Theo khảo sát của McKinsey năm 2015, tỷ lệ thâm nhập ngân hàng số của Việt Nam đạt 44%, xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Không khó để các ngân hàng nhận ra sức mạnh của chuyển đổi số từ sớm.
Chuyển đổi số trở thành một mục tiêu chiến lược của MB từ năm 2017, vì vậy MB đã tập trung đầu tư bài bản cho mục tiêu này trong khoảng 5 năm trở lại đây.
“Quả ngọt” đầu tiên cho nỗ lực này chính là sự tăng trưởng tích cực trên nhiều mặt. Lượng khách hàng MB đến đầu năm 2024 đạt gần 27 triệu khách hàng. Ứng dụng ngân hàng MB là 1 trong 7 ứng dụng duy nhất của Việt Nam có trên 10 triệu người dùng (theo công bố chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông, tháng 4/2023).
Trong năm 2023, năng lực phục vụ giao dịch trên kênh số của MB tương đương các ngân hàng Top đầu châu Á, với 97% lượng giao dịch thực hiện qua kênh số. Quy mô giao dịch của MB qua Napas thuộc Top 1 các ngân hàng trong 3 năm liên tiếp: 2021, 2022, 2023. Lượng giao dịch trên kênh số chạm mốc 3.6 tỷ giao dịch, tăng 80% so với năm 2022.
Hiện MB được đánh giá là một trong những ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ nhất, dẫn đầu cuộc cạnh tranh gay gắt về chuyển đổi số.
Đằng sau cuộc “lột xác” ngoạn mục này là một hành trình dài để định hình mọi thứ, từ tầm nhìn và định hướng của Ban Lãnh đạo, năng lực và sự tâm huyết của toàn bộ đội ngũ, cùng hướng về mong muốn cải tiến không ngừng nghỉ để tạo ra các giá trị vượt trội cho khách hàng, cho đến cách thức hợp tác chiến lược với các đối tác công nghệ lớn hàng đầu trên thế giới.
Cùng ITviec trò chuyện với Giám đốc CNTT Tập đoàn của MB Group – anh Nguyễn Xuân Học để hiểu thêm về hành trình “vượt khó”, về khát vọng “làm chủ công nghệ” ở tuổi 30 của MB, cũng như nghe chia sẻ về chân dung nhân tài CNTT mà MB đang tìm kiếm cho những mục tiêu sắp tới.
MB bắt đầu tăng tốc mạnh mẽ trong chuyển đổi số vào năm 2017, với vai trò là tân GĐ Khối CNTT khi đó, anh có thể chia sẻ về những thách thức mà anh và các cộng sự của mình phải đối mặt trong cuộc đua công nghệ?
Khi MB bắt đầu hành trình chuyển đổi số, đã có rất nhiều thách thức đặt ra:
Về mặt xu thế, các ngân hàng trong khu vực và ở Việt Nam đã bắt đầu chuyển đổi số mạnh mẽ, đòi hỏi MB phải thay đổi nhanh, nếu không sẽ lỡ mất cơ hội để bứt phá.
Về mặt con người, đội ngũ công nghệ thông tin khi đó còn mỏng, trong khi các đơn vị nghiệp vụ khác vẫn đang trong quá trình chuyển đổi tư duy, tìm cách tiếp cận chuyển đổi số.
Về mặt quy trình nghiệp vụ, quy trình công nghệ khi đó còn thủ công, công nghệ cần cập nhật mới, thậm chí chưa có ứng dụng riêng mà phải dùng chung ứng dụng một số đối tác khác.
Đây là thách thức rất lớn nếu muốn chuyển đổi số.
Trong số đó, thách thức nào được MB ưu tiên giải quyết?
Vấn đề của chuyển đổi số không nằm ở công nghệ, vì về mặt công nghệ thì mình có thể học, có thể mua, nhưng thách thức lớn nhất là về mặt con người. MB đã có một quãng thời gian quá dài làm việc theo cách thủ công, theo các quy trình cũ kỹ, cho nên thay đổi tư duy của con người là điều khó nhất!
Vậy MB đã có những hành động cụ thể nào để thay đổi điều đó?
Thời điểm ấy, chúng tôi tiếp cận nhiều đối tác tư vấn lớn và triển khai rất nhanh các chương trình đào tạo theo phương pháp làm việc mới, nhằm thúc đẩy sự thay đổi tư duy của con người MB và chuyển đổi liên tục các hoạt động hướng tới mục tiêu Chuyển đổi số của ngân hàng. Ví dụ, sau khi đào tạo về văn phòng điện tử, MB ra quy định: tất cả hồ sơ, chứng từ, văn bản đều phải được ký số bằng phần mềm.
