Nội dung chính
Developer có bao giờ cảm thấy lo lắng khi được nhà tuyển dụng yêu cầu giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh? Bạn thuộc tuýp Developer dùng duy nhất 1 mẫu giới thiệu trong suốt nhiều năm hay bạn sẽ tùy hứng nghĩ ra đoạn giới thiệu mà bạn nghĩ là phù hợp nhất ở thời điểm phỏng vấn?
Dù bạn thuộc tuýp Developer nào thì cũng hãy đảm bảo phần giới thiệu bản thân được diễn ra trong hoàn cảnh phù hợp và hội tụ đủ những yếu tố “đắt giá” – giúp bạn tỏa sáng ngay trong vòng phỏng vấn.
Vai trò của phần “Giới thiệu bản thân” trong buổi phỏng vấn
Giới thiệu bản thân là phần bắt buộc trong tất cả các buổi phỏng vấn và là phần giúp ứng viên gây ấn tượng tốt đẹp với nhà tuyển dụng. Thông qua cách ứng viên giới thiệu về bản thân mình, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá phong thái, mức độ tự tin cũng như sự kết nối ban đầu.
Nếu có thể làm tốt ở giai đoạn này thì bạn sẽ càng có nhiều cơ hội thành công và dễ dàng ghi điểm với nhà tuyển dụng vì vốn dĩ ông bà ta vẫn có câu “Đầu xuôi, đuôi lọt”.
Khi nào thì nên giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh trước nhà tuyển dụng?
Không ít ứng viên muốn tạo sự khác biệt và thể hiện trình độ tiếng Anh ưu tú của mình với nhà tuyển dụng nên vẫn lựa chọn giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh dù ứng tuyển cho công ty Việt Nam và nhà tuyển dụng không yêu cầu.
Tuy nhiên, để phần giới thiệu mang lại hiệu quả cao nhất, bạn vẫn nên làm rõ với nhà tuyển dụng ngay từ đầu nếu không chắc chắn và chú ý đến các yếu tố xung quanh (ví dụ: bản mô tả công việc được đăng tuyển bằng tiếng Anh hay tiếng Việt, yêu cầu công việc có đề cập đến việc sử dụng tiếng Anh hay không, có sếp người nước ngoài xuất hiện trong buổi phỏng vấn hay không…)
Thông thường, bạn chỉ nên giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh nếu nhà tuyển dụng chủ động mở lời hoặc họ trực tiếp đề nghị bạn bằng tiếng Anh ngay khi bước vào buổi phỏng vấn.
Bạn chuẩn bị có một buổi phỏng vấn với HR Manager?
Trọn bộ “bí kíp” chinh phục HR Manager (P1): Cần chuẩn bị gì trước khi tham gia phỏng vấn IT?
Trọn bộ “bí quyết” chinh phục HR Manager (P2): Kinh nghiệm phỏng vấn dành cho dân IT
Những lưu ý giúp Developer giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh chuyên nghiệp hơn
Luôn lấy vị trí bạn ứng tuyển làm trung tâm cho phần giới thiệu
Rất nhiều ứng viên (bao gồm Developer) lẫn lộn việc giữa việc giới thiệu bản thân trước đám đông và giới thiệu bản thân trong vòng phỏng vấn, trước nhà tuyển dụng.
Không nhận thức được sự khác biệt dẫn đến việc bạn chỉ giới thiệu những thông tin bên lề như họ tên, sở thích… mà quên đề cập đến kinh nghiệm làm việc hay những thông tin mang tính chất bắc cầu, có tính liên kết với vị trí bạn đang phỏng vấn. Trong khi đây lại là những thông tin quan trọng mà nhà tuyển dụng quan tâm. Bí quyết dành cho bạn là hãy luôn lấy vị trí ứng tuyển làm tiền đề triển khai cho các câu giới thiệu trong buổi phỏng vấn.
Chẳng hạn, sau khi giới thiệu tên tuổi, bạn có thể tiếp tục với các nội dung như ngành nghề tốt nghiệp (nếu có liên quan đến công việc), công việc hiện tại, công việc trong quá khứ và số năm kinh nghiệm, mục tiêu cho tương lai là gì và mục tiêu ngắn hạn khi bạn quyết định ứng tuyển công việc này là gì…
Bạn cũng có thể nói thêm về tính cách và các sở thích cá nhân, tuy nhiên, hãy thật khéo léo khi diễn đạt.
