Nói về lập trình game, Unreal Engine và Unity nổi bật là hai nền tảng hàng đầu sở hữu lượng người dùng khổng lồ với mỗi nền tảng đều có những tính năng chuyên biệt và hạn chế riêng. Bài viết này sẽ so sánh giữa Unreal Engine vs Unity, từ khả năng đồ họa, tính năng hỗ trợ, đến độ phổ biến và cộng đồng người dùng, nhằm giúp bạn chọn lựa công cụ phù hợp nhất cho dự án phát triển trò chơi của mình.

Cùng ITviec tìm hiểu qua bài viết này:

  • Tổng quan về Unreal Engine
  • Tổng quan về Unity
  • So sánh Unreal Engine vs Unity

Tổng quan về Unreal Engine

Unreal Engine là gì?

Unreal Engine (UE) là một công cụ lập trình trò chơi điện tử do Epic Games phát triển, với phiên bản đầu tiên được ra mắt vào năm 1998. Đây là một công cụ lập trình game phổ biến nhất hiện nay, được sử dụng không chỉ dành cho các game developer mà còn người dùng có hứng thú với trò chơi điện tử, nhờ vào những tính năng nâng cao dành cho lập trình game:

  • Kết xuất ảnh chân thực theo thời gian thực: Đưa đồ họa trở nên sống động với khả năng kết xuất nhanh chóng, nắm bắt tinh hoa của chủ nghĩa hiện thực.
  • Hỗ trợ đa người dùng: Xây dựng và triển khai các trò chơi nhiều người chơi với sự hỗ trợ từ một nền tảng mạng mạnh mẽ và dễ dàng mở rộng.
  • Hiệu ứng hình ảnh, tạo hạt và động lực học (Particle Dynamics): Cho phép lồng ghép những hiệu ứng hình ảnh ngoạn mục và mô phỏng hạt sống động, thu hút người chơi.
  • Hậu kỳ điện ảnh: Nâng cao chất lượng hình ảnh với các hiệu ứng hậu kỳ đạt chuẩn điện ảnh.
  • Tích hợp AI: Có công cụ trí tuệ nhân tạo hiện đại để tăng cường trải nghiệm chơi game với các hành vi và tương tác phức tạp.
  • Cảnh quan âm thanh đắm chìm: Tận dụng công cụ âm thanh mạnh mẽ của Unreal Engine để tạo ra không gian âm thanh phong phú và chân thực.
  • Tùy chỉnh không giới hạn: Tùy chỉnh và nâng cao chức năng của Unreal Engine để đáp ứng mọi yêu cầu riêng biệt của dự án với các tùy chọn tùy chỉnh không giới hạn.

Có thể nói, Epic Games đã tạo ra Unreal Engine nhằm mang lại một giải pháp toàn diện và mạnh mẽ cho các nhà phát triển từ những người mới bắt đầu cho đến các chuyên gia. Đặc biệt, công cụ này là hoàn toàn miễn phí, cho phép ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận và lập trình game hiệu quả. 

Ngôn ngữ sử dụng trong Unreal Engine

Unreal Engine sử dụng C++ làm ngôn ngữ lập trình chính, bên cạnh ngôn ngữ phụ là Blueprint. Ngôn ngữ này được chọn vì tính ổn định và khả năng phân bổ bộ nhớ vượt trội, giúp các nhà phát triển tối ưu hóa hiệu suất của trò chơi. 

Tuy vậy, dù lập trình game C++ khá phổ biến và mạnh mẽ, nhưng bản thân ngôn ngữ C++ là một ngôn ngữ tương đối khó học và yêu cầu kỹ năng lập trình cao so với người mới bắt đầu.

