Nội dung chính
MySQL và MongoDB là hai trong những hệ quản trị cơ sở dữ liệu phổ biến nhất hiện nay, mỗi loại đều có những đặc điểm và ưu điểm riêng. Trước khi quyết định chọn loại nào, hãy cùng tìm hiểu sự khác biệt giữa MongoDB vs MySQL để lựa chọn đúng hệ quản trị cơ sở dữ liệu phù hợp với nhu cầu và mục đích của dự án của bạn.
Đọc bài viết này để hiểu về:
- Những điểm tương đồng giữa MongoDB vs MySQL
- Những điểm khác biệt giữa MongoDB vs MySQL
- Trường hợp sử dụng của MongoDB vs MySQL
MongoDB là gì?
MongoDB là một hệ quản trị cơ sở dữ liệu NoSQL mã nguồn mở, có khả năng lưu trữ dữ liệu phi cấu trúc với khối lượng lớn.
Thay vì sử dụng hàng và cột như trong các cơ sở dữ liệu truyền thống, MongoDB tổ chức dữ liệu thành các tập hợp (collections) và tài liệu (documents). Mỗi tập hợp chứa nhiều tài liệu và mỗi tài liệu được cấu trúc dưới dạng các cặp khóa-giá trị (key-value), được coi là đơn vị dữ liệu cơ bản. Các tài liệu trong MongoDB có định dạng BSON (một phiên bản nhị phân của JSON, giúp lưu trữ hiệu quả hơn và hỗ trợ nhiều loại dữ liệu đa dạng hơn), chúng có thể khác nhau về kích thước và nội dung. Mỗi tài liệu đều có một Id duy nhất đóng vai trò là khóa chính.
Đặc tính không cần lược đồ (schema-less) của MongoDB mang lại tính linh hoạt cao, cho phép dễ dàng thêm các trường dữ liệu mới khi cần thiết. MongoDB sử dụng ngôn ngữ truy vấn MongoDB Query Language (MQL), một ngôn ngữ truy vấn linh hoạt và mạnh mẽ, hỗ trợ các thao tác CRUD (tạo, đọc, cập nhật và xóa thông tin). Ngoài ra, MongoDB còn hỗ trợ biên dịch dữ liệu (data compilation), truy vấn địa lý (geographical queries) và cung cấp các công cụ mạnh mẽ để tìm kiếm văn bản (text search) trong dữ liệu.
Ngoài ra, người dùng có thể truy vấn dữ liệu bằng các toán tử liên kết JSON, cũng như sử dụng các phép truy vấn Boolean kết hợp nhiều điều kiện truy vấn bằng cách sử dụng các toán tử AND và OR.
Đọc thêm: MongoDB là gì? Định nghĩa và Hiểu rõ A-Z về MongoDB
MySQL là gì?
MySQL là hệ quản trị CSDL quan hệ mã nguồn mở, được phát triển bởi Oracle và là một trong những hệ quản trị CSDL phổ biến trên thế giới. MySQL lưu trữ dữ liệu ở dạng quan hệ, tức là trong các bảng gồm hàng và cột, giúp cho việc phân tích và truy vấn dữ liệu dễ dàng hơn.
Hệ quản trị này dựa trên mô hình client-server, cho phép người dùng gửi yêu cầu tới máy chủ bất kỳ lúc nào họ muốn truy cập thông tin và thực hiện các thao tác thay đổi dữ liệu một cách hiệu quả bằng các lệnh SQL như SELECT, UPDATE, INSERT và DELETE.
Lập trình viên yêu thích MySQL không chỉ vì chi phí sử dụng thấp mà còn vì nó đi kèm với nhiều tính năng hữu ích. Một trong số đó là MySQL Workbench, một công cụ quản lý mạnh mẽ cho phép thực hiện quản trị máy chủ, di chuyển dữ liệu, mô hình hóa dữ liệu và quản lý dữ liệu hiệu quả. Ngoài ra, MySQL còn nổi tiếng với tính bảo mật cao và độ tin cậy, làm cho nó trở thành lựa chọn lý tưởng cho nhiều dự án.
