Nội dung chính
Flutter là gì? Khi nhắc đến phát triển ứng dụng dành cho thiết bị di động, có hai framework mã nguồn mở phổ biến nhất là Flutter và React Native. Trong bài viết này, bạn sẽ được hiểu sâu hơn về Flutter để tạo dựng sự nghiệp thành công trong lĩnh vực phát triển Mobile App.
Đọc bài viết này để hiểu rõ:
- Flutter là gì?
- Ưu – Nhược điểm của Flutter
- 15 Flutter package giúp bạn phát triển ứng dụng tốt và nhanh hơn
Flutter là gì?
Flutter là một framework mobile UI miễn phí và mã nguồn mở do Google tạo ra và phát hành vào tháng 5 năm 2017.
Chỉ với một vài tác vụ, Flutter cho phép bạn tạo một ứng dụng gốc chỉ với một codebase. Có nghĩa rằng, với một codebase này, Flutter hỗ trợ phát triển phần mềm trên 6 nền tảng: iOS, Android, web, Windows, MacOS, và Linux.
Những thương hiệu lớn đã sử dụng Flutter để phát triển ứng dụng gồm có BMW, ByteDance, eBay, Alibaba Group, Google Play,…
Flutter cung cấp rất nhiều tiện ích (widget) để tạo hầu hết mọi loại ứng dụng và cũng hỗ trợ animation mà bạn có thể sử dụng. Hơn nữa, Flutter được vận hành bởi Dart – một ngôn ngữ lập trình dùng để tạo các ứng dụng Android và iOS.
Dart cho phép ứng dụng tương tác trực tiếp với nền tảng gốc thay vì thông qua JavaScript như trong React Native và chính khả năng này làm cho Flutter được yêu thích bởi tính nhanh chóng và hiệu quả.
Flutter bao gồm hai phần quan trọng:
- SDK (Software Development Kit – Bộ công cụ phát triển phần mềm): Tập hợp các công cụ giúp bạn phát triển ứng dụng. SDK bao gồm các công cụ để compile code thành code máy gốc (code dành cho iOS và Android).
- Framework (Thư viện UI dựa trên tiện ích): Tập hợp các phần tử UI có thể tái sử dụng (nút, kiểu nhập văn bản, thanh trượt, v.v.) mà bạn có thể cá nhân hóa theo nhu cầu.
Một số tính năng của Flutter
Một số tính năng hàng đầu của Flutter bao gồm:
- Ngôn ngữ lập trình Dart: Flutter sử dụng ngôn ngữ lập trình Dart, cùng “chung một nhà” Google với Flutter. Dart được tối ưu hóa để xây dựng giao diện người dùng và nhiều điểm mạnh của Dart được “phát huy” trong Flutter.
- Hot reload: Tính năng “Hot reload” của Flutter cho phép bạn nhanh chóng và dễ dàng thấy các thay đổi đối với ứng dụng ngay khi vừa thực hiện mà không cần khởi động lại ứng dụng.
- UI đầy biểu cảm và đẹp mắt: Các phần tử UI trong framework này được xây dựng bằng cách sử dụng các nguyên tắc giống như nguyên tắc Material Design của Google, mang đến cho bạn nhiều phương pháp linh hoạt để tạo ra các ứng dụng đẹp mắt.
- Hiệu suất gốc: Các ứng dụng Flutter được biên dịch thành code gốc, mang lại hiệu suất tốt nhất có thể trên cả iOS và Android.
- Mã nguồn mở: Flutter là một dự án mã nguồn mở được hỗ trợ bởi Google nên bạn có thể sử dụng Flutter miễn phí cũng như dễ dàng nhận được hỗ trợ từ Google và cộng đồng.
Top 15 Flutter package nên biết để phát triển ứng dụng tốt hơn
Flutter hỗ trợ việc sử dụng các packages chung do các developer khác đóng góp cho hệ sinh thái Flutter và Dart. Việc sử dụng packages sẵn có cho phép bạn nhanh chóng xây dựng ứng dụng mà không cần phải phát triển mọi thứ từ đầu.
Packages được đăng tải lên pub.dev. Pub.dev là một hệ sinh thái đang phát triển gồm hơn 33.000 packages để giúp bạn thêm chức năng vào ứng dụng của mình.
Dưới đây là các gói Flutter được yêu thích nhất, dựa trên lượt “likes” của các nhà phát triển, trên pub.dev mà bạn nên biết:
- get: Mở screen/snackbar/dialog without context, quản lý trạng thái và inject dependency một cách dễ dàng với GetX.
- provider: Một wrapper bao bọc xung quanh InheritedWidget để giúp chúng dễ sử dụng hơn và có thể tái sử dụng nhiều hơn.
- shared_preferences: Một Flutter plugin dùng để đọc và viết các cặp key-value đơn giản. Package này wrap kho lưu trữ liên tục dành riêng cho từng nền tảng đối với dữ liệu đơn giản (NSUserDefaults trên iOS và macOS, SharedPreferences trên Android, v.v.)
