Dù chuyện gì xảy ra, hãy không ngừng học tập
Thông tin về tác giả:
Anh Đặng Mạnh Cường đã có hơn 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Thiết kế trải nghiệm người dùng và hiện tại đang giữ vị trí Senior Product Designer tại FPT Software kể từ năm 2022. Anh đã tham gia nhiều dự án và đem về khách hàng lớn, mang lại doanh thu cao cho công ty.
Tác giả tự giới thiệu: Xin chào, tôi là Cường. Cựu sinh viên Bách Khoa. Nhà thiết kế Trải nghiệm người dùng.
Tôi tốt nghiệp Kỹ sư Thông tin truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Không may (hoặc là may mắn), tôi bị ngành Thiết kế trải nghiệm người dùng thu hút, và theo nó đến tận bây giờ.
Quay ngược về năm 2015...
Khi ấy Thiết kế trải nghiệm người dùng còn là một khái niệm rất mơ hồ với đa số các công ty ở Việt Nam. Tôi bắt đầu với vai trò Thiết kế web ở một công ty của Nhật với dự án xây dựng chuyên trang đánh giá các nhà hàng cao cấp dành cho người dùng nước ngoài tại Hà Nội.
Dự án dừng lại sau gần 1 năm triển khai. Trái với phỏng đoán ban đầu từ các sếp Nhật, không có nhiều người dùng cao cấp sẵn sàng chia sẻ trải nghiệm ăn uống của họ. Mặc dù Foody, nền tảng đánh giá các cửa hàng bình dân hơn lúc bấy giờ, lại rất thu hút người dùng.
Dự án tiếp theo là một ứng dụng hẹn hò trực tuyến. Rút kinh nghiệm, lần này chúng tôi bắt đầu từ việc khảo sát và phỏng vấn người dùng trước. Khi đã có cái nhìn rõ hơn về vấn đề của người dùng, thói quen và kỳ vọng của họ, mới làm sản phẩm. Cứ thế, quy trình lặp lại liên tục với các tính năng mới cũng như tối ưu các tính năng cũ.
Ứng dụng ấy hiện nay đã có hơn 3 triệu người dùng. Với tôi, đó là thời gian tôi học được nhiều nhất những kỹ năng, kiến thức nền tảng cho con đường Thiết kế trải nghiệm người dùng của mình.
Sau hơn 2 năm, tôi quyết định thử thách bản thân ở một công ty outsourcing, với quy trình khắt khe từ những dự án và khách hàng lớn trên thế giới. Quả thật, hơn 1 năm ở đây, tôi đã thực sự trưởng thành: Học thêm rất nhiều kiến thức về quy trình, lấy chứng chỉ chuyên ngành, nâng cao ngoại ngữ, đi công tác nước ngoài,… Tôi yêu nơi này và muốn gắn bó ở đó.
Nhưng biến cố đã xảy ra.
Một ngày tháng 8, khi đang công tác ở Singapore, tôi nhận được tin báo: Mẹ tôi bị ung thư phổi giai đoạn 4. Mọi thứ như đổ sập trước mặt. Tôi bắt máy bay về nước ngay sau đó.
Tôi nhảy việc, dù quyết định khó khăn. Tôi cần một thu nhập tốt hơn để cùng gia đình trả phí điều trị cho mẹ. Và một startup làm sản phẩm là nơi tôi đã đến. Có thể nói, đây là quãng thời gian tôi được ở gần nhất với tất cả những gì mình học được về Thiết kế trải nghiệm người dùng.
Mẹ tôi mất sau gần 9 tháng chiến đấu với bệnh tật. Sau đó là những tháng ngày thực sự khó khăn. Tôi làm việc hết mình ở công ty để rồi hoàn toàn trống rỗng trên đường về nhà. Thật may, tôi đã không mất phương hướng vì có gia đình và những người bạn đồng nghiệp bên cạnh.
Sau gần 3 năm cống hiến, tôi xin nghỉ việc để dành thời gian nhiều hơn cho gia đình và bản thân, trước khi quay lại với nơi mà tôi đã từng yêu quý và rất mong được trở về.
Hiện tại, khi ngồi gõ những dòng này, tôi đang làm sản phẩm ở Berlin, nơi lệch với Việt Nam 5 múi giờ cùng muôn vàn điều mới mẻ.
Điều lớn nhất tôi học được, đó là hãy kiên định và không ngừng học hỏi. Nói như Winston Churchill, thủ tướng vĩ đại của nước Anh, “Thành công bao gồm việc đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không đánh mất lòng nhiệt huyết”.
Cảm ơn những bước ngoặt.
Cảm ơn gia đình, bạn bè.
Cảm ơn mẹ.
* Câu chuyện đã được sự đồng thuận xuất bản của tác giả và được hiệu chỉnh theo chuẩn văn bản từ ITviec.
Cuộc thi viết “Từ ao làng đến out trình”
“Từ Ao làng đến Out trình” là một sân chơi hoàn toàn mới mẻ dành cho cộng đồng công nghệ Việt Nam. Tham gia cuộc thi, các anh chị em IT vừa có thể chia sẻ câu chuyện nghề riêng biệt của mình, vừa nhận về nhiều giải thưởng hấp dẫn và giá trị. Cuộc thi do ITviec tổ chức, thời gian nhận bài thi từ ngày 24.6.2022 đến 29.7.2022, nhằm kỷ niệm 9 năm ITviec kết nối Nhân Sự IT “Chất” đến Job “Chất”.