Kỹ sư cầu nối (BrSE) là người làm nhiệm vụ kết nối “team nhà” với khách hàng, đảm bảo hai bên thông hiểu nhau và việc hợp tác được suôn sẻ, thuận lợi. Họ cần tinh nhuệ để vừa độc lập tác chiến, vừa phối hợp tốt với đồng đội.
Đọc ngay bài phỏng vấn của ITviec với anh Nguyễn Văn Trọng, kỹ sư cầu nối của Hitachi Consulting để biết:
- Kỹ sư cầu nối là gì? Như thế nào là một kỹ sư cầu nối giỏi?
- Những kinh nghiệm xương máu trong nghề
- Con đường trở thành kỹ sư cầu nối
Tham khảo hàng trăm việc làm kỹ sư cầu nối tại ITviec.
Kỹ sư cầu nối là gì vậy anh?
Đúng như tên gọi, kỹ sư cầu nối là người kết nối “team nhà” với khách hàng, đảm bảo hai bên thông hiểu nhau và việc hợp tác được suôn sẻ, thuận lợi.
Muốn vậy, kỹ sư cầu nối là người phải theo dự án từ đầu tới cuối, phải nắm được mọi việc để có thể ứng phó kịp thời.
Ngoài cách gọi kỹ sư cầu nối, còn có cách viết khác là BrSE. BrSE (viết tắt của Bridge Software Engineer) là chức danh chỉ xuất hiện trong các công ty IT, thường là công ty outsourcing hoặc offshoring. Họ sẽ đóng vai trò trung gian thuê nhân lực từ nước khác để làm ra sản phẩm cho công ty khách hàng.
Nghề này chia làm nhiều nhánh, công việc cụ thể thay đổi tùy theo từng giai đoạn, quy mô, cũng như tính chất dự án. Nhưng nhìn chung, có thể hiểu như sau:
Bridge System Engineer (BrSE) = Developer + Business Analyst + Tester + Project Manager (PM)
Tại sao kỹ sư cầu nối lại là sự tổng hợp của nhiều vai trò như vậy?
Ở giai đoạn pilot (chào hàng), việc xây dựng ngay một team hùng hậu chuyên môn hóa cao là không thể/không cần thiết. Ngoài ra, mọi tài liệu đều phải bảo mật. BrSE sẽ làm từ A-Z: liên hệ khách hàng, phân tích yêu cầu, lên kế hoạch, trực tiếp code và test sản phẩm demo để chào hàng. Như vậy:
BrSE = BA + PM + Dev + Tester
Khi dự án chính thức triển khai, BrSE giám sát để đảm bảo team nhà thực hiện đúng yêu cầu, đạt kì vọng của khách. Đồng thời, báo cáo tiến độ, thương lượng với khách khi có vấn đề phát sinh. Lúc này:
BrSE = BA external + PM external + Hỗ trợ kĩ thuật nếu cần
Tham khảo lương ngành công nghệ thông tin theo từng vị trí
BA external, PM external, và hỗ trợ kĩ thuật cụ thể nghĩa là gì?
BA external và PM external là tên mình tạm đặt để phân biệt với vị trí BA, PM internal ở team nhà. Cụ thể:
Nghiệp vụ BA
Khi khách hàng đưa yêu cầu, BA external (BrSE) chỉ nắm các nội dung chính; còn phân tích chi tiết là nhiệm vụ của BA internal.
Xem thêm Business Analyst (BA) là gì?
Nghiệp vụ PM
PM internal quản lý team ở nhà, chia task và giám sát công việc cụ thể của từng người. PM external (BrSE) giám sát chung cả dự án để báo cáo cho khách hàng.
Xem thêm 3 bài học dành cho Project Manager
Nghiệp vụ kĩ thuật
Ví dụ có bug hoặc sự cố xảy ra, technical leader của team nhà sẽ chịu trách nhiệm đưa ra các phương án xử lý. Tuy nhiên, phương án nào được chọn là do khách hàng quyết định. BrSE sẽ:
- Tiếp nhận các phương án xử lý từ đội nhà.
- Trao đổi với khách hàng để đưa ra quyết định.
- Truyền đạt quyết định này cho đội nhà thực hiện.
Hoặc, ví dụ khách hàng muốn làm thêm chức năng, BrSE:
- Tiếp nhận yêu cầu từ khách hàng
- Họp với team nhà để đưa ra các phương án
- Phân tích rủi ro, tư vấn lựa chọn cho khách hàng.
