Nội dung chính
Khi thế giới ngày càng trở nên số hóa, nhu cầu về các giải pháp công nghệ hiệu quả và nhanh chóng tiếp tục tăng lên. Kết quả là nhu cầu tuyển dụng ngành lập trình cũng phát triển mạnh mẽ. Ngoài Frontend Developer, Full-stack Developer, Backend Developer cũng được săn đón mạnh mẽ. Nếu bạn đang định hướng bản thân trở thành Backend Developer, đây chính là bài viết hữu ích đấy, đừng bỏ qua nhé.
Đọc bài viết này để hiểu rõ hơn:
- Backend Developer là gì?
- Backend Developer làm gì?
- Các vai trò công việc của Backend Developer
- Lộ trình phát triển sự nghiệp của Backend Developer
- Muốn trở thành Backend Developer cần chuẩn bị những gì?
- Các câu hỏi thường gặp về Backend Developer
Backend Developer là gì?
Backend Developer, hay còn gọi là lập trình viên backend, là người chịu trách nhiệm xây dựng và duy trì phần “hậu trường” của một trang web hoặc ứng dụng web. Nói cách khác, họ là những “kiến trúc sư” thầm lặng tạo nên bộ khung và hệ thống vận hành cho website, đảm bảo website hoạt động trơn tru và mượt mà.
Backend Developer làm gì?
Để trở thành Frontend Developer, Backend Developer hay Full Stack Developer, bạn phải đáp ứng được kha khá các yêu cầu về kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm. Trong đó, các yêu cầu kỹ năng của backend sẽ giúp bạn dễ dàng thực hiện các đầu công việc sau:
- Thiết kế và xây dựng API: API là cầu nối giữa giao diện người dùng (frontend) và phần backend. Backend Developer xây dựng các API để các frontend Developer truy cập và xử lý dữ liệu từ database, server,…
- Phát triển và quản lý database: Backend Developer thiết kế, tạo và quản lý database để lưu trữ và truy xuất dữ liệu cho website hoặc ứng dụng. Đảm bảo database hoạt động hiệu quả, bảo mật và có thể mở rộng khi cần thiết.
- Duy trì trang web: Backend Developer sử dụng nhiều công cụ, frameworks và ngôn ngữ lập trình khác nhau để phát triển các nguyên mẫu trực quan, thân thiện với người dùng và biến chúng thành trang web.
- Viết code server-side: Backend Developer sử dụng các ngôn ngữ lập trình như Python, Java, PHP,… để viết code cho phần server-side. Code này xử lý các yêu cầu từ người dùng, thực hiện các tác vụ logic và trả về kết quả cho frontend.
- Thực hiện thử nghiệm đảm bảo chất lượng (QA): Tạo và giám sát lịch trình thử nghiệm để tối ưu hóa giao diện và trải nghiệm của người dùng, đảm bảo hiển thị tối ưu trên nhiều trình duyệt và thiết bị khác nhau.
- Tối ưu hoá hiệu suất website: Sau khi trang web được thiết lập và chạy, trong quá trình cập nhật và chỉnh sửa, các nhà phát triển cần đánh giá hiệu suất và khả năng mở rộng của trang web, điều chỉnh code và database để đảm bảo website hoặc ứng dụng hoạt động nhanh chóng, mượt mà và có thể xử lý lượng truy cập lớn.
- Bảo mật hệ thống: Backend Developer thực hiện các biện pháp bảo mật để bảo vệ website hoặc ứng dụng khỏi các cuộc tấn công mạng và rò rỉ dữ liệu.
- Đào tạo và hỗ trợ: Duy trì quy trình làm việc với nhóm khách hàng để đảm bảo hỗ trợ liên tục, cùng với việc đào tạo và cố vấn hàng đầu cho các nhà phát triển mới vào nghề.