Ngoài ra, khi thực hiện thay đổi, mình phải cho mọi người biết: Thay đổi thì Khách hàng được gì và Chúng ta được gì. Ví dụ: Trước đây, ở ngân hàng có nhiều quy trình phức tạp, mình phải nói với mọi người rằng khi thay đổi tư duy, viết lại quy trình, ứng dụng công nghệ vào hoạt động hàng ngày thì năng suất lao động tăng lên, thu nhập cao hơn, thời gian làm việc ít hơn. Quan trọng hơn, khách hàng cũng được thừa hưởng các tiện ích và lợi ích, còn ngân hàng quản trị được các rủi ro tốt hơn.
Cứ liên tục như vậy, sau mỗi 6 tháng cần nhìn lại và đánh giá. Khi triển khai ở một đơn vị hiệu quả thì sẽ triển khai tiếp ở đơn vị khác. Chúng tôi đã làm việc và thay đổi không ngừng nghỉ với một khí thế chuyển đổi hào hứng ở tất cả các mảng nghiệp vụ.
Và trái ngọt sau những nỗ lực đó là gì?
Sau hơn 6 năm chuyển đổi số, MB đã vươn mình trở thành Ngân hàng Số số 1 tại Việt Nam, dẫn đầu toàn ngành về chuyển đổi số với những thành tích nổi bật: cán mốc 26 triệu khách hàng, 3 năm liên tiếp là ngân hàng có quy mô giao dịch lớn nhất, ứng dụng MB luôn nằm trong top 1 các ứng dụng tài chính ở Việt Nam, đã có thời điểm là ứng dụng top 1 trên Google Play và App Store.
MB bước sang tuổi 30 trong năm 2024, độ tuổi mà người ta vẫn hay nói là đánh dấu sự trưởng thành ở mỗi người. Vậy MBIT mang trong mình khát vọng như thế nào ở cột mốc này?
Đúng là tuổi 30 đánh dấu “độ chín” ở mỗi người, đặc biệt là với người làm công nghệ. Ở độ tuổi này, khi đã có thành tích nhất định rồi, người ta sẽ đặt câu hỏi: Vậy khát vọng lớn tiếp theo là gì?
Chúng tôi tự tin để mơ những giấc mơ lớn, những thành tựu mới.
Nếu hiện tại, MB đã làm chủ khoảng 80% ứng dụng công nghệ, thì trong khoảng 3-5 năm tới, MB đặt mục tiêu làm chủ 100% công nghệ và tiếp tục duy trì dẫn đầu toàn ngành tài chính – ngân hàng về ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là dẫn đầu về ứng dụng AI.
Anh có thể nói rõ hơn về “làm chủ 100% công nghệ”?
Công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng có rất nhiều như phần cứng, phần mềm, an ninh, cơ sở dữ liệu… Do đó, làm chủ công nghệ trước hết phải đặt mục tiêu là làm chủ những gì, làm chủ đến đâu. Đương nhiên chúng ta không thể đi một mình, nên MB cần đồng hành với các đối tác, ví dụ phần cứng, middleware thì bắt buộc phải sử dụng của hãng nước ngoài.
Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, MB đặt mục tiêu làm chủ tối đa, nghĩa là làm chủ tối ưu trong vận hành, khai thác các nền tảng hợp tác với đối tác. Khi tiếp nhận đào tạo, chuyển giao, nhân sự MB có khả năng tự làm ra các sản phẩm mới dựa trên các nền tảng công nghệ có sẵn, song song với thứ mình tự xây.
Làm chủ về mặt công nghệ đối với một tập đoàn tài chính có phải là lối đi riêng của MB?
Khi các doanh nghiệp phát triển đến một ngưỡng nhất định thì sẽ đều nhận ra: Chỉ có làm chủ công nghệ mới giải quyết được bài toán về sản phẩm, trải nghiệm khách hàng tốt hơn. Nếu cứ phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, thì tốc độ cho ra sản phẩm bị chậm, tốc độ cải thiện trải nghiệm khách hàng cũng chậm…
Trong khi MB luôn hướng tới trải nghiệm khách hàng xuất sắc, tạo ra các giá trị vượt trội cho khách hàng, do đó làm chủ công nghệ là một phần rất quan trọng trong chiến lược của MB.
Và anh dự đoán sau khoảng 5 năm nữa, các ngân hàng cũng sẽ dịch chuyển theo hướng này.
Vậy để giữ vững vị thế dẫn đầu về làm chủ công nghệ, MB đã chuẩn bị những gì?
