Công nghệ AI, hay trí tuệ nhân tạo đang tạo ra cuộc chơi mới cho các doanh nghiệp. Tìm ra chiến lược ứng dụng AI hiệu quả có thể giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh và tận dụng thời cơ tốt nhất.

Đọc bài viết này để khám phá:

  • Tiềm năng và rủi ro khi ứng dụng AI trong doanh nghiệp
  • Những ví dụ ấn tượng và số liệu thống kê đáng chú ý về việc ứng dụng AI trong doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới
  • Các bước xây dựng chiến lược ứng dụng AI hiệu quả và có trách nhiệm

Công nghệ AI là gì?

AI là viết tắt của từ gì? AI là viết tắt của Artificial Intelligence (Trí tuệ Nhân tạo), nghĩa là trí thông minh được thể hiện qua máy móc. 

Công nghệ AI là gì? Công nghệ AI một lĩnh vực khoa học máy tính, tập trung vào việc phát triển các hệ thống và thuật toán có khả năng thực hiện các tác vụ thông minh, mà trước đây cần đến trí tuệ của con người. 

7 xu hướng công nghệ AI đáng chú ý nhất 2023

Theo bài viết của Mohammed Karimkhan Pathan – Founder tại DeepNeuralAI, dưới đây là những xu hướng đáng chú ý năm 2023 mà doanh nghiệp cần quan tâm khi ứng dụng công nghệ AI:

Auto Machine Learning (AutoML):

Trang Gartner dự đoán, trong tương lai Auto Machine Learning sẽ tập trung vào cải tiến các quy trình vận hành cần thiết như: PlatformOps, MLOps và DataOps (gọi chung là XOps).

Sự phát triển của Auto Machine Learning, với 2 lĩnh vực nổi bật là tự động hoá quy trình chỉnh sửa cấu trúc neural network và data labeling sẽ giúp việc ứng dụng công nghệ AI rẻ hơn, mất ít thời gian hơn để đưa ra thị trường.

Quy chuẩn về Đạo đức và Khả năng giải thích AI:

AI cần dữ liệu để học, dữ liệu đó có thể gồm các thông tin cá nhân rất riêng tư. Do đó, tương lai sẽ chứng kiến những nỗ lực để đảm bảo khía cạnh đạo đức của AI, đồng thời giải quyết vấn đề “hộp đen” của công nghệ AI, tức là giải thích được cách thức AI đưa ra phán đoán và dữ liệu mà nó sử dụng.

Lĩnh vực “Phân tích dự đoán” tiếp tục phát triển:

Phân tích dự đoán là lĩnh vực AI nhằm đưa ra dự đoán về tương lai, dựa trên dữ liệu quá khứ, thuật toán thống kê và kỹ thuật máy học. Với ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực học thuật, “Phân tích dự đoán” đang trở thành một trong những lĩnh vực AI hấp dẫn.

Tích hợp công nghệ AI trong An ninh mạng:

Ngoài bảo vệ và lưu trữ dữ liệu như hiện nay, với khả năng phân tích nâng cao, trong tương lai công nghệ AI còn có thể giúp phát hiện các cuộc tấn công mạng, hoặc các xu hướng đáng ngờ. 

Tuy nhiên, đó cũng là thách thức trong vấn đề an ninh mạng, khi tội phạm mạng cũng sẽ lợi dụng AI để tấn công. Do đó, các doanh nghiệp cần tích hợp công nghệ AI vào hệ thống an ninh mạng của mình càng sớm càng tốt.

Mở rộng khả năng Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP):

Việc ứng dụng khả năng Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) của AI được dự đoán sẽ không ngừng mở rộng. Các tổ chức sẽ tận dụng sức mạnh này để tăng cường tương tác với người tiêu dùng và thực hiện nghiên cứu sâu rộng.

Siêu tự động hoá:

Siêu tự động hoá đề cập đến việc “tự động hóa” quy trình tự động, bằng cách kết hợp các công cụ AI với tự động hóa quy trình bằng robot (RPA).

Theo Gartner, siêu tự động hoá sẽ trở nên quan trọng hơn trong những năm tới, vì nó là bước cần thiết cho bất kỳ doanh nghiệp nào muốn bắt kịp với sự tiến bộ của công nghệ số.

Generative AI và Large Language Model:

Generative AI (hay AI tạo sinh) là quá trình thuật toán AI dùng dữ liệu đầu vào để tạo ra nội dung hoàn toàn mới, có thể chưa từng tồn tại, không cần sự sáng tạo của con người, dựa trên những gì nó được đào tạo. 

Large language model (như GPT) có thể được coi là một dạng cụ thể của Generative AI. Với sự bùng nổ của ChatGPT và các thế hệ GPT mới nhất, các chuyên gia cho rằng, Generative AI sẽ tiếp tục phát triển để phản hồi các câu hỏi và yêu cầu của người dùng một cách toàn diện hơn nữa.

Doanh nghiệp thế giới ứng dụng công nghệ AI thế nào?

Trên thế giới, ứng dụng công nghệ AI trong doanh nghiệp đã được triển khai đa dạng ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ở các công ty công nghệ. 

Những ứng dụng AI phổ biến trong doanh nghiệp nói chung:

Theo khảo sát của Forbes Advisor (với 600 chủ doanh nghiệp đang sử dụng hoặc có kế hoạch kết hợp AI trong kinh doanh), những ứng dụng công nghệ AI trong doanh nghiệp phổ biến nhất bao gồm:

  • Chăm sóc khách hàng
  • An ninh mạng/ Quản lý gian lận
  • Trợ lý kỹ thuật số cá nhân
  • Quản lý quan hệ khách hàng
  • Quản lý tài nguyên
  • Sản xuất nội dung
  • Gợi ý sản phẩm
  • Kế toán
  • Vận hành chuỗi cung ứng
  • Tuyển dụng và tìm nguồn nhân tài
  • Phân khúc đối tượng

ung-dung-ai-doanh-nghiep

 

Những ứng dụng AI phổ biến trong doanh nghiệp IT:

Theo khảo sát Generative AI: From buzz to business value của KPMG, các doanh nghiệp IT đang ứng dụng công nghệ AI cho 3 mục tiêu chính:

  • Tự động hoá các tác vụ hằng ngày
  • Phân tích dữ liệu và đưa ra dự đoán
  • Tối ưu hoá cơ sở hạ tầng IT

ung-dung-cong-nghe-ai-3

Ứng dụng AI trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực IT. Nguồn: KPMG

Đánh giá về tác động của công nghệ AI đối với doanh nghiệp:

Theo 2 khảo sát trên của Forbes Advisor và KPMG, có thể rút ra một số đánh giá chung của các lãnh đạo doanh nghiệp về việc ứng dụng công nghệ AI:

  • Phần lớn lãnh đạo cho rằng: Trong số các công nghệ mới nổi, Generative AI có tác động lớn nhất với hoạt động kinh doanh của họ.
  • Phần lớn các lãnh đạo xem Generative AI như là cơ hội hơn là mối đe dọa.
  • 71% doanh nghiệp sẽ triển khai giải pháp Generative AI đầu tiên trong vòng hai năm tới.
  • AI được ưu tiên hàng đầu để áp dụng cho các hoạt động CNTT/Công nghệ.

Các lợi ích lớn nhất mà AI mang lại đối với các lãnh đạo doanh nghiệp là: 

  • Cải thiện mối quan hệ với khách hàng.
  • Cải thiện năng suất.
  • Cải thiện bán hàng.
  • Tiết kiệm chi phí vận hành.
  • Giảm thời gian phản hồi.
  • Giảm nguy cơ sai sót.
  • Tăng cường khả năng đưa ra quyết định.
  • Hợp lý hoá quy trình công việc.

loi-ich-ai-doanh-nghiep

 

Doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng AI thế nào?

Tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ AI trong doanh nghiệp đang có nhiều lợi thế:

Với tiềm năng về nhân lực lớn, các doanh nghiệp tại Việt Nam – đặc biệt là các công ty IT, không chỉ đang ứng dụng công nghệ AI vào hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển), mà còn trong hoạt động đào tạo con người. 

Ứng dụng công nghệ AI vào phát triển sản phẩm:

Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã và đang ứng dụng công nghệ AI để nghiên cứu, phát triển và cho ra mắt các sản phẩm, tính năng thông minh, nâng cấp trải nghiệm của khách hàng mục tiêu.

Các sản phẩm dựa trên AI có ở đa dạng các lĩnh vực như:

  • Trợ lý ảo: Xe điện Vinfast được tích hợp trợ lý ảo Vivi có khả năng hiểu tiếng Việt, hỗ trợ người lái xe thực hiện nhiều tác vụ rảnh tay khi đang di chuyển.
  • Công cụ tìm kiếm: Cốc Cốc ra mắt 2 công cụ Cốc Cốc AI Chat (trợ lý ngôn ngữ tương tự ChatGPT) và Cốc Cốc AI Search (tóm tắt nhanh kết quả truy vấn của người dùng bằng AI) với ưu điểm là hiểu tiếng Việt và đặc trưng văn hóa Việt Nam.
  • Health-tech: KMS Health Tech ứng dụng AI để đưa ra các giải pháp hỗ trợ phân tích bệnh án và quyết định điều trị dựa trên trí tuệ nhân tạo.
  • Ed-tech: Nền tảng học ngoại ngữ online Edupia ứng dụng AI để chỉnh sửa phát âm và thiết kế bài học phù hợp cho trẻ em.
  • Tuyển dụng: ITviec ứng dụng AI để phát triển dịch vụ AI Match (gợi ý ứng viên). Tính năng này giúp cải tiến mức độ chính xác (matching) của ứng viên và nhà tuyển dụng, đồng thời đẩy nhanh thời gian tìm được chuyên gia IT phù hợp nhất cho doanh nghiệp.

Ứng dụng công nghệ AI vào quy trình đào tạo:

Trong nội bộ doanh nghiệp, công nghệ AI đang được các công ty IT ứng dụng trong lộ trình nâng cao năng lực nhân viên.

Đặc biệt với các công ty IT tốt nhất Việt Nam năm 2023 (theo danh sách của ITviec) như: MTI Technology, EPAM Vietnam… vốn rất nhanh nhạy trong việc đào tạo nhân viên, AI là một trong những chủ đề đào tạo chiến lược.

Các công ty đã bắt đầu tích hợp chủ đề về AI trong các khoá đào tạo nội bộ, hoặc mua các khoá học liên quan đến AI cho nhân viên… MTI Technology còn tạo điều kiện cho nhân viên thực hành tạo ra những ứng dụng AI dùng trong nội bộ công ty, từ đó nâng cao năng lực và nhận thức của họ về công nghệ AI. 

Những thách thức lớn nhất khi ứng dụng công nghệ AI trong doanh nghiệp

Tuy nhận thức được sức mạnh to lớn của AI, nhưng nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ về một số rào cản khiến họ chưa sẵn sàng tiếp cận với công nghệ này.

Theo khảo sát của KPMG, phần lớn các công ty chưa thực hiện sâu sắc chiến lược quản lý rủi ro liên quan đến AI. Chỉ có 6% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, họ đã có đội ngũ chuyên gia đánh giá rủi ro và thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro AI.

Lo ngại lớn nhất của doanh nghiệp khi ứng dụng AI:

Theo khảo sát của Forbes, các mối lo ngại lớn nhất của chủ doanh nghiệp khi ứng dụng công nghệ AI là:

  • Lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ.
  • Lo ngại về năng lực kỹ thuật để sử dụng AI.
  • Lo ngại về sự sụt giảm lực lượng lao động là con người.
  • Lo ngại về tính bảo mật.
  • Lo ngại về mức độ chính xác khi truyền đạt thông tin bằng AI đến khách hàng.
  • Lo ngại về các lỗi sai chủ quan.
  • Lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ với khách hàng

lo-ngai-ai-doanh-nghiep

Lo ngại lớn nhất của chuyên gia IT khi ứng dụng AI:

Kết quả trên có sự đồng nhất với ý khiến của các chuyên gia IT tại Việt Nam, theo khảo sát “Quan điểm về Generative AI” của ITviec.

Theo đó, các lo ngại lớn nhất của chuyên gia IT về công nghệ và các công cụ Generative AI (Chẳng hạn ChatGPT) là:

  • Mức độ chính xác của dữ liệu không xác định
  • Đòi hỏi sự kiểm soát về chất lượng nội dung
  • Vấn đề bản quyền gây tranh cãi
  • Tính khách quan của quá trình ra quyết định
  • Sự thay thế về công việc 
  • Rào cản về mặt chi phí
  • Mức độ phức tạp khi triển khai

cong-nghe-generative-AI-05-vippro

Những lo ngại lớn nhất của chuyên gia IT đối với công nghệ/công cụ Generative AI (ví dụ ChatGPT). Nguồn: ITviec

Vậy tóm lại: Những thách thức lớn nhất khi ứng dụng công nghệ AI (đặc biệt là Generative AI) là gì? KPMG đã tổng hợp 5 nhóm thách thức chính:

Thách thức về

Giải thích

Sự tin cậy

  • Nguy cơ đưa ra các quyết định chủ quan, phân biệt đối xử, hoặc thông tin sai lệch.
  • Khó khăn trong việc kiểm chứng hệ thống AI.
  • Nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng doanh nghiệp.

Sự tuân thủ

  • Phải tuân thủ ngày càng nhiều các quy chuẩn toàn cầu liên quan đến đạo đức và ứng dụng AI.
  • Phải tuân thủ ngày càng nhiều các chính sách và kiểm soát nội bộ liên quan đến AI.

Bảo mật & quyền riêng tư

  • Đối phó với các lỗ hổng bảo mật.
  • Yêu cầu về tính minh bạch và quyền riêng tư từ người dùng.

Giá trị sử dụng

  • Thiếu am hiểu và đào tạo bài bản về AI, dẫn đến đầu tư hời hợt, không có giá trị.
  • Nguy cơ dữ liệu bị hỏng, thống kê không hợp lệ hoặc dùng mô hình không chính xác.
  • Thiếu công cụ đánh giá an toàn và hiệu suất của công nghệ.
Tốc độ triển khai
  • Số lượng mô hình tăng nhanh chóng với sự hợp tác của nhiều bên liên quan cùng quy trình phức tạp.
  • Sự tăng lên chóng mặt về dữ liệu, lưu trữ và điện toán.
  • Sự thiếu hụt nhân tài AI/ Machine Learning làm chậm quá trình triển khai AI.

Xây dựng chiến lược AI trong doanh nghiệp thế nào?

Khi đã nắm được tổng quan về lợi ích, rủi ro của việc ứng dụng công nghệ AI, các lãnh đạo doanh nghiệp có thể làm gì?

Tài liệu của KPMG cung cấp 9 bước và 8 nguyên tắc cốt lõi để xây dựng chiến lược AI trong doanh nghiệp một cách hiệu quả và có trách nhiệm:

9 bước để doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng công nghệ AI:

  • Chủ động tìm hiểu:

Chủ động theo dõi và tiếp cận sớm với công nghệ AI sẽ giúp phát hiện những khoảng trống về nguồn lực, các chỉ số rủi ro để có bước đầu tư đúng vào con người, công nghệ và thay đổi quy trình. 

  • Thích ứng: 

Doanh nghiệp cần nhanh chóng đánh giá, thích ứng hoặc điều chỉnh chiến lược để khai thác tiềm năng to lớn của công nghệ AI. Tốt nhất là có một lãnh đạo chịu trách nhiệm phối hợp toàn doanh nghiệp, tìm kiếm giải pháp, học từ các thử nghiệm ban đầu và điều chỉnh ưu tiên đầu tư, trước khi thay đổi rộng rãi toàn bộ quy trình.

  • Xác định trọng tâm:

Việc xác định “north star” – hay tầm nhìn trọng tâm sẽ giúp doanh nghiệp khai thác các khả năng đắt giá của công nghệ AI để giải quyết các vấn đề chuyên biệt của mình. 

  • Kiểm soát rủi ro:

Doanh nghiệp cần quan tâm nhiều đến “kiểm soát rủi ro” hơn là “khai thác tiềm năng”. Từ những cân nhắc về tài chính, danh tiếng đến trách nhiệm đạo đức, doanh nghiệp có thể thiết lập các quy định quản trị rõ ràng, nhằm hạn chế rủi ro, duy trì niềm tin và tránh hậu quả tiêu cực từ việc ứng dụng công nghệ AI.

  • Giải đáp các câu hỏi quan trọng của nhân viên:

Để giảm thiểu sự bất an của nhân viên trước những thay đổi lớn, doanh nghiệp cần truyền thông tốt về tình hình chuyển việc, tái cấu trúc quy trình và các động thái mới. Doanh nghiệp cũng cần định vị: AI là một công cụ để mở rộng khả năng của con người, chứ không phải thay thế họ.

  • Nâng cao hiểu biết về AI:

Doanh nghiệp cần đầu tư tức thời để nâng cao hiểu biết, loại bỏ các thông tin, tư duy sai lệch về công nghệ AI cho cả lãnh đạo và nhân viên, thông qua đào tạo, thử nghiệm và xây dựng văn hóa ứng dụng AI có trách nhiệm.

  • Xem xét ưu tiên đầu tư, sáp nhập và liên minh:

Doanh nghiệp cần nhận thức về tác động tài chính của công nghệ AI, vì nó có thể xảy ra trước những lợi ích liên quan đến hiệu quả hoạt động trong tương lai. Do đó, doanh nghiệp cần xem xét cơ hội đầu tư, sáp nhập và hợp tác, thiết lập liên minh mới hoặc thay đổi liên minh hiện tại để tận dụng cơ hội, và đối phó với bối cảnh cạnh tranh đang thay đổi.

  • Áp dụng một cách hệ thống: 

Khác với các công nghệ mới khác, AI có thể được áp dụng một cách có hệ thống cho toàn bộ nhân viên. Điều này cũng sẽ cung cấp các dữ liệu hữu ích cho doanh nghiệp như:

– Giúp xác định được các use-case (trường hợp sử dụng)

– Điều chỉnh cách ứng dụng công nghệ AI

– Tích hợp công nghệ AI vào vòng hoạch định chiến lược

– Đào tạo nhân viên và xác định lại vai trò của các bộ phận

– Thay đổi mô hình kinh doanh.

  • Dũng cảm đối mặt với thay đổi: 

AI không chỉ là một công nghệ mới, nó đang thay đổi cách mọi thứ vận hành theo hướng chưa từng có. Do đó, để triển khai công nghệ AI hiệu quả, lãnh đạo doanh nghiệp cần làm mới tư duy trong mọi khía cạnh, can đảm đưa ra những quyết định rõ ràng, ngay cả khi không chắc chắn về kết quả.

8 nguyên tắc cốt lõi để ứng dụng AI có trách nhiệm:

  • Đảm bảo mô hình không thiên vị và duy trì tính công bằng.
  • Đảm bảo sự hiểu biết và tài liệu hóa các thuật toán AI.
  • Đảm bảo tính sở hữu và trách nhiệm trên toàn quy trình vòng đời AI/ML.
  • Bảo vệ khỏi truy cập trái phép, tham nhũng và các cuộc tấn công.
  • Tuân thủ các quy định về quyền riêng tư dữ liệu và thông tin của người tiêu dùng.
  • Tránh ảnh hưởng tiêu cực đến con người, tài sản và môi trường.
  • Tạo niềm tin vào chất lượng, quản trị và bổ sung dữ liệu.
  • Đảm bảo hiệu suất của hệ thống AI có sự chính xác và nhất quán mong muốn.

Chiến lược AI đối với doanh nghiệp Việt Nam

Theo chia sẻ của TS. Nguyễn Xuân Hoài – Viện trưởng Viện Trí Tuệ Nhân Tạo Việt Nam với VTC, ngoài các thách thức chung, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp các rào cản về: chi phí, dữ liệu, kinh doanh, thị trường… do đó khó cạnh tranh với các big tech thế giới trong việc tự tạo ra các mô hình Generative AI.

Do đó, ông chỉ ra 2 hướng tiếp cận công nghệ AI cho các doanh nghiệp Việt Nam:

  • Chiến lược “đứng trên vai những người khổng lồ”: Nghĩa là tận dụng các mô hình AI của thế giới, từ đó tinh chỉnh và xây dựng các ứng dụng đặc thù.
  • Chiến lược “thị trường ngách”: Tìm hướng đi chuyên về một lĩnh vực nào đó để tận dụng lợi thế địa phương về dữ liệu, khách hàng, kiến thức chuyên gia, thị trường…

Chia sẻ trên VnEconomy, CEO Cốc Cốc Nguyễn Vũ Anh cũng ủng hộ chiến lược “đi từ phía người dùng” để có thể cạnh tranh trong “cuộc đua AI” toàn cầu:

ung-dung-cong-nghe-AI-8

Chuyên gia IT Việt Nam phản ứng gì về việc ứng dụng công nghệ AI?

Việc ứng dụng công nghệ AI trong doanh nghiệp có thể tạo nên sự thay đổi lớn đến cấu trúc và cách làm việc của đội nhóm IT. 

Do đó, tìm hiểu ý kiến và mong đợi của chuyên gia IT cũng là bước quan trọng giúp các doanh nghiệp xây dựng chiến lược ứng dụng AI bền vững và hiệu quả.

ITviec đã thực hiện khảo sát “Quan điểm về Generative AI 2023” đối với 144 chuyên gia IT (72,1% là chuyên gia có trên 6 năm kinh nghiệm). Dưới đây là một số kết luận đáng giá:

  1. Ứng dụng phổ biến nhất của Generative AI đối với chuyên gia IT là “Đề xuất là hoàn thiện code”. Ngoài ra, chuyên gia IT cũng sử dụng AI trong nhiều tác vụ hằng ngày khác như bảng bên dưới.

cong-nghe-generative-AI-04-vippro

Những ứng dụng AI được chuyên gia IT sử dụng phổ biến nhất. Nguồn: ITviec

Đọc thêm: 5 cách dùng ChatGPT để Developer viết code nhanh và chất hơn

  1. Quan điểm của chuyên gia IT về Generative AI:
  • 70,1% chuyên gia IT đồng tình rằng công cụ/ công nghệ Generative AI giúp họ cải thiện sự sáng tạo, nâng cao năng suất và hiệu quả công việc.
  • 65,2% chuyên gia IT đồng tình với việc công ty họ bắt đầu/mở rộng ứng dụng công nghệ Generative AI vào môi trường làm việc.
  1. Kế hoạch của chuyên gia IT để nâng cấp kiến thức và kỹ năng liên quan đến Generative AI:
  • Phương pháp được số đông chuyên gia IT chọn là “nghiên cứu và sử dụng thực tế các công cụ/ ứng dụng Generative AI để hiểu sâu về cách hoạt động của chúng”. 
  • Ngoài ra, các chuyên gia IT cũng mong đợi vào các kế hoạch đào tạo của công ty.

cong-nghe-generative-AI-06-vippro

Kế hoạch của chuyên gia IT để nâng cấp kiến thức và kỹ năng về Generative AI. Nguồn: ITviec

Công nghệ AI ảnh hưởng gì đến cơ hội việc làm?

Báo cáo về Chỉ số Xu hướng công việc 2023 của Microsoft cho thấy, có tới 90% người lao động Việt Nam mong muốn giao bớt việc cho Al, từ đó giảm bớt khối lượng công việc của họ (tỷ lệ này trên thế giới 70%).

Cũng theo Báo cáo Future of Jobs Report 2023 của World Economic Forum: Chỉ 25% số người được hỏi cho rằng công nghệ AI sẽ thay thế nhiều công việc trong giai đoạn 2023 – 2027, nhưng có đến 50% lại mong đợi AI sẽ tạo thêm các việc làm mới.

Ở góc độ doanh nghiệp, cũng theo báo cáo của Microsoft, tỷ lệ các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến việc dùng AI để tăng năng suất làm việc (35%) cao hơn gấp 2 lần so với suy nghĩ thay thế nhân viên bằng AI (16%).

Do đó, còn quá sớm để khẳng định AI có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến cơ hội việc làm ở các ngành nghề, đặc biệt là ngành IT. Ở thời điểm hiện tại, xây dựng liên minh vững chắc giữa AI và con người, tận dụng tối ưu sức mạnh từ cả hai phía sẽ là một giải pháp đáng cân nhắc cho cả doanh nghiệp và cá nhân.

Kết luận

Chúng ta đang tiến đến tương lai khi AI không còn là “trò chơi” riêng của các ông lớn, mà là một dịch vụ mà bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng khai thác. 

Tuy vậy, hôm nay chúng ta đang bàn luận sôi nổi về ChatGPT, nhưng vài năm tới có thể là những “hiện tượng” AI khác. Do đó, doanh nghiệp cần tính toán rất kĩ về nguồn lực và tiếp cận công nghệ AI một cách có chiến lược.

Bài viết này đã giúp bạn hình dung tổng quan về lợi ích, rủi ro, các bước tiếp cận, cũng như ý kiến của các doanh nghiệp và chuyên gia IT về việc ứng dụng công nghệ AI. Doanh nghiệp của bạn đang ở đâu trong cuộc đua này? Đâu là những cơ hội và thách thức? Đó là những câu hỏi mà bạn cần xem xét chiến lược doanh nghiệp để trả lời tiếp.

Nếu bạn có thêm những ý kiến, bài học hay kinh nghiệm ứng dụng công nghệ AI trong doanh nghiệp thì đừng quên chia sẻ với ITviec nhé!

robby-2

Bạn thấy bài viết hay và cần thiết với nhiều người? Đừng ngại chia sẻ cho bạn bè và đồng nghiệp nhé!