Bạn đang có những cảm giác lo lắng, bồn chồn vì vừa nhận được thư mời phỏng vấn cho công việc tiếp theo? Hãy bình tĩnh lại nào. Một buổi phỏng vấn thật ra cũng chỉ là một buổi trò chuyện, trao đổi thông tin cởi mở với một người lạ mà thôi. Đây cũng chính là kinh nghiệm phỏng vấn quan trọng nhất được chia sẻ bởi chính những chuyên gia HR trong ngành IT.
“Thành công không có công thức, nhưng thất bại thì có.”
Không có một công thức đảm bảo “chắc thắng” cho tất cả những buổi phỏng vấn nhưng tin vui là chỉ cần bạn không phạm bất kỳ sai lầm nào thì tỷ lệ thành công của bạn đã cao hơn rất nhiều rồi.
Trong bài viết này, anh Huỳnh Trọng Nghĩa – HR Manager tại công ty TNHH Rivico, và chị Phạm Thị Hải Ninh – Senior Talent Acquisition tại NashTech, chia sẻ đầy đủ và không hề giấu diếm bất kỳ kinh nghiệm phỏng vấn nào có thể hữu ích cho ứng viên trong buổi phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng cũng như những cách để có thêm “điểm cộng” sau đó.
Trước khi đến với những “bí quyết” và kinh nghiệm phỏng vấn, bạn nên tham khảo những điều ứng viên cần chuẩn bị trước buổi phỏng vấn được chia sẻ bởi những IT HR dày dặn kinh nghiệm.
Thông tin về chuyên gia:
Anh Huỳnh Trọng Nghĩa vốn xuất thân từ ngành Kế toán – Kiểm toán và đã làm việc ở ngành này khoảng 4 năm trước khi chuyển sang làm HR cho tới thời điểm hiện tại (khoảng 6 năm). Hiện anh đang công tác tại Công ty TNHH Rivico (Riviu) vị trí HR Manager và đồng thời là Project Lead (CEO) của dự án 123HR trực thuộc công ty 123SAO (công ty liên kết với Riviu) với sứ mệnh thực hiện phòng HR outsource cho các công ty trong và ngoài hệ thống Riviu.
Ngoài ra, anh còn tham gia nhiều hoạt động liên quan tới cộng đồng HR và IT như đang là Co-founder của HR Tech Ally (CLB HR cho các HR công ty tech và FMCG), Co-founder cho Mentoria (dự án kết nối mentor và mentee của khối ngành HR – IT – Startup), Co-founder của Học viện Dev (dự án trực thuộc Riviu chuyên đào tạo định hướng tư duy cho Dev trong và ngoài công ty, các bạn sinh viên IT của các trường Đại học, Cao đẳng).
Chị Phạm Thị Hải Ninh đã có 12 năm kinh nghiệm làm nhân sự trong lĩnh vực IT. Chị có 6 năm gắn bó với mảng tuyển dụng trong lĩnh vực Business Processing Services (BPS) và 6 năm gần đây chị gắn bó với mảng tuyển dụng trong lĩnh vực IT Outsourcing (ITO).
Chị Ninh đã từng đảm nhiệm vai trò Recruitment Leader của khối tuyển dụng thị trường Âu Mỹ tại Công ty FPT Software, vai trò Recruitment Leader tại Công ty CMC Global, hỗ trợ tuyển dụng các khối thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Âu Mỹ, và Châu Á Thái Bình Dương (APAC). Hiện tại, chị Ninh đang đảm nhiệm công việc tư vấn tuyển dụng tại Công Ty NashTech thuộc tập đoàn HarveyNash của Anh Quốc, với lợi thế khách hàng Âu Mỹ.
Xem thêm hàng nghìn việc làm IT chất trên ITviec
Kinh nghiệm phỏng vấn quan trọng: Những tối kỵ mà một ứng viên tuyệt đối nên tránh khi phỏng vấn
ITviec: Theo kinh nghiệm phỏng vấn của anh/chị, những điều tối kỵ mà một ứng viên KHÔNG NÊN mắc phải?
Trọng Nghĩa:
Không tìm hiểu về thông tin công ty trước khi đến phỏng vấn có thể biểu hiện bạn là một người thiếu tôn trọng công ty. Thời đại bùng nổ thông tin hiện nay thì thông tin công ty nhan nhản trên mạng xã hội, việc dành chút thời gian để review sơ qua về “bến đỗ tiềm năng” tiếp theo của bạn là một việc nên làm.
