Nội dung chính
Giám đốc công nghệ (CTO) là ai? CTO là viết tắt của từ Chief Technology Officer. Vị trí tuy hấp dẫn, nhân sự ngành này vẫn thiếu mỗi năm. Vậy thì công việc của CTO khó khăn hay yêu cầu cao thế nào mà khó tuyển người thế?
Những nhà tuyển dụng vẫn “kêu trời” vì thiếu vị trí Giám đốc Công nghệ đáp ứng được cả về “chất” lẫn “lượng” dù số lượng việc làm CTO được đăng tuyển không nhiều và mức lương cho vị trí này cực kỳ hấp dẫn (có thể ở mức 10.000 USD/tháng).
Lý do vì sao lại như vậy? Hãy cùng ITviec trò chuyện với anh Nguyễn Hoàng Việt – Vice President of Technology của TIKI để biết thêm về công việc cụ thể của CTO là gì cũng như những lời khuyên cho những bạn đang muốn phát triển sự nghiệp lên CTO.
Xem thêm việc làm CTO trên ITviec
Công việc của Giám đốc Công nghệ CTO là gì?
Việc của anh Hoàng Việt ở cương vị CTO là đưa ra tầm nhìn về sản phẩm, lựa chọn công nghệ phù hợp, tham gia tuyển dụng và quản lý nhân sự để thực hiện mục tiêu chung.
Ngoài ra, anh Việt liệt kê các đầu công việc hằng ngày của anh tại TicketBox với vai trò là một giám đốc công nghệ:
- Nắm tình hình chung của công ty
Ở công ty có hệ thống dashboard (bảng điều khiển), reporting (báo cáo) để giám đốc công nghệ quan sát xem mọi thứ xung quanh doanh nghiệp của mình có đang vận hành bình thường hay không.
Nếu có vấn đề gì thì giám đốc công nghệ phải là người biết sớm nhất có thể để có hướng khắc phục.
- Kiểm tra tiến độ dự án và nhận báo cáo từ team
Muốn chuyển đổi mô hình doanh nghiệp từ truyền thống lên internet đòi hỏi phải có nhiều dự án. CTO phải biết phân chia và kiểm soát việc triển khai, thực thi cho các dự án này.
Để đảm bảo tiến độ dự án không gặp vấn đề, anh Việt chủ yếu quản lý bằng Scrum, Sprint…
Ví dụ: 2-3 ngày nữa là đến deadline mà team còn tới 100 task hay 100 story point… thì anh phải chú ý. Anh phải gọi Project Manager, Leader để hỏi xem tại sao như thế, hiểu rõ rồi thì phải giải quyết nhanh chóng.
- Hỗ trợ tư vấn, đưa ra lời khuyên khi team cần hỗ trợ
Đưa ra Technical Decision (quyết định về công nghệ) đúng nhất để trải nghiệm khách hàng tốt nhất. Để có thể đưa ra quyết định, lời khuyên tốt nhất, một người CTO cần:
- Phải dựa vào data: Với tình huống, vấn đề đó thì giải pháp công nghệ nào là phù hợp và đáp ứng được quy mô hiện tại của công ty.
- Phải dựa vào kinh nghiệm và có vốn hiểu biết sâu, rộng: Trong suốt những năm làm việc, anh Việt đã làm sâu một số lĩnh vực và biết thêm một số lĩnh vực khác và điều đó giúp anh có cảm quan tốt hơn khi đưa ra Technical Decision.
Chẳng hạn nói về Tech thì Mobile anh đã từng làm, Front-end, Back-end và cả Data anh đều đã làm hết.
- Thống nhất với một số phòng ban liên quan để làm sao triển khai dự án tốt nhất
Khi đã có mục tiêu chung thì CTO phải làm thế nào để hướng cả team đi tới đó một cách nhanh nhất có thể.
Những kỹ năng và tố chất cần thiết với một Giám đốc Công nghệ CTO
- Phải có chuyên môn về lĩnh vực mình làm
Nếu CTO không biết, không hiểu về lĩnh vực của mình thì chắc chắn họ không thể đưa ra quyết định đúng đắn.
