Nội dung chính
Những chia sẻ về quy trình phỏng vấn, bí quyết phỏng vấn hiện nay chủ yếu đến từ những ứng viên có kinh nghiệm ứng tuyển. Vậy thì, thay vào đó, tại sao bạn không tìm đến những nhà tuyển dụng IT thật sự, những HR Manager để có những lời khuyên phỏng vấn chính xác và bổ ích nhất từ chính những người đang có nhu cầu tuyển dụng bạn?
Nhằm giúp ứng viên hiểu rõ hơn về quy trình phỏng vấn, giải đáp những thắc mắc trong quá trình tuyển dụng, ITviec đã có buổi trò chuyện với anh Huỳnh Trọng Nghĩa – HR Manager tại công ty TNHH Rivico, và chị Phạm Thị Hải Ninh – Senior Talent Acquisition tại NashTech.
Chỉ cần đọc đầy đủ thông tin trong bài viết này, ITviec đảm bảo rằng bạn sẽ hiểu tường tận về quy trình phỏng vấn ở những công ty công nghệ (Product và Outsourcing) và cảm thấy các buổi phỏng vấn trở nên “dễ thở” hơn rất nhiều.
Tham khảo ngay Trọn bộ “bí quyết” chinh phục HR Manager (Phần 2): Kinh nghiệm phỏng vấn dành cho dân IT
Thông tin về chuyên gia:
Anh Huỳnh Trọng Nghĩa vốn xuất thân từ ngành Kế toán – Kiểm toán và đã làm việc ở ngành này khoảng 4 năm trước khi chuyển sang làm HR cho tới thời điểm hiện tại (khoảng 6 năm). Hiện anh đang công tác tại Công ty TNHH Rivico (Riviu) vị trí HR Manager và đồng thời là Project Lead (CEO) của dự án 123HR trực thuộc công ty 123SAO (công ty liên kết với Riviu) với sứ mệnh thực hiện phòng HR outsource cho các công ty trong và ngoài hệ thống Riviu.
Ngoài ra, anh còn tham gia nhiều hoạt động liên quan tới cộng đồng HR và IT như đang là Co-founder của HR Tech Ally (CLB HR cho các HR công ty tech và FMCG), Co-founder cho Mentoria (dự án kết nối mentor và mentee của khối ngành HR – IT – Startup), Co-founder của Học viện Dev (dự án trực thuộc Riviu chuyên đào tạo định hướng tư duy cho Dev trong và ngoài công ty, các bạn sinh viên IT của các trường Đại học, Cao đẳng).
Chị Phạm Thị Hải Ninh đã có 12 năm kinh nghiệm làm nhân sự trong lĩnh vực IT. Chị có 6 năm gắn bó với mảng tuyển dụng trong lĩnh vực Business Processing Services (BPS) và 6 năm gần đây chị gắn bó với mảng tuyển dụng trong lĩnh vực IT Outsourcing (ITO).
Chị Ninh từng đảm nhiệm vai trò Recruitment Leader của khối tuyển dụng thị trường Âu Mỹ tại Công ty FPT Software, vai trò Recruitment Leader tại Công ty CMC Global, hỗ trợ tuyển dụng các khối thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Âu Mỹ, và Châu Á Thái Bình Dương (APAC). Hiện tại, chị Ninh đang đảm nhiệm công việc tư vấn tuyển dụng tại Công Ty NashTech thuộc tập đoàn HarveyNash của Anh Quốc, với lợi thế khách hàng Âu Mỹ.
Ứng tuyển ngay Việc làm IT “chất” nhất trên ITviec
Quy trình phỏng vấn ở một công ty IT sẽ diễn ra như thế nào?
ITviec: Quy trình phỏng vấn công ty anh/chị sẽ gồm bao nhiêu vòng?
Trọng Nghĩa – HR Manager tại công ty TNHH Rivico:
Quy trình phỏng vấn rất linh hoạt tùy thuộc vào “level” của ứng viên. Những ứng viên Intern hay Fresher (Junior level) quy trình phỏng vấn thường linh hoạt hơn. Các vị trí Senior hay Manager/Tech Lead trở lên thì quy trình chặt chẽ hơn. Tựu chung lại thì tìm kiếm (sourcing CV) có thể lâu chứ đi tới quy trình phỏng vấn rồi thì nhanh-gọn-lẹ và linh hoạt nhất có thể, xem ứng viên như là một khách hàng (customer) với tư duy là “customer service”.