- http: Một Future-based API đa nền tảng, composable dành cho các yêu cầu HTTP.
- url_launcher: Một Flutter plugin dùng để khởi chạy một URL. Hỗ trợ các scheme email, web, điện thoại và SMS.
- flutter_native_splash: Tùy chỉnh màn hình splash màu trắng mặc định của với màu nền và hình ảnh splash. Hỗ trợ chế độ tối, toàn màn hình, v.v.
- dio: Một gói HTTP mạnh mẽ dành cho Dart/Flutter, hỗ trợ cài đặt Global, Interceptors, FormData, Tải lên và tải xuống tệp, Requests timeout, Custom adapters, v.v.
- flutter_bloc: Flutter Widget giúp dễ dàng triển khai design pattern BLoC (Business Logic Component). Package này được xây dựng để sử dụng với bloc state management package.
- flutter_launcher_icons: Một package giúp đơn giản hóa tác vụ cập nhật biểu tượng trình khởi chạy ứng dụng Flutter.
- image_picker: Một Flutter plugin dùng để chọn hình ảnh từ thư viện hình ảnh Android và iOS và chụp ảnh mới bằng máy ảnh.
- flutter_local_notifications: Một plugin đa nền tảng dùng để hiển thị và lên lịch thông báo nội bộ cho các ứng dụng Flutter với khả năng tùy chỉnh cho từng nền tảng.
- animations: Các animation được dựng sẵn vô cùng đẹp mắt mà bạn có thể dễ dàng tích hợp vào bất kỳ ứng dụng Flutter nào.
- hive: Một cơ sở dữ liệu key-value nhẹ và nhanh được viết bằng Dart. Được mã hóa mạnh mẽ bằng AES-256.
- google_fonts: Một Flutter package dùng để sử dụng phông chữ từ fonts.google.com. Hỗ trợ tìm nạp HTTP, lưu vào bộ nhớ đệm và gói nội dung.
- cached_network_image: Một Flutter library dùng để tải và lưu trữ hình ảnh mạng. Cũng có thể được sử dụng với các widget placeholder và error.
Ưu điểm Flutter là gì?
Lý tưởng để phát triển sản phẩm MVP của startup
Với các startup cần giới thiệu một sản phẩm ổn định trong thời gian ngắn nhất đến với các nhà đầu tư, bạn có thể cân nhắc chọn Flutter để phát triển sản phẩm MVP. Vì sao lại như vậy?
- Tiết kiệm chi phí: Bạn có thể phát triển các ứng dụng đa nền tảng bằng cách sử dụng một codebase nên không cần chi trả cho nhiều team phát triển riêng biệt cho từng nền tảng.
- Tối ưu hiệu quả: Gần như không có sự khác biệt quá lớn giữa ứng dụng gốc và ứng dụng Flutter.
- Tiết kiệm thời gian: Phát triển phần mềm nhanh hơn và dễ dàng hơn nhờ vào nguồn tiện ích, packages sẵn có dồi dào và cá nhân hóa chúng để tạo UI phù hợp với tệp khách hàng.
Tham khảo: IT Startup là gì? Làm thế nào để startup thành công?
Documentation rõ ràng
Điều quan trọng khi tiếp xúc với công nghệ mới là phải có documentation rõ ràng.
Bạn có thể học được nhiều điều từ documentation Flutter và mọi thông tin đều được hướng dẫn rất chi tiết với các ví dụ dễ hiểu cho các trường hợp sử dụng cơ bản. Mỗi lần bạn gặp sự cố với một trong các tiện ích trong khi viết code, bạn đều có thể kiểm tra tài liệu và có ngay câu trả lời cần thiết.
Cộng đồng rộng lớn
Flutter có nhiều cộng đồng hỗ trợ mạnh mẽ mà bạn có thể tham gia thảo luận, tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc đơn giản là chia sẻ cùng nhau phát triển.
Một vài cộng đồng, nguồn tài liệu Flutter mà bạn có thể tham khảo:
- Flutter Awesome: Trang web Flutter Awesome là một trang chuyên tổng hợp các thư viện và công cụ Flutter tốt nhất. Trang web này lên nội dung hằng ngày với rất nhiều ví dụ, mẫu ứng dụng, lời khuyên,… hữu ích cho bạn ai đang dùng Flutter.
- Awesome Flutter: Một GitHub repository (kết nối với Flutter Awesome) với danh sách các bài viết, video, component, tiện ích,…
- It’s all widgets!: Một danh sách các ứng dụng được phát triển với Flutter.
- Flutter Medium Community: Một cộng đồng Flutter trên Medium mà bạn có thể tham khảo bài viết, tutorial và nhiều tiện ích hay ho khác.
