Nội dung chính
Node.js, hay NodeJS, đang trở thành xu hướng thế giới trong xây dựng và phát triển ứng dụng web. Có khoảng 2% (khoảng 22 triệu) ứng dụng web trên thế giới đang sử dụng Node.js cho backend của mình. Netflix, eBay, Paypal, Adidas,… là những ví dụ rất điển hình. Vậy NodeJS Backend là gì? Nên sử dụng khi nào và sử dụng những framework Node.js nào phù hợp?
Đọc bài viết để hiểu rõ hơn:
- NodeJS là gì? NodeJS Backend là gì?
- Khi nào nên sử dụng NodeJS trong lập trình backend?
- Ưu điểm và nhược điểm của NodeJS Backend là gì?
- Hướng dẫn cách thiết lập NodeJS Backend
NodeJS là gì? NodeJS backend là gì?
NodeJS là gì?
NodeJS là một runtime environment JavaScript mã nguồn mở, được xây dựng trên nền tảng V8 engine của Google Chrome. Nó cho phép các lập trình viên xây dựng các ứng dụng web một cách nhanh chóng và có khả năng mở rộng cao, nhờ vào mô hình lập trình không đồng bộ và tức thời. Nói một cách đơn giản, NodeJS cho phép bạn viết các ứng dụng máy chủ (backend) bằng JavaScript, cùng một ngôn ngữ mà bạn đã sử dụng để tạo giao diện người dùng (front end).
NodeJS là một trong những công nghệ cốt lõi của JavaScript ecosystem hiện nay và cũng là công cụ không thể thiếu trong bộ công cụ của các lập trình viên web. Với NodeJS, bạn có thể tận dụng sức mạnh của JavaScript để xử lý nhiều yêu cầu đồng thời, giúp ứng dụng của bạn chạy mượt mà và hiệu quả.
NodeJS Backend là gì?
NodeJS Backend là phần phía máy chủ của một ứng dụng web được xây dựng bằng Node.js. Quá trình này bao gồm xử lý logic, dữ liệu và tương tác với cơ sở dữ liệu bên phía máy chủ. Cụ thể NodeJS Backend thực hiện các nhiệm vụ:
- Xử lý yêu cầu từ phía người dùng: Khi bạn truy cập một trang web, trình duyệt của bạn sẽ gửi một yêu cầu đến máy chủ. NodeJS Backend sẽ nhận yêu cầu này, phân tích và xử lý nó.
- Truy xuất và xử lý dữ liệu: Backend sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu để lấy hoặc lưu trữ dữ liệu theo yêu cầu. Ví dụ: Khi bạn đăng nhập vào một trang web, backend sẽ kiểm tra thông tin đăng nhập của bạn trong cơ sở dữ liệu để xác thực.
- Thực hiện các phép tính: Backend có thể thực hiện các phép tính phức tạp, chẳng hạn như tính toán giá trị đơn hàng, tạo báo cáo,…
- Tạo ra các API: Backend có thể cung cấp các API để các ứng dụng khác có thể tương tác với nó. Ví dụ: Một ứng dụng di động có thể sử dụng API của backend để lấy dữ liệu từ máy chủ.
- Quản lý phiên: Backend theo dõi trạng thái của mỗi người dùng, chẳng hạn các sản phẩm đã thêm vào giỏ hàng, thông tin đăng nhập,…
Khi nào nên sử dụng NodeJS backend?
Node.js là sự lựa chọn hoàn hảo khi lập trình các ứng dụng thời gian thực (real time), vì nó hỗ trợ xử lý nhiều yêu cầu của khách hàng, cho phép chia sẻ và tái sử dụng các gói code thư viện, đặc biệt là quá trình đồng bộ dữ liệu giữa máy khách và máy chủ diễn ra rất nhanh.
Sau đây là những sản phẩm hoặc dự án cụ thể mà bạn có thể sử dụng NodeJS Backend:
Các ứng dụng thời gian thực (Real-time app)
Node.js xuất sắc trong việc xử lý nhiều kết nối đồng thời, khiến nó trở thành lựa chọn hàng đầu cho các ứng dụng yêu cầu phản hồi nhanh, chẳng hạn:
- Ứng dụng chat: Nhắn tin thời gian thực đòi hỏi xử lý hiệu quả nhiều người dùng và giao tiếp tin nhắn tức thì.
