Nội dung chính
VueJS là một framework JavaScript được giới lập trình ưa chuộng hiện nay bởi những tính năng vô cùng tiện lợi. Nếu bạn đang tìm hiểu về VueJS và chưa biết phải bắt đầu từ đâu, hãy tham khảo lộ trình học VueJS mà ITviec hướng dẫn trong bài viết này.
Đọc bài viết sau để hiểu về:
- Những lý do nên học VueJS
- Lộ trình học VueJS: Cần chuẩn bị gì, Các chủ đề học VueJS cơ bản và nâng cao
- Tài liệu học VueJS tham khảo
VueJS là gì? Tại sao nên học VueJS?
VueJS là một framework JavaScript được thiết kế để xây dựng các giao diện người dùng (UI) một cách linh hoạt và hiệu quả. Vue mang đến cho lập trình viên cách tiếp cận đơn giản và trực quan trong việc tạo ra các ứng dụng web tương tác.
Kết xuất khai báo (Declarative Rendering) và Phản ứng (Reactivity) là hai tính năng cốt lõi của framework JavaScript này. Vue có thể được lập trình viên sử dụng theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào dự án và yêu cầu dự án:
- Nâng cao HTML tĩnh mà không cần bước xây dựng
- Nhúng dưới dạng Web Components trên bất kỳ trang nào
- Ứng dụng đơn trang (SPA)
- Fullstack / Phản hồi phía máy chủ (SSR)
- Jamstack / Tạo trang tĩnh (SSG)
- Nhắm mục tiêu đến máy tính để bàn, di động, WebGL và thiết bị đầu cuối
Có nhiều lý do để học VueJS, nhưng phần lớn đều hướng về những chức năng hữu ích của framework này, chúng giúp quá trình lập trình trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
- Vue sử dụng các thành phần là các khối xây dựng nhỏ, có thể tái sử dụng và có thể thả vào các phần khác nhau của ứng dụng.
- Hệ sinh thái lớn, cộng đồng đã tạo ra tất cả các thư viện và công cụ mà lập trình viên sẽ cần để xây dựng, tổ chức và mở rộng các ứng dụng frontend của mình.
- CLI của VueJS rất linh hoạt. Bạn có thể chọn mức độ thư viện và công cụ.
- VueJS rất dễ học và dễ sử dụng.
- Tài liệu VueJS rất đầy đủ, chi tiết và dễ hiểu.
Lộ trình học VueJS cho lập trình viên
Trước khi học VueJS
VueJS là cách tạo và sử dụng thành phần. Thành phần là các phần giao diện người dùng có thể tái sử dụng, có thể chứa mã HTML, CSS và JavaScript. Chúng là những khối xây dựng của bất kỳ ứng dụng Vuejs nào.
Để bắt đầu với VueJS bạn cần có những nền tảng sau:
- HTML, CSS: Củng cố lại kiến thức cơ bản về HTML, CSS, hiểu rõ cách các yếu tố này tương tác với nhau.
- JavaScript: Nắm vững JavaScript, đặc biệt là ES6, các khái niệm về DOM, sự kiện, async/await.
Để nắm bắt HTML, CSS cũng như JavaScript, bạn có thể ôn tập với các bài viết sau do ITviec sản xuất:
- Học HTML và CSS: Lộ trình 18 bước chi tiết cho người mới bắt đầu
- Tổng hợp 12+ bài tập HTML & CSS cơ bản cho người mới bắt đầu
- Bài tập JavaScript cơ bản kèm lời giải cho người mới bắt đầu
- Tự học Javascript với 20+ tài nguyên online cơ bản đến nâng cao
Các chủ đề học VueJS nền tảng
Ở giai đoạn học VueJS đầu tiên này, bạn sẽ cần tìm hiểu nhiều hơn về:
Vue CLI
Vue CLI là một công cụ dòng lệnh (Command Line Interface) được xây dựng dành riêng cho Vue.js giúp quá trình khởi tạo, phát triển các dự án Vuejs nhanh chóng và quản lý hiệu quả. Vue CLI giúp lập trình viên tiết kiệm thời gian bằng cách thiết lập cấu hình dự án, cài đặt các phụ thuộc cần thiết và cung cấp một môi trường phát triển thuận tiện.
Tìm hiểu thêm về Vue CLI tại đây.