Ví dụ: Công việc bạn đang phỏng vấn là UI UX Developer => Bạn có thể chia sẻ bạn là người thích khám phá những điều mới mẻ, thường chú ý đến chi tiết và có khả năng giao tiếp, làm việc nhóm tốt. Sở thích của bạn là thiết kế, vẽ tranh, học code khi rảnh rỗi…
Tóm lại, phần giới thiệu của bạn càng có nhiều điểm tương đồng với yêu cầu của vị trí công việc thì bạn càng dễ gây thiện cảm với nhà tuyển dụng.
Giới thiệu những thông tin cơ bản trước
Để phần giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh của bạn tăng tính thống nhất, bạn nên trình bày theo thứ tự thông tin từ cơ bản đến phức tạp hơn. Dưới đây là các phần thông tin cơ bản mà bạn có thể tham khảo:
- Họ và tên: Mặc dù trong CV đã có tên của bạn nhưng nhà tuyển dụng vẫn có thể cảm thấy mơ hồ vì không biết tên chính xác của bạn là gì (do không để dấu). Tốt hơn hết là bạn nên giới thiệu lại tên của mình một cách rõ ràng, rành mạch.
- Tuổi: Phần thông tin này không bắt buộc nhưng nếu cảm thấy thoải mái, bạn có thể chia sẻ với nhà tuyển dụng.
- Học vấn: Thông thường thì những người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc sẽ bỏ qua phần này, nhưng nếu bạn là người mới ra trường hoặc chỉ mới có 1,2 kinh nghiệm làm việc thì có thể giới thiệu thông tin này (nếu có liên quan đến vị trí ứng tuyển).
- Tính cách, sở thích: Nên ngắn gọn trong khoảng 2-3 từ đối với mỗi phần thông tin, không nên liệt kê quá nhiều.
Tham khảo: Hướng dẫn viết CV xin việc đảm bảo đậu vòng “xét duyệt CV” 100% đến từ Google
Áp dụng “công thức thần thánh”
Tiếp nối phần thông tin cơ bản là những thông tin đòi hỏi tính chọn lọc liên quan đến học vấn và kinh nghiệm làm việc. Nếu bạn vẫn đang chưa biết phải trình bày như thế nào thì ITviec gợi ý bạn 2 phương pháp sau đây.
- Công thức “Hiện tại – Quá khứ – Tương lai”
Đúng như tiêu đề, bạn sẽ tóm lược thông tin, sự kiện liên quan đến học vấn và công việc theo thứ tự xuất hiện ở hiện tại trước, rồi đến những gì đã diễn ra trong quá khứ, cuối cùng là những mong đợi, dự định cho tương lai gần (hoặc dài hạn).
Lưu ý: Hãy chỉ lựa chọn những kinh nghiệm liên quan nhất đến vị trí ứng tuyển và bỏ qua những thông tin không mang lại lợi ích gì trong buổi phỏng vấn.
Chẳng hạn: Bạn đang ứng tuyển vị trí Tester nhưng những công việc bạn từng làm trước kia lại là Sales Assistant hoặc Marketing Executive… thì bạn nên giản lược và đi thẳng đến những kinh nghiệm làm việc liên quan gần nhất.
- Công thức “Học vấn – Kinh nghiệm – Tương lai”
Nếu việc ghi nhớ sự kiện theo trình tự thời gian khiến bạn cảm thấy khó khăn thì mô hình từ FishBowl by GlassDoor có thể là sự lựa chọn giúp ích cho bạn lúc này: Học vấn – Kinh nghiệm – Tương lai.
Cụ thể thì bạn sẽ giới thiệu về học vấn của mình trước (trường học, ngành học, năm tốt nghiệp, điểm GPA…), tiếp đó là giới thiệu về các công việc trước đây bạn đã từng làm (kèm thành tích, giải thưởng, cống hiến của bạn ở từng công ty), cuối cùng là những mục tiêu bạn đặt ra trong thời gian sắp tới.
