Git là một hệ thống quản lý phiên bản phân tán (Distributed Version Control Systems) được sử dụng một cách rộng rãi trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ngày nay Git đã trở thành một thành phần không thể thiếu trong các dự án phát triển phần mềm. Chính vì vậy, nếu bạn muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực IT, học Git là một trong những bước đầu không thể thiếu.
Đọc bài viết này để hiểu thêm về:
- Khái niệm về Git và lợi ích của việc học Git
- Lộ trình học Git từ cơ bản đến nâng cao
- Một số tài liệu học Git
Git là gì?
Git là một hệ thống quản lý phiên bản phân tán (Distributed Version Control Systems) được sử dụng để theo dõi các thay đổi trong mã nguồn của dự án. Git giúp nhiều lập trình viên có thể cộng tác trên cùng một dự án một cách hiệu quả và quản lý các phiên bản của hệ thống một cách khoa học.
Chức năng chính của Git bao gồm:
- Theo dõi lịch sử thay đổi của mã nguồn, cho phép quay lại các phiên bản cũ hoặc điều tra lịch sử.
- Git cho phép tách nhánh dễ dàng để thử nghiệm hoặc phát triển tính năng mới mà không ảnh hưởng đến nhánh chính (main/master), sau đó có thể hợp nhất tính năng vào nhánh chính để phát hành.
- Lưu trữ mã nguồn phân tán, mỗi người tham gia vào dự án git đều có một bản sao đầy đủ của lịch sử dự án.
Xem thêm các nội dung giới thiệu chi tiết về Git qua bài viết Git là gì: Định nghĩa, Thuật ngữ cơ bản và Cách cài đặt
Vì sao nên học Git?
Ngày nay, Git đã trở thành một công cụ phổ biến trong hầu hết các dự án phát triển phần mềm. Vì vậy, việc học Git sẽ mang lại rất nhiều lợi ích quan trọng như:
- Quản lý mã nguồn hiệu quả: Việc sử dụng thành thạo Git sẽ giúp bạn theo dõi được thay đổi trong mã nguồn và xử lý các tình huống có thể xảy ra trong quá trình làm việc.
- Nâng cao chất lượng làm việc nhóm: Git cho phép nhiều lập trình cùng cộng tác trong một dự án mà không gây ảnh hưởng lẫn nhau, rút ngắn thời gian hợp nhất mã nguồn và giảm thiểu xung đột.
- Tách biệt luồng phát triển tính năng mới hay kiểm thử mà không làm ảnh hưởng đến nhánh chính, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định.
- Tiết kiệm thời gian: Các thao tác như merge, pull, push được thực hiện nhanh chóng giúp tiết kiệm thời gian so với các thao tác hợp nhất, đẩy code truyền thống.
- Nâng cao khả năng tìm việc: Hầu hết các công ty công nghệ và dự án mã nguồn mở đều sử dụng Git cùng với các nền tảng như GitHub, GitLab, hoặc Bitbucket. Vì vậy, kỹ năng làm việc với Git là yêu cầu cần phải có.
Sau đây là lộ trình học Git chi tiết:
Những khái niệm quan trọng trong Git
Branch | Branch là một con trỏ di động, trỏ đến một commit cụ thể trong lịch sử phiên bản của dự án. Branch có thể thêm commit mới và những thay đổi trên branch này sẽ không ảnh hưởng đến các branch khác |
Commit | Mỗi commit là một “ảnh chụp” (snapshot) của mã nguồn tại một thời điểm cụ thể, lưu lại các thay đổi và được gắn với một thông điệp mô tả nội dung của thay đổi. |
Checkout | Lệnh dùng để chuyển đổi giữa các nhánh hoặc các phiên bản cụ thể có trong repository |
Head | Đại diện cho commit mới nhất trong nhánh làm việc hiện tại. Khi có một commit mới được tạo ra, HEAD sẽ trở thành commit đó. |
Merge | Kết hợp các thay đổi từ nhánh này vào một nhánh khác bằng cách hợp nhất lịch sử commit, thường sẽ tạo ra một commit mới với nội dung kết hợp trong nhánh được merge |
Rebase | Khác với Merge, tuy nhiên Rebase sẽ sắp xếp lại các commit từ hai nhánh theo hướng tuyến tính để hợp nhất 2 nhánh, và không tạo ra commit Merge |