Components (Thành phần cơ bản)
Thành phần trong Vuejs là những khối xây dựng cơ bản để tạo nên một ứng dụng giao diện người dùng. Một component trong Vue.js thường được định nghĩa trong một file .vue và bao gồm 3 phần chính: template, script, style. Trong Components, để xây dựng các ứng dụng Vuejs hiệu quả, bạn cần nắm được những yếu tố cốt lõi sau:
- Single File Component (SFC): Đây là một tập tin duy nhất có phần mở rộng .vue chứa tất cả thành phần cần thiết để tạo ra một component: template, script và style.
- Component Registration: Là quá trình đăng ký một component với Vue.js để nó được sử dụng trong ứng dụng. Từ đó cho phép lập trình viên tái sử dụng component và tổ chức code một cách hiệu quả.
- Props: Là phương thức truyền dữ liệu từ thành phần cha sang thành phần con bằng cách sử dụng tùy chọn props hoặc :prop.
- Events: Là cách để giao tiếp giữa các component trong Vue.js. Chúng cho phép một component phát ra một sự kiện và các component khác có thể lắng nghe và phản ứng với sự kiện đó.
- Attribute Inheritance: Là khả năng của một component con kế thừa các thuộc tính từ component cha của nó. Điều này có thể hữu ích trong một số trường hợp, nhưng nên sử dụng cẩn thận để tránh xung đột và khó khăn trong việc bảo trì.
Tìm hiểu thêm về Components Vuejs tại đây.
Templates
Templates là một phần quan trọng mà bạn không thể bỏ qua khi học Vuejs. Bởi templates là những đoạn mã HTML đặc biệt, cho phép lập trình viên kết nối dữ liệu của Vue với cấu trúc DOM. Hiểu đơn giản hơn thì đây là nơi mà lập trình viên định nghĩa giao diện người dùng của ứng dụng Vue.js và Vue sẽ tự động cập nhật giao diện này khi dữ liệu thay đổi.
Tìm hiểu thêm về Templates Vuejs tại đây.
Directives
Directive trong Vue.js là những chỉ thị đặc biệt, bắt đầu bằng tiền tố v-, được thêm vào các phần tử HTML để chỉ định một hành động hoặc một ràng buộc đặc biệt. Chúng cho phép lập trình viên thực hiện các thao tác trực tiếp với DOM, kết nối dữ liệu với giao diện người dùng và tạo ra các hiệu ứng tương tác.
Tìm hiểu thêm về Directives Vuejs tại đây.
API styles
API Styles là cách điều khiển và tùy chỉnh linh hoạt giao diện của các thành phần trong ứng dụng. Điều này có nghĩa là, thay vì viết cứng các style trực tiếp vào template, lập trình viên có thể sử dụng các API này để tạo ra các style dựa trên dữ liệu, trạng thái của ứng dụng hoặc các yếu tố khác.
Các thành phần Vue có thể được viết bằng hai phong cách API khác nhau: Options API và Composition API.
- Options API: Tổ chức logic của component dựa trên các options (tùy chọn) như data, methods, computed, watch, … Mỗi option đại diện cho một khía cạnh khác nhau của component.
- Composition API: Tổ chức logic của component bằng cách sử dụng các hàm và các hook. Các hàm này có thể được tái sử dụng giữa các component, giúp cho code trở nên modular và dễ bảo trì hơn.
Tìm hiểu thêm về API Styles trong Vuejs tại đây.
App configurations (Cấu hình ứng dụng)
Cấu hình ứng dụng Vue.js là một phần quan trọng trong quá trình phát triển ứng dụng, cho phép lập trình viên linh hoạt điều chỉnh ứng dụng để đáp ứng các yêu cầu cụ thể của dự án. Bằng cách hiểu rõ về các loại cấu hình và cách thức thực hiện, bạn có thể xây dựng các ứng dụng Vue.js nhanh chóng hiệu quả.
Tìm hiểu thêm về App configurations trong Vuejs tại đây.
Lists rendering
Học Lists rendering trong VueJS giúp lập trình viên biết cách sử dụng kỹ thuật hiển thị một tập hợp các phần tử lặp đi lặp lại dựa trên một mảng dữ liệu. Từ đó, lập trình viên có thể tạo ra các giao diện động và linh hoạt, đặc biệt là khi cần hiển thị một lượng lớn dữ liệu.
Tìm hiểu thêm về Lists rendering trong Vuejs tại đây.