Điều tối kỵ thứ 2 là các bạn quá tự cao, xem mình rất tài giỏi và cái gì cũng “biết tuốt”.
Điều sai phạm cuối cùng là “nói dối”: Giai đoạn trước, CV của các bạn IT khá “nghèo nàn” về nội dung nên thỉnh thoảng HR phải giúp các bạn biên tập lại, nên các bạn rất ít nói dối.
Nhưng ngày nay, các bạn IT với sự giúp đỡ của headhunt, tool làm CV, họ thường “hoa mỹ hóa” CV của mình. Họ có xu hướng nhận những thành tựu chung của team làm thành tựu riêng của họ. Để phát hiện xem có đúng bạn ấy làm được như vậy hay không, Nghĩa thường sẽ hỏi “Tại sao bạn đưa ra quyết định giải quyết vấn đề như vậy?”, nếu bạn ấy lấy thành tựu của team thì bạn sẽ không biết lý do dẫn đến hành động ấy hoặc sẽ trả lời ấp úng.
Thêm nữa là họ hay chia sẻ những câu chuyện không có thật mà chỉ là kể lại những câu chuyện của người khác mà họ nghe được, và nhận là của mình. Lúc này, HR thường nhìn vào ngôn ngữ cơ thể của ứng viên để phán đoán.
Theo kinh nghiệm phỏng vấn cá nhân, ví dụ như khi nói dối, họ dùng nhiều năng lượng hơn khi nói thật do phải “bịa” ra câu chuyện, kể sao cho logic, để ý thái độ của nhà tuyển dụng, thì họ sẽ cảm thấy nóng ở cổ họng, liếc ngang liếc dọc, bồn chồn, lo lắng. Để ý ánh mắt, 50-60% các ứng viên kể chuyện không thật, họ sẽ có xu hướng nhìn về phía trên bên tay không thuận của mình (ví dụ ứng viên thuận tay phải thì sẽ nhìn sang trái và ngược lại). Đây cũng chỉ là những gợi ý nhỏ về ngôn ngữ cơ thể mà mình rút ra kinh nghiệm phỏng vấn ứng viên cho bản thân, có thể đúng hoặc sai nhưng từ đó mình có thể phán đoán và đặt câu hỏi sâu hơn để kiểm tra tính xác thực.
Và để chắc hơn thì mình sử dụng những câu hỏi đuổi theo mô hình STAR (Situation – Task – Action – Result). Khi họ trả lời, nếu có những điểm chuyên môn kỹ thuật mới lạ, Nghĩa sẽ ghi lại câu trả lời của bạn để hỏi lại Technical Manager. Hoặc Nghĩa sẽ không hỏi tiếp ngay lúc đó, mà đợi một lúc sau, Nghĩa sẽ hỏi lại và thay đổi một chút thông tin trong câu nói của bạn đó để xem bạn có phát hiện được thông tin sai lệch hay không.
Hải Ninh:
Theo kinh nghiệm phỏng vấn với nhiều ứng viên, theo mình có 3 điều tối kỵ các bạn nên tránh:
1. Chuẩn bị thiếu kỹ càng:
Thiếu thông tin về vị trí mà mình đang ứng tuyển. Bạn bước vào buổi phỏng vấn nhưng không hiểu công việc này sẽ làm gì, cần kỹ năng gì. Việc này bắt nguồn từ việc bạn chưa nghiên cứu kỹ JD, nghiên cứu công việc. Như vậy, bạn sẽ không thể hiện tốt những thế mạnh của mình, điều mà nhà tuyển dụng đang mong đợi từ bạn.
Thiếu sự hiểu biết về công ty: Mình sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện có thật: Có lần, khi Hiring Manager đang rất tự hào kể về công ty Nashtech thì bạn ứng viên hỏi lại “Anh ơi, vậy Nashtech có phải là công ty điện máy không ạ?” khiến cho mọi người đều ngỡ ngàng (cười). Bạn ứng viên đã nhầm lẫn thông tin nên tạo ra ấn tượng “khó quên” nhưng không phải là ấn tượng tốt lắm. Tuy nhiên, sau đó thì bạn ấy vẫn đậu phỏng vấn và làm việc tại Nashtech vì xét về khía cạnh chuyên môn bạn vẫn thể hiện rất tốt. Nhưng mình không khuyến khích ứng viên nên “tạo ấn tượng” theo hướng này.