Quy trình phỏng vấn thường sẽ có 2 vòng chính:
- Vòng 1 (thường diễn ra trong 15-30 phút): Phỏng vấn qua điện thoại (phone/video interview) giữa Recruiter (thường là Technical Recruiter) với ứng viên tiềm năng để trao đổi rõ hơn về yêu cầu công việc, văn hóa công ty, các kỳ vọng của 2 bên (phía công ty và ứng viên).
- Vòng 2 cũng là vòng cuối (thường diễn ra trong 30-60 phút): Phỏng vấn trực tiếp với Technical/Hiring Manager và CTO, một vài vị trí đặc thù có thể có thêm các bài test nhỏ về chuyên môn trước khi phỏng vấn.
Mục đích vòng 1 là để Recruiter làm rõ một số thông tin trên CV ứng viên, sau đó sẽ cùng bàn bạc với Technical/Hiring Manager, chuẩn bị cho vòng 2. Văn hóa bên Nghĩa là teamwork nên tất cả mọi người sẽ cùng làm việc với nhau, để một mình HR Team hay Hiring Manager không đưa ra quyết định cảm tính. Tất cả những quyết định liên quan đến kỹ thuật chuyên môn, anh CTO sẽ là người quyết định cao nhất.
Tham khảo: CIO chia sẻ kinh nghiệm tham gia phỏng vấn chuyên môn IT dành cho ứng viên
Hải Ninh – Senior Talent Acquisition tại NashTech:
Quy trình phỏng vấn ở Nashtech thông thường sẽ diễn ra trong 3 vòng:
Vòng 1: HR Interview. Đây là vòng bắt buộc, diễn ra trong khoảng 45-60’. HR sẽ trao đổi với ứng viên qua điện thoại, hoặc online – Mục tiêu của vòng này là bước để công ty tiếp cận ứng viên, xác minh kinh nghiệm ứng viên đã nêu trong CV và kiểm tra trình độ tiếng Anh vì đây là yêu cầu bắt buộc với tất cả ứng viên ứng tuyển vào NashTech. HR sẽ thu thập thông tin liên quan đến mong muốn/mong đợi (về quyền lợi, thu nhập) của ứng viên khi tìm công việc mới. Nếu nhu cầu về mức lương chưa phù hợp, HR có thể gợi ý một vị trí phù hợp hơn với mức lương mà bạn đưa ra để ứng viên tự đánh giá.
Sau đó, HR đánh giá sơ lược và gửi tổng hợp cho Hiring Manager. Hiring Manager xem CV kèm theo đánh giá của HR và quyết định có đi tiếp đến vòng 2 hay không.
Vòng 2: Technical Interview. Đây là vòng bắt buộc, diễn ra trong vòng khoảng 60’, phỏng vấn với Hiring Manager (Trưởng bộ phận) và có thể có sự tham gia của HR. Đây là vòng tập trung trao đổi về kinh nghiệm chuyên môn của ứng viên. Cũng trong vòng này, Hiring Manager có thể đưa ra những tình huống giả định và yêu cầu ứng viên đưa ra giải pháp ngay tại chỗ. 40-50% thời lượng của buổi phỏng vấn hai bên sẽ trao đổi bằng tiếng Anh với mục đích nhà tuyển dụng kiểm tra khả năng tiếng Anh một lần nữa.
Mục đích của vòng 2 là để làm rõ khả năng chuyên môn, đánh giá quá trình kinh nghiệm và mong muốn của ứng viên về việc phát triển lộ trình công danh. Đây cũng là cơ hội để nhà tuyển dụng chia sẻ những yêu cầu của mình về vị trí đang tuyển dụng. Sau buổi phỏng vấn, HR công ty sẽ gửi ứng viên một đường link survey đánh giá cảm nhận của ứng viên.
Tham khảo: Cẩm nang giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh dành cho Developer “chất”
Vòng 3: Phỏng vấn với khách hàng (qua online). Sẽ tùy theo yêu cầu của khách hàng trong từng dự án mà sẽ có vòng này hoặc không. Hiring Manager cũng sẽ tham gia buổi phỏng vấn này. Khách hàng sẽ làm rõ lại những đánh giá của Hiring Manager trước đó với ứng viên. Điểm đặc biệt của của vòng này các bạn sẽ phải phỏng vấn 100% bằng tiếng Anh.
