Làm Product Manager chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Làm Game Product Manager thì càng khó nhằn hơn nữa. Hãy để PM game FaceDance Challenge kể bạn nghe nhé.

Để hiểu thêm về công việc của Game Product Manager và cách vận hành game, ITviec đã có buổi trò chuyện thân mật với anh Nguyễn Hoàng – Product Manager game FaceDance Challenge và lắng nghe những chia sẻ anh dành cho những Game Product Manager tương lai.

Game Product Manager (PM) là gì?

Làm Game Product Manager là làm gì?

Làm Game Product Manager thì dĩ nhiên là… quản lý sản phẩm game rồi. Về cơ bản thì game cũng là một sản phẩm phần mềm, cho nên làm PM cho game cũng giống như làm PM cho các sản phẩm khác.

Xem thêm: Product Manager là gì?

Theo anh Hoàng, sự khác biệt lớn nhất giữa làm PM cho sản phẩm game có lẽ nằm ở chỗ: game đồng thời cũng là một sản phẩm nghệ thuật, nên làm công việc vận hành game có lẽ cũng cần đôi chút tính nghệ sĩ, và phải “cảm thụ” được game.

Ví dụ, vấn đề UX của game không chỉ là đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng cho người chơi. Mà còn phải có “game feeling”, từ những thứ nhỏ nhặt, chẳng hạn như khi đua xe thì phải có tiếng gió rít, tiếng động cơ gầm như thế nào…

Đối với game FaceDance Challenge, mình còn tham gia sâu hơn vào mảng business, cân nhắc các vấn đề chi phí, doanh thu và thiết kế. Mục đích để mang đến sự cân bằng giữa trải nghiệm người dùng với sự phát triển của sản phẩm, cũng như các mục tiêu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, FaceDance không phải dạng game cày cuốc level, mà là những màn chơi ngắn, nên cách phát triển sản phẩm cũng có phần khác biệt.

game product manager facedance challenge
FaceDance Challenge – tựa game đang làm mưa làm gió với hơn 8.4 triệu lượt tải trong vòng 4 tháng. (Hình ảnh từ CH Play).

Công việc cụ thể

Từ kinh nghiệm của mình, anh Hoàng chia sẻ rằng nhìn chung game PM sẽ phải đảm nhiệm những công việc chính như sau:

  • Quản lý nội dung game

PM trao đổi với đội ngũ Game Designer và Artist, để hiểu hết mọi concept, cũng như đảm bảo chất lượng của content game.

Ngoài ra, PM cũng trực tiếp tham gia thiết kế game. Theo anh Hoàng, game PM không nên thiết kế đến từng chi tiết, đó là công việc của Game Designer. Họ nên dừng ở cấp độ thiết kế concept, và nên chỉ chọn một mảng để tham gia, ví dụ như nhân vật, môi trường, hoặc tính năng.

Bản thân mình thường chọn thiết kế môi trường và các màn chơi (level) cho game. Mình tạo tài liệu, rồi đặt hàng cho Artist thực hiện.

  • Quản lý việc phát triển sản phẩm, bao gồm một núi công việc liên quan đến kỹ thuật

Bạn phải làm tất cả mọi việc.

Từ việc hỗ trợ các hệ máy x86, x64 cho đến tối ưu hóa bộ nhớ, performance của game, chất lượng đồ họa; rồi cả những việc back-end như load balance, lựa chọn database nào cho việc nào… Cộng thêm những việc như phân phối pre-release.

Bí quyết để vượt qua cửa ải này là: làm game PM thì cần có những tech lead giỏi (front-end, back-end…) hỗ trợ, để mình có thể tin tưởng, giao phó. Nhưng, dù vậy, PM vẫn cần phải nắm được những giải pháp nào đã lựa chọn, vì sao.

  • Quản lý chất lượng sản phẩm

PM cần làm việc chặt chẽ với team QA QC. Đôi khi, QA QC sẽ có mâu thuẫn với Dev, Game Designer, hoặc Artist, thì PM cần đứng ra hóa giải những mâu thuẫn ấy.