2. Thiếu thái độ cầu thị: Ứng viên tự cao, đề cao bản thân mình thái quá, sẽ tạo cảm giác nghi ngờ từ phía nhà tuyển dụng. Từ đó, nhà tuyển dụng có thể sẽ hỏi thêm nhiều câu hỏi để đánh giá sự tự tin của bạn có nền tảng hay không. Các bạn nên giữ thái độ trung hòa, cầu thị, sẵn sàng học hỏi.
3. Một số thiếu sót về trang phục, ngoại hình: Trang phục sặc sỡ quá, khác biệt quá, trang điểm lòe loẹt quá đều không phù hợp với một buổi phỏng vấn. Ứng viên chỉ cần mặc trang phục lịch sự là được.
ITviec: Đâu là kinh nghiệm phỏng vấn tốt nhất mà Anh/chị muốn dành cho những ứng viên vẫn còn đang “sợ hãi” với những buổi phỏng vấn để họ có thể chuẩn bị tinh thần tốt hơn?
Trọng Nghĩa:
Đa phần các công ty IT hiện nay đều có môi trường trẻ, năng động. Các bạn nên đi phỏng vấn một vài công ty là sẽ thấy tự tin lên ngay, hoặc có thể làm quen với các bạn Technical Recruiter hay HR Manager của các công ty công nghệ thì sẽ được chia sẻ thêm về thị trường, các kinh nghiệm phỏng vấn,…
Từ đó, bước vào buổi phỏng vấn với sự chuẩn bị chu đáo về công ty ứng tuyển và bản thân, hãy thể hiện tất cả những gì mình có, đừng nói dối là ổn.
Hải Ninh:
Mình khuyên các bạn ứng viên nên tìm hiểu rõ lý do khiến các bạn “sợ” như thế. Bạn đang thiếu về chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, hay do tâm lý chưa sẵn sàng. Khi hiểu rõ nguyên nhân rồi, bạn từng bước, từng bước có kế hoạch để cải thiện dần những điểm yếu đó. Đó là cách khắc phục “nỗi sợ” từ gốc.
Còn để khắc phục “nỗi sợ” ngay tại thời điểm trước buổi phỏng vấn, Ninh có một kinh nghiệm phỏng vấn nhỏ là các bạn nên có một khoảng lặng ngay trước khi bước vào buổi trao đổi: “tắt” thế giới xung quanh, tắt thiết bị điện tử, đừng làm việc ngay thời điểm trước buổi phỏng vấn. Đôi khi những tác động bên ngoài vô hình chung gây nên áp lực, tâm lý lo lắng cho bạn trước và trong quá trình tham gia phỏng vấn đấy.
Những kinh nghiệm phỏng vấn để buổi phỏng vấn diễn ra tốt đẹp từ góc nhìn của HR Manager
ITviec: Quy trình tiếp đón ứng viên đến phỏng vấn ở công ty anh/chị diễn ra như thế nào?
Trọng Nghĩa:
Trong thư mời phỏng vấn sẽ có để lại số điện thoại của bạn Technical Recruiter và hướng dẫn rất chi tiết cách đi tới nơi phỏng vấn (từ gửi xe đến đi bao nhiêu cái thang cuốn, sau đó rẽ hướng nào,…). Nếu đến nơi mà không tìm được văn phòng công ty, các bạn có thể gọi trực tiếp cho Technical Recruiter. Họ cũng mong ngóng ứng viên lắm, haha.
Nếu ứng viên đã tìm được công ty, ứng viên đợi ở khu vực “tiếp tân” trước, sau đó “tiếp tân” sẽ liên hệ bạn Recruiter, và sau đó quy trình phỏng vấn diễn ra. Gọi là “tiếp tân” nhưng bạn này chính xác là một bạn HR General ngồi ở vị trí “tiếp tân”.
Hải Ninh:
HR NashTech sẽ gửi email phỏng vấn trước 4-5 ngày để ứng viên có thể chuẩn bị tâm lý thoải mái nhất. Trước ngày phỏng vấn, bên mình sẽ gọi điện nhắc lại về lịch hẹn để xác nhận sự tham gia của ứng viên. Bên mình cũng dặn dò là các bạn nên đến sớm khoảng 10-15 phút.
Vào ngày phỏng vấn, để tạo bầu không khí gần gũi với ứng viên, bên mình thường dẫn các bạn tham quan sơ bộ văn phòng. Ứng viên sẽ có khoảng 10 phút để “hít thở” trước buổi phỏng vấn. Trong lúc đó, HR sẽ tranh thủ hỏi thăm, hâm nóng tinh thần các bạn.
Sau khi kết thúc phỏng vấn với Hiring Manager, HR sẽ ngồi lại với ứng viên khoảng 5-10’ để chào tạm biệt và hẹn lịch phản hồi kết quả phỏng vấn.
ITviec: Nhiều ý kiến cho rằng, hầu hết tất cả ứng viên đều không thích việc phỏng vấn trực tiếp – họ ổn với việc làm bài kiểm tra, phỏng vấn qua điện thoại nhưng sẽ ngần ngại hơn khi phải phỏng vấn mặt đối mặt. Theo kinh nghiệm phỏng vấn với nhiều ứng viên, Anh/chị có đồng tình với ý kiến này hay không và tại sao?
Trọng Nghĩa:
Việc ứng viên IT ngại phỏng vấn trực tiếp thì cũng là việc dễ hiểu khi các bạn là những con người chỉ thích làm việc với máy tính và những dòng code, cho nên các bạn thiếu kỹ năng giao tiếp như các bạn ở mảng sales/marketing. Nhưng theo Nghĩa quan sát thấy thì đó là của quá khứ rồi, ứng viên IT ngày nay càng lúc càng cởi mở hơn và giao tiếp cũng bắt đầu “đỉnh” hơn rồi đấy.
Phỏng vấn qua điện thoại thường được sử dụng khi CV ứng viên thể hiện chưa đầy đủ thông tin mà nhà tuyển dụng mong muốn, hình thức phỏng vấn này nhằm sàng lọc ứng viên nhanh, tránh mất thời gian của 2 bên cho một buổi phỏng vấn chính thức. Bên cạnh đó, việc phỏng vấn qua điện thoại có thể giúp nhà tuyển dụng bước đầu giới thiệu về công ty và vị trí.
Có những bạn rất tự tin khi nói chuyện qua video call, qua phone interview nhưng khi làm việc trực tiếp lại không được như vậy. Theo xu hướng, kể cả có COVID hay không, mô hình phỏng vấn online cũng dần dần sẽ phổ biến hơn trong tương lai vì quá trình toàn cầu hóa, nhưng vẫn có những bất lợi.
Thứ nhất là Nghĩa chỉ nhìn thấy được nét mặt của ứng viên chứ không nhìn được toàn bộ ngôn ngữ hình thể của bạn. Chính vì thế, HR đã phải phải soạn thêm một số câu hỏi khác để phù hợp với tình huống này.
Thứ 2 là bạn ấy không cảm nhận được văn hóa công ty thì bạn sẽ khó biết được mình có phù hợp hay không. Khi phỏng vấn online, bạn rất ổn. Khi gặp mặt, trò chuyện, bắt tay, gặp người thật, việc thật thì các bạn lại không thể hiện được như những gì các bạn có hoặc mong đợi.
Theo kinh nghiệm phỏng vấn nhiều ứng viên, Nghĩa đã từng gặp trường hợp giống như vậy. Mình đã phỏng vấn rất kỹ nhưng khi làm việc lại thấy không phù hợp với tinh thần của công ty. Vì dù gì khi phỏng vấn trực tiếp, ít nhất cũng một lần các bạn đã đến công ty và nhiều khi còn đi xuyên qua cả không gian làm việc và có vài câu hỏi han/trò chuyện với vài đồng nghiệp tương lai nữa. Thậm chí có nhiều trường hợp, ứng viên còn gặp lại người quen của mình tại công ty mà mình đang ứng tuyển.
Hải Ninh:
Nashtech đánh giá cao việc phỏng vấn vòng 1 qua điện thoại. Tuy nhiên, buổi phỏng vấn trực tiếp là vô cùng quan trọng, nó có nhiều giá trị mà một buổi phỏng vấn qua điện thoại không thể nào thay thế.
Với những kinh nghiệm phỏng vấn mà mình đã có, mình nhận thấy chỉ trong buổi trao đổi trực tiếp tại công ty, HR mới có thể đánh giá chính xác nhất về thái độ của ứng viên qua việc xử lý hay giải quyết những tình huống cụ thể. Việc ứng viên thể hiện được nature (bản năng) của mình cũng sẽ được nhìn nhận rõ nét hơn.
