Unreal Engine 5 là phiên bản lập trình game mới nhất của Unreal Engine được phát hành vào năm 2023 bởi Epic Games. Công cụ này được nhiều lập trình viên ưa chuộng nhờ vào những khả năng vượt trội hỗ trợ sản xuất trò chơi và đặc biệt là sự ra đời của Nanite, Lumen trong phiên bản thứ 5. Nếu bạn muốn tìm hiểu game engine này nhưng không rõ bắt đầu từ đâu, tham khảo ngay bài viết này với lộ trình học Unreal Engine 5 rõ ràng, chi tiết và đơn giản.

Cùng ITviec tìm hiểu qua bài viết này:

  • Unreal Engine 5 là gì?
  • Những tính năng mới trong Unreal Engine 5
  • Học Unreal Engine 5 cho người mới bắt đầu bao gồm: Hướng dẫn cài đặt UE5, giao diện UE5 và thuật ngữ sử dụng
  • Gợi ý tài liệu và khóa học Unreal Engine 5

Unreal Engine 5 là gì?

Tổng quan về công cụ Unreal Engine 

Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến tựa game Fortnite, một trong những loại game 3D với lượng người dùng khổng lồ nhất hiện nay. Vậy bạn có biết, đâu là công cụ lập trình game đứng sau thành công của Fortnite? Chính là Unreal Engine.

Unreal Engine, gọi tắt là UE, là một công cụ lập trình 3D tiên tiến được phát triển bởi Epic Games vào năm 1998. Được viết bằng ngôn ngữ lập trình C++, Unreal Engine nổi tiếng với khả năng xây dựng các vũ trụ ảo phức tạp và trò chơi đỉnh cao như Fortnite, Mario, Temple Run, Angry Birds, v.v. 

UE cho phép các lập trình viên tạo mô phỏng, chỉnh sửa video và âm thanh, và kết xuất đồ hoạ, đồng thời hỗ trợ người dùng đa nền tảng như iOS, Android, Windows, PlayStation và Xbox. 

Một trong những lợi thế nổi bật của Unreal Engine là tính miễn phí và thân thiện với người mới bắt đầu. Đặc biệt, Epic Games đã biến công cụ lâu đời hơn 25 năm này thành tiêu chuẩn cho việc lập trình game AAA trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử, cung cấp các công cụ mạnh mẽ và tính năng nâng cao để tùy chỉnh gần như mọi loại game và modding, từ đó mở ra nhiều cơ hội sáng tạo cho cả nhà phát triển lẫn người chơi.

Giới thiệu về Unreal Engine 5

Unreal Engine 5 (UE5) là phiên bản mới nhất của UE, được phát hành vào năm 2023 với các tính năng tiên tiến mới được ra mắt như Nanite, Lumen, hệ thống World Partition, MetaSounds và sự cải thiện vược bậc về hệ thống đồ hoạ. 

UE5 không chỉ là một công cụ phát triển trò chơi mà còn là một môi trường phát triển đa năng cho các nội dung 3D khác như phim và trải nghiệm thực tế tăng cường. Cụ thể, Một trong những điểm nổi bật của UE5 là khả năng cải thiện đáng kể độ trung thực đồ họa. Công cụ này loại bỏ nhu cầu xác định riêng cách chiếu sáng một vật thể bằng cách sử dụng hệ thống chiếu sáng toàn cầu động, đồng thời cho phép mức độ chi tiết động cho các mô hình phức tạp. 

UE5 cũng cung cấp các hệ thống hoạt ảnh và thiết kế âm thanh tích hợp, cho phép tạo ra các khuôn mặt và cơ thể người thuyết phục mà không cần phải chuyển đổi giữa các công cụ khác nhau, giúp đơn giản hoá quá trình làm việc cũng như cải thiện hiệu quả làm việc cho cá nhân và nhóm phát triển. 

Sự ra mắt của UE5 được Epic Games khẳng định là bước tiến vượt bậc trong ngành công nghiệp phát triển trò chơi và nội dung 3D, mang lại cho các nhà phát triển một bộ công cụ mạnh mẽ và toàn diện để hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của họ.