Ngoài ra, PM cần phải nắm được tiêu chuẩn phát hành của các platform. Ví dụ như Apple, Google họ quy định như thế nào về các vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ…

  • Quản lý sprint, product backlog

PM cần cân bằng giữa kế hoạch kinh doanh với trải nghiệm của người chơi, để từ đó xác định các cột mốc cho việc phát triển sản phẩm, số lượng content cũng như những tính năng nào thì cần hoàn thành/ra mắt tại thời điểm nào.

Hầu hết các công ty game đều sử dụng quy trình Scrum – Agile. Nếu trong team không có Scrum Master, thì PM cũng sẽ kiêm nhiệm vai trò này luôn. Bao gồm: thực hiện stand-up meeting, theo dõi tiến độ các hạng mục…

Xem thêm: Scrum Master là gì?

  • Những công việc quản lý khác

Như họp hành, báo cáo tiến độ cho stackholders, phỏng vấn và tuyển dụng ứng viên, đánh giá nhân viên.v.v…

Mình vẫn còn nhớ, lần đầu làm PM, mình rất stress vì ngập lụt trong những công việc dạng này. May thay, cuối cùng mình học được cách quản lý dự án trên một trang giấy nên đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian cũng như công sức.

Thách thức lớn nhất đối với người làm Game Product Manager

  • Thách thức lớn nhất là làm thế nào để kiếm được tiền, có lợi nhuận cao từ game

Để làm việc trong ngành game, dĩ nhiên bạn phải có đam mê. Đã đam mê, thì ai cũng thích làm ra game thật hay, thật cá tính, có nhiều người chơi. Nhưng tiếc rằng, không phải hễ gamer thích chơi là sẽ bỏ tiền ra nuôi game.

Hiện có một số mô hình kinh doanh phổ biến như: yêu cầu gamer trả tiền hàng tháng hoặc trả một lần để được chơi game, bán quảng cáo (đòi hỏi lượng user nhiều), hoặc bán các vật phẩm trong game…

  • Thách thức lớn thứ hai, chính là phải thu tiền sao cho khéo léo, để gamer vui vẻ trả tiền, chứ không phải bực bội, ức chế

Tuy nhiên, trước khi muốn làm những điều lớn lao hơn, game phải có lượng người chơi đông đảo trước đã. (Đặc biệt là với game online thì cộng đồng người chơi phải đủ mạnh để tạo ra sự cạnh tranh). Để chiều theo thị hiếu người chơi, nhiều công ty làm game thường cố gắng chạy thật nhanh để bắt trend.

  • Điều này gây nên thách thức tiếp theo: Nhiều khi làm nhanh quá thành ẩu, sản phẩm không tốt thì sẽ bị gamer tẩy chay

Mà làm game nắn nót, tỉa tót quá, thì có thể khi xong game, trend cũng qua mất rồi. Cái tài của người làm game PM chính là cân đối được hai yếu tố này, để làm ra sản phẩm vừa chất lượng lại vừa nhanh.

Những tố chất và kỹ năng cần có để trở thành Game Product Manager

Tố chất

  • Phải yêu game, đam mê nghề làm game

Anh Hoàng chia sẻ thẳng thắn rằng không biết các ngành nghề khác như thế nào, chứ một khi đã theo nghề làm game, nếu không yêu, không cảm thụ được game thì coi như hỏng. Và sớm hay muộn thì cũng sẽ rẽ sang hướng khác.

  • Phải có cái đầu phong phú, không ràng buộc

Vì như vậy, bạn mới có thể làm việc thuận lợi với đội ngũ Artist, Designer.

Kĩ năng

  • Thiết kế game

Bạn không nhất thiết phải thiết kế chi tiết như một game designer chuyên nghiệp, song phải có khả năng hình dung/thiết kế concept.

Để có kỹ năng này, cách đơn giản nhất là hãy chơi thật nhiều game, từ đó nghiên cứu, gạn lọc những cái hay của họ để học hỏi. Có khi là lối chơi (gameplay), vòng lặp (core-loop), hoặc cũng có thể đơn giản chỉ là một cái nút xác nhận.

