Tailwind CSS và Bootstrap là hai trong số những CSS frameworks phổ biến và nổi tiếng nhất hiện nay, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp lập trình viên xây dựng giao diện nhanh chóng và hiệu quả hơn. Vậy giữa Tailwind vs Bootstrap, đâu là lựa chọn phù hợp nhất cho dự án của bạn? Hãy cùng phân tích chi tiết hai CSS framework này qua bài viết sau.
Đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ:
- Các tính năng nổi bật của Bootstrap và Tailwind là gì?
- Ưu – nhược điểm của Bootstrap và Tailwind là gì?
- So sánh chi tiết Tailwind vs Bootstrap
Tailwind CSS là gì?
Tailwind là gì?
Tailwind CSS là một framework CSS theo hướng utility-first (ưu tiên tiện ích), chuyển trọng tâm từ các thành phần CSS truyền thống sang các lớp tiện ích chức năng, giúp bạn xây dựng giao diện responsive và đẹp mắt một cách dễ dàng.
Một số tính năng nổi bật của Tailwind CSS:
- Hệ thống utility-first mạnh mẽ: Tailwind cho phép tạo thiết kế tùy chỉnh mà không cần viết CSS riêng, giúp quá trình phát triển trở nên gọn gàng hơn, duy trì tính nhất quán, khả năng mở rộng và hiệu suất cao.
- Hỗ trợ responsive mặc định: Tailwind giúp tạo giao diện responsive dễ dàng nhờ các class (lớp) tiện ích có sẵn.
- Hỗ trợ Dark Mode tự động: Tailwind hỗ trợ dark mode dễ dàng bằng cách thêm prefix dark: vào các class.
- Hệ thống Grid và Flexbox mạnh mẽ: Tailwind cung cấp các class giúp bạn sử dụng CSS Grid và Flexbox nhanh chóng.
- Kiểm soát định dạng ở mức chi tiết: Tailwind cung cấp quyền kiểm soát thiết kế ở mức chi tiết, giúp tùy chỉnh chính xác và đẩy nhanh quá trình tạo mẫu giao diện.
- Giảm kích thước file CSS với PurgeCSS & JIT Mode: Tailwind chỉ giữ lại các class bạn thực sự sử dụng, giúp giảm dung lượng file CSS xuống mức tối thiểu.
Ưu điểm của Tailwind
- Không cần đặt tên class phức tạp: Bạn không phải lo lắng về quy tắc đặt tên cho class và ID trong CSS.
- Giảm thiểu mã CSS: Tailwind giúp hạn chế việc tạo các tệp CSS tùy chỉnh lớn, giúp mã nguồn gọn nhẹ và dễ quản lý hơn.
- Tùy chỉnh dễ dàng: Tailwind cho phép tùy chỉnh thiết kế mà không cần viết thêm CSS, giúp bạn tạo các thành phần tái sử dụng một cách thuận tiện.
- Hỗ trợ responsive sẵn có: Các class của Tailwind được tối ưu hóa cho responsive, giúp lập trình viên tạo bố cục thân thiện với thiết bị di động một cách dễ dàng.
- Phong cách CSS có phạm vi giới hạn: Các lớp tiện ích của Tailwind giúp thay đổi cục bộ từng phần tử mà không ảnh hưởng đến toàn bộ stylesheet như CSS truyền thống.
Nhược điểm của Tailwind
- Cú pháp dài dòng: Mọi kiểu dáng CSS được áp dụng trực tiếp vào các thẻ HTML thông qua các class tiện ích. Điều này có thể làm cho HTML trở nên dài dòng và khó đọc, đặc biệt là khi áp dụng nhiều kiểu phức tạp.
- Khó khăn cho người mới: Đối với người mới bắt đầu, cách tiếp cận utility-first có thể gây choáng ngợp, và có nguy cơ áp dụng kiểu dáng không nhất quán trong toàn bộ dự án.
- Khó thay đổi sang framework khác: Một dự án sử dụng Tailwind sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào các class tiện ích của framework này, điều này có thể gây khó khăn nếu muốn chuyển đổi sang một framework CSS khác vì phải viết lại toàn bộ class trong HTML.