Tuy vậy, một số người dùng sau quá trình trải nghiệm UE5 báo cáo rằng việc làm quen với công cụ này có phần tốn nhiều thời gian bởi lượng tính năng khá lớn và nâng cao, thời gian biên dịch dài và yêu cầu nền tảng máy tính mới nhất để cài đặt. Thậm chí, UE5 còn có thể gặp sự cố thường xuyên, dẫn đến mất dữ liệu và những phần công việc đang dang dở còn chưa được lưu.

Những tính năng mới trong Unreal Engine 5

Như đã nhắc đến, Unreal Engine 5 đã cho ra mắt rất nhiều công cụ tiên tiến hỗ trợ lập trình game, đặc biệt là phần đồ hoạ, cụ thể như:

Nanite

học unreal engine 5 - itviec blog

 

Nanite là hệ thống hình học ảo lần đầu tiên được ra mắt bởi Unreal Engine. 

Đây là sử dụng công nghệ dựng hình mới để tạo ra các chi tiết theo tỷ lệ điểm ảnh và xử lý số lượng đối tượng lớn, cho phép nhập và xử lý các mô hình yêu cầu nhiều chi tiết mà không làm giảm hiệu suất. Nanite có khả năng tự động điều chỉnh và hỗ trợ triển khai cấu trúc hình học theo thời gian thực, từ đó duy trì tốc độ khung hình mượt mà ở hiệu suất cao.

Nhờ vậy, các nhà phát triển có thể tạo ra các bề mặt cấu hình phức tạp sát với thực tế nhất mà không cần lo về việc tối ưu hóa thủ công các mức độ chi tiết (level of details – LOD). 

Sự ra mắt của Nanite giúp việc thiết kế và triển khai các môi trường đồ họa chất lượng phim với Unreal Engine trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn bao giờ hết.

Lumen

học unreal engine 5 - itviec blog

Lumen là hệ thống chiếu sáng được Unreal Engine cải tiến rõ rệt nhất giữa phiên bản 4 và 5.

Khi UE4 cần phải kết hợp các công cụ không mấy tin cậy như Screen Space Global Illumination và Ray Tracing Global Illumination (RTGI) để đạt được hiệu suất cao, Lumen của UE5 chiếu sáng và phản chiếu toàn cục động, được thiết kế cho các máy chơi game thế hệ mới, đặc biệt là cho các dự án chạy trên thời gian thực. 

Lumen tạo ra sự phản chiếu khuếch tán vô hạn và ánh sáng gián tiếp trong các môi trường lớn, hỗ trợ đơn vị từ mm đến km. Ngoài khả năng chiếu sáng toàn cục mạnh mẽ, công cụ còn có khả năng tích hợp tốt với các hệ thống khác trong UE5 như Nanite, World Partition và Virtual Shadow Maps.

World Partition

học unreal engine 5 - itviec blog

World Partition là hệ thống quản lý dữ liệu tự động và duy trì stream theo cấp độ của Unreal Engine 5. Ví dụ như, thay vì chia các cấp độ lớn thành nhiều phần nhỏ, công cụ này lưu trữ toàn bộ thế giới trong một cấp độ duy nhất, phân tách thành các ô lưới. Sau đó, hệ thống này sẽ tự động tải và dỡ các ô lưới dựa trên khoảng cách từ người chơi, chỉ hiển thị các phần mà người chơi nhìn thấy và tương tác.

Khi phiên bản Unreal Engine 4 cho phép bạn tạo ra các thế giới mở, thì phiên bản cải tiến World Partition của UE5 lại giúp phần này trở nhanh chóng và dễ dàng hơn. Hơn nữa, hệ thống cho phép nhiều thành viên trong nhóm làm việc song song thông qua tính năng One File Per Actor, đơn giản quá trình cộng tác bằng cách lưu dữ liệu của mỗi người tham gia với nhiều tệp riêng biệt mà không bị làm việc chồng chéo. 

Control Rig

học unreal engine 5 - itviec blog

Một cải tiến nổi bật nữa mà Unreal Engine đã tung ra cho phiên bản thứ 5 này chính là bộ công cụ hoạt ảnh Control Rig, cho phép người dùng tạo và chia sẻ giàn khoan giữa các nhân vật. 