- Trò chơi trực tuyến: Trải nghiệm chơi game mượt mà phụ thuộc vào giao tiếp giữa client và server với độ trễ thấp. Node.js xử lý điều này một cách liền mạch.
- Công cụ cộng tác: Các ứng dụng nơi nhiều người dùng làm việc trên một tài liệu hoặc dự án cùng lúc cũng phù hợp nhờ khả năng xử lý cập nhật thời gian thực của Node.js.
Các ứng dụng tập trung dữ liệu
Mặc dù Node.js không đạt mức hoàn hảo khi xử lý dữ liệu nặng, nhưng nó có thể xử lý khối lượng công việc tập trung dữ liệu hiệu quả khi kết hợp với các công cụ và chiến lược phù hợp. Ví dụ:
- Ứng dụng IoT: Node.js có thể xử lý hiệu quả dữ liệu từ các thiết bị kết nối, thực hiện phân tích thời gian thực và gửi lệnh.
- Phát triển API: Xây dựng API RESTful để trao đổi dữ liệu là thế mạnh của Node.js, đặc biệt khi xử lý dữ liệu JSON.
- Ứng dụng stream dữ liệu: Node.js xử lý dữ liệu theo luồng (stream) rất tốt, phù hợp với các ứng dụng truyền tải tệp tin lớn.
Các ứng dụng doanh nghiệp (Kiến trúc microservices)
Tính chất nhẹ của Node.js phù hợp với phương pháp microservices, cho phép tạo ra các ứng dụng vi dịch vụ nhỏ, độc lập cho các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Sử dụng Node.js trong những trường hợp này cũng cho phép thúc đẩy khả năng mở rộng, bảo trì và phát triển ứng dụng web nhanh hơn.
Phiên bản đơn giản nhất của một sản phẩm (MVP – Minimum Viable Product)
Khi các startup muốn kiểm tra tính khả thi của sản phẩm mà không đầu tư quá nhiều thời gian và chi phí vào phát triển, Node.js là một công cụ tuyệt vời. Với khả năng phát triển nhanh chóng và khả năng mở rộng, các sản phẩm MVP có thể được triển khai và điều chỉnh dễ dàng dựa trên phản hồi của thị trường.
Ưu và nhược điểm khi chọn NodeJS backend
Ưu điểm | Nhược điểm |
– Hiệu suất cao, xử lý tác vụ nhanh. – Có thể tận dụng được lợi ích từ Full Stack JavaScript. – Khả năng mở rộng với kiến trúc Microservices. – Hệ sinh thái phong phú với NPM. – Sự hỗ trợ từ các công ty lớn trên thế giới. – Hỗ trợ JSON tích hợp mà không cần chuyển đổi giữa các định dạng. – Có cộng đồng lớn, mang đến nhiều lợi ích trong việc trau dồi kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm. – JavaScript, ngôn ngữ phổ biến, giúp việc học và phát triển ứng dụng nhanh chóng hơn. |
– Vấn đề với các tác vụ tính toán nặng (CPU-bound tasks). – Vấn đề Callback Hell. – Nhiều công cụ trong NPM có chất lượng kém. – Tiêu chuẩn phát triển không đồng nhất. – Quản lý và cập nhật các phụ thuộc có thể gặp khó khăn do sự thay đổi liên tục và phiên bản không tương thích. – Các ứng dụng lớn có thể trở nên khó bảo trì do sự phụ thuộc vào nhiều module và sự phức tạp của mã nguồn. |
Ưu điểm của NodeJS Backend
Hiệu suất cao và xử lý nhanh: Node.js nổi bật với khả năng xử lý đồng thời và hiệu suất cao, nhờ vào engine V8 của Google. Bên cạnh đó, Node.js sử dụng mô hình xử lý không chặn I/O và xử lý yêu cầu bất đồng bộ, giúp xử lý nhiều kết nối cùng lúc mà không làm giảm hiệu suất.
Công nghệ Full Stack JavaScript: Sử dụng NodeJS backend cho phép bạn tận dụng các lợi ích của phát triển Full Stack JavaScript, bao gồm:
- Với cùng một ngôn ngữ JavaScript cho cả frontend và backend, việc chia sẻ và tái sử dụng mã trở nên dễ dàng hơn. Điều này giảm thiểu thời gian phát triển và nâng cao hiệu quả làm việc của đội ngũ phát triển.
- Việc sử dụng cùng một ngôn ngữ trên cả hai phía giúp dễ dàng trao đổi và học hỏi trong đội ngũ.
- Node.js có một hệ sinh thái rộng lớn với hàng triệu công cụ và thư viện miễn phí, giúp các lập trình viên dễ dàng tìm kiếm và tích hợp các giải pháp phù hợp.
Khả năng mở rộng với kiến trúc Microservices: Node.js là sự lựa chọn lý tưởng cho các hệ thống kiến trúc microservices. Kiến trúc này giúp cải thiện tính linh hoạt và khả năng mở rộng của ứng dụng, cho phép tích hợp và phát triển các dịch vụ mới một cách dễ dàng hơn so với các ứng dụng monolithic truyền thống.
Hệ sinh thái phong phú với NPM: Node.js có một hệ sinh thái rất phong phú nhờ vào NPM, trình quản lý gói mặc định. Với hơn 1 triệu gói, trong đó khoảng 42.000 gói dành riêng cho Node.js, các lập trình viên có thể dễ dàng tìm thấy và sử dụng các công cụ và thư viện cần thiết. Sự phong phú này giúp giảm thiểu chi phí phát triển và thời gian ra mắt sản phẩm.
NodeJS Backend được hỗ trợ từ các công ty lớn: Node.js nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ các công ty lớn như IBM, Microsoft, PayPal và SAP. Sự hỗ trợ này không chỉ đảm bảo rằng Node.js tiếp tục được cải tiến mà còn cung cấp cho cộng đồng một nền tảng vững chắc để xây dựng các ứng dụng quy mô lớn.
Hỗ trợ JSON mà không cần chuyển đổi: NodeJS backend hỗ trợ JSON natively mà không cần chuyển đổi giữa các định dạng khác, điều này đặc biệt hữu ích khi xây dựng các API RESTful hoặc làm việc với cơ sở dữ liệu NoSQL như MongoDB.
NodeJS Backend có cộng đồng lớn: Với một cộng đồng phát triển sôi động và lộ trình học tập đơn giản, Node.js dễ học và dễ sử dụng. Nhiều lập trình viên đã chọn Node.js làm công nghệ chính cho các dự án của họ, nhờ vào sự phổ biến và khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả.
Nhược điểm của NodeJS Backend
Vấn đề với các tác vụ tính toán nặng (CPU-bound tasks): Sử dụng Node.js cho backend, lập trình viên có thể gặp khó khăn khi xử lý các tác vụ tính toán nặng. Đó là do Node.js sử dụng mô hình đơn luồng (single-threaded) để xử lý các yêu cầu. Khi mọi tác vụ tính toán nặng diễn ra trên website, chúng sẽ chiếm toàn bộ CPU và làm chậm quá trình xử lý các yêu cầu khác.
Vấn đề Callback Hell: Do tính chất bất đồng bộ của Node.js, việc sử dụng callback là rất phổ biến. Tuy nhiên, khi có nhiều callback lồng ghép nhau, có thể dẫn đến hiện tượng “callback hell” – các callback được lồng ghép nhiều lớp sâu, làm cho mã nguồn trở nên khó hiểu và bảo trì.
Nhiều công cụ NPM có chất lượng kém: Mặc dù các mô-đun lõi của Node.js khá ổn định và trưởng thành, nhiều công cụ trong NPM Registry vẫn có chất lượng kém. Nhược điểm này làm cho việc tìm kiếm công cụ phù hợp trở nên khó khăn, đặc biệt khi NPM Registry không được cấu trúc tốt để phân loại các công cụ dựa trên đánh giá hoặc chất lượng.
