Git và GitHub đều là những công cụ được sử dụng để hỗ trợ quản lý mã nguồn rất phổ biến và quen thuộc đối với các lập trình viên hiện nay. Vậy Git và GitHub có những chức năng nào giúp chúng có được những vai trò đó, và giữa chúng có mối liên hệ gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu sự khác nhau giữa Git vs Github và cách kết hợp thông qua bài viết này.

Đọc bài viết sau để nắm rõ:

  • Các điểm khác biệt giữa Git vs GitHub
  • Cách làm việc kết hợp giữa Git vs GitHub tối ưu hiệu suất

Git là gì?

Git là gì?

Git được Linus Torvalds phát triển vào năm 2005 như một phần mềm mã nguồn mở để theo dõi những thay đổi của mã nguồn.

Git là một hệ thống quản lý phiên bản phân tán, lưu trữ lại thông tin tất cả các lịch sử thay đổi xảy ra trên mã nguồn. Git tạo điều kiện để nhiều thành viên trong dự án cùng làm việc mà không gây ảnh hưởng đến mã nguồn của người khác, tăng khả năng cộng tác trong nhóm.

Đọc thêm: Git là gì: Định nghĩa, Thuật ngữ cơ bản và Cách cài đặt

Git hoạt động như thế nào?

Git quản lý tập tin của mã nguồn dựa vào 3 khu vực:

  • Working Directory (khu vực làm việc): Là nơi người dùng thực hiện các thao tác thay đổi trên mã nguồn.
  • Staging Area (Khu vực dàn dựng): Đây là khu vực trung gian, nơi người dùng đưa các thay đổi đã thực hiện vào, sau đó thực hiện lệnh commit để lưu vào kho lưu trữ.
  • Repository (Kho lưu trữ): Là nơi lưu trữ mã nguồn và lịch sử các phiên bản. Để có thể lưu lại các thay đổi vào kho lưu trữ, người dùng cần thực hiện lệnh commit (commit).

Với mỗi cam kết được lưu vào kho lưu trữ, Git xem đây là các phiên bản của mã nguồn, và lưu trữ chúng như những ảnh chụp nhanh “snapshot” với các nội dung như nội dung thay đổi, người thay đổi, thời gian thay đổi. Đối với những tập tin không có sự thay đổi, Git chỉ lưu lại các tham chiếu đến tập tin đó để tối ưu việc lưu trữ.

Chức năng chính của Git

Git đóng vai trò lưu trữ các phiên bản của mã nguồn, bất kỳ phiên bản nào trước đó của mã nguồn đều có thể được khôi phục. Từ đó giúp đảm bảo khả năng lưu trữ an toàn và dễ dàng truy vết, phục hồi hệ thống khi có sự cố xảy ra.

Các lập trình viên trong dự án có thể xem lại lịch sử mã nguồn để tìm hiểu:

  • Những thay đổi nào đã được thực hiện?
  • Ai là người thực hiện những thay đổi này?
  • Những thay đổi được thực hiện khi nào?
  • Tại sao cần phải có sự thay đổi?

Điểm nổi bật của git phải kể đến khả năng phân nhánh và hợp nhất nhánh.

Nhánh (Branch) trong git là một tập hợp các commit để tạo ra một phiên bản độc lập trên mã nguồn. Việc phân tách nhánh giúp lập trình viên có thể phát triển tính năng mới một cách tách biệt mà không gây ảnh hưởng đến phiên bản đang hoạt động ổn định.

Bên cạnh đó, các lập trình viên trong dự án có thể hợp nhất các nhánh của bản thân vào nhánh chung của dự án để kết hợp các thay đổi của từng người, giúp nâng cao khả năng cộng tác trong nhóm.

GitHub là gì?

Giới thiệu về GitHub

GitHub là một nền tảng lưu trữ đám mây, cung cấp môi trường giúp các lập trình viên có thể tham gia cộng tác, lưu trữ và phát triển mã nguồn. Ngoài ra, GitHub còn hỗ trợ cộng đồng lập trình viên làm việc cùng nhau thông qua các tính năng về quản lý dự án, theo dõi lỗi, và tự động hóa quy trình phát triển (CI/CD).

Việc lưu trữ mã nguồn trên GitHub cho phép các lập trình viên:

  • Chia sẻ mã nguồn trong dự án nội bộ hoặc công khai
  • Theo dõi và quản lý các thay đổi đối với mã nguồn theo thời gian
  • Cho phép người khác kiểm tra, xem xét mã của bản thân và đưa ra đề xuất cải thiện (Pull Request)
  • Cộng tác trên một dự án chung mà không cần lo lắng rằng các thay đổi của bản thân sẽ ảnh hưởng đến công việc của người khác trong dự án (khi chưa thực hiện kết hợp nhánh)

Làm việc cộng tác – một trong những tính năng cốt lõi của GitHub, được thực hiện dựa vào Git. Đây chính là nền tảng cốt lõi của GitHub.

Đọc thêm: GitHub là gì? Ba lợi ích sự nghiệp to lớn GitHub mang đến cho Developer!

Lịch sử hình thành

GitHub lần đầu được ra mắt vào ngày 19 tháng 10 năm 2007, ngay sau đó phiên bản beta chính thức được giới thiệu vào tháng 4 năm 2008 do Tom Preston-Werner, Chris Wanstrath, và PJ Hyett thực hiện.

Hiện nay, GitHub thuộc quyền sở hữu của Microsoft, nó cung cấp cả phiên bản trả tiền lẫn miễn phí cho các tài khoản (đối với các dự án mã nguồn mở sẽ được cung cấp kho lưu trữ miễn phí). Tính đến tháng 4 năm 2016, GitHub đã có hơn 14 triệu người sử dụng với hơn 35 triệu repository.

Tính đến tháng 1/2023, GitHub đã có hơn 100 triệu người dùng, điều này giúp nó trở thành máy chủ lưu trữ mã nguồn lớn trên thế giới (theo wikipedia).

Nguyên lý hoạt động của GitHub

GitHub phát triển các tính năng xoay quanh hai mảng chính đó là quản lý phiên bản Git và xây dựng môi trường cộng tác giữa các thành viên trong nhóm.

GitHub dựa vào Git làm nền tảng cốt lõi để cung cấp đầy đủ các tính năng của Git liên quan đến quản lý phiên bản mã nguồn như:

  • Phân tách và quản lý nhánh
  • Tạo yêu cầu và hợp nhất nhánh
  • Tạo commit mới hoặc hoàn tác commit
  • Chuyển trạng thái làm việc giữa các nhánh
  • Xử lý xung đột khi hợp nhất
  • Tạo và quản lý Tags

GitHub đóng vai trò là kho lưu trữ từ xa trong hệ thống quản lý phiên bản phân tán, tạo điều kiện để cộng tác làm việc trong dự án. Các kho lưu trữ cục bộ có thể tương tác với GitHub qua các hành động như:

  • Tải mã nguồn về bằng lệnh clone repository
  • Cập nhật thông tin thay đổi mã nguồn bằng Push, Pull, Fetch

Bên cạnh đó, GitHub còn tập trung xây dựng các tính năng nâng cao giúp tăng khả năng cộng tác, làm việc nhóm và bảo mật mã nguồn trước các mối đe dọa trên internet.

Tính năng nổi bật của GitHub

  • Kiểm soát phiên bản và lưu trữ mã nguồn: Đây là tính năng cốt lõi của GitHub, được xây dựng dựa trên Git. Nó cho phép các lập trình viên theo dõi các thay đổi trên mã nguồn, so sánh sự khác biệt giữa các phiên bản và giữa các nhánh.
  • Pull Request: Pull Request là một tính năng nổi bật cho phép các lập trình viên đề xuất và xem xét thay đổi trước khi hợp nhất vào nhánh chính. Các lập trình viên trong dự án có thể sử dụng Pull Request để xem xét các thay đổi, đưa ra phản hồi, nhận xét dựa trên các thay đổi đó.
  • Issues: Người dùng sử dụng issues để tạo ra các nhiệm vụ cho thành viên trong nhóm. Nó giúp quản lý công việc trong một dự án, cũng như để theo dõi, kiểm soát số lượng lỗi đang có.
  • GitHub action: Cung cấp các công cụ để xây dựng tính năng tự động hóa quy trình kiểm thử, xây dựng bản phát hành và triển khai mã lên các môi trường máy chủ.
  • Wiki: Là nơi giúp người dùng lưu lại các thông tin tài liệu cần thiết và quan trọng trong repository.

Phân biệt giữa Git vs GitHub

Tiêu chí Git GitHub
Chức năng Quản lý phiên bản của mã nguồn
  • Quản lý phiên bản mã nguồn
  • Lưu trữ và chia sẻ mã nguồn cho người khác
  • Kiểm soát chất lượng mã nguồn thông qua Pull request, Issues
Phạm vi hoạt động Nội bộ ở máy tính cá nhân Trực tuyến thông qua internet
Quản lý dự án Không hỗ trợ Quản lý dự án và cộng tác làm việc thông qua Pull Request, Issues, Project
Hỗ trợ cộng tác giữa nhiều người Không hỗ trợ Cung cấp khả năng cộng tác trực tuyến từ xa
Làm việc ngoại tuyến Git hỗ trợ làm việc ngoại tuyến vì tất cả thay đổi được lưu trữ cục bộ. Yêu cầu internet để truy cập
CI/CD Không hỗ trợ Sử dụng thông qua GitHub Actions hoặc tích hợp với bên thứ ba
Bảo mật Không có lớp bảo mật riêng, phụ thuộc vào quyền truy cập máy tính Cung cấp nhiều lớp bảo mật như xác thực hai yếu tố (2FA), phân quyền trên repository, và mã hóa dữ liệu
Trường hợp sử dụng
  • Khi chỉ cần quản lý mã nguồn cục bộ ở máy tính cá nhân
  • Phù hợp với các dự án cá nhân, riêng tư không cần chia sẻ với người khác
  • Không cần áp dụng CI/CD
  • Khi cần chia sẻ mã nguồn với thành viên khác trong nhóm hoặc công khai cho cộng đồng
  • Phù hợp với các dự án mã nguồn mở hoặc dự án cần sự cộng tác giữa nhiều người
  • Dự án cần có quy trình review code hoặc cần tích hợp CI/CD
Ưu điểm nổi bật
  • Mã nguồn được quản lý và lưu trữ trong repositorytrên máy cá nhân, giảm thiểu rủi ro mất dữ liệu
  • Hoạt động nhanh trên máy cục bộ, không cần kết nối mạng
  • Là phiên bản mã nguồn mở miễn phí
  • Có thể kết hợp với nhiều nền tảng như GitHub, GitLab, BitBucket
  • Mã nguồn được lưu trữ trên nền tảng internet, cung cấp khả năng chia sẻ và truy cập cho nhiều người
  • Cung cấp các tính năng quản lý phiên bản của Git và các tính năng nâng cao giúp tăng khả năng cộng tác trên giao diện web trực quan, dễ sử dụng
  • Có các tính năng bảo mật mã nguồn và phân quyền truy cập
  • Cung cấp khả năng triển khai CI/CD
Nhược điểm
  • Cú pháp Git có thể gây khó khăn cho người mới bắt đầu
  • Làm việc qua dòng lệnh, không có giao diện trực quan
  • Không tích hợp sẵn tính năng CI/CD
  • Không thể chia sẻ mã nguồn dễ dàng cho người khác
  • Phụ thuộc vào internet
  • Những tính năng nâng cao liên quan đến Github Actions hay tính năng bảo vệ nhánh và mã nguồn cần phải trả phí
  • Dữ liệu được lưu trữ dựa vào bên thứ ba (là GitHub) nên vẫn có rủi ro về quyền riêng tư đối với các công ty, tổ chức

Thông qua bảng so sánh phía trên, chúng ta có thể thấy rằng Git là một hệ thống với tính năng chính là quản lý phiên bản của mã nguồn, còn GitHub là một nền tảng đa dịch vụ, cung cấp rất nhiều tiện ích cho việc quản lý mã nguồn và phát triển phần mềm.

Tuy nhiên, công nghệ cốt lõi của GitHub là dựa vào Git để phát triển. Vì vậy ta có thể xem Git như là trái tim của GitHub. Mặt khác, khi xét về thành phần repository trong hệ thống quản lý phiên bản phân tán, ta có thể xem Git là local repository, còn GitHub là một dạng remote repository.