Như vậy, để làm tốt công việc của mình, BrSE buộc phải có kiến thức và kĩ năng tổng hợp như nêu trên.
Xem thêm Làm sao để trở thành Technical Lead
Anh Nguyễn Văn Trọng hiện đang là onsite lead tại Hitachi Consulting.
Kỹ sư cầu nối là người đại diện cho khách hàng?
BrSE là “điệp viên hai mang” thì đúng hơn (cười).
Khi đưa yêu cầu cho đội nhà, BrSE đóng vai trò người đại diện cho khách hàng.
Tuy nhiên, khi có vấn đề phát sinh, BrSE lại đóng vai trò người đại diện của team nhà để thương lượng/thuyết phục khách hàng.
Hiểu (team) mình, hiểu (team) người, biết cách cân bằng lợi ích của hai bên để win-win là trách nhiệm của một BrSE.
Vị trí kỹ sư cầu nối chỉ có trong công ty outsourcing? Chỉ làm với khách hàng Nhật?
Đúng và sai.
Đúng vì: kỹ sư cầu nối là công việc đặc thù chỉ có trong các công ty outsourcing. Tuy nhiên, tùy tính chất từng dự án, bạn vẫn có cơ hội tham gia vào các giai đoạn khác nhau của một product (ví dụ, phát triển product từ đầu, hoặc chỉ maintain, migrate.v.v…)
Sai vì: ở Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư cầu nối tiếng Nhật rất cao. Song, vẫn có BrSE cho các ngôn ngữ khác, thị trường khác. Bản thân mình đã từng làm dev trong một dự án có sử dụng kỹ sư cầu nối tiếng Anh onsite tại Mỹ.
Mỗi dự án chỉ cần một kỹ sư cầu nối?
Tùy quy mô.
Dự án nhỏ với team dưới 10 người thì chỉ cần 1 BrSE.
Dự án lớn với team từ 12 người trở lên thì sẽ có nhiều BrSE, mỗi BrSE chịu trách nhiệm về một giai đoạn/function. Onsite Lead (cũng là BrSE nhưng ở cấp cao hơn) sẽ quản lý team BrSE này.
Xem ngay: Việc làm kỹ sư cầu nối
Công việc của kỹ sư cầu nối hàng ngày là gì?
Một ngày làm việc của BrSE bao gồm: xử lí email, lên to-do-list cho ngày, bám theo đó làm việc. Cuối ngày đánh giá và báo cáo công việc cho Onsite Lead hoặc khách hàng. Riêng Onsite Lead còn quản lý Q&A, và làm tool cho team để nâng cao năng suất.
Trọng tâm công việc sẽ thay đổi tùy theo từng giai đoạn dự án. Ví dụ:
- Giai đoạn bắt đầu: nghiên cứu kĩ thuật, lên plan.
- Khi dự án chính thức chạy: quản lý task, review code, nghĩ các phương án tăng năng suất cho team như làm tool.v.v…
- Giai đoạn kết thúc: review sản phẩm trước khi release cho khách hàng.
Anh Trọng (thứ 2 từ trái sang) cùng bạn bè, đồng nghiệp trong một hoạt động teambuilding
Kỹ sư cầu nối cần những tố chất nào?
Mình nghĩ nghề BrSE cần 4 tố chất quan trọng là: điềm tĩnh, tính trách nhiệm cao, chịu khó học hỏi, và nhẫn nại.
1. Điềm tĩnh
Kỹ sư cầu nối là nghề “làm dâu trăm họ”, lại làm trực tiếp với khách hàng, nên điềm tĩnh là tố chất cực kì quan trọng.
Chẳng hạn, ở công ty cũ của mình từng có anh BrSE xung đột với khách hàng suốt mấy tháng trời. Tranh cãi miệng, cãi nhau qua email, đến đỉnh điểm anh BrSE đó đã túm cổ áo khách hàng suýt đánh nhau. Hậu quả là dự án tan tành, khách cắt hợp đồng, chuyển qua đối tác khác. Dĩ nhiên khách hàng đó rất quá đáng, thậm chí xấc láo. Nhưng cái giá phải trả cho sự nóng nảy của BrSE cũng quá đắt.
Nhờ nghe/biết nhiều tấm gương đổ bể như vậy, nên dù cũng nóng tính, mình luôn tâm niệm “việc đâu còn có đó”, cứ phải kiềm chế bản thân trước đã.