Đọc thêm: Backend là gì: Tổng hợp các kiến thức cần biết về Backend
Các vai trò phổ biến của Backend Developer
Sự thay đổi không ngừng của cảnh quan công nghệ hiện nay đòi hỏi vai trò của Backend Developer cũng phải phát triển và đa dạng hóa để đáp ứng nhu cầu. Định hướng trở thành Backend Developer không buộc bạn chỉ được làm một vị trí mà có thể thực hiện các vai trò công việc khác như:
- Java Developer (Lập trình viên Java): Java Developer sử dụng Java để xây dựng các ứng dụng backend có khả năng mở rộng, bảo mật và độc lập với nền tảng. Java Developer rất được săn đón vì khả năng tạo ra các hệ thống backend mạnh mẽ có thể xử lý lượng lớn dữ liệu và lưu lượng truy cập.
- Full-stack Developer (Lập trình viên full-stack): Full-stack Developer có kỹ năng lập trình cả frontend lẫn backend. Với vai trò này, bạn có thể thiết kế và xây dựng giao diện người dùng, logic phía server và cơ sở dữ liệu.
- DevOps Engineer (Kỹ sư DevOps): DevOps Engineer là cầu nối giữa nhóm phát triển và vận hành. Với vai trò này, bạn sẽ làm việc để tự động hóa quá trình xây dựng, kiểm thử và triển khai ứng dụng, đảm bảo các tính năng mới có thể được phát hành nhanh chóng và đáng tin cậy.
- Software Engineer (Kỹ sư phần mềm): Software Engineer tham gia vào toàn bộ vòng đời phát triển phần mềm, từ thiết kế và lập trình ứng dụng đến kiểm thử và triển khai. Vị trí công việc này được hàng loạt thương hiệu công nghệ lớn săn đón bởi khả năng làm việc trên nhiều dự án khác nhau, từ ứng dụng web đến ứng dụng di động và phần mềm máy tính để bàn.
- iOS Developer (Lập trình viên iOS): iOS Developer chuyên xây dựng ứng dụng cho hệ điều hành iOS của Apple, được sử dụng trên iPhone và iPad. Lập trình iOS bao gồm tạo ra chức năng backend cung cấp sức mạnh cho các ứng dụng iOS. Lập trình viên iOS cần hiểu sâu về các công cụ và khung phát triển của Apple để tạo ra các ứng dụng hiệu quả và thân thiện với người dùng cho thiết bị iOS.
Muốn trở thành Backend Developer cần chuẩn bị những gì?
Để trở thành Backend Developer, việc đầu tiên bạn cần làm chính là trang bị các kiến thức chuyên môn để đáp ứng tốt các đầu công việc được giao. Bên cạnh đó, bạn có cần trang bị những kỹ năng mềm để có thể kết nối cùng đồng nghiệp thực hiện chỉn chu công việc.
Các kỹ năng chuyên môn cần trang bị gồm:
- Ngôn ngữ lập trình: Bạn cần phải thành thạo ít nhất một trong các ngôn ngữ lập trình backend như Python, Java và PHP. Những ngôn ngữ này giúp trang web hoạt động khi được sử dụng cùng với cơ sở dữ liệu, frameworks và máy chủ. Trang bị thêm kiến thức cơ bản về các ngôn ngữ front-end như HTML, CSS và JavaScript cũng là một lợi thế.
- Framework: Framework là bộ khung hoặc bộ công cụ cung cấp các cấu trúc, thư viện, API và các thành phần được xây dựng sẵn để hỗ trợ việc phát triển phần mềm. Framework thường được liên kết với các ngôn ngữ lập trình cụ thể, giúp giảm thiểu mã boilerplate và tăng tốc độ phát triển phần mềm.
- Cơ sở dữ liệu và máy chủ: Bạn sẽ cần hiểu cách sắp xếp và khôi phục dữ liệu từ cơ sở dữ liệu, vì lập trình backend kiểm soát quyền truy cập vào thông tin này. MongoDB và MySQL là hai chương trình cơ sở dữ liệu được ưa chuộng hiện nay.