Để tiếp tục dẫn đầu, MB hiểu rằng phải kế thừa những thứ mình đang làm tốt, đồng thời nghĩ đến những ý tưởng mới, cách tiếp cận mới để thích ứng thật nhanh với xu thế. Có 3 yếu tố cốt lõi để làm chủ công nghệ thành công mà MB sẽ luôn duy trì.
Thứ nhất, MB duy trì nguồn tài chính vững mạnh để đầu tư cho công nghệ. Công nghệ chỉ cần 1-2 năm là đã thay đổi, không thể đi theo chiến lược 5-10 năm được. Do đó nếu chúng ta không chuẩn bị ngân sách tốt để đầu tư cho công nghệ mới thì sẽ nhanh chóng bị bỏ lại rất xa. Chiến lược của MB Group là trở thành một “Doanh nghiệp số – tập đoàn tài chính dẫn đầu”, do đó việc đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số luôn được Ban Lãnh đạo ưu tiên hàng đầu. Hàng năm MB Group đều có kế hoạch đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng để mở rộng cơ sở hạ tầng cho công nghệ.
Thứ hai, MB duy trì đào tạo con người ứng dụng công nghệ mới. Việc đào tạo không chỉ áp dụng với nhân sự công nghệ thông tin, mà phải toàn diện. Đặc biệt, muốn làm chủ công nghệ thì phải đào tạo để đội ngũ ham học hỏi và có năng lực đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, MB duy trì hợp tác với các hãng công nghệ lớn. Để phục vụ tập khách hàng lớn, quy mô giao dịch lớn thì tốc độ xử lý là yếu tố rất quan trọng. Hiện tại, MB đang sử dụng các hệ quản trị cơ sở dữ liệu và công nghệ dữ liệu tiên tiến nhất từ các hãng lớn như Oracle, IBM tư vấn về chiến lược CNTT, chiến lược Microservice và DevOps, phương pháp Design thinking; Gartner tư vấn về xu thế công nghệ…
Nhân sự IT ở MB được trang bị những gì để sẵn sàng làm chủ công nghệ, không cần phụ thuộc vào đối tác như trước đây?
Sau hơn 6 năm chuyển đổi số, hiện nay các stack công nghệ của MB đã khá tiệm cận với xu thế công nghệ của thế giới. Do đó, nhân sự IT ở MB không mất quá nhiều thời gian để tiếp cận với các stack công nghệ mới hoặc làm việc với các hãng công nghệ lớn.
Chúng tôi có quy trình đào tạo chuẩn cho người mới. Khi vào việc, các bạn mới sẽ có nền tảng am hiểu nhất định, do đó việc tiếp cận công nghệ mới và làm việc với chuyên gia nước ngoài đều rất dễ dàng. Quy trình này giúp rút ngắn thời gian nhận chuyển giao công nghệ từ đối tác, nhân sự MB có thể nhanh chóng tự phát triển sản phẩm trên các nền tảng mà đối tác bàn giao.
Điểm đặc biệt nữa ở MB đó là phương pháp “cùng giải các bài toán” với các đối tác nước ngoài. Việc chọn ra các bài toán để cùng đối tác giải quyết giúp nhân sự MB có thể hiểu được vấn đề từ đầu, nên sau này có thể làm chủ và phát triển tiếp lên mức cao hơn mà không cần phụ thuộc vào đối tác.
Ví dụ về một số bài toán quan trọng mà người MB đã chủ động “tự giải”?
Anh từng trao đổi với đối tác về bài toán liên quan đến quy mô khách hàng. Ở các nước đông dân như Việt Nam, một ngân hàng như MB có quy mô khách hàng lên tới 26 triệu người, trong khi đó ở thị trường châu u, trung bình một ngân hàng bình thường chỉ phục vụ một vài triệu người. Do đó có những bài toán mà đối tác có thể chưa từng gặp ở đâu trên thế giới như: tối ưu hệ thống core để phục vụ khối lượng giao dịch lớn, bài toán về chống gian lận, tốc độ xử lý giao dịch… MB sẽ cùng đối tác đi tìm lời giải và đối tác cũng học từ mình.
Hoặc một ví dụ khác là bài toán về rò rỉ bảo mật và tấn công mạng đang được quan tâm gần đây. Hiện nay, các doanh nghiệp đang “mạnh tay” thực hiện chuyển đổi số, xu thế bắt buộc là các sản phẩm, dịch vụ phải đưa lên không gian mạng rất nhiều, mà bản chất giải pháp công nghệ nào cũng có lỗ hổng. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ tiếp xúc với các rủi ro về an ninh, bảo mật càng cao, các đối tượng xấu có nhiều cơ hội để khai thác hơn, kiếm được nhiều lợi ích hơn.
