Trong kỷ nguyên số hóa hiện nay, điện toán đám mây đang trở thành một lĩnh vực then chốt, mở ra nhiều tiềm năng phát triển và cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Với xu hướng tuyển dụng ngày càng tăng, kỹ sư điện toán đám mây đang trở thành một trong những vị trí được săn đón nhất trong ngành công nghệ. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về công việc của một kỹ sư điện toán đám mây, những ưu điểm nổi bật và cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn trong lĩnh vực này.
Đọc bài viết này để hiểu rõ
- Kỹ sư điện toán đám mây (Cloud Engineer) là gì?
- Công việc của một kỹ sư điện toán đám mây gồm những gì?
- Những kỹ năng cần thiết để trở thành Kỹ sư điện toán đám mây chuyên nghiệp
- Những chứng chỉ mà Kỹ sư điện toán đám mây cần có
Kỹ sư điện toán đám mây (Cloud Engineer) là gì?
Kỹ sư đám mây là người sẽ thiết kế, triển khai, quản lý và tối ưu hóa các dịch vụ và giải pháp điện toán đám mây, đồng thời hỗ trợ giải quyết các vấn đề kỹ thuật liên quan đến ứng dụng đám mây cho người dùng.
Kỹ sư đám mây là người đảm bảo hệ thống điện toán đám mây được thiết kế tốt, hoạt động mượt mà và duy trì tốt qua thời gian, từ đó giúp các tổ chức tập hoạt động hiệu quả hơn, an toàn hơn và tiết kiệm chi phí.
Công việc của một Kỹ sư điện toán đám mây gồm những gì?
Dưới đây là một số trách nhiệm chính mà một kỹ sư đám mây có thể đảm nhiệm:
- Thiết kế kiến trúc đám mây: Thiết kế và phát triển cấu trúc đám mây sao cho phù hợp với nhu cầu và mong muốn của tổ chức, doanh nghiệp. Điều này bao gồm kế hoạch về khả năng mở rộng, độ tin cậy và hiệu suất.
- Triển khai dịch vụ đám mây: Thiết kế và phát triển các công cụ đám mây khác nhau như máy ảo, khu vực lưu trữ, cơ sở dữ liệu và các phần mạng dựa trên nhu cầu của công ty, doanh nghiệp.
- Giám sát hiệu suất và tối ưu hóa: Giám sát tài nguyên đám mây để đảm bảo hoạt động đạt tiêu chuẩn dự kiến theo kế hoạch, đồng thời tối ưu hóa cấu hình để đảm bảo tài nguyên được sử dụng hiệu quả về chi phí và trải nghiệm người dùng.
- Hợp tác với các nhóm đa chức năng: Làm việc chặt chẽ với các nhóm khác nhau như nhà phát triển, hoạt động và bảo mật. Mục tiêu là đảm bảo rằng các giải pháp được tạo ra trong đám mây phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu của tất cả các bên liên quan.
- Khắc phục sự cố và giải quyết vấn đề: Tìm và khắc phục sự cố trong hệ thống đám mây.
Yêu cầu công việc cụ thể cho vị trí kỹ sư đám mây có thể thay đổi tùy thuộc vào công ty và nền tảng đám mây cụ thể mà họ sử dụng.
Ngoài ra, vị trí kỹ sư đám mây có thể được phân chia nhỏ thành nhiều vai trò khác theo chuyên môn riêng biệt. Dưới đây là một số vai trò phổ biến:
- Kiến trúc sư đám mây (Cloud Architect): Quản lý hạ tầng của hệ thống đám mây. Chịu trách nhiệm thiết kế, cấu hình và triển khai ứng dụng trong môi trường đám mây.
- Nhà phát triển phần mềm đám mây (Cloud Software Developer): Xây dựng và duy trì tính năng, chức năng, cơ sở dữ liệu và ứng dụng cho các công nghệ đám mây.
- Kỹ sư bảo mật đám mây (Cloud Security Engineer): Xây dựng và duy trì tính năng bảo mật cho các nền tảng và ứng dụng đám mây.
