Nội dung chính
- Miêu tả công việc System Admin
- System Admin roadmap: Các kỹ năng cần thiết để trở thành System Admin
- Tổng quan System Admin roadmap: 5 bước trở thành System Admin
- System Admin roadmap: Mức thu nhập của System Admin
- System Admin roadmap: Các vị trí có thể đảm nhiệm sau SysAdmin
- Các câu hỏi thường gặp về System Admin roadmap
- Tổng kết System Admin roadmap
Bước vào thế giới của một System Admin không chỉ là việc chọn lựa một công việc, mà là một hành trình với những bước đi cụ thể và mục tiêu rõ ràng. Mỗi cá nhân đều có một lộ trình riêng để trở thành một chuyên gia quản trị hệ thống, nhưng tất cả đều chung một mục đích: hiểu biết sâu sắc về hạ tầng công nghệ và khả năng quản lý mạnh mẽ. Hãy cùng khám phá hành trình đầy thách thức này qua System Admin roadmap sau đây.
Đọc bài viết này để biết thêm về:
- Các kỹ năng cần thiết để trở thành System Admin
- Các vị trí có thể đảm nhiệm sau khi làm System Admin
- System Admin roadmap: 5 bước trở thành System Admin
- Mức thu nhập khi làm System Admin
Miêu tả công việc System Admin
Một System Admin, hay còn gọi là quản trị mạng và hệ thống máy tính, có trách nhiệm đảm bảo rằng mạng lưới của doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và năng suất trong các hoạt động thường nhật. Các System Admin có thể làm việc trong nhiều môi trường khác nhau, do hầu hết các ngành công nghiệp đều cần đến họ để quản lý các hệ thống máy tính và mạng của mình. Tầm quan trọng của công việc này đang dần tăng lên khi ngày càng nhiều ngành công nghiệp thực hiện chuyển đổi số để lưu trữ dữ liệu của họ.
Các System Admin chịu trách nhiệm chủ yếu về việc tổ chức và hỗ trợ các hệ thống máy tính của doanh nghiệp, bao gồm mạng rộng (WANs), hệ thống truyền dữ liệu và các đường truyền mạng.
Ngoài ra, các nhiệm vụ và yêu cầu công việc của System Admin có thể bao gồm tối ưu hóa hiệu suất hệ thống, cài đặt phần cứng/mềm để đáp ứng nhu cầu của tổ chức, nâng cấp hoặc sửa chữa hệ thống khi cần thiết, bảo vệ mạng và hệ thống máy tính khỏi hacker, đào tạo người dùng về cách sử dụng phần cứng/mềm và phản hồi khi có cảnh báo về vấn đề xảy ra trên hệ thống.
System Admin roadmap: Các kỹ năng cần thiết để trở thành System Admin
Trước khi đến với System Admin roadmap, bạn cần hiểu về các kỹ năng cần sở hữu để trở thành Quản trị viên hệ thống. Nhìn chung, là một System Admin, bạn phải phát triển các kỹ năng cần thiết để đảm bảo hệ thống của doanh nghiệp được vận hành một cách trơn tru, tối thiểu hoá thời gian chết khi xử lý các sự cố để các hoạt động vận hành, kinh doanh không bị gián đoạn, như sau:
Hiểu biết chuyên sâu về vận hành hệ thống
Một System Admin cần phải có hiểu biết chuyên sâu về các hệ điều hành phổ biến hiện như Windows, Linux hoặc Mac. Windows và Linux là hai hệ điều hành được sử dụng phổ biến hơn cả, nên bắt đầu từ việc thành thạo chúng là một khởi đầu tốt.
Thành thạo quản trị hệ điều hành của một doanh nghiệp cũng là một điểm cộng to lớn giúp bạn được các nhà tuyển dụng để mắt đến.
Thuần thục với phần cứng
Làm việc và xử lý trực tiếp các loại máy móc như máy chủ hay máy in là một trong những yêu cầu công việc của System Admin. Chính vì thế, sở hữu kiến thức và thuần thục trong xử lý, khắc phục vấn đề liên quan đến phần cứng là một trong những kỹ năng vô cùng cần thiết đối với một System Admin.
Các kỹ năng về điện toán đám mây
Với sự phổ biến ngày càng tăng của các ứng dụng đám mây, việc có kiến thức về các nền tảng như Office365, Azure Cloud, Google Cloud Platform và Amazon Web Services (AWS) có thể mang lại lợi thế cho System Admin.