2. Tính trách nhiệm cao
BrSE thường phải theo dự án từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc. Nếu không có trách nhiệm thì sẽ khó đi trọn vẹn quãng đường.
Nếu BrSE bỏ dự án giữa chừng, hậu quả lớn nhất là mất khách hàng. Và dù có muốn “thay ngựa giữa dòng” vì lí do bất khả kháng, thì chi phí cử BrSE mới sang tiếp quản công việc cũng rất lớn (vài tuần cho dự án nhỏ, vài tháng cho dự án lớn). Chi phí này đội nhà sẽ phải chịu hoàn toàn.
3. Chịu khó học hỏi
Không ai có thể biết hết, giỏi hết mọi việc. BrSE cần kiến thức và kĩ năng tổng hợp, vì vậy tinh thần cầu tiến, ham học là rất quan trọng. Phải chịu khó mới học được, và chịu khó thì sẽ học được.
4. Nhẫn nại
Nghề kỹ sư cầu nối cần ít nhất 2 năm rèn luyện để có thể làm việc độc lập. Nếu quá nôn nóng thành công sẽ khó theo nghề.
Anh Trọng và bạn bè tại Nhật
Kỹ sư cầu nối cần kĩ năng gì?
Nghề kỹ sư cầu nối cũng cần 4 kĩ năng: code, ngoại ngữ, giao tiếp, và tự học.
1. Kĩ năng code
Nhiều bạn nghĩ rằng BrSE không cần code. Điều này có thể đúng với một số vị trí BrSE đặc biệt chỉ thiên về thông dịch, còn mảng kĩ thuật đã có người khác lo.
Tuy nhiên, nếu muốn trở thành một BrSE đích thực, là “cây cầu vững chãi” chịu được tải trọng của những xe tăng xe tải – dự án triệu đô, thì bạn buộc phải biết code, thậm chí code giỏi. Để:
- Ôm sô từ A-Z trong các dự án pilot.
- Hiểu rõ các vấn đề/giải pháp kĩ thuật để truyền đạt đúng, đủ cho cả hai phía đội nhà – đội khách.
Mỗi dự án sử dụng ngôn ngữ lập trình và framework khác nhau. Bạn cần code cứng một ngôn ngữ + framework, và biết tổng quan một vài ngôn ngữ + framework phổ biến khác.
2. Kĩ năng ngoại ngữ
Tùy thị trường mà bạn chọn học ngoại ngữ phù hợp. Với BrSE cho thị trường Nhật, bạn cần N2 để có thể làm việc độc lập.
Ngoài ra, bạn cũng cần biết tiếng Anh để tiếp cận được với nhiều nguồn tài liệu hơn (đặc biệt cần cho việc tự học).
3. Kĩ năng giao tiếp
Nghề “đi khách” mà giao tiếp kém là hỏng rồi. (cười)
Trong giao tiếp, đặc biệt với khách Nhật, mình nghĩ biết lắng nghe là yêu cầu tiên quyết.
Vì khách Nhật, do đặc thù văn hóa, thường sẽ giải thích loanh quanh trước, câu cuối cùng mới là câu chốt nêu lên vấn đề. (Ngược hoàn toàn với khách Mỹ: nêu vấn đề trước, rồi mới giải thích).
Do vậy, nếu quá nóng nảy, nghe được mấy câu đầu đã cắt ngang vì không hợp tai, thì bạn đã tự đánh mất phần thông tin quan trọng nhất nằm ở cuối.
Khách có nhiều dạng. Người dễ chịu, người quá đáng. Nên tránh xung đột ngay từ đầu bằng cách 1) bình tĩnh trong mọi tình huống 2) xử lí mềm mỏng.
Ví dụ, trong dự án hiện tại, mình gặp phải một khách lớn tuổi và rất khó chịu. Hôm trước họp, vừa báo cáo xong, hôm sau lại hỏi lại. Ban đầu mình bực, cũng hơi to tiếng nói họ “không thể làm việc thiếu chuyên nghiệp như vậy”.
Nhưng nhờ các tấm gương đổ bể đi trước, mình giải quyết xung đột bằng cách: những việc quan trọng thì không nói miệng nữa, mà email và CC sếp của người khách đó.