Conflict | Là xung đột giữa các thay đổi trên cùng một tập tin khi tiến hành hợp nhất các nhánh |
Push | Cập nhật các commit mới từ kho lưu trữ cục bộ đến kho lưu trữ từ xa |
Fetch | Lấy các commit thay đổi từ kho lưu trữ từ xa nhưng không tiến hành hợp nhất với nhánh đang làm việc |
Pull | Là sự kết hợp giữa fetch và merge đối với nhánh đang làm việc |
Tag | Đánh dấu một phiên bản cụ thể của dự án, có thể sử dụng Checkout để chuyển đến phiên bản này. Thường được sử dụng để phát hành các phiên bản chính thức của phần mềm |
Các thao tác cơ bản khi làm việc với Git
Git cung cấp rất nhiều câu lệnh và công cụ để làm việc với mã nguồn, dưới đây là các cú pháp cơ bản thường được sử dụng:
- Khởi tạo kho lưu trữ Git: Git init, Git clone, Git config
- Quản lý file và thư mục: Git status, Git add, Git rm
- Làm việc với Branch: Git branch, Git checkout, Git switch
- Stage và Commit: Git stash, Git commit
- Chia sẻ Repository và làm việc nhóm: Git remote, Git push, Git fetch, Git merge, Git rebase, Git pull, Git push
- Kiểm tra lịch sử thay đổi: Git log, Git diff
- Hoàn tác commit: Git reset, Git revert
Bạn có thể tìm hiểu chi tiết về các câu lệnh này tại bài viết Tổng hợp 20+ các lệnh Git cơ bản cần biết
Một số thao tác nâng cao trong Git
Git merge vs Git rebase
Git merge và Git rebase là hai kỹ thuật quan trọng trong Git, được sử dụng để hợp nhất các thay đổi giữa các nhánh. Tuy nhiên, mỗi kỹ thuật có cơ chế hoạt động và mục đích sử dụng riêng biệt, phù hợp với các tình huống khác nhau. Dưới đây là bảng so sánh chi tiết giữa hai phương pháp:
Tiêu chí | Git merge | Git rebase |
Cú pháp | git merge <tên nhánh> | git rebase <tên nhánh> |
Lịch sử commit | Không làm thay đổi thứ tự các commit ban đầu, chỉ thêm một commit merge mới (nếu cần) | Sắp xếp lại thứ tự các commit, đưa các commit của nhánh hiện tại lên đầu lịch sử của nhánh mục tiêu, tạo lịch sử tuyến tính |
Merge commit | Có thể tạo ra commit merge (khi thực hiện Three-way merge) | Không tạo commit merge, các commit được “ghép” trực tiếp vào nhánh mục tiêu |
Xử lý xung đột | Xử lý xung đột một lần duy nhất trong quá trình merge | Có thể cần xử lý xung đột nhiều lần, tương ứng với từng commit trong quá trình rebase. |
Trường hợp sử dụng | Khi cần giữ lại thông tin nguồn gốc commit của các nhánh | Phù hợp khi muốn làm gọn gàng lịch sử commit, tạo cảm giác liền mạch, dễ theo dõi |
Ưu điểm chính | Dễ sử dụng, giữ lại sự minh bạch về mối quan hệ giữa các nhánh | Lịch sử trở nên sạch sẽ, dễ đọc hơn trong các dự án lớn, giúp theo dõi các thay đổi dễ dàng hơn |
Nhược điểm | Nên sử dụng khi làm việc trong nhóm để giữ được toàn bộ lịch sử phát triển | Tránh rebase trên các nhánh đã được chia sẻ công khai để tránh làm gián đoạn công việc của người khác |
Tham khảo thêm nội dung chi tiết về Git merge và Git rebase.
Git Cherry-pick
Git cherry-pick là một lệnh trong Git cho phép bạn áp dụng một commit cụ thể từ một nhánh này sang một nhánh khác, mà không cần hợp nhất toàn bộ lịch sử của nhánh nguồn. Nó giúp bạn chọn lọc một hoặc một vài commit riêng lẻ để áp dụng vào nhánh hiện tại.
Cú pháp cơ bản:
git cherry-pick <commit hash>
Một số tình huống sử dụng:
- Khi cần áp dụng một sửa lỗi quan trọng từ nhánh phát triển sang nhánh chính (main) mà không kéo theo các thay đổi khác.
- Khi muốn di chuyển các commit cụ thể từ một nhánh tính năng (feature branch) sang nhánh khác mà không hợp nhất toàn bộ nhánh.
Tham khảo thêm về ví dụ sử dụng Git Cherry-pick.