Tiêu chuẩn phát triển không đồng nhất: Do Node.js dễ học nên số lượng lập trình viên mới ngày càng cao. Trong khi này, một số lập trình viên có thể “đi đường tắc” mà không tuân theo các tiêu chuẩn phát triển tốt nhất. Từ đó gây ra các vấn đề về chất lượng mã nguồn và khả năng bảo trì lâu dài.
Hướng dẫn cách thiết lập NodeJS Backend
Hướng dẫn cài đặt Node.js và NPM trên Windows
Để bắt đầu phát triển ứng dụng với Node.js, bước đầu tiên là cài đặt nó trên hệ thống Windows của bạn.
Bước 1: Tải xuống trình cài đặt
Truy cập vào đường dẫn: https://nodejs.org/en/download/prebuilt-installer
Chọn Prebuilt Installer, sau đó chọn phiên bản NodeJs mà bạn muốn (mặc định cứ chọn phiên bản mà hệ thống gợi ý), chọn hệ điều hành ví dụ như ở đây là Window sau đó chọn kiến trúc x86, x64, ARM phù hợp với máy tính của bạn.
Bước 2: Cài đặt Node.js và npm
Sau khi tải xong, nhấp đúp vào tệp .msi để bắt đầu quá trình cài đặt. Chọn vị trí cài đặt mà bạn mong muốn và nhấn “Next”.
Trong quá trình cài đặt, đảm bảo rằng bạn chọn cài đặt cả Node.js runtime và npm package manager. Đây là bước quan trọng để cài đặt đồng thời cả Node.js và NPM. Bạn cũng có thể chọn để tạo các lối tắt tài liệu trực tuyến và thêm Node.js vào PATH.
Bước 3: Kiểm tra phiên bản Node.js và npm
Sau khi cài đặt xong, mở Command Prompt và kiểm tra xem Node.js và NPM đã được cài đặt chính xác chưa bằng cách nhập các lệnh sau:
- Để kiểm tra phiên bản Node.js, gõ node -v.
- Để kiểm tra phiên bản NPM, gõ npm -v.
Nếu các lệnh này hiển thị phiên bản, bạn đã cài đặt thành công Node.js và NPM. Các phiên bản có thể khác nhau tùy vào thời điểm bạn cài đặt.
Lưu ý: Phiên bản Node.js và NPM có thể thay đổi theo thời gian.
Hướng dẫn cài đặt Node.js và NPM trên Mac
Để cài đặt Node.js và NPM trên macOS, bạn có thể làm theo các bước sau:
Bước 1: Tải trình cài đặt
Bạn cũng sẽ cần truy cập vào đường dẫn: https://nodejs.org/en/download/prebuilt-installer
Chọn phiên bản NodeJs phụ hợp, sau đó chọn macOS và cuối cùng là chọn kiến trúc x64 hoặc ARM phù hợp với máy tính của bạn.
Bước 2: Chạy trình cài đặt Node.js
Sau khi tải xuống xong, mở tệp .pkg để bắt đầu quá trình cài đặt. Làm theo các hướng dẫn trên màn hình:
- Nhấn “Continue” để bắt đầu, sau đó chọn “Agree” để chấp nhận các điều khoản.
- Chọn “Install” để bắt đầu cài đặt và nhập mật khẩu hệ thống khi được yêu cầu.
- Nhấn “Close” khi quá trình cài đặt hoàn tất.
Bước 3: Xác minh cài đặt Node.js
Mở Terminal và kiểm tra xem Node.js đã được cài đặt chính xác chưa bằng cách nhập lệnh node -v. Lệnh này sẽ hiển thị phiên bản Node.js hiện tại được cài đặt trên hệ thống của bạn.
Bước 4: Cập nhật phiên bản NPM
Node.js không tự động cập nhật phiên bản của NPM. Để cập nhật NPM lên phiên bản mới nhất, hãy chạy lệnh sau trong Terminal: sudo npm install npm –global. Lệnh này sẽ cập nhật NPM CLI client lên phiên bản mới nhất.
Sau khi hoàn tất các bước trên, Node.js và NPM đã được cài đặt thành công trên macOS của bạn, sẵn sàng để bắt đầu phát triển ứng dụng thôi nào!
