Nội dung chính
- Đa số các chuyên gia IT Việt Nam đều biết đến công nghệ/công cụ generative AI như ChatGPT, GPT-4 và GitHub Copilot
- Các chuyên gia IT tại những công ty “Quy mô lớn” và những công ty “Quy mô vừa & nhỏ” có khác biệt trong cách sử dụng và đánh giá mức độ hiệu quả của generative AI
- Top 5 lợi ích và quan ngại về generative AI
- Các chuyên gia IT ngày càng quan tâm đến việc học hỏi và ứng dụng generative AI tại môi trường làm việc
Generative AI (hay AI tạo sinh) ngày càng trở nên phổ biến đối với các doanh nghiệp IT tại Việt Nam. Để hiểu hơn góc nhìn của các chuyên gia IT Việt Nam xoay quanh công nghệ này, cũng như các ứng dụng của nó, đội ngũ ITviec gần đây đã thực hiện khảo sát ngắn “Quan điểm về generative AI 2023”. Bên cạnh tỷ lệ cao về mức độ sử dụng và ứng dụng trong công việc thì nhận định về tương lai của generative AI tại nơi làm việc cũng rất khả quan, theo ý kiến của 144 chuyên gia IT tham gia khảo sát.
Tóm tắt số liệu nổi bật từ khảo sát:
- 89.3% chuyên gia IT đã từng sử dụng các công cụ generative AI và 69.6% trong số họ ứng dụng những công cụ này vào công việc.
- ChatGPT là công cụ phổ biến nhất, được nhận biết bởi 100% chuyên gia IT và được sử dụng nhiều nhất với 94.3%. GPT-4 và GitHub Copilot xếp thứ 2 & thứ 3 về mức độ sử dụng với 48.3% và 21.8%.
- 70.1% chuyên gia IT tham gia khảo sát đều đồng ý rằng generative AI giúp họ cải thiện sự sáng tạo, nâng cao năng suất và hiệu quả công việc.
- Đề xuất & Hoàn thiện code (73.6%), Đề xuất các ý tưởng viết (51.7%), Nghiên cứu/Tổng hợp thông tin (49.4%), Cải tiến/Tái cấu trúc mã code (32.2%) và Phiên dịch (32.2%) là những ứng dụng được sử dụng nhiều nhất, theo câu trả lời của các chuyên gia tham gia khảo sát.
- “Mức độ chính xác của dữ liệu không xác định” là quan ngại lớn nhất về generative AI, lựa chọn bởi 70.1% chuyên gia IT.
- 51.5% chuyên gia IT đã có kế hoạch học về generative AI và 65.2% lựa chọn ủng hộ nếu công ty bắt đầu triển khai hoặc tiếp tục sử dụng generative AI tại nơi làm việc.
Hãy cùng điểm qua các thông tin chính mà chúng tôi ghi nhận được từ khảo sát vừa qua.
You can read the English version here.
Đa số các chuyên gia IT Việt Nam đều biết đến công nghệ/công cụ generative AI như ChatGPT, GPT-4 và GitHub Copilot
Kể từ khi ra mắt vào tháng 11 năm 2022, ChatGPT đã thu hút sự quan tâm trên toàn thế giới về generative AI.
Trong năm 2022, đã có hơn 1 triệu bài đăng trên mạng xã hội thảo luận về Trí tuệ nhân tạo (AI) trên Twitter và Reddit, theo GlobalData. Bên cạnh đó, dựa trên kết quả khảo sát của Statista 2023 với các nhân sự đang làm việc tại Mỹ thì 29% gen Z (sinh năm từ 1997 đến 2012), 28% gen X (sinh năm từ 1965 đến 1980) và 27% millennials (sinh năm từ 1981 đến 1996) cho biết đã từng sử dụng các công cụ generative AI tại nơi làm việc. Theo đó, Marketing & Quảng cáo, Công nghệ và Tư vấn là những ngành nghề đạt tỷ lệ cao nhất về mức độ ứng dụng generative AI.
