Nội dung chính
- Firebase là gì?
- Firebase có những dịch vụ nổi bật nào?
- Các dịch vụ Firebase giúp Xây dựng ứng dụng
- Các dịch vụ Firebase giúp Phát hành & Giám sát ứng dụng
- Các dịch vụ Firebase giúp Phát triển ứng dụng và Tương tác với người dùng
- Các ứng dụng nổi tiếng sử dụng Firebase
- Những lý do nên dùng Firebase để phát triển ứng dụng là gì?
- So sánh phát triển ứng dụng bằng Firebase với phương pháp truyền thống
- Hạn chế khi sử dụng Firebase
- 5 gợi ý sử dụng Firebase hữu ích
- Các câu hỏi thường gặp về Firebase
- Cập nhật thông tin Firebase năm 2023
- Tổng kết
Firebase là gì mà được xem là cách Google “cách mạng hoá” quy trình phát triển ứng dụng? Firebase có thể giúp bạn tạo các ứng dụng thu hút người dùng và thúc đẩy thành công doanh nghiệp thế nào? Cùng tìm hiểu, cập nhật các dịch vụ mới nhất của Firebase để tận dụng sức mạnh của nền tảng này vào quy trình phát triển ứng dụng của bạn.
Đọc bài viết này để:
- Làm quen với nền tảng Google Firebase và cập nhật những thông tin mới nhất về Firebase từ Google I/O 2023.
- Hiểu rõ các dịch vụ, công cụ của Firebase là gì để lựa chọn cho kế hoạch phát triển ứng dụng của bạn và doanh nghiệp.
- Nắm rõ chi phí sử dụng Firebase để có quyết định đầu tư đúng đắn vào nền tảng này.
Firebase là gì?
Google Firebase là một nền tảng toàn diện để xây dựng các ứng dụng web và di động, do Google vận hành và phát triển. Nó cung cấp nhiều công cụ và dịch vụ hữu ích, giúp đơn giản hóa quy trình xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng ứng dụng, và thậm chí giúp kiếm tiền từ ứng dụng.
Firebase cung cấp cả cơ sở hạ tầng back-end và thư viện phía máy khách, giúp developer tiết kiệm thời gian, nguồn lực, tập trung hơn vào việc phát triển front-end của ứng dụng.
Tổng hợp việc làm dành cho developer chất:
Giao diện Firebase gồm nhiều dịch vụ và công cụ. Nguồn: stackoverflow
Firebase có những dịch vụ nổi bật nào?
Các dịch vụ chính của Firebase có thể được phân loại theo 3 nhóm, tương ứng với 3 giai đoạn trong chu kỳ phát triển ứng dụng:
Giai đoạn |
Lợi ích chính của Firebase | Các dịch vụ Firebase |
Build (Xây dựng) |
Giúp xây dựng ứng dụng nhanh chóng |
|
Release & Monitor (Phát hành & Giám sát) |
Cung cấp các công cụ kiểm tra, phân tích và phân phối, đảm bảo trải nghiệm ứng dụng mượt mà cho người dùng |
|
Grow & Engage
(Phát triển lớn mạnh & Tương tác) |
Cung cấp công cụ nâng cao để tăng cường quá trình tương tác của người dùng, giúp tiếp cận và thu hút khách hàng |
|
Sau khi đã nắm được Firebase là gì và có những dịch vụ chính nào, hãy cùng tìm hiểu cụ thể từng loại dịch vụ theo các giai đoạn: Xây dựng ứng dụng – Phát hành & Giám sát ứng dụng – Phát triển & Tương tác.
Các dịch vụ Firebase giúp Xây dựng ứng dụng
Cơ sở dữ liệu
Firebase cung cấp hai cơ sở dữ liệu là Cloud Firestore và Realtime Database (RTDB), giúp lưu trữ và đồng bộ hóa dữ liệu trong thời gian thực trên các máy khách, ngay cả khi người dùng ngoại tuyến.
- Cloud Firestore (hay Google Firestore): Là một cơ sở dữ liệu NoSQL lưu trên đám mây, cho phép developer lưu trữ, truy vấn và truy xuất dữ liệu có cấu trúc một cách linh hoạt và có thể mở rộng.