Hướng dẫn cài đặt Node.js và NPM bằng HomeBrew trên MacOS
Bước 1: Cài đặt Node.js và NPM
Mở Terminal và chạy lệnh sau để cài đặt Node.js cùng với NPM brew install node. Khi này, Homebrew sẽ tải xuống, giải nén và cài đặt Node.js cũng như NPM trên hệ thống của bạn.
Bước 2: Xác minh cài đặt
Để xác minh rằng Node.js và NPM đã được cài đặt thành công, hãy nhập các lệnh sau vào Terminal: node -v và npm -v. Các lệnh này sẽ hiển thị phiên bản của Node.js và NPM hiện tại được cài đặt trên máy của bạn.
Bước 3: Cập nhật Homebrew và Node.js
Để đảm bảo bạn đang sử dụng phiên bản mới nhất của Node.js và NPM, trước tiên hãy cập nhật Homebrew bằng lệnh: brew update. Sau đó, cập nhật Node.js và NPM bằng lệnh: brew upgrade node.
Với các bước trên, Node.js và NPM sẽ được cài đặt và cập nhật dễ dàng trên macOS thông qua Homebrew.
Hướng dẫn cài đặt Node.js bằng NVM
Để cài đặt nhiều phiên bản Node.js trên thiết bị của bạn, bạn có thể sử dụng NVM (Node Version Manager). Dưới đây là các bước chi tiết để cài đặt Node.js bằng NVM.
Bước 1: Tải NVM với Install Script
Bạn có hai lựa chọn để cài đặt NVM.
- Sử dụng cURL:
curl -o- https://raw.githubusercontent.com/creationix/nvm/v0.33.0/install.sh | bash
- Sử dụng wget:
wget -qO- https://raw.githubusercontent.com/creationix/nvm/v0.33.0/install.sh | bash
Sau khi thực hiện lệnh trên, NVM sẽ được tải về và cài đặt trên máy của bạn.
Trong đó v0.33.0 là phiên bản của NVM. Để có thể sử dụng phiên mới bản mới nhất bạn vui lòng truy cập và kiểm tra tại đây.
Bước 2: Kiểm tra cài đặt NVM
Để kiểm tra xem NVM đã được cài đặt thành công hay chưa, bạn chạy lệnh sau: nvm –version. Lệnh này sẽ hiển thị phiên bản hiện tại của NVM, ví dụ: 0.33.0.
Để đảm bảo rằng các thiết lập của NVM được duy trì, bạn có thể thêm lệnh này vào file cấu hình shell của bạn như .bash_profile hoặc .zshrc. Dưới đây là lệnh để thêm vào .bash_profile:
echo 'export PATH=/usr/local/bin:$PATH' >> ~/.bash_profile
Sau đó, chạy lệnh source ~/.bashrc để áp dụng thay đổi.
Bước 3: Cài đặt phiên bản Node.js mới nhất bằng NVM
Để cài đặt phiên bản Node.js mới nhất, bạn chạy lệnh nvm install node. Nếu bạn muốn cài đặt một phiên bản cụ thể của Node.js, bạn có thể liệt kê tất cả các phiên bản Node.js có sẵn bằng lệnh nvm ls-remote. Và cài đặt phiên bản bạn mong muốn, ví dụ nvm install v12.15.0
Sau khi cài đặt, bạn có thể kiểm tra các phiên bản Node.js đã được cài đặt trên máy của mình bằng lệnh nvm ls. Để sử dụng một phiên bản cụ thể, chạy lệnh nvm use v12.15.0. Cuối cùng, để kiểm tra phiên bản Node.js hiện tại, bạn chạy lệnh node –version. Lệnh này sẽ hiển thị phiên bản Node.js mà bạn đang sử dụng, ví dụ 12.15.0.
Những framework NodeJS Backend nào được sử dụng nhiều nhất?
Sở dĩ Node.js có thể hoạt động tốt chính là nhờ có các framework phù hợp. Express.js, Koa.js, Fastify, NestJS, Hapi.js,… là những framework Node.js được sử dụng nhiều nhất hiện nay.