- Tăng nguy cơ trùng lặp mã: Do Tailwind không sử dụng CSS tách biệt mà áp dụng trực tiếp vào HTML, việc sao chép và dán các đoạn mã có thể dẫn đến trùng lặp không cần thiết.
Đọc thêm: Tailwind CSS: Hướng dẫn 3 cách thiết lập Tailwind chi tiết
Giới thiệu chung về Bootstrap
Bootstrap là gì?
Bootstrap là một framework CSS được tạo ra ở Twitter vào giữa năm 2010, cung cấp sẵn các thành phần CSS, JavaScript và các lớp tiện ích, giúp xây dựng trang web nhanh chóng và dễ dàng hơn. Nó rất phổ biến trong cộng đồng lập trình viên web vì có nhiều thành phần được thiết kế sẵn có thể sử dụng ngay.
Các tính năng nổi bật của Bootstrap:
- Hệ thống lưới (Grid system) linh hoạt: Bootstrap có một hệ thống lưới gồm 12 cột có thể thay đổi kích thước tùy theo độ lớn của màn hình, giúp hiển thị tốt trên điện thoại, máy tính bảng và máy tính.
- Thư viện component phong phú: Bootstrap đi kèm với nhiều thành phần sẵn có như menu, buttons và alerts. Bạn có thể tùy chỉnh giao diện của chúng nếu có kỹ năng lập trình.
- Hỗ trợ responsive tốt: Bootstrap được thiết kế để thân thiện với thiết bị di động ngay từ đầu và hoạt động tốt trên nhiều trình duyệt web khác nhau. Điều này có nghĩa là các trang web xây dựng bằng Bootstrap sẽ hiển thị đẹp mắt trên mọi thiết bị.
- Hỗ trợ JavaScript tích hợp: Bootstrap đi kèm với các plugin JavaScript giúp tạo các hiệu ứng động dễ dàng.
- Linh hoạt trong việc tùy chỉnh: Bạn có thể dễ dàng thay đổi giao diện trang web bằng hệ thống chủ đề của Bootstrap, chẳng hạn như điều chỉnh màu sắc và nhiều yếu tố khác.
Ưu điểm của Bootstrap
- Phát triển nhanh chóng: Các thành phần có sẵn của Bootstrap giúp tăng tốc quá trình phát triển, cho phép hoàn thành dự án nhanh hơn.
- Thiết kế responsive: Hệ thống lưới tích hợp sẵn giúp website tự động điều chỉnh phù hợp với nhiều kích thước màn hình và thiết bị khác nhau.
- Giao diện nhất quán: Bootstrap duy trì sự đồng bộ về giao diện trên nhiều thành phần, đảm bảo trải nghiệm người dùng liền mạch.
- Tương thích đa trình duyệt: Bootstrap xử lý sự khác biệt giữa các trình duyệt, giảm thiểu nhu cầu kiểm tra nhiều và đảm bảo trải nghiệm nhất quán.
- Tùy chỉnh linh hoạt: Các chủ đề, biến số và mixins có thể tùy chỉnh, giúp điều chỉnh giao diện theo yêu cầu dự án và thương hiệu.
- Cộng đồng lớn và tài liệu phong phú: Là mã nguồn mở, Bootstrap được hưởng lợi từ một cộng đồng mạnh mẽ, cung cấp đa dạng các tài nguyên, tài liệu hướng dẫn và các plugin từ bên thứ ba.
Nhược điểm của Bootstrap
- Giao diện trùng lặp, thiếu sáng tạo: Các trang web được xây dựng bằng Bootstrap có thể trông rất giống nhau. Các kiểu mặc định của Bootstrap dễ nhận diện, và nếu không có tùy chỉnh đáng kể, trang web có thể trở nên chung chung và thiếu tính độc đáo.
- Dung lượng lớn ảnh hưởng đến hiệu suất: Thư viện toàn diện của Bootstrap bao gồm một lượng lớn CSS và JavaScript, trong đó có nhiều phần có thể không cần thiết cho mọi dự án. Khi mã không sử dụng vẫn được tải trên trang web, điều này làm tăng thời gian tải trang và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến SEO.