Ngoài ra, với những vị trí cấp cao như Solution Architect trở lên, ứng viên sẽ có thêm 1 vòng trao đổi nữa với CTO của công ty.
ITviec: Theo quy trình phỏng vấn, bước đánh giá sau phỏng vấn sẽ kéo dài bao lâu? Bao lâu thì ứng viên sẽ nhận được phản hồi?
Trọng Nghĩa:
Thường thì kết quả sơ bộ sẽ có sau 1 ngày phỏng vấn, tuy nhiên Hội đồng tuyển dụng sẽ cân nhắc, so sánh giữa các ứng viên để tìm ra người phù hợp nhất nên thường 7 ngày là sẽ có kết quả gửi tới ứng viên qua email. Bạn nào trúng tuyển thì sẽ nhận thêm một “cái” phone nữa từ Technical Recruiter hoặc HR Manager (cho những vị trí Lead) để trao đổi về offer và các điều kiện công việc.
Hải Ninh:
Các bạn ứng viên sẽ nhận được phản hồi kết quả qua điện thoại, email, ứng dụng tin nhắn hoặc tin nhắn trực tiếp trong vòng 1-2 ngày sau buổi phỏng vấn (đối với ứng viên tham gia phỏng vấn vòng 1 và 2, và tối đa không quá 5 ngày với ứng viên tham gia phỏng vấn vòng 3). Nếu quyết định sẽ tuyển dụng ứng viên đó, thì HR sẽ gọi điện để trao đổi kỹ hơn về Offer Letter.
ITviec: Có nhiều ý kiến cho rằng thường HR sẽ không có đủ kiến thức để đánh giá CV của nhân viên IT nói chung, developer nói riêng, anh/chị nghĩ sao về ý kiến này?
Trọng Nghĩa:
Khi bạn không phải là dân IT thì việc chọn được một CV phù hợp để “phone interview” trước sẽ rất khó khăn do thiếu kiến thức chuyên môn. Tuy nhiên, đây vẫn là công việc của HR do Hiring Manager thường rất bận rộn, nếu như HR có thể screen CV trước thì sẽ tiết kiệm được thời gian của Hiring Manager.
Để khắc phục điều này, team HR (đặc biệt là Technical Recruiter) thường có những buổi nghe chia sẻ từ phía Hiring Manager để học hỏi kiến thức chuyên môn từ các bạn IT và ngược lại, Recruiter sẽ chia sẻ về cách phỏng vấn ứng viên cho các bạn.
Hải Ninh:
HR rất ít người có nền tảng xuất thân từ IT nên họ thiếu kiến thức nền tảng về chuyên môn kỹ thuật. Vậy thì làm sao để các bạn có thể đánh giá đúng năng lực ứng viên so với những tiêu chí có trong JD?
Tại Nashtech, hằng tháng, Technical Team sẽ có một buổi chia sẻ kiến thức chuyên môn về kỹ thuật với HR team. Đây là buổi Technical Training cho những bạn chưa có nền tảng IT giúp họ có thể hiểu những khái niệm công nghệ cơ bản như backend, frontend, framework, database, library,… bằng ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu nhất. Ngoài ra, với từng JD cụ thể, HR sẽ ngồi với dự án để làm rõ những yêu cầu kỹ thuật của đơn vị là gì.
Không chỉ có rào cản về mặt kỹ thuật, HR cũng gặp phải những thử thách khác. Đó là làm sao tạo và truyền động lực tới ứng viên để họ cảm thấy hứng thú và ứng tuyển vị trí ở công ty mình? Làm sao thu hút ứng viên lựa chọn công ty mình giữa rất nhiều cơ hội khác trên thị trường? Làm thế nào để thương hiệu tuyển dụng của công ty mình trở nên nổi bật nhất?
Chính vì thế, các bạn HR luôn phải “động não” và “chiến đấu” cùng nhau để hiểu được đúng yêu cầu của dự án và tìm được đúng ứng viên phù hợp với từng vị trí.
Những điều ứng viên IT cần chuẩn bị trước buổi phỏng vấn
ITviec: Theo anh/chị, ứng viên thường mong chờ điều gì ở một buổi phỏng vấn?
