Nội dung chính
- Lập trình Full Stack là gì?
- “Stack” trong lập trình Full Stack là gì?
- Công việc của lập trình viên Full Stack là gì?
- Các ngôn ngữ lập trình phổ biến trong lập trình Full Stack
- Các framework & thư viện phổ biến trong lập trình Full Stack
- Các câu hỏi thường gặp liên quan đến lập trình Full Stack là gì
- Tổng kết Full Stack là gì
Full Stack Developer luôn nằm trong top 3 các vị trí IT có nhu cầu tuyển dụng cao nhất (theo Báo cáo Xu hướng tuyển dụng IT của ITviec). Nếu bạn có đam mê và dự định tìm hiểu về lĩnh vực lập trình Full Stack, hãy cùng ITviec tìm hiểu ngay chủ đề Full Stack là gì, cũng như công việc của Full Stack Developer là gì trong bài viết dưới đây!
Đọc bài viết này để hiểu rõ:
- Lập trình Full Stack là gì?
- Công việc của lập trình viên Full Stack là gì?
- Các ngôn ngữ lập trình phổ biến trong Full Stack
- Các framework phổ biến trong lập trình Full Stack
Lập trình Full Stack là gì?
Lập trình Full Stack đề cập đến việc phát triển cả phần frontend (giao diện người dùng) và phần backend (tính toán xử lý logic, kết nối tương tác với cơ sở dữ liệu) của một ứng dụng, bao gồm ứng dụng web, phần mềm, hoặc ứng dụng mobile.
- Phần frontend (giao diện trang web) được xây dựng từ công nghệ cơ bản nhất như HTML, CSS, JavaScript.
- Phần backend được viết bởi các ngôn ngữ lập trình như PHP, Java, Python,… có thể tương tác với cơ sở dữ liệu cấu trúc (SQL), hay phi cấu trúc (NoSQL), … để lưu trữ thông tin website, thông tin giỏ hàng, đơn hàng, thông tin người đặt hàng,…
Một ví dụ cụ thể về lập trình Full Stack với trang web bán lẻ:
Người dùng có thể xem hoặc mua các mặt hàng cụ thể, xóa hoặc thêm các mặt hàng trong giỏ hàng, thay đổi thông tin của bản thân, hay thực hiện nhiều thao tác khác nhau.
Tất cả tương tác này được thực hiện đồng bộ cả trên front end (giao diện web) và backend (xử lý giỏ hàng, thông tin, và cơ sở dữ liệu).
“Stack” trong lập trình Full Stack là gì?
Stack (hay stack công nghệ) là tổng hợp nhiều công nghệ khác nhau được sử dụng để xây dựng ứng dụng web hay app hoàn chỉnh. Mỗi stack thường bao gồm các thành phần: Ngôn ngữ lập trình hoặc framework front end; Ngôn ngữ lập trình hoặc framework backend; Cơ sở dữ liệu; Máy chủ Web; Các công cự hỗ trợ khác như hệ điều hành, môi trường thực thi,…
Dưới đây là ví dụ về một số stack phổ biến trong lập trình Full Stack dành cho web:
- LAMP Stack (Linux, Apache, MySQL, PHP)
LAMP stack cung cấp giải pháp đầy đủ để xây dựng và triển khai ứng dụng Web động.
Sơ lược hoạt động của LAMP stack như sau: Khi có 1 yêu cầu từ người dùng (client) gửi tới máy chủ Web (Apache); Apache sẽ xem xét, nếu đó là yêu cầu tập tin tĩnh nó sẽ đáp ứng ngay, nếu yêu cầu đó là nội dung động, nó sẽ gửi tới thành phần PHP để xử lý, có thể tương tác với cơ sở dữ liệu nếu cần thiết, và chuyển kết quả đã tính toán cho máy chủ web dưới dạng HTML; máy chủ web sẽ gửi kết quả HTML động tới trình duyệt cho người dùng.