  • Lập kế hoạch

Chí ít, bạn cần hình dung được về mặt sản phẩm thì cần phân chia ra thành những phần công việc gì, trình tự, quy mô/khối lượng ra sao…

Đặc biệt, các bạn Game Designer muốn chuyển hướng làm Game Product Manager thì nên chú trọng kĩ năng này. Bởi vì concept, design chỉ là bước khởi đầu, còn một sản phẩm thành hình hài và phát triển được phải dựa trên planning tốt.

  • Kiến thức về kỹ thuật cũng như kỹ năng quản lý dự án

Nếu phần này yếu, bạn vẫn có thể làm Game Product Manager – nhưng dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

Nếu kiến thức kĩ thuật không vững, bạn nên có các tech lead giỏi hỗ trợ.

Còn về kĩ năng quản lý dự án, mình nghĩ nên đi học các khóa chuyên nghiệp, ví dụ như PMI (chuẩn PMP) để ra quyết định tốt hơn.

  • Các kỹ năng mềm khác

Kĩ năng giao tiếp, đàm phán, tạo lập và duy trì mối quan hệ… là đòi hỏi tất yếu nếu bạn muốn thành công, dù ở bất cứ ngành nghề nào.

Tài liệu tham khảo cho Game Product Manager

Cuốn sách này giúp bạn có kiến thức nền tảng về thiết kế video game. Từ việc giải thích các khái niệm trong game như “hazards” là gì, đến việc camera nên đặt như thế nào tùy thuộc với thể loại game gì.

Cuốn thứ nhất đưa ra một cái nhìn toàn cảnh về xây dựng tổ chức hướng đến một mục tiêu. Cuốn thứ hai giúp ta đạt hiệu quả cao trên mỗi hành động/quyết định.

  • Khóa học dành cho PM: Quản lý dự án – PMI giúp hệ thống hóa quy trình phát triển dự án, đặc biệt hữu ích cho ngành CNTT và Xây dựng.
game product manager - pmi
PMI là khóa học quản lý dự án rất hữu ích cho Game Product Manager.
  • Những cuốn sách thiếu nhi đầy màu sắc và hình ảnh, giúp khơi gợi sáng tạo.

Ngoài ra, bạn cũng nên trang bị các phần cứng cho mình để có thể chơi/nghiên cứu game: PC, smartphone…

Xem thêm: 30+ tài liệu lập trình game hay

Game Product Manager trong ngành nói gì?

Với kinh nghiệm của mình, và cũng từ những sai lầm từng mắc phải, anh Hoàng đúc kết cho bản thân bốn bài học quan trọng nhất.

  • Không ngừng học hỏi

“If you are not learning, you are dying”. Sự học hỏi liên tục là cần thiết cho mọi ngành nghề, vị trí công việc.

Đặc biệt, với các vị trí quản lý, thì sự phát triển của cá nhân phải đáp ứng được sự phát triển của tổ chức. Khi công ty mở rộng quy mô hoặc phát triển bùng nổ, mà đội ngũ quản lý/lãnh đạo không theo kịp, thì việc bị loại bỏ là tất yếu.

  • Hiểu biết rộng

Theo anh quan sát, nhiều PM đi lên từ vị trí chuyên môn (đặc biệt là đi lên từ developer) thường sẽ có kiến thức rất chuyên sâu về một số lĩnh vực, nhưng lại không rộng. Trong khi đó, các vị trí quản lý đòi hỏi phải có tầm nhìn xa, hiểu biết rộng, đa kĩ năng.

Hiểu biết rộng đồng thời cũng giúp PM nhìn được vấn đề từ nhiều góc độ, lí giải được nguyên nhân sâu xa của từng sự việc.

Anh Hoàng đã từng “kinh” qua nhiều vị trí khác nhau, từ Developer, QA – QC Lead, Designer, đến Project Manager, Product Manager, và thậm chí cả Digital Marketer trong ngành game.

Theo anh, việc trải qua nhiều vị trí công việc giúp anh:

  1. Có cái nhìn toàn diện. Nhờ vậy, những trải nghiệm/kiến thức của mình có thể “thẩm thấu” vào sản phẩm tốt hơn, đặc biệt là về game play, thế giới quan, và game feeling.
  2. Hiểu công việc, cũng như những khúc mắc thường gặp của các vị trí, từ đó hỗ trợ các bạn tốt hơn.