Kể cả các “ông lớn công nghệ” cũng không dám tự tin mình sẽ không bao giờ bị tấn công. Do đó, một đơn vị có tập khách hàng lớn, quy mô giao dịch lớn như MB cũng cần có những biện pháp để tự bảo vệ mình một cách tốt nhất. MB luôn chủ động săn tìm các nguy cơ an ninh mạng để kịp thời ứng phó.
Đối với phát triển phần mềm, MB đang áp dụng các quy trình như DevSecOps, pentest thường xuyên để đảm bảo sản phẩm, dịch vụ đưa ra phải an toàn. Đối với nội bộ, các phương pháp, quy trình và công cụ làm việc đều phải đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn như áp dụng quy trình quản trị rủi ro công nghệ, đi kèm với các công cụ để giám sát, theo dõi.
Chia sẻ với báo chí gần đây, Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái có nói: “Nhân sự MB đã có sẵn gen chuyển đổi số nên sẽ tiến nhanh về phía trước”. Theo anh, “gen chuyển đổi số” của người IT tại MB Group được thể hiện như thế nào?
Sau một quãng thời gian thực hiện chuyển đổi số, tất nhiên MB cũng đặt ra những tiêu chuẩn về năng lực cốt lõi cho nhân sự IT, kể cả người cũ và người mới vào.
Đầu tiên là phải có tư duy về đổi mới sáng tạo vượt trội. Thứ hai là phải có khả năng chịu được áp lực công việc cao. Thứ ba là phải có tinh thần ham học hỏi, nhanh chóng tiếp cận thách thức mới.
Đó là những “gen” mà nhân sự ở MB đang sẵn có, đồng thời những nhân sự mang “gen” này sẽ rất phù hợp với MB.
Vậy GenZ ở MB có gì khác với nhân sự ở thế hệ trước?
Nhìn chung về mặt con người, thế hệ trẻ ngày nay không có quá nhiều khác biệt so với “thế hệ trẻ” tại thời điểm anh bắt đầu. Về cơ bản, người có năng lực, có khát vọng thì ở gen nào cũng như nhau.
Thậm chí, hiện nay nhiều bạn trẻ có cơ hội tiếp xúc sớm hơn với công nghệ, các nền văn hóa khác nhau nên các bạn còn sáng tạo hơn so với thời của anh. Còn về vấn đề chịu áp lực, anh đã chứng kiến nhiều nhân sự GenZ tại MB vẫn chịu được áp lực tốt, quan trọng nhất vẫn là vai trò của mentor – người định hướng.
Một điều đặc biệt ở MB, chúng tôi gắn kết các thế hệ và vai trò công việc bằng Phương pháp làm việc 1688. Tức là 1 tầm nhìn, 6 giá trị cốt lõi, 8 định hướng và 8 phương pháp làm việc.
Mentor không hẳn là những người làm việc lâu năm, mà là những nhân sự có năng lực, key member của các dự án, có kinh nghiệm triển khai các công việc khó, có tâm sức lớn hướng về tổ chức. Họ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và dẫn dắt nhân sự mới theo phương pháp làm việc của MBer, đồng thời giúp các bạn hiểu rằng: Nếu vượt qua được thách thức lúc này thì các bạn sẽ có đủ quyết tâm lớn, khát vọng lớn, đạt được các mục tiêu ở mỗi giai đoạn.
Với mục tiêu trở thành “Doanh nghiệp Số, tập đoàn tài chính dẫn đầu” và mốc chinh phục mới là 30 triệu khách hàng Việt Nam vào năm 2026, cùng sự cạnh tranh liên tục từ các công ty FinTech, TechFin, MB sẽ còn rất nhiều việc phải làm.
Tiếp tục phát huy bản sắc của một tổ chức đề cao sự ham học hỏi, đổi mới, có trách nhiệm xã hội cao, phát triển xanh và bền vững, với nền tảng công nghệ vượt trội , sự quyết liệt của Ban Lãnh đạo, cùng đội ngũ với hơn 1000 nhân sự IT có sẵn “gen chuyển đổi số” mạnh mẽ, MB tự tin thực hiện các bước đi đầy vững chắc và vinh quang.
Tuy nhiên, với văn hóa doanh nghiệp đặt khách hàng là trọng tâm, MB cũng đang không ngừng mở rộng quy mô hoạt động và nhu cầu tuyển dụng nhân sự IT tài năng.
hoặc tiếp cận nhanh chóng mọi thông tin hữu ích về sự nghiệp IT trong ngành Tài chính – Ngân hàng tại đây.