăng vọt.
Tóm lại, học NoSQL không chỉ mở ra cơ hội nghề nghiệp mới mà còn giúp bạn đạt được hiệu quả tối ưu trong quá trình phát triển và bảo trì ứng dụng, đặc biệt là trong môi trường dữ liệu lớn và phức tạp.
Các bước để học NoSQL
Học một công nghệ mới như NoSQL đòi hỏi sự linh hoạt và kiên nhẫn. Tuy sự phong phú của nguồn tài liệu học NoSQL hiện nay giúp quá trình này trở nên dễ dàng hơn, điều quan trọng là phải xác định phương pháp học phù hợp với bản thân, bạn có thể tham khảo các bước sau:
- Chọn loại cơ sở dữ liệu NoSQL để học: Vì NoSQL có đa dạng các loại cơ sở dữ liệu nên đầu tiên hãy chọn ra một loại để học. Hãy xem xét dựa trên các yếu tố như loại cơ sở dữ liệu nào bạn quan tâm nhất (Dọcument, Key-value, Graph, Column family), loại nào phù hợp với dự án hay loại nào được các công ty sử dụng. Khảo sát từ các nguồn uy tín như Stack Overflow có thể giúp bạn nắm bắt xu hướng và đưa ra quyết định phù hợp.
- Nắm vững kiến thức cơ bản: Trước khi lao vào thực hành, việc dành thời gian để hiểu rõ về cơ sở dữ liệu bạn chọn là bước không thể bỏ qua. Tài liệu hướng dẫn chính thức, sách, hoặc khóa học sẽ là nguồn kiến thức quý giá để bạn xây dựng nền móng vững chắc.
- Tải về và cài đặt: Khi đã sẵn sàng với kiến thức cơ bản, hãy bắt đầu bằng việc tải về và cài đặt cơ sở dữ liệu NoSQL mà bạn quan tâm. Ví dụ, MongoDB có thể được tải về từ trang web chính thức, kèm theo hướng dẫn cụ thể để bạn bắt đầu.
- Thực hành và áp dụng: Bước tiếp theo là áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, qua việc đọc sách chuyên sâu hơn, tham gia các khóa học nâng cao hoặc thực hiện dự án cá nhân. Chỉ bằng cách thực hành bạn mới có thể nâng cao kỹ năng và hiểu biết về NoSQL.
Top các khóa học NoSQL tốt nhất
Dưới đây là danh sách các khóa học NoSQL tốt nhất, được phân loại từ cơ bản đến nâng cao, phù hợp cho mọi nhu cầu từ người mới bắt đầu đến đã có kiến thức nền tảng.
Cơ bản
- Udemy: NoSQL Databases for Beginners – Khái niệm và thực hành NoSQL cơ bản.
- LinkedIn: Learning NoSQL Databases – Tổng quan về NoSQL, bao gồm lợi ích, nhược điểm và các lựa chọn thay thế khi sử dụng NoSQL.
- Coursera: Introduction to NoSQL Databases – Kiến thức về bốn loại cơ sở dữ liệu NoSQL chính, cùng các bài tập thực hành cơ bản với MongoDB và Cassandra.
- DataCamp: NoSQL Concepts Course – Giới thiệu về NoSQL và các công cụ như MongoDB, Redis, Apache Cassandra và Neo4j.
- Udemy: NoSQL: Neo4j and Cypher (Part: 1-Beginners) – Tập trung vào cơ sở dữ liệu Graph và công cụ Neo4j.
- Real-World App With ASP.NET CORE 3.1 MVC And MongoDB (NoSQL) – Kết hợp giữa MongoDB và ASP.NET cho người mới bắt đầu.
- Pluralsight: Understanding NoSQL – Tổng quan về NoSQL.
Nâng cao
- Udemy: Learn MongoDB – Leading NoSQL Database from scratch – Từ cơ bản đến nâng cao với MongoDB và Neo4j.
- DynamoDB Deep Dive: NoSQL for Software Engineers – Hướng dẫn từ cơ bản đến nâng cao về DynamoDB.
- Edureka: Apache Cassandra Certification Training – Chuyên sâu về Cassandra và big data.
- Coursera: NoSQL systems – Chuyên sâu về NoSQL và MongoDB, Neo4j, SAPIQ, Cassandra.
- Udemy: SQL, NoSQL, Big Data and Hadoop – Khám phá tổng quan về SQL, NoSQL, Big Data và Hadoop.
- Udemy: Learn NoSQL Databases – MongoDB Bootcamp – Bootcamp MongoDB từ cơ bản đến nâng cao.
- Tutorialspoint: IBM Cloudant – NoSQL Database – Tìm hiểu về Cloudant, dịch vụ NoSQL của IBM.
Top các cuốn sách học NoSQL tốt nhất
Sams Teach Yourself: NoSQL with MongoDB in 24 Hours của Brad Dayley
- MongoDB là cơ sở dữ liệu NoSQL phổ biến nhất, và cuốn sách này cung cấp 24 bài học, mỗi bài học kéo dài trong khoảng 1 giờ.
- Học cách sử dụng MongoDB và cơ sở dữ liệu quan hệ, lưu trữ và tương tác dữ liệu với Java, PHP, Python, và Node.js/Mongoose.
NoSQL for Dummies của Adam Fowler
- Cuốn sách này giúp độc giả hiểu về cơ sở dữ liệu NoSQL và phân biệt giữa các loại khác nhau.
- Hướng dẫn cách sử dụng cơ sở dữ liệu NoSQL cho nhiều dự án và cung cấp ví dụ thực tế về ứng dụng của chúng.
Seven NoSQL Databases in a Week của Aaron Ploetz
- Hướng dẫn cho người mới bắt đầu làm quen với bảy cơ sở dữ liệu NoSQL phổ biến nhất.
- Tìm hiểu về ưu điểm và ứng dụng của mỗi cơ sở dữ liệu NoSQL, sự mở rộng của MongoDB và lợi ích của việc sử dụng InfluxDB cho dữ liệu chuỗi thời gian.
Next Generation Databases: NoSQL and Big Data của Guy Harrison
- Dành cho kiến trúc sư doanh nghiệp, quản trị cơ sở dữ liệu và lập trình viên cần hiểu rõ về các phát triển mới nhất trong công nghệ cơ sở dữ liệu.
NoSQL and SQL Data Modeling: Bringing Together Data, Semantics, and Software của Ted Hills
Sách của Ted Hills hướng dẫn cách sử dụng khái niệm mô hình hóa và đối tượng (Concept and Object Modeling Notation) để chỉ định cài đặt cơ sở dữ liệu vật lý trong bất kỳ cơ sở dữ liệu NoSQL hoặc SQL nào.
Top 9 cơ sở dữ liệu NoSQL nên học
- MongoDB – Cơ sở dữ liệu NoSQL dạng document tốt nhất: MongoDB là cơ sở dữ liệu mã nguồn mở, lưu trữ dữ liệu trong định dạng JSON hoặc BSON và nổi bật với tính năng sharding và replication. Đọc thêm: Hiểu rõ A-Z về MongoDB.
- Redis – Cơ sở dữ liệu NoSQL dạng key-value tốt nhất: Redis là cơ sở dữ liệu mã nguồn mở, lưu trữ dữ liệu trong bộ nhớ và có thời gian phản hồi rất nhanh.
- Cassandra – Cơ sở dữ liệu NoSQL dạng wide-column tốt nhất: Cassandra là cơ sở dữ liệu mã nguồn mở hỗ trợ việc quản lý các tập dữ liệu lớn.
- Neo4j – Cơ sở dữ liệu NoSQL dạng graph tốt nhất: Neo4j là cơ sở dữ liệu mã nguồn mở dựa trên đồ thị, được sử dụng cho phát triển ứng dụng và phân tích dữ liệu.
- Elasticsearch – Cơ sở dữ liệu NoSQL dạng document với khả năng tìm kiếm tốt nhất: Elasticsearch là cơ sở dữ liệu phân tán có chức năng tìm kiếm nhanh chóng và linh hoạt.
- HBase – Cơ sở dữ liệu NoSQL dạng column với khả năng xử lý dữ liệu lớn tốt nhất: HBase là cơ sở dữ liệu mã nguồn mở chạy trên Hadoop Distributed File System (HDFS) và được sử dụng cho việc quản lý dữ liệu lớn.
- Couchbase Capella – Cơ sở dữ liệu NoSQL với tính linh hoạt giống SQL: Couchbase Capella là một nền tảng cơ sở dữ liệu đám mây kết hợp giữa tính năng của cơ sở dữ liệu NoSQL và SQL.
- Oracle Coherence – Cơ sở dữ liệu NoSQL tốt nhất cho các ứng dụng môi trường điện toán đám mây và lưới (grid): Oracle Coherence là cơ sở dữ liệu key-value trong bộ nhớ với khả năng mở rộng cao và hiệu suất tốt.
- Amazon DynamoDB – Cơ sở dữ liệu NoSQL tốt nhất với tính dễ sử dụng: Amazon DynamoDB là dịch vụ cơ sở dữ liệu NoSQL dựa trên đám mây, hỗ trợ cả mô hình dữ liệu tài liệu và key-value.
Câu hỏi thường gặp về học NoSQL
Vị trí IT nào cần học NoSQL?
Trong lĩnh vực IT, nhu cầu về kỹ năng NoSQL cao đặc biệt đối với các vị trí như Quản trị viên cơ sở dữ liệu (DBA), Kỹ sư dữ liệu, Backend Developer, Lập trình viên Big Data và các vị trí liên quan đến data. Đối với các vị trí này thì học NoSQL để quản lý, bảo trì cơ sở dữ liệu phi quan hệ, xử lý dữ liệu lớn, phát triển ứng dụng với hiệu suất cao và quản lý dữ liệu phức tạp.
Làm thế nào để phát triển sự nghiệp sau khi học NoSQL?
Để phát triển sự nghiệp với NoSQL, bạn cần cập nhật liên tục về các cơ sở dữ liệu và công nghệ NoSQL mới, cũng như cải thiện kỹ năng qua việc tham gia diễn đàn trực tuyến, hội thảo…. Ngoài ra, việc theo đuổi kiến thức thông qua các khóa học và chứng chỉ là cực kỳ quan trọng.
Tổng kết Học NoSQL
Với khả năng xử lý tốt dữ liệu phi cấu trúc và nhiều ưu điểm tuyệt vời khác, không khó để hiểu tại sao NoSQL trở thành lựa chọn được ưa chuộng để quản lý dữ liệu hiện nay. Tuy nhiên, mỗi loại CSDL NoSQL có đặc điểm và mục đích riêng biệt, phù hợp với các yêu cầu và tình huống cụ thể của từng ứng dụng.
Qua bài viết này, ITviec mong bạn tìm được lộ trình học NoSQL phù hợp với bản thân từ cơ bản đến nâng cao, và chọn được tài liệu và khóa học phù hợp với mục tiêu của mình.
Bạn thấy bài viết hay và hữu ích? Đừng ngại Share với bạn bè và đồng nghiệp nhé.
Và nhanh tay tham khảo việc làm IT “chất” trên ITviec!