Với khả năng phân tích, đánh giá và đưa ra giải pháp hiệu quả, Business Analyst là nhân tố không thể thiếu trong môi trường doanh nghiệp ngày nay. Để nâng cao kỹ năng và tăng cơ hội nghề nghiệp cùng thu nhập mơ ước, việc có chứng chỉ uy tín là điều cần thiết với một Business Analyst. Có nhiều chứng chỉ dành cho Business Analyst trên thị trường ngày nay, nhưng không phải tất cả đều mang lại giá trị như nhau. Trong bài viết này, ITviec bật mí 7 chứng chỉ Business Analyst tốt nhất năm 2024, giúp bạn lựa chọn con đường phát triển sự nghiệp hiệu quả nhất.
Đọc bài viết để biết thêm về:
- Chứng chỉ Business Analyst là gì
- Những lợi ích của Business Analyst khi sở hữu chứng chỉ
- Top 7 chứng chỉ Business Analyst được “săn đón” nhiều nhất hiện nay
Chứng chỉ Business Analyst là gì?
Trong bối cảnh kinh doanh đầy sức cạnh tranh, các doanh nghiệp rất cần Business Analyst để có những phân tích cụ thể từ dữ liệu thô và đưa ra giải pháp cải thiện cho doanh nghiệp. Nhìn chung, công việc của các Business Analyst bao gồm:
- Phân tích một lượng lớn dữ liệu, từ đó xác định các vấn đề kinh doanh;
- Cung cấp giải pháp cải thiện vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải từ dữ liệu đã được phân tích;
- Trực quan hóa dữ liệu (biểu đồ, bảng thống kê…) để truyền đạt dễ hiểu đến các bên liên quan;
- Tạo các mô hình tài chính để hỗ trợ các quyết định kinh doanh, như lựa chọn ngân sách và điều chỉnh giá;
- Đảm bảo hoạt động kinh doanh nhất quán với chiến lược tổng thể của doanh nghiệp.
Trong đó, các Business Analyst có chứng chỉ chuyên ngành được “săn đón” nhiều hơn. Chứng chỉ Business Analyst là sự công nhận chính thức từ cơ quan chuyên môn nhằm xác nhận kiến thức, kỹ năng và năng lực của bạn trong lĩnh vực phân tích kinh doanh. Đây là minh chứng cho khả năng của bạn trong việc tổng hợp, thấu hiểu nhu cầu kinh doanh và giải quyết bằng các giải pháp công nghệ sẵn có. Từ đó đảm bảo các dự án phù hợp với mục tiêu chiến lược của tổ chức / doanh nghiệp.
Những chứng chỉ này được thiết kế để thiết lập các tiêu chuẩn ngành và giúp các Business Analyst thể hiện tâm huyết đối với sự nghiệp và khả năng phát triển chuyên môn liên tục.
Tại sao cần có chứng chỉ Business Analyst?
Nâng cao kỹ năng và kiến thức
Chứng chỉ Business Analyst đảm bảo rằng bạn thành thạo các công cụ, kỹ thuật mới nhất và các phương pháp tối ưu trong phân tích kinh doanh. Quá trình học thi Business Analyst cung cấp một lộ trình học tập bài bản, giúp nâng cao kỹ năng và kiến thức một cách có hệ thống.
Quá trình học hỏi liên tục này giúp bạn luôn dẫn đầu trong lĩnh vực của mình, sẵn sàng giải quyết các thách thức kinh doanh phức tạp hiệu quả.
Tăng độ tin cậy
Việc có được chứng chỉ thể hiện rõ ràng sự tâm huyết của Business Analyst đối với sự nghiệp và phát triển nghề nghiệp. Chứng chỉ Business Analyst là minh chứng cho sự tận tâm, duy trì các tiêu chuẩn cao trong công việc đối với nhà tuyển dụng, đồng nghiệp và khách hàng.
Sự tín nhiệm ngày càng tăng này có thể mở ra những cơ hội mới và củng cố vị thế của bạn trong ngành.
Cơ hội việc làm tốt hơn
Thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh, các chứng chỉ có thể mang lại lợi thế cho các Business Analyst. Nhiều nhà tuyển dụng tìm kiếm các Business Analyst được chứng nhận vì điều đó đảm bảo về kinh nghiệm và năng lực của ứng viên cho lĩnh vực này.
Sự ưu tiên dành cho những Business Analyst có chứng chỉ có thể mang lại nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn.