- MEAN Stack (MongoDB, Express, Angular, Node.js)
Các thành phần trong MEAN stack đều sử dụng JavaScript (hoặc TypeScript), giúp cho việc phát triển ứng dụng web trở nên nhất quán hơn. Sử dụng cơ sở dữ liệu phi cấu trúc (NoSQL) linh hoạt, và framework backend Express.js mạnh mẽ xây dựng trên Node.js, kết hợp framework Angular hiệu suất cao để phát triển frontend web.
- MERN Stack (MongoDB, Express, React, Node.js)
Tương tự như MEAN stack nhưng MERN stack sử dụng React thay thế cho framework Angular để phát triển frontend. Việc sử dụng React giúp tăng tốc và mang lại hiệu quả cao với khả năng tái sử dụng các thành phần UI tốt hơn. MERN stack cũng sử dụng framework backend Express.js đơn giản, nhanh, linh hoạt trong xây dựng API.
Công việc của lập trình viên Full Stack là gì?
Một lập trình viên Full Stack đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hoàn chỉnh từ đầu đến cuối một website, phần mềm, hoặc ứng dụng mobile. Yêu cầu đối với một lập trình viên Full Stack bao gồm:
- Thành thạo công nghệ frontend: Có khả năng xây dựng giao diện người dùng bằng HTML, CSS, JavaScript; và/hoặc sử dụng tốt các framework/thư viện frontend như React, Angular, Vue.js;
- Có khả năng phát triển backend: Khả năng sử dụng các ngôn ngữ phía máy chủ như PHP, Python, Java, Node.js,…; khả năng thiết kế, xây dựng và kết nối cơ sở dữ liệu; xây dựng API tương tác giữa frontend và backend.
- Khả năng tích hợp giữa frontend và backend: Đảm bảo giao diện frontend hoạt động tốt với các xử lý logic backend thông qua các API.
- Khả năng triển khai và bảo trì ứng dụng
- Khả năng kiểm thử, đánh giá và tối ưu hiệu năng
Điều đó có nghĩa là Lập trình viên Full Stack cần phụ trách cả trách nhiệm của Front end Developer và Back end Developer, được tổng hợp như bảng sau:
Front end Developer | Back end Developer | |
Trách nhiệm | Tập trung vào giao diện, hiển thị dữ liệu và xử lý tương tác cho người dùng. |
Xử lý logic các tính năng và dữ liệu của ứng dụng, xử lý yêu cầu và gửi phản hồi cho frontend. |
Công việc chính |
|
|
Ngôn ngữ sử dụng | HTML, CSS, JavaScript |
Python, PHP, Java, Node.js,… |
Các ngôn ngữ lập trình phổ biến trong lập trình Full Stack
Nắm vững nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau cho phép lập trình viên Full Stack có thể đánh giá, lựa chọn và ứng dụng công nghệ phù hợp cho từng vấn đề cụ thể. Đây chính là lợi thế giúp họ ghi điểm ấn tượng với nhà tuyển dụng, gia tăng sức cạnh tranh và dễ dàng thương lượng mức lương mong muốn.
Theo Báo cáo Lương IT mới nhất từ ITviec, top ngôn ngữ lập trình được các Full Stack Developer sử dụng nhiều nhất là:
C#
Được phát triển và phát hành bởi Microsoft Corp., C# là một trong những ngôn ngữ phổ biến và đa nhiệm gần như lý tưởng để phát triển Full Stack. C# cung cấp các framework như ASP.NET và Entity Framework để đơn giản hóa việc phát triển web và tương tác cơ sở dữ liệu.
PHP
PHP là ngôn ngữ lập trình Full Stack phổ biển, hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng đồng, dễ dàng tích hợp với các cơ sở dữ liệu.