Đọc thêm: MySQL là gì? Tổng hợp kiến thức MySQL đầy đủ và dễ hiểu
Những điểm tương đồng giữa MongoDB vs MySQL
- Mã nguồn mở (Open-source licenses): Cả MySQL và các phiên bản đầu tiên của MongoDB đều có giấy phép mã nguồn mở, cho phép bạn tải xuống và sử dụng miễn phí. Bạn cũng có thể chỉnh sửa mã nguồn tùy theo nhu cầu sử dụng. MySQL sử dụng giấy phép GNU General Public License, trong khi các phiên bản MongoDB trước ngày 16 tháng 10 năm 2018 sử dụng giấy phép GNU Affero General Public License.
- Hỗ trợ chỉ mục (Indexing support): MySQL và MongoDB đều sử dụng lập chỉ mục để cải thiện tốc độ truy vấn và hiệu suất. Các chỉ mục là cấu trúc cơ sở dữ liệu liên kết với dữ liệu được truy cập thường xuyên, giúp tìm kiếm và truy xuất dữ liệu rất nhanh. Cả hai đều sử dụng các loại chỉ mục như hash indexes, B-tree indexes và nhiều loại khác.
- Giao diện thân thiện với người dùng (User-friendly interfaces): MongoDB và MySQL đều dễ sử dụng, cung cấp ngôn ngữ truy vấn dựa trên ngôn ngữ tự nhiên để truy vấn và quản lý dữ liệu. Chúng cũng cung cấp giao diện đồ họa (GUI) để quản lý và phân tích dữ liệu một cách trực quan hơn.
- Hỗ trợ nhiều ngôn ngữ lập trình: MySQL và MongoDB đều tương thích với nhiều ngôn ngữ lập trình phổ biến như Java, Python, Node.js, server-side PHP, Ruby và C#.
- Hỗ trợ ACID: Cả MySQL và MongoDB (từ phiên bản 4.0) đều hỗ trợ và đảm bảo tính ACID (Atomicity, Consistency, Isolation, Durability) trong các giao dịch.
- Tính bảo mật Security: Cả MySQL và MongoDB đều sử dụng xác thực, kiểm soát truy cập và mã hóa để đảm bảo an toàn cho cơ sở dữ liệu. Cả hai sử dụng mã hóa TLS/SSL để bảo vệ dữ liệu trong quá trình truyền và lưu trữ. Ngoài ra, cả hai đều cho phép bạn định nghĩa các mức truy cập người dùng khác nhau.
- Hỗ trợ cộng đồng: MySQL và MongoDB đều có tài liệu chính thức chi tiết trên trang web bao gồm các hướng dẫn, hướng dẫn cài đặt, cấu hình và cách vận hành. Cả hai cũng có cộng đồng phát triển tích cực để trả lời các câu hỏi và hỗ trợ bạn trong việc khắc phục sự cố. Ngoài ra, cả hai đều cung cấp các phiên bản doanh nghiệp với hỗ trợ dành riêng cho các yêu cầu cụ thể của bạn.