Công cụ Full-Body IK solver này giúp lưu trữ và cải thiện sự tự nhiên trong các tư thế hành động của nhân vật trong trò chơi. Bên cạnh đó là những công cụ nổi bật khác như Skeletal Editor và Panel Cloth Editor cho phép tô màu cho da và thêm chiều sâu cho vải, mang đến độ chân thực và chuẩn xác cao hơn.

MetaSounds

học unreal engine 5 - itviec blog

Ngoài Nanite, MetaSounds là một công cụ mới ra mắt vượt trội mà bạn nên trải nghiệm trên Unreal Engine 5.

MetaSound là hệ thống âm thanh hiệu suất cao của Unreal Engine 5, mang đến cho các lập trình viên khả năng kiểm soát hoàn toàn đối với đồ thị xử lý tín hiệu số (Digital Signal Processing – DSP) để tạo ra một nguồn âm thanh. Hệ thống này cho phép tùy chỉnh, tích hợp với các bên ứng dụng thứ ba và hỗ trợ tái sử dụng đồ thị, từ đó giúp quy trình thiết kế âm thanh trong trình chỉnh sửa trở nên mạnh mẽ và linh hoạt.

Không giống như Sound Cues của Unreal Engine 4, đồ thị kết xuất DSP của MetaSounds cho phép các nhà thiết kế âm thanh xây dựng các hệ thống âm thanh thủ tục mạnh mẽ với thời gian chính xác và kiểm soát ở cấp độ bộ đệm âm thanh. Hơn nữa, hệ thống còn có thể tạo âm thanh tổng hợp khi chạy và kết hợp với các nguồn âm thanh khác. Người dùng có thể dễ dàng tích hợp dữ liệu vào MetaSounds, từ đó tăng tính tương tác để tạo ra trải nghiệm nhập vai có trong các sự kiện trong trò chơi.

Ngoài những công cụ mới ra mắt và các cải tiến này ra, Unreal Engine 5 còn sỡ hữu đa dạng các tính năng khác mà có thể sẽ khiến cho người dùng mới bối rối vì không biết bắt đầu từ đâu. Hãy đọc tiếp hướng dẫn chi tiết lộ trình học Unreal Engine 5 cho người mới bắt đầu!

Lộ trình học Unreal Engine 5 cho người mới bắt đầu

Tải Unreal Engine 5

Trước tiên, bạn cần tải Unreal Engine 5 xuống máy tính để có thể bắt đầu trải nghiệm thực tế để học hiệu quả:

Bước 1: Trước khi bạn có thể cài đặt Unreal Editor, bạn cần tải xuống và cài đặt trình khởi chạy Epic Games.

Lưu ý: Để tải được UE5, máy tính của người dùng phải thuộc một trong số các phiên bản sau đây:

  • Windows: Windows 10 64-bit, lõi tứ Intel hoặc AMD, 2,5 GHz trở lên, RAM 16 GB, card đồ họa tương thích DirectX 11 hoặc 12
  • Linux: Linux Ubuntu 18.04, lõi tứ Intel hoặc AMD, 2,5 GHz trở lên, RAM 32 GB, NVIDIA GeForce RTX 2080 trở lên
  • macOS: macOS 13.x mới nhất, Intel lõi tứ, 2,5 GHz trở lên, RAM 8 GB, Card đồ họa tương thích Metal 1.2

Bước 2: Sau khi tải xuống và cài đặt, hãy mở trình khởi chạy và tạo mới hoặc đăng nhập vào tài khoản Epic Games của bạn.

Bước 3: Sau khi đăng nhập, hãy điều hướng đến tab Unreal Engine và nhấp vào nút Cài đặt để tải xuống phiên bản mới nhất.