Kỹ năng về điện toán đám mây giúp bạn quản lý hiệu quả các tài nguyên trên đám mây, triển khai các biện pháp bảo mật, và tối ưu hóa việc sử dụng các dịch vụ đám mây của doanh nghiệp.
Kiến thức về mạng
Các doanh nghiệp và nhà tuyển dụng thường kỳ vọng các System Admin có kiến thức vững chắc về mạng, bao gồm cài đặt và bảo trì các mạng LAN và WAN. Ở những công ty có quy mô nhỏ, System Admin sẽ phải đảm nhiệm nhiều vai trò, và thường kiêm nhiệm luôn cả việc quản trị hệ thống mạng công ty.
Kỹ năng khắc phục sự cố
Để giải quyết các vấn đề hiệu quả, System Admin cần có kỹ năng tốt trong việc tìm ra và khắc phục sự cố một cách nhanh chóng. Họ phải có khả năng phân tích vấn đề, tìm ra nguyên nhân, và áp dụng các giải pháp thích hợp để giải quyết vấn đề.
Mặc dù có vẻ như là một công việc đơn giản hoặc phải làm hàng ngày, quá trình khắc phục sự cố thường khá mất thời gian, bao gồm việc sử dụng nhiều công cụ chẩn đoán, tiện ích dòng lệnh, và hệ thống đăng nhập để xác định vấn đề và áp dụng các biện pháp sửa chữa phù hợp.
Kỹ năng quản lý database
Nhiều tổ chức phụ thuộc vào database để lưu trữ và quản lý dữ liệu của họ. System admin thường đóng vai trò trong việc quản lý các cơ sở dữ liệu này, bao gồm thiết lập, cấu hình và bảo trì hệ thống cơ sở dữ liệu.
Điều này yêu cầu các System Admin phải có kiến thức vững vàng về SQL (Structured Query Language – Ngôn ngữ truy vấn có cấu trúc) để truy vấn và quản lý dữ liệu, cũng như tối ưu hóa hiệu suất của cơ sở dữ liệu.
Thành thạo về bảo mật thông tin
Vì an ninh mạng đang trở thành một vấn đề ngày càng được quan tâm, các System Admin được yêu cầu phải nắm chắc thông tin để cung cấp các giải pháp giảm thiểu các rủi ro an ninh mạng và đảm bảo an toàn cho hệ thống máy tính và máy chủ internet của doanh nghiệp.
Bạn phải phân tích các hệ thống để xác định các điểm yếu và đề xuất cũng như triển khai các cơ chế để ngăn chặn các cuộc xâm nhập và trộm cắp dữ liệu.
Tổng quan System Admin roadmap: 5 bước trở thành System Admin
Bước 1: Lên kế hoạch nghề nghiệp
Kế hoạch nghề nghiệp của bạn nên bao gồm các mục tiêu học tập, chứng chỉ tiềm năng, chiến lược xây dựng kinh nghiệm và các thành tựu mong muốn trong thời gian nhất định. Hãy xác định lĩnh vực System Admin mà bạn quan tâm nhất, chẳng hạn như mạng máy tính, an ninh thông tin, hoặc quản lý cơ sở dữ liệu, và tìm hiểu các kỹ năng và yêu cầu cần thiết cho lĩnh vực đó.
Nghiên cứu các bài đăng tuyển dụng để hiểu về mong đợi và yêu cầu của ngành. Hãy tận dụng các cơ hội giao lưu mạng để kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực bạn lựa chọn. Hãy nhớ rằng, một kế hoạch nghề nghiệp có tính linh hoạt sẽ giúp bạn thích nghi với những thay đổi và cơ hội mới trên con đường sự nghiệp của mình.
Để hiểu hơn về nghề Quản trị Hệ thống, bạn có thể tham khảo qua bài viết sau:
- Quản trị hệ thống: Mô tả công việc, Kỹ năng và Chứng chỉ cần có
- System Admin là gì? Nhiệm vụ và công việc của System Admin
Bước 2: Tìm hiểu những yêu cầu về giáo dục để trở thành System Admin
Các vị trí Quản trị hệ thống thường yêu cầu có bằng cử nhân trong Khoa học Máy tính (Computer Science), Hệ thống thông tin (Informations System) hoặc các lĩnh vực liên quan. Theo Báo cáo Lương IT 2023 – 2024 từ ITviec, có đến 77,1% System Admin tham gia phỏng vấn đều có bằng Cử nhân và có đến 95,8% là theo học chuyên ngành IT.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là việc liên tục học hỏi. Công nghệ phát triển nhanh chóng, vì vậy bạn cần luôn cập nhật kiến thức qua các khóa học trực tuyến, hội thảo, webinar và các chứng chỉ chuyên ngành. ITviec đã có bài viết Top các khóa học System Admin dành cho nhiều cấp độ 2024 mà bạn nên tham khảo.
