Đọc bản tiếng Anh tại đây.
Thuật ngữ “lãnh đạo phục vụ” lần đầu xuất hiện trong cuốn “The Servant as a Leader” (1970) của Robert K. Greenleaf. Sau đó, nó trở thành phương pháp lãnh đạo được áp dụng rộng rãi.
Vậy phương pháp này thể hiện thế nào trong một công ty IT? Sếp IT sẽ được lợi gì khi áp dụng chiến lược này? Cùng tìm hiểu qua bài phỏng vấn dưới đây với anh Arturo Locsin – Head of Ninja Van Tech Lab Việt Nam.
Giới thiệu về anh Arturo Locsin
Arturo Locsin có xuất phát điểm là Kỹ sư phần mềm ở mảng fintech và chương trình CSR của IBM tại Philippines. Năm 2011, anh đến Việt Nam “đầu quân” cho Audience Media – một start-up về mediatech, trải qua nhiều vai trò tại đây trong 8 năm. Đến 2019, anh trở thành Head of Tech Lab Việt Nam của Ninja Van – một start-up Singapore về logi-tech.
Có nền tảng về Khoa học máy tính và Kỹ thuật phần mềm, Arturo quyết định chuyển hướng sang mảng Quản lý sản phẩm. Kinh nghiệm của Arturo sẽ hữu ích cho những ai đang đóng vai trò lãnh đạo trong quản lý sản phẩm hoặc quản lý kỹ thuật.
Arturo luôn ủng hộ mạnh mẽ phong cách Lãnh đạo phục vụ trong suốt sự nghiệp IT của mình. ITviec đã có một cuộc trò chuyện thú vị với anh ấy về chủ đề này, tại một quán cà phê ở quận 10, gần văn phòng của Ninja Van.
“Hãy là một nhà lãnh đạo phục vụ nếu bạn muốn team mình phát triển và thành công đường dài. Thay vì thúc ép họ đạt mục tiêu của công ty, tốt hơn hết là bạn thấu hiểu và sắp xếp điểm mạnh, tính cách và động lực của mỗi người phù hợp với từng mục tiêu và giúp họ đạt được mục tiêu đó.”
Arturo Locsin – Trưởng phòng Công nghệ Ninja Van ở Việt Nam
Sếp IT làm “lãnh đạo phục vụ” như thế nào?
Anh hiểu gì về “lãnh đạo phục vụ”? Phong cách này thể hiện thế nào trong công việc của anh?
Arturo: Đối với tôi, lãnh đạo kiểu phục vụ nghĩa là trao quyền cho team, để họ tự quyết định cách hoàn thành công việc. Nó còn thể hiện ở việc hỗ trợ mọi thứ trong khả năng để team đạt được thành công, từ cung cấp công cụ, môi trường phù hợp, cho đến loại bỏ trở ngại và kết nối họ với những người có thể giúp đỡ. Lãnh đạo phục vụ để nâng cao chất lượng cả team, không phải riêng người lãnh đạo.
Tôi tin rằng, lãnh đạo phục vụ sẽ giúp các cá nhân trong team phát huy tiềm năng nhiều hơn. Nếu liên tục bị chỉ định cách làm việc, họ sẽ không cảm thấy có trách nhiệm với kết quả như khi họ là người trực tiếp đề ra quy trình và giải pháp.
Khi mở Tech Lab tại Việt Nam, Cheehan Tee (VP of Engineering tại Ninja Van) đã cho tôi tự quyền quyết định cách điều hành văn phòng. Anh ấy cũng liên tục cho tôi lời khuyên và kết nối tôi với những người sẵn sàng giúp đỡ. Điều đó khiến tôi cảm nhận rõ quyền tự chủ với công việc, nhờ đó, tôi muốn làm được nhiều hơn cho công ty.
Cách tốt nhất để áp dụng phương pháp “lãnh đạo phục vụ” là gì?
Arturo: Không có cách nào đúng cho mọi trường hợp, bạn nên lãnh đạo theo tình huống. Ví dụ, có người thích được hướng dẫn tỉ mỉ hơn là tự làm. Hoặc một số người không cố gắng làm “tốt nhất có thể” mà chỉ cần mức “đủ tốt”.
Tôi thường tìm hiểu các mặt khác nhau của một người – như vị trí sự nghiệp, tính cách, suy nghĩ, thậm chí là cuộc sống cá nhân của họ. Từ đó, tôi điều chỉnh cách tiếp cận và từ từ giao quyền tự chủ công việc cho họ theo một lộ trình phù hợp.
