Hiện nay, Bootstrap là một trong những framework CSS được sử dụng phổ biến nhất. Thư viện này giúp lập trình viên nhanh chóng xây dựng giao diện website đẹp mắt và hỗ trợ responsive mạnh mẽ. Trong số các phương pháp tích hợp Bootstrap vào dự án, sử dụng Bootstrap CDN (Content Delivery Network) là cách đơn giản và tiện lợi nhất.
Đọc bài viết này để hiểu rõ hơn về:
- Bootstrap CDN là gì?
- Cách sử dụng Bootstrap CDN
- Ưu điểm và nhược điểm của Bootstrap CDN
Tổng quan về Bootstrap CDN
Bootstrap là gì?
Bootstrap là một framework CSS miễn phí ra mắt năm 2011, được dùng để thiết kế và xây dựng giao diện website. Bootstrap cung cấp sẵn các thành phần CSS, JavaScript như grid, nút bấm (button), biểu mẫu (form), và các lớp tiện ích. Điều này giúp người dùng nhanh chóng tạo được trang web đẹp mắt, đồng nhất và hiển thị tốt trên mọi thiết bị như máy tính, điện thoại hay máy tính bảng.
Bootstrap rất được ưa chuộng vì dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian và có nhiều tài liệu hướng dẫn chi tiết. Dưới đây là một số tính năng nổi bật của Bootstrap:
- Hệ thống lưới (Grid system) linh hoạt
- Thư viện component phong phú
- Hỗ trợ responsive tốt
- Hỗ trợ JavaScript tích hợp
- Linh hoạt trong việc tùy chỉnh
Đọc thêm: Bootstrap là gì? 7 tính năng cần biết trong Bootstrap
CDN là gì?
Content Delivery Network (CDN) là một mạng lưới máy chủ phân tán trên toàn cầu, lưu trữ và truyền tải nhanh chóng các nội dung website như trang HTML, tệp JavaScript, CSS, hình ảnh và video.
Trong đó:
- Origin Server: Máy chủ nguồn
- CDN PoPs (Points of Presence): Các điểm truy cập CDN (hoặc các điểm phân phối nội dung CDN)
Ngày nay, các dịch vụ CDN ngày càng trở nên phổ biến như Jsdelivr, Cloudflare, CloudFront, Akamai,… Phần lớn lưu lượng web đều được xử lý thông qua CDN, bao gồm cả những trang web lớn như Facebook, Netflix và Amazon.
Một CDN được cấu hình tốt cũng có thể giúp bảo vệ website khỏi một số kiểu tấn công mạng phổ biến, chẳng hạn như tấn công độc hại (DDOS).
Nguyên lý hoạt động của CDN:
CDN là một mạng lưới các máy chủ đặt tại nhiều khu vực địa lý khác nhau trên thế giới. Vì vậy khi người dùng vào website, trình duyệt sẽ tự động tải các file này từ máy chủ CDN gần với người dùng nhất.
Điều này giúp giảm thời gian tải trang, giảm tải cho server của website, đồng thời cải thiện trải nghiệm người dùng vì tốc độ truy cập nhanh hơn, ổn định hơn.
Vậy Bootstrap CDN là gì?
Bootstrap CDN là dịch vụ CDN dành riêng cho Bootstrap, bao gồm một hệ thống mạng lưới máy chủ toàn cầu lưu trữ các tập tin CSS, JavaScript, và đôi khi cả các tệp phụ trợ như phông chữ hoặc biểu tượng của Bootstrap.
Bootstrap CDN giúp người dùng có thể dễ dàng tích hợp thư viện Bootstrap vào dự án web của họ mà không cần tải và lưu trữ các tập tin này tại máy chủ riêng.