Ngoài ra, để giao tiếp hiệu quả thì phải biết cách thu thập thông tin để hiểu rõ, hiểu sâu vấn đề trước khi nói. Khi trình bày vấn đề phải ngắn gọn, dễ hiểu, đầy đủ, tránh gây hiểu lầm cho hai bên.
Ví dụ, ở nhà báo bug, thì phải hỏi rõ: bug gì, xảy ra ở function/method nào, thời điểm xảy ra bug, ảnh hưởng đến function/method nào khác, ai là người gây ra bug, đã có phương pháp ứng phó chưa, nếu chưa thì cần bao lâu để tìm hiểu và đề xuất phương pháp, cách để không lặp lại lỗi đó nữa?
Có đủ thông tin rồi mới trao đổi với khách hàng, chứ không phải một câu chuyện/vấn đề mà nói đi nói lại 4-5 lần, khách hỏi thêm thì không trả lời được.
4. Kĩ năng tự học
Không ai là “giáo sư biết tuốt”. Nghề “đi khách”, mỗi dự án lại dùng một ngôn ngữ, framework khác nhau. Cho nên kĩ năng tự học rất quan trọng.
Tự học từ internet: Khi mới qua Nhật, mình được giao design màn hình trong khi không biết gì về javascript knockout. Mình đã tự học như sau:
- Lên trang chủ của javascript knockout, tự mày mò học từ tutorials, thử viết code bằng javascript rồi chạy thử.
- Lên các forum (Âu Mỹ) đọc kĩ hơn.
- Viết sản phẩm demo, nhờ onsite leader review.
- Cuối cùng, mình mới bắt đầu design dựa theo những gì đã viết được trước đó.
Tự học qua tài liệu: Khách Nhật thường có những bộ tài liệu “khủng bố” mà nhai như nhai cơm sống, nhưng vượt qua cửa ải này bạn sẽ thấy tự tin hơn nhiều để “hành nghề”.
- Trước khi đọc, bạn nên kiểm tra xem trong mấy GB (thường là) file excels đó, phần tài liệu nào liên quan trực tiếp đến phạm vi công việc của mình.
- Lúc đọc, phải xác nhận với khách xem mình hiểu có đúng không. Chỗ nào không hiểu thì hỏi lại.
Khi được giao làm basic design, mình viết chỉ mất 1 tuần nhưng đọc tài liệu đầu vào mất đến 3 tuần.
Học từ đàn anh đi trước: Ai giỏi gì thì mình học nấy từ họ. Bản thân mình, thời kì đầu rất may mắn được 2 đàn anh kèm cặp về tiếng Nhật và kĩ thuật.
- Về tiếng Nhật, mình để ý xem lúc đàn anh nói chuyện và email cho khách hàng thì dùng những mẫu câu gì, cách trình bày ra sao.v.v… Chỗ nào không hiểu thì mình hỏi lại.
- Về kĩ thuật, khi đàn anh đưa ra các giải pháp, mình tìm hiểu trước về chúng, rồi hỏi lại anh tại sao anh lại chọn B mà không phải A .v.v…
Xem tin tuyển dụng mới nhất tại ITviec:
Là BrSE, bạn muốn trở thành cây cầu nối những “bờ vui”, cầu tải trọng lớn cho xe tăng xe tải qua? Hay cầu khỉ lắt lẻo gập gềnh?
Hơn 5 năm trong nghề, sai lầm lớn nhất mà anh phạm phải?
Mình từng phạm sai lầm lớn trong một dự án Java kéo dài 2 tháng, làm khổ cả đội khách lẫn đội nhà.
Đây là dự án maintain, bọn mình phải làm việc với hệ thống lớn liên kết sources với nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Đội nhà làm offshore nhưng vì lí do security, bọn mình không được can thiệp vào hệ thống. Vì vậy, lúc ráp code Java vào hệ thống Cobol, đã có rất nhiều lỗi phát sinh.
Hậu quả: khách phải đập phần team mình làm đi và thuê đội khác làm lại, chi phí đội lên rất cao.
Vì có thỏa thuận trong hợp đồng từ trước, nên phần thiệt hại do khách gánh hoàn toàn. Nhưng với cương vị BrSE kiêm PM, để xảy ra chuyện này là lỗi của mình. Nguyên nhân do lúc đó mình “non và xanh”, sợ đụng chạm, sợ mất khách hàng nên không dám nêu vấn đề lên và đưa ra giải pháp khác cho khách.
