Bạn sở hữu kỹ năng UI UX Design giỏi nhưng còn non kinh nghiệm và đang trong quá trình tìm việc? Hãy nhớ rằng kỹ năng thiết kế UI UX giỏi không là chưa đủ mà bạn còn cần 5 tố chất, GIÁ TRỊ được các nhà tuyển dụng coi trọng HƠN cả bằng cấp và kỹ năng này.
Hãy đọc thử câu chuyện này và nhìn xem bạn có thấy “hình dáng” của bạn trong đây không nhé:
Trước đây, mỗi khi được nhà tuyển dụng hỏi “Chuyên môn của bạn là gì?”, tôi thường ngây ngô trả lời rằng “Tôi có thể làm nghiên cứu UX, thiết kế UI. Tôi có thể code nữa”. Và kết quả là sau mỗi câu trả lời như thế, tôi thường nhận được email “Chúc may mắn lần sau” từ nhà tuyển dụng.
Trên đây chính là câu chuyện có thật của Rosy H Nguyen – nhà sáng lập Techdesigners.net và cũng là tác giả của bài viết dưới đây. Nếu bạn thấy mình trong câu chuyện trên, hãy đọc bài viết này để biết nên tránh những sai lầm nào và nên học những “bí quyết” phỏng vấn nào. Cho dù là UI UX Designer non trẻ hay là người đã có kinh nghiệm, bạn nhất định sẽ tìm thấy và học hỏi được nhiều thông tin giá trị trong bài viết này.
Bài viết được thực hiện với thông tin và góc nhìn từ tác giả Rosy H Nguyen. Bài viết gốc được đăng tải tại đây.
5 tố chất quan trọng hơn bằng cấp và kỹ năng UI UX design
Tố chất 1: Giữ trí tò mò và luôn hỏi “tại sao” để tìm câu trả lời
Bạn là một UI UX designer còn non kinh nghiệm, hãy tò mò, luôn tò mò, hỏi “tại sao” với tất cả mọi thứ xung quanh.
Khi đi tìm việc, nhà tuyển dụng sẽ không mong đợi quá cao những kinh nghiệm “thực chiến” từ bạn mà thay vào đó, họ sẽ đưa ra tình huống, và đây là những điều nhà tuyển dụng muốn biết và bạn cần thể hiện được:
- Tại sao bạn lại đưa ra giải pháp như vậy?
- Khả năng giải quyết vấn đề của bạn là điều họ cực kỳ quan tâm
- Nhấn mạnh đến những vấn đề chủ chốt mà bạn sẽ giải quyết. Hãy chọn những vấn đề, và cách giải quyết, có liên quan đến mục tiêu của doanh nghiệp càng tốt (điều này tôi sẽ giải thích kỹ hơn ở tố chất số 3).
Khi tôi ứng tuyển vào vị trí Community Coordinator tại DesignX, tôi đã viết một email trả lời hai câu hỏi được yêu cầu và đính kèm với LinkedIn profile của mình. Bạn còn non kinh nghiệm và bằng cấp của bạn chưa hoàn hảo, nhưng cách bạn tiếp cận vấn đề và háo hức tìm giải pháp lại là chìa khóa dẫn đến bước tiếp theo.
Tố chất 2: Hiểu rõ giá trị của tổ chức và chắc rằng họ có chung hệ giá trị với bạn
Người cùng làm với bạn có thể là sếp tương lai của bạn, HR, team thiết kế của bạn, khách hàng của bạn. Làm việc trong một công ty với 10 designers khác với làm trong một team chỉ có 2 designers. Hiểu về tổ chức và các giá trị của tổ chức mà bạn ứng tuyển vào là cực kỳ quan trọng, đặc biệt đối với startup.
Tôi đã từng bị một startup tại Toronto từ chối khi họ không nhận thấy sự hứng thú của tôi khi trả lời câu hỏi “Vì sao công ty này lại là nơi bạn muốn làm việc?”.
Nếu bạn đang ứng tuyển vào công ty với một team design lớn, hãy đảm bảo rằng bạn nghiên cứu về cách mà bạn sẽ báo cáo với các bên liên quan, hay bạn sẽ lên kế hoạch làm việc như thế nào với các designer khác trong team, và những giá trị nào bạn mang đến cho team của mình. Điều này dẫn đến tố chất 3 mà bạn nên sở hữu ở vị trí UI UX Design.