Tiềm năng thu nhập cao hơn
Đầu tư vào chứng chỉ Business Analyst tác động trực tiếp đến mức thu nhập. Các Business Analyst có chứng chỉ chuyên ngành có thể yêu cầu mức lương cao hơn so với các đồng nghiệp không được chứng nhận. Bởi chứng chỉ phản ánh những kỹ năng đã được chứng minh và giá trị mà họ mang lại cho doanh nghiệp.
Mở rộng mạng lưới chuyên nghiệp
Chứng chỉ thường đi kèm với tư cách thành viên của các cơ quan chuyên môn và quyền ưu tiên trong các sự kiện, diễn đàn và tài liệu độc quyền.
Điều này mang đến cơ hội duy nhất để kết nối với các chuyên gia có cùng chí hướng, học hỏi từ các đồng nghiệp và mở rộng mạng lưới nghề nghiệp của bạn. Những kết nối này là vô giá trong việc chia sẻ kiến thức, tư vấn nghề nghiệp và cơ hội việc làm cho các Business Analyst.
Sự phát triển cá nhân và sự tự tin
Hành trình nhận chứng chỉ Business Analyst là một chặng đường đầy thử thách, đòi hỏi sự cống hiến và làm việc chăm chỉ. Việc đạt được chứng chỉ thành công là thành tựu quan trọng giúp bạn phát triển bản thân và tự tin hơn vào khả năng của mình. Bởi chứng chỉ xác nhận kỹ năng và thể hiện khả năng của bạn có thể đảm nhận những vai trò đầy thách thức trong lĩnh vực phân tích kinh doanh.
Đọc thêm: Business Analyst (BA) là gì? Kinh nghiệm tại Mỹ của một Business Analyst
Các nhà cung cấp chứng chỉ Business Analyst uy tín nhất
Hiện nay, các chứng chỉ Business Analyst uy tín thường được cấp bởi 3 đơn vị:
IIBA
Là một hiệp hội nghề nghiệp với 30.000 thành viên, 120 chi hội, 1.500 tình nguyện viên và 500 đối tác trên toàn thế giới. Viện Phân tích Kinh doanh Quốc tế (IIBA) hỗ trợ việc công nhận phân tích kinh doanh trong các tổ chức, doanh nghiệp.
Trong hơn 20 năm, IIBA đã định hình phương pháp phân tích kinh doanh để đạt được kết quả kinh doanh tốt hơn. IIBA cho phép kết nối mạng và gắn kết cộng đồng, cung cấp các tiêu chuẩn và nguồn lực nền tảng, đồng thời cung cấp các chương trình chứng chỉ được quốc tế công nhận để thăng tiến nghề nghiệp.
Một số chứng chỉ nổi tiếng của IIBA như Entry Certificate in Business Analysis (ECBA), Certification of Capability in Business Analysis (CCBA), and Certified Business Analysis Professional (CBAP)…
PMI
PMI là cơ quan toàn cầu về quản lý dự án, cam kết thúc đẩy nghề quản lý dự án. PMI là cộng đồng quản lý dự án lớn nhất thế giới, kết nối bạn với những nhà lãnh đạo tư tưởng và những người tạo ra xu hướng trên toàn cầu. PMI trao quyền cho các chuyên gia dự án trên toàn cầu vượt trội trong quản lý dự án thực tế, chia sẻ kiến thức và các chứng chỉ tốt nhất – nhằm thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng.
PMI cung cấp chứng chỉ PMI Professional in Business Analysis (PMI-PBA).
BCS
BCS còn được gọi là The Chartered Institute for IT (Viện Công nghệ Thông tin Chartered), được thành lập tại Anh năm 1957. BCS cung cấp nhiều loại chứng chỉ và chương trình phát triển chuyên môn phân tích kinh doanh. BCS bao gồm nhiều lĩnh vực IT khác nhau, bao gồm quản lý dự án, phát triển phần mềm và quản lý dữ liệu.
BCS cung cấp các chứng chỉ như Practitioner Certificate in Business Analysis Practice (Chứng chỉ hành nghề thực hành Phân tích Kinh doanh) và BCS International Diploma in Business Analysis (Chứng chỉ Quốc tế BCS về Phân tích Kinh doanh)…
7 chứng chỉ Business Analyst tốt nhất hiện nay
Cùng điểm qua 7 chứng chỉ được các Business Analyst chuyên nghiệp sở hữu hiện nay:
Chứng chỉ Business Analyst cấp độ đầu vào
Dành cho những người mới bắt đầu hoặc muốn chuyển hướng sang công việc phân tích kinh doanh.