- Realtime Database của Firebase là cơ sở dữ liệu dựa trên công nghệ đám mây, dùng để lưu trữ dữ liệu dạng JSON và thực hiện đồng bộ hóa dữ liệu theo thời gian thực với các máy khách được kết nối.
Đọc thêm: Tìm hiểu A-Z phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu MongoDB (NoSQL) và MySQL (SQL)
Firebase Machine Learning
Firebase Machine Learning (hay Firebase ML) là một SDK (Software development kit – tạm dịch: Bộ công cụ phát triển phần mềm) giúp khai thác sức mạnh máy học của Google để triển khai cho các ứng dụng mobile thông qua một bộ kit gồm các công cụ tiện lợi.
Bộ công cụ máy học Firebase Machine Learning. Nguồn: TechGig
Ưu điểm của việc sử dụng Firebase ML là không đòi hỏi developer phải có kiến thức chuyên sâu về tối ưu hóa mô hình hay neural network.
Cloud Functions
Firebase Cloud Functions là một nền tảng dựa trên điện toán đám mây không có máy chủ (serverless), cho phép developer chạy code back-end tùy chỉnh để phản hồi các sự kiện.
Developer có thể viết các hàm phản hồi các thay đổi cơ sở dữ liệu, hành động của người dùng, yêu cầu HTTP,… và có thể được thực thi trong một môi trường được quản lý, giúp giảm nguồn lực dành cho việc mở rộng quy mô và quản lý máy chủ.
Firebase Authentication (Xác thực)
Firebase cung cấp các thư viện UI, back-end và SDK có sẵn để tạo các chức năng đăng ký, đăng nhập và quản lý danh tính của người dùng.
Nó hỗ trợ nhiều phương thức xác thực khác nhau, bao gồm email/mật khẩu, đăng nhập mạng xã hội (Google, Facebook, v.v.), xác thực số điện thoại, v.v.
Firebase Cloud Messaging
Firebase Cloud Messaging (hay FCM) là dịch vụ nhắn tin đa nền tảng miễn phí. Nó cho phép chủ ứng dụng gửi tin nhắn (lên tới 4KB đối với nhắn tin tức thời) cho người dùng để thu hút và giữ chân họ.
Developer có thể sử dụng FCM để gửi thông báo đẩy (push notification), cập nhật nội dung ứng dụng,… ngay cả khi người dùng không sử dụng ứng dụng.
Ví dụ về cách ứng dụng FCM. Nguồn: Firebase
Firebase Hosting
Firebase Hosting là dịch vụ lưu trữ tĩnh nhanh và an toàn, có thể mở rộng quy mô cho microservices, ứng dụng web và một số loại nội dung khác.
Firebase Cloud Storage (Lưu trữ đám mây)
Lưu trữ đám mây của Firebase cung cấp bộ nhớ đám mây an toàn, có thể mở rộng, dùng để lưu trữ và phân phát nội dung do người dùng tạo, chẳng hạn như hình ảnh, video và các tệp khác.
Nó cung cấp các API đơn giản để tải lên, tải xuống và quản lý tệp, cùng với quyền kiểm soát truy cập cụ thể.
Local Emulator Suite (Bộ giả lập cục bộ)
Firebase cung cấp Local Emulator Suite (tạm dịch: Bộ giả lập cục bộ) cho phép developer kiểm thử các tính năng khác nhau mà không phải trả thêm phí.
Local Emulator Suite hiện cung cấp trình giả lập cho các tính năng Cloud Functions, cơ sở dữ liệu, lưu trữ, Google Cloud Pub/Sub và sắp tới là nhiều các tính năng khác.
Các dịch vụ Firebase giúp Phát hành & Giám sát ứng dụng
Firebase Crashlytics (Phân tích sự cố)
Firebase Crashlytics là trình báo cáo lỗi theo thời gian thực, cung cấp các báo cáo chi tiết về sự cố, dựa trên mức độ ảnh hưởng của sự cố đến trải nghiệm của người dùng.
Nó giúp developer tìm, xác định nguyên nhân gốc rễ và khắc phục lỗi nhanh chóng. Do đó, Firebase Crashlytics là công cụ hữu ích để ngăn chặn các sự cố liên quan đến độ ổn định.
Firebase Analytics (Phân tích)
Firebase Analytics đề cập đến các tính năng của Google Analytics được tích hợp với Firebase.
Developer có thể sử dụng Firebase Analytics để phân tích hành vi người dùng, cách sử dụng ứng dụng và nhân khẩu học của người dùng để đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu.
Các thao tác có thể thực hiện với Firebase Analytics :
- Theo dõi các chỉ số chính
- Đo lường hiệu suất của ứng dụng
- Thu thập thông tin chi tiết với báo cáo không giới hạn
Performance Monitoring (Giám sát hiệu suất)
Performance Monitoring là một SDK cung cấp thông tin chuyên sâu về hiệu suất ứng dụng.
Dịch vụ này giúp developer theo dõi, hiểu rõ hơn các đặc điểm về hiệu suất của ứng dụng như: mức sử dụng CPU, mức sử dụng bộ nhớ và lưu lượng mạng, vị trí và thời điểm có thể cải thiện hiệu suất của ứng dụng.
Test Lab
Firebase Test Lab là cơ sở hạ tầng đám mây dùng để kiểm thử ứng dụng, cho phép:
- Kiểm thử ứng dụng bằng một thao tác trên nhiều thiết bị và cấu hình khác nhau.
- Xem kết quả, bao gồm ảnh chụp màn hình, nhật ký và video trong bảng điều khiển Firebase.
- Đảm bảo ứng dụng hoạt động tốt trên nhiều loại thiết bị và trong các điều kiện mạng khác nhau.
Giao diện Firebase Test Lab. Nguồn: Firebase Blog
App Distribution (Phân phối ứng dụng)
Dịch vụ Phân phối ứng dụng cung cấp hiển thị tổng quan bản beta của ứng dụng trên nền tảng Android và iOS. Người dùng Firebase có thể nhận được phản hồi hữu ích trước khi phát hành ứng dụng.
Các dịch vụ Firebase giúp Phát triển ứng dụng và Tương tác với người dùng
Firebase Remote Config (Cấu hình từ xa)
Firebase Remote Config (Cấu hình từ xa) là một giải pháp đám mây cho phép người dùng sửa đổi hành vi và giao diện của ứng dụng mà không cần cập nhật. Người dùng cũng có thể tạo các giá trị in-app mặc định để bảo trì hành vi và giao diện của ứng dụng.
Predictions (Dự đoán)
Dự đoán Firebase tận dụng khả năng học máy đối với dữ liệu để phát triển phân khúc người dùng động dựa trên hành vi. Tính năng dự đoán tự động có thể kết hợp với các dịch vụ khác như Remote Config, Nhắn tin trong ứng dụng, A/B Testing và trình tổng hợp Thông báo Firebase.
A/B Testing
A/B Testing giúp developer nhanh chóng kiểm tra các sửa đổi được thực hiện đối với UI, các feature và chiến dịch trước khi ứng dụng khởi chạy.
A/B Testing giúp mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn với việc cải thiện khả năng quản lý, mở rộng quy mô và phân tích ứng dụng.
Firebase Dynamic Links
Firebase Dynamic Links (Liên kết động) là các URL thông minh, cho phép hướng người dùng tiềm năng và người dùng hiện tại đến các phần nhất định trong ứng dụng mobile.
Dịch vụ này có thể hoạt động mà không bị ảnh hưởng bởi quá trình cài đặt. Nó cho phép người dùng mới truy cập nội dung ngay cả khi khởi chạy ứng dụng lần đầu.
In-app messaging (Nhắn tin trong ứng dụng)
Nhắn tin trong ứng dụng là một dịch vụ giúp thu hút người dùng đang hoạt động, thông qua các tin nhắn theo ngữ cảnh. Người dùng có thể thực hiện các hành động cụ thể trong ứng dụng để truy cập các tính năng khác nhau, hoặc mở khóa các dịch vụ nhất định.
Firebase Admob
Firebase AdMob là nền tảng quảng cáo trên điện thoại di động, cho phép developer kiếm tiền từ ứng dụng của họ, bằng cách hiển thị quảng cáo từ nhiều mạng quảng cáo khác nhau.
Nó cung cấp các định dạng quảng cáo như biểu ngữ, quảng cáo xen kẽ, quảng cáo video có tặng thưởng và quảng cáo gốc, giúp developer tạo doanh thu từ ứng dụng của họ.
Các ứng dụng nổi tiếng sử dụng Firebase
- Alibaba – công ty thương mại điện tử nổi tiếng, đã sử dụng Firebase Cloud Messaging (FCM) để tạo thông báo đẩy (push notification) theo thời gian thực cho người dùng, giúp thu hút và giữ chân khách hàng của họ. Các ứng dụng nổi tiếng khác sử dụng để gửi tin nhắn đến thiết bị của người dùng là Facebook và Twitter.
- Shazam, Airbnb sử dụng Xác thực Firebase để xử lý xác thực người dùng và quản lý tài khoản, cho phép người dùng đăng nhập và truy cập các tính năng được cá nhân hóa.
- Meet – ứng dụng trò chuyện video hàng đầu, đã sử dụng Firebase Cloud Firestore để đồng bộ hóa dữ liệu theo thời gian thực trên các thiết bị, và chia tỷ lệ liền mạch khi mức độ tương tác của người dùng tăng lên.
- PicsArt – nền tảng chỉnh sửa và chia sẻ ảnh, đã tích hợp Firebase Crashlytics để theo dõi độ ổn định của ứng dụng, đồng thời xác định và khắc phục sự cố chi tiết, giúp PicsArt cải thiện độ tin cậy của ứng dụng.
- Duolingo – nền tảng học ngôn ngữ nổi tiếng, sử dụng Firebase Remote Config để tự động định cấu hình và cá nhân hóa nội dung, bố cục và cờ tính năng của ứng dụng mà không yêu cầu cập nhật ứng dụng.
- Instacart – dịch vụ giao hàng tạp hóa, sử dụng Firebase Cloud Functions để xử lý logic back-end cho ứng dụng của họ, chẳng hạn như xử lý đơn hàng, quản lý hàng tồn kho và tích hợp thanh toán.
- Snapchat sử dụng Firebase Realtime Database để lưu trữ và đồng bộ hóa dữ liệu theo thời gian thực trong ứng dụng.
Những lý do nên dùng Firebase để phát triển ứng dụng là gì?
Firebase là giải pháp giúp đưa ý tưởng ứng dụng của bạn thành hiện thực một cách nhanh chóng và hiệu quả vì:
- Nền tảng “Tất cả trong một” chứa các công cụ hỗ trợ toàn bộ chu trình phát triển ứng dụng.
- Cung cấp dịch vụ back-end toàn diện, giúp tăng tốc độ phát triển ứng dụng.
- Được hỗ trợ bởi Google.
- Môi trường không máy chủ (serverless) giúp giảm bớt quy trình xử lý DevOps, thiết lập và không cần nhiều kỹ sư có kinh nghiệm để quản lý cơ sở hạ tầng.
- Tận dụng sức mạnh của máy học với bộ công cụ Firebase Machine Learning.
- Sao lưu tự động, hạn chế mất dữ liệu.
- Dễ dàng tích hợp vào codebase.
- Cung cấp Gói Firebase Spark miễn phí cho người dùng mới bắt đầu.
So sánh phát triển ứng dụng bằng Firebase với phương pháp truyền thống
Yếu tố | Firebase | Phương pháp truyền thống |
Cơ sở hạ tầng backend | Không máy chủ (Serverless) | Máy chủ tự quản lý |
Cập nhật theo thời gian thực | Đồng bộ hóa dữ liệu thời gian thực | Kiểm tra và làm mới dữ liệu thủ công |
Xác thực | Hệ thống xác thực tích hợp | Triển khai tùy chỉnh hoặc thư viện của bên thứ ba |
Lưu trữ đám mây | Bằng Firebase Cloud Storage | Cơ sở hạ tầng tự quản lý |
Cơ sở dữ liệu thời gian thực | Firebase Realtime Database và Cloud Firestore | Cơ sở dữ liệu tự quản lý |
Khả năng mở rộng | Tự động mở rộng quy mô và quản lý tài nguyên | Mở rộng quy mô và cung cấp tài nguyên thủ công |
Bảo trì và cập nhật | Firebase xử lý | Tự quản lý bảo trì và cập nhật |
Tốc độ phát triển ứng dụng | Phát triển ứng dụng nhanh chóng với các dịch vụ có sẵn | Thời gian phát triển lâu hơn cho phần back-end |
Ưu điểm chính của Firebase là giúp quy trình phát triển ứng dụng nhanh chóng và dễ dàng hơn. Nguồn: GeeksforGeeks
Hạn chế khi sử dụng Firebase
- Không phải mã nguồn mở
- Phụ thuộc vào nhà cung cấp
- Chỉ chạy trên Google Cloud
- Chỉ hoạt động với Cơ sở dữ liệu NoSQL
- Truy vấn chậm
- Không cung cấp lựa chọn máy chủ chuyên dụng
- Không cung cấp hợp đồng doanh nghiệp
- Không phải tất cả các dịch vụ Firebase đều miễn phí
- Giá cao và khó ước tính
5 gợi ý sử dụng Firebase hữu ích
1. Triển khai trải nghiệm đa thiết bị
Kết hợp tính năng Xác thực, các cơ sở dữ liệu như Realtime Database, Firestore và tính năng đồng bộ hóa theo thời gian thực của Firebase, bạn có thể triển khai trải nghiệm đa thiết bị chất lượng cao dễ dàng.