Trọng Nghĩa:
Dưới góc nhìn của một HR Manager, Nghĩa thấy ứng viên IT thường mong đợi 3 điều sau:
- Thứ nhất, ứng viên mong đợi được trao đổi cụ thể, chi tiết hơn về công ty và JD công việc để họ hiểu rõ hơn về vai trò và vị trí của mình nếu có cơ hội hợp tác với công ty. Nếu là một công ty Product thì sản phẩm của công ty có ý nghĩa, tác động như thế nào đối với cuộc sống, technical stack cho Product đó là gì,…. Từ những thông tin trên, có thể giúp ứng viên “ướm thử” mình vào vị trí mà họ đang ứng tuyển.
- Thứ hai, quy trình phỏng vấn đơn giản, tránh đi qua quá nhiều vòng và tốn thời gian của cả hai bên. Và tại mỗi vòng nên có sự giao tiếp/truyền thông liên tục để ứng viên nắm rõ tình trạng hồ sơ của mình.
- Thứ ba, một buổi phỏng vấn cởi mở, vui vẻ, có feedback qua lại 2 chiều để cả 2 bên cùng hiểu nhau hơn.
Hải Ninh:
Tại một buổi phỏng vấn, ứng viên mong chờ rất nhiều điều ở nhà tuyển dụng, vì dù sao những thông tin mà họ tìm hiểu và chuẩn bị trước buổi phỏng vấn cũng chỉ là “rìa ngoài”, vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ.
Theo mình điều đầu tiên ứng viên mong đợi khi tham gia phỏng vấn là sự chào đón từ công ty, mà những người đầu tiên họ tiếp xúc là nhân sự tuyển dụng và Hiring Manager (người phỏng vấn). Họ sẽ mong muốn được trải nghiệm một môi trường thân thiện, được chăm sóc và trân trọng. Đây sẽ là những trải nghiệm lưu lại mãi trong lòng ứng viên.
Tiếp theo, ứng viên sẽ mong muốn được cung cấp thêm những thông tin về vị trí mà họ đang ứng tuyển: Những công nghệ là thế mạnh của công ty, technical stack và yêu cầu công việc cụ thể của vị trí họ đang ứng tuyển, lộ trình phát triển công danh và một số chính sách đào tạo để phát triển chuyên môn. Hiring Manager sẽ là người giải đáp cho ứng viên những thắc mắc đó.
ITviec: Theo anh/chị, Ứng viên nên chuẩn bị như thế nào trước buổi phỏng vấn?
Trọng Nghĩa:
Ngoài những việc cần phải chuẩn bị trước 1 buổi phỏng vấn thông thường như tìm hiểu về công ty, chuẩn bị sẵn những câu hỏi chung (như giới thiệu bản thân, định hướng bản thân, điểm mạnh/điểm yếu,…), các ứng viên IT nên tìm hiểu về công việc của mình cho vị trí đó, sản phẩm của công ty là gì (đây là 1 công ty Product hay Outsource), công nghệ sử dụng trong sản phẩm đó thông qua JD công việc, website hoặc các trang mạng xã hội của công ty.
Nếu có bạn bè, người thân đã/đang làm việc tại công ty ứng tuyển cũng là một lợi thế không nhỏ dành cho ứng viên để tham khảo thêm thông tin từ phía nhà tuyển dụng.
Hải Ninh:
Đối với những bạn chưa có nhiều kinh nghiệm tham gia phỏng vấn, sự chuẩn bị kỹ là điều rất quan trọng. Chính sự chuẩn bị này sẽ mang lại cho ứng viên rất nhiều sự tự tin. Nhìn chung, Ninh muốn chia sẻ là các bạn nên:
1. Xác định mục tiêu rõ ràng: Đây là trọng tâm xuyên suốt khi các bạn đi tìm cơ hội mới. Mục tiêu của bạn có thể là: tìm một cơ hội thăng tiến, một môi trường văn hóa phù hợp hơn, một người sếp phù hợp hơn, chế độ phúc lợi tốt hơn.
Mục tiêu này sẽ ảnh hưởng đến việc bạn sẽ định hướng tới những công ty như thế nào. Ninh đã gặp nhiều bạn đi phỏng vấn chỉ để “tham khảo thị trường”. Bạn biết đấy, có ứng viên đi phỏng vấn rất nhiều nơi mà HR các công ty đều biết hoặc từng làm việc với nhau, sẽ tham khảo được thông tin ứng viên của nhau, khi đó hồ sơ của bạn sẽ được “cân nhắc’ rất kỹ.