Ninh thường đánh giá cao tiêu chí cảm nhận về con người (human sense) dựa trên cơ sở nhân tướng học. Khi không nhìn thấy nhau và tương tác trực tiếp thì rất khó đánh giá những phản xạ bản năng của ứng viên. Trong giai đoạn COVID này, khi bắt buộc phải phỏng vấn qua video, để hạn chế sự chênh lệch trong hiệu quả phỏng vấn trực tiếp và phỏng vấn gián tiếp, NashTech đã cân nhắc để bổ sung những yếu tố cần thiết cho một buổi phỏng vấn online để đạt hiệu quả cao nhất.
ITviec: Theo anh/chị, trách nhiệm, vai trò thật sự của một buổi phỏng vấn là gì?
Trọng Nghĩa:
Theo Nghĩa, buổi phỏng vấn thực sự là một buổi “xem mắt” và nên nghiêng về phía đàm phán để 2 bên cùng có lợi hơn là cơ chế xin – cho (tôi có một công việc và tôi muốn ban nó cho bạn). Muốn đi được với nhau lâu dài thì hai bên phải thấy rõ được lợi ích của nhau.
Hải Ninh:
NashTech thường coi buổi phỏng vấn là một cơ hội trao đổi win-win giữa nhà tuyển dụng và ứng viên. Ở đó hai bên có cơ hội như nhau để chia sẻ.
Khi ứng viên thể hiện được nhiều nhất những thế mạnh họ có thì nhà tuyển dụng sẽ có cơ hội tốt nhất để đánh giá về mức độ phù hợp để đưa ra quyết định hợp tác. Vì vậy, một buổi phỏng vấn nên là một buổi chia sẻ cởi mở về cơ hội công việc hơn là một buổi kiểm tra hay dò xét lẫn nhau.
ITviec: Vậy thì theo kinh nghiệm phỏng vấn từ nhiều ứng viên, anh/chị thường tạo ra một bầu không khí phỏng vấn như thế nào để hiệu quả và tại sao?
Trọng Nghĩa:
Các công ty IT hiện nay đa phần là công ty trẻ, năng động. Ứng viên IT cũng vậy. Do đó, nên tạo bầu không khí thoải mái nhất có thể để ứng viên tự nhiên phô diễn hết những gì mà họ đang có. Từ đó có thể kết nối và tạo mối quan hệ với ứng viên dễ dàng hơn.
Dạo gần đây, Nghĩa nghe một câu chuyện mà ứng viên nhớ về người tuyển dụng do chị HR này hay cười trong lúc phỏng vấn và góp ý định hướng công việc cho bạn này.
Sau một thời gian, ứng viên đã đổi định hướng như chị HR này khuyên, quay lại công ty hiện tại mà chị HR này đang làm việc và phỏng vấn thành công. Điều này cũng một phần cho thấy, ứng viên IT trân trọng và yêu thích các buổi nói chuyện / trao đổi cởi mở, vui vẻ với HR hơn.
Hải Ninh:
Ngành IT là một ngành đòi hỏi sự sáng tạo, cần không gian để suy nghĩ, nên Nashtech đề cao một bầu không khí thân thiện, thoải mái để ứng viên và nhà tuyển dụng có cơ hội lý tưởng nhất để chia sẻ về nhau.
Theo kinh nghiệm phỏng vấn của mình, khi mình đã “mở lòng” thì mình sẽ nhận được những chia sẻ thật lòng từ phía ứng viên. Khi hai bên cùng tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau, không có hàng rào khoảng cách thì sẽ hiểu nhau hơn và tỷ lệ “hợp nhau” sẽ ở mức độ cao nhất.
Ứng tuyển ngay việc làm IT tốt nhất trên ITviec
ITviec: Anh/chị có những “thủ thuật” hay kinh nghiệm phỏng vấn nào để giúp ứng viên thoải mái, bình tĩnh hơn trong một buổi phỏng vấn?
Trọng Nghĩa:
Đơn giản thôi, mình luôn tươi cười ngay khi gặp ứng viên, cười khi bắt đầu và kết thúc phỏng vấn.