ECBA (Entry Certificate in Business Analysis)
Chứng chỉ ECBA là một loại chứng nhận khởi đầu giúp nâng cao hiểu biết của bạn về các nguyên tắc phân tích kinh doanh cơ bản.
- Được cung cấp bởi: IIBA
- Phù hợp với: Những người mới làm quen với lĩnh vực phân tích kinh doanh hoặc những chuyên gia muốn chuyển sang lĩnh vực này. Không yêu cầu kinh nghiệm trước.
- Kỹ năng được đề cập: Tập trung vào tìm hiểu các nguyên tắc, phân tích kinh doanh thực tiễn và vai trò của một Business Analyst. Bao gồm 5 lĩnh vực kiến thức, trong đó có lập kế hoạch phân tích kinh doanh, gợi ý các yêu cầu và đánh giá giải pháp.
- Chi phí: $35 – $55 cho thành viên 1 năm, $350 cho kỳ thi, ưu đãi lệ phí thi cho thành viên là $195 và thành viên công ty là $150.
- Thời gian hoàn thành: Không cố định, tuy nhiên nếu học tập chuyên tâm, học viên có thể hoàn thành trong vài tuần đến vài tháng.
Foundation Certificate in Business Analysis
- Cung cấp bởi: BCS
- Phù hợp với: Những người muốn hiểu rõ về phân tích kinh doanh, hỗ trợ thay đổi và cải tiến quy trình kinh doanh; các Business Analyst, Project Management, Business Management và thành viên trong nhóm quản lý.
- Kỹ năng được đề cập: Đào tạo năng lực phân tích kinh doanh; cách xác định và đánh giá lựa chọn để cải thiện kinh doanh; kỹ thuật điều tra, phân loại, phân tích, lập đề án kinh doanh và đánh giá tính khả thi.
- Chi phí: £192
- Thời gian hoàn thành: Thời gian chuẩn bị khác nhau, thường mất tối thiểu 27 giờ để chuẩn bị cho kỳ thi, kỳ thi diễn ra ở bất kỳ trung tâm khảo thí Pearson VUE nào trên thế giới.
Chứng chỉ Business Analyst cấp trung
Dành cho các chuyên gia có kinh nghiệm thực tế về phân tích kinh doanh.
PMI-PBA (Professional in Business Analysis)
Chứng chỉ PMI-PBA được công nhận trên toàn cầu và phù hợp với các tiêu chuẩn của PMI, đảm bảo sự hiểu biết toàn diện về phân tích kinh doanh trong bối cảnh các dự án và chương trình.
- Cung cấp bởi: PMI
- Phù hợp với: Project Manager và Business Analyst làm việc trong các dự án và chương trình. PMI-PBA cũng phù hợp cho các chuyên gia khác thực hiện phân tích kinh doanh.
- Kỹ năng được đề cập: Nhấn mạnh đến tích hợp các phương pháp phân tích kinh doanh với quản lý dự án. Bao gồm đánh giá nhu cầu, lập kế hoạch, phân tích, truy xuất nguồn gốc, giám sát và đánh giá.
- Chi phí: Phí thi là $555, ưu đãi cho thành viên PMI là $324. Phí thành viên thường niên là $129.
- Thời gian hoàn thành: Thời gian chuẩn bị khác nhau, thường là vài tháng để ôn tập.
CCBA (Certification of Capability in Business Analysis)
Chứng chỉ CCBA được công nhận trên toàn cầu và là một cách xác nhận kinh nghiệm và kỹ năng đã được nâng cao trong phân tích kinh doanh.
- Được cung cấp bởi: IIBA
- Phù hợp với: Business Analyst có 2 – 3 năm kinh nghiệm thực tế. Yêu cầu tối thiểu 3.750 giờ làm việc trong lĩnh vực phân tích kinh doanh.
- Kỹ năng được đề cập: Tập trung vào tài liệu nâng cao, lập kế hoạch hiệu quả và đánh giá giải pháp. Bao gồm đầy đủ các nhiệm vụ phân tích kinh doanh.
- Chi phí: Phí đăng ký $145. Lệ phí thi $405, ưu đãi phí thi cho thành viên IIBA là $250 và thành viên công ty là $205.
- Thời gian hoàn thành: Các học viên thường dành 3 – 6 tháng để chuẩn bị, tùy thuộc vào kinh nghiệm và tốc độ học tập.
Practitioner Certificate in Business Analysis Practice
Chứng chỉ này của BCS được đánh giá cao ở Vương quốc Anh và quốc tế, cung cấp nền tảng để dễ dàng thăng tiến sự nghiệp trong lĩnh vực phân tích kinh doanh.