Tố chất 3: Hiểu rõ giá trị của bản thân là gì, ngoài kỹ năng UI UX design
Hãy nhớ rằng, giá trị mà bạn mang đến cho công ty mới là điều công ty quan tâm và được coi trọng hơn cả kỹ năng thiết kế UI UX của bạn.
Tôi nhận thấy rằng rất nhiều UI UX designer non trẻ hào hứng chia sẻ kết quả về việc thiết kế của họ đã giúp users sử dụng thiết bị dễ dàng hơn như thế nào. Nhưng có vẻ họ cũng đã quên rằng, những giá trị trực tiếp cho doanh nghiệp mới là thứ mà công ty quan tâm nhất. Tôi nhắc lại rằng bạn hãy luôn nhớ, họ tuyển bạn vào công ty để bạn tạo giá trị cho doanh nghiệp, dù bạn ở vị trí UI UX designer.
Tôi đính kèm một ví dụ về cách bạn “quan tâm” về công ty khi thiết kế tính năng
Tố chất 4: Lắng nghe nhận xét một cách cởi mở và chân thành
Tôi đã được nhận vị trí Product Designer toàn thời gian ở nước ngoài ngay khi vừa tốt nghiệp cử nhân International Business. Lúc đó, tôi thậm chí chẳng có bất kỳ kinh nghiệm UI UX design nào. Bí quyết của tôi đơn giản chỉ là khi được hỏi về những dự án mà tôi đã thực hiện và làm cách nào mà tôi đã cải thiện nó sau 1.5 năm vận hành, tôi trả lời “Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe nhận xét”.
Tôi tiếp nhận tất cả những nhận xét từ cấp trên, từ đồng nghiệp, từ khách hàng, và tổng hợp chúng lại để có thể cải thiện bản thân cũng như có thêm kiến thức ở mảng mới. Cấp trên hiểu rằng chuyên môn của tôi là business, không phải thiết kế, chính vì vậy anh ấy đã cho tôi nhiều nhận xét nhất có thể về UI UX design, làm việc nhóm, thậm chí là lời khuyên về sức khỏe tinh thần (vì tôi làm việc tại nước ngoài và tôi rất nhớ nhà).
Đối với tôi, tất cả những điều này đều rất đáng quý và tôi trân trọng những điều được học hỏi từ quản lý của mình. Khi bạn khiến những người làm cùng yêu quý bạn, việc lắng nghe nhận xét một cách chân thành sẽ không còn quá khó khăn nữa.
Tố chất 5: Biết rõ trọng tâm, chuyên môn bản thân nằm ở đâu và hãy rõ ràng về việc đó
Một tháng trước thời điểm bài viết này được viết ra, tôi đã có cuộc phỏng vấn cho vị trí Digital Designer tại một công ty đồ chơi ở Toronto. Và đây là cuộc hội thoại của chúng tôi:
Lead Designer: Có vẻ như bạn đã làm ở nhiều vị trí khác nhau. Vậy đâu mới là trọng tâm của bạn?
Tôi: Tôi làm tốt nhất trong việc kiểm soát toàn bộ quá trình. Từ lên ý tưởng cho đến khi sản phẩm được ra mắt.
Lead Designer: Tôi biết bạn có thể làm được rất nhiều thứ, nhưng đâu là thứ bạn chú tâm nhất? Bạn theo mảng nghiên cứu, hay thiết kế? Hay quá trình phát triển?
Tôi (sau khi mất 20 giây để suy nghĩ): Thật ra tôi tập trung hơn vào phần thiết kế. Điểm mạnh của tôi là tôi có thể code HTML, CSS và JavaScript.
Lead Designer: Tốt. Vui lòng gửi lại một số thiết kế của bạn sau buổi phỏng vấn nhé. Tôi muốn xem thử.
Tôi đã gửi cho Lead Designer 5 thiết kế HTML cho email mà tôi đã làm trước đây, và anh ấy rất hài lòng.
Điều tôi muốn nói ở đây là bạn phải có trọng tâm. Senior Designer không mong đợi bạn phải biết mọi thứ. Ví dụ nếu bạn không biết A/B testing, cứ nói là bạn không biết rõ về nó, thay vào đó hãy nói rằng bạn biết rõ về UI UX design và bạn muốn chú tâm vào mảng đó. Điều này nghe hợp lý, và đáng tin hơn nhiều so với nói “Tôi biết mọi thứ”.
Giờ đây họ có thể xác định rõ ràng rằng bạn nổi trội về UI UX design, chứ không phải về usability testing. Sẽ dễ dàng hơn cho nhà tuyển dụng rất nhiều khi đánh giá và quyết định vị trí nào phù hợp với bạn.