Làm quen với giao diện Unreal Engine 5

Để bắt đầu quá trình học Unreal Engine 5, điều đầu tiên là bạn cần hiểu và làm quen với giao diện trình chỉnh sửa, Level Editor, trên công cụ này. Cụ thể như:

Tên Mô tả
Menu Bar (Thanh Menu) Sử dụng menu này để hiển thị và truy cập các lệnh và chức năng cụ thể của trình chỉnh sửa.
Main Toolbar (Thanh Công Cụ Chính) Chứa các phím tắt cho một số công cụ và trình chỉnh sửa phổ biến nhất trong Unreal Engine, cũng như các phím tắt để vào chế độ Play (chạy trò chơi của bạn bên trong Unreal Editor) và triển khai dự án của bạn lên các nền tảng khác.
Level Viewport (Khung nhìn cấp độ) Hiển thị nội dung của cấp độ của bạn, chẳng hạn như Máy Ảnh, Diễn Viên, Lưới Tĩnh, v.v.
Content Drawer (Nút mở ngăn nội dung) Nơi bạn có thể truy cập tất cả các tài sản nguồn trong dự án của mình
Bottom Toolbar (Thanh công cụ dưới) Chứa các phím tắt đến Command Console, Output Log, và chức năng Dữ Liệu Đã Phái Sinh. Cũng hiển thị trạng thái nguồn kiểm soát .
Outliner (Trình quản lý nội dung) Hiển thị tất cả nội dung trong cấp độ của bạn dưới dạng cây phân cấp.
Details (Chi tiết) Xuất hiện khi bạn chọn một Diễn Viên.

Hiển thị các thuộc tính khác nhau cho Diễn Viên đó, chẳng hạn như Vị trí của nó trong cấp độ, Lưới Tĩnh, Vật Liệu và các cài đặt vật lý.

Bảng này hiển thị các cài đặt khác nhau tùy thuộc vào những gì bạn chọn trong Level Viewport.

Đọc thêm tại Unreal Editor Interface để biết và học làm quen với các giao diện khác của UE5.  

Những thuật ngữ chuyên môn cần biết khi học Unreal Engine 5

Unreal Engine 5 là một công cụ lập trình nâng cao được người dùng chuyên sử dụng khi lập trình game phức tạp và đòi hỏi tính kỹ thuật cao. Nếu bạn là người mới bắt đầu sử dụng UE5, cần làm quen với những thuật ngữ chuyên môn hay xuất hiện trên công cụ này:

  • Project (Dự án)

Dự án Unreal Engine 5 lưu trữ toàn bộ nội dung trò chơi của bạn. Nó chứa các thư mục như Bản thiết kế và Tài liệu. Bạn có thể đặt tên và sắp xếp các thư mục bên trong Dự án theo ý muốn. Bảng điều khiển Trình duyệt nội dung trong Unreal Editor hiển thị cùng cấu trúc thư mục như trên đĩa của bạn.

Mỗi dự án có một tệp .uproject liên kết. Tệp này dùng để tạo, mở hoặc lưu dự án. Bạn có thể tạo và làm việc trên nhiều dự án khác nhau cùng lúc.

  • Blueprint (Bản thiết kế)

Hệ thống Blueprint Visual Scripting sử dụng giao diện dựa trên nút để tạo các thành phần trò chơi trong Unreal Editor. Nó xác định các lớp hoặc đối tượng hướng đối tượng (OO). Các đối tượng được xác định bằng Blueprint thường được gọi là “Bản thiết kế”.

  • Object (Đối tượng)

Đối tượng là lớp cơ bản nhất trong Unreal Engine, chứa nhiều chức năng thiết yếu cho tài sản của bạn. Hầu như mọi thứ trong Unreal Engine đều kế thừa từ Đối tượng. Trong C++, UObject là lớp cơ sở của tất cả các đối tượng, hỗ trợ các tính năng như thu gom rác, siêu dữ liệu và tuần tự hóa.

  • Class (Lớp)

Lớp định nghĩa các hành vi và thuộc tính của Diễn viên hoặc Đối tượng trong Unreal Engine. Các lớp có tính phân cấp, kế thừa thông tin từ Lớp cha và truyền thông tin đó cho các Lớp con. Các lớp có thể được tạo trong mã C++ hoặc trong Bản thiết kế.

  • Actors (Diễn viên)

Diễn viên là bất kỳ đối tượng nào có thể được đặt vào một cấp độ, như Camera, lưới tĩnh hoặc vị trí bắt đầu của người chơi. Diễn viên hỗ trợ các phép biến đổi 3D như dịch chuyển, xoay và chia tỷ lệ. Chúng có thể được tạo và bị phá hủy thông qua mã trò chơi (C++ hoặc Blueprint).

Trong C++, AActor là lớp cơ sở của tất cả Diễn viên.