Không nằm ngoài xu hướng thế giới, khảo sát của ITviec cho thấy các chuyên gia IT Việt Nam cũng vô cùng quen thuộc với công nghệ tiên tiến này.
98.6% chuyên gia tham gia khảo sát chọn “Có” khi được hỏi rằng liệu họ đã từng nghe đến công nghệ và các công cụ generative AI hay chưa.
Trong số các công cụ generative AI được đề cập, ChatGPT đứng đầu về mức độ nhận diện, với 100% lựa chọn. GPT-4 và GitHub Copilot xếp thứ 2 và thứ 3, với tỷ lệ lần lượt là 60.7% và 33.6%.
Top 20 công nghệ/công cụ generative AI phổ biến nhất. Nguồn: Khảo sát từ ITviec
Mặc dù có một số ý kiến cho rằng các chuyên gia IT chỉ trải nghiệm các công nghệ, công cụ này vì sự tò mò, vì áp lực xã hội hoặc lo sợ bỏ lỡ cơ hội tốt (FOMO – fear of missing out) thì các số liệu tiếp theo từ khảo sát lại cho thấy nhiều góc nhìn khác.
89.3% chuyên gia IT chia sẻ rằng họ đã từng dùng các công cụ generative AI và 69.6% trong số họ ứng dụng các công cụ này vào công việc hiện tại. Top 3 công cụ được sử dụng nhiều nhất không khác biệt so với top các công cụ phổ biến nhất, chính là: ChatGPT, GPT-4 và GitHub Copilot.
Top 3 công nghệ/công cụ generative AI được sử dụng nhiều nhất. Nguồn: Khảo sát từ ITviec
Về tổng quan, 70.1% chuyên gia IT được hỏi đều đồng ý rằng generative AI giúp họ cải thiện sự sáng tạo, nâng cao năng suất và hiệu quả công việc. Nhận định này tương đồng với những gì mà các developer trên thế giới chia sẻ trong khảo sát của GitHub (70% nói rằng các công cụ generative AI giúp ích cho công việc của họ) và Stack Overflow (77% hưởng ứng việc sử dụng các công cụ AI vào quy trình phát triển phần mềm).
Mức độ đồng tình của chuyên gia IT đối với hiệu quả cao mà generative AI mang lại. Nguồn: Khảo sát từ ITviec
Với số liệu đáng kể về số lượng chuyên gia IT quen thuộc và hiện đang sử dụng các công cụ generative AI, ITviec đã thực hiện phân tích sâu hơn để tìm ra sự khác biệt trong cách ứng dụng generative AI giữa những công ty “Quy mô lớn” và những công ty “Quy mô vừa và nhỏ”.
Các chuyên gia IT tại những công ty “Quy mô lớn” và những công ty “Quy mô vừa & nhỏ” có khác biệt trong cách sử dụng và đánh giá mức độ hiệu quả của generative AI
Bảng so sánh:
Thông tin từ các chuyên gia IT tại những công ty Quy mô lớn* | Thông tin từ các chuyên gia IT tại những công ty Quy mô vừa & nhỏ* | |
Sử dụng (% chuyên gia đã từng sử dụng generative AI) |
92% | 87.8% |
Mức độ ứng dụng vào công việc (% chuyên gia đang ứng dụng generative AI vào công việc) |
58.7% | 75.9% |
Tần suất sử dụng (% chuyên gia đang sử dụng generative AI, với các tần suất khác nhau) |
|
|
Đánh giá hiệu quả
(đánh giá trung bình của các chuyên gia về mức độ hiệu quả của generative AI đối với công việc, trên thang điểm từ 1 đến 10) |
7.9 ★ | 7.2 ★ |
Mức độ đồng tình với nhận định cho rằng generative AI mang lại hiệu suất và hiệu quả làm việc cao | 74.1% | 68.4% |
*Quy mô lớn: trên 300 nhân viên
**Quy mô vừa & nhỏ: từ 300 nhân viên trở xuống
Bảng phía trên cho thấy các chuyên gia IT tại những công ty Quy mô vừa & nhỏ đang ứng dụng generative AI thường xuyên hơn, so với các chuyên gia tại những công ty Quy mô lớn (75.9% và 58.7%). Mặc dù tần suất sử dụng tương tự nhau nhưng hiệu quả mà generative AI mang lại được đánh giá cao hơn bởi những chuyên gia IT đang làm việc tại các công ty Quy mô lớn, nếu so sánh với các công ty Quy mô vừa & nhỏ (7.9 và 7.2). Những sự chênh lệch này có thể xuất phát từ sự khác biệt về các chính sách nội bộ, cũng như mức độ sẵn sàng đối với việc sử dụng công cụ/sản phẩm và chi phí triển khai generative AI tại hai quy mô công ty.