Có thể bạn quan tâm đến “Xu hướng thiết kế phẳng 2022“
Bí quyết phỏng vấn nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm UI UX design
- Chuẩn bị một số giấy vẽ, lên dàn ý cho câu trả lời của bạn bằng từ khóa, và viết ra câu hỏi phỏng vấn để bạn không bỏ sót. Hãy vẽ câu trả lời.
Viết câu hỏi xuống giấy là một điều rất quan trọng vì người phỏng vấn sẽ liên tục hỏi bạn những câu hỏi, có khi sẽ có 2-3 người cùng hỏi bạn một lúc. Mỗi khi người phỏng vấn hỏi, tôi ghi lại từ khóa trên giấy và tiếp tục vẽ nháp câu trả lời trong khi trả lời.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại trước đây, khi nghe câu hỏi xong, tôi đã ghi lại từ khóa và vẽ xuống 2 dự án lúc đó tôi đang làm (là video cut scene và khóa học Udemy mà tôi đang phát triển). Nhờ vậy mà tôi đã trúng tuyển công việc mà tôi đã phỏng vấn khi đó.
Harvard Health Blog đã chứng minh vẽ doodle có thể cải thiện sự tập trung của bạn một cách đáng kể. Đặt một tờ giấy và cây bút trước mặt, tăng cường khả năng tập trung bằng cách ghi lại và vẽ doodle, bạn sẽ trả lời trôi chảy và tự tin hơn.
- Nếu case study của bạn bừa bộn, thì cũng chẳng sao
Nếu bạn gặp phải vấn đề trong lúc nghiên cứu, hãy cho mọi người biết trở ngại đó đã giúp dẫn đến giải pháp cuối cùng như thế nào. Việc nói về những lỗi sai của bạn, những thử thách bạn gặp phải không phải lúc nào cũng là một điểm trừ đâu. Thậm chí, nếu bạn có thể chỉ ra bạn đã vượt qua sự bừa bộn đó như thế nào, đó còn là một điểm cộng.
Simon Pan đã thuyết trình một case study về Uber. Đó là một bài thuyết trình xuất sắc nhưng theo một cách vô cùng bừa bộn cùng và đầy những thử thách mà anh gặp phải trong quá trình làm việc.
Quá sạch đẹp sẽ khiến case study của bạn có vẻ “giả trân”. Không cần thiết phải viết checkmark cho từng giai đoạn vì một dự án thật sự sẽ khó mà gọn gàng ngăn nắp như vậy được.
- “Về bản thân tôi” là một trang quan trọng
Đây là trang phản ánh tính cách của bạn. Đây là nơi bạn cho thế giới biết bạn nhìn nhận như thế nào về bản thân mình.
Trên trang “Về bản thân tôi” của mình, tôi chọn kết hợp:
- Những câu khẳng định (statement) về bản thân
- Hồ sơ công việc
- Kinh nghiệm làm việc
- Một nút bấm cho phép nhà tuyển dụng tải CV của tôi về
Một điều quan trọng khác là điều mà bạn khẳng định trên trang này nên khớp với những gì mà bạn thể hiện trong thiết kế. Tôi khẳng định rằng mình yêu thích thiết kế tối giản. Đó là lý do tôi thiết kế trang “Về bản thân tôi” cũng theo phong cách này. Nếu bạn thật sự yêu thích anime, bạn cũng có thể thêm vào những yếu tố khiến trang của bạn trông được truyền cảm hứng từ phong cách anime.
- Chuẩn bị những câu hỏi chất lượng để hỏi người phỏng vấn
Nếu bạn không chuẩn bị trước, khả năng cao bạn sẽ nói bạn không có câu hỏi gì thêm. Nhưng đây lại là cơ hội để bạn gây ấn tượng với người phỏng vấn, bằng cách hỏi họ một số câu hỏi chất lượng sau:
- Văn hóa công ty ở đây như thế nào?
- Quy trình làm việc UI UX design ở công ty như thế nào?
- Những kỹ năng nào team còn thiếu mà công ty mong đợi một người mới ở team design sẽ có?
- Bước tiếp theo sau buổi phỏng vấn này là gì?