- Quản trị viên đám mây (Cloud Administrator): Quản lý phần mềm và phần cứng liên quan đến việc sử dụng dịch vụ đám mây.
- Kỹ sư mạng đám mây (Cloud Network Engineer): Quản lý và hỗ trợ hạ tầng mạng và kết nối giữa khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ đám mây.
- Kỹ sư tự động hóa đám mây (Cloud Automation Engineer): Tương tự như nhà phát triển đám mây, nhưng vị trí này tập trung vào tự động hóa, triển khai và tích hợp.
Mỗi vị trí tập trung vào một loại hình chuyên môn của lĩnh vực điện toán đám mây, đáp ứng nhu cầu của các công ty trong việc triển khai các dịch vụ đám mây, mở rộng việc sử dụng tài nguyên đám mây hoặc nâng cao hiểu biết về đám mây và các ứng dụng liên quan.
Lộ trình trở thành một Kỹ sư điện toán đám mây chuyên nghiệp:
Để trở thành một Kỹ sư điện toán đám mây chuyên nghiệp, bạn có thể tham khảo các bước quan trọng sau:
Hoàn thành bằng cử nhân
Kỹ sư đám mây thường được yêu cầu có bằng Cử nhân Khoa học Máy tính (BCS) hoặc Cử nhân Khoa học (B.S.) về công nghệ thông tin. Các ngành học khác có thể bao gồm ngành Hệ thống thông tin và Kỹ thuật phần mềm, miễn là đảm bảo chương trình học có các nội dung sau:
- Công nghệ thông tin cơ bản và ứng dụng
- Mạng và bảo mật
- Phát triển web
- Tự động hóa và scripting
- Điện toán đám mây và kiến trúc
- Quản lý dữ liệu
- Quản trị hệ thống
- Kiểm tra bảo mật
Học các ngôn ngữ lập trình
Python, C++, Java và Ruby là những ngôn ngữ phổ biến bạn có thể học để làm việc với điện toán đám mây.
Trau dồi kỹ năng chuyên môn
Các kỹ năng chuyên môn cần có của một Kỹ sư điện toán đám mây bao gồm:
- Hiểu biết sâu về các hệ điều hành như Linux, Ubuntu và Windows.
- Nắm bắt rõ các khái niệm về mạng để phát triển một hệ thống điện toán an toàn và có khả năng mở rộng.
- Hiểu rõ các thuật ngữ chuyên môn như: Giao thức truyền tải siêu văn bản bảo mật (HTTPS), Mạng riêng ảo (VPN), Giao thức Internet (IP), Hệ thống tên miền (DNS), v.v.
- Có kiến thức về nhiều giao thức bảo mật để thiết kế hệ thống không thể bị xâm nhập.
- Hiểu các tiêu chuẩn mở, biết cách gán nhãn, điều khiển và mô tả dữ liệu.
- Hiểu biết về các dịch vụ đám mây phổ biến như Apache Hadoop và Microsoft Azure.
Bên cạnh chương trình cử nhân, bạn có thể tìm các khóa học trực tuyến, boot camp, hoặc blog chuyên môn để phát triển những kỹ năng nền tảng này.
Trang bị kỹ năng mềm
- Kỹ sư điện toán đám mây nên có kỹ năng giao tiếp tốt vì họ thường xuyên cộng tác với các chuyên gia IT.
- Kỹ năng lãnh đạo cũng là một yếu tố quan trọng vì kỹ sư đám mây có thể sẽ quản lý một đội ngũ chuyên gia IT. Khi đứng ở vị trí leader, việc nhận diện được điểm mạnh và điểm yếu của đội ngũ sẽ giúp tạo ra các sản phẩm hiệu quả.
- Sự cẩn thận và chú ý đến từng chi tiết nhỏ là một ưu điểm của kỹ sư đám mây, giúp họ kiểm soát tốt mọi thứ từ thiết kế đến xử lý sự cố.