- Phụ thuộc nhiều vào các lớp: Bootstrap dựa rất nhiều vào việc sử dụng các lớp được định nghĩa sẵn để áp dụng kiểu dáng cho các phần tử HTML. Mặc dù cách tiếp cận dựa trên class có thể giúp tăng tốc độ phát triển, nhưng nó cũng có thể dẫn đến mã HTML bị lộn xộn và kém tính ngữ nghĩa.
- Lạm dụng JavaScript: Bootstrap bao gồm nhiều plugin JavaScript để thêm các tính năng tương tác vào trang web của bạn, chẳng hạn như modal, tooltip và carousel. Mặc dù các plugin này hữu ích, nhưng chúng cũng làm tăng dung lượng tải trang và có thể gây ra các vấn đề về hiệu suất nếu bị lạm dụng.
Đọc thêm: Bootstrap là gì? 7 tính năng cần biết trong Bootstrap
Tailwind vs Bootstrap: Các điểm giống nhau
Tailwind và Bootstrap đều là những framework CSS phổ biến, dưới đây là một số điểm giống nhau giữa hai framework này:
- Thiết kế hướng tiện ích: Cả Tailwind CSS và Bootstrap đều cung cấp một tập hợp các lớp CSS tiện ích để dễ dàng tùy chỉnh giao diện mà không cần viết nhiều CSS tùy chỉnh.
- Tích hợp sẵn responsive: Cả hai framework đều cung cấp hệ thống responsive mạnh mẽ, giúp giao diện thích ứng với nhiều kích thước màn hình khác nhau.
- Hỗ trợ khả năng tùy chỉnh: Bootstrap có thể được tùy chỉnh thông qua Sass variables, còn Tailwind cho phép chỉnh sửa qua tệp cấu hình tailwind.config.js.
- Cộng đồng lớn & tài liệu phong phú: Cả hai đều có cộng đồng sử dụng đông đảo và kho tài liệu hướng dẫn chi tiết, dễ tiếp cận cho người mới.
Bên cạnh đó, giữa chúng cũng có cách tiếp cận và ưu nhược điểm khác nhau. Dưới đây là một số khác biệt chính giữa chúng:
Tailwind vs Bootstrap: Các điểm khác biệt chính
Tiêu chí | Bootstrap | Tailwind |
Triết lý thiết kế | Tập trung vào việc cung cấp một bộ thành phần được tạo kiểu sẵn và hệ thống Grid mạnh mẽ. Phù hợp để tạo nguyên mẫu nhanh và duy trì thiết kế nhất quán. | Nhấn mạnh vào các class tiện ích (utility classes) và tính linh hoạt, cho phép tạo các thiết kế tùy chỉnh và độc đáo hơn, nhưng đòi hỏi nhiều thao tác chỉnh sửa thủ công hơn. |
Khả năng tùy chỉnh | Có thể tùy chỉnh bằng biến Sass và ghi đè CSS, nhưng cần hiểu về Sass và hệ thống chủ đề của Bootstrap. | Dễ dàng tùy chỉnh thông qua một tệp cấu hình duy nhất (tailwind.config.js), nơi bạn có thể định nghĩa màu sắc, khoảng cách, font chữ, v.v., giúp thiết kế phù hợp hơn với nhu cầu của bạn. |
Khả năng tiếp cận cho người mới | Dễ tiếp cận hơn cho người mới bắt đầu do có sẵn các thành phần giao diện được thiết kế sẵn. | Khó tiếp cận hơn vì yêu cầu hiểu và áp dụng các class tiện ích một cách hiệu quả. |
Dung lượng File | Dung lượng lớn và có thể làm giảm hiệu suất nếu tải toàn bộ. | Dung lượng nhẹ hơn nhờ cơ chế tự động xóa class không dùng (PurgeCSS & JIT Mode) |
Hệ sinh thái | Có sẵn nhiều thành phần UI như navbar, modal, button… | Không có thành phần UI sẵn, chỉ cung cấp các class tiện ích |
Chúng ta hãy cùng phân tích sự khác biệt giữa hai framework qua ví dụ sau: Tạo 1 form đăng nhập bao gồm thông tin đăng nhập và nút đăng nhập.