NodeJS Framework | Tính năng nổi bật | Ví dụ |
Express.js |
– Các gói lập trình server-side nhanh – Khả năng kiểm tra rộng rãi – Nhiều helper HTTP – Đàm phán nội dung cải thiện – Mô hình MVC – Cộng đồng hỗ trợ lớn |
– Accenture – IBM |
Koa.js |
– Tùy chọn tùy chỉnh cao hơn – Xử lý lỗi xuất sắc – Middleware xếp tầng – Chuẩn hóa sự không nhất quán của Node – Hỗ trợ proxy và đàm phán nội dung |
|
Nest.js |
– Giao diện dòng lệnh (CLI) mạnh mẽ – Bảo trì và phát triển cơ sở mã tích cực – Hỗ trợ nhiều mô-đun đặc biệt của Nest như TypeORM, Mongoose và GraphQL – Dễ dàng sử dụng ứng dụng kiểm thử đơn vị – Phù hợp với cả kiến trúc monolith và microservices |
– Decathlon – Roche – Adidas – Neo4j |
Fastify |
– Nhẹ – Khuyến nghị sử dụng JSON schema cho xác thực và tuần tự hóa route – API đơn giản dễ học và sử dụng |
– Compressor – Joggr |
Meteor.js |
– Hỗ trợ đa nền tảng. – Cho phép tích hợp dễ dàng giữa frontend và backend với các phương thức API RPC. – Không yêu cầu nhà phát triển xây dựng hệ thống xác thực riêng. – Dễ dàng phát triển các tính năng thời gian thực bằng cách sử dụng xuất bản và đăng ký. |
– Azumuta – Forage |
Hapi.js |
– ORM (Object Relational Mapping) – Tự động tạo REST API – Hỗ trợ WebSockets không cần mã bổ sung |
– Paypal – Disney |
Socket.IO |
– Tự động kết nối lại nếu kết nối giữa client và server bị gián đoạn. – Hỗ trợ trình duyệt cũ với cơ chế long-polling HTTP. – Bộ đệm gói đảm bảo không mất dữ liệu khi kết nối bị gián đoạn. |
– Slack |
Feathers |
– Kiến trúc microservices – Hỗ trợ thời gian thực với Socket.IO |
– Chatbot Plus |
Sails |
– ORM (Object Relational Mapping) – Tự động tạo REST API – Hỗ trợ WebSockets không cần mã bổ sung |
– Anybot – The Canero Group |
Hãy cùng tìm hiểu về từng framework Node.js trong nội dung bên dưới.
Express
Express là framework được sử dụng phổ biến nhất dành cho NodeJS, giúp quá trình lập trình backend trở nên dễ dàng hơn. Express được thiết kế đơn giản nhưng đầy đủ các tính năng như định tuyến, phần mềm trung gian, xử lý lỗi và tạo mẫu.
Các tính năng nổi bật:
- Các gói lập trình server-side nhanh
- Khả năng kiểm tra rộng rãi
- Nhiều helper HTTP
- Đàm phán nội dung cải thiện
- Mô hình MVC
- Cộng đồng hỗ trợ lớn
Express là lựa chọn phù hợp cho các ứng dụng xây dựng API, backend mobile và server website, ứng dụng real-time. Mạng xã hội X (Twitter), Accenture, Trustpilot, IBM là những dự án sử dụng Express cho backend.
Koa.js
Koa.js được tạo ra bởi cùng một nhóm phát triển ra Express.js và được quảng cáo là thế hệ tiếp theo của các framework Node.js. Koa.js là một framework backend cho Node.js
Tính năng nổi bật:
- Tùy chọn tùy chỉnh cao hơn
- Xử lý lỗi xuất sắc
- Middleware xếp tầng
- Hỗ trợ proxy và đàm phán nội dung
LinkedIn là dự án điển hình sử dụng Koa.js để xây dựng phần backend mà bạn có thể tham khảo.
Mặc dù được đánh giá vượt trội hơn so với Express.js, tuy nhiên Koa.js vẫn còn khá mới nên cộng đồng học thuật vẫn trên đà phát triển. Điều này cũng có nghĩa là, việc học tập và cải thiện kỹ năng với Koa.js sẽ khó khăn cho người mới bắt đầu.