Tích lũy kinh nghiệm thực tế
Đối với vị trí kỹ sư điện toán đám mây, hầu hết nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên cần có kinh nghiệm thực tế trong ngành IT, đặc biệt là kinh nghiệm làm việc trực tiếp với công nghệ điện toán đám mây. Nếu bạn là người mới bước chân vào ngành, hãy tích cực tham gia vào các chương trình thực tập cũng như các dự án thực tế với mã nguồn mở, và tận dụng những cơ hội này để xây dựng kinh nghiệm cho chính mình.
Xem xét việc lấy bằng thạc sĩ
Các kỹ sư điện toán đám mây sở hữu bằng thạc sĩ có thể tìm được nhiều cơ hội việc làm hơn. Bạn có thể tham gia chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên về điện toán đám mây, hoặc chương trình Thạc sĩ trong các lĩnh vực liên quan như kỹ thuật phần mềm hoặc kỹ thuật hệ thống.
Thi chứng chỉ điện toán đám mây
Mặc dù điều này là không bắt buộc, nhưng việc có các chứng chỉ liên quan đến điện toán đám mây sẽ giúp bạn chứng minh được kiến thức và kỹ năng của mình với các nhà tuyển dụng hàng đầu. Hãy cố gắng tham gia các khóa học và lấy các chứng chỉ quan trọng để nâng cao tính cạnh tranh của bản thân trên thị trường việc làm. Phần dưới đây sẽ gợi ý cho bạn một số chứng chỉ điện toán đám mây hữu ích nhất
Những chứng chỉ mà Kỹ sư điện toán đám mây cần có
Dưới đây là những chứng chỉ hàng đầu mà kỹ sư điện toán đám mây nên có:
AWS Certified Solutions Architect – Associate
Chứng chỉ AWS Solutions Architect – Associate kiểm tra khả năng triển khai, quản lý và sử dụng các dịch vụ khác nhau trong AWS. Chứng chỉ này thể hiện sự thành thạo của bạn về các khái niệm kỹ thuật cơ bản trong công nghệ đám mây AWS, chứng minh bạn đủ điều kiện để ứng tuyển vào các vị trí công việc liên quan như kỹ sư điện toán đám mây.
Nội dung kiểm tra:
- Khả năng thiết kế thành thạo kiến trúc và các ứng dụng có độ tin cậy cao với hiệu suất tối ưu trên AWS
- Khả năng quản lý bảo mật và an ninh dữ liệu
- Khả năng tối ưu hóa chi phí, giám sát và khắc phục sự cố hệ thống.
Yêu cầu: Không có yêu cầu bắt buộc để tham gia kỳ thi này, nhưng AWS khuyến nghị nên có ít nhất một năm kinh nghiệm thực hành với AWS và kiến thức cơ bản về các dịch vụ AWS trước khi thi.
Cấu trúc kỳ thi:
- Thời gian: 130 phút
- Câu hỏi: 65 câu hỏi, bao gồm câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi có nhiều lựa chọn
- Ngôn ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn, Tiếng Trung
- Định dạng: Thi trực tuyến hoặc tại trung tâm khảo thí
- Chi phí dự thi: 150 USD
Microsoft Certified: Azure Administrator Associate
Chứng chỉ Azure Administrator Associate được thiết kế dành cho cả những người có nền tảng IT và những người không chuyên, thể hiện khả năng thông thạo kiến thức cơ bản về Azure. Chứng chỉ này phù hợp với các chuyên gia IT đang mong muốn ứng tuyển vào những vị trí làm việc với Azure, bao gồm vị trí kỹ sư điện toán đám mây.
Nội dung kiểm tra:
- Khả năng triển khai và quản lý danh tính, quản lý lưu trữ, cấu hình & quản lý mạng ảo, quản lý tài nguyên điện toán trên đám mây Azure.
- Khả năng giám sát và sao lưu một cách thành thạo trên đám mây Azure.
Yêu cầu: Không có yêu cầu bắt buộc để tham gia kỳ thi này, nhưng Microsoft khuyến nghị có ít nhất sáu tháng kinh nghiệm thực hành với Azure, cũng như kiến thức về các dịch vụ cơ bản của Azure, các mô hình dịch vụ đám mây, bảo mật, và mạng.