Cách làm việc kết hợp giữa Git vs GitHub

Làm việc với Git trên nền tảng GitHub

  1. Để làm việc với Git trong GitHub, đầu tiên bạn cần có một tài khoản trên GitHub, nếu chưa có, bạn hãy truy cập link để đăng ký tài khoản mới
  2. Tạo một kho lưu trữ (repository) trên GitHub: link
  3. Từ bây giờ, bất kỳ lúc nào bạn thêm hay thay đổi một tập tin trong kho lưu trữ này, bạn sẽ thực hiện một lệnh commit để lưu lại phiên bản cho nó
  4. Ngoài ra bạn có thể thực hiện tạo nhánh mới để tách nhánh làm việc và thực hiện tạo Pull Request để tiến hành hợp nhất nhánh

Kết nối giữa Git ở máy cá nhân và GitHub

Để thực hiện việc kết nối giữa mã nguồn ở máy cá nhân với mã nguồn trên kho lưu trữ của GitHub, bạn có thể thực hiện với lệnh Git sau:

git remote add origin <tên định danh của repository GitHub>
git push -u origin <tên nhánh>

Sau đó bạn có thể thực hiện các thay đổi trên mã nguồn hiện tại của mình, lưu commit vào Git ở máy tính cá nhân và thực hiện đồng bộ với repository của GitHub bằng lệnh:

git push origin <tên nhánh>

Trong đó, origin chính là tên định danh của remote repository mà bạn đã kết nối bằng lệnh “git remote add”.

Để thực hiện việc đồng bộ các thay đổi trong mã nguồn từ các thành viên cộng tác trong dự án đã được hợp nhất trên GitHub về máy cá nhân, bạn có thể sử dụng lệnh:

git fetch

Lệnh này sẽ kéo các commit từ GitHub về máy cá nhân. Hoặc sử dụng lệnh bên dưới để kéo commit về và hợp nhất vào nhánh hiện tại:

git pull origin

Các câu hỏi thường gặp về Git vs GitHub

Git và GitHub có phải là một không?

Không, tuy chúng thường được kết hợp với nhau, nhưng Git và GitHub là hai dịch vụ riêng biệt với các vai trò khác nhau. Git quản lý phiên bản mã nguồn, theo dõi lịch sử một cách cục bộ, còn GitHub là một nền tảng trực tuyến lấy Git làm cốt lõi, cung cấp các tính năng để quản lý mã nguồn và dự án phần mềm.

Ngoài GitHub, có những dịch vụ quản lý mã nguồn trực tuyến nào khác?

Hiện nay trên thị trường có nhiều dịch vụ quản lý mã nguồn trực tuyến khác nhau như GitHub, Gitlab, BitBucket, Perforce,… Mỗi dịch vụ đều có những thế mạnh riêng, phù hợp với nhiều nhu cầu của người dùng.

GitHub có tính phí không?

Hiện nay GitHub cung cấp cả phiên bản miễn phí và có tính phí để phù hợp với nhu cầu của cá nhân và doanh nghiệp.

  • Gói miễn phí: Phù hợp với người dùng cá nhân và dự án mã nguồn mở. Gói này có các tính năng cơ bản như:
    • Cung cấp không giới hạn kho lưu trữ công khai và riêng tư
    • Cho phép cộng tác nhiều thành viên trong một dự án
    • Miễn phí 2000 phút chạy CI/CD trên 1 tháng
    • Hỗ trợ các tính năng quản lý dự án như Issues, Pull Request
  • Gói trả phí: GitHub cung cấp 3 gói trả phí bao gồm GitHub Pro (phù hợp khách hàng cá nhân), GitHub Team (phù hợp nhóm) và GitHub Enterprise (phù hợp với doanh nghiệp). Các gói trả phí của GitHub cung cấp các tính năng nâng cao như triển khai quy tắc trên nhánh, quy tắc hợp nhất, công cụ bảo vệ nhánh nâng cao, hỗ trợ Single sign-on (SSO) và các tính năng nâng cao về CI/CD.

Tổng kết Git vs GitHub

Git và GitHub là hai nền tảng gắn kết với nhau, việc kết hợp giữa chúng giúp nâng cao khả năng quản lý mã nguồn và cộng tác, làm việc nhóm. Thông qua bài viết này, ITviec hi vọng bạn đã có một cái nhìn tổng quan về Git vs GitHub, hiểu rõ bản chất và sự khác biệt giữa chúng để có thể vận dụng vào dự án của mình.