Git reset vs Git revert
Git reset và Git revert là hai lệnh quan trọng trong Git, được sử dụng để hoàn tác các thay đổi trong repository. Mặc dù đều có mục đích chung là quay lại trạng thái trước đó, nhưng cơ chế hoạt động và mục đích sử dụng của chúng lại hoàn toàn khác nhau. Dưới đây là sự khác biệt chi tiết:
Tiêu chí | Git reset | Git revert |
Cú pháp | git reset <options> <commit> | git revert <commit> |
Cơ chế hoạt động | Hoàn tác commit bằng cách thay đổi lịch sử và di chuyển con trỏ HEAD về commit chỉ định | Tạo một commit mới với nội dung đảo ngược so với commit cần hoàn tác, giữ nguyên lịch sử |
Thay đổi lịch sử commit | Thay đổi lịch sử commit bằng cách xóa bỏ commit khỏi lịch sử | Giữ nguyên lịch sử commit, chỉ bổ sung thêm một commit mới để hoàn tác thay đổi |
Thay đổi Staging Area, Working Directory | Có thể làm thay đổi tùy thuộc vào cơ chế sử dụng | Không làm thay đổi |
Phạm vi sử dụng | Chỉ nên sử dụng ở nhánh cục bộ, chưa được đẩy lên remote repository để tránh ảnh hưởng đến người khác | An toàn khi sử dụng trên remote repository, đặc biệt trong môi trường làm việc nhóm |
Trường hợp sử dụng | Xóa hoàn toàn commit khỏi lịch sử và không lưu lại dấu vết | Khi cần hoàn tác commit nhưng vẫn giữ nguyên lịch sử để đảm bảo tính minh bạch |
Tham khảo thêm nội dung chi tiết về Git reset và Git revert
Chỉnh sửa lịch sử commit
Trong quá trình làm việc, đôi khi nội dung trong commit không đúng như mong muốn. Để khắc phục điều này, Git cung cấp các công cụ giúp chỉnh sửa commit, nhằm đảm bảo lịch sử commit trở nên rõ ràng, gọn gàng và dễ hiểu:
git commit –amend
Git commit –amend là một lệnh trong Git dùng để chỉnh sửa commit cuối cùng. Thay vì tạo một commit mới, lệnh này cho phép bạn thay đổi nội dung hoặc thông tin commit gần nhất trong lịch sử, giúp sửa lỗi hoặc bổ sung nội dung một cách nhanh chóng.
Cú pháp cơ bản:
git commit --amend
Các trường hợp sử dụng:
- Chỉnh sửa thông điệp của commit
- Bổ sung thêm tập tin
- Xóa bỏ tập tin không cần thiết
git rebase -i
Git rebase -i là một chức năng mạnh mẽ cung cấp nhiều tùy chọn linh hoạt để chỉnh sửa lịch sử commit. Những chức năng chính của nó bao gồm:
- Thay đổi thứ tự commit
- Thay đổi nội dung hoặc thông điệp commit
- Gộp commit (squash)
- Xóa commit không mong muốn
Cú pháp chung:
git rebase -i <base>
Trong đó:
- <base> là phạm vi commit cần được thao tác
- HEAD~n: bắt đầu từ commit đứng trước n commit gần nhất và thao tác trên n commit gần nhất.
- <commit-hash>: bắt đầu từ commit ngay sau commit có hash này và thao tác trên tất cả các commit từ đó đến HEAD
Các trường hợp sử dụng:
- Thay đổi thứ tự các commit
- Thay đổi nội dung commit
- Gộp commit
- Xóa commit
Tham khảo thêm về cách dùng và ví dụ sử dụng git commit –amend và git rebase -i tại đây.
Khôi phục dữ liệu bằng Git reflog
Git reflog là một tệp nhật ký tham chiếu (reference log) lưu trữ danh sách theo thứ tự thời gian của tất cả các thay đổi đã được thực hiện đối với con trỏ HEAD trong repository Git của bạn.
Nhờ đó, bạn có thể khôi phục dữ liệu đã mất, chẳng hạn như commit bị xóa hoặc lịch sử bị thay đổi sau lệnh reset hoặc rebase.
Cú pháp cơ bản:
Git reflog
Các trường hợp sử dụng:
- Hiển thị lịch sử các thay đổi của HEAD
- Hoàn tác hành động reset –hard hoặc hợp nhất (merge, rebase)
- Khôi phục commit đã bị mất
- Khôi phục nhánh bị xóa
Git workflow
Git workflow là một quy trình làm việc hoặc phương pháp tổ chức việc sử dụng Git trong quản lý mã nguồn. Workflow cung cấp quy trình rõ ràng cho việc tạo nhánh, hợp nhất (merge), và triển khai (deployment), giúp giảm thiểu xung đột và đảm bảo mã nguồn ổn định, giúp hỗ trợ các nhóm phát triển phần mềm làm việc hiệu quả và đồng bộ.