Một trong những PHP framework phổ biến nhất có thể kể đến là Laravel với bộ tính năng mạnh mẽ giúp xây dựng web trở nên linh hoạt và dễ dàng hơn, ngoài ra còn có khả năng tích hợp liền mạch với các nền tảng CMS phổ biến như WordPress, Drupal.
Tham khảo các bài viết thuộc chủ đề PHP để làm quen với ngôn ngữ này:
- PHP là gì: Chi tiết và đầy đủ cách viết cú pháp PHP cơ bản
- Học PHP cơ bản với lộ trình toàn diện 2024
- PHP MVC tổng quan: Từ nguyên lý đến thực hành
JavaScript
JavaScript là ngôn ngữ lập trình đa năng, linh hoạt, phổ biến trong phát triển web Full Stack. Nó có thể được sử dụng cho cả frontend và backend. Nhiều thư viện, framework cho JavaScript phổ biến như React, Angular, Vue.js giúp đơn giản hoá quá trình phát triển frontend.
Về phía backend, Node.js hỗ trợ bất đồng bộ, giúp xử lý các tác vụ I/O nhanh chóng và khả năng mở rộng cao.
Bạn có thể bắt đầu với JavaScript từ những bài viết sau:
- JavaScript là gì? Học JavaScript cơ bản với lộ trình dễ hiểu nhất
- Tự học Javascript với 20+ tài nguyên online cơ bản đến nâng cao
- Bài tập JavaScript cơ bản kèm lời giải cho người mới bắt đầu
Java
Java nổi tiếng với ngôn ngữ lập trình đa nền tảng, với sự tin cậy và an toàn cao. Java được sử dụng rộng rãi trong phát triển các ứng dụng doanh nghiệp, ứng dụng web và ứng dụng trên mobile (Android). Việc có nhiều thư viện và framework mạnh mẽ như Spring và Hibernate giúp Java được ưu chuộng cho các nhiệm vụ phức tạp, cần độ bảo mật cao như trong tài chính, ngân hàng.
TypeScript
TypeScript được Microsoft thiết kế và phát triển để mở rộng JavaScript, giúp phát hiện lỗi sớm, cải thiện khả năng bảo trì mã trở nên dễ dàng hơn, giảm thiểu lỗi khi ứng dụng chạy, TypeScript có thể chạy trên bất kỳ nền tảng nào hỗ trợ JavaScript, nó đang ngày càng phổ biến trong phát triển phần mềm.
Các framework & thư viện phổ biến trong lập trình Full Stack
Cũng theo Báo cáo Lương IT từ ITviec, các framework và thư viện hàng đầu được các Full Stack Developer ưa chuộng sử dụng gồm:
React.js
React.js, hay thường gọi là React, là một thư viện JavaScript mạnh mẽ và linh hoạt, dùng trong xây dựng giao diện người dùng.
React nhanh chóng trở thành công cụ phổ biến bởi một số đặc điểm sau:
- Tính tái sử dụng các thành phần, mỗi thành phần đươc quản lý trạng thái riêng, dễ dàng kết hợp để tạo ra ứng dụng phức tạp;
- Virtual DOM (VDOM hay DOM ảo) là một bản sao của DOM thực tế. Khi dữ liệu thay đổi, React sẽ tính toán những thay đổi cần thiết trên VDOM trước, sau đó áp dụng những thay đổi tối thiểu lên DOM thực, điều này giúp tối ưu hoá hiệu suất và tránh tải lại toàn bộ trang khi có một sự thay đổi bất kỳ nào đó.
Node.js
NodeJS là một môi trường runtime mã nguồn mở, cho phép thực thi JavaScript ở phía máy chủ. Node.js có một số điểm nổi bật với khả năng xử lý bất đồng bộ, điều này giúp xử lý hiệu quả đồng thời nhiều kết nối, phù hợp với các ứng dụng yêu cầu kết nối theo thời gian thực; hiệu năng cao, hệ sinh thái phong phú với hàng nghìn thư viện và công cụ có thể truy cập thông qua NPM.
