Mình vẫn nhiệt tình log bug trên con đường tìm kiếm ước mơ

Tác giả: Nguyễn Thị Huyền
Mình cũng chẳng còn nhớ vì sao mình chọn làm tester trong biết bao lối đi cho ngành IT này. Nếu nói về cái gọi là “đam mê”, thì kỳ thực mình không có. Mình không biết phải đạt đến trình độ nào thì mới gọi là “biết code”, lại càng không biết trong số đồng nghiệp tester của mình có bao nhiêu người vì không biết code nên chọn làm tester. Mình chỉ biết, mình không sợ code.

Không biết code mới phải đi làm tester?

Dạo trước, đứa bạn thân than thở với mình, rằng bị đồng nghiệp nói xấu sau lưng nên đã xin nghỉ việc. Mình hỏi vì sao, bạn ấy không trả lời, đến mãi nửa đêm mình mới nhận được thêm dòng tin nhắn “Mày có biết code không?”.

 

Mình cũng chẳng còn nhớ vì sao mình chọn làm tester trong biết bao lối đi cho ngành IT này. Nếu nói về cái gọi là “đam mê”, thì kỳ thực mình không có. Mình giống với hàng ngàn sinh viên của ngày ấy, luôn tự hỏi rốt cuộc bản thân thực sự thích điều gì.

 

Mình không biết phải đạt đến trình độ nào thì mới gọi là “biết code”, lại càng không biết trong số đồng nghiệp tester của mình có bao nhiêu người vì không biết code nên chọn làm tester. Mình chỉ biết, mình không sợ code.

Mình từng khóc vì không tìm ra bug

Khi mới bước chân vào thị trường lao động, mình thực tập hai tháng tại một công ty outsource, sau đó vì thấy không hợp với môi trường nên đã xin nghỉ và ứng tuyển vào vị trí fresher tester của công ty chuyên về ERP (Enterprise Resource Planning).
 
Khoảng thời gian mới vào, mình bị sốc vì cả hệ thống cho tới nghiệp vụ. Một giải pháp ERP hữu ích đòi hỏi sự đáp ứng toàn diện các yêu cầu của một doanh nghiệp, gồm nhiều phân hệ từ tài chính – kế toán, quản lý hàng hóa, tồn kho, nhân sự, khách hàng và thậm chí là cả marketing nữa. 
 
Mình không dám lười biếng, mỗi ngày đều dành rất nhiều thời gian để vừa test vừa tìm hiểu database của hệ thống. Mình từng hãnh diện để kể với bạn bè về việc được leader khen là có kiến thức tốt về cơ sở dữ liệu và testing.
 
Chỉ sau một tháng thử việc, mình đã được bộ phận nhân sự mời lên ký hợp đồng chính thức.
 
Các task leader giao cho mình cũng khó dần và sau một thời gian thì các task không còn dừng lại ở một phân hệ của ERP nữa. Mình tiếp nhận bộ file test case phân hệ tài chính – kế toán từ một đồng nghiệp sắp nghỉ, bắt đầu cuộc chiến thực sự với nghiệp vụ cốt lõi của ERP.
 
Để rồi có một ngày nọ, khi đang đi chơi cùng lũ bạn thân vào cuối tuần, mình nhận được thông báo trên nhóm làm việc:
 
“Bên khách hàng vừa báo khi lọc các chứng từ của tháng trước bị lệch tổng chi so với thực tế. BI (Business Intelligence) cũng đang dự báo sai về số lượng cần nhập của một số danh mục sản phẩm trong kỳ tới.”
 
Mình ngồi im tại chỗ, lẳng lặng đọc từng dòng chat của các anh chị về quá trình tìm bug và fix bug, những câu chuyện của bạn bè mình chẳng nghe nổi nữa.
 
Mình bỏ về nhà khóc. Mình tự hỏi bản thân, rằng cứ test hết mình thì sẽ không còn bug ư? Kẻ vẫn luôn tự hào vì được khen lại là kẻ để lọt những con bug quan trọng đến vậy? Mình xin nghỉ hai ngày sau đó, sợ hãi việc đối mặt với leader, càng sợ hãi đối diện với lỗi lầm của bản thân.
 