Một số loại workflow phổ biến:
Tiêu chí | Centralized | GitHub Flow | Feature Branch | Gitflow | Forking |
Cấu trúc | Chỉ sử dụng nhánh main | Nhánh main và các nhánh feature ngắn hạn | Nhánh main, develop và các nhánh feature ngắn hạn | Có nhiều nhánh với vai trò khác nhau: main, develop, feature, release, hotfix | Mỗi người có kho riêng (local + server fork) |
Mức độ kiểm soát | Thấp, không hỗ trợ tách biệt phát triển tính năng. | Trung bình, dựa vào pull request để kiểm soát | Cao, các tính năng được cô lập hoàn toàn trong nhánh feature | Rất cao, phân chia rõ ràng các giai đoạn phát triển, từ tính năng đến phát hành và sửa lỗi | Cao, tách biệt kho lưu trữ chính, đảm bảo tính độc lập cho từng người phát triển |
Độ phức tạp | Cực kỳ đơn giản, phù hợp cho người mới | Đơn giản, dễ triển khai | Phức tạp hơn một chút khi có thêm nhánh feature | Phức tạp nhất với nhiều loại nhánh khác nhau. | Phức tạp trong quản lý pull request từ nhiều kho khác nhau |
Tích hợp CI/CD | Hạn chế, không tối ưu | Đáp ứng tốt, nhánh main luôn sẵn sàng triển khai | Đáp ứng tốt, dễ dàng để triển khai CI/CD | Hỗ trợ tốt cho CI/CD trong phát triển dài hạn | Không hỗ trợ trực tiếp, tùy vào pull request |
Xung đột mã | Tỉ lệ xung đột cao vì tất cả thay đổi đều thực hiện trên nhánh main | Tỉ lệ xung đột thấp do nhánh feature tách biệt và thời gian tồn tại ngắn | Tỉ lệ thấp, nhánh feature được cô lập, nhưng có thể xảy ra xung đột khi hợp nhất vào develop | Tỉ lệ xung đột có thể cao với các nhánh dài hạn như feature hoặc khi tích hợp nhiều thay đổi lớn | Tỉ lệ thấp, mã cá nhân không ảnh hưởng đến kho chính, giảm thiểu xung đột khi hợp nhất |
Chu kỳ phát hành | Không có chu kỳ, phát hành trực tiếp ở main | Không có chu kỳ rõ ràng, thích hợp cho phát triển nhanh và liên tục | Phụ thuộc vào quy trình phát hành riêng của nhóm | Có chu kỳ rõ ràng, nhánh release và hotfix phù hợp với các thời điểm phát hành riêng | Không phù hợp để phát hành theo chu kỳ, thường sử dụng cho dự án mã nguồn mở |
Tính phù hợp | Dự án nhỏ, cá nhân, hoặc dành cho người mới bắt đầu làm quen với Git | Dự án nhỏ, phát triển tính năng liên tục | Dự án vừa và lớn, cần kiểm soát chất lượng mã | Dự án lớn, có chu kỳ phát hành định kỳ | Dự án mã nguồn mở, có nhiều cộng tác viên độc lập |
Tham khảo thêm về các loại Git workflow và trường hợp sử dụng.
Một số tips hữu ích khi học Git
Học Git là một bước quan trọng để tham gia vào các quy trình phát triển phần mềm hiện đại, đặc biệt đối với các lập trình viên. Để nắm vững về Git, bạn cần hiểu rõ về lý thuyết, cơ chế hoạt động cũng như cần thực hành thường xuyên và áp dụng vào thực tế. Dưới đây là một số gợi ý hữu ích giúp bạn học Git hiệu quả hơn:
- Sử dụng các tài liệu chính thống về Git và các câu lệnh trong Git
- Hiểu rõ được bản chất của Git và các khái niệm cơ bản trong Git
- Tham gia các khóa học uy tín về Git để nâng cao kỹ năng
- Kết nối với cộng đồng sử dụng Git trên các nền tảng như Github, Stack overflow,.. để chia sẻ và học hỏi các kỹ năng xử lý vấn đề trong Git
- Thường xuyên luyện tập cú pháp và áp dụng vào dự án thực tế
Tài liệu học Git
Trang web học Git
Hiện nay có rất nhiều tài liệu chia sẽ kiến thức về Git, tuy nhiên có nhiều tài liệu có thể đã lỗi thời hoặc chưa được kiểm chứng tính xác thực, vì vậy việc lựa chọn nguồn tài liệu tham khảo vô cùng quan trọng.