Bootstrap: Cung cấp các component UI sẵn có, giúp bạn xây dựng giao diện nhanh hơn mà không cần thiết kế nhiều.
<div class="card p-4 shadow-sm" style="width: 350px;"> <h3 class="text-center mb-3">Login</h3> <form> <div class="mb-3"> <label for="email" class="form-label">Email address</label> <input type="email" class="form-control" id="email" placeholder="Enter your email"> </div> <div class="mb-3"> <label for="password" class="form-label">Password</label> <input type="password" class="form-control" id="password" placeholder="Enter your password"> </div> <div class="d-flex justify-content-between align-items-center mb-3"> <div class="form-check"> <input class="form-check-input" type="checkbox" id="remember"> <label class="form-check-label" for="remember">Remember me</label> </div> <a href="#" class="text-decoration-none">Forgot password?</a> </div> <button type="submit" class="btn btn-primary w-100">Sign in</button> </form> </div>
Kết quả:
Tailwind CSS: Tailwind không có các component sẵn có mà sử dụng các class tiện ích (utility-first) để tạo giao diện.
<div class="bg-white p-6 rounded-lg shadow-md w-80"> <h3 class="text-center text-xl font-semibold mb-4">Login</h3> <form> <div class="mb-4"> <label for="email" class="block text-sm font-medium text-gray-700">Email address</label> <input type="email" id="email" class="mt-1 block w-full p-2 border border-gray-300 rounded-md focus:outline-none focus:ring-2 focus:ring-blue-500" placeholder="Enter your email"> </div> <div class="mb-4"> <label for="password" class="block text-sm font-medium text-gray-700">Password</label> <input type="password" id="password" class="mt-1 block w-full p-2 border border-gray-300 rounded-md focus:outline-none focus:ring-2 focus:ring-blue-500" placeholder="Enter your password"> </div> <div class="flex justify-between items-center mb-4"> <label class="flex items-center text-sm"> <input type="checkbox" class="mr-2"> Remember me </label> <a href="#" class="text-blue-500 text-sm hover:underline">Forgot password?</a> </div> <button type="submit" class="w-full bg-blue-500 text-white py-2 rounded-md hover:bg-blue-600">Sign in</button> </form> </div>
Kết quả:
Tailwind vs Bootstrap: Hệ thống thiết kế giao diện
Cùng so sánh các điểm khác biết của 2 framework liên quan đến hệ thống thiết kế giao diện:
Tiêu chí | Bootstrap | Tailwind |
Component có sẵn | Có hệ thống component phong phú bao gồm button, form, modal, navbar, card… | Không có sẵn, cần phải tự định nghĩa. |
Responsive | Dùng các class như col-md-6, d-lg-block | Dùng prefix như sm:, md:, lg: để tùy chỉnh |
Khả năng mở rộng | Có thể tùy chỉnh nhưng phức tạp hơn | Rất dễ mở rộng, có thể thêm class mới |
Có sẵn các thành phần JavaScript? | Cung cấp các plugin javascript như modal, dropdown, tooltip | Không có, phải dùng JS riêng |
Trường hợp sử dụng Tailwind vs Bootstrap
Khi nào nên sử dụng Bootstrap?
- Tạo nguyên mẫu nhanh & Phát triển MVP: Bootstrap có sẵn nhiều thành phần như menu, nút bấm và biểu mẫu, giúp bạn xây dựng trang web một cách nhanh chóng.
- Dự án có thời hạn gấp: Việc sử dụng các thành phần dựng sẵn giúp tiết kiệm thời gian và đáp ứng các deadline mà nếu tự code từ đầu sẽ rất khó hoàn thành kịp.
- Nguồn lực phát triển hạn chế: Nếu nhóm phát triển có ít thành viên hoặc đang bận rộn với nhiều công việc khác, Bootstrap giúp tạo ra các trang web đẹp mà không cần nhiều công sức lập trình.