Mình tự hỏi bản thân, rằng cứ test hết mình thì sẽ không còn bug ư? Kẻ vẫn luôn tự hào vì được khen lại là kẻ để lọt những con bug quan trọng đến vậy? Mình xin nghỉ hai ngày sau đó, sợ hãi việc đối mặt với leader, càng sợ hãi đối diện với lỗi lầm của bản thân.
Nguyễn Thị Huyền
Trích “Mình vẫn nhiệt tình log bug trên con đường tìm kiếm ước mơ"
Trở lại công ty vào một ngày mưa phùn ẩm ướt và được cấp trên gọi vào phòng họp riêng, mình chỉ biết nhìn chị với đôi mắt hối lỗi.
 
Chị chỉ cười hỏi mình: “Chắc em cũng biết chị gọi em vào đây về việc gì nhỉ? Em nghĩ sao?”
 
Mình không biết trả lời chị như thế nào, chỉ nói được mỗi một câu xin lỗi. Mình thấy ngượng ngùng với nụ cười của chị, với sự dịu dàng khác hẳn khoảng trời mù mịt bên ngoài.
 
Hiểu sâu nghiệp vụ của hệ thống đối với một tester là rất quan trọng. Chị biết em đã cố gắng, nhưng có vẻ như em chưa thấy hết được tầm quan trọng của việc đó.” – Chị nói, rồi lại tự nhận trách nhiệm chính thuộc về bản thân chị vì đã không kiểm tra kỹ lại sau khi mình test.
 
Đến tận bây giờ khi nghĩ về công ty cũ, mình thật sự rất vui vì được làm việc cùng một leader tuyệt vời như vậy.

Lật lại những trang giáo trình kế toán – tài chính

Hồi còn đi học, mình thuộc khoa Hệ thống thông tin quản lý, nên trong chương trình đào tạo có cả các môn về kinh tế, tài chính.
 
Khi học mình vẫn nghĩ cái mình cần học là tư duy logic, là ngôn ngữ lập trình, là các loại cơ sở dữ liệu, mình bỏ bê mấy môn kinh tế và luôn nghĩ nó chẳng quá quan trọng để xin việc.
 
Ừ thì cũng đúng, vì lúc mình đi phỏng vấn vị trí fresher tester, các anh chị đều hỏi về tư duy, về kỹ năng testing, về cơ sở dữ liệu, làm gì hỏi đến mấy thứ kinh tế, tài chính kế toán gì đâu.
 
Nhưng sau những giọt nước mắt lần ấy, mình thực sự nghiêm túc lật lại những trang giáo trình dạy về các kiến thức mà trước vẫn nghĩ chẳng cần.

Mình học lại từ các nguyên tắc kế toán, định khoản và cả mô hình, cách vận hành rồi đến cách tính toán một số thông số cần thiết của doanh nghiệp.
 
Ngoài ra mình vẫn không ngừng cố gắng nâng cao kiến thức về công nghệ testing và phân tích hệ thống. Mình thay đổi suy nghĩ của trước đây, luôn tìm cách để hạn chế lỗi phần mềm, đặc biệt là về nghiệp vụ. 

Kỹ năng nào là quan trọng nhất đối với tester?

Sau một năm gắn bó với dự án ERP, mình nói lời tạm biệt với nó và với mọi người trong team. Mình cần tập trung làm đồ án tốt nghiệp, thi chứng chỉ Tiếng Anh để kịp ra trường đúng hạn, cũng để nhìn lại chặng đường đã đi và đổi mới bản thân.
 
Mình lục tung các website tìm việc, đọc rất nhiều yêu cầu đối với các vị trí khác nhau từ manual tester, automation tester, BA (business analyst),… Nhưng rốt cuộc, mình vẫn không biết bản thân thật sự muốn gì. 
 
Mình đến với KiotViet – công ty hiện tại của mình một cách khá tình cờ, chứa đựng cả chút tùy hứng và chán chường.
 
Thời gian đầu vào làm đã có lúc mình muốn nghỉ, không phải vì công việc hay đồng nghiệp, mà vì sự mông lung trong định hướng của bản thân. Mình vẫn thường ngưỡng mộ một số bạn bè cùng khóa, còn chưa nhận bằng đã tìm thấy vị trí mà họ mơ ước.
 
Rồi thì công việc cũng không cho bản thân mình thời gian để mông lung dài hạn.
 