Nest.js
NestJS là một framework Node.js mạnh mẽ, được xây dựng dựa trên TypeScript, hỗ trợ cả lập trình hướng đối tượng và lập trình hàm. Nó thường được sử dụng để phát triển các ứng dụng backend quy mô lớn, có khả năng mở rộng cao. Các công ty như Roche, Decathlon, Adidas và Neo4j đã tin tưởng và sử dụng NestJS trong các dự án của mình.Tính năng nổi bật:
- Giao diện dòng lệnh (CLI) mạnh mẽ
- Bảo trì và phát triển cơ sở mã tích cực
- Hỗ trợ nhiều mô-đun đặc biệt của Nest như TypeORM, Mongoose và GraphQL
- Dễ dàng sử dụng ứng dụng kiểm thử đơn vị
- Phù hợp với cả kiến trúc monolith và microservices
Với tính tùy biến cao, nhiều tài liệu và một cộng đồng học thuật lớn, Nest.js hiện là framework NodeJS backend có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay.
Fastify
Fastify là một framework web nhẹ cho Node.js,. Fastify tập trung vào hiệu suất và trải nghiệm người dùng nên thường được sử dụng để xây dựng các ứng dụng backend nhanh và có khả năng mở rộng như Compressor và Joggr.
Tính năng nổi bật:
- Nhẹ
- Khuyến nghị sử dụng JSON schema cho xác thực và tuần tự hóa route
- API đơn giản và sử dụng
Meteor.js
Nếu bạn đang tìm kiếm một framework dành riêng cho JavaScript và chỉ sử dụng một ngôn ngữ, Meteor.js là lựa chọn lý tưởng. Framework NodeJS Backend – Meteor.js đặc biệt hữu ích cho các ứng dụng thời gian thực và truyền phát nhờ vào luồng dữ liệu mượt mà từ máy chủ đến client.
Tính năng nổi bật:
- Luồng dữ liệu mượt mà từ server đến client
- Thư viện phong phú
- Hỗ trợ đa nền tảng
- Hot code reload
- Auto minification
- Cho phép tích hợp dễ dàng giữa frontend và backend với các phương thức API RPC.
Meteor.js cho phép triển khai các bản cập nhật trực tiếp sau khi ra mắt mà không làm gián đoạn trải nghiệm người dùng. Do đó, framework Node,js backend này rất được Ikea, Azumuta, Forage ưa chuộng trong sản ohaamr của họ.
Hapi.js
Hapi.js là một trong những framework đơn giản, đáng tin cậy và an toàn nhất hiện có. Nó thường được sử dụng để phát triển proxy server và API REST vì độ tin cậy cao và các tính năng bảo mật phong phú.
Tính năng nổi bật:
- Vệ sinh mã toàn diện
- Cấu hình mặc định an toàn, được cập nhật thường xuyên
- Hệ sinh thái plugin phong phú
- Khắc phục lỗi nhanh chóng và dễ dàng
- Xác thực và xác nhận đầu vào mặc định
Hapi.js rất phù hợp để phát triển các ứng dụng thời gian thực mở rộng và an toàn, được các công ty như PayPal và Disney sử dụng.
Socket.IO
Socket.IO là một thư viện Node.js được xây dựng trên nền tảng WebSockets, cho phép giao tiếp thời gian thực giữa client (trình duyệt) và server. Socket.IO hoạt động theo cơ chế event-driven (xử lý theo sự kiện) và tương thích với các trình duyệt cũ hơn cùng môi trường cũ.
Các tính năng nổi bật:
- Tự động kết nối lại nếu kết nối giữa client và server bị gián đoạn.
- Hỗ trợ trình duyệt cũ với cơ chế long-polling HTTP.
- Bộ đệm gói đảm bảo không mất dữ liệu khi kết nối bị gián đoạn.
Với những tính năng nổi bật nêu trên, Socket.IO được sử dụng trong các ứng dụng chat, trò chơi real-time cho nhiều người chơi, ứng dụng mạng xã hội và bảng điều khiển thời gian thực. Các công ty như Slack và Twitter hiện đang sử dụng framework NodeJS backend này.