- Cung cấp bởi: BCS
- Phù hợp với: Các Business Analyst có kinh nghiệm thực tế về phân tích kinh doanh, muốn nâng cao hiểu biết và áp dụng các kỹ năng trong bối cảnh xây dựng chiến lược.
- Kỹ năng được đề cập: Tập trung vào phân tích chiến lược, quản lý các bên liên quan và mô hình hóa hệ thống kinh doanh. Cung cấp cái nhìn toàn diện về phân tích kinh doanh.
- Chi phí: Khoảng $500 – $1,500, bao gồm phí đào tạo và thi cử. Chi phí có thể thay đổi tùy theo đơn vị cung cấp đào tạo.
- Thời gian hoàn thành: Thay đổi tùy theo lịch đào tạo, thường hoàn thành sau vài tuần đến vài tháng.
Chứng chỉ Business Analyst cấp cao
Dành cho các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm muốn xác nhận trình độ và kiến thức chuyên môn sâu rộng của họ.
CBAP (Certified Business Analysis Professional)
Chứng chỉ CBAP được công nhận trên toàn cầu và được coi là chuẩn mực cho các Senior Business Analyst Professionals.
- Được cung cấp bởi: IIBA
- Phù hợp với: Các Senior Business Analyst có kinh nghiệm làm việc tối thiểu 7.500 giờ và hiểu biết sâu sắc về các nguyên tắc phân tích kinh doanh.
- Kỹ năng được đề cập: Các nguyên tắc, thực tiễn phân tích kinh doanh nâng cao và ứng dụng kiến thức về lĩnh vực trong các tình huống thực tế.
- Chi phí: $145 cho phí đăng ký, lệ phí thi có mức giá $505, ưu đãi cho thành viên IIBA là $350 và thành viên công ty là $305.
- Thời gian hoàn thành: Thời gian chuẩn bị khác nhau, các học viên thường dành 6 – 12 tháng để học tập.
BCS International Diploma in Business Analysis
Bằng Diploma cho Business Analyst của BCS được đánh giá cao và cung cấp những xác nhận kỹ lưỡng về kỹ năng và kiến thức phân tích kinh doanh.
- Cung cấp bởi: BCS
- Phù hợp với: Các Business Analyst có kinh nghiệm đang tìm cách xác nhận kỹ năng và kiến thức sâu rộng. Yêu cầu các chứng chỉ liên quan và một dự án đã cấp bằng tốt nghiệp.
- Kỹ năng được đề cập: Trình bày toàn diện về các kỹ thuật và phương pháp phân tích kinh doanh tốt nhất.
- Chi phí: Khoảng $3,000 – $4,000, bao gồm phí đào tạo, thi và dự án cấp bằng. Chi phí có thể thay đổi tùy theo đơn vị cung cấp đào tạo.
- Thời gian hoàn thành: Thường là 1 – 2 năm học bán thời gian và làm dự án.
Tài liệu tự học chứng chỉ Business Analyst tham khảo
Ngoài ra, một số nguồn tài liệu tự học giúp bạn làm quen công việc phân tích kinh doanh, rèn luyện hằng ngày để chuẩn bị cho các kỳ thi chứng chỉ trong tương lai.
- Một số diễn đàn học tập, khóa học trực tuyến trên Coursera như: Business analytics for decision making, Business Analysis & Process Management, Excel Skills for Business: Essentials…
- Hoặc bạn có thể tìm kiếm khóa học trên Udemy như: Fundamentals of Business Analysis.
- Hoặc các kênh youtube truy cập miễn phí giúp thu thập kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn từ người trong ngành như: Hai Lúa học Business Analysis, HiLinh & những câu chuyện…
Câu hỏi thường gặp về chứng chỉ Business Analyst
Cần chuẩn bị những gì để thi chứng chỉ Business Analyst?
Để chuẩn bị cho kỳ thi nhận chứng chỉ Business Analyst, bạn cần: Hiểu các điều kiện tiên quyết; xây dựng kế hoạch học tập; sử dụng tài liệu học tập chính thức; tham gia trải nghiệm thực tế; làm bài kiểm tra thực hành; xem két và điều chỉnh thường xuyên.
Quy trình các bước nhận chứng chỉ Business Analyst có thể diễn ra theo 4 bước sau:
Bước 1: Chọn chứng chỉ phù hợp
- Xác định cấp độ phù hợp với sở thích, kinh nghiệm và mục tiêu nghề nghiệp để xem chứng chỉ Business Analyst nào phù hợp nhất với bạn.