Conditional rendering
Đây là một tính năng quan trọng trong Vue.js, cho phép lập trình tạo ra các giao diện động bằng cách sử dụng các directive như v-if, v-else và v-show. Với conditional rendering, lập trình viên có thể điều khiển việc hiển thị các phần tử trong ứng dụng một cách linh hoạt.
Tìm hiểu thêm về Conditional rendering trong Vuejs tại đây.
Lifecycle hooks
Lifecycle hook trong Vue.js là những hàm đặc biệt được gọi vào các thời điểm cụ thể trong vòng đời của một component. Chúng cho phép lập trình viên thực hiện các tác vụ cần thiết tại các giai đoạn khác nhau như thao tác với DOM, khởi tạo, cập nhật, dọn dẹp dữ liệu và gọi các hàm của thư viện thứ ba tại các thời điểm phù hợp.
Tìm hiểu thêm về Lifecycle hooks trong Vuejs.
Handling forms (Xử lý biểu mẫu)
Handling forms là một kỹ năng quan trọng khi xây dựng các ứng dụng web tương tác. Các yếu tố cơ bản của form khi học VueJS gồm: Input (Các trường nhập liệu như input, textarea, select,…); Validation (kiểm tra tính hợp lệ của dữ liệu nhập vào), Binding dữ liệu (Liên kết dữ liệu của form với dữ liệu của component), Xử lý sự kiện (submit, change, input,…).
Tìm hiểu thêm về Handling form trong Vuejs tại đây.
Events handling (Xử lý sự kiện)
Khi người dùng thực hiện một hành động nào đó trên giao diện, chẳng hạn như click vào một nút, nhập dữ liệu vào một trường, thì đó là một sự kiện. Vue.js cung cấp các công cụ để lập trình viên có thể “lắng nghe” và phản hồi lại các sự kiện này, từ đó tạo ra những ứng dụng động để đáp ứng người dùng.
Tìm hiểu thêm về Events handling trong Vuejs tại đây.
Computed properties
Đây là một tính năng mạnh mẽ mà bạn nên chú ý trong quá trình học VueJS. Computed properties cho phép lập trình viên tạo ra các thuộc tính được tính toán dựa trên các dữ liệu khác trong component. Bằng cách hiểu rõ về cách hoạt động và sử dụng của computed properties, bạn có thể viết code VueJS ngắn gọn hơn, bảo trì dễ dàng hơn và ứng dụng cũng nhờ đó mà chạy nhanh hơn.
Tìm hiểu thêm về Computed properties trong Vuejs tại đây.
Các chủ đề học VueJS nâng cao
Khi bạn đã nắm vững các kiến thức cơ bản về Vue.js, bạn có thể muốn khám phá sâu hơn vào những chủ đề nâng cao để xây dựng các ứng dụng phức tạp và hiệu quả hơn. Một số chủ đề bạn cần đào sâu hơn khi học VueJS là:
Composition API
Composition API là một tập hợp các API cho phép lập trình viên viết các thành phần Vue bằng cách sử dụng các hàm được nhập thay vì khai báo các tùy chọn. Đó là một thuật ngữ chung bao gồm các API sau: Reactivity API, Lifecycle hooks, Dependency Injection.
Các khái niệm chính mà bạn cần nắm trong Composition API gồm:
- ref: Tạo ra một đối tượng phản ứng (reactive) để lưu trữ một giá trị đơn lẻ.
- toRefs: Chuyển đổi một đối tượng JavaScript thông thường thành một đối tượng phản ứng, trong đó mỗi thuộc tính của đối tượng đó sẽ trở thành một ref.
- Reactive: Tạo ra một đối tượng phản ứng từ một đối tượng JavaScript thông thường nhưng giữ nguyên cấu trúc của đối tượng đó.
- Computed: Tạo ra một giá trị được tính toán dựa trên các giá trị phản ứng khác.
- Watch: Theo dõi sự thay đổi của một giá trị phản ứng và thực hiện một hành động khi giá trị đó thay đổi.
- NextTick: Đảm bảo rằng một callback sẽ được gọi sau khi DOM được cập nhật.
- Composable: Là các hàm tái sử dụng được để trích xuất logic khỏi các component, giúp code ngắn gọn và dễ bảo trì hơn.
Tìm hiểu thêm về Composition API trong Vuejs tại đây.