Ngoài ra, hãy xem xét việc theo học các bằng cấp cao hơn hoặc đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực mà bạn quan tâm để nâng cao trình độ bản thân và hướng đến một vị trí cao hơn trong công việc.
Bước 3: Không ngừng học tập và trao dồi kiến thức cùng với kỹ năng
Để trở thành một System Admin, không chỉ đơn thuần là có bằng cấp học vấn mà còn đòi hỏi phát triển một bộ kỹ năng đa dạng. Cả kỹ năng chuyên ngành và các kỹ năng mềm đều rất quan trọng để quản lý cơ sở hạ tầng IT (IT infrastructures) một cách hiệu quả và giao tiếp tốt với các đồng nghiệp trong công ty.
Bước 4: Lấy thêm các chứng chỉ liên quan
Các chứng chỉ chứng tỏ sự cam kết của bạn với việc học hỏi liên tục và cho thấy bạn có những năng lực mà các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Bắt đầu với các chứng chỉ cơ bản như CompTIA A+ cho các kỹ năng IT cơ bản hoặc Network+.
Khi bạn tích lũy được kinh nghiệm, hãy xem xét các chứng chỉ nâng cao hơn như Microsoft Certified: Azure Administrator Associate cho hệ thống đám mây.
Nếu bạn quan tâm đến an ninh mạng, CompTIA Security+ hoặc Springboard Cybersecurity Bootcamp là những lựa chọn đáng xem.
Bước 5: Làm việc để nâng cao tay nghề và có thêm kinh nghiệm
Áp dụng tất cả các kiến thức, kỹ năng bạn học được vào thực tế để cọ xát và nâng cao trình độ bản thân lên mức cao nhất có thể. Học phải đi đôi với hành, không có cách nào khác để cải thiện khả năng của bản thân ngoài việc rèn dũa nó liên tục.
Ở thời điểm mới bắt đầu, bạn có thể bắt đầu trải nghiệm làm System Admin bằng việc đăng ký thực tập sinh tại các công ty, tập đoàn để học hỏi thêm kinh nghiệm. Khi đã có nền tảng ổn định, bạn hãy chuẩn bị cho riêng một bản sơ yếu lý lịch đủ tốt để bắt đầu ở các công việc ở mức độ nhập môn để trau dồi, nâng cao trình độ và kỹ năng.
Điều quan trọng là bạn phải có ý thức học hỏi liên tục để đưa bản thân ngày càng tiến xa hơn trong ngành IT nói chung, và ở vị trí System Admin nói riêng.
System Admin roadmap: Mức thu nhập của System Admin
Cũng như các vị trí khác, mức thu nhập khi làm System Admin sẽ ít nhiều được đánh giá dựa trên số năm kinh nghiệm làm việc, khả năng bản thân và phần nào đó là các bằng cấp, chứng chỉ chứng minh năng lực bản thân ở các cấp độ cao hơn.
Theo Báo cáo Lương IT 2023 – 2024 từ ITviec, sau đây là mức lương của System Admin theo khoảng năm kinh nghiệm:
Khoảng năm kinh nghiệm (Năm) | Mức lương trung vị (VND) |
1-2 | 17.000.0000 |
3-4 | 18.000.0000 |
5-8 | 26.000.0000 |
>8 | 30.000.0000 |
System Admin roadmap: Các vị trí có thể đảm nhiệm sau SysAdmin
Vai trò của System Admin đã phát triển, không chỉ đơn thuần là duy trì các hệ thống và mạng nữa. Tùy thuộc vào quy mô, ngành công nghiệp và mục tiêu của doanh nghiệp, vai trò System Admin có thể có những khía cạnh đặc biệt khác nhau.
Dưới đây là một số lộ trình nghề nghiệp chuyên sâu trong lĩnh vực System Admin:
- Network Administrator: Công việc chính ở vị trí này là bảo mật, duy trì và khắc phục sự cố có thể gặp phải trong các mạng máy tính. Các doanh nghiệp cần các network administrator để đảm bảo mạng của họ hoạt động hiệu quả và đáp ứng các yêu cầu kinh doanh.