Những điểm khác biệt giữa MongoDB vs MySQL
MongoDB | MySQL | |
Mô hình dữ liệu |
|
|
Kiến trúc |
MongoDB áp dụng kiến trúc Nexus với tính linh hoạt và sẵn sàng cao. Kiến trúc này cho phép MongoDB lưu trữ dữ liệu phi cấu trúc và dễ dàng thay đổi cấu trúc dữ liệu. |
MySQL áp dụng kiến trúc client-server với hiệu suất lưu trữ tối ưu và hỗ trợ đa luồng (multithreading). Kiến trúc này tối ưu hóa việc lưu trữ dữ liệu và cho phép MySQL xử lý nhiều tác vụ đồng thời một cách hiệu quả. |
Khả năng mở rộng |
MongoDB sử dụng replication để đảm bảo tính sẵn sàng và độ tin cậy của dữ liệu, đồng thời sử dụng sharding để phân phối dữ liệu và tải công việc trên nhiều máy chủ, giúp hệ thống mở rộng theo chiều ngang một cách hiệu quả. |
MySQL cải thiện hiệu suất mở rộng bằng cách kết hợp nâng cấp phần cứng (vertical scaling) để tăng khả năng xử lý của máy chủ hiện tại và sử dụng các read replicas để phân tải các truy vấn đọc, từ đó tối ưu hóa hiệu suất tổng thể của hệ thống. |
Ngôn ngữ truy vấn |
Sử dụng MongoDB Query Language (MQL) |
Sử dụng Structured Query Language (SQL) |
Hiệu suất |
MongoDB sử dụng mô hình dữ liệu hướng tài liệu để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các phép nối dữ liệu phức tạp, nhưng vẫn hỗ trợ phép nối thông qua toán tử $lookup. MongoDB cũng cung cấp API insertMany() cho phép chèn nhiều tài liệu cùng một lúc giúp tối ưu hóa hiệu suất ghi nhờ giảm thiểu số lần gọi đến cơ sở dữ liệu. |
MySQL được tối ưu hóa để thực hiện các thao tác join hiệu suất cao qua nhiều bảng, nhờ vào cấu trúc dữ liệu quan hệ và các chỉ mục. Tuy nhiên, việc ghi dữ liệu có thể bị chậm lại nếu các thao tác chèn dữ liệu không được tối ưu, so với một số hệ thống cơ sở dữ liệu khác. |
Tốc độ |
Trong trường hợp xử lý dữ liệu lớn và yêu cầu truy vấn phức tạp, MongoDB thường nhanh hơn MySQL và hỗ trợ các yêu cầu đọc và ghi nhanh chóng. |
Trong một số trường hợp, MySQL có thể chậm hơn MongoDB khi xử lý các khối lượng dữ liệu lớn, đặc biệt là trong các tình huống yêu cầu quản lý dữ liệu không quan hệ hoặc khi thực hiện các phép nối dữ liệu phức tạp. |
Mô hình giao dịch |
MongoDB tuân theo mô hình BASE (Basically Available, Soft state, Eventually consistent), luôn sẵn sàng phản hồi các yêu cầu truy vấn, ngay cả khi có sự cố xảy ra trên một số phần của hệ thống. Từ phiên bản 4.0 trở đi, MongoDB đã cung cấp hỗ trợ cho các giao dịch ACID trên nhiều tài liệu trong cùng một tập hợp hoặc cơ sở dữ liệu và từ phiên bản 4.2, MongoDB mở rộng hỗ trợ cho các giao dịch ACID đa tài liệu phân tán. MongoDB vẫn phù hợp hơn cho các ứng dụng cần khả năng mở rộng linh hoạt và xử lý các khối lượng dữ liệu phi cấu trúc lớn.. |
MySQL tuân theo mô hình ACID (Atomicity, Consistency, Isolation, Durability) với tính nhất quán cao. Vì vậy, MySQL trở nên phù hợp hơn cho các ứng dụng yêu cầu tính toàn vẹn dữ liệu nghiêm ngặt và giao dịch phức tạp. |
Tính linh hoạt |
Không yêu cầu lược đồ, cung cấp tính linh hoạt cao và cho phép làm việc với dữ liệu phi cấu trúc, bán cấu trúc và có cấu trúc |
Có cấu trúc cố định, dữ liệu được tổ chức vào các bảng, bao gồm hàng và cột. |
MongoDB vs MySQL: Khi nào nên sử dụng CSDL nào?
MongoDB được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực sau:
- Quản lý nội dung lưu trữ lớn: MongoDB với mô hình dữ liệu linh hoạt thích hợp để lưu trữ và quản lý lượng lớn nội dung như bài viết, blog và dữ liệu do người dùng tạo ra.
- Phân tích thời gian thực: Khả năng xử lý tải ghi cao và mở rộng theo chiều ngang giúp MongoDB phù hợp cho các ứng dụng cần xử lý và phân tích lượng lớn dữ liệu thời gian thực như mạng xã hội, trò chơi online và nhắn tin trực tuyến.
- Ứng dụng di động: Mô hình dữ liệu linh hoạt và hỗ trợ sao chép làm cho MongoDB lựa chọn tốt cho việc lưu trữ và đồng bộ dữ liệu trên các thiết bị di động.
- Internet of Things (IoT): Khả năng mở rộng và hỗ trợ cho nhiều loại dữ liệu khác nhau giúp MongoDB phù hợp cho việc lưu trữ và xử lý dữ liệu từ các thiết bị IoT.