Bước 2: Tìm hiểu về kỳ thi chứng chỉ
- Đảm bảo bạn hiểu những kiến thức cơ bản về nội dung bài kiểm tra.
- Xem lại các kỹ năng cần thiết cho bài thi, kế hoạch thi và các câu hỏi mẫu để biết nội dung bài thi và loại câu hỏi sẽ được triển khai. Mặc dù các câu hỏi này không có trong bài kiểm tra nhưng dạng câu hỏi mẫu giúp bạn hiểu những gì sẽ có trong bài kiểm tra chứng chỉ.
Bước 3: Bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thi
- Xem lại các tiêu chuẩn hoặc nội dung kiến thức phù hợp với chứng chỉ Business Analyst mà bạn chọn.
Bước 4: Đăng ký và làm bài kiểm tra chứng chỉ
- Khi bạn đã có được các kỹ năng và kiến thức cần thiết để có được chứng chỉ mong muốn, đã đến lúc tham gia kỳ thi. Hãy bắt đầu bằng cách thanh toán phí đăng ký đào tạo và lệ phí thi. Đối với các chứng chỉ chuyên ngành, chỉ cần thanh toán khoản phí thi để bắt đầu. Sau đó, bạn sẽ bắt đầu quá trình đăng ký và lên lịch thi.
- Hãy truy cập vào các trang thông tin về kỳ thi, câu hỏi thường gặp và nội dung lệ phí để tìm hiểu thêm về giá cả, sắp xếp lịch thi cũng như hình dung những nội dung có thể xảy ra trước, trong và sau kỳ thi của bạn.
Triển vọng việc làm cho Business Analyst là gì?
Nhu cầu tuyển dụng Business Analyst đã tăng lên trong những năm gần đây và dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (BLS) dự đoán tốc độ tăng trưởng việc làm nhanh hơn mức trung bình từ năm 2022 – 2032 cho các vị trí tương tự. Việc làm Computer Systems Analyst dự kiến sẽ tăng 10%, trong khi Operations Research Analyst dự kiến tăng 23%. Các chức danh công việc liên quan khác bao gồm Management Analyst và Operations Analyst – cả hai đều thực hiện nhiệm vụ tương tự như Business Analyst.
Ngoài nhu cầu tuyển dụng cao thì mức lương cho Business Analyst cũng rất hấp dẫn. Theo Glassdoor, mức lương năm trung bình của Business Analyst năm 2024 tại Hoa Kỳ là $83.137. Mức lương sẽ khác nhau tùy thuộc vào công ty, địa điểm và số năm kinh nghiệm.
Chẳng hạn, theo Báo cáo Lương IT 2023 – 2024 của ITviec, mức lương Business Analyst tại Việt Nam theo năm kinh nghiệm có thể nhận là:
- <1 năm: 10.000.000 đồng/ tháng
- 1 – 2 năm: 15.000.000 đồng/ tháng
- 3 – 4 năm: 27.000.000 đồng/ tháng
- 5 – 8 năm: 36.000.000 đồng/ tháng
- >8 năm: 50.000.000 đồng/ tháng
Nên phát triển kỹ năng gì để trở thành Business Analyst?
Để trở thành một Business Analyst xuất sắc, điều quan trọng là phải phát triển cả kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng mềm.
- Các kỹ năng kỹ thuật bao gồm thành thạo phân tích dữ liệu, các công cụ trực quan hóa như Power BI và Tableau, cũng như hiểu biết về phân tích thống kê và các công cụ kinh doanh thông minh.
- Các kỹ năng mềm như giao tiếp hiệu quả, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, khả năng đàm phán và giao tiếp tốt.
- Ngoài ra, Business Analyst cần học hỏi liên tục và nâng cao khả năng thích ứng với các xu hướng mới nổi, chẳng hạn như học máy, kiến thức cơ bản về AI… để duy trì tính phù hợp và hiệu quả trong vai trò này.
Tổng kết Chứng chỉ Business Analyst
Sở hữu chứng chỉ Business Analyst uy tín không chỉ là một bước đi quan trọng để phát triển sự nghiệp mà còn là chìa khóa mở ra cơ hội việc làm và thu nhập mơ ước, đặc biệt giúp bạn nổi bật hơn trong thị trường lao động cạnh tranh gay gắt hiện nay. Hãy chọn một trong những chứng chỉ được đánh giá cao trong 7 chứng chỉ Business Analyst mà ITviec vừa chia sẻ và bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu nghề nghiệp, xây dựng nền tảng vững chắc để tiến xa hơn trong lĩnh vực này.