Có những thời điểm, các Giám đốc Công nghệ sẽ nghĩ rằng họ biết hết mọi thứ rồi nhưng vào một ngày đẹp trời nào đó, khi có nhiều vấn đề xảy ra thì họ phát hiện vấn đề đó hoàn toàn mới.
Anh Việt đã từng trải qua giai đoạn như vậy. Anh cho rằng, đó chính là cơ hội để bản thân mình học hỏi.
Với những vấn đề anh không có kinh nghiệm thì hoặc là anh tự học, hoặc là anh kiếm người có khả năng, có kinh nghiệm giải quyết vấn đề đó. Anh quan sát cách họ làm, cùng làm với họ thì tự nhiên lại có thêm kinh nghiệm.
Điều kiện môi trường của Tiki cũng khuyến khích nhân viên dám thử, dám làm. Và tất nhiên là phải dám chịu trách nhiệm về nó. Nhờ vậy, ai cũng cơ hội để phát triển bản thân.
- Phải có khả năng lãnh đạo
Một người giám đốc công nghệ cần phải vạch ra đích đến và lên phương án triển khai, dẫn dắt mọi người cùng nhìn về một hướng. Càng lên các vị trí cao thì kỹ năng quản lý, hiểu về con người, giúp con người phối hợp với nhau nhịp nhàng lại càng trở nên tối quan trọng hơn.
Kỹ năng lãnh đạo cần nhiều thời gian để hoàn thiện, thông qua quá trình giao tiếp để điều chỉnh suy nghĩ và phản ứng cho phù hợp. Đối với anh Việt, khả năng lãnh đạo của một CTO có tốt hay không được thể hiện ở các khía cạnh:
- Linh hoạt: Với anh tất cả mọi thứ ở công việc đều phải nghiêm túc, một khi các bạn đã hứa, đã cam kết thì phải làm. Anh Việt kể vui rằng các bạn cũng hay bảo anh bình thường thì nói chuyện thoải mái nhưng khi bước vào phòng họp thì như một con người khác, rất đáng sợ.
- Tạo ra platform (nền tảng) để các bạn học hỏi và đóng góp giá trị. Muốn có khả năng lãnh đạo tốt, một giám đốc công nghệ CTO nên cho các bạn chủ động tạo ra giá trị chứ không phải chỉ đâu đánh đó.
- Phân quyền: Cái gì mình yếu thì nên tìm người giỏi hơn để trao quyền. Nếu mình mà làm mọi thứ thì vô tình ngăn cản mọi người, làm trì trệ cả team. Vậy nên việc phân quyền cho nhân viên là điều cần thiết.
- Phải có khả năng phân chia quỹ thời gian
Quỹ thời gian của một CTO cần phải được đầu tư ở nhiều nơi.
Tốc độ phát triển của một tổ chức được đo lường bằng người đi chậm nhất công ty. Nếu một người giám đốc công nghệ mà không biết cách quản lý quỹ thời gian hợp lý thì khả năng cao, họ sẽ là ứng cử viên sáng giá cho vị trí “chậm nhất công ty” này.
- Giám đốc Công nghệ có cần giỏi code không?
Đây là câu hỏi mà ắt hẳn nhiều người cũng thắc mắc. Anh Việt cho rằng tố chất này tùy thuộc vào quy mô công ty.
Công ty nhỏ thì CTO phải giỏi code vì lúc đó họ code chính, lỡ có bug thì cũng đau đầu. Anh lấy ví dụ, một team nhỏ, chỉ khoảng 5-10 người thì dù chức vụ của anh là CTO, anh cũng phải ngồi code như một bạn lập trình viên bình thường.
Còn công ty lớn thì anh nói thật, em không có cơ hội ngồi code đâu. Khi team lên 50-100 người thì anh không thể làm hết mọi chuyện được, lúc này anh thiên về quản lý nhiều hơn.