Cấu trúc kỳ thi:
- Thời gian: 150 phút
- Câu hỏi: Khoảng 40-60 câu hỏi, bao gồm nhiều loại câu hỏi như trắc nghiệm, câu hỏi mô phỏng, và câu hỏi có nhiều lựa chọn.
- Ngôn ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn, Tiếng Trung
- Định dạng: Thi trực tuyến hoặc tại trung tâm khảo thí
- Chi phí dự thi: 99 USD
Google Associate Cloud Engineer
Chứng chỉ Google Associate Cloud Engineer được thiết kế cho những người mới bắt đầu và đang ở trình độ trung cấp làm việc với nền tảng Google Cloud. Chứng chỉ này xác nhận khả năng triển khai các ứng dụng, giám sát hoạt động của các dự án đám mây và duy trì các giải pháp của Google Cloud.
Nội dung kiểm tra:
- Khả năng thiết lập môi trường đám mây thành thạo.
- Khả năng lập kế hoạch và cấu hình giải pháp đám mây.
- Khả năng triển khai và thực hiện các giải pháp đám mây, đảm bảo hoạt động của các giải pháp đám mây, cấu hình truy cập và bảo mật.
Yêu cầu: Không có yêu cầu bắt buộc để tham gia kỳ thi này, nhưng Google khuyến nghị có ít nhất sáu tháng kinh nghiệm thực hành với Google Cloud và hiểu biết về các dịch vụ cơ bản của Google Cloud Platform.
Cấu trúc kỳ thi:
- Thời gian: 120 phút
- Câu hỏi: Khoảng 50-60 câu hỏi, bao gồm câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi có nhiều lựa chọn.
- Ngôn ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nhật, Tiếng Tây Ban Nha, Tiếng Bồ Đào Nha
- Định dạng: Thi trực tuyến hoặc tại trung tâm khảo thí
- Chi phí dự thi: 125 USD
IBM Certified Technical Advocate – Cloud v3
Chứng chỉ IBM Certified Technical Advocate – Cloud v3 (trước đây là IBM Certified Solution Advisor) là chứng chỉ nền tảng dành cho bất kì chuyên gia IT nào làm việc với công nghệ đám mây IBM. IBM Certified Technical Advocate chứng minh khả năng thiết kế các giải pháp dựa trên đám mây IBM một cách hiệu quả.
Nội dung kiểm tra:
- Các khái niệm cơ bản của đám mây, các thành phần của IBM Cloud, kiến trúc, mạng và bảo mật.
- Khả năng triển khai thông thạo các ứng dụng Cloud Native.
- Khả năng áp dụng các phương pháp triển khai đám mây vào thực tế.
Yêu cầu: Để hoàn thành tốt kỳ thi này, bạn nên có hiểu biết cơ bản về điện toán đám mây, kiến trúc giải pháp đám mây, mạng lưới giải pháp, khả năng lên chiến lược về độ khả dụng/khả năng phục hồi cloud, chiến lược bảo mật cloud, cùng khả năng trình bày phương pháp kết hợp các thành phần dịch vụ của IBM Cloud để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Cấu trúc kỳ thi:
- Thời gian: 120 phút
- Câu hỏi: Khoảng 100-120 câu hỏi, bao gồm câu hỏi trắc nghiệm và mô phỏng.
- Ngôn ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nhật, Tiếng Trung, Tiếng Tây Ban Nha
- Định dạng: Thi trực tuyến hoặc tại trung tâm khảo thí
- Chi phí dự thi: 200 USD
Cloud Security Alliance: Certificate of Cloud Security Knowledge (CCSK)
Chứng chỉ Certificate of Cloud Security Knowledge (CCSK) của Cloud Security Alliance (CSA) được thiết kế để đánh giá kiến thức toàn diện về bảo mật đám mây. Cloud Security Alliance (CSA) là một tổ chức cung cấp chứng chỉ độc lập không thuộc về nhà cung cấp công nghệ cụ thể nào, đồng nghĩa với việc các chứng chỉ được công nhận bởi tổ chức này khá khách quan, và những kiến thức từ chứng chỉ của CSA có thể được áp dụng cho nhiều nền tảng đám mây khác nhau.
Đây là một lợi thế lớn, giúp kỹ sư điện toán đám mây có thể làm việc linh hoạt và dễ dàng chuyển đổi giữa các môi trường đám mây khác nhau mà không bị giới hạn bởi công nghệ của một nhà cung cấp cụ thể.
Nội dung kiểm tra:
- Các khái niệm cơ bản về bảo mật đám mây, quản lý rủi ro, bảo vệ dữ liệu, tuân thủ pháp luật.
- Khả năng triển khai các biện pháp bảo mật, bảo vệ dữ liệu và ứng dụng trong môi trường đám mây trên các nền tảng đám mây khác nhau.
- Khả năng quản trị, quản lý dịch vụ đám mây và đánh giá rủi ro.
Yêu cầu: Không có yêu cầu bắt buộc để tham gia kỳ thi này, nhưng CSA khuyến nghị nên có hiểu biết cơ bản về các khái niệm bảo mật và điện toán đám mây trước khi thi.
Cấu trúc kỳ thi:
- Thời gian: 90 phút
- Câu hỏi: 60 câu hỏi trắc nghiệm
- Ngôn ngữ: Tiếng Anh
- Định dạng: Thi trực tuyến
- Chi phí dự thi: 395 USD
Những câu hỏi thường gặp về vị trí Kỹ sư điện toán đám mây
Kỹ sư điện toán đám mây có cần biết lập trình không?
Có, kỹ sư điện toán đám mây cần phải biết lập trình. Việc thành thạo các ngôn ngữ lập trình như Python, Java, C++, và Ruby rất quan trọng vì họ sẽ sử dụng những kỹ năng này để phát triển, quản lý và tối ưu hóa các dịch vụ và ứng dụng trên nền tảng đám mây. Ngoài ra, kiến thức về lập trình giúp kỹ sư điện toán đám mây có thể tự động hóa các tác vụ, phát triển các giải pháp phần mềm tùy chỉnh và làm việc hiệu quả với các công cụ và dịch vụ đám mây.
Kỹ sư điện toán đám mây có được trả lương cao không?
Có, kỹ sư điện toán đám mây thường được trả lương cao do nhu cầu cao về kỹ năng chuyên môn của họ và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đám mây.
Theo Báo cáo lương IT năm 2023 – 2024 của ITviec, mức lương cho vị trí Cloud Engineer là 37 triệu đồng/ tháng cho 3-4 năm kinh nghiệm; 57,5 triệu đồng/ tháng cho 5-8 năm kinh nghiệm.
Người ngoài ngành IT có thể trở thành Kỹ sư điện toán đám mây được không?
Người ngoài ngành IT vẫn có thể trở thành Kỹ sư điện toán đám mây, nhưng họ sẽ cần phải đầu tư thời gian và nỗ lực để học hỏi và phát triển các kỹ năng cần thiết. Họ có thể tham gia các khóa học và chương trình đào tạo về AWS, Azure và Google Cloud. Việc lựa chọn khóa học phù hợp rất quan trọng vì lĩnh vực đám mây rất rộng lớn. Việc chuyển đổi nghề nghiệp sẽ yêu cầu sự kiên trì và cam kết, nhưng nếu bạn có sự đam mê và quyết tâm, bạn hoàn toàn có thể trở thành một kỹ sư điện toán đám mây mà không có nền tảng về IT trước đó.
Tổng kết
Điện toán đám mây đang mở ra những tiềm năng phát triển mạnh mẽ và cơ hội nghề nghiệp rộng lớn cho chuyên gia IT. Nhờ sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ đám mây, vị trí kỹ sư điện toán đám mây cũng ngày càng có nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong các doanh nghiệp từ nhỏ tới lớn. Nắm vững các kỹ năng và kiến thức cần thiết về điện toán đám mây sẽ giúp dev tận dụng cơ hội và xây dựng một sự nghiệp vững chắc trong lĩnh vực đầy triển vọng này.
Tham khảo thêm loạt bài viết thuộc chủ đề điện toán đám mây: