Nội dung chính
Scrum Master vs Product Owner đều là hai vai trò quan trọng trong quy trình phát triển phần mềm Scrum. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thường nhầm lẫn trách nhiệm và công việc của hai vị trí này với nhau do có một số điểm tương đồng nhất định. Bài viết này sẽ giúp bạn phân biệt rõ ràng hơn về Scrum Master vs Product, giúp bạn có cái nhìn cụ thể hơn về các công việc trong một Scrum framework.
Đọc bài viết sau để hiểu thêm về:
- Công việc của Scrum Master là gì?
- Công việc của Product Owner là gì?
- Sự khác nhau trong công việc, trách nhiệm giữa Scrum Master vs Product Owner
- Scrum Master và Product Owner làm việc với nhau như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất
Scrum Master vs Product Owner là gì?
Scrum Master là gì? Công việc của Scrum Master là gì?
Scrum framework là một khung quản lý dự án linh hoạt được sử dụng rộng rãi để phát triển phần mềm và các sản phẩm khác. Scrum giúp các nhóm làm việc hiệu quả hơn bằng cách chia nhỏ dự án thành các chu kỳ ngắn gọn là Sprint, thường kéo dài từ 1 đến 4 tuần.
Một Scrum framework cơ bản sẽ bao gồm các vị trí sau: Scrum Master, Product Owner, Development Team.
Trong đó, Scrum Master là người hướng dẫn và hỗ trợ nhóm Scrum, dẫn dắt nhóm sử dụng phương pháp Agile Scrum, tập trung vào việc hỗ trợ, tạo điều kiện để đội ngũ phát triển (Development Team) làm việc hiệu quả theo mô hình Scrum. Một Scrum Master sẽ đảm nhận những công việc sau:
- Giúp đội Scrum hiểu và áp dụng các nguyên tắc, quy trình và phương pháp Scrum. Họ đảm bảo rằng cả nhóm có đủ thông tin và sự hỗ trợ để làm việc hiệu quả.
- Giải quyết các vấn đề liên quan đến quy trình, tương tác trong nhóm hoặc thậm chí cả môi trường làm việc chung của Scrum team.
- Giám sát tiến độ và đảm bảo các hoạt động của Scrum team diễn ra trơn tru, đúng quy trình, chẳng hạn như Daily Scrum, Sprint review,…
Product Owner là gì? Công việc của Product Owner là gì?
Product Owner (PO) là một vị trí quan trọng trong Scrum framework. Họ thấu hiểu nhu cầu khách hàng, chịu trách nhiệm về sản phẩm và đảm bảo sản phẩm đáp ứng đúng xu hướng thị trường, mang lại giá trị cho doanh nghiệp.
Dưới đây là các công việc chính của một Product Owner:
- Nghiên cứu khách hàng và thị trường: PO thu thập phản hồi của khách hàng và thị trường về sản phẩm thông qua khảo sát, phỏng vấn, chạy thử nghiệm,… Từ đó, PO sẽ hiểu rõ nhu cầu và góp phần vạch ra lộ trình phát triển sản phẩm.
- Quản lý Product backlog: Khi đã hiểu rõ nhu cầu thị trường, khách hàng, PO sẽ biết tính năng nào nên được ưu tiên phát triển và xây dựng một backlog hợp lý. Ngoài ra, PO cũng sẽ cân đối và đảm bảo rằng những tính năng đó phù hợp với khả năng của development team và tiềm lực công ty.
- Hỗ trợ xác định tầm nhìn và chiến lược sản phẩm: PO phối hợp với Product Manager để lên kế hoạch về tầm nhìn, mục tiêu và chiến lược. Họ sẽ cung cấp cho Product Manager những thông tin cần thiết về khách hàng, thị trường và các bên đối tác liên quan.
- Phối hợp với Scrum Master để đảm bảo sản phẩm cuối cùng phù hợp với tầm nhìn công ty đã được đề ra ban đầu.
So sánh Scrum Master vs Product Owner
Điểm tương đồng
Cả Scrum Master vs Product Owner đều là các vai trò chủ chốt trong phương pháp Scrum, mỗi vị trí đều đóng góp một phần quan trọng để đảm bảo sự thành công của cả dự án. Dưới đây là một số điểm tương đồng giữa hai vị trí này:
- Đều góp phần vào việc đảm bảo rằng sản phẩm cuối cùng đáp ứng được mong đợi của khách hàng và thị trường, và mang lại giá trị kinh doanh cho công ty. Tuy nhiên, Product Owner chịu trách nhiệm trực tiếp hơn về chất lượng và tính năng của sản phẩm.
- Nắm vai trò chủ chốt trong Scrum framework, làm việc chặt chẽ với các thành viên trong Scrum team và các bên liên quan. Trong đó, Product Owner tập trung nhiều hơn vào các bên liên quan bên ngoài (PM, Board, Customers…), trong khi Scrum Master tập trung vào việc cải thiện sự cộng tác trong nhóm Scrum nội bộ.
- Có khả năng đàm phán, thuyết phục, phân tích dữ liệu,… để đạt được sự đồng thuận từ các đối tác liên quan. Trong khi Product Owner cần những kỹ năng này nhiều hơn để quản lý yêu cầu và ưu tiên từ khách hàng và thị trường thì Scrum Master sẽ vận dụng các kỹ năng để giải quyết xung đột và hỗ trợ nhóm làm việc hiệu quả.
Điểm khác biệt
Dù cùng làm việc trong Scrum framework, Scrum Master vs Product Owner lại đảm nhận các phần việc khác nhau. Dưới đây là bảng so sánh một số điểm khác nhau nổi bật giữa hai vị trí này:
Scrum Master | Product Owner | |
Mục tiêu | Đảm bảo Scrum team hiểu mọi thông tin về Scrum framework. | Tạo và đảm bảo product backlog đáp ứng nhu cầu của thị trường, khách hàng, công ty và các bên liên quan. |
Mô tả công việc trong framework Scrum |
|
|
Kỹ năng | Kỹ năng quản lý, hướng dẫn, giải quyết xung đột, đưa ra quyết định,… | Kỹ năng quản lý sản phẩm, thu thập phân tích dữ liệu, lập kế hoạch,… |
Chứng chỉ |
|
|
Mẹo giúp Scrum Master vs Product Owner làm việc hiệu quả trong framework Scrum
- Đảm bảo hai bên đều hiểu rõ về vai trò và trách nhiệm của mình từ đầu. Việc này giúp cho quá trình giao tiếp và giao nhiệm vụ trở nên dễ dàng hơn, tránh các xung đột không đáng có, chẳng hạn như chồng chéo công việc lên nhau.
- Cùng nhau tạo nên môi trường làm việc cởi mở, thoải mái nêu quan điểm cá nhân. Khi đó, cả nhóm sẽ tin tưởng và thoải mái làm việc với nhau, các khó khăn trong quá trình phát triển sản phẩm cũng dễ dàng được giải quyết hơn.
- Đặt mục tiêu cụ thể và có tính khả thi cao để giữ tinh thần tập trung cao độ của cả nhóm vào sản phẩm. Điều này sẽ khiến nhóm phát triển có động lực làm việc hơn và đem lại kết quả cuối cùng chất lượng nhất.
Các câu hỏi thường gặp về Scrum Master vs Product Owner
Chức vụ của Product Owner có cao hơn Scrum Master không?
Trong Agile framework, không có vai trò nào được coi là cao hơn vai trò khác. Mỗi vị trí đều có nhiệm vụ riêng biệt, cùng cộng tác để giúp dự án thành công.
Product Owner có thể trở thành Scrum Master không?
Câu trả lời là CÓ. Mặc dù trên lý thuyết, một người có thể đảm nhận cả hai vị trí nhưng thực tế thì điều này không được khuyến khích nhiều. Bởi lẽ, khối lượng công việc của Scrum Master vs Product Owner khá lớn, dễ bị phân tán sự tập trung và đem lại kết quả không như mong đợi.
Scrum Master vs Product Owner: Lương của vị trí nào cao hơn?
Lương của Scrum Master vs Product Owner dựa vào rất nhiều yếu tố như quy mô dự án, công ty, quốc gia, số năm kinh nghiệm,… Tuy nhiên, thông thường, lương Product Owner sẽ cao hơn Scrum Master một chút do tính chất công việc nặng, yêu cầu cao hơn. Bạn có thể đọc thêm chi tiết tại:
- Lương Scrum Master bao nhiêu? Ảnh hưởng bởi yếu tố nào?
- Lộ trình đạt được mức lương Product Owner mơ ước
Tổng kết
Có thể thấy, cả Scrum Master vs Product Owner đều đóng vai trò thiết yếu trong một Scrum framework. Trong khi, Scrum Master sẽ giúp Scrum team hiểu rõ kiến thức, nhiệm vụ liên quan đến Scrum thì Product Owner sẽ vạch rõ cho Scrum team lộ trình, tính năng sản phẩm cần phát triển.
ITviec hy vọng những thông tin trên đã giải đáp cho bạn các thắc mắc về hai vị trí này, giúp bạn có định hướng công việc trong tương lai phù hợp.