MySQL được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực sau:
- Ứng dụng web: MySQL được sử dụng như cơ sở dữ liệu cho các ứng dụng web như blog, hệ thống quản lý nội dung và các trang web thương mại điện tử.
- Lưu trữ dữ liệu lớn (Data warehousing): MySQL với khả năng lưu trữ dữ liệu có cấu trúc và truy vấn SQL là lựa chọn phù hợp cho việc lưu trữ và truy vấn lượng lớn dữ liệu cho mục đích phân tích kinh doanh và báo cáo.
- Thương mại điện tử: Khả năng hỗ trợ giao dịch và đồng thời làm cho MySQL lựa chọn phù hợp cho các ứng dụng thương mại điện tử cần xử lý đơn hàng với số lượng lớn và thanh toán trực tuyến.
- Xử lý giao dịch trực tuyến (OLTP): MySQL với khả năng hỗ trợ giao dịch và đồng thời làm cho nó phù hợp cho các ứng dụng cần xử lý lượng lớn hoạt động đọc/ghi như hệ thống tài chính, đặt phòng và quản lý kho.
- Tài chính và ngân hàng: Với khả năng đảm bảo tính nhất quán và toàn vẹn của dữ liệu, MySQL trở nên lý tưởng cho các ứng dụng yêu cầu độ tin cậy cao như tài chính, ngân hàng và các hệ thống giao dịch khác.
Các câu hỏi thường gặp về MongoDB vs MySQL
Hiệu suất của MongoDB có nhanh hơn MySQL không?
Hiệu suất của MongoDB thường nhanh hơn MySQL trong việc truy xuất dữ liệu lớn với những yêu cầu phức tạp, vì mô hình hướng tài liệu của MongoDB lưu trữ dữ liệu liên quan cùng nhau, giúp truy xuất một tài liệu đơn lẻ nhanh hơn so với việc JOIN dữ liệu qua nhiều bảng trong MySQL.
MongoDB có thể thay thế MySQL không?
MongoDB có thể thay thế MySQL trong một số trường hợp nhờ khả năng xử lý tập dữ liệu lớn, không bị hạn chế bởi lược đồ và khả năng mở rộng cao. Tuy nhiên, việc thay thế hoàn toàn MySQL không phải là lựa chọn tối ưu do hạn chế về bảo mật dữ liệu và khả năng gặp phải sự không nhất quán trong giao dịch. Cả MongoDB và MySQL đều có ưu và nhược điểm riêng và lựa chọn giữa chúng phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của ứng dụng.
MongoDB vs MySQL: Cơ sở dữ liệu nào bảo mật tốt hơn?
MySQL cung cấp bảo mật tốt hơn và ưu tiên việc giữ an toàn dữ liệu hơn so với MongoDB. Tuy nhiên, MySQL ít linh hoạt hơn MongoDB vì có yêu cầu lược đồ cố định. MySQL có thể là lựa chọn tuyệt vời cho các doanh nghiệp với dữ liệu có cấu trúc, trong khi MongoDB phù hợp hơn cho các doanh nghiệp cần quản lý dữ liệu đa dạng.
Tổng kết MongoDB vs MySQL
MySQL và MongoDB đều là những hệ quản trị cơ sở dữ liệu mạnh mẽ, phù hợp với các nhu cầu và mục đích khác nhau trong lĩnh vực công nghệ thông tin. MySQL với cấu trúc quan hệ và tính ACID đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu, thích hợp cho các ứng dụng giao dịch và yêu cầu mức độ bảo mật cao. Trong khi đó, MongoDB với mô hình tài liệu linh hoạt và khả năng mở rộng ngang nhanh chóng, phù hợp với các ứng dụng đòi hỏi tính linh hoạt và xử lý dữ liệu lớn. Vì vậy hãy cân nhắc kĩ từng yếu tố để chọn cơ sở dữ liệu phù hợp nhất với dự án của bạn.
Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết so sánh các CSDL khác nhau do ITviec tổng hợp để lựa chọn đúng hệ quản trị cơ sở dữ liệu cho dự án của mình: