Trong thế giới ngày nay, dữ liệu đóng vai trò cực kỳ quan trọng và có ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Các tổ chức thu thập và lưu trữ lượng dữ liệu khổng lồ, đòi hỏi các giải pháp hiệu quả để quản lý và khai thác sức mạnh của nó. Ở đây, hệ quản trị cơ sở dữ liệu (DBMS) đóng vai trò như một công cụ đắc lực giúp lưu trữ, truy vấn, phân tích và thao tác dữ liệu một cách hiệu quả. Vậy thì DBMS là gì? Bài viết này sẽ đưa bạn vào hành trình khám phá thế giới của DBMS.

Đọc bài viết này để hiểu rõ hơn về:

  • DBMS là gì? Các tính năng chính của DBMS
  • Các thành phần chính tạo nên DBMS là gì?
  • Khám phá các loại DBMS và các DBMS phổ biến nhất
  • Ứng dụng của DBMS trong các lĩnh vực

DBMS là gì?

DBMS, viết tắt của Database Management Systems (Hệ quản trị cơ sở dữ liệu) là các hệ thống phần mềm được sử dụng để lưu trữ, truy xuất và thực thi các truy vấn trên dữ liệu.

DBMS hoạt động như một giao diện giữa người dùng cuối và cơ sở dữ liệu, cho phép người dùng tạo, đọc, cập nhật và xóa dữ liệu trong cơ sở dữ liệu. DBMS quản lý cả dữ liệu, bộ máy xử lý và cấu trúc (lược đồ) của cơ sở dữ liệu, cho phép người dùng và các chương trình khác thao tác hoặc trích xuất dữ liệu. Điều này giúp đảm bảo bảo mật dữ liệu, tính toàn vẹn dữ liệu và đảm bảo quy trình quản lý dữ liệu đồng nhất.

DBMS tối ưu hóa tổ chức dữ liệu bằng cách tuân thủ một kỹ thuật thiết kế lược đồ cơ sở dữ liệu gọi là chuẩn hóa, trong đó một bảng lớn được phân chia thành các bảng nhỏ hơn khi bất kỳ thuộc tính nào của nó có sự trùng lặp trong giá trị. DBMS mang lại nhiều lợi ích hơn so với hệ thống quản lý tệp truyền thống, bao gồm tính linh hoạt và hệ thống sao lưu phức tạp hơn.

Các hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu được phân loại dựa trên nhiều tiêu chí như mô hình dữ liệu, phân phối cơ sở dữ liệu hoặc số lượng người dùng. Các loại phần mềm DBMS phổ biến nhất là DBMS quan hệ, phân tán, phân cấp, hướng đối tượng và mạng.

Các tính năng chính của DBMS 

  • Mô hình hoá dữ liệu: Một hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu (DBMS) cung cấp các công cụ để tạo và chỉnh sửa các mô hình dữ liệu, định nghĩa cấu trúc và mối quan hệ giữa các dữ liệu trong cơ sở dữ liệu.
  • Lưu trữ và truy xuất dữ liệu: DBMS không chỉ đảm bảo việc lưu trữ và truy xuất dữ liệu một cách hiệu quả, mà còn cung cấp các cơ chế giúp tối ưu hóa hiệu suất truy vấn dữ liệu. Các tính năng như caching và query optimization (tối ưu hóa truy vấn) được tích hợp trong DBMS nhằm cải thiện khả năng đáp ứng của hệ thống
    • Caching: DBMS sử dụng bộ nhớ cache để lưu trữ tạm thời các dữ liệu phổ biến hoặc kết quả truy vấn trước đó. Việc sử dụng cache sẽ làm giảm thời gian truy cập và số lần truy cập đến bộ nhớ, từ đó giúp cải thiện hiệu suất truy vấn.
    • Tối ưu hóa truy vấn: Khi một truy vấn được gửi đến DBMS, nó sẽ phân tích và xác định cách thức hiệu quả nhất để thực hiện truy vấn đó. Các kỹ thuật tối ưu hóa truy vấn bao gồm lựa chọn kế hoạch truy vấn, tái sử dụng kế hoạch truy vấn đã được tối ưu và sử dụng các chỉ mục để tăng tốc độ truy vấn.
  • Kiểm soát truy cập đồng thời: DBMS cung cấp các cơ chế để kiểm soát việc truy cập đồng thời vào cơ sở dữ liệu, đảm bảo rằng nhiều người dùng có thể truy cập dữ liệu trong cùng thời điểm mà không xảy ra xung đột.
  • Đảm bảo tính toàn vẹn và bảo mật dữ liệu: DBMS cung cấp các công cụ để áp dụng các ràng buộc về tính toàn vẹn và bảo mật dữ liệu, chẳng hạn như ràng buộc về giá trị dữ liệu và giới hạn khả năng truy cập dữ liệu cho từng người dùng khác nhau.
  • Sao lưu và phục hồi: DBMS cung cấp các cơ chế để sao lưu dữ liệu định kì hoặc theo cách thủ công, và sử dụng những tài liệu sao lưu đó để khôi phục lại dữ liệu khi có sự cố xảy ra. 

Các thành phần chính của một DBMS là gì?

Một hệ thống DBMS là một phần mềm hệ thống phức tạp bao gồm nhiều thành phần tích hợp, nhằm cung cấp một môi trường nhất quán và được quản lý để tạo, truy cập và chỉnh sửa dữ liệu trong cơ sở dữ liệu. Các thành phần này bao gồm:

Công cụ lưu trữ (Storage engine)

Là thành phần cơ bản của DBMS được sử dụng để lưu trữ dữ liệu. DBMS phải tương tác với hệ thống tập tin ở mức hệ điều hành (OS) để lưu trữ dữ liệu. Nó có thể sử dụng các thành phần bổ sung để lưu trữ dữ liệu hoặc tương tác với dữ liệu thực tế ở mức hệ thống tập tin.

Danh mục dữ liệu (Metadata catalog)

Đôi khi được gọi là hệ thống lưu trữ hoặc từ điển cơ sở dữ liệu, là nơi chứa thông tin cho tất cả các đối tượng cơ sở dữ liệu đã được tạo. Khi cơ sở dữ liệu và các đối tượng khác được tạo, DBMS tự động đăng ký thông tin về chúng trong danh mục dữ liệu.

DBMS sử dụng danh mục này để xác minh các yêu cầu của người dùng về dữ liệu, và người dùng có thể truy vấn danh mục dữ liệu để có thông tin về cấu trúc cơ sở dữ liệu tồn tại trong DBMS. Danh mục này có thể bao gồm thông tin về các đối tượng cơ sở dữ liệu, các schema, chương trình, bảo mật, hiệu suất và các chi tiết môi trường khác về cơ sở dữ liệu mà nó quản lý.

Ngôn ngữ truy cập cơ sở dữ liệu (Database access language)

DBMS cũng phải cung cấp một API để truy cập dữ liệu, thường dưới dạng một ngôn ngữ truy cập cơ sở dữ liệu để truy vấn và chỉnh sửa dữ liệu, nhưng cũng có thể được sử dụng để tạo các đối tượng cơ sở dữ liệu, cũng như bảo mật và ủy quyền truy cập vào dữ liệu.

SQL là một ví dụ về ngôn ngữ truy cập cơ sở dữ liệu và bao gồm một số tập lệnh như Ngôn ngữ Điều khiển Dữ liệu (Data Control Language) để ủy quyền truy cập dữ liệu, Ngôn ngữ Định nghĩa Dữ liệu (Data Definition Language) để xác định cấu trúc cơ sở dữ liệu và Ngôn ngữ Thao tác Dữ liệu (Data Manipulation Language) để đọc và chỉnh sửa dữ liệu.

Bộ tối ưu hóa (Optimization engine)

Một DBMS cũng có thể cung cấp một bộ tối ưu hóa, được sử dụng để phân tích các yêu cầu của ngôn ngữ truy cập cơ sở dữ liệu và tạo ra nhiều kế hoạch truy vấn khả thi, ước tính chi phí cho mỗi kế hoạch, và cuối cùng lựa chọn kế hoạch hiệu quả nhất để thực hiện. Mục tiêu chính là tối đa hóa hiệu quả của truy vấn bằng cách giảm thiểu tài nguyên và thời gian cần thiết, đảm bảo truy vấn được xử lý nhanh chóng và hiệu quả.

Bộ xử lý truy vấn (Query processor)

Sau khi truy vấn được tối ưu hóa, DBMS phải cung cấp một phương tiện để chạy truy vấn và trả về kết quả.

Quản lý khóa (Lock manager)

Thành phần quan trọng này của DBMS giúp quản lý việc truy cập đồng thời vào cùng một dữ liệu. Khóa được sử dụng để đảm bảo rằng nhiều người dùng không cố gắng chỉnh sửa cùng một dữ liệu cùng một thời điểm, giúp ngăn chặn xung đột và đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu.