Những thông tin này sẽ giúp cho nhà tuyển dụng có cái nhìn tổng quát về mức độ phù hợp của bạn với vị trí họ đang tuyển dụng, họ phần nào cũng có đánh giá sơ bộ về năng lực cũng như tầm nhìn của bạn.
Chắc chắn sau đó, họ sẽ có thêm nhiều câu hỏi hóc búa để kiểm tra mức độ chân thật về những thông tin bạn vừa trình bày, vậy nên hãy đảm bảo những thông tin bạn vừa trình bày đúng với sự thật nhé.
Tham khảo thêm: Hai trong các câu hỏi phỏng vấn IT phổ biến nhất
Đi từ tổng quan đến chi tiết
Thay vì giới thiệu bản thân một cách ngẫu hứng, bạn có thể sắp xếp thông tin theo thứ tự từ tổng quan đến chi tiết, tạo thành tổng thể thống nhất trong suốt quá trình phỏng vấn. Chẳng hạn: Đối với kinh nghiệm làm việc, bạn có thể tham khảo theo thứ tự như sau:
-
- Tên vị trí công việc hiện tại mà bạn đang làm, liên hệ với vị trí ứng tuyển
- Số năm kinh nghiệm ở vị trí vừa kể trên
- Chuyên môn và kỹ năng bạn cảm thấy tự tin nhất
- Lý do bạn ứng tuyển vị trí này
Ví dụ: I’ve been working as a Software Developer for 5 years now, in an Agile team, code mostly in Java and Python. I prefer to work in a smaller team where I can see the direct impact I have on a project, that’s the reason why I applied for this job and to be interviewing with you today…
Đề cập chi tiết đến một vài điểm nhấn trong sự nghiệp
Rất nhiều Developer cho rằng không nên “khoe mẽ” thành tích làm việc ở phần giới thiệu bản thân vì không mong muốn nhà tuyển dụng có cái nhìn thiếu thiện cảm về mình. Đúng là không nên thao thao bất tuyệt về tất cả các loại bằng cấp, giải thưởng, thành tích… bạn đã từng đạt được, tuy nhiên, nếu chỉ đề cập đến một vài điểm nhấn trong sự nghiệp bằng thái độ khách quan thì bạn hoàn toàn có thể ghi điểm và được nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Lưu ý là nếu trình bày phần thông tin về thành tích, thành tựu trong quá khứ, bạn không nên chỉ sử dụng những động từ chung chung như “tăng” hay “cải thiện” mà phải đính kèm những con số, phần trăm cụ thể để tạo niềm tin cho người đối diện.
Ví dụ: At the previous position, one of my achievement I’m proud to share is that I increased efficiency by 30% in the first six months after developing and implementing new company procedures and guidelines for data analysis.
Luôn kết thúc bằng mục tiêu cho tương lai
Mục tiêu ngắn hạn và/hoặc dài hạn sẽ có thấy rằng bạn đang thực sự nghiêm túc và có định hướng rõ ràng cho sự nghiệp -> Quá lý tưởng cho phần kết thúc giới thiệu bản thân.
Tất nhiên, mục tiêu càng có tính liên hệ với vị trí bạn đang phỏng vấn, càng khiến nhà tuyển dụng cân nhắc lựa chọn bạn thay vì các ứng viên có lý tưởng xa vời hoặc không thể hiện được tiềm năng có thể gắn bó lâu dài với công ty.
Chẳng hạn:
Bạn ứng tuyển và phỏng vấn vị trí Fullstack Developer thì mục tiêu trong tương lai của bạn nên là trở thành Solution Architect hoặc CTO, và bạn nghĩ đây là cơ hội tốt để trau dồi kỹ năng quản lý dự án, kỹ năng lãnh đạo…
Bạn không nên nói rằng mục tiêu của bạn là làm việc lấy kinh nghiệm để tiến hành thành lập start-up trong 3 năm tới. Không một nhà tuyển dụng nào mạo hiểm tuyển một nhân viên được xác định sẽ sớm nghỉ việc và ra đi.
Chú ý đến giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể
Một trong những yếu tố giúp cho phần giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh của bạn trở nên nổi bật hơn chính là giọng điệu và ngôn ngữ hình thể.