- Tích hợp với hệ thống cũ: Bootstrap tương thích tốt với các trình duyệt web cũ, giúp dễ dàng áp dụng vào những hệ thống đang hoạt động mà không cần thay đổi toàn bộ cấu trúc nền tảng.
- Dành cho người mới bắt đầu: Đối với những ai mới học làm web, Bootstrap là một lựa chọn tuyệt vời. Nó có nhiều ví dụ và hướng dẫn giúp dễ dàng tiếp cận, và không cần hiểu quá nhiều về CSS vẫn có thể tạo ra giao diện đẹp.
Khi nào nên sử dụng Tailwind CSS?
- Yêu cầu giao diện tùy chỉnh cao: Tailwind CSS cho phép bạn tạo ra các thiết kế website độc đáo một cách dễ dàng bằng utility class.
- Ứng dụng web cần sự tương tác: Tailwind CSS cung cấp các công cụ giúp bạn tạo hiệu ứng phản hồi với người dùng, chẳng hạn như thay đổi màu sắc khi di chuột qua.
- Nhóm nhỏ, linh hoạt: Nếu bạn làm việc trong một nhóm nhỏ và cần thử nghiệm ý tưởng mới nhanh chóng, Tailwind CSS giúp tiết kiệm thời gian thay vì phải viết lại các kiểu CSS từ đầu.
- Thiết kế chính xác theo pixel: Khi dự án của bạn yêu cầu giao diện giống hệt với bản thiết kế, Tailwind CSS là giải pháp tối ưu. Nó giúp bạn kiểm soát từng chi tiết nhỏ để đảm bảo mọi thứ đúng chuẩn.
- Kiểm soát chi tiết giao diện: Tailwind CSS mang đến khả năng tùy chỉnh mạnh mẽ giúp bạn có thể điều chỉnh gần như mọi thứ để phù hợp với tầm nhìn thiết kế của mình.
Câu hỏi thường gặp về Tailwind vs Bootstrap
Tôi có thể sử dụng đồng thời Bootstrap và Tailwind không?
Bạn có thể sử dụng đồng thời cả Bootstrap và Tailwind CSS trong cùng một dự án. Tuy nhiêu điều này không được khuyến khích bởi vì tiềm ẩn nhiều rủi ro về việc xung đột CSS giữa các class của hai framewor, cùng với đó là vấn đề về hiệu suất và dung lượng.
Bootstrap có dễ học hơn Tailwind không?
Trong đa số trường hợp, Bootstrap sẽ dễ học hơn Tailwind CSS bởi vì:
- Hệ thống component và class được thiết kế sẵn
- Không yêu cầu hiểu biết sâu về CSS
- Có cấu trúc rõ ràng và dễ học theo tài liệu
Bootstrap có tốt hơn Tailwind không?
Bootstrap và Tailwind đều là những framework CSS phổ biến, mỗi loại đều có ưu điểm và nhược điểm riêng.
- Bootstrap: Dễ dùng, có nhiều UI sẵn, phù hợp dự án nhỏ, phát triển nhanh nhưng ít linh hoạt.
- Tailwind CSS: Tùy biến cao, nhẹ, tối ưu hiệu suất, phù hợp dự án lớn nhưng cần học nhiều class.
Vì vậy, Bootstrap tốt cho dự án nhanh, ít chỉnh sửa UI, còn Tailwind phù hợp nếu muốn UI độc đáo, tối ưu hơn.
Tổng kết Tailwind vs Bootstrap
Tailwind CSS và Bootstrap đều là những framework CSS mạnh mẽ, giúp lập trình viên xây dựng giao diện web nhanh chóng và hiệu quả. Việc lựa chọn giữa Bootstrap và Tailwind CSS phụ thuộc vào mục tiêu dự án, thời gian phát triển và nhu cầu cá nhân. Qua bài viết này, ITViec hi vọng đã mang đến cho bạn đọc một cái nhìn tổng quan hơn về ưu điểm và nhược điểm của từng loại và từ đó có thể lựa chọn framework phù hợp.