Tại sao mình sợ mất khách hàng? Vì chi phí onsite cao, mà hai bên đều không muốn chịu thiệt. Nếu cứ khăng khăng onsite thì khách không đồng ý với giá thành. Còn offshore thì sẽ xảy ra rủi ro như nói trên (và đã xảy ra).
Nếu bây giờ gặp trường hợp tương tự, mình sẽ có hai cách xử lý:
- Thương lượng về chi phí: thay vì dùng 40 offshore thì thuyết phục khách dùng 20 onsite. Phía bên mình có thể giảm giá onsite xuống một chút, để có thể đẩy nhiều người đi hơn, công việc chạy nhanh hơn. (Thông thường giá onsite cao gấp đôi giá offshore).
- Thương lượng về security: yêu cầu khách đảm bảo về mặt security cho đội nhà test. Nếu họ không thể phân quyền toàn bộ thì cũng phải phân quyền một phần, có sự giám sát của cả hai bên. Sau khi test trên phần được phân quyền ổn thỏa, những phần còn lại bên mình sẽ làm tương tự.
Như vậy, cũng có thể thấy để trở thành một BrSE giỏi buộc phải có trải nghiệm, có thể đánh giá rủi ro và tư vấn khách hàng các giải pháp tốt nhất có lợi cho cả hai bên. Khả năng này tích lũy theo nhiều năm “chinh chiến”, cộng thêm vốn kiến thức kĩ thuật vững vàng, và ngoại ngữ giỏi.
Để trở thành kỹ sư cầu nối thì nên bắt đầu từ đâu?
Bắt đầu từ… nơi bạn đang đứng (cười).
Nếu giỏi code mà chưa có ngoại ngữ, thì bạn đầu tư vào học ngoại ngữ. Yêu cầu tiếng Nhật tối thiểu cho BrSE là N2.
Nếu có ngoại ngữ mà chưa biết code, thì bạn nên học code khoảng 6 tháng đến 1 năm. Sau đó, bạn nên làm tester hoặc BA khoảng 6 tháng nữa, để quen với quy trình làm phần mềm. Mục đích là để bạn có thể đọc hiểu được tài liệu kĩ thuật, nắm bắt được nghiệp vụ và giao tiếp với team dev cũng như khách hàng tốt hơn.
Nhìn chung, các bạn có xuất phát điểm là dev sẽ mất khoảng 2 năm để trở thành BrSE. Thời gian cũng tương tự cho một bạn là dân ngoại ngữ rèn luyện để theo nghề này.
Xem thêm chia sẻ của anh Thành Nguyễn – một BrSE có “xuất thân” là dân ngoại ngữ
Và liệu có thể đi đến đâu?
Có thể đi đến… vô cùng (cười tiếp).
Đùa thôi. Bản thân nghề kỹ sư cầu nối còn khá mới, tuy nhiên theo mình tự quan sát và đúc rút, thì career path sẽ như sau:
Lính mới: chưa làm việc độc lập được, cần các anh/chị BrSE nhiều kinh nghiệm hơn dìu dắt.
Yêu cầu: kĩ năng code tốt + tiếng Nhật N3/tiếng Anh cơ bản.
Level 1: có thể làm việc độc lập.
Yêu cầu: 2 năm kinh nghiệm làm việc, code cứng, tiếng Nhật N2, tiếng Anh có thể đọc hiểu tài liệu, kĩ năng mềm cơ bản (trình bày và giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, giao tiếp với đội nhà/đội khách).
Level 2: thường đảm nhiệm vị trí onsite lead/PM external.
Yêu cầu: tiếng Nhật tốt để họp hành, báo cáo và… xin lỗi khách hàng. Kĩ năng quản lý team.
Level 3: thường được gọi là PreSale, có thể gặp gỡ khách hàng bàn định hướng, làm proposal và tham gia vào việc kí kết hợp đồng.
Yêu cầu: technical expert để có thể đưa ra các giải pháp về kĩ thuật, đề xuất sử dụng nguồn lực (nhân sự, thời gian.v.v…) cho dự án. Hoặc phải có kĩ năng quản lý và đàm phán rất tốt.
Level 4: mọi kiến thức, kĩ năng đều “thần sầu”, có thể lập công ty consulting riêng.
Một số nguồn tài liệu trau dồi nghề nghiệp?