  • Component (Thành phần)

Thành phần là phần chức năng có thể được thêm vào Diễn viên. Khi bạn thêm Thành phần vào Diễn viên, Diễn viên có thể sử dụng chức năng mà Thành phần cung cấp. Ví dụ, Thành phần Spot Light sẽ khiến Diễn viên phát ra ánh sáng như đèn rọi.

  • Pawn (Quân cờ)

Quân cờ là lớp con của Diễn viên và đóng vai trò là hình đại diện hoặc nhân vật trong trò chơi. Pawn có thể được người chơi hoặc AI điều khiển. Khi một quân cờ được điều khiển, nó được coi là Bị chiếm hữu; ngược lại, nó được coi là Không sở hữu.

  • Character (Nhân vật)

Nhân vật là lớp con của Quân cờ dùng làm nhân vật người chơi. Nó bao gồm thiết lập va chạm, ràng buộc đầu vào cho chuyển động hai chân và mã bổ sung cho chuyển động do người chơi điều khiển.

  • Player Controller (Bộ điều khiển người chơi)

Bộ điều khiển người chơi tiếp nhận đầu vào của người chơi và chuyển đổi thành các tương tác trong trò chơi. Mỗi trò chơi có ít nhất một Bộ điều khiển người chơi, thường sở hữu một Quân cờ hoặc Nhân vật đại diện cho người chơi trong trò chơi.

  • AI Controller (Bộ điều khiển AI)

Bộ điều khiển AI sở hữu một Quân cờ đại diện cho một nhân vật không phải người chơi (NPC) trong trò chơi. Lớp C++ liên quan là AIController.

  • Player State (Trạng thái người chơi)

Trạng thái người chơi chứa trạng thái của người tham gia trò chơi, như tên, cấp độ hiện tại, sức khỏe và điểm. Đối với trò chơi nhiều người chơi, Trạng thái người chơi tồn tại trên tất cả các máy và sao chép dữ liệu từ máy chủ sang máy khách để giữ mọi thứ đồng bộ.

  • Game Mode (Chế độ trò chơi)

Chế độ trò chơi đặt ra các quy tắc của trò chơi, bao gồm cách người chơi tham gia, điều kiện chiến thắng và các hành vi cụ thể. Mỗi cấp độ chỉ có một Chế độ trò chơi. Lớp C++ liên quan là GameMode.

  • Game State (Trạng thái trò chơi)

Trạng thái trò chơi chứa thông tin bạn muốn sao chép đến mọi máy khách trong trò chơi, như điểm số, tình trạng trận đấu và số lượng nhân vật AI. Lớp C++ liên quan là GameState.

  • Brush (Cọ)

Cọ là một Diễn viên mô tả hình dạng 3D, được sử dụng để xác định hình học cấp độ. Cọ có thể là khối, cầu hoặc các hình dạng khác.

  • Volume (Thể tích)

Thể tích là không gian 3D bị giới hạn có nhiều cách sử dụng khác nhau, như ngăn Diễn viên đi qua, gây sát thương hoặc kích hoạt sự kiện khi Diễn viên vào hoặc ra khỏi.

  • Level (Cấp độ)

Cấp độ là khu vực chơi trò chơi bạn xác định, chứa mọi thứ người chơi có thể nhìn thấy và tương tác. Mỗi cấp độ được lưu dưới dạng tệp .umap riêng biệt.

  • World (Thế giới)

Thế giới là vùng chứa cho tất cả các Cấp độ tạo nên trò chơi của bạn, xử lý việc phát trực tuyến các Cấp độ và việc tạo các Diễn viên động.

Video học Unreal Engine 5 miễn phí

Bây giờ, bạn có thể đang tự hỏi, “Tôi có thể tìm hướng dẫn học Unreal Engine 5 tốt ở đâu?,” dưới đây là một số video học miễn phí trên YouTube mà hầu hết các lập trình viên đều bắt đầu với để làm quen: 

