Trong thị trường cạnh tranh như hiện nay, sản phẩm đóng vai trò cốt lõi cho sự thành công của doanh nghiệp. Một sản phẩm chất lượng cần đáp ứng đầy đủ nhu cầu khách hàng và đúng với định hướng phát triển của công ty đó. Trong công ty, người chịu trách nhiệm thực hiện những việc này chính là Product Owner. Bài viết sau của ITviec sẽ giải đáp từ A đến Z cho bạn về Product Owner là gì, họ làm gì và cần gì để trở thành PO chuyên nghiệp.

Bài viết sau sẽ giúp bạn nắm rõ:

  • Các thông tin cơ bản về Product Owner như định nghĩa Product Owner là gì, công việc chính, kỹ năng cần có, quy trình làm việc, mức lương,…
  • Phân biệt giữa 3 khái niệm Product Owner và Scrum Master, Product Manager

Product Owner là gì?

Product Owner (PO) là một vai trò quan trọng trong các mô hình phát triển phần mềm Agile, đặc biệt là Scrum. Product Owner chịu trách nhiệm định hướng, phát triển product backlog phù hợp với nhu cầu khách hàng và các bên liên quan. 

Tùy vào mô hình doanh nghiệp, Product Owner sẽ có sự thay đổi trong quy trình và khối lượng công việc. Dưới đây là 6 vai trò Product Owner chính: 

  • Platform Owner: Vị trí này thường có trong những công ty phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ nhiều sản phẩm, dịch vụ khác nhau. Họ sẽ chịu trách nhiệm tổng thể về việc phát triển, quản lý và vận hành nền tảng, đảm bảo nền tảng đó ổn định và đáp ứng được mọi nhu cầu của sản phẩm, dịch vụ hoạt động trên đó. 
  • SCRUM PO: Đây là cách gọi khác của Product Owner trong một nhóm Scrum cụ thể. Khi đó SCRUM Product Owner sẽ quản lý product backlog, làm việc với nhóm phát triển và đảm bảo sản phẩm được thực hiện theo đúng quy trình.
  • SAFe PO: Product Owner ở vị trí này sẽ tập trung vào Scaled Agile Framework (SAFe), một sản phẩm cụ thể lớn hơn. Chẳng hạn, thay vì tạo giao diện người dùng, SAFe Product Owner sẽ phát triển hệ thống quản lý bán hàng mới.
  • Portfolio Owner: Portfolio Owner sẽ đảm nhiệm toàn bộ danh mục sản phẩm của một tổ chức. Họ sẽ xác định chiến lược sản phẩm tổng thể, phân bổ nguồn lực, và ưu tiên các sản phẩm khác nhau để đạt được mục tiêu kinh doanh.
  • Component Owner: Một thành phần phức tạp có thể bao gồm nhiều thành phần riêng lẻ  nên Component Owner sẽ chỉ phát triển và tích hợp một phần sản phẩm với các thành phần khác.

Công việc chính của Product Owner là gì?

Quá trình làm việc của Product Owner đòi hỏi nhiều bước kết hợp với khách hàng và các nhóm liên quan. Các nhiệm vụ chính của Product Owner bao gồm: 

Xác định tính năng và mục tiêu sản phẩm

Product Owner sẽ nghiên cứu thị trường để hiểu rõ nhu cầu của khách hàng và các đối thủ cạnh tranh, xác định xu hướng và tìm ra điểm khác biệt của sản phẩm công ty. Dữ liệu nghiên cứu sẽ đến từ việc nghiên cứu thị trường qua các kênh thông tin trực tuyến, tài liệu kinh tế – xã hội từ chính phủ, các báo cáo, nghiên cứu chuyên ngành được công bố, tài liệu từ các thư viện (nghiên cứu thứ cấp – secondary research) hoặc trực tiếp từ việc phỏng vấn người dùng, khảo sát, kiểm chứng số liệu trực tiếp từ sản phẩm (nghiên cứu chính quy – primary research).

Từ đó, Product Owner sẽ xác định được mục tiêu cụ thể, đo lường KPI cuối cùng và các tính năng cần thiết mà sản phẩm cần có. Các tính năng này cần đảm bảo đem lại giá trị cho người dùng và khả thi về mặt kỹ thuật. Nói cách khác, đội phát triển sản phẩm của công ty cần có khả năng phát triển những tính năng đó.

Hỗ trợ xây dựng tầm nhìn và chiến lược sản phẩm

Thông thường, nhiệm vụ lên chiến lược phát triển sản phẩm là của PM (Product Manager).

Trong các công ty lớn, hai vị trí Product Owner và Product Manager sẽ được phân rõ vai trò và phối hợp nhịp nhàng với nhau để xây dựng và ra mắt sản phẩm. Khi đó, Product Owner sẽ thu thập dữ liệu thị trường và báo cáo với Product Manager. Product Manager sẽ dựa vào những dữ liệu chất lượng đó để kết hợp với kế hoạch kinh doanh tổng thể của toàn công ty để xây dựng tầm nhìn và chiến lược dài hạn cho sản phẩm công ty.

Phát triển backlog dựa trên mục tiêu sản phẩm

Product Owner sẽ phân tích và chuyển đổi mục tiêu chiến lược của Product Manager thành các tính năng cụ thể để nhóm Scrum thực hiện. Qua đó, nhóm Scrum sẽ nắm rõ và tập trung vào từng chi tiết của sản phẩm, còn Product Owner sẽ đảm bảo quy trình phát triển backlog đúng tiến độ.

Việc phát triển backlog cần đi kèm với sắp xếp ưu tiên các tính năng để phát triển dựa trên các phản hồi từ stakeholders. Product Owner cần giúp Scrum team hiểu rõ được tính chất quan trọng của từng yêu cầu, tránh để nhóm phát triển bị mất định hướng và quá tải với khối công việc dày đặc.

Nhận ý kiến từ các stakeholder và user

Product Owner đóng vai trò cầu nối giữa công ty với stakeholders và users, sau đó cân đối ưu tiên các ý kiến của họ để quyết định phần nào nên được nhóm Scrum thực hiện trước. Bởi lẽ, Product Owner nắm được mục tiêu kinh doanh tổng thể và điều phối công việc của nhóm Scrum.

Sau đó, Product Owner sẽ nhận phản hồi từ end user (người dùng cuối) để điều chỉnh và giải quyết những khó khăn thường gặp của họ. 

Giám sát các giai đoạn phát triển sản phẩm

Product Owner sẽ dựa vào 6 giai đoạn của quy trình phát triển từ việc lên ý tưởng ban đầu đến khi ra mắt thị trường.

  • Bước 1: Brainstorm ý tưởng sản phẩm dựa trên nhu cầu khách hàng, định hướng của công ty và kết quả nghiên cứu.
  • Bước 2: Xác định tính năng, giá trị và các số liệu đo lường được của sản phẩm.
  • Bước 3: Tạo demo và cùng Product Manager xây dựng chiến lược sản phẩm để chứng minh tính khả thi. Trình bày POC (Proof of concept) để kiểm nghiệm tính hiệu quả và khả năng thực thi ý tưởng sản phẩm cùng Product Manager. 
  • Bước 4: Xây dựng phiên bản prototype lần đầu để thu thập phản hồi của các bên liên quan và end user.
  • Bước 5: Dựa trên phản hồi từ người dùng và các stakeholders để điều chỉnh lại sản phẩm, đảm bảo các tính năng cơ bản đáp ứng được những vấn đề cần giải quyết trước khi ra mắt phiên bản MVP.
  • Bước 6: Chính thức ra mắt sản phẩm với công chúng.