Anh cũng chia sẻ vẫn thích code nhưng mà chủ yếu là dùng thời gian ngoài giờ làm để học thêm cái mới.
Tuy nhiên, anh Việt vẫn nhấn mạnh rằng nếu CTO có khả năng code thì tốt, điều đó sẽ giúp họ đỡ lạc lõng trong cuộc họp và hạn chế đưa ra những ý tưởng tồi.
Tài liệu tham khảo cho CTO
Anh Việt chia sẻ một cuốn sách giải thích khoa học về logic suy nghĩ của con người mà anh rất thích là Thinking, Fast and Slow (Tư duy nhanh và chậm).
Sách cho biết mình đang dùng suy nghĩ nào trong giao tiếp, có điều gì mình đang assume hay không. Như vậy, mình sẽ hiểu bản thân mình và tiến đến hiểu về người khác, từ đó, đưa ra được giải pháp đúng.
Còn những tài liệu liên quan đến doanh nghiệp, đến data, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu như thế nào thì anh học từ đồng nghiệp – những người đã từng làm cho các công ty lớn như Amazon chẳng hạn.
Giám đốc Công nghệ (CTO) trong ngành nói gì?
- Xây dựng mindset data-driven cho team là cần thiết
Theo anh Việt, việc của anh tại vị trí CTO là giúp các bạn xây dựng mindset data-driven, ít dựa vào cảm tính. Mọi quyết định đều từ data, tránh assume (giả định) rằng cái này đúng, cái kia đúng…
Mindset trong hoạt động của Tiki là data-driven, và chính mindset đó giúp Tiki tăng trưởng và phát triển rất nhiều suốt 10 năm vừa qua.
Một người giám đốc công nghệ nên giải thích cho các bạn hiểu tầm quan trọng của data, hướng dẫn các bạn biết về những công cụ cơ bản như Google Tag Manager, Google Analytics… và chỉ cho các bạn thấy thực tế nó hiệu quả ra sao.
Đương nhiên, sẽ có bạn thấy chuyện này là chuyện mình cần học thì sẽ hòa nhập tốt, có bạn thấy chưa tới thời điểm thích hợp thì đó là sự lựa chọn của các bạn. Chủ yếu là sự khác biệt về tư duy, định hướng giữa con người với con người.
- Trau dồi kiến thức nhiều ngành nghề sẽ giúp ích khi làm CTO
Như đã có chia sẻ, trước khi gia nhập Tiki, anh Việt hầu như thuần về Tech, chỉ biết một chút về Marketing, Kế toán, Tài chính… nhưng chưa có cơ hội cọ xát nhiều.
Khi làm việc ở Tiki, sự tăng trưởng nhanh chóng của công ty đòi hỏi bất cứ nhân viên nào cũng phải nỗ lực phát triển mỗi ngày, trau dồi kiến thức sâu rộng. Ngoài Tech, anh phải biết về Sales, Marketing, Product… và bắt tay vào làm những thứ trước đây mình chưa từng biết.
Tuy nhiên tới cuối ngày anh vẫn là một Tech guy, làm việc chủ yếu với công nghệ. Chỉ khác là anh biết cách vận hành cũng như kinh doanh Tech như thế nào.
Chính những trải nghiệm này giúp anh ở hiện tại, với vai trò là giám đốc công nghệ, đưa ra được những quyết định về sản phẩm và công nghệ phù hợp.
Tiểu sử:
Anh Nguyễn Hoàng Việt từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại Tiki như Product Manager, Engineering Director trước khi chính thức chuyển sang làm Giám đốc Công nghệ CTO (Chief Technology Officer) cho TicketBox vào tháng 8 năm 2019 – giai đoạn TicketBox sáp nhập vào Tiki. Hiện tại, anh đang là Vice President of Technology của TIKI.
Bạn thấy bài viết hay và cần thiết với nhiều người? Đừng ngại nhấn nút Share bên dưới nhé.
Và đừng quên tham khảo việc làm CTO trên ITviec