2. Tiện ích trò chuyện cài sẵn
Cũng là sự kết hợp như trên, Firebase hỗ trợ tạo các tiện ích trò chuyện trong ứng dụng một cách rất dễ dàng.
- Với tính năng Xác thực, bạn có thể nhanh chóng nhận diện và kết nối những người dùng có liên quan.
- Với Realtime Database hoặc Firestore và tính năng đồng bộ hóa thời gian thực, bạn có thể triển khai tính năng trò chuyện qua text hoặc video với sự trợ giúp từ WebRTC.
- Cuối cùng, chỉ cần cài đặt plug-in Cloud Messaging để tạo thông báo, bạn đã hoàn thành tiện ích để người dùng trò chuyện hoặc liên hệ với bộ phận hỗ trợ, đặt câu hỏi liên quan đến sản phẩm,…
3. Chia sẻ nội dung
Sử dụng Firebase Cloud Storage, bạn có thể cho phép người dùng chia sẻ nội dung video, hình ảnh hoặc âm thanh đã tải lên trên ứng dụng. Ngoài ra, với Firebase Cloud Functions, bạn có thể nén các tệp hình ảnh và video quá lớn ở phía máy chủ.
Nhờ siêu dữ liệu và tham chiếu bổ sung trong Firestore hoặc Realtime Database, bạn sẽ thấy rõ ai có quyền gì, đối với tệp nào và có thể cấp quyền quản lý phù hợp cho người dùng.
4. Tối ưu hoá quảng cáo
Vì Firebase là một nền tảng của Google, nên nó tích hợp với các dịch vụ quảng cáo của Google như AdSense hoặc AdMob. Nhờ đó, bạn sẽ có thể xem và quản lý quảng cáo của mình một cách nhanh chóng – cho dù về doanh thu, chiến dịch hay vị trí đặt quảng cáo.
5. Hệ thống giới thiệu (Referral system)
Các tính năng như Firebase Cloud Functions, với trợ giúp của Dynamic Links giúp xây dựng hệ thống giới thiệu ứng dụng đơn giản hơn. Nhờ đó, bạn có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển của ứng dụng thông qua lượt giới thiệu.
Các câu hỏi thường gặp về Firebase
1. Cách tạo dự án Firebase
- Truy cập bảng điều khiển Firebase và đăng nhập bằng tài khoản Google của bạn.
- Nhấp vào Add project (Thêm dự án).
- Nhập Tên dự án và nhấp vào Continue (Tiếp tục).
- Nhấp vào Tạo dự án. Khi dự án được tạo, hãy chọn Tiếp tục. Dự án Firebase của bạn đã được tạo thành công!
2. Cách thêm Firebase vào một dự án hiện có
- Bước 1: Tạo dự án Firebase với các bước trên.
- Bước 2: Đăng ký ứng dụng của mình với dự án Firebase:
+ Truy cập bảng điều khiển Firebase. Nhấp vào biểu tượng iOS+/ Android (plat_android)/ Web.
+ Nhập ID gói ứng dụng của bạn vào.
+ Chọn Register App (Đăng ký ứng dụng).
3. Google Firebase có an toàn không?
Tất cả các trung tâm dữ liệu của Firebase đều được chứng nhận SOC 2 Loại 2 và ISO 27001. Firebase cũng sử dụng nhiều biện pháp bảo mật khác nhau để bảo vệ dữ liệu của khách hàng:
- Mã hóa dữ liệu: Tất cả dữ liệu của Firebase đều được mã hóa khi lưu trữ và truyền.
- Nhật ký truy cập: Firebase ghi lại tất cả quyền truy cập vào dữ liệu để doanh nghiệp có thể theo dõi ai đã truy cập dữ liệu ứng dụng và khi nào.
- Kiểm soát truy cập dựa trên vai trò: Firebase cung cấp quyền kiểm soát cụ thể đối với mỗi người dùng khi truy cập dữ liệu ứng dụng.
Ví dụ phân quyền kiểm soát truy cập dựa trên vai trò trong Google Firebase. Nguồn: TechTarget.
4. Chi phí sử dụng Firebase thế nào?
Firebase cung cấp các gói miễn phí và có tính phí, dựa trên mức sử dụng của người dùng:
Gói Spark | Gói Blaze | |
Chi phí | Miễn phí |
Có tính phí. Phí tăng dần khi người dùng mở rộng quy mô.
|
Dịch vụ |
|
Tất cả các tính năng của Spark Plan cùng với một số tính năng bổ sung như:
|
Cập nhật thông tin Firebase năm 2023
Giới thiệu tính năng xuất bản Tiện ích mở rộng
Các developer có ý tưởng mới về tiện ích mở rộng, hoặc muốn giúp mọi người bắt đầu với API của doanh nghiệp mình – giờ đã có thể sử dụng tính năng xuất bản Tiện ích mở rộng để xây dựng, xuất bản và chia sẻ tiện ích mở rộng của chính mình với hàng triệu developer Firebase và Google Cloud trên toàn thế giới.
Truy cập Trung tâm tiện ích mở rộng Firebase tại extension.dev để khám phá các tiện ích mở rộng, cũng như tìm tài liệu về cách xuất bản tiện ích mở rộng của riêng bạn.
Cloud Functions thế hệ thứ 2 hỗ trợ Python
Cloud Functions thế hệ thứ 2 được giới thiệu từ 2022, nay sắp được cung cấp rộng rãi với:
- Bộ nhớ xử lý lên tới 32 GB.
- Cho phép mỗi phiên bản của một function xử lý song song tới 1000 yêu cầu, cải thiện độ trễ và giảm chi phí.
- Hỗ trợ trình kích hoạt để kết hợp nhiều sản phẩm Firebase, bao gồm cả Firestore.
- Có hỗ trợ Python: Cho phép developer viết hàm theo ngôn ngữ ưa thích, tận dụng lợi thế của hệ sinh thái Python và các giải pháp nguồn mở cho các tác vụ như: máy học, xử lý dữ liệu và phân tích khoa học.
Việc làm Python hấp dẫn trên ITviec
Hỗ trợ cho các truy vấn OR nói chung trong Firestore
Điều này giúp tìm các tài liệu đáp ứng một hoặc nhiều tiêu chí, hoặc kết hợp nhiều điều kiện trong nhiều lĩnh vực. Bạn cũng có thể kết hợp toán tử OR với ORDER BY để sắp xếp kết quả.
Tính năng App Check cho xác thực và trò chơi
App Check giúp bảo vệ Firebase, Cloud và các tài nguyên back-end khỏi việc bị truy cập và lạm dụng trái phép. Năm 2023, Google công bố App Check đã có thể dùng để bảo vệ cho tính năng Xác thực bằng Nền tảng nhận dạng và phát hiện gian lận trong mobile game.
Tổng kết
Bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ về các khái niệm Firebase là gì, ưu – nhược điểm của Firebase và ứng dụng của Firebase trong toàn bộ quy trình phát triển ứng dụng. Là một nền tảng mạnh mẽ, Firebase tạo ra vô số khả năng và cơ hội thành công cho các ý tưởng ứng dụng của bạn.
Vì thế, hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt với việc sử dụng nền tảng dịch vụ này nhé. Đừng quên chờ đón các bài viết hữu ích khác liên quan đến chủ đề phát triển ứng dụng trên ITviec Blog nhé!