Sau đây là một số nguồn tài liệu uy tín về Git:
- Tài liệu từ trang chính thức của Git: https://git-scm.com/docs
- Sách Pro Git: https://git-scm.com/book/en/v2
- Các trang web, blog: ITviec, Atlassian, W3School
- Các video hướng dẫn: freeCodeCamp, Traversy Media
Một số khoá học Git
Việc lựa chọn các khóa học Git từ những nguồn uy tín không chỉ giúp bạn nắm bắt kiến thức quan trọng mà còn mang lại các chứng chỉ công nhận kỹ năng. Dưới đây là một số khóa học phổ biến:
Khóa học | Chi phí | Thời lượng | Trình độ |
Git from Basics to Advanced: Practical Guide for Developers | Có | 10.5 giờ | Từ Cơ bản đến Nâng cao |
The Git & Github Bootcamp | Có | 17 giờ | Cơ bản |
Git & GitHub For Beginners – Master Git and GitHub | Có | 9.5 giờ | Cơ bản |
Git Complete: The definitive, step-by-step guide to Git | Có | 6 giờ | Nâng cao |
Learn GIT In depth with BitBucket- Practical work flows | Có | 6.5 giờ | Nâng cao |
GIT: Advanced commands | Có | 4.5 giờ | Nâng cao |
Thực hành Git
- Tạo dự án cá nhân: Bắt đầu một dự án nhỏ, áp dụng các lệnh Git như clone, branch, commit, và merge để làm quen.
- Đóng góp vào dự án mã nguồn mở: Tham gia các dự án trên GitHub hoặc GitLab để hiểu cách sử dụng Git trong môi trường thực tế.
- Sử dụng công cụ mô phỏng Git:
- Learn Git Branching: Công cụ trực quan giúp bạn thực hành các thao tác như branch, merge, rebase.
- Oh My Git!: Một trò chơi giúp bạn học Git thông qua các nhiệm vụ thú vị.
- Thực hành hàng ngày: Áp dụng Git trong công việc hoặc dự án cá nhân, học cách quản lý nhánh, xử lý xung đột, và tối ưu lịch sử commit.
Các câu hỏi thường gặp về lộ trình học Git
Có cần học Github trong lộ trình học Git hay không?
Github là một trong những nền tảng quản lý mã nguồn phổ biến trên thế giới, được xây dựng dựa trên Git. Github cung cấp nhiều tính năng mạnh mẽ như Pulk Request, Code review, branch management giúp quy trình làm việc với Git được nâng cao.
Vì vậy, việc học Github trong lộ trình học Git là điều cần thiết để nâng cao kỹ năng và cơ hội việc làm dành cho bạn.
Làm thế nào để quản lý nhánh hiệu quả trong Git?
Branching là tính năng nổi bật và mạnh mẽ trong Git. Nó giúp phân tách các luồng phát triển mã nguồn. Để phát huy hiệu quả khả năng của Git branch, bạn cần:
- Tạo nhánh riêng biệt cho từng tính năng hoặc sửa lỗi (tùy vào Workflow đang áp dụng)
- Sử dụng quy tắc đặt tên nhánh rõ ràng
- Thường xuyên cập nhật nhánh từ remote repository và hợp nhất nhánh khi hoàn thành thay đổi
- Lựa chọn phương pháp hợp nhất nhánh phù hợp với nhu cầu
Làm thế nào để học Git thông qua việc thực hành?
Để thực hành việc học Git, bạn có thể tạo một dự án cá nhân hoặc tham gia vào một dự án mã nguồn mở. Thực hành các câu lệnh cơ bản thường xuyên được sử dụng như git branch, commit, pull, push,.. đến các câu lệnh nâng cao hơn như rebase, merge, revert, reset,..
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các công cụ trực quan như Learn Git Branching hoặc Oh My Git!.
Tổng kết
Git là một công cụ quản lý mã nguồn mạnh mẽ và phổ biến bật nhất hiện nay. Việc nắm vững kiến thức về Git sẽ nâng cao chất lượng làm việc nhóm và tăng cơ hội nghề nghiệp cho lập trình viên. Với lộ trình học Git mà ITViec cung cấp, hi vọng bạn có thể xây dựng một kế hoạch học tập chi tiết và hiệu quả nhất cho bản thân, từng bước làm chủ công cụ tuyệt vời này.