Bạn có thể xem thêm: Những câu nên hỏi và câu không nên hỏi tại một buổi phỏng vấn
- Hãy “xông pha” đem portfolio của bạn đi review và nhận feedback
Chẳng ai có thể hoàn hảo làm tốt mọi việc từ ngày đầu tiên nên tốt nhất là bạn hãy mang portfolio của mình và đưa cho các senior designer xem. Rất nhiều cộng đồng UI UX design hỗ trợ review portfolio cho các designer còn non kinh nghiệm.
Tôi đã mang portfolio của mình đi cho các senior designer xem và tôi luôn nhớ về tố chất thứ 4 của mình (luôn lắng nghe nhận xét một cách rộng mở và chân thành). Bạn nên cảm thấy biết ơn khi một designer để lại nhận xét thực tế, chứ không phải khi họ khen rằng portfolio của bạn trông “tuyệt cú mèo”.
Nếu bạn muốn tìm cộng đồng UI UX Design quốc tế thì đây là một số cộng đồng design và designer mà tôi đã được nhận nhiều feedback hữu ích từ họ: DesignX Community, Kirill Vechtomov mysoulteam, Amazing Design People list
Các cuộc phỏng vấn tại công ty thiết kế quốc tế diễn ra như thế nào?
Tôi quyết định tổng hợp quá trình phỏng vấn dựa trên kinh nghiệm cá nhân và được truyền cảm hứng từ các senior designer trong cộng đồng của tôi.
Đầu tiên, phòng design sẽ đọc portfolio và CV của bạn. Nếu bạn qua được vòng này, họ sẽ gọi điện và phỏng vấn ngắn qua điện thoại. Sau khi qua vòng phỏng vấn điện thoại, bạn sẽ được mời đến văn phòng để dự cuộc phỏng vấn chính thức nguyên ngày (có thể lên đến 6 tiếng đồng hồ).
Sau đó, vào ngày bạn đến công ty dự phỏng vấn, sẽ có một vài tình huống như sau:
- Bạn sẽ thuyết trình các case study trong portfolio của mình trước team design. Và các designer trong team sẽ đặt câu hỏi cho bạn vào cuối buổi thuyết trình.
- Bạn sẽ được giao một bài tập design. Hội đồng phỏng vấn sẽ muốn bạn xác định chính xác vấn đề (Problem statement) và thuyết trình về giải pháp của bạn cho vấn đề đó. Phần câu hỏi sẽ diễn ra sau đó.
- Sau khi thuyết trình, bạn sẽ được gặp team design và nói chuyện 1:1 với họ để công ty đánh giá liệu bạn có thể là một mảnh ghép phù hợp với năng lượng của team cũng như văn hóa công ty hay không. Rất nhiều quyết định được đưa ra dựa trên cảm tính. Do vậy, để chứng minh bạn có thể cởi mở với những ý tưởng mới, khả năng lan truyền năng lượng tích cực, khả năng tương tác và nói lên ý kiến của bạn và đặt câu hỏi thông minh sẽ gây ấn tượng tốt.
Tìm việc UI UX ở đâu chất lượng nhất?
Nếu bạn đang cần tìm một môi trường làm việc chuyên nghiệp, chuẩn quốc tế, công việc chất lượng ở Việt Nam thì ITviec là nơi tốt nhất để các IT people tìm việc. Bạn hãy tham khảo những job UI UX mà ITviec đang có nhé!
Ngoài ra, trước khi ứng tuyển, bạn cần quan tâm đến mức lương mà JD đang đưa ra. Để biết được mức lương đó có phù hợp với mức lương ngành công nghệ thông tin nói chung trên thị trường hay không, bạn có thể tham khảo mức lương của Designer năm 2022 – 2023 do chính ITviec khảo sát như sau:
- Từ 1 đến dưới 3 năm kinh nghiệm: 25 triệu đồng/ tháng
- Từ 3 đến dưới 5 năm kinh nghiệm: 27 triệu đồng/ tháng
- Trên 8 năm kinh nghiệm: 50 triệu đồng/ tháng
Tham khảo đầy đủ mức lương IT, lương ngành công nghệ thông tin ở tất cả các vị trí, ngôn ngữ, thành phố, loại hình công ty,… ngay!
Bật mí một tính năng thú vị mà bạn có thể tìm hiểu trước khi ứng tuyển vào vị trí vào một công ty nào đó chính là tính năng “Review công ty” của ITviec.
Mong rằng với những chia sẻ bí quyết phỏng vấn vô cùng chân thật từ tác giả Rosy H Nguyen, các bạn UI UX Designer trẻ tuy chưa sở hữu nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn có thể đậu vào những vị trí tốt nhất!