2. Tìm hiểu kỹ về công ty bạn sẽ ứng tuyển để đánh giá mức độ phù hợp với mục tiêu ban đầu bạn đã đặt ra như thế nào. Bạn có thể tìm hiểu qua các kênh truyền thông chính thống, bạn bè hoặc các đối tác tư vấn để hiểu hơn về những đặc điểm nội tại của công ty đó. Đặc biệt, với vị trí bạn định ứng tuyển – hãy tìm đọc JD mới nhất, hiểu rõ là nhà tuyển dụng cần gì, mong đợi gì.
Khi đi ứng tuyển mà không hiểu yêu cầu công việc cũng như đánh giá mức độ phù hợp của bản thân với công việc thì bạn đang tự đặt mình vào thế bị động, thiếu tự tin khi bước vào buổi phỏng vấn.
3. Chuẩn bị hồ sơ (CV): Đôi khi các bạn do bận nên không có nhiều thời gian “chăm chút”, cập nhật CV. Nếu không cập nhật, bạn đã bỏ lỡ cơ hội “ghi điểm” trong mắt nhà tuyển dụng. Bước này không mất nhiều thời gian nhưng mang lại giá trị rất lớn. CV không cần dài dòng, không cần kể tất cả những gì bạn đã làm, chỉ cần tập trung vào những công ty/dự án/vị trí mà bạn được tham gia kỹ thuật nhiều nhất.
Nhà tuyển dụng thường rất quan tâm đến kinh nghiệm làm việc, nhất là kinh nghiệm tại từ 2 đến 3 công ty gần đây nhất của ứng viên. Họ muốn hiểu bạn đã tham gia dự án gì, đóng góp như thế nào xét về khía cạnh kỹ thuật vì họ hiểu là những gì bạn làm gần đây nhất là những mảng bạn mạnh nhất.
Ngoài thông tin về nền tảng giáo dục, những chứng chỉ chuyên môn nổi bật cũng nên được thêm vào CV. Cuối CV bạn nên có thông tin người tham khảo cho bạn. Và không chỉ scan CV, nhà tuyển dụng còn quan tâm đến cả hồ sơ của bạn trên LinkedIn, Facebook. Chính vì thế, bạn nên đồng nhất thông tin trên tất cả các kênh.
4. Chuẩn bị tâm lý: Khi thông tin đã đủ thì bạn đã có phần tự tin cốt lõi rồi. Để chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, bạn nên sắp xếp công việc trong ngày phỏng vấn gọn gàng trước để không bị ảnh hưởng bởi những việc phát sinh hay những sự cố không đáng có.
Trước ngày phỏng vấn, bạn nên thả lỏng để bản thân có tâm lý thoải mái nhất: không nên thức khuya, nên đi ngủ sớm, không nên quá lo lắng và đừng bỏ bữa. Vào ngày phỏng vấn, bạn nên đi sớm để có thời gian làm quen với nơi sẽ phỏng vấn, ổn định về mặt tâm lý.
ITviec: Anh/chị có thể chia sẻ thêm về những giá trị nào của ứng viên là quan trọng nhất đối với nhà tuyển dụng cũng như đối với công ty/công việc?
Trọng Nghĩa:
Văn hóa tuyển dụng của Google trên mạng viết rất nhiều nhưng không hay bằng thực tế đâu. Google khi tuyển người gồm 4 tiêu chí, mỗi tiêu chí có 4 thang đánh giá từ 1 đến 4 điểm (4 là điểm cao nhất), mà để đạt được thì cần phải đạt tối thiểu 3/4 điểm ở mỗi tiêu chí trở lên. Mỗi buổi phỏng vấn như vậy cần sự tham gia của rất nhiều người để có nhiều ý kiến, góc nhìn khách quan. Học hỏi dựa trên quy trình phỏng vấn của Google, Bên Nghĩa cũng đưa ra 4 tiêu chí:
Entrepreneurship – Tinh thần khởi nghiệp: Tinh thần này được biểu hiện qua việc công ty luôn khuyến khích các bạn khởi nghiệp trong lòng công ty để tạo nên một hệ sinh thái.