Anh sẽ làm gì khi team không muốn hoạt động “hết công suất”?
Arturo: Tôi có một câu yêu thích từ Antoine de Saint-Exupéry (tác giả của Hoàng tử bé) là: “Nếu bạn muốn đóng một con tàu, đừng chia nhân lực ra rồi cử họ vào rừng đốn gỗ. Thay vào đó, hãy dạy họ khát khao về biển cả bao la”.
Truyền cảm hứng và thúc đẩy team là điều quan trọng mà lãnh đạo nên làm. Không ai muốn làm một công việc vô nghĩa cả. Vì vậy, là người lãnh đạo, tôi cần truyền đạt rõ: TẠI SAO công việc của họ lại quan trọng? Việc họ làm tác động thế nào đến những người đang hưởng lợi từ sản phẩm? Thậm chí là cách chúng tôi đang đóng góp vào quá trình chuyển đổi số của thế giới.
Thúc đẩy động lực bên trong con người luôn tốt hơn so với bày ra các yếu tố lợi ích bên ngoài như lương, thưởng, văn phòng đẹp và có bàn bóng bàn.
Nhưng bạn phải tin vào điều đó trước. Nếu chính bạn không tin thì sao có thể thuyết phục team bạn tin, đúng không?
Lãnh đạo phục vụ khác gì so với lãnh đạo thống trị?
Arturo: Tôi nghĩ khác biệt nằm ở bước ra quyết định. Ra lệnh và kiểm soát tất nhiên sẽ mang đến kết quả nhanh hơn, vì tốn ít thời gian hơn để “quyết định”. Tuy nhiên, nếu bạn muốn có một team ổn định và hiệu suất lâu dài, thì lãnh đạo thống trị có lẽ không phù hợp, vì nó sẽ hạn chế sự phát triển và động lực của cả team.
Trong những trường hợp khẩn cấp, tôi cũng áp dụng lãnh đạo thống trị. Nhưng tôi không quen với điều đó và luôn cố gắng đảm bảo rằng, đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Câu nói có vẻ sáo rỗng nhưng thực sự đúng ở đây đó là: “Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng nhau.”
Ai đã cổ vũ anh trở thành “lãnh đạo phục vụ”?
Arturo: Tôi coi Andrew Duck, sếp của tôi tại Audience Media, là một trong những cố vấn đầu tiên của tôi về cách lãnh đạo.
Bài học ý nghĩa nhất mà anh nhận được từ người cố vấn đó về “lãnh đạo phục vụ” là gì?
Arturo: Có lần tôi và đồng nghiệp phải thuyết trình một giải pháp. Chúng tôi trình bày cho Andrew trước nhưng anh ấy phản hồi không tốt lắm. Nhưng vì không kịp sửa, chúng tôi cứ thế mang đi thuyết trình. Và Andrew vẫn bảo vệ giải pháp của chúng tôi 100% dù nó có thể khiến anh ấy mất mặt. Lúc đó, tôi cảm thấy được cổ vũ và thậm chí có thêm động lực làm tốt hơn lần sau.
Một lần khác, Andrew nói với tôi và các Tech lead sau một sự cố rằng: “Các anh nhìn tôi làm gì, tôi thuê các anh để làm việc đó. Tôi thuê những người thông minh, vì vậy hãy hợp lực và giải quyết xong chuyện đó đi”. Nó là một lời khiển trách, nhưng tôi không cảm thấy vậy. Tôi thấy rằng anh ấy tin tưởng vào khả năng của chúng tôi, biết rằng chúng tôi có thể làm tốt hơn. Và đúng là chúng tôi đã làm tốt hơn khi ấy.
Để cải thiện năng lực lãnh đạo, anh có những nguồn sách hoặc tài liệu nào?
Arturo: Khi tìm hiểu điều gì đó, tôi Google. Bất cứ thông tin nào tìm được, tôi đều sẽ kiểm chứng qua nhiều tài liệu khác nhau để đảm bảo độ tin cậy của thông tin.
Trên LinkedIn, tôi theo dõi một vài người mà mình từng gặp:
– Về khả năng lãnh đạo có Simon Sinek và John C.Maxwell.
– Về lãnh đạo kỹ thuật có Gergely Orosz, Henry Surawirawan (Tech Lead Journal).
– Về tính nhanh nhẹn có Mike Cohn (Mountain Goat Software) và Maarten Dalmijn.
– Cho rằng lãnh đạo cần kể chuyện giỏi, tôi học Nathan Baugh về cách kể chuyện và viết lách. Nếu có tranh luận trong phần comment, tôi theo dõi để hiểu thêm về các quan điểm khác nhau.
Về sách, tôi thích Thinking Fast And Slow của Daniel Kahneman. Nó giúp tôi suy nghĩ chín chắn hơn, dũng cảm thử thách và biết được mánh khóe mà bộ não đang đánh lừa mình.
Ngoài ra còn có cuốn Essentialism: The Disciplined Pursuit of Less của Greg McKeown, với bài học rút ra là “biết điều gì quan trọng với bạn và điều chỉnh cuộc sống phù hợp với ưu tiên đó”.
Đó là một phần trò chuyện rất thú vị về chủ đề “lãnh đạo phục vụ”. Cảm ơn anh rất nhiều, Arturo.
Vừa rồi chúng ta đã được hiểu thêm về Arturo với cương vị là một nhà lãnh đạo, cùng tìm hiểu xem Arturo với vai trò là một người làm IT sẽ như thế nào nhé!
Con đường từ Developer thành Quản lý sản phẩm của Arturo
Về sự nghiệp IT, Arturo cũng được xem là một “hình mẫu” trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Vì vậy, hãy tiếp tục với câu hỏi mang tính cá nhân một chút nhé!
Ba từ hoặc cụm từ mô tả chính xác nhất con người anh là gì?
Arturo: Từ đầu tiên là “ám ảnh” – khi có việc gì đó khiến tôi quan tâm hoặc thấy thú vị, tôi có thể làm việc đó nhiều và nhiều hơn nữa mà không thấy mệt.
Tôi thực sự tin vào nguyên tắc 80/20 hay “Pareto”, nó đã khiến tôi trở thành “Jack of all trades” (người đa năng). Câu đầy đủ là “Làm nhiều nghề, không chuyên nghề nào đôi khi lại tốt hơn làm bậc thầy của một nghề”.
Và từ cuối cùng là hợp lực. Tôi tin rằng mỗi cá nhân đều có hiểu biết và năng lực lớn hơn những gì thể hiện bên ngoài. Khi trải nghiệm đủ với nhiều ngành nghề, tôi có thể nhận biết cơ hội từ nhiều phía, và có thể kết hợp chúng với tiềm năng của mỗi người.
Con đường nào đã đưa anh đến với sự nghiệp IT hiện giờ?
Arturo: Tôi bắt đầu làm quen với máy tính và Internet vào 1996 tại các quán cà phê internet. Tôi sử dụng Yahoo! Search để phục vụ niềm đam mê khi đó là Animé. Lúc đó tôi là Otaku đấy. Năm 1998, chú tôi mua một chiếc máy tính ở nhà, từ đó tôi nghiện các trò chơi như Half-life, Counter-Strike, và bắt đầu biết scripting và modding cơ bản.
Ở lớp Tin học trong trường, tôi được làm quen và say mê với các dự án lập trình cơ bản. Tôi thích code đến nỗi đã làm ra nhiều phiên bản của cùng một dự án và bán chúng cho các bạn cùng lớp. Số tiền kiếm được từ việc đó tôi dùng để chơi Counter-Strike.
Tình yêu với lập trình và game khiến tôi chọn học ngành Khoa học Máy tính, với mong muốn trở thành game developer. Mối quan tâm của tôi dần chuyển sang A.I. vào năm cuối đại học. Khi đó, nhóm làm luận của tôi đã triển khai thuật toán máy học có giám sát vào một máy Warcraft I mã nguồn mở, chúng tôi điều chỉnh để nó giống Dota và làm cho các “creep” (nhân vật điều khiển bằng máy tính) trở nên “thông minh” hơn.
Sau khi tốt nghiệp, tôi theo đuổi công việc liên quan đến A.I. với tư cách là một nhà phát triển ứng dụng desktop, làm việc với hệ thống đánh giá rủi ro tín dụng cho các ngân hàng. Tôi thích công việc ở đó, nhưng cảm thấy lương thưởng của việc làm ứng dụng cho doanh nghiệp không tương xứng như làm ứng dụng cho người dùng.
Vì vậy, tôi bắt đầu làm cả các dự án web cá nhân và freelance, điều đó khiến tôi thấy thích thú hơn vì nhìn thấy công việc của mình tiếp cận được nhiều người hơn.
Tại sao anh quyết định chuyển hướng sang mảng Quản lý sản phẩm?
Arturo: Tôi đã trải nghiệm môi trường start-up khá vững ở Audience Media. Là web developer nhưng tôi đã làm nhiều việc khác như: thu thập yêu cầu, triển khai dự án, hỗ trợ khách hàng, quản lý dự án, scrum master, quản lý kỹ thuật, lộ trình,…
Khi đó, tôi cũng được trò chuyện với các bộ phận khác để thấu hiểu nhu cầu, lộ trình và xử lý công việc tồn đọng của họ, và tôi nhận ra mình thích công việc đó hơn là quản lý kỹ thuật. Vì vậy, tôi đã hỏi sếp liệu tôi có thể chuyển sang làm technical product owner không, và ông ấy rất vui khi giúp tôi làm điều đó.
Bài học truyền cảm hứng từ Arturo Locsin
Cơ duyên nào đưa anh đến với Tech Lab của Ninja Van ở Việt Nam?
Arturo: Đó hoàn toàn là sự tình cờ! Tôi tham dự một event ProductTank ở TP.HCM với diễn giả là Head of Product của Ninja Van. Sau sự kiện, tôi có trò chuyện với anh ấy.
Vài tháng sau, anh ấy mời tôi ăn trưa với các thành viên khác trong team Product, và đó tiếp tục là một buổi nói chuyện thú vị.
Sau cùng, anh ấy giới thiệu tôi với Cheehan để bàn việc thành lập Tech Lab của Ninja Van ở Việt Nam. Tôi tự hào có kinh nghiệm làm việc với các kỹ sư tài năng và tự tin sẽ quảng bá Việt Nam là một “miền đất hứa”. Cuối cùng, tôi được mời ứng tuyển cho vị trí Trưởng phòng Công nghệ ở Việt Nam, và phần còn lại là lịch sử.
Tóm lại là, đừng coi thường tiềm năng của việc tham gia sự kiện, xây dựng mạng lưới quan hệ và kết nối với những người cùng chí hướng!
Những cú sốc văn hóa lớn nhất khi làm việc với đồng nghiệp đa quốc tịch là gì?
Arturo: Tôi không bị sốc văn hóa khi làm với người Việt vì văn hóa Philippines cũng có nét tương đồng. Cả hai đều có văn hóa thứ bậc và sự tôn trọng sâu sắc dành cho cấp trên hoặc người lớn tuổi hơn.
Còn trong môi trường đa quốc gia, bạn có thể gọi sếp bằng tên mà không cần kính ngữ. Ban đầu, tôi không thoải mái vì cảm thấy bị thiếu tôn trọng, nhưng tôi đã quen dần với điều đó. Nó cũng giúp tôi làm quen với môi trường làm việc mà tiếng nói của mọi người đều quan trọng, và chuyên môn mới là thứ được ghi nhận chứ không phải tuổi tác hay thâm niên.
Nói về tuyển dụng, để tìm được các chuyên gia IT tốt nhất cho team mình, tiêu chí trọng tâm của anh là gì?
Arturo: Tính tò mò và đam mê giải quyết vấn đề. Tôi thích làm việc với những người ám ảnh với những gì họ làm. Những ứng viên sau khi phỏng vấn mà vẫn tò mò về giải pháp hoặc chủ đề được nhắc đến sẽ là những người thu hút sự chú ý của tôi.
Anh có lời khuyên nào cho các chuyên gia IT muốn thăng tiến trong sự nghiệp?
Arturo: Nên học kiến thức từ sớm hơn là vào nghề mới học. Hãy chọn một môi trường mang đến cho bạn kinh nghiệm thực tế. Không gì có thể đánh bại cảm xúc yêu thích công việc và kinh nghiệm thực tế.
Và đừng chấp nhận những thứ tầm thường hoặc “đủ tốt”, đặc biệt là kỳ vọng về bản thân. Bạn luôn có thể làm nhiều hơn và đạt được nhiều hơn.
Cảm ơn anh, Arturo.
Cảm ơn ITviec.
Tổng kết
Hi vọng qua bài viết trên và câu chuyện thực tế từ sếp IT, bạn đã có thêm thông tin hữu ích cho riêng mình. Vậy nếu là một sếp IT, bạn sẽ áp dụng phong cách lãnh đạo nào? Và bạn muốn trở thành người sếp như thế nào? Đừng ngần ngại kể cho chúng tôi biết nhé.
Khám phá thêm các vị trí IT khác ở Ninja Van Vietnam Tech Lab tại đây.
Nếu bạn thấy bài viết trên thú vị và hữu ích, đừng quên chia sẻ với bạn bè và đồng nghiệp nhé!