Async components
Async components (Thành phần bất đồng bộ) trong Vue.js là một tính năng cho phép tải các component chỉ khi cần thiết. Nắm được những kiến thức về Async components sẽ giúp bạn cải thiện hiệu suất của ứng dụng, nhất là trong trường hợp ứng dụng của bạn có nhiều component và không phải tất cả các component đều được sử dụng ngay từ đầu.
Tìm hiểu thêm về Async components trong Vuejs tại đây.
Teleport components
Teleport là một tính năng cho phép lập trình viên “di chuyển” một phần của template của một component đến một vị trí khác trong DOM, ngay cả khi vị trí đó nằm ngoài cấu trúc DOM hiện tại của component. Với tính năng này, bạn có thể giải quyết nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến việc bố trí và hiển thị các phần tử trong ứng dụng của mình.
Tìm hiểu thêm về Teleport components trong Vuejs tại đây.
Provide / Inject
Provide/Inject là một cơ chế trong Vue.js cung cấp dữ liệu từ một thành phần cha đến các thành phần con ở bất kỳ cấp độ nào trong cây thành phần, mà không cần phải truyền dữ liệu qua từng props ở mỗi thành phần trung gian. Nếu bạn đang xây dựng và phát triển một ứng dụng lớn thì provide / inject sẽ giúp ích rất nhiều trong việc quản lý dữ liệu.
Tìm hiểu thêm về Provide / Inject trong Vuejs tại đây.
Custom directives (Chỉ thị tùy chỉnh)
Với custom directives trong Vue.js, lập trình viên có thể tạo ra các hành vi tùy chỉnh cho phần tử DOM. Thay vì chỉ giới hạn ở các chỉ thị tích hợp sẵn như v-if, v-for, bạn có thể tạo ra các chỉ thị riêng để thực hiện các logic phức tạp hơn, phù hợp với nhu cầu cụ thể của dự án.
Tìm hiểu thêm về Custom directives trong Vuejs tại đây.
Custom events (Tùy chỉnh sự kiện)
Custom events là phương thức giao tiếp từ thành phần con đến thành phần cha bằng cách sử dụng $emit, v-on:custom-event hoặc @custom-event.
Custom events giúp bạn tạo ra các ứng dụng Vue phức tạp một cách đơn giản, đặc biệt là trong những trường hợp cần truyền dữ liệu hoặc kích hoạt các hành động từ một component con lên component cha hoặc giữa các component anh em.
Tìm hiểu thêm về Custom events trong Vuejs tại đây.
Plugins
Plugins là những khối code được thiết kế để mở rộng chức năng của Vue.js, giúp bạn tùy chỉnh và mở rộng ứng dụng để đáp ứng những yêu cầu cụ thể. Cứ thử tưởng tượng plugins Vue của bạn như những “phần mở rộng” của một chiếc xe. Bạn có thể thêm vào những tính năng như hệ thống định vị GPS, camera hành trình hoặc một bộ loa âm thanh cực khủng.
Tìm hiểu thêm về Plugins trong Vuejs tại đây.
Watchers
Watchers trong Vue là cơ chế theo dõi sự thay đổi của một giá trị phản ứng (reactive) và thực hiện các hành động cụ thể khi giá trị đó thay đổi. Với watchers, khi một giá trị thay đổi, bạn có thể thực hiện các tác vụ như: Gọi API để lấy dữ liệu mới, cập nhật DOM, thực hiện các tính toán phức tạp, lưu trữ dữ liệu vào localStorage,…
Bạn cũng có thể sử dụng watchers để lắng nghe các sự kiện bên ngoài hoặc tạo các tính toán phức tạp.
Tìm hiểu thêm về Watchers trong Vuejs tại đây.
Slots
Là phương thức chèn nội dung từ thành phần cha vào thành phần con bằng cách sử dụng tùy chọn slots hoặc phần tử <slot>. Có 3 loại slots mà bạn cần chú ý khi học VueJS gồm: Default slot (Slot mặc định), Named slots (Slot được đặt tên) và Scoped slots (Slot tùy biến).
Tìm hiểu thêm về Slots trong Vuejs tại đây.
Animations
Animations trong Vue.js giúp cho giao diện ứng dụng trở nên sống động và hấp dẫn hơn, cải thiện trải nghiệm người dùng. Để tạo ra các hiệu ứng chuyển động mượt mà và chuyên nghiệp, bạn cần nắm vững kiến thức về Transition và TransitionGroup.
Tìm hiểu thêm về Animations trong Vuejs tại đây.