Ví dụ như, hiểu được mong muốn, yêu cầu của các stackholders. Hoặc, khi dự án bị dừng lại thì hiểu được tại sao doanh nghiệp cần phải làm như vậy. (Thay vì quay ra trách móc bản thân, trách móc đồng nghiệp, trách móc công ty, trách móc thời thế…)

  • Chuyên nghiệp

“Chuyên nghiệp” thường được hiểu theo nghĩa: thực hiện công việc một cách chuẩn mực.

Ví dụ, bạn phải tập trung khi làm việc, phải luôn có sự phản hồi, phải phối hợp teamwork suôn sẻ…

Tuy nhiên, với mình thì “chuyên nghiệp” được hiểu theo nghĩa: bạn cần có sự am hiểu sâu sắc về lĩnh vực/ngành nghề đang làm việc. Đối với các vị trí PM, hoặc Director, thì sự “chuyên nghiệp” này lại càng cần thiết. Bởi lẽ, nếu không am hiểu về lĩnh vực mình đang làm, thì dù bạn có thực hiện các task nhỏ hoàn hảo đến đâu, tỉ lệ thất bại của sản phẩm cuối vẫn rất cao.

Bạn làm game, thì buộc phải am hiểu về game. Ví dụ, làm game mà không có gameplay, balance quá tệ, hoặc thậm chí không biết liệt vào dòng game nào.v.v… thì không chỉ lãng phí thời gian, cơ hội, tiền của, mà còn không học hỏi rút ra được gì – dù sản phẩm thành công hay thất bại.

  • Cứng rắn, quyết liệt để đảm bảo thành công cho sản phẩm

Anh Hoàng tâm sự về dự án Madzone ở công ty cũ. Đây là một trong những dự án game mà team anh rất phấn khởi để được làm.

Tuy nhiên, team anh Hoàng chỉ biết tập trung vào làm game, mà không chuẩn bị trước các kênh phát hành – marketing.

Bên cạnh đó, với vai trò PM, anh đã không đủ cứng rắn, quyết liệt để đòi hỏi cho bằng được sự hỗ trợ cũng như những điều kiện cần thiết để tăng xác suất thành công của sản phẩm.

Bởi vì, công ty lúc đó được tổ chức theo mô hình ma trận. Các phòng ban có đội ngũ nhân sự riêng, được quản lý bởi trưởng bộ phận. Khi có dự án, thì trưởng dự án sẽ “mượn” người từ các phòng ban.

Nhược điểm của mô hình này là: các cấp ngang quyền sẽ gây ảnh hưởng lên chất lượng dự án, song lại không chịu trách nhiệm. Và, việc phối hợp làm việc sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ “tình cảm” giữa trưởng dự án với các trưởng bộ phận.

Hậu quả thì, như đã có thể dự đoán trước.

Dĩ nhiên, một game thành hay bại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Song, với cương vị PM, anh vẫn luôn hối tiếc về những sai lầm kể trên.

Xem thêm: Trong lập trình game, chủ quan dễ phải trả giá đắt

lam-game-pm-nguyen-hoang-gianty
Anh Nguyễn Hoàng và đồng nghiệp tại công ty Gianty.

Tiểu sử:

Anh Nguyễn Hoàng tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế năm 2011. Anh bắt đầu sự nghiệp với vị trí Developer. Năm 2010, anh Hoàng gia nhập Gianty, và lần lượt trải qua các vị trí Game Developer, Team Leader, QA-QC Lead, Project Manager, Product Manager.

Đồng thời, anh cũng tham gia một số dự án của Gianty với vai trò Game Designer, Digital Marketer.

Hiện tại, anh Nguyễn Hoàng đảm nhiệm vị trí Product Manager của FaceDance Challenge (thuộc công ty Diffcat) – một tựa game đình đám với hơn 8.4 triệu lượt tải trong vòng 4 tháng.

Robby2

Nếu bạn nghĩ những chia sẻ này có thể giúp ích cho bạn bè hoặc đồng nghiệp, đừng quên nhấn nút Share bên dưới nhé!

Và đừng quên tham khảo việc làm Game Product Manager tại ITviec!