Lĩnh vực IoT không ngừng phát triển và tiến hóa với tốc độ nhanh chóng, mang lại nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp tận dụng công nghệ này. Theo báo cáo State of IoT Summer 2024, đã có 16,6 tỷ thiết bị IoT được kết nối vào cuối năm 2023. Đến cuối năm 2024, con số này được dự đoán sẽ đạt 18,8 tỷ và dự kiến vươn mốc 40 tỷ vào năm 2030. Trong bài viết này, ITviec sẽ giúp bạn tìm hiểu thiết bị IoT là gì và 12 thiết bị IoT phổ biến trong năm 2025.
Đọc bài viết để hiểu rõ hơn về:
- IoT là gì? Thiết bị IoT là gì?
- Cách hoạt động của thiết bị IoT
- Top 10+ thiết bị IoT phổ biến năm 2025
IoT là gì? Thiết bị IoT là gì?
IoT (Internet of Things) là một thuật ngữ chung dùng để chỉ mạng lưới hàng tỷ thiết bị vật lý hoặc vật thể được kết nối với Internet, cho phép chúng thu thập và trao đổi dữ liệu với nhau.
Các thiết bị IoT là thiết bị phần cứng như cảm biến, tiện ích, thiết bị gia dụng và các loại máy móc khác, có khả năng thu thập và trao đổi dữ liệu qua Internet. Chúng được lập trình cho các mục đích nhất định và có thể được tích hợp vào các thiết bị IoT khác.
Ví dụ, một thiết bị IoT trong xe hơi của bạn có thể xác định tình trạng giao thông phía trước và tự động gửi tin nhắn đến người mà bạn sắp gặp để thông báo lý do bạn đến muộn.
Đọc thêm: IoT là gì? Những ứng dụng của IoT trong thời đại 4.0
Thiết bị IoT hoạt động như thế nào?
Thiết bị IoT hoạt động dựa trên sự kết hợp giữa cảm biến, kết nối Internet và phần mềm xử lý dữ liệu. Chúng thu thập thông tin theo thời gian thực, truyền tải dữ liệu và thực hiện các hành động thông minh nhằm tối ưu hóa hoạt động của hệ thống.
Cảm biến tích hợp và thu thập dữ liệu
Thiết bị IoT thường được trang bị các cảm biến nhúng để theo dõi hiệu suất của thiết bị vật lý có kết nối Internet (IP-enabled), thu thập dữ liệu theo thời gian thực như nhiệt độ, áp suất, rung động khi thiết bị hoạt động. Bộ xử lý tích hợp sẽ xử lý sơ bộ dữ liệu này để truyền đi hoặc trong một số trường hợp, thực hiện phân tích phức tạp ngay tại chỗ.
Kết nối Internet và truyền dữ liệu
Kết nối Internet giúp các thiết bị IoT có thể được điều khiển từ xa và trao đổi dữ liệu liên tục. Dữ liệu thu thập được chia sẻ với các thiết bị IoT khác hoặc truyền qua cổng trung gian (gateway) để xử lý cục bộ (edge computing) hoặc trên nền tảng đám mây (cloud computing).
Phân tích dữ liệu và ra quyết định
Hầu hết thiết bị IoT gửi dữ liệu về một nền tảng IoT trung tâm, nơi vận hành một hệ thống quy tắc (rules engine). Hệ thống này sẽ đưa ra chuỗi quyết định nhằm xác định cách phản ứng với dữ liệu thu thập được. Nhờ vậy, các doanh nghiệp có thể tự thiết lập quy tắc và điều chỉnh kết quả mà không cần lập trình viên.
Top 10+ ứng dụng thiết bị IoT phổ biến nhất năm 2025
Theo IoT Analytics, ước tính số lượng thiết bị IoT được kết nối sẽ tăng lên 40 tỷ vào năm 2030.
Theo dự đoán, các thiết bị IoT trong năm 2025 sẽ tập trung vào nhà thông minh, sức khỏe cá nhân, an ninh giúp tối ưu hóa cuộc sống hàng ngày.