Feathers.js
Feathers.js là một framework web được xây dựng trên nền tảng Express, cung cấp cách thức đơn giản để phát triển các ứng dụng có khả năng mở rộng và đáng tin cậy. Feathers.js hỗ trợ nhiều loại cơ sở dữ liệu khác nhau và tương thích với mọi công nghệ giao diện người dùng như iOS, Android và React Native.
Tính năng chính:
- Kiến trúc microservices
- Hỗ trợ thời gian thực với Socket.IO
Feathers.js có cộng đồng nhỏ nhưng hoạt động tích cực trên GitHub và được sử dụng để xây dựng các ứng dụng thời gian thực và API. Chatbot Plus sử dụng Feather.js cho tích hợp các tính năng thời gian thực trong ứng dụng của họ.
Sails
Sails là một framework MVC thời gian thực cho Node.js, được xây dựng trên nền tảng Express. Sails có hệ thống định tuyến linh hoạt và hỗ trợ giao tiếp thời gian thực tích mặc định.
Các tính năng chính:
- ORM (Object Relational Mapping)
- Tự động tạo REST API
- Hỗ trợ WebSockets không cần mã bổ sung
Sails có cộng đồng tích cực trên GitHub và được sử dụng để xây dựng các ứng dụng chat thời gian thực, API và ứng dụng di động hoặc web fullstack. Các công ty như Anybot và The Canero Group sử dụng Sails để phát triển các ứng dụng của họ.
Đọc thêm: NodeJS là gì: Tổng quan kiến thức NodeJS và Top 5 NodeJS framework
Các câu hỏi thường gặp về NodeJS backend
Có thể sử dụng Node.js để lập trình frontend không?
Node.js không chỉ là một công cụ lập trình backend, mà còn là một nền tảng tuyệt vời để phát triển frontend. Việc sử dụng Node.js cho cả frontend và backend giúp các lập trình viên JavaScript tăng năng suất, viết code chất lượng và tạo ra nhiều ứng dụng web hiện đại hơn.
Sự khác biệt chính giữa JavaScript và Node.js là gì?
JavaScript là một ngôn ngữ lập trình được sử dụng chủ yếu để viết các script trên trang web, giúp tạo ra các hiệu ứng tương tác và động trên trình duyệt. Trong khi đó, Node.js là một môi trường chạy JavaScript mã nguồn mở, được thiết kế đặc biệt cho việc phát triển các ứng dụng phía server.
Node.js nổi bật với các tính năng độc đáo như khả năng xử lý không đồng bộ và mô hình sự kiện, giúp nó trở thành lựa chọn phổ biến cho việc xây dựng các ứng dụng server-side hiệu quả và mở rộng dễ dàng.
Có thể xây dựng ứng dụng Node.js bằng Typescript không?
Có, một ứng dụng Node.js có thể được xây dựng bằng TypeScript. TypeScript là một siêu tập hợp của JavaScript, giúp dễ dàng đổi tên các tệp .js thành .ts. Mặc dù TypeScript có thể chạy trực tiếp trên Node.js với gói ts-node, chúng tôi khuyến nghị bạn sử dụng phiên bản JavaScript của dự án cho việc triển khai cuối cùng.
Tổng kết NodeJS Backend
Với một Backend Developer hay Full-stack Developer, một môi trường tốt như Node.js sẽ ứng dụng web mang lại hiệu suất cao, trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
Node.js có nhiều Framework hỗ trợ khác nhau mà bạn có thể ứng dụng để xây dựng các sản phẩm của mình:
- Framework NodeJS Backend cho nhiều mục đích (General purpose NodeJS frameworks): Express, Fastify, NestJS,…
- Framework NodeJS Backend cho ứng dụng real-time (Realtime NodeJS frameworks): Socket.IO, Feathers.js, Meteor.js, Sails,…
Mặc dù NodeJS Backend có những tính năng rất nổi trội, nhưng không phù hợp với tất cả dự án. Do đó, lập trình viên cần cân nhắc kỹ lưỡng để có những lựa chọn tốt nhất.