Bạn có thể tìm tài liệu để trau dồi các kĩ năng code, ngoại ngữ, kĩ năng mềm bằng cách google tên kĩ năng + loại tài liệu (sách, forum, blog.v.v…)
Cá nhân mình muốn đề xuất một tài liệu dù không liên quan trực tiếp đến BrSE, nhưng đặc biệt có ích cho các bạn muốn hiểu và hòa nhập cộng đồng Nhật. Đó là cuốn sách Khuyến Học của học giả Fukuzawa Yukichi. Cuốn sách này sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về nước Nhật xưa và nay, cũng như con đường Thoát Á của họ.
Lời khuyên cho các bạn trẻ muốn theo nghề kỹ sư cầu nối?
Nên học hỏi từ những người xung quanh. Bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng, sếp .v.v… Ai cũng có điểm mạnh riêng. Nếu chịu khó quan sát, để ý, chịu hỏi và chịu học từ họ, bạn sẽ tiết kiệm chi phí để trưởng thành.
Nên học từ thất bại của chính mình. Sai lầm thì không ai tránh khỏi. Khi xảy ra chuyện, nên nhìn nhận lại xem mình sai lầm ở đâu, nguyên nhân là gì, có cách nào để xử lí hoặc ngăn chặn từ đầu hay không, và… nhớ để đừng lặp lại.
Ví dụ: cuối khóa học BrSE, mình và 2 bạn cùng lớp được chọn vào vòng phỏng vấn với khách hàng, nếu đậu sẽ được cử đi onsite. Hai bạn đậu, mình rớt. Mình đã nghiêm khắc nhìn lại và nhận ra 2 sai lầm chết người:
- Trả lời xằng bậy khi chưa có đủ dữ kiện.
Khách hỏi: Cần bao nhiêu thời gian để design sản phẩm?
Mình trả lời: Cần 01 tháng.
Sai lầm: Câu trả lời vô giá trị.
Cách khắc phục: Trước khi trả lời cần xác nhận với khách hàng về độ kĩ của design (design đến từng pixel hay chỉ liệt kê function); độ sâu của design (basic hay detail, cho 1 hệ thống hay 1 function, 1 màn hình).
Design càng kĩ, càng sâu thì càng tốn thời gian. Trung bình design 1 màn hình mất 3 ngày.
- Tiết lộ tên dự án/khách hàng cũ.
Khách hỏi: Dự án tâm đắc nhất là gì?
Mình trả lời: Nêu tên dự án, đồng thời cũng là tên khách hàng cũ.
Sai lầm: Vi phạm quy định bảo mật.
Cách khắc phục: Không đặt tên dự án trùng tên khách hàng. Tuyệt đối bảo mật thông tin.
Sau khi đã phân tích nguyên nhân, cách khắc phục, mình không bao giờ lặp lại sai lầm này nữa. Kết quả là từ đó về sau, các buổi phỏng vấn đi onsite của mình đều trơn tru, thuận lợi.
Ngoài ra, mình cũng muốn nhắn nhủ:
Kỹ sư cầu nối giống như lính đặc công, phải tinh nhuệ để vừa độc lập tác chiến, vừa phối hợp tốt với đồng đội. Tuy nhiên, không cần là siêu nhân, bạn vẫn có thể trở thành một kỹ sư cầu nối giỏi, miễn là có mục tiêu, kế hoạch cụ thể, và nỗ lực không ngừng.
Xem thêm các chia sẻ của anh Trọng về nghề kỹ sư cầu nối tại blog Kỹ sư BrSE
Tiểu sử: Anh Nguyễn Văn Trọng tốt nghiệp khoa CNTT trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng năm 2010. Anh bắt đầu với vị trí Software Engineer tại FSoft Đà Nẵng, đồng thời học khóa đào tạo BrSE tập trung trong 6 tháng.
Đầu năm 2012, Trọng tham gia dự án Flex với vai trò kỹ sư cầu nối cho FSoft Hà Nội.
Sau đó, anh tiếp tục làm vị trí này cho FPT Japan, rồi Hitachi Consulting. Hiện tại anh Trọng và gia đình sống, làm việc tại Nhật.
Nếu bạn nghĩ những chia sẻ này có thể giúp ích cho bạn bè hoặc đồng nghiệp, đừng quên nhấn nút Share bên dưới nhé!
Và tham khảo ngay hàng trăm việc làm kỹ sư cầu nối tại ITviec!