Quản lý nhật ký (Log manager)

DBMS ghi lại tất cả các thay đổi được thực hiện trên dữ liệu mà nó quản lý. Bản ghi của các thay đổi được gọi là nhật ký (log); và thành phần quản lý nhật ký của DBMS được sử dụng để đảm bảo rằng các bản ghi nhật ký được tạo ra một cách hiệu quả và chính xác.

DBMS sử dụng quản lý nhật ký trong quá trình khởi động và tắt hệ thống để đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu, nó cũng tương tác với các tiện ích cơ sở dữ liệu để tạo bản sao lưu và chạy phục hồi.

Tiện ích dữ liệu (Data utilities)

DBMS cũng cung cấp một tập hợp các tiện ích để quản lý và điều khiển các hoạt động cơ sở dữ liệu.

Ví dụ về các tiện ích cơ sở dữ liệu bao gồm tái tổ chức (reorganization), thống kê (runstats), sao lưu và sao chép (backup and copy), phục hồi (recover), kiểm tra tính toàn vẹn (integrity check), tải dữ liệu (load data), giải nén dữ liệu (unload data) và sửa chữa cơ sở dữ liệu (repair database).

Các loại DBMS

Có nhiều loại DBMS khác nhau, mỗi loại có những đặc điểm và ứng dụng riêng biệt. Từ các hệ quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ truyền thống đến các hệ quản trị cơ sở dữ liệu phi quan hệ, hay các hệ quản trị cơ sở dữ liệu phân tán hoặc tập trung, mỗi loại DBMS đều có ưu điểm, hạn chế riêng và được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau, bao gồm:

Theo mô hình dữ liệu

RDBMS (Hệ quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ)

Sử dụng mô hình dữ liệu quan hệ và ngôn ngữ truy vấn SQL để lưu trữ và quản lý dữ liệu. Được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng hoạt động (operational) và phân tích (analytical), RDBMS cung cấp tính linh hoạt, ổn định và đáng tin cậy, đồng thời hỗ trợ các tính năng ACID (Atomicity, Consistency, Isolation, Durability) để đảm bảo tính nhất quán của dữ liệu.

Ví dụ: MySQL, PostgreSQL, Oracle, Microsoft SQL Server,…

NoSQL DBMS

Xuất hiện từ giữa những năm 2000, NoSQL không chỉ đơn thuần là “not only SQL” theo nghĩa đen, mà nó còn đại diện cho sự linh hoạt hơn của cơ sở dữ liệu. Khác với mô hình cấu trúc dạng bảng và các quan hệ của SQL, NoSQL có mô hình schema linh hoạt hơn (sử dụng cấu trúc key-value, đồ thị, tài liệu), phù hợp với cấu trúc dữ liệu không đồng nhất hoặc thay đổi theo thời gian.

NoSQL thường hỗ trợ tính nhất quán cuối cùng (eventual consistency), tạo ra một hình thức nhất quán lỏng lẻo hơn so với RDBMS. Đối với các dạng dữ liệu phi cấu trúc, bán cấu trúc và dữ liệu thô, NoSQL cung cấp giải pháp linh hoạt hơn, nhưng đôi khi điều này đồng nghĩa với việc hy sinh tính toàn vẹn của dữ liệu và sự thuận tiện trong truy vấn.

Ví dụ: MongoDB, Cassandra, Redis, Neo4j,…

Object-oriented DBMS (OODBMS)

Là hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu hướng đối tượng, được thiết kế để hỗ trợ mô hình hóa và lưu trữ dữ liệu dưới dạng các đối tượng. OODBMS không chỉ đơn giản lưu trữ dữ liệu, mà còn hỗ trợ các khái niệm cơ bản của lập trình hướng đối tượng như lớp đối tượng, kế thừa, tính chất và phương thức của đối tượng.

Nhờ tính linh hoạt này, OODBMS được coi là một công cụ mạnh mẽ cho việc quản lý dữ liệu phức tạp và đáp ứng được các yêu cầu cao về tính toàn vẹn và hiệu suất trong các ứng dụng phức tạp.

Ví dụ: db4o, ObjectDB,…

Theo phân phối cơ sở dữ liệu

DBMS tập trung (Centralized DBMS)

Là hệ thống lưu trữ dữ liệu trên một máy chủ duy nhất và cho phép truy cập từ nhiều nguồn khác nhau. Dữ liệu được quản lý và bảo quản tại một vị trí duy nhất, giúp dễ dàng trong việc quản lý và bảo trì hệ thống. Tuy nhiên, điều này cũng có thể gây ra rủi ro về mất mát dữ liệu nếu máy chủ gặp sự cố. Ngoài ra, khi dữ liệu tăng lên, hiệu suất của hệ thống có thể giảm và khả năng mở rộng của nó có thể bị hạn chế. Ví dụ: MySQL, SQLite.

Sơ đồ minh họa mô hình DBMS tập trung. Nguồn: Scaler

DBMS phân tán (Distributed DBMS)

Dữ liệu được phân tán trên nhiều nút hoặc máy chủ khác nhau. DBMS phân tán cung cấp khả năng mở rộng và khả năng chịu lỗi cao, nhưng có thể phức tạp hơn trong việc quản lý và bảo trì. Ví dụ: Apache Cassandra, Amazon DynamoDB, Google Spanner.

Sơ đồ minh họa mô hình DBMS phân tán. Nguồn: phoenixnap

DBMS đám mây (Cloud DBMS)

Cung cấp dịch vụ cơ sở dữ liệu triển khai và quản lý trên các nền tảng đám mây. Cloud DBMS cung cấp khả năng mở rộng, linh hoạt và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên việc lưu trữ trên nền tảng đám mây cũng tồn tại những hạn chế như khả năng bảo mật không cao và bị phụ thuộc vào đường truyền mạng. Ví dụ: Google Cloud SQL, Amazon RDS, Azure SQL Database.

Theo số lượng người dùng:

  • Single-user DBMS: Dành cho các ứng dụng cá nhân hoặc chỉ có một người dùng duy nhất truy cập. Single-user DBMS thường được sử dụng trong các ứng dụng nhỏ và đơn giản. Ví dụ: Microsoft Access.
  • Multi-user DBMS: Hỗ trợ đồng thời nhiều người dùng truy cập và thao tác trên cùng một cơ sở dữ liệu. Multi-user DBMS được sử dụng trong các ứng dụng doanh nghiệp và ứng dụng web. Ví dụ: MySQL, PostgreSQL.

Theo cách thức lưu trữ:

  • In-Memory DBMS: Lưu trữ và xử lý dữ liệu trực tiếp trong bộ nhớ chính của máy tính. In-Memory DBMS cung cấp hiệu suất truy vấn dữ liệu cực nhanh, phù hợp với các ứng dụng đòi hỏi hiệu suất cao. Ví dụ: Redis, VoltDB,…

Các hệ quản trị cơ sở dữ liệu phổ biến

MySQL

MySQL là một hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan hệ (RDBMS) mã nguồn mở, cho phép người dùng quản lý các dữ liệu khác nhau trong các bảng có các mục nhập liên quan. MySQL không chỉ hỗ trợ quản lý cả dữ liệu quy mô nhỏ và lớn mà còn cung cấp các kỹ thuật tối ưu hóa như tạo chỉ mục, caching và tối ưu hóa truy vấn.

Ưu điểm của MySQL: Cộng đồng lớn và tích cực của các nhà phát triển, giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề gặp phải. Đồng thời, MySQL là một phần mềm đa nền tảng, có thể sử dụng trên nhiều hệ điều hành như Windows, Linux, MacOS,…

Tuy nhiên, MySQL cũng có nhược điểm như hiệu suất không được tối ưu hóa hoàn hảo và có một số tính năng bị hạn chế so với các đối thủ khác. Tuy nhiên, với một cộng đồng lớn và tích cực, MySQL vẫn là một lựa chọn tốt cho nhiều ứng dụng và dự án. Điều đặc biệt là MySQL là phần mềm mã nguồn mở, giúp người dùng dễ dàng truy cập và sử dụng miễn phí.

Đọc thêm: MySQL là gì? Tổng hợp kiến thức MySQL đầy đủ và dễ hiểu

MongoDB

MongoDB là một trong những phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu phổ biến hiện nay, với nhiều ưu điểm và tính năng hấp dẫn. Đây là một hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu mã nguồn mở, cho phép người dùng quản lý các dữ liệu theo dạng tài liệu thay vì dạng  bảng như trong RDBMS.

Một trong những điểm mạnh của MongoDB là sự linh hoạt trong việc xử lý các cơ sở dữ liệu lớn và khả năng phân phối dữ liệu trên nhiều máy chủ khác nhau. Nó cũng nổi tiếng với việc mở rộng theo chiều ngang, giúp nâng cao hiệu suất xử lý dữ liệu. MongoDB cũng đảm bảo an toàn dữ liệu với các tiêu chuẩn bảo mật cao.

Tuy nhiên, MongoDB cũng có nhược điểm như chiếm diện tích bộ nhớ lớn cho các tập dữ liệu lớn và thách thức trong việc quản lý chỉ mục cho dữ liệu được cập nhật thường xuyên.

Đọc thêm: MongoDB là gì? Định nghĩa và Hiểu rõ A-Z về MongoDB

Microsoft SQL Server

Microsoft SQL Server cũng là một trong những phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu phổ biến hiện nay, được ưa chuộng bởi nhiều ưu điểm và tính năng hấp dẫn. Đây là một hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan hệ (RDBMS) được phát triển bởi Microsoft, cho phép quản lý các dữ liệu khác nhau trong các bảng có liên kết với nhau.

SQL Server có khả năng tích hợp dễ dàng với các sản phẩm khác của Microsoft, giúp tăng hiệu suất làm việc. Nó cũng có khả năng mở rộng linh hoạt cho phép nhà phát triển tăng giảm quy mô một cách dễ dàng. SQL Server tích hợp sẵn nhiều tính năng tối ưu hiệu suất, giúp đạt hiệu suất tốt trong quá trình làm việc.

Ưu điểm của SQL Server bao gồm tính năng bảo mật tốt để bảo vệ dữ liệu, và nó có sẵn trên nhiều nền tảng như Windows, Linux,… Tuy nhiên, để đạt hiệu suất tối đa, SQL Server đòi hỏi phần cứng cụ thể và có giá đắt đỏ đối với quản lý quy mô lớn.

Oracle Database

Oracle Database là một hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan hệ phổ biến được nhiều lập trình viên ưa chuộng và được phát triển bởi tập đoàn Oracle Corporation. Nó được đánh giá cao bởi nhiều chuyên gia và là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người trong ngành công nghệ thông tin.

Oracle Database có các tính năng như hỗ trợ tải cơ sở dữ liệu lớn và hỗ trợ SQL để quản lý và thao tác dữ liệu. Nó cung cấp các tính năng như phân vùng, gom cụm và Real Application Clusters (RAC) để mở rộng quy mô theo chiều ngang và dọc.

Oracle Database được đánh giá cao về hiệu suất và tính bảo mật, với các tính năng tối ưu hiệu suất và bảo mật cao độ được tích hợp sẵn trong phần mềm.

Tuy nhiên, mặc dù có nhiều ưu điểm, Oracle Database cũng có nhược điểm, bao gồm độ phức tạp và khó sử dụng đối với người mới bắt đầu và chi phí đắt đỏ so với các phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu khác.

Đọc thêm: Oracle Database là gì? Tìm hiểu Oracle Database A-Z 2024

PostgreSQL

PostgreSQL là một hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan hệ mã nguồn mở và được biết đến trong cộng đồng phát triển phần mềm với các tính năng tiên tiến và tính tin cậy.

Các tính năng của PostgreSQL bao gồm hỗ trợ các mô hình dữ liệu hướng đối tượng cùng với mô hình cơ sở dữ liệu quan hệ, linh hoạt cao cho phép người dùng tạo ra các loại dữ liệu tùy chỉnh, các hàm, toán tử,…. Nó duy trì tính toàn vẹn dữ liệu thông qua các tính năng đa dạng.

Ưu điểm của PostgreSQL là mã nguồn mở, giúp việc thao tác và quản lý dữ liệu trở nên đơn giản, và có một cộng đồng lớn giúp đỡ các người mới bắt đầu muốn học hỏi.

Tuy nhiên, PostgreSQL thiếu sự đa dạng trong các công cụ mở rộng và khó khăn cho người mới bắt đầu và họ có thể gặp khó khăn khi học tập.

Redis

Redis là viết tắt của “Remote Dictionary Server”, là một hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đơn giản và dễ sử dụng. 

Redis nổi tiếng với hiệu suất nhanh chóng nhờ việc lưu trữ dữ liệu trong bộ nhớ. Nó hỗ trợ một loạt các cấu trúc dữ liệu như bảng băm (hash table), danh sách, bitmaps,…. Redis cho phép chia sẻ dữ liệu trên nhiều máy chủ, do đó cung cấp khả năng mở rộng theo chiều ngang.

Ưu điểm của Redis là dễ sử dụng và có thể được sử dụng cho nhiều mục đích như quản lý cơ sở dữ liệu, bộ nhớ đệm, và trung gian tin nhắn,….Tuy nhiên, Redis cung cấp một kích thước dữ liệu được lưu trữ có hạn và có thể có rủi ro mất dữ liệu.

IBM Db2

IBM Db2 là một hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan hệ được phát triển bởi IBM. Nó nổi tiếng với các tính năng chuyên nghiệp và đã tồn tại trong một thời gian dài. 

IBM Db2 có các tính năng như tích hợp với các bên thứ ba khác nhau để nâng cao chất lượng công việc trên phần mềm. Nó cung cấp các tính năng bảo mật tuyệt vời để đảm bảo an ninh dữ liệu. Nó hỗ trợ truy vấn tiên tiến.

Ưu điểm của IBM Db2 bao gồm việc hỗ trợ trên nhiều nền tảng khác nhau như Windows, MacOS và Linux. Nó có khả năng xử lý các quy mô dữ liệu lớn một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, việc cài đặt IBM Db2 có một chút phức tạp và khó khăn cho người mới bắt đầu sử dụng phần mềm mà không có hướng dẫn và hỗ trợ phù hợp.

SQLite

SQLite là một hệ thống cơ sở dữ liệu không cần máy chủ (serverless) và phổ biến trong cộng đồng công nghệ với thiết kế nhẹ nhàng và đơn giản. 

SQLite có các tính năng như dễ dàng chia sẻ và truyền tải dữ liệu. Nó cho phép người dùng tạo ra các hàm xác định bởi người dùng và bảng ảo. Nó là đa nền tảng và có thể được sử dụng trên nhiều nền tảng như Windows, MacOS, Linux và nhiều nền tảng khác.

Ưu điểm của SQLite bao gồm không yêu cầu quá trình máy chủ chạy do thiết kế không cần máy chủ. Nó rất dễ cài đặt. Tuy nhiên, SQLite chỉ cho phép một người dùng chỉnh sửa dữ liệu tại một thời điểm, điều này gây ra vấn đề lớn đối với các nhóm làm việc lớn. Ngoài ra, nó chỉ cung cấp một số tính năng hạn chế.

So sánh các DBMS phổ biến hiện nay

Loại cơ sở dữ liệu  Hệ điều hành Giấy phép Ngôn ngữ phát triển
MongoDB Cơ sở dữ liệu hướng tài liệu FreeBSD, Linux, MacOS và Windows Giấy phép Server Side Public

C++, JavaScript và Python

Microsoft SQL Server

Cơ sở dữ liệu quan hệ Linux và Windows Giấy phép độc quyền C và C++
Oracle Database Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đa mô hình AIX, BS2000, HP-UX, Linux, MacOS, Windows Giấy phép độc quyền

C và C++

PostgreSQL

Cơ sở dữ liệu quan hệ FreeBSD, Linux, MacOS, OpenBSD và Windows Giấy phép PostgreSQL C
Redis Cơ sở dữ liệu khóa-giá trị Tương tự như Unix (Unix-like) Giấy phép BSD 3-clause

C

IBM Db2

Cơ sở dữ liệu quan hệ Linux, Unix-like và Windows Giấy phép độc quyền C, C++ và Java
SQLite Cơ sở dữ liệu quan hệ Android, BSD, iOS, Linux, MacOS, Solaris, VxWorks, Windows Miễn phí công cộng

C

Ứng dụng của DBMS

DBMS được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực, không chỉ trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Dưới đây là một số ví dụ về ứng dụng của DBMS trong một số lĩnh vực khác nhau:

  • Ngành ngân hàng: DBMS được sử dụng để quản lý thông tin khách hàng, hoạt động tài khoản, thanh toán, tiền gửi, cho vay, v.v.
  • Hàng không: DBMS được sử dụng để quản lý thông tin đặt chỗ và lịch trình chuyến bay.
  • Giáo dục: DBMS được sử dụng để quản lý thông tin sinh viên, đăng ký khóa học, khoa và điểm số.
  • Viễn thông: DBMS được sử dụng để quản lý lưu trữ hồ sơ cuộc gọi, hóa đơn hàng tháng, duy trì số dư,…
  • Tài chính: DBMS được sử dụng để lưu trữ thông tin về cổ phiếu, doanh số và mua bán các công cụ tài chính như cổ phiếu và trái phiếu.
  • Bán hàng: DBMS được sử dụng để quản lý lưu trữ thông tin về khách hàng, sản phẩm và doanh số.
  • Sản xuất: DBMS được sử dụng để quản lý chuỗi cung ứng và theo dõi sản xuất các mặt hàng. Trạng thái hàng tồn kho trong kho.
  • Quản lý nhân sự: DBMS được sử dụng để quản lý thông tin về nhân viên, lương, bảng lương, khấu trừ và phát hành séc thanh toán,…

Câu hỏi thường gặp về DBMS là gì

Tính chất ACID trong DBMS là gì?

Trong DBMS, tính chất ACID là một tập hợp các tính chất bao gồm Atomicity, Consistency, Isolation và Durability.

  • Atomicity đảm bảo rằng một giao dịch sẽ hoàn thành hoặc không hoàn thành một cách toàn vẹn.
  • Consistency đảm bảo rằng dữ liệu sẽ luôn được duy trì trong trạng thái chính xác trước và sau khi thực hiện giao dịch.
  • Isolation đảm bảo rằng các giao dịch đang diễn ra độc lập với nhau, không ảnh hưởng lẫn nhau.
  • Cuối cùng, Durability đảm bảo rằng dữ liệu sẽ được lưu trữ vĩnh viễn sau khi thực hiện giao dịch, ngay cả trong trường hợp sự cố hệ thống xảy ra.

Ưu điểm của DBMS là gì?

  • Lưu trữ và truy vấn dữ liệu nhanh chóng, chính xác.
  • Đảm bảo tính nhất quán và toàn vẹn của dữ liệu.
  • Đơn giản hóa việc quản lý và bảo trì.
  • Bảo mật dữ liệu và ngăn chặn truy cập trái phép.
  • Truy cập đồng thời, cho phép nhiều người dùng truy cập cùng lúc.
  • Giảm thời gian phát triển ứng dụng, tiết kiệm chi phí.

Điểm khác nhau giữa RDBMS và DBMS là gì?

Hệ quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ (RDBMS) là một loại DBMS chuyên dụng để quản lý cơ sở dữ liệu quan hệ với những chức năng nâng cao và đặc thù dành cho loại cơ sở dữ liệu này. Cùng xem các điểm khác biệt giữa RDBMS với DBMS nói chung:

DBMS

RDBMS

Có thể quản lý nhiều loại mô hình cơ sở dữ liệu

Chỉ quản lý mô hình cơ sở dữ liệu quan hệ
Có thể lưu trữ dữ liệu trong nhiều cấu trúc khác nhau

Luôn lưu trữ dữ liệu trong bảng với hàng và cột

Mỗi loại hệ quản trị cơ sở dữ liệu sẽ tuân thủ tính toàn vẹn dữ liệu một cách khác nhau.

Tự động tuân thủ tính toàn vẹn dữ liệu thông qua ràng buộc như khóa chính, khóa duy nhất và khóa ngoại
Các loại DBMS có thể sử dụng các ngôn ngữ khác nhau

Luôn sử dụng SQL

Các điểm giống và khác nhau của RDBMS so với các dạng DBMS khác:

dbms vs rdbms - dbms là gì

Tổng kết DBMS là gì

DBMS đã cách mạng hóa cách chúng ta quản lý và sử dụng dữ liệu, biến dữ liệu thành tài sản quý giá, là nguồn thông tin phong phú giúp hệ thống, tổ chức đưa ra những quyết định sáng suốt và đạt được mục tiêu đề ra. Với những ưu điểm vượt trội như khả năng lưu trữ và truy vấn dữ liệu nhanh chóng, đảm bảo tính toàn vẹn và bảo mật dữ liệu, đồng thời cho phép phân tích và thao tác dữ liệu một cách linh hoạt, DBMS đã trở thành công cụ không thể thiếu trong nhiều ngành nghề khác nhau

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, DBMS đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác sức mạnh của dữ liệu, mở ra những chân trời mới cho tương lai. ITviec hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích về DBMS, giúp bạn hiểu rõ hơn về DBMS là gì, vai trò, lợi ích và ứng dụng của hệ quản trị cơ sở dữ liệu này trong nhiều ngành nghề khác nhau.