Đảm bảo Scrum team hoạt động theo đúng hướng dẫn

Trong quá trình phát triển sản phẩm, sẽ có rất nhiều ý kiến đóng góp và đội Scrum rất dễ mất phương hướng. Product Owner sẽ dựa trên các nguyên tắc phát triển và giám sát từng bước hoạt động.

Một lưu ý rằng Product Owner sẽ không phải người tự đặt ra các nguyên tắc này (phần lớn là do Product Manager), họ chỉ phối hợp với các bên liên quan để truyền đạt ý tưởng cho nhóm Scrum.

Các kỹ năng quan trọng phải có của Product Owner là gì?

Nếu muốn trở thành một Product Owner chuyên nghiệp, bạn hãy “bỏ túi” các kĩ năng sau: 

  • Thấu hiểu khách hàng: Công việc của Product Owner không chỉ đơn thuần là thu thập dữ liệu khách hàng, mà còn có khả năng đào sâu về insight của họ. Trong một số trường hợp, khách hàng sẽ không chủ động nói ra ý kiến của mình, đòi hỏi PO phải tinh tế và thấu hiểu mong muốn thật sự của họ. 
  • Phân bổ công việc: Dù cho PO đảm nhiệm mọi thứ trong quy trình phát triển sản phẩm, nhưng việc một người quản lý và đảm bảo tất cả chất lượng là điều gần như bất khả thi. Nếu công việc quá tải, Product Owner nên ủy quyền và phân thêm các thành viên khác hỗ trợ quản lý các hạng mục nhỏ. 
  • Kiến thức về lập trình: Product Owner nên có kiến thức nền tảng về lập trình, để trực tiếp góp ý trong các khâu phát triển kỹ thuật. Điều này sẽ giúp Product Owner có thể tham gia vào các cuộc họp với nhóm phát triển để nắm rõ tiến độ và các vấn đề tồn đọng hoặc đề xuất phương án kỹ thuật phù hợp nhằm giải quyết các nhu cầu kinh doanh. 
  • Giải quyết vấn đề: Trong quá trình làm việc, vấn đề phát sinh là điều khó lòng tránh khỏi. Ví dụ như, sản phẩm demo không đúng với yêu cầu khách hàng và các phòng ban khác hoặc sản phẩm không hoạt động tốt như kỳ vọng. Các khó khăn này đòi hỏi Product Owner cần bình tĩnh để đưa ra định hướng giải quyết sáng suốt, đúng đắn. 

PO làm việc với Scrum Team như thế nào?

Product Owner chịu trách nhiệm hợp tác với Scrum Team để đảm bảo sản phẩm được phát triển đúng lộ trình. Dưới đây là một số công việc chính giữa hai bên: 

  • Xác định các hạng mục tính năng cần ưu tiên và tinh chỉnh product backlog với Scrum team. Điều này đảm bảo rằng Scrum team hiểu rõ những gì cần triển khai và thứ tự thực hiện. 
  • PO sẽ tham gia các buổi đánh giá và trình chiếu demo, sau đó cung cấp thông tin cuối cùng của cuộc họp cho Scrum team để điều chỉnh sao cho phù hợp. 
  • PO còn làm việc với Product Manager để truyền đạt thông tin về tầm nhìn, chiến lược dài hạn của sản phẩm để mọi thành viên Scrum đều nắm rõ timeline hoạt động. 
  • Theo dõi tiến độ: PO là người đưa ra yêu cầu cho Scrum team để họ xây dựng sản phẩm chất lượng. Ngoài ra, nếu nhóm Scrum có bất cứ khó khăn liên quan đến yêu cầu sản phẩm, PO sẽ đứng ra giải quyết.