Trước khi vào phỏng vấn thì hỏi han thông tin ứng viên, ví dụ em tìm đường đến công ty có khó không, nói về thời tiết, một vài vấn đề chung chung,… để ứng viên thoải mái hơn.
Lúc ứng viên cảm thấy run / nói bập bẹ thì mỉm cười và cho ứng viên không gian để bình tĩnh lại.
Hải Ninh:
Nhờ vào kinh nghiệm phỏng vấn nhiều ứng viên, mình hiểu rằng có những ứng viên chuyên môn kỹ thuật rất tốt nhưng kỹ năng giao tiếp lại chưa đủ tự tin.
Khi ứng viên “khớp” ở một thời điểm nào đó, họ sẽ rất dễ bị “gãy” trong suốt buổi phỏng vấn. Khi đó HR có thể xử lý tình huống bằng cách warm-up ngay tại điểm “khớp” đó. Phản xạ của tụi mình sẽ là “cười” thoải mái để làm dịu bầu không khí, không có sự phê phán hay đánh giá gì ngay lúc đó cả. Nguyên tắc của Nashtech là giữ ứng viên ở vị trí mà họ cảm thấy được tôn trọng nhiều nhất.
Bên mình đã gặp những ứng viên có nền tảng tiếng Anh tốt nhưng do thiếu tự tin khi nói chuyện nên không thể hiện được nhiều. Khi đó HR sẽ chủ động nói chậm lại, dùng từ đơn giản, tông giọng nhẹ nhàng hơn để ứng viên qua được vài câu cơ bản đầu tiên, xây dựng lại lòng tự tin cho bạn rồi tăng độ khó lên. HR sẽ đi cùng ứng viên chứ không đánh giá ngay lúc đó.
Kinh nghiệm phỏng vấn: Ứng viên nên làm gì sau buổi phỏng vấn?
ITviec: Sau khi buổi phỏng vấn trực tiếp kết thúc, ứng viên nên làm gì để có thêm “điểm cộng”?
Trọng Nghĩa:
Thực ra có nhiều người khuyên nên viết thư cảm ơn sau buổi phỏng vấn, sự thật là Nghĩa ít khi đọc kỹ các email đó lắm, và thậm chí các bạn CTO hay Tech Lead lại càng không đọc, tuy nhiên như vậy lại tạo thiện cảm tốt.
Việc mà ứng viên IT nên làm là có thể xin contact của Technical Recruiter / Hiring manager để tạo mối quan hệ trước nếu được nhận, còn không thì sau này còn có cái mà “nhờ vả” nhau. Biết đâu sau này còn gặp lại.
Bên cạnh đó, giữ thái độ cầu thị, tôn trọng công ty và những người phỏng vấn kèm theo lời cảm ơn lịch sự ngay sau buổi phỏng vấn sẽ giúp ứng viên tạo thiện cảm.
Hải Ninh:
Sau buổi phỏng vấn, mình sẽ rất trân trọng nếu nhận được thư cảm ơn từ ứng viên. Sau một ngày làm việc căng thẳng, khi nhận được thư cảm ơn từ ứng viên, HR sẽ cảm thấy được tiếp thêm động lực. Nhà tuyển dụng cũng sẽ đánh giá bạn là người chuyên nghiệp, tư duy tích cực và coi trọng công sức của người khác.
Sau vài ngày, bạn có thể chủ động liên hệ với HR để hỏi thăm về kết quả phỏng vấn. Ninh đánh giá cao những ứng viên quan tâm đến nhận xét cho buổi phỏng vấn vì nó thể hiện bạn thật sự quan tâm về cơ hội này và có một thái độ cầu thị rõ nét. Kể cả khi bạn “hơi thiếu” kinh nghiệm một chút nhưng nếu bạn thể hiện được thái độ cầu thị thì sẽ thu hẹp được khoảng cách về mặt kinh nghiệm. Các bạn HR nhìn thấy được những biểu hiện tích cực đó từ ứng viên cũng coi như “ghi điểm”.
Cảm ơn anh Trọng Nghĩa và chị Hải Ninh vì những chia sẻ về kinh nghiệm phỏng vấn dành cho ứng viên IT vô cùng bổ ích và ý nghĩa!
Bạn đã sẵn sàng để tham gia phỏng vấn? Ứng tuyển ngay việc làm IT trên ITviec!
Hãy chia sẻ những kinh nghiệm phỏng vấn bổ ích trong bài viết này đến bạn bè và đồng nghiệp nhé!