1. Nhà thông minh (Smart home)
Các thiết bị IoT tiêu dùng được tạo ra để tăng cường sự tiện lợi cho hoạt động sống hàng ngày của con người. Chúng có thể là thiết bị nhà thông minh, thiết bị đeo, thiết bị gia dụng có kết nối Internet,…
Năm 2025, những thiết bị này có thể tích hợp sâu hơn với trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động hóa hoàn toàn các tác vụ hàng ngày như điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ hoặc phát hiện bất thường trong nhà.
Một số thiết bị nhà thông minh phổ biến gồm:
Bitdefender BOX
Bitdefender BOX là một thiết bị bảo mật mạng dành cho hệ thống IoT gia đình, giúp bảo vệ tất cả thiết bị thông minh khỏi các nguy cơ an ninh mạng. Ứng dụng đi kèm cho phép người dùng thiết lập các tùy chỉnh bảo mật, nhận diện các thiết bị lạ trên mạng và theo dõi toàn bộ hoạt động mạng trong thời gian thực.
Canary
Canary là một hệ thống an ninh gia đình tích hợp video và âm thanh, gửi cảnh báo đến điện thoại thông minh của người dùng. Thiết bị có thể tự động nhận biết khi người dùng ở nhà hoặc đi vắng mà không cần nhập mã bảo mật, đồng thời hỗ trợ xem video trực tiếp trên điện thoại.
Eve
Eve là dòng sản phẩm tự động hóa nhà thông minh hoạt động với nền tảng Apple HomeKit, giúp người dùng theo dõi chất lượng không khí trong nhà, điều kiện thời tiết ngoài trời, mức tiêu thụ năng lượng và trạng thái cửa sổ hoặc cửa ra vào. Công ty này cũng có dòng sản phẩm đèn thông minh có thể điều khiển qua thiết bị iOS hoặc Android.
Samsung SmartThings
Samsung SmartThings bao gồm nhiều thiết bị nhà thông minh như ổ cắm thông minh, cảm biến chuyển động, cảm biến đa năng, cảm biến rò rỉ nước và bộ trung tâm điều khiển. Hãng cũng cung cấp một bộ giám sát an ninh gia đình tích hợp đầy đủ.
2. Thiết bị IoT công nghiệp
Thiết bị IoT công nghiệp bao gồm cảm biến, ứng dụng và hệ thống mạng giúp thu thập, giám sát và phân tích dữ liệu từ các quy trình sản xuất. Những công nghệ này không chỉ nâng cao hiệu suất vận hành mà còn tối ưu hóa chi phí, giúp doanh nghiệp quản lý tài nguyên hiệu quả hơn, đặc biệt trong ngành ô tô năng lượng và logistics.
Một số thiết bị IoT công nghiệp phổ biến gồm:
ATrack Trackers
ATrack Trackers cung cấp giải pháp theo dõi GPS tiên tiến, hỗ trợ ngành vận tải và logistics giám sát tài sản và phương tiện theo thời gian thực. Hệ thống của ATrack giúp tối ưu hóa hành trình, giảm chi phí vận hành và nâng cao hiệu quả quản lý đội xe.
Aptomar
Aptomar chuyên sản xuất cảm biến IoT giúp phát hiện sự cố tràn dầu và nâng cao mức độ an toàn cho các cơ sở khai thác dầu khí. Công ty cung cấp các hệ thống giám sát hiện đại, giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro và đảm bảo hoạt động diễn ra suôn sẻ.
CargoSense
CargoSense cung cấp hệ thống cảm biến theo dõi nhiệt độ, độ ẩm, rung động, ánh sáng, độ nghiêng và áp suất của kiện hàng. Dữ liệu được cập nhật liên tục giúp các doanh nghiệp logistics và nhà sản xuất kiểm soát chất lượng vận chuyển, đảm bảo hàng hóa đến nơi trong điều kiện tối ưu.
