Có nhiều yếu tố tạo nên sự thành công của một Java Developer, từ kiến thức, kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, đến việc sở hữu những chứng chỉ cần thiết để có thể thăng tiến tốt nhất trong lộ trình sự nghiệp của mình. Bài viết này sẽ hướng dẫn tất cả những điều cần biết để theo đuổi sự nghiệp Java Developer.

Đọc bài viết này để hiểu rõ:

  • Java Developer là làm gì? Có thể đảm nhận những vai trò nào trong team?
  • Các kỹ năng chuyên môn & kỹ năng mềm cần có của Java Developer
  • Những chứng chỉ hữu ích cho sự nghiệp lập trình Java
  • Các bước để trở thành Java Developer
  • Lộ trình phát triển sự nghiệp và mức lương theo số năm kinh nghiệm

Java Developer là gì?

Java Developer là chuyên gia sử dụng ngôn ngữ lập trình Java để xây dựng và phát triển các ứng dụng, phần mềm, hệ thống hoặc trang web. Java Developer có hiểu biết về các nguyên tắc lập trình, cú pháp Java và đặc điểm của lập trình hướng đối tượng.

Java là một trong những ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất hiện nay. Các đặc điểm chính của ngôn ngữ lập trình này là tính đa nền tảng và hướng đối tượng (Object-oriented). Java là ngôn ngữ lập trình được sử dụng bởi nhiều tên tuổi lớn trong ngành công nghệ như PAYPAL, NASA hay LinkedIn.

Ngoài ra, nhiệm vụ của một Java Developer còn bao gồm việc phối hợp với các phòng ban khác như QA để đảm bảo chất lượng của sản phẩm, nhóm thiết kế UI/ UX để tích hợp các chức năng backend với giao diện người dùng, và quản lý dự án để hiểu rõ hơn về yêu cầu của khách hàng.

Những công việc chính của một Java Developer 

Một Java Developer có thể đảm nhiệm vai trò của một kỹ sư phần mềm, lập trình viên back end, lập trình viên ứng dụng di động (mobile app) hay lập trình web. 

Tuy nhiên, công việc của Java Developer tập trung nhiều hơn vào phần back end như: xử lý các vấn đề liên quan đến logic, dữ liệu và chức năng của ứng dụng hoặc trang web.

Backend chỉ các ứng dụng và chương trình chứa code và dữ liệu vận hành hệ thống mà người dùng không thể truy cập. Frontend chỉ những gì người dùng có thể nhìn thấy và tương tác được, tức giao diện người dùng với các nút, trang web, và dữ liệu được nhập trực tiếp từ người dùng. 

Cụ thể, công việc của Java Developer liên quan đến back end là:

  • Sử dụng thành thạo Java framework: Spring, Hibernates, Struts đều là những Java framework được ưa chuộng vì chúng cung cấp sẵn các mô-đun và thành phần xử lý các vấn đề như quản lý cơ sở dữ liệu, bảo đảm an ninh và phát triển REST APIs. Các framework này giúp cho công việc của một Java Developer trở nên đơn giản và hiệu suất hơn.
  • Triển khai Môi Trường Phát Triển Tích Hợp (IDEs): Với IDE, các Java Developer có thể sử dụng những bộ công cụ giao diện để đẩy nhanh hiệu suất lập trình chương trình Java. Cụ thể hơn, các Java IDE phổ biến như IntelliJ IDEA hay Netbeans cung cấp các chức năng thông minh như tự động hoàn thành code, kiểm lỗi và gỡ lỗi.
  • Sử dụng các công cụ phát triển chuyên biệt: Những công cụ chuyên biệt như Maven, Ant hay Gradle hỗ trợ đơn giản hoá việc lập trình, quản lý phụ thuộc (dependency management) và đảm bảo chất lượng.

Một số đầu việc khác, cụ thể hơn, của các Java Developer có thể gồm có:

  • Công việc front end: thiết kế giao diện người dùng thân thiện và dễ sử dụng bằng ngôn ngữ lập trình web như HTML hay CSS.
  • Tạo ra và kết nối các lớp (layer) như lớp máy chủ web (web server), máy chủ ứng dụng (application server) và cơ sở dữ liệu. 
  • Đảm bảo ứng dụng an toàn và có thể được mở rộng, cũng như đáp ứng các yêu cầu khác của khách hàng về quản lý cơ sở dữ liệu (bằng các công cụ như MySQL Workbench, Apache Casandra)  và hiểu về bộ nhớ đệm và cân bằng tải (caching and load balance) bằng sự hỗ trợ của HAProxy hay AWS Elastic Load Balancer.

Các kỹ năng chuyên môn mà Java Developer cần có

Với những công việc cụ thể như vậy, mỗi Java Developer cần trang bị cho mình 9 kĩ năng cứng sau.

Kiến thức cốt lõi của Java (Core Java)

Một Java Developer thành công là một người nắm chắc những kiến thức cơ bản về nguyên tắc lập trình Java. 

  • Kỹ năng lập trình hướng đối tượng (Object oriented programming): Khi nắm được các nguyên tắc lập trình OOP như: tính kế thừa (inheritance), đóng gói (encapsulation), trừu tượng (abstraction) và đa hình (polymophism), lập trình viên có thể cải thiện tính ổn định và bảo toàn của code. 
  • Mẫu thiết kế (design pattern) trong Java: bao gồm các giải pháp cơ bản để giải quyết các vấn đề thường gặp trong quá trình thiết kế phần mềm. Mỗi mẫu thiết kế đóng vai trò như một bản thiết kế có sẵn để giải quyết các vấn đề về mặt thiết kế code trong quá trình phát triển mô-đun phần mềm.

Tìm hiểu thêm: Java là gì và các thuật ngữ cơ bản

Công cụ Xây dựng Java (Java Build Tools)

Hiểu biết ngôn ngữ của các công cụ xây dựng rất hữu ích cho Java Developer, vì đây là các chương trình tự động hóa việc tạo các ứng dụng thực thi từ mã nguồn. Maven và Gradle là hai công cụ xây dựng mà Java Developer cần thành thạo.

Công nghệ Web

Công nghệ web giúp việc tạo nội dung web động trở nên dễ dàng và nhanh chóng. Hiểu các khái niệm liên quan đến công nghệ web như HTML, CSS, JQuery giúp Java Developer nắm rõ hơn về việc thiết lập giao tiếp giữa nhiều hệ thống máy tính thông qua ngôn ngữ đánh dấu. Việc thiết lập này cho phép giao tiếp với máy chủ để lấy thông tin, tương tự như cách các trang web hoạt động.

Java web framework

Những framework Java như Spring MVC hay Play hỗ trợ tạo các ứng dụng web và điện thoại một cách nhanh chóng và tiện lợi.

Bộ chứa ứng dụng Java (Java Application Containers)

Bộ chứa ứng dụng Java là một chương trình ứng dụng, nơi chạy thành phần (component) của phần mềm. Các bộ chứa ứng dụng được thiết kế để thực hiện nhiều tác vụ khác nhau như xác thực người dùng, ghi nhật ký và thiết lập kết nối cơ sở dữ liệu. JBoss và Jetty là hai bộ chứa ứng dụng Java được ưa chuộng.

Công cụ kiểm thử

Selenium và TestNG là hai công cụ kiểm thử Java hữu ích mà lập trình viên nên biết cách sử dụng. Các hoạt động kiểm thử được hỗ trợ gồm có tạo ra kế hoạch và yêu cầu kiểm thử, thực thi, ghi lại lỗi phân tích,…

Ngoài ra, các công cụ kiểm thử đơn vị như JUnit, TestNg sẽ hữu ích khi ứng dụng của bạn mở rộng, cần viết các bài kiểm tra tự động nhanh hơn, với cú pháp đơn giản và phản hồi nhanh chóng về các bài test đã vượt qua. Java Developer cần có kiến thức chuyên sâu về một trong số các công cụ kiểm thử này.

Big Data (Dữ liệu lớn)

Big Data đã trở thành ngành công nghiệp “triệu đô” vì có thể xử lý lượng dữ liệu khổng lồ – việc mà các phần mềm truyền thống không thể làm được. Có kiến thức về Big Data cho phép các Java Developer chiết xuất và phân tích những bộ dữ liệu phức tạp. Trong đó Hadoop và Spark là hai Big Data Framework mạnh mẽ và được ưa chuộng.

Thành phần Java EE 

Một trong những khó khăn thường gặp nhất của các lập trình viên làm việc trong doanh nghiệp là xử lý những yêu cầu đến từ khách hàng trên web. Lập trình viên nên có kiến thức về Java EE để giải quyết khó khăn này. Java EE (bao gồm các API của Servlet và JavaServer Pages) cung cấp các cách ghi nhật ký hành động bằng cách sử dụng cookie trên trình duyệt của người dùng.

Các API này đơn giản hóa và cung cấp câu trả lời tốt nhất cho các loại yêu cầu kể trên. Servlets, Java Beans và Java Server Pages là một số thành phần Java EE quan trọng mà Java Developer cần nắm rõ.

Công cụ DevOps

Kiến thức DevOps như: quy trình tích hợp liên tục (CI), triển khai liên tục (CD) và sự tham gia của Jenkins vào cả hai quy trình là những khái niệm quan trọng đối với Java Developer. Ngoài ra, nắm vững cách sử dụng các công cụ DevOps như Docker, Chef, Kubernetes, Maven và Jenkins cũng rất cần thiết.

Quản lý Phiên bản (Version Control)

Hệ thống kiểm soát phiên bản (Version Control System) là các công cụ phần mềm hỗ trợ quản lý các thay đổi về mã nguồn theo thời gian. Có nhiều hệ thống kiểm soát phiên bản, trong số đó Github, BitBucket, GitLab, BeanStalk là những cái tên phổ biến mà lập trình viên nên nắm vững.

Nguyên tắc SOLID

Nắm vững 5 nguyên tắc SOLID giúp lập trình viên cải thiện chất lượng và khả năng bảo trì của ứng dụng. Một lập trình viên lành nghề sẽ có thể sử dụng những nguyên tắc này bất cứ khi nào cần thiết.

Các kỹ năng mềm mà Java Developer cần có

  • Giao tiếp tốt, tức không chỉ có thể truyền tải thông điệp một cách trôi chảy mà còn là một người lắng nghe giỏi.
  • Sẵn sàng học hỏi kỹ năng mới: Học, học nữa, học mãi chính là cách một Java Developer giỏi nâng cấp bản thân.
  • Làm việc nhóm: Một dự án thành công là một dự án được tạo nên từ công sức của nhiều người, vì vậy, kỹ năng làm việc cùng đồng nghiệp để nâng cao hiệu suất là một kỹ năng quan trọng.

Các chứng chỉ nên có khi học Java

Sở hữu một hoặc nhiều chứng chỉ Java là bằng chứng chứng minh kiến thức và chuyên môn của bạn, giúp bạn có nhiều cơ hội tìm công việc tốt hơn. Sau đây là một số chứng chỉ Java quan trọng mà bạn nên xem xét:

Oracle Certified Foundations Associate, Java

  • Chứng minh hiểu biết về các kiến thức lập trình Java cơ bản như: kiểu dữ liệu Java, string class, câu lệnh quyết định, câu lệnh lặp (decision and looping statements),…

Oracle Certified Associate, Java SE 8 Programmer

  • Chứng minh đã hoàn thành các module đào tạo Java SE 8, có kiến thức cơ bản về Java và kỹ năng cần thiết cho sự nghiệp của một Java Developer.

Oracle Certified Professional, Java SE 8 Programmer

  • Đây là chứng chỉ ở cấp độ chuyên gia dành cho những Java Developer đã có kinh nghiệm.
  • Yêu cầu tham gia: có chứng chỉ Oracle Certified Associate Java SE 8 Programmer và hoàn thành các module đào tạo Java SE 8 nâng cao.
  • Bao gồm các chủ đề như operators, mảng, kế thừa và Java API.

Oracle Certified Professional, Java EE 7 Application Developer

  • Củng cố kỹ năng trong công nghệ Java EE 7 cho lập trình viên trung cấp và cao cấp.
  •  Kiến trúc Java EE, thực thể JPA, Java Message Service API,…

Oracle Certified Professional, Java SE 11 Developer

  • Đây là chứng chỉ ở cấp độ chuyên gia dành cho những Java Developer đã có kinh nghiệm.
  • Tập trung vào các kiến thức: lập trình hướng đối tượng, lập trình chức năng (functionality programming) và các chủ đề về Java SE 11.

Oracle Certified Professional, Java SE 17

  • Đây là chứng chỉ cho thấy độ am hiểu của một lập trình viên về Java SE 17.
  • Khá giống chứng chỉ SE 11, điểm khác biệt là chứng chỉ SE 17 yêu cầu sự hiểu biết về phần mềm mới hơn.

Lộ trình phát triển sự nghiệp của một Java Developer

  • Junior Java Developer: Trong giai đoạn này, lập trình viên tập trung học và nâng cao các kỹ năng chuyên môn liên quan đến Java, đồng thời thực hiện một số đầu việc đơn giản dưới sự hướng dẫn của cấp trên.
  • Middle Java Developer: Ở giai đoạn này, lập trình viên đã nắm vững kiến thức về Java và có thể tham gia phát triển các ứng dụng phức tạp, thậm chí là hướng dẫn một số lập trình viên junior.
  • Senior Java Developer: Đây là lúc bạn đã trở thành một chuyên gia trong ngôn ngữ lập trình Java, có thể dẫn dắt các dự án lớn, đưa ra những quyết định quan trọng và hỗ trợ nhân viên cấp dưới. 
  • Kiến trúc sư phần mềm Java: Ở cấp độ này, các kỹ sư thiết kế toàn bộ cấu trúc của các ứng dụng Java và đảm bảo bảo chúng an toàn, mạnh mẽ và có thể mở rộng. Các kỹ sư cũng làm việc với các khách hàng để hiểu hơn về yêu cầu của họ và biến yêu cầu thành các giải pháp.
  • Giám đốc công nghệ (CTO): Là một trong những mức độ cao nhất trong nấc thang sự nghiệp, giám đốc công nghệ sẽ giám sát chiến lược công nghệ của các công ty, lãnh đạo các đội nhóm và đảm bảo các giải pháp công nghệ phù hợp với tầm nhìn công ty.

Mức lương của Java Developer

Mức lương trung vị tham khảo của Java Developer theo số năm kinh nghiệm (dựa trên Báo cáo lương 2023 – 2024 của ITviec):

  • Kinh nghiệm 1-2 năm: 18 triệu/ tháng
  • Kinh nghiệm 3-4 năm: 30 triệu/ tháng
  • Kinh nghiệm 5-8 năm: 45 triệu/ tháng
  • Kinh nghiệm trên 8 năm: 55,5 triệu/ tháng

Các bước để trở thành một Java Developer

Nếu là một người chưa biết gì về Java và muốn trở thành một Java Developer, bạn có thể thực hiện các bước sau đây:

  • Học những kiến thức cơ bản về Java. Bạn có thể bắt đầu bằng một khoá học online hoặc tìm các tài liệu trên mạng để học về cú pháp Java, OOP, cấu trúc, loại dữ liệu… 
  • Tham gia nhóm cộng đồng Java Developer: Có rất nhiều cộng đồng Java Developer trực tuyến mà bạn có thể tham gia. Đó là nơi mọi người chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, bàn bạc về các công nghệ và xu hướng mới nhất cũng như hỗ trợ nhau giải quyết các vấn đề cụ thể.
  • Tham gia các dự án thực tế để có thêm trải nghiệm. Bạn có thể thông qua các bài tập trong lớp học, bài tập online, hoặc thực hành qua IDE.  
  • Tự tạo ra các dự án của riêng mình. Các dự án thực tế này giúp bạn thực hành và phát triển chuyên môn sâu hơn. Đây cũng chính là cách giúp bạn xây dựng CV của mình. 
  • Xây dựng mối quan hệ với các chuyện gia trong ngành, mở rộng cơ hội việc làm, cũng như nâng cao kiến thức công nghệ và xu hướng phát triển phần mềm.

Câu hỏi thường gặp về Java Developer

Như thế nào là một Java Developer giỏi?

Một Java Developer giỏi là người có hiểu biết sâu sắc về core Java, nắm bắt những tiến bộ mới của Java như Java 8, JDK 10 và JVM. Ngoài ra, cần có khả năng sử dụng tốt các công cụ khác nhau để thử nghiệm và triển khai các ứng dụng Java.

Java Developer làm việc với ai?

Java Developer là một công việc chuyên ngành, chủ yếu làm việc trên các dịch vụ back end. Họ cộng tác với các lập trình viên web, kỹ sư phần mềm và các nhóm khác nhằm nâng cao các ứng dụng, phần mềm và trang web kinh doanh.

Java Developer có phải là một nghề nghiệp tốt không?

Java là một trong những ngôn ngữ lập trình phổ biến, đóng vai trò là xương sống của cuộc cách mạng Internet, được sử dụng trong phát triển di động, phát triển back end, giải pháp dựa trên đám mây và các lĩnh vực công nghệ thịnh hành như IoT và Big Data. Ngôn ngữ này được dự đoán vẫn sẽ là lựa chọn hàng đầu ở các doanh nghiệp do có cộng đồng mạnh mẽ, hỗ trợ doanh nghiệp tốt và mức độ phổ biến ngày càng tăng của các lập trình viên.

Do đó, Java Developer hiện nay vẫn là nghề nghiệp có nhiều cơ hội việc làm tốt.

Java có khó với người mới bắt đầu không?

Các nguyên tắc Java có thể hơi phức tạp với những người mới bắt đầu. Do đó, nếu bạn muốn bắt tay vào lập trình mà không cần đầu tư nhiều thì một vài ngôn ngữ khác như Python có thể là lựa chọn tốt hơn vì cú pháp đơn giản của nó. Còn nếu bạn đang theo học tại các ngành công nghệ thông tin hoặc kỹ thuật máy tính, bạn nên bắt đầu với Java vì nó sẽ giúp bạn hiểu rõ hoạt động cốt lõi của lập trình.

Tổng kết

Tóm lại, Java Developer là người chịu trách nhiệm thiết kế, phát triển và duy trì các chương trình dựa trên Java. Vì Java được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là bởi các doanh nghiệp lớn nên trách nhiệm hàng ngày cho vị trí này sẽ khác nhau.

Bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ những thông tin quan trọng để trở thành một Java Developer lành nghề, từ kỹ năng, nhiệm vụ cho đến lộ trình sự nghiệp của Java Developer. Trở thành Java Developer sẽ mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp và thăng tiến tuyệt vời cho bạn trong ngành IT.

robby-2

Bạn thấy bài viết hay và hữu ích? Đừng ngại Share với bạn bè và đồng nghiệp nhé.

Và nhanh tay tham khảo việc làm IT “chất” trên ITviec!