Để đáp ứng tiêu chí này, các bạn ứng viên cần có khả năng tiềm năng “điều hành và mở một doanh nghiệp mới” (khả năng lead 1 project), ham học hỏi, không nói “không” trước mọi yêu cầu của BOD, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng và luôn làm việc chăm chỉ tương đương 200% 300% năng suất.
Có 1 ví dụ mà Nghĩa rất thích khi nói về “tinh thần chấp nhận mọi thử thách” chính là về group Thánh Rìviu. Ban đầu sếp đặt mục tiêu tăng từ 8.000 thành viên lên thành 20.000 thành viên, tương đương 250% sau 3 tuần. Thật bất ngờ là kết quả này đã đạt được sau 1 tuần. Đó là một sự phát triển vượt bậc mà ai cũng rất hạnh phúc.
Một người dù có giỏi đến cỡ nào đi chăng nữa nhưng nếu thiếu tinh thần khởi nghiệp thì bạn đó cũng sẽ không học hỏi, không phát triển nhanh được ở Riviu. Bên cạnh đó, công ty chú trọng đến việc phát triển sự nghiệp cho các bạn và phát triển nhanh trong vòng 3 đến 6 tháng nên đây cũng là một phong cách “rất khởi nghiệp”. Công ty luôn tạo điều kiện cho các bạn làm việc tốt nhất. Có lần, công ty cho team Dev thuê một văn phòng sang, xịn, mịn trong 2 tháng để các bạn tha hồ làm việc, sáng tạo, ăn ngủ trong đó luôn nếu thích để đẩy nhanh tiến độ ra sản phẩm. Chỉ cần kích thích được các bạn làm việc hiệu quả thì công ty luôn hỗ trợ hết mình.
Ba tiêu chí còn lại là: Khả năng chuyên môn; Khả năng nhận thức tổng quát; Khả năng Leadership.
Với những ứng viên có chuyên môn giỏi nhưng nếu chỉ đạt được 2/4 của những tiêu chí trên, bên Nghĩa sẽ tìm điểm sáng của bạn (nếu có), hoặc có kế hoạch cụ thể để nâng bạn từ 2 lên 3 điểm (trong tổng số 4 điểm của mỗi tiêu chí), phát huy tinh thần của bạn trong công ty. Ngược lại thì ứng viên đó sẽ bị đánh giá là không phù hợp với công ty ở thời điểm hiện tại.
Hải Ninh:
Tiêu chuẩn đầu tiên vẫn là Năng lực về chuyên môn. Dù nói thế nào, đây vẫn là tiêu chuẩn quan trọng để kiểm tra ứng viên liệu có đủ năng lực nhận trọng trách mà công ty trao cho họ hay không. Kỹ năng chuyên môn là điều không thể học trong ngày một ngày hai mà phải được ứng viên trau dồi trong thời gian dài.
Tiêu chí thứ 2 là Trình độ ngoại ngữ. Ngành CNTT đang đứng trước xu hướng toàn cầu hóa. Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0 và rất nhiều đối tác nước ngoài đang tìm cơ hội phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Các bạn vì thế sẽ làm việc trong một môi trường quốc tế và tiếng Anh sẽ trở thành một công cụ làm việc không thể thiếu.
Tiêu chí thứ 3 sẽ là Kỹ năng mềm. Ngành IT là ngành đòi hỏi sự thay đổi liên tục cùng với sự nâng cấp hàng ngày của công nghệ. Trong môi trường như vậy, nếu các bạn không có sự thích nghi, sự tương tác với nhau (teamwork) tốt thì sẽ rất khó “chuyển mình” và thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ.
Cảm ơn anh Trọng Nghĩa và chị Hải Ninh đã giúp các ứng viên hiểu về các vòng trong quy trình phỏng vấn cũng như ứng viên nên chuẩn bị thế nào để có một buổi phỏng vấn thật tốt!
Tiếp theo, ITviec sẽ cùng chỉ ra những “bí quyết” làm thế nào để có một buổi phỏng vấn thành công cũng như ứng viên nên làm gì sau buổi phỏng vấn để “ghi điểm” trong mắt nhà tuyển dụng. Bạn hãy theo dõi trong bài viết Phần 2 nhé!
Ứng tuyển ngay Việc làm IT “chất” nhất trên ITviec
Hãy chia sẻ những thông tin bổ ích trong bài viết này đến bạn bè và đồng nghiệp nhé!