Hiểu về hệ thống (Ecosystem)
Routing
Bằng cách điều khiển cách ứng dụng hiển thị các thành phần khác nhau dựa trên URL trong trình duyệt, Routing giúp tạo ra các ứng dụng web đơn trang (SPA – Single Page Application). Giờ đây khi người dùng click vào một liên kết, thay vì tải lại toàn bộ trang routing sẽ chỉ cập nhật một phần giao diện người dùng.
Vue Router là thư viện routing chính thức của Vue, tìm hiểu thêm tại đây.
Forms
Trong quá trình làm việc với các form Vue.js, bạn sẽ thường xuyên thao tác với các thư viện hỗ trợ. Trong đó, có 3 thư viện quan trọng mà bạn cần nắm vững gồm:
- Vue Formulate: Thư viện này cung cấp các khai báo (declarative) để xây dựng form phức tạp như tạo ra các form với các trường khác nhau, validation và các tính năng nâng cao khác.
- Vee Validate: Thư viện này tập trung vào các quy tắc validation tùy chỉnh và thông báo lỗi chi tiết cho người dùng.
- Vuelidate: Đây là một thư viện validation nhẹ và linh hoạt cho Vue.js. Nó cung cấp những cách tiếp cận dựa trên hàm để xác thực dữ liệu trong các form.
Tìm hiểu thêm về Forms trong Vuejs tại đây.
Server-Side Rendering (SSR)
SSR là kỹ thuật tạo các trang web động bằng cách sử dụng phía server để render nội dung của trang trước khi gửi đến client (trình duyệt).
Khi áp dụng SSR với Vue.js, trang web của bạn chắc chắn sẽ hoạt động năng suất hơn nhờ tốc độ tải trang tăng nhanh (đặc biệt là trên các kết nối mạng chậm), các công cụ tìm kiếm dễ dàng index nội dung của trang. Nuxt.js và Vue SSR là các framework hỗ trợ cho SSR phổ biến.
Tìm hiểu thêm về SSR trong Vuejs tại đây.
Static Site Generation (SSG)
Thay vì render nội dung động khi người dùng truy cập như SSR, SSG sẽ tạo ra các file HTML tĩnh hoàn chỉnh trước khi đưa lên server. SSG rất thích hợp cho các website, landing page có nội dung tĩnh, cần tải nhanh hoặc các ứng dụng nội bộ không yêu cầu tính tương tác cao.
Tìm hiểu thêm về SSG trong Vuejs tại đây.
State management (Quản lý trạng thái)
Với state management trong VueJS, bạn nên tìm hiểu về Pinia – Đây là một thư viện quản lý trạng thái nhẹ nhàng, linh hoạt và dễ sử dụng, được thiết kế đặc biệt cho Vue.js. Pinia được đánh giá là hiện đại và đơn giản hơn so với Vuex – thư viện quản lý trạng thái chính thức của Vue.js.
Tìm hiểu thêm về Pinia tại đây.
Capacitor – Mobile app
Capacitor là một công cụ phát triển ứng dụng di động đa nền tảng (cross-platform) cho phép xây dựng các ứng dụng di động cho Android và iOS bằng các công nghệ web quen thuộc như HTML, CSS và JavaScript (bao gồm cả các framework như Vue.js).
Tìm hiểu thêm về Capacitor tại đây.
API calls
API calls là quá trình một ứng dụng web giao tiếp với một server khác để lấy hoặc gửi dữ liệu. Trong đó, GraphQL là ngôn ngữ truy vấn cho API, cho phép client yêu cầu chính xác dữ liệu cần thiết mà không cần phải tải về dữ liệu thừa. REST API là một kiến trúc phần mềm cho phép các hệ thống máy tính giao tiếp với nhau.
Trong đó, Apollo và Vue Relay là hai thư viện phổ biến giúp tích hợp GraphQL vào các ứng dụng Vue.js. Axios, Unfetch, superagent là các thư viện HTTP client phổ biến trong JavaScript, được sử dụng để thực hiện các yêu cầu HTTP đến các API REST.
Tìm hiểu thêm về API calls tại đây.
Testing
Khi sử dụng Vuejs hay bất kỳ frameworks nào để xây dựng và phát triển web, việc học hỏi về testing cũng góp phần quan trọng. Hiểu biết và thành thạo về testing, bạn có thể phát hiện lỗi sớm, tăng tính bảo trì, cải thiện khả năng đọc code, từ đó đảm bảo chất lượng của dự án. Jest, Vue Testing Library và Cypress là những công cụ testing phổ biến trong Vuejs.
Tìm hiểu thêm về testing trong VueJS tại đây.
Styling
Tại sao học VueJS, phải học về styling? Bởi Styling sẽ giúp ứng dụng Vue.js của bạn trông hấp dẫn và chuyên nghiệp hơn, trải nghiệm của người dùng cũng tốt hơn, đặc biệt là đảm bảo tính nhất quán của toàn ứng dụng web.
Với Styling, bạn có thể tìm hiểu về các công cụ được dùng phổ biến như: Tailwind CSS, Vuetify và Element UI.
Tìm hiểu thêm về styling trong VueJS tại đây.
Các nguồn tài liệu hỗ trợ học Vuejs uy tín
Tài liệu chính thức
- Trang chủ Vue.js: Là nguồn tài liệu chính thức và đầy đủ nhất về Vue.js. Tại đây, bạn sẽ tìm thấy hướng dẫn chi tiết từ cơ bản đến nâng cao, ví dụ minh họa và các tài liệu tham khảo.
- Vue.js Vietnamese Community: Trang tài liệu Vue.js tiếng việt cũng có rất nhiều tài liệu, hướng dẫn và bài viết hữu ích, được viết bằng tiếng Việt, giúp bạn dễ dàng tiếp cận hơn.
Các khóa học trực tuyến
- Udemy, Coursera, edX: Các nền tảng này cung cấp rất nhiều khóa học về Vue.js, từ khóa học cơ bản đến nâng cao, phù hợp với mọi đối tượng học viên.
- YouTube: Có rất nhiều kênh YouTube tạo các video hướng dẫn về Vue.js miễn phí, bạn có thể tìm kiếm theo từ khóa “học Vue.js”.
Các bài viết, blog
- Medium, Dev.to: Các nền tảng này có rất nhiều bài viết về Vue.js, từ những bài viết chia sẻ kinh nghiệm đến những bài viết hướng dẫn chi tiết về các tính năng cụ thể.
- Các blog cá nhân: Nhiều lập trình viên Vue.js có blog cá nhân, chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của họ.
Sách
- Building Progressive Web Applications with Vue.js: Cuốn sách này hướng dẫn bạn xây dựng các ứng dụng web tiến bộ bằng Vue.js.
- 30 Days Of Vue: Cuốn sách này cung cấp một lộ trình học tập chi tiết trong 30 ngày để giúp bạn làm quen và nắm vững Vue.js.
Ngoài ra, bạn còn có thể tham gia vào các cuộc thảo luận và học hỏi kinh nghiệm của người khác từ các diễn đàn như Stack Overflow, Reddit.
Các câu hỏi thường gặp khi học Vuejs
Mất bao lâu thì học VueJS xong lộ trình trên?
VueJS là một framework tương đối dễ học, nhưng bạn có thể mất ít nhất là vài tháng hoặc kéo dài đến hơn một năm để hoàn thành lộ trình học VueJS bên trên. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nền tảng kiến thức HTML, CSS, JavaScript và thời gian đầu tư cho việc học tập của bạn.
Có khóa học VueJS quốc tế nào không?
Bạn có thể tham khảo một số khoá học VueJS từ các cơ sở đào tạo uy tín như Udemy, Scrimba, freeCodecamp,… được gợi ý bên dưới:
- Udemy: Vue.js Essentials – 3 Course Bundle
- Udemy: Complete Vue.js 3 (Inc. Composition API, Vue Router, Vuex)
- Scrimba: Learn Vue
- freeCodeCamp: Learn VueJS – Full Course for beginner
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo các khóa học sau:
- Vue Mastery: https://www.vuemastery.com/
- Vue School: https://vueschool.io/
Tổng kết
Khi chọn học VueJS tức là bạn đã chọn một frameworks rất tuyệt vời làm “bệ đỡ” cho sự nghiệp lập trình của mình. Giờ đây, việc của bạn chính là chuyên tâm tìm hiểu kiến thức, tăng thời gian thực hành để có kinh nghiệm thực chiến. Với một hệ sinh thái và cộng đồng lớn, nguồn tài liệu học tập rất đầy đủ và chi tiết, chắc chắn bạn sẽ sớm chinh phục được lộ trình học VueJS phía trên.