Hướng dẫn sử dụng Bootstrap CDN
Khi sử dụng Bootstrap CDN, thay vì phải tải các file này về máy chủ của mình, chúng ta chỉ cần liên kết (link) trực tiếp đến file trên CDN. Dưới đây là các Bootstrap CDN dùng để thêm CSS và JavaScript vào tài liệu HTML:
CDN CSS
Sử dụng CDN dưới đây để thêm CSS của Bootstrap vào tài liệu HTML:
<link href="https://cdn.jsdelivr.net/npm/bootstrap@5.0.2/dist/css/bootstrap.min.css" rel="stylesheet" integrity="sha384-EVSTQN3/azprG1Anm3QDgpJLIm9Nao0Yz1ztcQTwFspd3yD65VohhpuuCOmLASjC" crossorigin="anonymous">
CDN JavaScript
Sử dụng CDN dưới đây để thêm JavaScript của Bootstrap vào tài liệu HTML như sau:
<script src="https://cdn.jsdelivr.net/npm/bootstrap@5.0.2/dist/js/bootstrap.bundle.min.js" integrity="sha384-MrcW6ZMFYlzcLA8Nl+NtUVF0sA7MsXsP1UyJoMp4YLEuNSfAP+JcXn/tWtIaxVXM" crossorigin="anonymous"></script>
Trong trường hợp, bạn muốn sử dụng phiên bản JavaScript đã biên dịch (không bao gồm Popper.js) và muốn sử dụng Popper từ bên ngoài, bạn có thể dùng:
<script src="https://cdn.jsdelivr.net/npm/@popperjs/core@2.9.2/dist/umd/popper.min.js" integrity="sha384-IQsoLXl5PILFhosVNubq5LC7Qb9DXgDA9i+tQ8Zj3iwWAwPtgFTxbJ8NT4GN1R8p" crossorigin="anonymous"></script> <script src="https://cdn.jsdelivr.net/npm/bootstrap@5.0.2/dist/js/bootstrap.min.js" integrity="sha384-cVKIPhGWiC2Al4u+LWgxfKTRIcfu0JTxR+EQDz/bgldoEyl4H0zUF0QKbrJ0EcQF" crossorigin="anonymous"></script>
Lưu ý, đặt CDN Popper.js đứng trước CDN Javascript của Bootstrap.
(*) Popper (Popper.js) là một thư viện JavaScript, được sử dụng để tạo các thành phần giao diện như tooltip, popover và dropdown. Bootstrap sử dụng Popper để định vị và quản lý các thành phần này trên trang web một cách chính xác.
Ví dụ về việc sử dụng Bootstrap CDN trong dự án web:
<!DOCTYPE html> <html lang="en"> <head> <meta charset="UTF-8"> <meta name="viewport" content="width=device-width, initial-scale=1.0"> <title>Bootstrap CDN - ITViec </title> <link href="https://cdn.jsdelivr.net/npm/bootstrap@5.0.2/dist/css/bootstrap.min.css" rel="stylesheet" integrity="sha384-EVSTQN3/azprG1Anm3QDgpJLIm9Nao0Yz1ztcQTwFspd3yD65VohhpuuCOmLASjC" crossorigin="anonymous"> </head> <body> <div class="container text-center mt-5"> <h1 class="display1 text-danger">ITViec Blog</h1> <p class="lead">ITviec Blog - Ý tưởng phát triển sự nghiệp IT của bạn</p> <button class="btn btn-primary">Bootstrap CDN</button> <button class="btn btn-danger">ITViec</button> </div> <script src="https://cdn.jsdelivr.net/npm/bootstrap@5.0.2/dist/js/bootstrap.bundle.min.js" integrity="sha384-MrcW6ZMFYlzcLA8Nl+NtUVF0sA7MsXsP1UyJoMp4YLEuNSfAP+JcXn/tWtIaxVXM" crossorigin="anonymous"></script> </body> </html>
Kết quả:
Khi mở Devtool từ trình duyệt và kiểm tra phần “Network”, chúng ta có thể thấy CDN CSS và Javascript của Bootstrap đã được tải về.
Ưu điểm và nhược điểm khi dùng Bootstrap CDN
Bootstrap CDN là lựa chọn phổ biến của lập trình viên khi muốn đưa Bootstrap vào dự án, bởi vì những ưu điểm của nó:
- Tốc độ tải trang nhanh hơn: CDN chọn máy chủ gần nhất với người dùng, giúp giảm thời gian tải trang.
- Tiết kiệm băng thông: Giảm tải cho máy chủ của bạn vì file Bootstrap được lưu trên CDN.
- Thiết lập dễ dàng: Chỉ cần thêm đường link CDN vào website, không phải tải file về và cài đặt.
- Tận dụng bộ nhớ cache: Nhiều website dùng chung CDN nên trình duyệt có thể tận dụng bộ nhớ cache, giúp trang web tải nhanh hơn.
- Dễ cập nhật phiên bản: Chỉ cần đổi link CDN sang phiên bản mới để cập nhật Bootstrap dễ dàng.
Tuy nhiên, việc sử dụng Bootstrap CDN cũng có những nhược điểm như:
- Phụ thuộc vào bên thứ ba: Nếu CDN gặp sự cố hoặc chậm, website của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng.
- Vấn đề bảo mật và quyền riêng tư: Bởi vì phụ thuộc vào bên cung cấp CDN nên ứng dụng có thể gặp một số rủi ro về bảo mật hoặc tính riêng tư, vì vậy việc lựa chọn một dịch vụ CDN uy tín là điều cần thiết.
- Yêu cầu kết nối Internet liên tục: Ứng dụng web luôn phải có kết nối ổn định tới CDN. Nếu kết nối chậm hoặc gián đoạn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm người dùng.
Khi nào nên sử dụng Bootstrap CDN?
Dựa vào những ưu điểm nổi bật của Bootstrap CDN như dễ dàng tích hợp, tốc độ tải trang nhanh và khả năng tiết kiệm băng thông hiệu quả, cùng với việc cân nhắc những nhược điểm như phụ thuộc vào dịch vụ bên ngoài, ta có thể thấy Bootstrap CDN phù hợp nhất trong những trường hợp sau đây:
- Triển khai nhanh chóng: Khi một ứng dụng web cần xây dựng nhanh chóng và đơn giản hóa việc triển khai.
- Khi website có lượng người dùng lớn, trải rộng trên nhiều quốc gia: CDN giúp website tải nhanh ở khắp nơi trên thế giới, cải thiện tốc độ truy cập và trải nghiệm người dùng.
- Máy chủ có băng thông giới hạn hoặc yếu: Sử dụng CDN giúp giảm tải cho máy chủ và tiết kiệm băng thông.
Câu hỏi thường gặp về Bootstrap CDN
Bootstrap CDN có miễn phí không?
Bootstrap CDN hoàn toàn miễn phí, bạn có thể thêm nó vào ứng dụng web một cách tự do. Tuy nhiên, cần lưu ý chọn CDN chính thức của Bootstrap, hoặc các dịch vụ CDN uy tín như Cloudflare, unpkg, jsDelivr để đảm bảo tính ổn định và hiệu suất tốt.
Tôi có thể sử dụng đồng thời Bootstrap CDN và CSS tùy chỉnh không?
Bạn có thể sử dụng đồng thời Bootstrap CDN và CSS tùy chỉnh một cách dễ dàng. Điều này giúp tùy chỉnh ghi đè các thiết lập mặc định của Bootstrap khi cần, đồng thời vẫn tận dụng được các ưu điểm từ Bootstrap CDN.
Làm sao để đảm bảo Bootstrap CDN luôn hoạt động trên ứng dụng?
Đầu tiên, để đảm bảo Bootstrap CDN luôn hoạt động, bạn nên chọn sử dụng CDN chính thức từ Bootstrap hoặc các dịch vụ CDN uy tín. Ngoài ra, bạn có thể chuẩn bị một bản Bootstrap ở máy chủ của mình và thiết lập cơ chế dự phòng (fallback) để đảm bảo Bootstrap luôn có sẵn.
Ví dụ về thiết lập fallback cho Bootstrap CDN:
<!-- CSS --> <link href="https://cdn.jsdelivr.net/npm/bootstrap@5.0.2/dist/css/bootstrap.min.css" rel="stylesheet" integrity="sha384-EVSTQN3/azprG1Anm3QDgpJLIm9Nao0Yz1ztcQTwFspd3yD65VohhpuuCOmLASjC" crossorigin="anonymous"> <!-- JavaScript --> <script src="https://cdn.jsdelivr.net/npm/bootstrap@5.0.2/dist/js/bootstrap.bundle.min.js" integrity="sha384-MrcW6ZMFYlzcLA8Nl+NtUVF0sA7MsXsP1UyJoMp4YLEuNSfAP+JcXn/tWtIaxVXM" crossorigin="anonymous"></script> <!-- Local fallback --> <script> if (typeof bootstrap === 'undefined') { document.write('<script src="/js/bootstrap.min.js"></script>'); document.write('<link rel="stylesheet" href="/css/bootstrap.min.css">'); } </script>
Trong ví dụ trên có 2 phần:
- Phần CDN: bao gồm link tải CSS và Javascript của Bootstrap từ jsDelivr
- Phần Fallback: Sử dụng javascript để kiểm tra Bootstrap đã được tải hay chưa. Nếu tải CDN thất bại, tự động chuyển sang dùng file Bootstrap (CSS, JS) đã chuẩn bị sẵn trên máy chủ của bạn để đảm bảo website vẫn hoạt động ổn định.
Tổng kết
Bootstrap CDN là một giải pháp hiệu quả và nhanh chóng giúp lập trình viên dễ dàng tích hợp Bootstrap vào dự án mà không cần cài đặt hay cấu hình phức tạp. Qua bài viết này, ITViec hi vọng bạn đọc đã hiểu rõ hơn về cách sử dụng Bootstrap CDN một cách hiệu quả và lựa chọn được phương pháp sử dụng Bootstrap phù hợp nhất cho dự án của mình.