Vì phải trình bày bằng tiếng Anh nên đôi khi không tránh khỏi việc ấp úng, mắc lỗi, nháy mắt liên tục hoặc không điều khiển được chuyển động cơ thể… Để hạn chế những trường hợp không mong muốn này, hãy luyện tập thường xuyên. Bạn có thể đứng trước gương và tưởng tượng như mình đang trong buổi phỏng vấn, đối diện với nhà tuyển dụng.
Hoặc bạn có thể tự ghi hình bản thân bằng laptop, điện thoại, máy quay chuyên dụng để tiện xem lại và điều chỉnh. Mỗi lần như vậy, bạn sẽ rút ra được kinh nghiệm cho bản thân rằng: tông giọng nào gây được thiện cảm nhiều nhất, nên cười ra sao, đoạn này bạn có đang nói nhanh quá không, điệu bộ như thế này có hợp lý chưa hay bạn còn quên những thông tin nào…
Bạn có thể tự đặt ra thước đo và tiêu chuẩn một cách nghiêm túc để tự hoàn thiện mình trong quá trình luyện tập. Chẳng hạn: lần 1 và lần 2 bạn bị vấp tận 5 chỗ, lần 3 bạn nói tốt hơn và chỉ còn vấp 3 chỗ, lần 4 bạn đã nói trôi chảy hơn tuy nhiên tốc độ còn hơi chậm, lần 5 thì bạn đã trình bày lưu loát và tự nhiên hơn…
Lưu ý là bạn không nên học thuộc lòng đoạn giới thiệu mà chỉ nên nắm những ý chính và linh hoạt điều chỉnh miễn là phù hợp, tránh trường hợp bị “khớp” khi quên bài.
Chỉ cần bạn đầu tư thời gian hợp lý và chăm chỉ luyện tập thì chắc chắn bạn sẽ có được phần giới thiệu suôn sẻ và tăng cơ hội lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng.
Bạn chuẩn bị có buổi phỏng vấn technical với Lead/Manager/CTO/CIO?
Đọc ngay: CIO chia sẻ kinh nghiệm tham gia phỏng vấn chuyên môn IT dành cho ứng viên
Mẫu giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh dành cho Developer “chất”
Nhằm giúp những Developer như bạn tiết kiệm thời gian và có thêm nhiều gợi ý, ITviec đã tổng hợp những mẫu giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh cực “chất” ngay bên dưới. Cùng xem và lưu lại nhé!
Mẫu giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh dành cho Frontend Developer
“My name is X. I’m 25 years old. I graduated from Ho Chi Minh City University of Technology with a degree in Computer Science.
I’m working as a Frontend Developer in Y company with over 3 years experience developing different websites, apps and implementing them — from landing pages to big projects, mostly using Java/J2EE.
The company had a track record of increasing 30 percent in sales after deploying those sites and apps that I worked on.
My goal for the next two years is to be a Senior Frontend Developer. I’m now ready for more challenges and this position really excites me.”
Mẫu giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh dành cho Backend Developer
“Thank you for giving me the opportunity to introduce myself.
Well, I am X and I am from Da Nang. I have recently done my post-graduation in Computer Science from FPT University.
I am quite good at .NET and PHP. My hobbies are traveling, coding and listening to music.
My short term goal is that I want to be a part of a Backend team, to build a platform that can show my skills and grow my career. I am always enthusiastic to grow myself along with the organization.
My long-term goal is to be the Technical Manager at the company I work for.
That’s all about me sir. Thanks”
Mẫu giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh dành cho Fullstack Developer
“My name is X. I graduated from Ho Chi Minh City University of Technology and have an overall GPA of 8.0, specializing in Computer Science Engineering.
I have over 4 years at Fullstack Developer position.
I am excellent at C#, Java and experienced with Python, Data structures, J2EE, Django and SQL. Along with these technical skills, I have good communication skills and project management that I feel necessary for this job role.
I like reading books and have a passion for writing. My articles have been published on several occasions on the XYZ site.
In the next 3 years, I want to become a Solution Architect – a person who can build and resolve any technical issues for the organization.
And I am excited about the thought of applying my technological skills and expertise to use in your product and organization.”
Bạn thấy bài viết hay và cần thiết với nhiều người? Đừng ngại nhấn nút Share bên dưới nhé.
Và đừng quên tham khảo việc làm IT trên ITviec!