Top 5 lợi ích và quan ngại về generative AI
Xét về mặt lợi ích, Đề xuất & Hoàn thiện code, Đề xuất các ý tưởng viết, Nghiên cứu/Tổng hợp thông tin, Cải tiến/Tái cấu trúc mã code và Phiên dịch là những ứng dụng phổ biến nhất của generative AI, theo kết quả khảo sát.
Top 5 lợi ích (ứng dụng) của generative AI. Nguồn: Khảo sát từ ITviec
Một ví dụ về ứng dụng Đề xuất các ý tưởng viết của ChatGPT đối với chuyên gia IT là giúp họ viết CV nhanh và “chất” hơn.
Xem thêm VIDEO hướng dẫn: Cách viết CV IT sử dụng AI (ChatGPT) giúp bạn nhận được phỏng vấn trên kênh Youtube của ITviec.
Xét về các yếu tố cần quan ngại khi sử dụng generative AI, “Sự thay thế về công việc” không nằm trong top 3 mối quan ngại lớn nhất của các chuyên gia IT tham gia khảo sát. Thực tế, quan ngại này xếp hạng thứ 5 trên tổng 8 câu trả lời gợi ý được đưa ra.
Mức độ chính xác của dữ liệu không xác định là quan ngại lớn nhất đối với generative AI, theo 70.1% chuyên gia IT.
Mức độ chính xác của dữ liệu không xác định đồng nghĩa với những dữ liệu không có giá trị hoặc không xác định được giá trị mà nó đang mang, khiến cho kết quả đầu ra không chính xác hoặc rỗng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tính hiệu quả của các ứng dụng từ công cụ AI, cũng như mức độ khả thi trong việc kiểm tra ngược quá trình phân tích dữ liệu của chúng.
Đòi hỏi sự kiểm soát về chất lượng nội dung xếp thứ 2 với 67.8%.
Để đảm bảo mức độ chính xác, sự liên quan và chất lượng sản phẩm đầu ra thì nội dung cần được kiểm tra kỹ lưỡng bởi người dùng có năng lực nhất định. Generative AI là công cụ quyền năng để phát triển các ý tưởng và nội dung, nhưng không thể đảm bảo chất lượng cao hay mức độ chính xác cao của dữ liệu đầu vào, có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra là các sản phẩm mang tính sống còn của doanh nghiệp.
Xếp thứ 3 về quan ngại với generative AI là Vấn đề bản quyền gây tranh cãi (42.5%).
Mô hình AI thường được đào tạo dựa trên khối lượng dữ liệu khổng lồ, thu thập từ internet. Việc sử dụng dữ liệu hoặc sản phẩm đào tạo đã được gắn bản quyền, bảo mật hoặc các quy định khác có thể dẫn đến các vấn đề liên quan đến pháp lý đối với các cá nhân và tổ chức.
“Có một số lo lắng liên quan đến vấn đề lạm dụng và vi phạm đạo đức khi sử dụng AI để sản xuất nội dung. Giải quyết vấn đề này là bài toán cho chính phủ và các developer, để đảm bảo generative AI được tận dụng một cách có trách nhiệm và đạo đức.” – Chia sẻ từ chuyên gia IT trong khảo sát.