Mình tham gia vào dự án mới và bắt đầu học nghiệp vụ, nâng cao các kỹ năng testing như test API, database rồi đọc các tài liệu traning về cả performance, security và còn tham gia lớp đào tạo automation testing nữa.
 
Mình vẫn nhớ bài học sâu sắc ở công ty cũ, vì vậy luôn không ngừng học nghiệp vụ của dự án mới và vận dụng kiến thức mình có được để góp ý xây dựng nghiệp vụ. 
Có lần, một mobile dev nói với mình: “Sao anh thấy nghiệp vụ phần nào em cũng biết thế nhỉ? Hình như trước em cũng chưa làm chức năng này bên dự án cũ mà”.
 
Mình mỉm cười cảm ơn lời khen của anh, cảm giác được ghi nhận những nỗ lực sau bao ngày âm thầm tự học thật sự rất tuyệt vời.
 
Vỏn vẹn hai năm làm manual tester, mình chẳng đủ kinh nghiệm để bình luận về kỹ năng nào là quan trọng nhất đối với vị trí này.
 
Mình chỉ nghĩ để làm được một tester giỏi thực sự rất khó, yêu cầu người làm phải không ngừng học và nâng cao kiến thức về công nghệ, hiểu sâu về hệ thống, giao tiếp với team tốt và xử lý vấn đề một cách phù hợp.
 
Mình dần bỏ đi cái thói cố tranh luận để nói rằng bản thân mình đúng trong những trường hợp không cần thiết, tập trung vào việc “săn” bug, tái hiện bug, tìm hiểu nguyên nhân của bug để dev có thể fix một cách nhanh nhất, không ảnh hưởng tới tiến độ dự án và gây lỗi cho người dùng.
 
Nhưng để nói về một điều không thể thiếu của tester, mình sẽ chọn câu chuyện về sự hiểu sâu nghiệp vụ hệ thống.
Để làm được một tester giỏi thực sự rất khó, yêu cầu người làm phải không ngừng học và nâng cao kiến thức về công nghệ, hiểu sâu về hệ thống, giao tiếp với team tốt và xử lý vấn đề một cách phù hợp.
Nguyễn Thị Huyền
Trích “Mình vẫn nhiệt tình log bug trên con đường tìm kiếm ước mơ"

Manual test, auto test hay BA?

Hai năm làm việc trong lĩnh vực phát triển phần mềm, mình vẫn chưa biết được đâu là hướng đi mà mình thực sự mong đợi.

 

Mình đang học thêm những kỹ thuật của manual test, auto test và cả cách xây dựng tài liệu phân tích nghiệp vụ cho dự án, cách giao tiếp với các bộ phận liên quan và nhiều kỹ năng khác nữa.

 

Mình vẫn tự nhắc nhở mình, rằng định hướng có thể mông lung, nhưng việc tìm bug thì không bao giờ được để sự mông lung xâm chiếm.

Ảnh tại Year end party KiotViet

Không phải cậu sinh viên nào vừa mới ra trường cũng có thể vỗ ngực mà nói “Tôi muốn trở thành một BA giỏi!”, cũng chẳng thiếu những người đã đi làm nhiều năm vẫn luôn trăn trở “Rốt cuộc mình muốn gì?”.

 

Nhưng để chuẩn bị tốt nhất cho cái ngày mà bạn tìm thấy ước mơ, thì việc nâng cao bản thân không bao giờ nên dừng lại. Kiến thức mà hôm nay bạn học, sẽ luôn là hành trang cho những cung đường phía trước, dù rằng có thể chỉ là một hạt cát trong chiếc đồng hồ to lớn của dòng chảy thời gian.


Mình rất thích slogan của KiotViet năm 2022 – “Journey of connection – Triệu con đường, một điểm đến”, và vẫn luôn đợi ước mơ đến với mình vào một ngày không xa.

Cuộc thi "Là IT Thì Mình Cứ Viết Đi"

Bài viết “Mình vẫn nhiệt tình log bug trên con đường tìm kiếm ước mơ” đã thắng giải “Bài viết xuất sắc nhất” trong cuộc thi viết “Là IT Thì Mình Cứ Viết Đi” do ITviec tổ chức, từ ngày 26/04/2023 đến 26/06/2023, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập.

tong-ket-cuoc-thi-viet-3