Sự khác biệt giữa Product Owner và Scrum Master, Product Manager

Product Owner, Scrum Master và Product Manager đều cùng hợp tác và đảm bảo kết quả sản phẩm đáp ứng đúng theo chiến lược của công ty. Tuy nhiên, 3 vị trí này cũng sẽ có một số điểm khác biệt cơ bản:

Product Manager Product Owner Scrum Master
  • Lên kế hoạch dài hạn và quản lý tổng thể dự án sản phẩm.
  • Chịu trách nhiệm cuối cùng về tiến độ dự án, đảm bảo đúng ngân sách, mục tiêu đề ra,…
  • Giám sát toàn bộ vòng đời, lộ trình phát triển sản phẩm, làm việc với các đối tác kinh doanh.
  • Xác định và lập danh sách product backlog, đảm bảo nhóm Scrum tập trung vào các tính năng cần thiết nhất. 
  • Làm cầu nối giữa các bên liên quan như stakeholders, khách hàng, Product Manager,…
  • Hỗ trợ các bước hoàn thiện gấp rút và cải tiến sản phẩm. 
  • Dẫn dắt Scrum team làm việc hiệu quả theo lộ trình của Product Owner và Product Manager. 
  • Đảm bảo nhóm hoạt động theo đúng quy trình Agile.
  • Hỗ trợ nhóm cải thiện quy trình và chất lượng sản phẩm.

Nhìn chung, nếu xét về phạm vi và trách nhiệm công việc trong một dự án, ta có thứ tự sau: Scrum Master, Product Owner, Product Manager.

Đọc thêm: Product Owner vs Product Manager: Chi tiết cách phân biệt hai vị trí

Lương Product Owner có cao không?

Đây chắc hẳn là thắc mắc của nhiều người trước khi quyết định đi theo lĩnh vực này. Nhìn chung, lương thưởng của vị trí này sẽ khá cao so với mặt bằng chung. Dưới đây là mức lương cụ thể của Product Owner theo báo cáo lương IT mới nhất của ITviec: 

Số năm kinh nghiệm Mức lương trung bình 
Dưới 1 năm 19.000.000 VNĐ
1-2 năm 35.500.000 VNĐ
3-4 năm 50.000.000 VNĐ
5-8 năm 57.500.000 VNĐ
Trên 8 năm 59.000.000 VNĐ

Các câu hỏi thường gặp về Product Owner

Product Owner có cần biết kỹ năng code không?

Câu trả lời là KHÔNG.

Vị trí PO không bắt buộc yêu cầu kĩ năng code. Hiện nay cũng có nhiều nền tảng cung cấp mọi tài nguyên cần thiết, kể cả người không có kiến thức, kỹ năng lập trình cũng có thể tham gia. 

Tuy nhiên, nếu muốn quá trình làm việc với đội phát triển trơn tru hơn, PO vẫn nên có kiến thức cơ bản về code. Điều này sẽ giúp PO dễ dàng trao đổi và tham gia trực tiếp vào các cuộc họp của đội phát triển hơn.

Vai trò và trách nhiệm chính Product Owner là gì?

Công việc chính của Product Owner gồm 2 phần:

  • Một là tìm hiểu, nghiên cứu thị trường và ý kiến khách hàng để tạo danh sách tính năng sản phẩm (product backlog).
  • Hai là phối hợp với các bên liên quan và điều phối Scrum team để đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu.

Làm PO có cần chứng chỉ không? 

Nếu muốn làm đẹp CV của mình, bạn có thể tham khảo chứng chỉ Certified Scrum Product Owner (CSPO). Đây là một chứng chỉ quốc tế do Scrum Alliance cấp, chứng minh bạn có đủ kiến thức và kĩ năng cần thiết để đảm nhận vai trò PO trong Agile/Scrum.

Tổng kết

Product Owner chính là đại diện cho tiếng nói của khách hàng và các bên liên quan, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển để đáp ứng mọi mong đợi của họ. Để trở thành một PO chuyên nghiệp, bạn cần trau dồi rất nhiều kĩ năng như giải quyết vấn đề, quản lý, làm việc nhóm và có chuyên môn sâu rộng về khách hàng, sản phẩm và thị trường. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã nắm được những thông tin quan trọng về Product Owner là gì và lựa chọn hướng đi phù hợp cho bản thân.