Tính khách quan của quá trình ra quyết định (21.8%) và Sự thay thế về công việc (20.7%) xếp thứ 4 và thứ 5.
Top 5 quan ngại của chuyên gia IT về generative AI. Nguồn: Khảo sát từ ITviec
Các chuyên gia IT ngày càng quan tâm đến việc học hỏi và ứng dụng generative AI tại môi trường làm việc
51.5% chuyên gia IT chia sẻ đã có kế hoạch học về generative AI, theo kết quả khảo sát. 34.1% chuyên gia muốn hiểu hơn về công nghệ này thông qua việc tăng cường nghiên cứu và sử dụng trong công việc hàng ngày. 17.4% chuyên gia muốn nâng cấp bản thân bằng việc tham gia các khoá học liên quan đến generative AI.
Thông tin thú vị này được khẳng định mạnh mẽ hơn bởi một sự thật rằng generative AI giúp chuyên gia IT giải quyết các vấn đề quan trọng và khó khăn một cách dễ dàng hơn. Ví dụ, dữ liệu từ GitHub chỉ ra rằng các developer đã sử dụng GitHub Copilot cảm thấy quá trình code của họ hiệu quả hơn 88% và nhanh hơn 55% so với những người không sử dụng.
“Tương lai của generative AI đang rất hứa hẹn. Bởi vì công nghệ luôn không ngừng cải tiến nên chúng ta có thể kỳ vọng những kết quả ấn tượng hơn từ mô hình generative AI.” – Một chuyên gia chia sẻ.
Kế hoạch phát triển bản thân của chuyên gia IT trước sự phát triển của generative AI. Nguồn: Khảo sát từ ITviec
Vậy sẽ như thế nào nếu ứng dụng generative AI tại nơi làm việc? Ý kiến của các chuyên gia IT ra sao?
Trong phạm vi báo cáo khảo sát, 65.2% chuyên gia cho thấy sự ủng hộ của họ đối với việc công ty bắt đầu triển khai hoặc tiếp tục sử dụng công nghệ/công cụ generative AI trong môi trường làm việc (41.3% đồng tình và 23.9% hoàn toàn đồng tình).
Mức độ hưởng ứng của chuyên gia IT với việc ứng dụng generative AI tại nơi làm việc. Nguồn: Khảo sát từ ITviec
Mở rộng ra phạm vi toàn cầu, Gartner dự đoán đến trước năm 2025, dữ liệu được tạo ra bởi generative AI sẽ lên đến 10% trên tổng số dữ liệu được tạo ra trên toàn thế giới (báo cáo chi tiết tại đây); và đến trước năm 2026, generative design AI sẽ tự động hoá 60% nỗ lực thiết kế cho các website và ứng dụng di động (báo cáo chi tiết tại đây). Kết quả từ khảo sát của ITviec cho thấy, tương tự như các chuyên gia IT tại các quốc gia khác, chuyên gia IT Việt Nam cũng lạc quan về tương lai của generative AI.
“Generative AI là một yếu tố thiết yếu đối với tương lai của khoa học và công nghệ, để tạo ra những bước đột phá. Nó nhất định sẽ trở thành một điều-gì-đó-lớn-lao (the next big thing).” – Một chuyên gia chia sẻ.
Từ những thông tin nổi bật trong khảo sát này, chúng tôi mong rằng có thể hiểu hơn về quan điểm của các chuyên gia IT (ở đa dạng vị trí) về ảnh hưởng của generative AI đối với công việc của họ trong những năm sắp tới. Hãy cùng chờ đợi để khám phá trong Báo cáo lương IT 2023-2024 của ITviec.
Bạn có thể tải báo cáo khảo sát chi tiết Góc nhìn của các chuyên gia IT Việt Nam về Generative AI tại đây (tiếng Anh và tiếng Việt) để tìm hiểu thêm các thông tin khác.
Cảm ơn bạn vì đã dành thời gian đọc bài viết!