- Giao diện lập trình ứng dụng (API): API là một loạt các định nghĩa và quy tắc để phát triển phần mềm ứng dụng. Ngoài các trang web trình duyệt internet, các công ty thường muốn có một ứng dụng di động cho iOS hoặc Android. Kiến thức về các ngôn ngữ xây dựng ứng dụng như JavaScript sẽ mở rộng cơ hội việc làm của bạn.
- Khả năng truy cập và bảo mật: Bạn nên phát triển kiến thức về giao thức mạng và bảo mật web. Biết cách bảo mật cơ sở dữ liệu và máy chủ rất quan trọng đối với thành công của bạn với tư cách là Backend Developer.
Bên cạnh các kỹ năng chuyên môn, bạn còn cần trang bị những kỹ năng mềm để làm việc hiệu quả hơn, năng suất hơn và liền mạch hơn với các thành viên trong nhóm.
- Giao tiếp: Kỹ năng viết và giao tiếp tốt sẽ giúp bạn truyền đạt mọi ý tưởng và khắc phục sự cố với các thành viên trong nhóm và các bên liên quan.
- Giải quyết vấn đề và tư duy phân tích: Bạn sẽ cần tìm ra các giải pháp sáng tạo khi phát triển ứng dụng web hoặc di động, chẳng hạn như gỡ lỗi mã và sửa đổi mà không làm sập toàn bộ trang web. Là một nhà phát triển, bạn phải có khả năng phân tích lý do tại sao một phần mã hoạt động hoặc không hoạt động, cũng như dự đoán và ngăn ngừa lỗi.
- Kiến thức ngành: Hiểu biết toàn diện về ngành công nghệ luôn hữu ích để theo kịp xu hướng kinh tế chung cũng như cập nhật ngôn ngữ và nền tảng mới. Để trau dồi thêm, hãy xem các blog, diễn đàn, tin tức và sách liên quan đến phát triển web và ứng dụng.
Lộ trình phát triển sự nghiệp của Backend Developer
Các vị trí công việc của Backend Developer đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn và trách nhiệm tương ứng. Hiểu rõ lộ trình phát triển sự nghiệp của Backend Developer theo từng cấp sẽ giúp bạn biết mình cần học gì, trau dồi kỹ năng nào thêm.
Lộ trình phát triển sự nghiệp của Backend Developer có thể đa dạng tùy theo mục tiêu và sở thích cá nhân. Tuy nhiên, nhìn chung sẽ bao gồm các giai đoạn sau:
Junior Backend Developer
Junior Backend Developer là vai trò dành cho những người mới bắt đầu công việc này. Junior Backend Developer thường hỗ trợ viết code, khắc phục sự cố (fix bug) và duy trì các ứng dụng phía server dưới sự giám sát của các lập trình viên có kinh nghiệm hơn.
Kỹ năng cần thiết để bắt đầu với vị trí Junior:
- Thành thạo ít nhất một ngôn ngữ lập trình backend phổ biến như Java, Python, Ruby, PHP, Node.js,…
- Hiểu biết về các hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu (DBMS) như MySQL, PostgreSQL, MongoDB,…
- Nắm vững các khái niệm cơ bản về lập trình hướng đối tượng, thiết kế phần mềm và bảo mật ứng dụng web.
- Có khả năng học hỏi nhanh chóng và thích nghi với sự thay đổi và ra đời nhanh chóng của các công nghệ mới.
Backend Developer
Backend Developer là vị trí trung cấp, liên quan đến việc xây dựng và duy trì công nghệ cần thiết cho phép phía giao diện người dùng (frontend) của các trang web hoạt động bình thường. Backend Developer làm việc với quản lý cơ sở dữ liệu, scripting và kiến trúc trang web.
Senior Backend Developer
Đây là những Backend Developer giàu kinh nghiệm, đảm nhận các code phức tạp, đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ junior Backend Developer hoàn thành công việc. Senior Backend Developer thường có kiến thức chuyên sâu về các framework hoặc ngôn ngữ lập trình backend nhất định.
Backend Team Lead
Một vai trò lãnh đạo kết hợp chuyên môn kỹ thuật với trách nhiệm quản lý. Backend Team Lead giám sát một nhóm các lập trình viên, quản lý dự án và phối hợp với các bộ phận khác để đảm bảo các dự án về backend được hoàn thành đúng thời hạn.
Backend Architect
Đây là một vai trò công việc chuyên biệt tập trung vào thiết kế cấu trúc của hệ thống backend. Backend Architect đưa ra các lựa chọn thiết kế và quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật, bao gồm tiêu chuẩn code, công cụ và nền tảng.
Mỗi vị trí công việc của Backend Developer đều đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra và duy trì cơ sở hạ tầng của trang web. Khi công nghệ phát triển, chuyên môn của bạn cũng tiến bộ lên từng ngày, hứa hẹn cho những vị trí cao hơn trong tương lai.
Các câu hỏi về Backend Developer thường gặp
Mất bao lâu để trở thành Backend Developer?
Khoảng thời gian để trở thành một Backend Developer có thể khác nhau tùy thuộc vào tốc độ học tập, kinh nghiệm hoặc lượng thời gian bạn dành cho việc học.
Nếu bạn có nền tảng về khoa học máy tính hoặc lĩnh vực liên quan và có kinh nghiệm lập trình từ trước đó, bạn có thể trở thành Backend Developer chỉ trong thời gian ngắn, khoảng vài tháng.
Ngược lại, nếu bạn bắt đầu với ít hoặc không có kinh nghiệm từ trước đó, bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để phát triển các kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm cần thiết mới có thể bắt đầu với vị trí Junior. Thời gian học trong trường hợp này có thể mất từ 6 tháng đến 2 năm.
AI (Trí tuệ nhân tạo) có thể thay thế Backend Developer không?
AI (Trí tuệ nhân tạo) đang phát triển nhanh chóng và có khả năng tự động hóa một số tác vụ trong công việc của backend như viết code đơn giản, kiểm tra và fix bug cơ bản. Tuy nhiên, AI vẫn còn nhiều hạn chế, chẳng hạn không thể sáng tạo, giải quyết vấn đề phức tạp hoặc thích ứng với những tình huống mới một cách tốt như con người.
Do đó, AI không thể thay thế hoàn toàn các backend trong tương lai gần.
Có thể tìm việc làm Backend Developer tại đâu?
Backend Developer được nhiều công ty từ trong nước đến thế giới săn đón với mức lương rất hấp dẫn. Hiện nay có rất nhiều trang web tổng hợp các thông tin tuyển dụng về Backend Developer chất lượng. Bạn có thể tìm việc làm Backend Developer “chất” hiện nay tại ITviec.
Mức lương của Backend Developer là bao nhiêu?
Mức lương của Backend Developer sẽ khác nhau theo từng vị trí công việc với số năm kinh nghiệm tương ứng. Theo báo cáo “Mức lương và mong đợi nghề nghiệp của các chuyên gia IT 2023-2024”, mức lương của Backend Developer từ 1 đến trên 8 năm kinh nghiệm như sau:
Số năm | < 1 năm | 1 – 2 năm | 3 – 4 năm | 5 – 8 năm | > 8 năm |
Mức lương Backend Developer (triệu đồng/ năm) | 10.000.000 | 16.000.000 | 27.000.000 | 41.000.000 | 60.500.000 |
Lưu ý: Đây chỉ là mức lương mang tính tham khảo. Việc lương cao hay thấp còn phụ thuộc vào quy mô công ty, vị trí làm việc, trình độ chuyên môn,… và nhiều yếu tố khác.
Tổng kết
Với những thông tin về Backend Developer trên, hy vọng bạn đã hiểu được tường tận công việc, lộ trình và các kiến thức cần thiết khi bắt đầu học tập và phát triển bản thân ở vị trí này. Đừng quên đón đọc các chuỗi bài viết chuyên môn trên ITviec để trang bị thêm kiến thức bạn nhé.