Ngoài ra, Flutter còn mở nhiều cộng đồng hoạt động tích cực trên Reddit, Discord, Slack, Stack Overflow và Gitter. Cộng đồng của Flutter đã tạo ra hàng nghìn package của bên thứ ba và các công cụ tuyệt vời giúp đơn giản hóa trải nghiệm của developer.
Được hỗ trợ bởi Android Studio và VS Code
Flutter có sẵn trên các IDE khác nhau nên bạn có thể thoải mái chọn IDE ưa thích của bản thân để dùng với framework này.
Trong đó, bao gồm hai code editor phổ biến nhất là Android Studio (IntelliJ) và VS Code.
- Android Studio là một phần mềm hoàn chỉnh với mọi thứ đã được tích hợp sẵn. Bạn phải tải xuống các plugin Flutter và Dart để bắt đầu.
- VS Code là một công cụ dễ sử dụng và mọi thứ đều có thể định cấu hình thông qua các plugin trên thị trường.
Nhược điểm Flutter là gì?
Mặc dù có nhiều ưu điểm, Flutter vẫn có một số nhược điểm cần được xem xét trước khi sử dụng để phát triển ứng dụng di động.
- Không nhiều thư viện (library) của bên thứ ba: Mặc dù Flutter có bộ widget phong phú, nhưng vẫn thiếu thư viện của bên thứ ba. Thư viện rất cần thiết để thêm các tính năng và chức năng của ứng dụng, vì vậy điều này phải được xem xét nếu muốn sử dụng mobile framework này.
- Công cụ chưa tốt như các nền tảng khác: Công cụ cho Flutter (những công cụ mà developer sử dụng để tạo ứng dụng) chưa trưởng thành hoặc mạnh mẽ như các nền tảng khác, chẳng hạn như Swift trên Xcode.
- Dart – ngôn ngữ dùng trong Flutter, không phải là ngôn ngữ lập trình được sử dụng rộng rãi: Dart là ngôn ngữ lập trình tương đối mới so với các ngôn ngữ đã trưởng thành như Java. Điều này có thể là một hạn chế so với phần lớn developer do chỉ có số ít developer quen thuộc và có thể làm việc với Dart.
- Kích thước ứng dụng lớn hơn: Với các tiện ích tích hợp, các ứng dụng Flutter có xu hướng có kích thước lớn hơn các ứng dụng được xây dựng với các framework khác. Đây có thể là một vấn đề nếu bạn đang phát triển cho một nền tảng có không gian lưu trữ hạn chế.
Các câu hỏi Flutter thường gặp
Flutter sử dụng ngôn ngữ lập trình nào?
Để phát triển với Flutter, bạn sẽ sử dụng ngôn ngữ lập trình có tên là Dart. Ngôn ngữ được Google tạo ra vào tháng 10 năm 2011, nhưng ngôn ngữ này đã được cải thiện rất nhiều trong những năm qua.
Dart tập trung vào phát triển UI và bạn có thể sử dụng Dart để tạo các ứng dụng web và di động.
Flutter dành cho ai?
Bạn có thể là developer, là designer, hay manager, bạn vẫn có thể sử dụng mobile framework này với những lý do sau:
- Đối với developer: Flutter giúp bước đầu xây dựng ứng dụng dễ dàng hơn và giúp tăng tốc độ phát triển ứng dụng và giảm chi phí cũng như độ phức tạp của việc sản xuất ứng dụng trên các nền tảng.
- Đối với designer: Flutter cung cấp nhiều “bản vẽ” cho những trải nghiệm người dùng cao cấp.
- Đối với manager: Flutter cho phép hợp nhất nhiều developer từ mobile, web, desktop developer, chỉ còn thành một đội nhóm duy nhất và khả năng xây dựng các ứng dụng cho nhiều nền tảng từ một codebase duy nhất. Framework này giúp tăng tốc độ phát triển tính năng và đồng bộ hóa lịch trình phát hành trên toàn bộ cơ sở khách hàng.
Bạn cần bao nhiêu kinh nghiệm trong lập trình để sử dụng Flutter?
Các developer quen thuộc với các khái niệm lập trình hướng đối tượng (class, method, variables v.v.) và các khái niệm lập trình mệnh lệnh (loop, conditional, v.v.) có thể dễ dàng sử dụng Flutter.
Ngoài ra, những ai có rất ít kinh nghiệm lập trình cũng có thể sử dụng framework này để tạo mẫu và phát triển ứng dụng.
Tổng kết
Qua bài viết trên, ITviec đã giúp bạn hiểu được Flutter là gì, vì sao bạn nên sử dụng Flutter và những Flutter package giúp bạn phát triển ứng dụng nhanh và hiệu quả hơn. ITviec mong bạn sẽ có thêm phương pháp để phát triển ứng dụng phù hợp hơn với dự án của bạn!
Bạn thấy bài viết hay và hữu ích? Đừng ngại Share với bạn bè và đồng nghiệp nhé.
Và nhanh tay tham khảo việc làm IT “chất” trên ITviec!