- Security Administrator: Vị trí này sẽ chịu trách nhiệm cài đặt, quản lý và khắc phục sự cố các giải pháp an ninh của doanh nghiệp. Ngoài ra, security administrator còn viết chính sách an ninh và tài liệu đào tạo về các thủ tục an ninh cho đồng nghiệp. Họ cũng có trách nhiệm phân quyền và đảm bảo an ninh cho toàn bộ hệ thống chứ không chỉ một phần cụ thể, và luôn phải tập trung vào các biện pháp phòng tránh trước mối đe dọa.
- Database Administrator: Database administrator, hay DBA, có trách nhiệm bảo trì, bảo mật và vận hành các cơ sở dữ liệu, đồng thời đảm bảo dữ liệu được lưu trữ và truy xuất đúng cách. Ngoài ra, họ thường hợp tác với các lập trình viên để thiết kế và triển khai các tính năng mới và khắc phục sự cố, với sự hiểu biết sâu sắc về các yêu cầu kỹ thuật và kinh doanh.
- Cloud Administrator: Cloud administrator là người đảm bảo cơ sở hạ tầng và hoạt động của cấu trúc đám mây của công ty. Họ sẽ hỗ trợ khách hàng cài đặt các dịch vụ đám mây của mình, đồng thời làm việc với các kỹ sư đám mây và nhân viên quản lý đám mây khác để đảm bảo máy chủ và hệ thống luôn vận hành tốt.
- IT Operations Administrator: Vị trí này phải vừa đảm bảo hoạt động suôn sẻ của tất cả các hoạt động IT thuộc công ty, vừa phối hợp với các phòng ban khác để đảm bảo các hoạt động IT phục vụ cho các nhu cầu vận hành và định hướng kinh doanh của doanh nghiệp.
- Enterprise Administrator: Đây là một vị trí cấp cao, yêu cầu phải giám sát cơ sở hạ tầng IT của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, và quản lý nhiều hệ thống, mạng và địa điểm khác nhau ví dụ như các CRM, ERP.
Các câu hỏi thường gặp về System Admin roadmap
Các kỹ năng cần thiết để trở thành System Admin?
Để trở thành một System Admin xuất sắc, bạn cần phải có hiểu biết và nắm vững các kỹ năng về: vận hành hệ thống, phần cứng, điện toán đám mây, mạng, khắc phục sự cố, database và bảo mật thông tin. Ngoài những kỹ năng nêu trên, sở hữu thêm các kỹ năng mềm sẽ giúp ích rất nhiều trong công việc của bạn.
Các vị trí có thể đảm nhận sau khi làm System Admin?
Sau khi làm System Admin, các vị trí bạn có thể đảm nhận như: Network Administrator, Security Administrator, Database Administrator, Cloud Administrator, IT Operations Administrator, Enterprise Administrator. Tuỳ thuộc vào định hướng phát triển của bản thân mà bạn sẽ đưa ra quyết định phù hợp.
Các chứng chỉ System Admin nên sở hữu?
Các chứng chỉ System Admin nên sở hữu sẽ phụ thuộc vào trình độ cũng như khả năng của từng cá nhân. Với cấp độ nhập môn, các chứng chỉ sẽ là:
- CompTIA Network+
- Microsoft Certified: Windows Server Fundamentals
- Red Hat Certified System Administrator (RHCSA)
- Cisco Certified Network Associate (CCNA),…
Ở cấp độ cao hơn và chuyên môn hơn, bạn có thể quan tâm các chứng chỉ:
- Amazon Web Services Solutions Architect – Associate
- Microsoft Certified: DevOps Engineer Expert
- IBM Certified Administrator – Db2
- VMware Vsphere: Install, Configure, Manage [V7], ServiceNow Certified System Administrator,…
Mất khoảng bao lâu để hoàn thành System Admin roadmap?
Thông thường, bạn sẽ mất khoảng 4-6 năm để trở thành System Admin. Trong đó, 1-4 năm dành cho việc lấy một tấm bằng cử nhân chuyên ngành IT, khoảng thời gian còn lại dành cho việc làm việc và rèn luyện nâng cao kỹ năng của bản thân để phù hợp hơn với định hướng phát triển của bản thân.
Tổng kết System Admin roadmap
Bài viết trên đã tổng hợp về System Admin roadmap liên quan đến các kỹ năng cần thiết để trở thành System Admin, cũng như tổng quan lộ trình System Admin roadmap để trở thành Quản trị viên hệ thống rất đơn giản mà đầy đủ chỉ với 5 bước.