  • Kênh YouTube chính thức của UE5: Kênh YouTube chính thức của Unreal Engine có nhiều hướng dẫn rất dễ hiểu dành cho người mới bắt đầu.
  • Alex Quevillon: Loạt video “How to? – Unreal Engine 5 C++” hướng dẫn chi tiết từ định nghĩa đến cách ứng dụng ngôn ngữ lập trình C++ được sử dụng trên chính trên Unreal Engine 5.
  • Tharlev: Một lập trình viên Unreal Engine với hơn 5 năm kinh nghiệm và được chứng nhận là một Trainer được ủy quyền bởi Epic Unreal (Epic Unreal Authorised Trainer).
  • WINBUSH: Khóa học Unreal Engine 5 dành cho người mới bắt đầu của WINBUSH rất phù hợp cho bất kỳ ai muốn bắt đầu với Unreal nhưng không biết bắt đầu từ đâu.
  • Unreal Engine Blueprint Fundamentals: Dạy về những kiến thức coding UE5 bằng cách kéo thả với Blueprint.

Khoá học Unreal Engine 5

Ngoài học Unreal Engine thông qua các chuyên gia chia sẻ trên YouTube kể trên, bạn cũng nên kết hợp với những khoá học chất lượng được soạn chính thức bởi công cụ Unreal Engine, chẳng hạn như:

Tài liệu học Unreal Engine 5

Tất nhiên, không thể bỏ qua những nguồn tài liệu học Unreal Engine 5 thông qua handbook và các tài liệu có trong hệ sinh thái của Epic Games như: 

  • Unreal Online Learning: Nền tảng học tập miễn phí cung cấp khóa học video thực hành và lộ trình học tập hướng dẫn chi tiết.
  • Tài liệu MetaHuman: Hướng dẫn sử dụng MetaHuman Creator của Epic, ứng dụng đám mây giúp bạn tạo và tải xuống nhân vật kỹ thuật số với độ chân thực cao.
  • Tài liệu Epic Online Services (EOS): Tài liệu về dịch vụ đa nền tảng miễn phí của Epic, hỗ trợ khởi chạy, vận hành và mở rộng trò chơi một cách nhanh chóng, dễ dàng và đáng tin cậy.
  • Tài liệu Fortnite Creative: Hướng dẫn thiết kế và xuất bản trải nghiệm Fortnite của riêng bạn bằng Fortnite Creative.

Blueprint vs C++: Tại sao bạn nên kết hợp khi dùng UE5?

Một lợi ích cực kỳ nổi bật mà UE5 mang đến cho người dùng đó là cho phép code song song cả Blueprint và C++.

Tất nhiên, C++ và Blueprint đều có những điểm khác nhau riêng biệt. Chẳng hạn, C++ là một ngôn ngữ lập trình dựa trên văn bản, có mục đích chung. Trong khi đó, Blueprint là một hệ thống trực quan, được thiết kế riêng cho việc lập trình trò chơi ở cấp độ cao hơn. Với Blueprint, bạn lập trình bằng cách nối các nút đại diện cho các sự kiện, cấu trúc điều khiển, và lệnh gọi hàm. Dữ liệu và giao diện cũng được định nghĩa thông qua hộp thoại trong trình soạn thảo, thay vì phải viết mã với cú pháp chính xác.

Tuy vậy, riêng đối với UE5, Unreal Engine đã thiết kế để C++ và Blueprint có thể hỗ trợ cho nhau một cách hiệu quả. Sử dụng kết hợp cả hai công cụ này sẽ giúp bạn tận dụng được những ưu điểm của từng phương pháp lập trình, từ đó tạo ra những trò chơi chất lượng cao hơn.

Chi tiết về ​​syntax C++ và Blueprint và chúng bổ trợ nhau như thế nào trong UE5 có thể xem tại đây. 

Tổng kết học Unreal Engine 5

Unreal Engine 5 không chỉ là một công cụ mạnh mẽ cho phát triển trò chơi và mô phỏng mà còn sở hữu một hệ sinh thái với đa dạng kiến thức từ nhiều nguồn học miễn phí để giúp bạn nắm bắt và khai thác sức mạnh của nó.

Tuy việc làm quen và học Unreal Engine 5 đến khi thành thạo có thể sẽ tốn một khoảng thời gian và yêu cầu sự siêng năng cũng như kiên nhẫn cao từ người học, ITviec tin chắc rằng quá trình này sẽ được đền đáp xứng đáng và giúp bạn đạt được đến thành công trên con đường lập trình game chuyên nghiệp.