Node.js hỗ trợ trên các nền tảng Linux, Windows, MacOS.
Laravel
Laravel là một framework PHP mã nguồn mở, được sử dụng để phát triển ứng dụng web theo mô hình MVC.
Sự khác biệt và điểm nhấn của Laravel có thể kể đến là cú pháp gọn, dễ học, tài liệu tương đối rõ ràng, hệ thống xác thực được tích hợp sẵn, có tích hợp sẵn nhiều thư viện và công cụ hỗ trợ caching, queuing, unit testing, hỗ trợ giao diện dòng lệnh Artisan CLI, giúp tạo nhanh các tác vụ như controllers, model, hay migrations, thao tác dễ dàng với cơ sở dữ liệu với Eloquent ORM, hỗ trợ mạnh mẽ cho kiến trúc RESTFul API, cộng đồng hỗ trợ Laravel khá lớn.
Bạn có thể tham khảo loạt bài viết về Laravel do ITviec sản xuất, kết hợp với sự tư vấn từ các chuyên gia:
- Laravel là gì? Tổng quan về Laravel A-Z cho người mới bắt đầu
- Top 18 tài nguyên học Laravel hay nhất năm 2024
- Cài đặt Laravel mới nhất với hướng dẫn từng bước chi tiết
- Laravel Validation: Chi tiết các quy tắc và cách áp dụng hiệu quả
- Laravel Migration: Hướng dẫn áp dụng migration trong Laravel
- Laravel CMS là gì? Top 5 Laravel CMS cho phát triển web
AngularJS
AngularJS là một framework frontend mã nguồn mở của Google, được sử dụng để xây dựng các ứng dụng web trang đơn SPA (Single Page Application).
AngularJS cung cấp kiến trúc MVC giúp phát triển ứng dụng dễ dàng và dễ quản lý, bảo trì hơn. AngularJS hỗ trợ data binding, cho phép đồng bộ dữ liệu giữa model và view một cách tự động.
jQuery
jQuery là một thư viện JavaScript, hỗ trợ việc thao tác DOM dễ dàng hơn với cú pháp ngắn gọn, trực quan.
jQuery hoạt động nhất quán trên nhiều trình duyệt, cung cấp nhiều hiệu ứng có sẵn, các phương thức xử lý sự kiện mạnh mẽ, jQuery cung cấp phương thức AJAX giúp đơn giản hoá việc gửi và xử lý các yêu cầu bất đồng bộ, cú pháp dễ hiểu giúp rút ngắn thời gian triển khai ứng dụng.
Vue.js
Vue.js là một framework JavaScript, được dùng để phát triển giao diện người dùng trên web. Vue.js sử dụng Virtual DOM giúp tối ưu hiệu suất, chỉ render lại những phần tử thực sự cần thay đổi, đem lại trải nghiệm người dùng tốt hơn. Vue.js có kích thước khá nhỏ gọn và khả năng tích hợp với các thư viện khác một cách linh hoạt.
ASP.NET
ASP.NET là một framework được phát triển bởi Microsoft, được xây dựng dựa trên nền tảng .NET framework, cung cấp nhiều thư viện có sẵn và mô hình MVC mạnh mẽ giúp phát triển web dễ dàng hơn.
ASP.NET Core
ASP.NET Core là một framework mã nguồn mở, đa nền tảng cho phép phát triển các ứng dụng web, backend cho các ứng dụng di động và xây dựng API.
APS.NET Core được tối ưu để đạt hiệu suất cao, có thể hoạt động trên nhiều hệ điều hành khác nhau như Windows, Linux và MacOS. ASP.NET Core hỗ trợ tốt cho Docker và microservices, đồng thời có lợi thế là cộng đồng hỗ trợ lớn từ Microsoft.
Next.js
Next.js là một framework mã nguồn mở được xây dựng trên nền tảng React, đây là giải pháp toàn diện để xây dựng trang web cần hiệu suất tải trang và hỗ trợ tốt cho SEO.