Impinj
Impinj cung cấp nền tảng RAIN RFID toàn diện, bao gồm chip, đầu đọc và phần mềm theo dõi tài sản. Giải pháp này được ứng dụng rộng rãi trong ngành bán lẻ, y tế và sản xuất, giúp quản lý hàng tồn kho và tài sản dễ dàng hơn.
3. Thiết bị IoT Y tế
Công nghệ IoT đang thay đổi hoàn toàn lĩnh vực y tế, mang đến giải pháp quản lý sức khỏe thông minh với khả năng theo dõi từ xa và hỗ trợ chẩn đoán. Tất cả đều hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc y tế và cải thiện sức khỏe người bệnh.
Một số thiết bị IoT y tế phổ biến gồm:
Apple Watch
Là một trong những thiết bị IoT cá nhân phổ biến nhất, Apple Watch không chỉ hỗ trợ liên lạc mà còn cung cấp các tính năng theo dõi sức khỏe. Thiết bị này có thể đo nhịp tim, theo dõi hoạt động hàng ngày và thậm chí gửi cảnh báo khẩn cấp đến dịch vụ y tế khi phát hiện tình trạng nguy hiểm.
Biotricity Bioflux
Bioflux là một thiết bị đo điện tim (ECG) dành cho bệnh nhân tim mạch, cho phép bác sĩ theo dõi liên tục tình trạng tim của bệnh nhân 24/7. Hệ thống bao gồm thiết bị đo, phần mềm phân tích và dịch vụ giám sát để kịp thời liên hệ với bệnh nhân khi phát hiện dấu hiệu bất thường.
Withings Blood Pressure Monitor
Máy đo huyết áp Withings giúp người dùng dễ dàng theo dõi huyết áp bằng cách đo và gửi kết quả trực tiếp đến smartphone. Hãng Withings còn cung cấp nhiều thiết bị IoT y tế khác như cảm biến thể chất, nhiệt kế, cân thông minh và máy theo dõi giấc ngủ.
Các câu hỏi thường gặp về thiết bị IoT
Thiết bị IoT có cần dùng Internet không?
Thiết bị IoT hiệu quả nhất khi có kết nối Internet. Tuy nhiên, thiết bị IoT không có kết nối Internet vẫn có thể trao đổi dữ liệu với các thiết bị trực tiếp thông qua mạng cục bộ như Bluetooth.
Điện thoại thông minh có phải là thiết bị IoT?
Mặc dù điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính xách tay cũng sử dụng kết nối để truy cập Internet nhưng chúng thường không được coi là thiết bị IoT. Vì điện thoại thông minh chủ yếu được thiết kế như một thiết bị đa năng, có khả năng chạy ứng dụng, thực hiện cuộc gọi, nhắn tin, lướt web và nhiều chức năng khác. Trong khi đó, thiết bị IoT thường là các thiết bị chuyên dụng, được lập trình để thu thập, truyền dữ liệu và thực hiện một số tác vụ cụ thể.
TV có phải là thiết bị IoT?
Một chiếc TV được xem là thiết bị IoT nếu có các yếu kết nối Internet, tương tác thông minh. Ngược lại, một số Smart TV thời cũ chỉ kết nối Internet mà không thể tương tác (điều khiển bằng giọng nói) thì cũng chưa thể xem là thiết bị IoT.
Thiết bị IoT có an toàn không?
Nhiều thiết bị IoT thường xuyên tương tác với các ứng dụng dựa trên đám mây. Mặc dù mạng di động mà thiết bị IoT sử dụng có thể an toàn và ứng dụng đám mây cũng được bảo mật, nhưng quá trình truyền dữ liệu từ mạng đến đám mây thường đi qua Internet công cộng, khiến chúng dễ bị chặn hoặc tấn công bởi phần mềm độc hại.
Tổng kết
Thiết bị IoT ngày càng đa dạng về mẫu mã, cách thức cũng đòi hỏi sự phát triển và cập nhật kiến thức liên tục của đa số ngành nghề, đặc biệt là các lập trình viên. Nếu bạn đang có ý định theo đuổi nghề lập trình thì đây chính là ngách mới cho bạn nhiều cơ hội.