Tham khảo chuỗi bài viết học lập trình C và C++ sau đây:

Những tựa game nổi bật lập trình bởi Unreal Engine

Unreal Engine là công cụ lâu đời và tiên tiến với nhiều phiên bản được cập nhập liên tục để bổ sung tính năng từ cơ bản đến nâng cao. Vì vậy, không lạ khi Unreal Engine đứng đằng sau nhiều tựa game nổi tiếng sở hữu hàng triệu người chơi trên thị trường, điển hình như:

  • Fortnite: Trò chơi bắn súng sinh tồn kết hợp xây dựng mà bạn chắc hẳn đã nghe hoặc trải nghiệm qua, được phát triển trên Unreal Engine 4.
  • Hellblade: Senua’s Sacrifice: Một trò chơi phiêu lưu hành động với hình ảnh chân thực, tái hiện thế giới nội tâm phức tạp của nhân vật chính Senua.
  • Star Wars Jedi: Fallen Order: Trò chơi đưa người chơi vào vai một Jedi Padawan, khám phá các môi trường chi tiết và đầy thách thức trong vũ trụ Star Wars.
  • Sea of Thieves: Trò chơi phiêu lưu thế giới mở, cho phép người chơi khám phá biển cả, tìm kho báu và đối đầu với kẻ thù, tất cả đều được tái hiện sống động nhờ Unreal Engine.

Ngoài ra, phiên bản mới nhất của công cụ là Unreal Engine 5 cũng đang được sử dụng để lập trình các tựa game đình đám sắp ra mắt như Black Myth: Wukong, Redfall, và Senua’s Saga: Hellblade 2, hứa hẹn sẽ mang lại những trải nghiệm tuyệt vời với đồ họa và lối chơi ấn tượng vượt bậc.

Ưu điểm và Nhược điểm của Unreal Engine

Ưu điểm Nhược điểm
Miễn phí cho các dự án tạo ra ít hơn $100,000 mỗi năm Quyền truy cập vào các nguồn có cơ chế read-only chỉ có thể thực hiện được khi đăng ký Unity Enterprise (có phí)
Phủ sóng hơn 25 nền tảng với giao diện trực quan Hiệu suất thấp hơn so với các công cụ lập trình chuyên dụng khác
Bộ công cụ tuyệt vời để lập trình game mobile và game indie  Các tính năng nâng cao hỗ trợ đa người dùng chỉ khả dụng khi tải xuống các framework

Tổng quan về Unity

Unity là gì?

Unity được phát triển bởi Unity Technologies, lần đầu tiên ra mắt vào năm 2005 dưới dạng là một nền tảng lập trình game chuyên biệt cho MacOS. Tuy nhiên, quy mô của Unity dần được mở rộng và hiện hỗ trợ các nhà phát triển thiết kế và xây dựng trò chơi trên nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm PC, máy chơi game, thiết bị di động và thực tế ảo.

Dù đều là cùng công cụ lập trình game, tính năng của Unity sẽ có phần khác so với Unreal Engine, cụ thể như:

  • Hỗ trợ đồ họa 3D và 2D: Unity cho phép phát triển cả trò chơi 3D và 2D với các công cụ và tùy chọn chuyên dụng cho từng loại đồ họa.
  • Kiến trúc dễ hiểu: Unity cung cấp một hệ thống cảnh và đối tượng rõ ràng, giúp quản lý trò chơi dễ dàng, cùng với khả năng tùy chỉnh cao.
  • Tập lệnh API mạnh mẽ: Unity cung cấp một API giúp truy cập và tùy chỉnh các tính năng trò chơi dễ dàng, từ giao diện đến hành vi đối tượng.
  • Hỗ trợ đa nền tảng: Unity cho phép xuất bản trò chơi trên nhiều nền tảng khác nhau như Android, iOS, Windows, PS4, và hơn thế nữa.
  • Hỗ trợ nền tảng thực tế ảo và tăng cường (VR/AR): Unity hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển trò chơi và ứng dụng VR/AR với các gói tích hợp và công cụ tùy chỉnh.
  • Sở hữu kho asset phong phú: Unity Asset Store cung cấp một lượng lớn tài sản đồ họa, âm thanh, và mẫu mã để hỗ trợ phát triển nhanh chóng.
  • Cho phép tùy chọn Render Pipeline: Unity cung cấp nhiều tùy chọn và API kết xuất, giúp tối ưu hiệu suất đồ họa của trò chơi.
  • Hỗ trợ công cụ hoạt ảnh: Khi lập trình game Unity, người dùng có thể tạo và chỉnh sửa hoạt ảnh trực tiếp trong công cụ, thậm chí là với đồ họa 3D và 2D.
  • Khả năng thích ứng với các ngành công nghiệp khác: Unity còn được sử dụng trong các lĩnh vực khác ngoài game, như sản xuất phim và xây dựng.
  • Hỗ trợ công cụ phân tích: Unity cung cấp các công cụ để theo dõi hiệu suất, gỡ lỗi và hiểu cách người chơi tương tác với trò chơi.

Ngôn ngữ sử dụng trong Unity

Unity sử dụng C# làm ngôn ngữ lập trình chính. Đây là một ngôn ngữ mạnh mẽ và dễ học, cho phép các nhà phát triển viết các tập lệnh để xác định hành vi của các đối tượng trong trò chơi, xử lý đầu vào, và triển khai các cơ chế trò chơi. 

Ngoài ra, Unity cũng hỗ trợ một số ngôn ngữ khác như Rust và JavaScript. Đối với những người không phải lập trình viên hoặc có nhu cầu lập trình logic trò chơi một cách trực quan hơn, tận dụng công cụ Bolt của Unity. Đây là công cụ nổi bật có hỗ trợ hệ thống tập lệnh phát triển dựa trên nút, giúp dễ dàng xây dựng hành vi và cơ chế trò chơi mà không cần tạo mã cầu kỳ.

Những tựa game nổi bật lập trình bởi Unreal Engine

Unity là lựa chọn tối ưu của các Unity Developer khi lập trình game. Công cụ này đứng sau sự thành công của hàng loạt tựa game nổi tiếng như:

  • Pokémon GO (2016)
  • Ori and the Blind Forest (2015)
  • Hearthstone (2014)
  • Cities: Skylines (2015)
  • Fall Guys: Ultimate Knockout (2020)
  • Among Us (2018):
  • Genshin Impact (2020)

Ưu điểm và Nhược điểm của Unity

Ưu điểm Nhược điểm
Khả năng tương thích đa nền tảng và đa dự án Mất thời gian để làm quen với các tính năng và giao diện cho người mới bắt đầu
Hệ sinh thái mạnh mẽ và cộng đồng hỗ trợ lớn Có nhiều tính năng nâng cao yêu cầu trả phí khá cao
Kịch bản trực quan và tạo nguyên mẫu dễ dàng Hạn chế về hiệu suất cho một số trò chơi có cơ cấu phức tạp
Tối ưu hóa hiệu suất và hiệu quả Yêu cầu phí cho giấy phép và chia hoa hồng dựa trên doanh thu
Công cụ kết xuất mạnh mẽ và chất lượng hình ảnh cao
Cộng tác thời gian thực hiệu quả
Tính bảo mật cao
Phân tích và kiếm tiền toàn diện

So sánh Unreal Engine vs Unity trong lập trình game

Unity vs Unreal Engine là hai công cụ lập trình game cực kỳ thông dụng với hầu hết các game developer ở mọi cấp độ đều phải hiểu và học cách dùng.

Tuy vậy, mỗi nền tảng đều sẽ có những tính năng riêng biệt mà sẽ tuỳ vào cơ chế trò chơi để lựa chọn giữa Unreal Engine vs Unity. Cùng so sánh qua những điểm nổi bật giữa hai công cụ này:

Unreal Engine vs Unity: Đồ họa

Khi so sánh yếu tố đồ hoạ giữa Unreal Engine vs Unity, UE sẽ là công cụ vượt trội giúp tiết kiệm thời gian hơn.

Rất nhiều developer đã chọn Unreal Engine, nhất là UE4, cho khâu xử lý đồ hoạ vì nó có khả năng tạo ra hình ảnh một cách hoàn mỹ và nhanh chóng. Các tính năng tiên tiến như sương mù thể tích và xử lý hậu kỳ đều đã được lập trình sẵn miễn phí trong hệ thống ngay khi cài đặt, trong khi Unity lại yêu cầu tự tải và cài đặt trong Asset Store. 

Đặc biệt là khi phát triển game 3D, UE có nhiều công cụ hỗ trợ tiên tiến như Material Editor, Maya hay Blender. Dù Material Editor của Unity cũng được đánh giá cao nhưng API vẫn chưa được phong phú. Tóm lại, Unity dù có khả năng đạt được chất lượng đồ họa cao, nhưng so với Unreal Engine thì Unity sẽ cần thêm các tài nguyên từ bên ngoài và mất nhiều thời gian hơn để tối ưu hóa.

Unreal Engine vs Unity: Hiệu suất

Việc so sánh hiệu suất giữa Unreal Engine vs Unity sẽ tuỳ vào chất lượng kết cấu, số lượng đối tượng và kích thước trò chơi cá nhân của bạn, tương tự như phần tính năng. 

Hiệu suất trò chơi không hẳn phụ thuộc hoàn toàn vào ngôn ngữ lập trình. Vì vậy, việc so sánh ngôn ngữ C++ của Unreal Engine và C# để đánh giá hiệu suất là điều không nên vì mỗi công cụ có SDK riêng của mình. 

Tuy nhiên, Unreal Engine lại nổi trội trong việc tối ưu hóa các lệnh về đồ hoạ như gọi vẽ, đặc biệt là khi phát triển các thế giới mới của trò chơi. Unity có xu hướng tăng thời gian thực một cách đều đặn và tỉ lệ thuận, trong khi Unreal Engine duy trì hiệu suất ổn định hơn.

Một điểm khác biệt nữa thuộc vào khả năng biên dịch phân tán. Unreal Engine tích hợp với công cụ Incredibuild để tăng tốc đáng kể quá trình xây dựng mã và trình đổ bóng. Epic cũng sử dụng công nghệ này cho các dự án của mình. Unity không có sự tích hợp tương tự, do đó, Unreal Engine chiếm ưu thế hơn trong khía cạnh này.

Unreal Engine vs Unity: Hiệu ứng hình ảnh (VFX)

Nhắc đến mặt hiệu ứng hình ảnh VFX, Unreal Engine vẫn là lựa chọn tốt hơn. 

Dù cả Unity và Unreal Engine đều có thể tạo ra các hiệu ứng hình ảnh (VFX) chất lượng cao, nhưng Unreal Engine được nhận xét là vượt trội với khả năng tạo ra hình ảnh chân thực và sống động hơn, cho phép người chơi chìm đắm vào không gian hình ảnh thực tiễn. 

Vì vậy, Unreal thường được ứng dụng các dự án yêu cầu đồ họa nâng cao và hiệu ứng phức tạp, trong khi Unity phù hợp sử dụng VFX ở mức vừa phải.

Unreal Engine vs Unity: Kết xuất (Rendering)

Rendering là một phần không thể thiếu khi lập trình game. Quá trình kết xuất thường chiếm nhiều thời gian vì yêu cầu bộ nhớ lớn. Vì vậy, các developer thường ưu tiên chọn công cụ có thể đẩy nhanh phần này, và Unreal Engine đã thỏa mãn yêu cầu đó. 

Công cụ này hỗ trợ kết xuất nhanh hơn so với Unity, giúp các developer có thể tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả làm việc. Dù Unity có khả năng kết xuất ổn, nhưng so với Unreal Engine thì tốc độ không nhanh bằng, đặc biệt là khi xử lý các dự án lớn và phức tạp.

Unreal Engine vs Unity: Hoạt ảnh (Animation)

Unreal Engine có phần vượt trội hơn cho việc xây dựng các yếu tố về mặt hình ảnh trong game, và hoạt ảnh (animation) không phải ngoại lệ.

Điểm khác biệt chính là các công cụ của Unity có xu hướng ít chuyên sâu hơn với cấu hình đơn giản hướng đến game developer ít kinh nghiệm. Ngược lại, các công cụ hoạt ảnh của UE như FBX Animation Pipeline, Skeletal Meshes, Physics-Based Animation lại có phần phức tạp và chuyên sâu hơn, được bởi các developer chuyên nghiệp sử dụng khi làm việc trong nhóm phát triển nội bộ hay cho dự án lớn.

Unreal Engine vs Unity: Lập trình

Unreal Engine vs Unity đều xây dựng cấu hình lập trình hướng đến đối tượng sử dụng cụ thể.

Unity sử dụng ngôn ngữ C#, trong khi Unreal Engine sử dụng C++. C# trong Unity thường mang lại thời gian biên dịch nhanh hơn, nhưng C++ trong Unreal Engine lại cho phép tối ưu hóa sâu hơn, mặc dù sẽ tốn nhiều thời gian để làm quen hơn và thường sử dụng bởi các developer chuyên nghiệp. 

Vì vậy, người dùng nên xem xét mục đích sử dụng và yêu cầu cơ chế trò chơi của mình để lựa chọn công cụ phù hợp.

Unreal Engine vs Unity: Tính năng

Tương tự như khi so sánh về khả năng lập trình, Unreal Engine vs Unity đều được chuyên dụng bởi đối tượng người dùng khác nhau, vì vậy, phần tính năng mà mỗi công cụ cung cấp cũng sẽ khác nhau.

Unreal Engine có các tính năng khá nâng cao như hệ thống AI mạnh mẽ để xây dựng các kịch bản phức tạp một cách dễ dàng bằng cách sử dụng trình chỉnh sửa Blackboard và Behavior Tree, đặc biệt là trong Unreal Engine 4. Bên cạnh đó, Unity lại được ưa chuộng hơn trong việc lập trình game 2D, nổi bật là các công cụ như Sprite Editor và các công cụ Animation. 

Tuy nhiên, một điểm trừ của Unity là công cụ này không có plugin hỗ trợ mạng (network), buộc người dùng phải tìm kiếm các bên thứ 3 để sử dụng thư viện. Mặt khác, trong Unreal, tính năng sao chép được tích hợp sẵn và bạn có thể xây dựng trò chơi nhiều người chơi bằng cả C++ và Blueprints.

Cập nhật những tính năng mới nhất của Unreal Engine 5.

Unreal Engine vs Unity: Đối tượng người chơi

Như đã đề cập, Unreal Engine vs Unity đều xây dựng cấu hình lập trình game dựa trên hành vi của đối tượng người chơi cụ thể. 

Unity được biết đến rộng rãi trong cộng đồng các nhà phát triển độc lập. Dù vậy, trong những năm gần Unreal Engine, ngoài là công cụ được các studio lớn và các bên AAA có tiếng sử dụng, công cụ này lại đang dần được các bên phát triển độc lập lựa chọn. Lý do là không chỉ nhờ vào sự thay đổi về giá cả của Unreal, mà còn nhờ vào Unreal Marketplace, nơi cung cấp kho asset phong phú để tạo nguyên mẫu, cùng với các plugin bổ sung và một cộng đồng ngày càng mở rộng. 

Hơn nữa, với các studio AAA, Unreal Engine không chỉ nổi bật về chất lượng đồ họa mà còn có khả năng mở rộng cao hơn nhiều so với Unity. 

Một lý do khác khiến các nhà phát triển lớn ưa chuộng Unreal Engine là vì nó là mã nguồn mở. Điều này cho phép họ đóng góp vào công cụ để phát triển các tính năng theo ý muốn hoặc hoàn toàn tách biệt khỏi công cụ, tương tự như cách Dice đã làm với Unreal Engine 3.5 cho dự án Star Wars Battlefront.

Unreal Engine vs Unity: Cộng đồng

Đề cập đến cộng đồng, khá dễ đoán khi Unity sở hữu lượng người dùng lớn hơn với quy mô cộng đồng rộng và đa dạng hơn so với Unreal Engine. 

Ví dụ, lượng thành viên đăng ký Subreddit của Unity là 238 nghìn thành viên so với 111 nghìn của Unreal Engine. Việc lượng người dùng đăng ký lớn hơn cũng đồng nghĩa với nhiều câu hỏi và chủ đề được đưa ra thảo luận hơn, từ đó xây dựng nhiều kiến thức, tình huống và vấn đề thực tiễn hơn để tham khảo trên Unity. 

Dù vậy, Unreal Engine vs Unity đều sở hữu kênh Learning chính thức cung cấp nhiều tài liệu, công cụ, các bài tập thực hành, nhóm hỗ trợ được cập nhập liên tục mà người dùng nên tham khảo. 

Unreal Engine vs Unity: Giá

Unreal Engine miễn phí sử dụng nhưng thu 5% tiền bản quyền cho các dự án doanh thu vượt hơn 1 triệu USD (~25 tỷ VND). Unity cũng miễn phí nhưng có phiên bản trả phí Unity Pro với nhiều tính năng mở rộng hơn, có giá 1,500 USD (~38 triệu VND) hoặc 75 USD (~1,9 triệu VND) mỗi tháng.

Tổng quan so sánh giữa Unreal Engine vs Unity

Yếu tố Unity Unreal Engine
Đồ họa Đồ họa đẹp, nhưng cần tích hợp thêm tài nguyên từ bên ngoài. Khả năng đạt chất lượng AAA nhưng tốn thời gian hơn Đồ họa mạnh mẽ, có nhiều tính năng tích hợp sẵn như sương mù thể tích, xử lý hậu kỳ để tạo ra hình ảnh chân thực nhất
VFX Tạo VFX chất lượng ổn Khả năng tạo ra VFX rất thực tế, cho người chơi trải nghiệm thế giới ảo một cách tự nhiên hơn
Kết xuất Kết xuất tốt nhưng chậm Hỗ trợ kết xuất nhanh hơn
Hoạt ảnh Công cụ hoạt ảnh thân thiện, dễ sử dụng cho người mới bắt đầu Công cụ hoạt ảnh chuyên sâu hơn, dành cho các nhà phát triển chuyên nghiệp
Lập trình Sử dụng C#, thời gian biên dịch nhanh, phù hợp cho người dùng mới bắt đầu Sử dụng C++, có khả năng tạo các kịch bản phức tạp hơn
Tính năng Chuyên dụng cho lập trình game 2D. Cho phép tích hợp công cụ AI thứ 3 Tích hợp AI tốt và mượt mà hơn với hệ thống Behavior Tree. 
Đối tượng người chơi Phổ biến với các nhà phát triển độc lập, dễ học và sử dụng Được dùng nhiều bởi các studio lớn, nhưng cũng đang dần phổ biến với các studio độc lập
Cộng đồng Cộng đồng lớn, nhiều tài liệu và sự hỗ trợ từ người dùng Cộng đồng nhỏ hơn nhưng vẫn có nhiều tài nguyên và bộ phận hỗ trợ nhiệt tình
Hiệu suất Tăng thời gian thực thi khi thế giới trong game mở rộng. Tối ưu hóa lệnh gọi vẽ tốt hơn, hiệu suất ổn định khi game mở rộng.
Giá Miễn phí với phiên bản cơ bản, phiên bản Pro có giá $1.500 Miễn phí sử dụng, nhưng cần trả 5% tiền bản quyền khi doanh thu vượt $1 triệu

Tổng kết Unreal Engine vs Unity

Unreal Engine vs Unity là hai công cụ lập trình chuyên dụng nhất hiện nay. Mỗi nền tảng đều có ưu điểm và nhược điểm riêng với những tính năng chuyên biệt nổi trội hơn so với công cụ còn lại. Nếu bạn là người mới bắt đầu, Unity là công cụ được các game developer sử dụng để làm quen với cấu hình lập trình game.

Bên cạnh đó, Unreal Engine lại được ưa chuộng bởi các nhà phát triển chuyên nghiệp hơn cho các dự án nhu cầu phức tạp hơn. Dẫu vậy, để tìm công cụ phù hợp, điều đầu tiên là bạn nên xem xét tính chất và yêu cầu cơ chế trò chơi cá nhân, từ đó sẽ đưa ra lựa chọn tối ưu nhất.