Next.js sử dụng cấu trúc thư mục dựa trên file-system cho routing (định tuyến) giúp giảm sự cần thiết cấu hình routing.
Các câu hỏi thường gặp liên quan đến lập trình Full Stack là gì
Các kỹ năng cần có để trở thành Lập trình viên Full Stack là gì?
Nhà tuyển dụng mong đợi những chuyên gia Full Stack Web Developer phải có kỹ năng thiết yếu sau đây:
- Kỹ năng lập trình, bao gồm lập trình hướng đối tượng, kiến thức về cấu trúc dữ liệu và thuật toán.
- Kỹ năng phát triển frontend: Kiến thức về HTML, CSS, JavaScript, các framework frontend, các công cụ như NPM, Webpack,…
- Kỹ năng phát triển backend: Ngôn ngữ lập trình phía máy chủ như PHP, Java, Python,…
- Kỹ năng triển khai trên các nền tảng như AWS, Azure, Google Cloud.
- Kỹ năng làm việc nhóm.
- Kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá và giải quyết vấn đề.
Mức lương Full Stack Developer tại Việt Nam là bao nhiêu?
Theo báo cáo lương IT mới nhất từ ITviec cho thấy, tùy vào số năm kinh nghiệm làm việc mà vị trí Full Stack Developer sẽ có mức lương trung vị khác nhau, cụ thể như bảng bên dưới:
Số năm kinh nghiệm | Mức lương Full Stack Developer trung vị |
Dưới 1 năm | 10 triệu |
1-2 năm | 19 triệu |
3-4 năm | 28 triệu |
5-8 năm | 38 triệu |
Trên 8 năm | 55 triệu |
Những thuận lợi và khó khăn dành cho Lập trình viên Full Stack là gì?
Trở thành lập trình viên Full Stack mang đến cho bạn những thuận lợi như:
- Nắm trong tay bộ kỹ năng toàn diện bao gồm phát triển frontend và backend. Điều này cho phép bạn làm việc trên các khía cạnh khác nhau của dự án, chuyển đổi liền mạch giữa các stack công nghệ khác nhau.
- Nhanh chóng khắc phục sự cố, đề xuất giải pháp và triển khai dự án mà không bị phụ thuộc vào việc phối hợp với các lập trình viên chuyên ngành khác. Cách tiếp cận giải quyết vấn đề này mang lại các quy trình phát triển hiệu quả và cung cấp giải pháp nhanh hơn.
- Tận hưởng nhiều cơ hội và triển vọng phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Lập trình viên Full Stack cũng phải đối diện với nhiều thử thách trong công việc như:
- Luôn phải cập nhật và liên tục học hỏi các công nghệ mới, phải đầu tư thời gian và công sức nhiều vào việc phát triển chuyên môn để duy trì bộ kỹ năng của bản thân.
- Phải xử lý tất cả các khía cạnh của một dự án, đặc biệt là các ứng dụng phức tạp và có quy mô lớn.
- Phải cân bằng giữa mong muốn chuyên môn hóa trong các công nghệ hoặc lĩnh vực cụ thể với nhu cầu duy trì một bộ kỹ năng rộng.
Tổng kết Full Stack là gì
Khi các doanh nghiệp chuyển mình sang nền tảng trực tuyến và ứng dụng công nghệ tiên tiến ngày càng nhiều, nhu cầu tuyển dụng những chuyên gia lập trình Full Stack có thể xử lý mọi khía cạnh phát triển sản phẩm – từ thiết kế giao diện, lập trình back-end đến quản lý dữ liệu – trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Từ các kiến thức nền tảng về lập trình Full Stack trong bài viết này, hãy bắt tay ngay vào việc lên kế hoạch tìm hiểu, làm chủ kiến thức và trở thành một Full Stack Developer chuyên nghiệp trong tương lai.